Sunday, May 20, 2018

596. NGUYỄN MINH NỮU Dòng nước mắt xanh

Photo by Phạm Cao Hoàng, Scibilia, 20.5.2018


Mối tình đầu tiên trong đời? Vâng, nếu anh muốn tôi xin kể với anh mối tình đầu tiên trong đời của tôi, anh đừng cười nhé, tôi nói một cách chân thành rằng cho tới giờ phút này đây tôi vẫn còn là một đứa bé nếu nói về cái tình yêu đầu đời đó.

Năm đó tôi mười bốn,à chỉ độ mười ba tuổi rưỡi, tôi học lớp Đệ Ngũ, còn đứa con gái học Đệ Nhị, cùng trường, cô ta tên Hằng, Minh Hằng, cái tên thật đẹp phải không anh ?

Hai đứa chúng tôi có chung với nhau một mái trường đầy những gốc bàng to lớn, hai đứa chúng tôi lại có chung một đường đi đi về về, con đường Lê Thánh Tôn, anh à, nếu anh đã từng sống ở Sài Gòn thì anh phải biết đường Lê Thánh Tôn, là con đường đẹp nhất Sàigòn, chiều chiều, đi học về, những hàng lá me rơi vàng trên mái tóc, con đường đã đẹp lại còn trang điểm thêm bằng những tà áo trắng thì sao mà không chết người cho được ? Ngoài ra, tôi với Hằng lại có chung với nhau một con hẻm lầy lội bốn mùa như cái tình yêu đầu đời của tôi, sướt mướt. Nhà Hằng ở cách nhà tôi bằng cái hàng rào ván mục, Hằng gọi tôi là em, và tôi gọi Hằng là chị. Cái tình chị em đằm thắm chân tình, trong sạch và thánh thiện tới mức Hằng vẫn ru tôi ngủ, xoa đầu tôi, và thường xuyên hôn lên trán tôi. Đó là sợi dây liên lạc đầu tiên của những hành động vô thức đưa ta tới cái tình yêu sau này phải thế không anh? Bố Hằng làm việc ở nha Quan Thuế, mẹ Hằng buôn bán thường xuyên vắng nhà. Hằng có hai đứa em, một trai một gái, con trai là Cường học lớp Đệ Tứ, và con gái là Ngọc, học Đệ Ngũ với tôi.

Tôi mồ côi cha từ năm bốn tuổi, tôi thèm khát cái không khí nghiêm khắc nhưng không kém phần chiều chuộng của người cha, mà tôi không có được, nên tôi thích chạy qua nhà Hằng chơi, Hằng cũng vậy, mỗi lần tôi qua là mỗi lần được chiều chuộng, và tha hồ làm nũng, tôi chỉ thành thật yêu mến Hằng, tới độ không thể xa rời. Cái thứ tình cảm dễ dãi ấy mỗi ngày một đậm đà thêm lên. Không một ai ngăn cản chúng tôi. Mà ngược lại, cả mẹ tôi lẫn bố nàng còn gần như khuyến khích thêm. Những sớm đi học, những trưa cùng về, những tối sáng trăng, ngồi bên nhau nghe Hằng kể chuyện cổ tích. Anh ạ, có lẽ thiên đường có thật, ít nhất là đã có thật với tôi lúc bấy giờ. Tôi cũng rất thương yêu anh Cường, Ngọc, nhưng hình như cái tình cảm của tôi đối với anh Cường và Ngọc nó khác cái tình cảm của tôi đối với Hằng.

Tôi bắt đầu phát hiện lòng mình vào dịp Noel năm đó thì phải. Phải rồi, buổi tối, khi vừa ăn cơm xong, tôi chạy qua nhà Hằng, Hằng đang xấp xếp lại đống thiệp người quen gởi tới. Tôi thấy Hằng khen nhiều lần một cái thiệp, và bí mật cất giữ riêng chứ không treo như hàng lô thiệp khác. Tôi thắc mắc thì Hằng lắc đầu, tôi đòi xem thì Hằng giấu. Một cảm giác là lạ trong người tôi, tôi đã tự nhủ thầm, thế nào mình cũng phải xem cho được, xem một cách lén lút và thích thú. Thực ra, hàng chữ trong đó cũng chẳng có gì lạ "Cho Hằng một mùa Noel rực rỡ" ký tên Hóa. Dù mỗi ngày đi học mẹ tôi cho hai đồng, nhưng tôi cũng xin anh xin chị đủ mười đồng, anh biết rằng thời đó mười đồng khá lớn chứ, ra tiệm, tìm mua cái thiệp giống hệt như vậy, để y hệt dòng chữ tôi nhìn thấy, khác chăng là chỗ ký tên. Khi đưa cái thiệp cho Hằng, tôi nói, em muốn chị giữ cái thiệp của em thật quý, y như cái thiệp của ông Hóa. Hằng cười, xoa đầu tôi, em khỏi lo, chị sẽ cất cái thiệp của em vào chỗ khác, quý hơn nữa kia, đó là chính ngay trong lòng chị.

