Năm
1972, Nguyễn Quyết Thắng rủ tôi tới 19 Kỳ Đồng, quận 3, nằm đối diện hới xéo về
phía trái nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Lúc bấy giờ nơi này đang được sử dụng làm
Văn Phòng Liên Lạc Sinh Viên Quốc Nội và Hải Ngoại. Đây là một tòa biệt thự cổ của Pháp, bước vào
là một khoảng sân khá rộng, rồi bước phòng khách có thể sinh hoạt chung năm bẩy
chục người, trong nữa là ba phòng dùng làm văn phòng, phòng họp và phòng văn
thư. Chỗ này là nơi gặp gỡ và sinh hoạt
cho sinh viên đang đi du học nước ngoài khi về nước có chỗ tìm đến nhau, làm
quen, kết bạn và tham dự các sinh hoạt cùng sinh viên trong nước. Điều hành
chung là anh Đỗ Ngọc Yến. Anh Yến là Huynh trưởng của phong trào Du Ca nên đây
là nơi các Huynh Trưởng Nhạc Sĩ của Du Ca thướng ghé chơi như các anh Ngô Mạnh
Thu, Nguyễn Đức Quang, Trần Văn Bùi,và các trưởng trẻ của Du Ca như Đặng Mục Tử,
Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Hữu Nghĩa, Bùi Công Bằng...
Trong
số các sinh viên làm việc thường xuyên tại văn phòng, tôi quen với Lương Văn Tự, Nguyễn Ngọc Linh ,
Đinh Việt Hùng, Nguyễn Văn Thanh. Ở địa
điểm này, mỗi cuối tuần có những buổi sinh hoạt trình diễn âm nhạc truyền thống,
và một đơn vị Du Ca hoạt động thường xuyên là Ca Đoàn Trung Ương của Phong trào
Du Ca.
Hôm đó,
Nguyễn Quyết Thắng đưa tôi tới để xem Thắng trình diễn một số ca khúc trong
chương trình cuối tuần này. Trước phần trình diễn của Thắng là một màn độc tấu
đàn tranh. Người nữ thướt tha trong áo dài gấm vàng, đội khăn hoàng hậu. Cô ta ngồi
xuống, cây đàn để trên đùi và ngón tay thoăn thoắt lướt trên 16 sợi giây
đàn, tỏa mênh mông suốt khán phòng một làn hương dân ca dìu dặt. Tôi nghe và thấy
lòng dào dạt thương yêu. Đôi mắt cô ta tròn xoe, lúc nhìn xuống đàn, lúc ngước
lên nhìn bao quát, tôi nhìn được một cái gì đó mơ màng như mắt nai , và dịu
dàng như người em gái nhỏ. Hết phần trình diễn này là tới phần Thắng hát. Tôi
ngơ ngác nhìn theo cô bước vào hậu trường. Không cần ai giới thiệu tôi bước
theo cô và làm quen.
-
Lúc nãy tôi vào trễ nên không nghe được người ta giới thiệu cô tên gì. Vậy cô
tên gì vậy?
Cô
ta quay lại nhìn tôi, vẫn cặp mắt mơ màng đó nhìn từ trên xuống dưới rồi trả lời
nghiêm chỉnh:
-Tuần
sau , anh tới sớm hơn sẽ nghe được người ta giới thiệu tên người trình diễn mà.
-Ồ…
Nguyễn Văn Thanh, người điều khiển chương trình, là bạn tôi, tôi có thể hỏi anh
ta .
-Thế
sao anh không hỏi anh ta mà hỏi tôi?
- Trời
ạ, tôi tưởng hỏi cô thì nhanh hơn chứ.
-
Anh lầm rồi đó.
Nói
xong cô mỉm cười có vẻ hài lòng và quay mình bước vào phòng.
Tôi
đành thở dài quay lại hội trường ngồi nghe Thắng hát và chờ cuối chương trình sẽ
hỏi lại. Nguyễn Văn Thanh mà sau này
thành một đạo diễn kịch nghệ với tên Phương Cửu
cho biết cô ta tên Ngọc Trai, sinh viên khoa học, thành viên ca đoàn
Trung Ương. Khi chương trình chấm dứt, tôi không về ngay mà chờ cô ta ra là bước
tới hỏi chuyện:
-Ngọc
Trai về một mình mà tay cầm đàn có vướng không? Hay tôi đưa Ngọc Trai về nhe?
Cô
ta khựng lại, nhìn tôi, bây giờ thì cô ta đeo cặp kính trắng to. Cặp mắt không
còn mơ màng nữa, mà sắc như dao lướt qua tôi. Nhưng cô lại cười tươi tắn:
-Được
chứ. Anh đến đây bằng gì?
- Bạn
tôi chở.
- Vậy
anh định đưa tôi về bằng gì?
