Ở
gian nhà bếp, nơi xét thấy thích hợp nhất, anh có đóng cây đinh vào vách, treo
một cuốn lịch gần bên bàn ăn. Tấm bìa cứng dùng để dán chặt, bôi keo ba trăm
sáu mươi lăm tờ giấy lại với nhau. Cỡ giấy khá lớn, kích thước bằng với loại
sách bỏ túi (livre de poche) của Tây. Mỗi ngày, anh dành quyền tự tay bóc rời từng
tờ. Chị tôn trọng. Chị biết anh ưa viết lách lăng quăng vào mặt sau mỗi tờ lịch.
Tuy lớn tuổi, chữ anh vẫn cứng cáp, ngay hàng thẳng lối, chưa cứng tay và… đẹp
là do bởi siêng viết hàng ngày, nét mềm mại. Chị đồ chừng vậy bởi chẳng mấy khi
chị ghé mắt đọc trộm. Trong gian bếp người ta cấu trúc một cái bàn thẳng góc gồm
nhiều hộc tủ. Chứa dao muỗng nĩa đũa búa kềm cưa kéo bao bì dây nhợ linh tinh lục
tặc… Ở đó luôn chừa một ngăn trống dùng chứa đựng “ngày tháng” của anh. Những tờ
lịch nằm yên trong ngăn hộc, ghi ra thứ cảm nhận gì đấy. Thường, anh có bôi xoá
khi viết, nhưng ít khi anh xé bỏ, vày vò, ném vào thùng rác. Anh khỏi ghi ngày
tháng khi viết xong, đơn giản vì mặt sau đã in đen đỏ con số khắc ghi thời
gian. Ngày nối ngày, tờ này chồng tờ khác. Anh cần kiệm thu gom, để dành, định
bụng hôm nào chính thức nghỉ hưu, anh sẽ bồi hồi mang chúng ra, chắp nối, chỉnh
chu nhuận sắc. Đánh máy, thu vào bộ nhớ của máy điện toán và khi nhận cái ngân
phiếu tiền già đầu tiên, anh sẽ mang chúng đi in thành sách.
Anh
ít khi tâm sự với chị. Chị cũng tôn trọng cái kín tiếng của anh, không xía phần
vào mộng tưởng riêng mang. Chị vẫn nhìn ra nét bần thần luôn đeo nặng ở bộ mặt
nghiêm nghị của anh. Chị thầm yêu anh, chẳng giống người ta cứ ưa hẹn hò cùng
nhau đi ăn nhậu hoặc chuyện trò vang rân bên bàn cà phê. Anh cô đơn, lẻ bóng đồng
nghĩa với đạo đức gương mẫu. Cách anh chọn niềm vui, thứ giải trí lạ thường ấy
khiến chị nửa an tâm, và nửa khác luôn là nỗi hoài nghi không biết cách lý giải.
Hạnh phúc đôi khi tựa đôi vầng nhật nguyệt, mỗi thứ mang một màu sáng tối khác
nhau. Đẹp, xấu, thụ hưởng là do cách nhìn của từng cá nhân. Và chị luôn ngó tới
anh như lạc hồn ngó ra cây phong hằng đêm trụ yên cuối góc vườn có trăng mông
muội chiếu bóng. Hoàn toàn, dưới mắt chị, anh chưa bao giờ mang nguồn sáng bẳn
gắt của thứ hào quang bùng vỡ mặt trời. Bóng đêm luôn chứa đầy sự ngờ vực. Bóng
tối thu cất sự quyến rũ và trong chừng mực, nó không có nghĩa là đồng loã với tội
ác.