Lòng tôi nhẹ đi, nhìn hàng trứng cá ngoài hiên mà lòng minh cũng đỏ hồng như những quả chín mọng. Nhưng Hằng đã gọi tôi lại, nghiêm giọng, sao em lại để kỳ thế này, gọi tên chị không là hỗn đó. Tôi lắc đầu, sao ông đó để tên chị không mà chị không nói? Ông đó khác. Tôi bỏ chạy về nhà giữa tiếng gọi thất thanh của Hằng. Hôm đó tôi bỏ cơm, và khóc ướt sũng gối.

Những ngày sau đó tôi không thèm đợi Hằng đi học, không thèm chờ Hằng cùng về, buổi chiều tôi ra ngoài xóm đánh đáo, chơi u mọi, bắn bi chứ không như thường lệ chạy qua nhà Hằng. Tôi hay nổi nóng cùng bạn bè cùng lớp tuổi, thích gây sự và đánh nhau. Nhưng hầu như tất cả mọi trò chơi đều không quyến rũ nổi tôi. Tôi vẫn hay buồn, hay khóc một mình. Thật vô vị những buổi tối sáng trăng. Nhưng rồi thì Hằng cũng bắt được tôi, ngay tại gốc cây trứng cá, buổi tối. Hằng giữ tôi lại trên băng ghế gỗ, sao độ này em không qua nhà chơi ? giận chị à? Tôi nhún vai, thật người lớn, em khác, ông đó khác. Hằng kêu lên ơ kìa ?

Hằng trợn mắt nhìn tôi, đôi mắt to sáng và trong vắt như mặt trăng ngày rằm. Anh có biết rằng đôi mắt Hằng đêm đó còn đeo đuổi tôi cho đến bây giờ không?

Hằng kinh ngạc nhìn tôi lúc lâu, hai tay Hằng đặt trên vai tôi run lẩy bẩy. Hằng nói trong hơi thở rộn, ông nào ? em điên hay sao? lẩm cẩm quá?

Tối hôm đó tôi nói với Hằng rằng, em yêu chị quá. Nếu phải mất hết để được mình chị hay là mất chị để được tất cả em xin chọn trường hợp một. Hằng cười, nâng mặt tôi lên, em của chị đang làm thơ phải không ? Tôi nói được với Hằng câu đó là nhẹ hẳn nửa hồn, Hằng nói rằng em không mất gì mà vẫn được chị thì tại sao em lại không thèm qua nhà chị chơi.
- Tại chị coi ông ấy trọng hơn.

Tình yêu của tôi với Hằng chỉ có vậy, trong sạch và tinh khiết. Chúng tôi gần nhau cho tới khi Hằng lên Đệ Nhất, tôi lên Đệ Tứ thì một sớm mai. Một buổi sớm mai đáng ghét. Bố Hằng đột ngột trở về báo tin bị thuyên chuyển tới Tây Ninh. Tây Ninh ? Cái tên nào đó thật lạ lùng và nghe xa xôi làm sao. Cuộc bàn tính được quyết định gấp gáp cho số phần ba chị em Hằng. Hằng, Cường và Ngọc sẽ được gửi lại một nhà người quen trên Ngã Tư Bảy Hiền học nốt niên khóa. Buổi tối đó chúng tôi chung băng ghế gốc cây trứng cá, Ngọc thì ao ước được đi Tây Ninh với bố mẹ, Cường thì trầm ngâm, còn Hằng thì buồn thấy rõ.