-
Ơ.., tôi… tôi…
May
quá, Thắng chạy tới cứu bồ, Thắng nói Tôi chở Nữu cầm đàn cho Ngọc Trai và chạy
theo Ngọc Trai về nhà như vậy an toàn hơn.
Ngọc
Trai trả lời:
-Tôi
nghĩ rằng tôi đi một mình an toàn hơn.
Cô
ta ngừng một chút rồi nói:
“Nhưng
nếu hai anh chạy theo bảo vệ thì cũng vui mà... “
Từ
lúc quen Ngọc Trai, tôi tới chơi với văn Phòng Liên Lạc nhiều hơn, từ đó kết
thân với Nguyễn Ngọc Linh và Đinh Việt Hùng. Cả hai đều là Du Ca, và là nhân
viên thường trực tại văn phòng. Đinh Việt Hùng hát hay, vừa đoạt giải Khôi
Nguyên Tiếng Hát Sinh Viên, còn Nguyễn Ngọc Linh thì phụ trách về Kỹ Thuật, là
toán trưởng một toán Du Ca.
Đầu
tiên là hẹn Ngọc Trai ở văn phòng liên lạc. Thuở ấy, phương tiện liên lạc với
nhau chỉ là viết thư, không có phone, không có fax, cho nên gặp lần này là hẹn lần sau, hoặc tới sớm nhìn lên bảng nhắn tin coi có mẩu nhắn tin nào gắn lên
đó .
Văn
phòng 19 Kỳ Đồng là nơi gặp gỡ của sinh viên các trường Đại Học trong và ngoài
nước, tôi là một người đặc biệt, cũng là sinh viên, nhưng là sinh viên sĩ quan
Thủ Đức. Mỗi chiều thứ sáu, đi phép về là đi thẳng tới văn phòng, vẫn mặc trên
người quân phục đi phép. Thường thì sau giờ sinh hoạt chung, khoảng hơn 8 giờ tối , Ngọc Trai và tôi đi về trên chiếc xe Yamaha nữ mầu xanh nước biển của Ngọc Trai. Một lần, vừa tới nơi, tôi thấy Ngọc
Trai vẫn còn ngồi trên xe ở sân trước. Cô ngoắc tôi chỉ ra ngoài. Đi theo ra
ngoài, ngồi phía sau cho Ngọc Trai chở, tôi vẫn nghĩ là sẽ chạy lăng quăng đâu
đó như mọi lần, rồi ghé quán cà phê Phấn Thông Vàng trên đường Nguyễn Thông
nghe nhạc tình hoặc ghé hội quán Cây Tre ở Đinh Tiên Hoàng nghe nhạc Thân Phận,
nhưng khi chạy ra tới Ngã Sáu, Ngọc Trai quay lại hỏi tôi nhà ở đâu.
-
Nhà... nhà ai?
-Nhà
bạn chứ ai.
- Để
làm gì?
- Về
thay đồ dân sự đi.
Tôi
chỉ đường cho cô chạy về cầu chữ Y, vào nhà thay vội bộ quần áo dân sự rồi lại
leo lên xe cho cô chở đi, chẳng hỏi là đi đâu. Ngọc Trai chạy về phía quận 6, rẽ
vào khu cư xá Phú Lâm B, và ghé vào một căn nhà lớn như một cái biệt thự. Bên
trong có khoảng mười mấy thanh niên nam nữ ngồi quanh nhau, mọi người chào hỏi
vui vẻ và bày biện ra bánh kẹo trái cây
nói rằng hôm nay là sinh nhật ai đó . Lát sau có một người tới nữa, lớn
tuổi hơn chúng tôi , người này mọi người gọi là anh Huỳnh.
Anh
Huỳnh thấp người, khuôn mặt vuông vức nhưng xanh lét như người bệnh sốt rét. Ngọc
Trai nói với tôi anh Huỳnh trước học ở Khoa Học, ra trường lâu rồi, tới chơi
đây như một người anh. Khi vòng tròn ăn uống tạm vơi, anh Huỳnh có nói gì đó về
trách nhiệm thanh niên, về dân tộc, sau đó hướng dẫn mọi người cùng vỗ tay hát
chung một số bài ca sinh hoạt thanh niên. Trong đó có bài tôi biết, có bài tôi
không biết. Anh Huỳnh liếc qua tôi và lục trong túi xách mang theo một xấp giấy
đưa cho tôi, giọng thân mật, nhắc tôi nhìn vào giấy này và hát theo mọi người.
Tôi
gật đầu, lật phớt phớt vài trang xấp giấy quay ronéo đó, đọc và giật mình khi
thấy thoáng qua là những lời ca mang nặng tính đấu tranh và hận thù . Tôi chợt
hiểu lý do Ngọc Trai muốn tôi thay quần áo dân sự trước khi đến đây. Tôi ngồi im
suốt buổi, cho tới khuya mới về.