Chị
cũng có riêng một tờ lịch in đủ tháng ghim trước cánh cửa tủ lạnh bằng bốn nụ
nam châm. Những vòng tròn mực đỏ khoanh từng con số. Có hẹn với bác sĩ lúc mấy
giờ. A nhờ trông cháu để con đi phỏng vấn tìm việc khác. Ngoài các nhắc nhở dài
dòng đó, anh còn nhìn thấy những dấu hoa thị, những ký hiệu đánh dấu rải rác chỉ
mình chị hiểu, kiểu như thời son trẻ chữ X bí hiểm ấy nhằm cho hay về ngày trứng
rụng, đại khái vậy. Hoặc kinh nguyệt trễ? Vợ chồng anh chỉ có duy một người con
gái, Anne đã lấy chồng, tiểu gia đình chúng ở cách đây khoảng bốn mươi phút lái
xe và vì có con mọn Anne vẫn thường cậy nhờ mẹ giúp một tay, không cách này thì
kiểu khác. Chị thương Anne, yêu cháu ngoại nên không hề từ nan. Có khi chị ở đậu
nhà con hai ba hôm vào cuối tuần. Ở đó chị tìm gặp nụ cười, ấm cúng vây bọc. Xa
anh, rời khỏi một không gian chừng đình trệ trong tĩnh lặng là điều đáng thực
thi. Anh chẳng thấy khó chịu chút nào khi chị thường vắng mặt và nhiều khi anh
đã ăn gian bóc lịch trước bước chân thời gian. Đừng hỏi anh hôm nay thứ mấy? Cuốn
lịch treo trong tầm tay không cầu chứng con số chính xác đâu. Anh đã tước đoạt
để làm êm một đầu óc đa đoan nhiễu sự. Anh nhìn nhận, vắng chị anh viết nhiều
hơn, thứ sáu ngày 13, viết một thôi đã đụng tới tờ 17. Không dò lại, bỏ vào hộc
tủ, đóng chặt. Tắm giấc khuya cho trôi mụ mị, vào giường lạnh, đắp mền, giấc ngủ
thường băm vụn với bao ý tưởng quàng xiên. Họ bảo, nhà văn thường có trực giác
bén nhạy. Anh hồ nghi vì anh chưa phải là nhà văn. Khi layout ra, trang đầu có
nên in hàng chữ nghiêng: “Cảm ơn EM đã tác thành trong nhẫn nại”. Anh nghĩ thế.
Hay mình ghi đủ đầy họ tên vợ? Anne, con anh thì mười phần nó đã lỡ quên tiếng
mẹ đẻ tới sáu, bảy. Tìm lời diễn đạt khó khăn, một đôi khi. Thương anh, nó chỉ
biết nói Je t’aime. Khỏi ấp úng. Nó biết anh dốt sử dụng computer, ba chỉ việc
đánh máy, hồi nào ba muốn gửi đi in, con sẽ đến giúp ba việc kỹ thuật, giàn
trang, trình bày, đánh số…
Có bữa,
giữa giấc trưa quạnh quẽ, thần hồn anh đã không chống cự được một ríu mắt, cơn
buồn ngủ bất chợt kéo thân anh vật xuống nệm giường, mê thiếp. Không lâu, chừng
mười lăm phút trì trệ chẳng biết trời trăng. Chỗ nằm lạnh, bên gối đặt cạnh còn
vướng một sợi tóc dài. Nó rụng đã bao lâu? Sao khi nhìn ra tự dưng anh nghe
lòng nôn nao. Anh đi pha một ly cà phê rồi gọi điện thoại cho Anne: Mẹ tính nán
ở đằng con mấy ngày? Ủa, mẹ chưa về tới nhà à? Đã chia tay sáng nay rồi mà. Để
làm Anne an lòng, anh tự tìm bới một nguyên cớ: Tủ lạnh trống trơn, chắc mẹ đã
tạt vào một siêu thị nào đó. Hồi nào mẹ về nhớ nói cho con biết. Anh buông điện
thoại xuống. Anh nhìn vào tờ lịch dán ở cửa tủ lạnh, không đọc thấy một ký hiệu
nào nằm bên 30 con số. Anh đến bên cửa sổ, vén màn nhìn ra con đường vắng, chiều
mùa đông bóng tối sớm chan đầy ngõ ngách. Những đốm vàng vừa thắp trên dãy đèn
chạy đâm vào giao lộ thỉnh thoảng có dáng chiếc xe buýt sật sừ băng qua. Tiếng
máy nổ nhọc mệt của nó chẳng đủ sức vọng tới tai anh một gào thét nào. Trôi đi
trong câm nín. Chị không biết lái xe, và chuyến buýt vừa vụt ngang đã không thả
chị xuống ở trạm dừng. Mất mười phút anh mới tìm được số điện thoại cầm tay của
chị. Tiếng chuông đổ chừng như bất tận và rồi nó được kết thúc, vọng tới giọng
nói của Anne: Ba à, mẹ đã để quên ở bàn ăn. Sao đãng trí vậy không biết! Anh
tính ngắt sóng nhưng chiếc taxi vừa thắng đứng ngoài ô cửa, anh nói lời cuối
vào điện thoại: Con an tâm, mẹ vừa về tới.
Chị
không đi một mình. Lý do khiến chị về muộn có thể đổ thừa vào nhân vật thứ hai.
Anh mở cửa sẵn cho họ được thong dong bước vào nhà, bởi cả hai đều bận tay ôm
giữ những bao bì. Anh có nhận ra ai đấy không? Chị nói. Anh đưa tay mang đỡ hộ
những gì có vẻ trĩu nặng bên hông chị, mắt tập trung vào nhân dáng đứng tần ngần
như thể giúp anh chóng nhận diện. Bộ nhớ đang hoạt động, có vẻ sai lập trình chẳng
đạt kết quả. Và bậc thềm là nơi không hứng nhiều nguồn sáng. Mời vào nhà kẻo lạnh,
chiều nay sao nhiều gió quá. Anh ngửi ra một thoảng hương ngọt khi đóng cửa lại.