Còn tôi, làm sao tôi ngăn nổi những cảm xúc trong lòng mình, một vài ngày nữa Hằng sẽ đi, tuy không xa, nhưng dễ gì gặp lại. Tôi linh cảm rằng có lẽ đây là lần chia tay vĩnh viễn. Tôi thầm cầu khấn ngày hôm nay thật dài, ngày mai vô tận, ngày mốt hoài hoài không có. Nhưng rồi đêm đã thật khuya, chia tay vào nhà ngủ. Đêm đó tôi lên cơn sốt, sốt thương hàn. Cơn sốt kéo dài không biết bao nhiêu ngày, Hằng vẫn còn ở đó, ngày ngày qua đút cháo cho tôi, bóc cam cho tôi.

Hôm nhà Hằng dọn đi, tôi tung chăn chạy ra ngoài, nhìn người phu khiêng ra ngoài cái giường cái tủ mà phát khóc. Hằng không có ở đó mà dỗ dành. Hằng đi học và lát trưa sẽ về trên nhà bà dì, ở ngã tư Bảy Hiền.

Tôi không còn gặp Hằng từ dạo ấy. Thời gian cách biệt thật cũng qua lâu, bảy năm, bảy năm sau, tôi thi rớt, rồi đi lính phục vụ trên một đơn vị ở Cao Nguyên. Có lần, về phép, bất ngờ mẹ tôi nhắc đến Hằng.
- À, mày còn nhớ ông bà Điểu không nhỉ, ông Điểu làm Quan Thuế ngày xưa ở cạnh nhà dó ?
- Nhớ chứ, ba chị em Hằng Cường Ngọc?
-Tao vừa gặp bà Điểu.
- Ở đâu?
- Chợ Lăng Cha Cả.
- Bây giờ gia đình đó ra sao?
- Ông Điều lật xe chết đã ba năm nay. Con Hằng lấy chồng rồi, thằng chồng đi lính tử trận khoảng tháng nay, thằng Cường gãy chân nằm nhà, còn con Ngọc, thật ghê cho con gái thời nay, bỏ nhà theo trai từ năm mười bảy tới giờ chẳng biết lưu lạc phương nào. Gia đình đó thật đủ mọi điều đau đớn. Con Hằng nó hỏi thăm về mày.

Tôi bất ngờ trở lại cái cảm giác ngày xưa, bàng hoàng, đau xót. Thấy ngay trái tim mình là vực sâu. Thấy ngay hình bóng mình là những đám mây trắng, thấy ngay trí nhớ mình cũng mù mịt như sương. Ôi đám mây trắng che ngang đôi mắt lóng lánh như mặt trăng rằm của buổi tối nào đó. Mới hôm nào đó mà thấm thoát đã bảy năm rồi.

Tôi cũng toan trở lại thăm Hằng, không, thăm chị Hằng của ngày xưa, nhưng rồi mải mê bạn bè. Anh cũng biết đó, ngày phép của một thằng lính vốn thật hẹp, hẹp còn hơn số tiền lương lãnh hằng tháng. Rồi tới ngày trở ra đơn vị, rồi quên đi.

Cũng một đôi khi, giữa những cuộc vui bạn bè, giữa những cơn buồn, giữa những hồi tưởng lại với bạn bè, Hằng lại trở lại với tôi. Cũng có khi với vóc dáng ngày xưa áo dài trắng, cũng có khi với những hình bóng tôi tưởng tượng ra như áo tang trắng, khăn tang gầy còm ốm yếu vừa đi vừa khóc.

Nhưng anh ạ, cho dù với hình bóng nào, Hằng cũng có đôi mắt thật trong sáng. Như một dòng sông, là không, phải coi như một dòng suối mới phải, dòng suối mầu xanh.

Anh à, cái thời gian mà tôi còn đi tác chiến ở Tiểu Đoàn 2/45 có lẽ là chuỗi thời gian bi thiết nhất, mà cũng thân ái nhất đời tôi. Tôi được thuyên chuyển về đây, cái đơn vị không tác chiến này, hãy tạm xem như thảnh thơi với chuỗi ngày sớm vác ô đi tối vác về, nhàn nhã hơn. Bất ngờ, bất ngờ anh ạ! Tôi gặp Ngọc ở thành phố này. Hôm đó, tôi cùng vài bạn bè tới khu xóm chị em ta, tôi gặp Ngọc. Mới đầu tôi không nhận ra rõ ràng đây chính là Ngọc, nhưng đôi mắt đã cho tôi cái cảm giác mơ hồ tới một thân tình nào đó, Ngọc cũng không nhận ra tôi. Tôi cố hỏi dò, Ngọc nói lên là Cúc, hỏi nhà thì nói ở Huế, hỏi đã bao giờ về Saigòn chưa thì lắc đầu. Thật tình tôi chưa nghĩ ra nổi cô gái bán hương này là ai, và quen ở đâu. Nhưng chắc chắn là quen, quen thân.

Tôi cố hỏi, nhưng càng hỏi càng thấy bực mình. Ngọc chối tất cả những gì tôi nghi ngờ đưa ra. Tôi thì cũng nhất định không tin những điều Ngọc nói. Ngày hôm đó, ngày hôm sau, tôi bị quay cuồng trong trí nhớ của mình, rồi bất ngờ tôi nhớ ra. Tôi nhớ ra rồi. Tôi đã nghĩ tới Ngọc. Có lẽ chính là Ngọc, tôi làm sao quên được đôi mắt của Hằng, tôi trở lại tìm Ngọc, chặn đầu chặn đuôi mãi, cuối cùng cô gái bán hoa tên Cúc kia đành phải xác nhận mình là Ngọc, Minh Ngọc.

Cơn xúc động làm tôi tối tăm mặt mày, dù là tôi đã chờ ôm Ngọc trong vòng tay, và quyết định, với bất cứ giá nào cũng phải đem Ngọc ra khỏi chỗ này. Điều này không khó với Ngọc, nếu Ngọc dám quay lưng lại với tất cả mọi dư luận để làm lại đời mình. Nhưng lại thật khó khăn với tôi, liệu với số lương chết đói nhà binh có thể nuôi được Ngọc không?

Tôi nhủ với lòng mình rằng, dù sao, dù sao, dù phải vượt hàng hàng lớp lớp chông gai, dù phải, dù phải khốn cùng kiệt quệ cũng phải đưa Ngọc đi, cũng phải đưa Ngọc đi.

Gửi Ngọc ở nhà vợ chồng người bạn được sáu ngày, thì tới đầu tháng lương. Ngọc cũng còn một số tiền nhỏ, chúng tôi mướn căn nhà dưới Suối, và tạm thiết trí một đời sống tạm. Tôi nói với Ngọc rằng hãy chờ anh đến kỳ phép thường niên, anh sẽ đưa em về gặp Mẹ, để chính thức chúng ta ăn ở với nhau. Ngọc đã kể cho tôi nghe về mối tình đằm thắm đầy bất ngờ của nàng. Mối tình của đứa học trò con gái đệ Nhị, yêu một thằng học trò con trai đệ Nhị. Hùng, đứa con trai đã tàn nhẫn rủ bạn bè về phá hoại đời tình nhân mình. Hùng, đứa con trai đã trốn đi một cách hèn nhát vô trách nhiệm khi hay Ngọc có thai.

Ngọc nói:
- Em trốn lên Đà Lạt và phá thai trên thành phố đó. Lên Đà Lạt vì còn mặt mũi nào sống ở Sàigòn nhìn trăm con mắt khinh miệt của bạn bè. Nguyên thấy đó, con gái không bằng cấp, không một nghề nghiệp trong tay sẽ sống bằng gì ? Ngoại trừ nghề này.

Ngọc khinh bạc tiếp:
-Đây là khoảng thời gian em đã dần hồi tỉnh, ngày trước ở Bồng Sơn em chỉ tiếp khách ngoại kiều.

Ngọc bằng tuổi tôi, nhưng hơn tôi hai tháng, nhưng thói quen nghề nghiệp nàng xưng em, và theo thói quen từ thời còn nhỏ Ngọc gọi tôi bằng tên. Điều này không làm tôi buồn mà chỉ làm tôi hơi mắc cỡ khi nghĩ rằng mình hãy còn là con nít so với Ngọc. Mặc cảm e sợ Ngọc vẫn còn trong tôi dù đã bảy năm.

Bảy năm, bảy năm đã làm tôi chai đá đi nhiều, cái ấu thời ngày thơ mơ mộng đã đánh rớt ít nhiều tại các quân trường Quang Trung Đồng Đế, ít nhiều ở những gặp phải chông gai, còn lại bao nhiêu cũng vung tay khắp các núi đồi cao nguyên (Những địa danh như Buprang, Quảng Nhiêu, Darto, Chupao đời đời vẫn nhỏ). Bảy năm làm cô Ngọc, học trò Đệ Tứ ươm mơ đã thành cô gái điếm chai lỳ, thích tiếp khách ngoại kiều. Như bảy năm quả nhiên không đủ làm cho tôi quên đi cặp mắt đêm nào.