Chị vẫn đứng đó trông lui, quan sát anh. Chị vẫn luôn bắt gặp ở anh sự vụng về
và lần này chị phát hiện thêm, anh quả là người có trí nhớ kém. Nụ cười mọc
trên môi người ấy vẫn chưa lặn mất nhưng nó không tròn nụ, ái ngại hoặc miễn cưỡng
hoặc nói cách khác, một hân hoan oà vỡ không dành cho mắt anh. Chỉ duy một đốm
sáng có khả năng cướp đi sự ngờ nghệch đang khiến anh lúng túng: Viên ngọc trai
gắn ở đôi bông tai. Không mấy xác tín nhưng miệng anh vừa thốt được hai chữ trời
ơi!
Đau
thương cũng trời ơi mà mừng tủi cũng dùng ngần ấy chữ. Thiếu đất hỡi bởi vì
chân đi trên mặt đất cũng lắm khi sẽ được giáp vòng. Ơn trời. Những tờ lịch anh
“tái sinh” đã xé rời gần trọn năm, một chu kỳ. Đã mấy mươi năm cơn mộng mới
thành hiện thực? Chương, anh gọi thầm. Đó là người đàn bà sở hữu một dung mạo
mà nhiều khi nhìn trộm Anne, anh phát hiện con gái mình có nét gì đó… Anne vô
tâm chẳng biết mình là một đầu cầu dắt trí tưởng ba mình ra đứng ngó mông về một
hình bóng cũ. Thứ cầu ván đóng đinh vững chãi, nghe sóng bên dưới thì thào những
xô động thật đằm thắm.
Chị
nói, có vẻ chạy tội giúp anh, phần khác là không muốn khách phải thấy khó xử:
Lâu nay ổng vẫn thế, vẫn nhớ trước quên sau, lộn hồn lộn vía, mình đừng thèm giới
thiệu gì cả, tự khắc rồi ổng sẽ nhớ ra. Vào đây đi. Anh đi sau lưng Chương để cả
ba đặt những túi ny-lông xuống mặt bàn kê trong gian bếp. Bạn thấy đó, nhà chỉ
có hai mạng, sống giản đơn. Hôm nay phá lệ phải mua nhiều thứ vì chẳng mấy khi
bọn này gặp được khách quý. Anh, có mua đủ gia vị đây này, chiều nay vén tay áo
vào bếp trổ tài làm món sở trường để đãi khách nghe. Mái tóc che một nửa mặt,
Chương thay đổi nhiều quá, anh lại nghĩ thầm. Và đến lúc cần phải nói ra: Hai
người gặp nhau ở đâu? Sao hay quá vậy? Không phải đặt điều chứ tự dưng bữa nay
đâm nóng ruột, anh gọi mà em lại bỏ quên điện thoại ở nhà con. Chị tiếp lời
anh: Em cũng thế, mấy khi mà đãng trí kiểu đó, lật đật chạy đi chợ như có điều
gì hối thúc… Và rồi tình cờ gặp lại Candy. Dốt tiếng Anh lắm, cả chị lẫn anh đều
hiểu candy là kẹo ngọt. Tuy ngày xưa vô duyên chẳng được mút nhưng giờ đây nhìn
ngắm đã nhìn nhận cái mòn hao ở cây kẹo di động kia. Chỉ có bạn bè cũ mới gọi
nhau bằng thứ mật ngữ ấy, và chị nhắc, như kiểu giúp anh sớm nhớ lại những
hoàng kim đã bị trấn lột, mất tăm hơi…
Gió
lạnh chẳng hiểu từ đâu trôi qua giường, trên dáng anh nằm co quắp. Chương hoặc
Candy là mẫu hình nằm ngỗn ngang giữa những hàng chữ viết tháo trên bao tờ lịch
rời… Sau cơn hàn khí là tiếng chuông điện thoại hối thúc đổ, vực anh ra khỏi giấc
“ma đè”. Giọng nghe tuồng ngái ngủ. A-lô… Sợi dây nằm cuối đường thì khác hẳn,
một thứ tỉnh táo ngập đầy bấn loạn, thất thanh. Ba à… Mẹ gặp tai nạn… bị xe đụng…
bệnh viện vừa phone cho con…
Anh
không đón nhận gì thêm. Anne đổ đầy nước mắt của nó, ngập lụt trong ống nghe…
Chết điếng, tức tưởi, thút thít. Anh ngồi bệt xuống nền nhà, ngó sửng sợi tóc rụng
của chị không dưng vướng vào tay áo. Một sợi tóc dài, bạc trắng, quấn quýt chẳng
rơi.
Hồ
Đình Nghiêm
15.5.2018