Có những buổi tối sáng trăng, hai đứa bắc ghế ra trước sân ngồi nói chuyện, đôi mắt Ngọc cũng thật to thật sáng. Nhưng đôi mắt Hằng là hai vầng trăng sáng, còn đôi mắt Ngọc lại là một dòng suối xanh, lặng lờ đó mà cũng sôi động đó, tôi bất ngờ khen ngợi:
- Đôi mắt em thật đẹp.

Ngọc nhìn tôi cười nửa miệng:
- Cách đây bốn năm, Hùng cũng nói câu đó, nói trước khi rủ bạn bè.
- Em đừng nhắc tới Hùng nữa.

Ngọc nhìn thẳng vào mắt tôi, nói gằn giọng:
- Em nói thật cho anh biết, em vẫn yêu Hùng như ngày nào, yêu hơn nữa là khác.

Tôi lắc đầu, lúc đó tâm hồn tôi thật trống rỗng và thanh tịnh. Cố gắng tìm một chút tức giận để thấy mình yêu Ngọc, cố gắng tìm một chút hờn ghen để thấy mình mất mát, nhưng không. Lòng tôi như một tấm drap ướt, buồn bã và tịnh mạc.
- Anh thật lòng tôn trọng tình yêu đó của em.

Ngọc sững sờ. Điều này tôi nhìn thấy nơi đôi mắt của Ngọc. Thực ra, hết sức khó khăn giải thích với Ngọc rằng tôi không hề, chưa hề yêu Ngọc bao giờ. Cái tình cảm làm tôi quyết định đưa Ngọc về chung sống chỉ là tình thương hay có khác đi chăng cũng chỉ là thứ tình yêu được biến thái, biến thái nhiều.

Ngọc có những cái giống Hằng, thí dụ đôi mắt, thí dụ cái hất mặt kiêu ngạo đàn chị. Ngọc cũng có những cái khác Hằng, thí dụ đường đột hơn, mạnh bạo hơn. Tôi chưa nhận được nơi Ngọc cái đằm thắm của bàn tay Hằng trên tóc tôi.

Ngọc có vẻ hiểu những điều tôi muốn nói nhưng chưa nói đó. Ngọc thường có thái độ chống đối tôi bằng cách giận hờn vô lý, trách móc vẩn vơ, và hay kể về Hùng để so sánh với tôi.

Dĩ nhiên Ngọc làm tôi nổi giận khi nghe Ngọc nói Hùng hơn tôi và đủ mọi mặt. Từ lối sống, cách ăn chơi, cách xử sự, lối ăn nói, nét mặt hình dáng, hỡi ơi, thậm chí, Ngọc còn nói cả về kỹ thuật ăn ngủ.

Cơn giận làm tôi quên mất rằng mình đang đóng vai một khách phong trần cứu vớt cánh hoa lạc loài. Tôi nói, anh thua Hùng nhiều điểm lắm, em nhắc không hết đâu, để anh nhắc phụ với thí dụ như anh không thể rủ bạn bè về bề hội đồng người yêu mình được, thí dụ anh không tàn nhẫn bỏ trốn khi người tình có thai.

Ngọc òa khóc và nhiếc mắng tôi là đồ khốn nạn, sở khanh, sau đó Ngọc bỏ đi. Buổi trưa đi làm về, nhìn tờ giấy trên bàn "Tôi không thể sống với anh được, kẻ mà mà tấm lòng chỉ như vũng nước đó làm làm chứa đựng được ai."

Tôi thành thật nhận thấy Ngọc nói đúng. Hẹp lòng vẫn không phải là không có lòng. Trong cái hạn hẹp của lòng mình, tình cảm tôi còn cho biết phải tìm Ngọc. Phải tìm Ngọc ngay. Với bất cứ giá nào. Tôi đến tất cả mọi địa chỉ quen biết, không thấy, tôi tìm đến cả những khu νực cấm quân nhân, cũng không thấy.

Ngọc mù mịt tăm hơi giữa khi tôi kiệt lực. Đã mười ngày, nhìn trong gương khuôn mặt mình thất sắc tôi tự hỏi lòng mình hay là mình yêu Ngọc ? ờ hay là mình yêu Ngọc?

Tôi đã đầu hàng, và sửa soạn trả nhà thì Ngọc về, Ngọc về nhà vào lúc gần đêm, Ngọc khóc và nói với tôi thật nhiều.
- Em cảm ơn sự giúp đỡ của anh. Em nhận biết được lòng anh đối với em chỉ là tình thương chứ không phải tình yêu. Em thấy đã tới lúc em trở về nhà giúp đỡ mẹ, giúp đỡ chị để nuôi sống gia đình. 

Có lẽ đời sống em sẽ bình thường hơn...

Đôi mắt Ngọc sáng lên, rực rỡ.
- Làm đĩ mười phương còn một phương lấy chồng chứ.

Và trở lại mềm mỏng, cầm tay tôi và nói như khóc:
– Anh Nguyên, em chỉ xin anh một điều, em đã làm đĩ tại thành phố này, làm đĩ với tất cả đàn ông trong thành phố này, nhưng em tin là em chưa từng làm đĩ với anh, em đã sống với anh như một người vợ hiền.

Vuốt trên mái tóc Ngọc:
- Chưa bao giờ anh nghĩ đến điều đó. Ngọc ơi, anh thật tiếc rằng anh không yêu Ngọc và cũng thật tiếc là anh không có khả năng nói dối là anh yêu Ngọc. Nhưng anh nghĩ cái tình cảm anh dành cho em lớn lắm, lớn hơn cả cái gọi là tình yêu nữa.

Hôm đưa Ngọc lên phi cơ về Sàigòn, tôi hôn Ngọc, và hình như có khóc. Sự mất Ngọc trong thành phố này tạo cho tôi một lỗ hỗng lớn về thời giờ. Dòng suối xanh đã lên đường, không biết ra biển hay về núi ? nhưng nào ai biết có lạc đường hay không.

Nhiều lúc lang thang trên những con đường tối về đêm. Ngước nhìn vầng trăng tươi mát trên đầu mà bắt ngờ nhận ra, hình như Ngọc đẹp hơn Hằng, hình như tôi yêu Ngọc, tôi yêu Ngọc anh ạ, có thể lắm chứ, phải không anh ?

Nhớ Ngọc kinh khủng, nhiều khi tôi muốn bỏ lại tất cả để nhào về tìm Ngọc. Nhưng tôi cố dằn lại được. Tôi đã biết rằng mình không thể nào lấy Ngọc được, không lấy được bởi vì Ngọc là em Hằng chứ không phải Ngọc đã một thời làm đĩ. Cũng chắc chắn không phải tôi khinh Ngọc.

Người ta nói có thể lấy đĩ làm vợ chứ ai lại lấy vợ làm đĩ phải thế không anh?

Tuần trước, tôi nhận được thư Ngọc.
"... Em hiện đứng bán cái quán tạp hóa nhỏ của mẹ, đời sống bình thường mực thước. Một đôi khi cũng nhớ tới anh, nhớ như nhớ một người anh trai không hơn không kém.

...Chị Hằng đã đi làm tại ngân hàng. Thằng Tùng con chị ấy đã đi học. Anh Cường đã giải ngũ và đang xin việc làm. Một đôi khi ngồi chung với nhau lại nhắc về anh, nhưng nhắc tới thằng Nguyên của tám chín năm về trước kia. Thằng Nguyên đầu húi cua học đệ Ngũ trường Nguyễn Bá Tòng. Những gì trên Ban mê anh quên đi nhé."

Anh ạ, tôi thì cho tới bây giờ vẫn cô đơn, vẫn chưa lập gia đình, tôi vẫn còn bị quay trong đôi mắt đêm nào. Tôi vẫn thường chắp tay nguyện cầu hàng đêm, cầu nguyện với những thần linh cao cả nhất trên cõi đời mong sao dòng suối xanh sẽ tìm được một cửa bể thật rộng, thật rộng thế thôi.

À quên nẫy giờ cứ mải mê kể chuyện mà quên mất chai rượu, nào chúng ta cùng nâng ly chứ, mời anh, mời anh.

NGUYỄN MINH NỮU
(Văn số tháng 4-1973)