Ngọc
Trai chở tôi về nhà cô ta. Nhà nằm trong
đường hẻm đối diện trường Quốc Gia Hành Chánh ở đường Trần Quốc Toản. Căn nhà rộng
bề ngang và khá sâu, bên ngoài là phòng khách, rồi tới một phòng lớn có cầu
thang lên lầu, phía sau là xưởng ép đế giầy bằng mủ cao su. Tôi gặp mẹ của Ngọc
Trai. Cụ bảo khuya quá đi đường không tiện, cháu cứ ngủ lại trong xưởng với mấy
anh công nhân cũng được. Tối đó, tôi lấy cái ghế bố ngủ lại ở cái phòng có cầu
thang lên lầu. Gia đình Ngọc Trai ở trên lầu, cửa khóa lại.
Tôi
học ở Thủ Đức xong, ra trường về đơn vị ở tiểu khu Định Tường. Đôi mắt cận thị nặng không phù hợp cho những đêm di chuyển giữa bùn lầy sình nhão, nên tôi xin
đi khám mắt và sau đó được giải ngũ vào cuối năm 1974. Những ngày còn quanh quẩn
ở Sài Gòn, Ngọc Trai thường đưa tôi đi gặp nhiều nhóm bạn khác lạ. Dù dị ứng với chính trị, nhưng tôi cũng mường
tượng ra một cái gì không bình thường ở những nhóm sinh hoạt này.
Tôi
thường từ chối đến với các sinh hoạt thanh niên theo từng nhóm, viện lý do
không phù hợp để đưa Ngọc Trai rong chơi trong thành phố. Trên chiếc xe hai
bánh mầu xanh nước biển, tôi chạy dọc bến sông, từ bến Bạch Đằng, qua bến Hàm Tử,
qua bến Lê Quang Liêm vào tuốt gần Bình
Chánh, rồi ngược ra , chạy theo xa lộ Đại Hàn, chạy ven phía nam thành phố ,
qua đến Bình Dương, vòng xuống Gò Vấp để về lại Hàng Xanh… Có khi chúng tôi dừng
lại ven đường, ghé vào một quán cóc gọi ly cà phê đen đá, thong thả nhìn đời sống
kham khổ nhưng yên bình của người dân, có khi
trời còn nắng, chúng tôi chạy vào rừng cao su ven xa lộ, ngồi nghỉ ngơi
dưới tàn lá rậm , rì rào con gió mùa hè và nghe Ngọc Trai khao khát một đời sống
bình yên khi đất nước hòa bình…
Ngọc
Trai nằm thoải mái soải chân trên nền lá vàng, hát mê say
: nếu là chim tôi sẽ làm loài bồ câu trắng, nếu là hoa tôi
sẽ là một đóa hướng dương…(Tự Nguyện- nhạc Trương Quốc Khánh)
Còn tôi, tôi hát cho Ngọc Trai nghe Bài Hương Ca Vô Tận của Trầm Tử Thiêng: Hát nữa đi Hương hát điệu nhạc buồn, điệu nhạc
quê hương .Hát nữa đi Hương hát lại bài ca tiễn anh lên đường .Ngày đao binh
chưa biết còn bao lâu, Cuộc phân ly may lắm thì qua mau ,Hát nữa đi Hương hát để
đợi chờ…
Những
lúc không đi đâu, tôi cùng Ngọc Trai thường đứng ở lầu một biệt thự 19 Kỳ Đồng. Khung
của sổ lớn nhìn ra khoảng sân rộng bên dưới, ngoài đường tiếng xe chạy vọng vào
xa xa, chiều về chầm chậm , tiếng chuông nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế thánh thót
báo lễ chiều, và thả hồn mình vào những khao khát hòa bình dù chưa biết cuộc
tương tàn sẽ chấm dứt bằng cách nào. Hiệp định Paris đã ký kết cả ba năm rồi mà
có ngày nào trên đất nước không có tiếng súng đâu.
Buổi sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi đứng
trên đường Nguyễn Biểu, nhìn dòng người táo tác, mặt mày thất sắc ,ôm đồ đạc chạy
từ quận 8 qua, rồi lát sau, một toán bộ
đội súng cầm tay đi tới. Cái cảm giác bàng hoàng, buồn vui lẫn lộn. Vậy là hòa
bình rồi hả? Vậy là chấm dứt chiến tranh rồi hả? Cái chết không còn là sự đe doạ nữa nhưng rồi cuộc sống sẽ như thế nào đây…
Bất
ngờ nhìn thấy chiếc xe Yamaha chạy vào hẻm, tôi vội về nhà, và sửng sốt nhìn Ngọc
Trai.
Là
Ngọc Trai đó sao? Vẫn trên chiếc xe gắn máy quen thuộc, nhưng hôm nay Ngọc Trai
mặc đồ xanh của bộ đội miền bắc, sau lưng đeo một khẩu súng dài, chiếc mũ tai
bèo cột chặt đưới cằm thật xa lạ trong mắt tôi.
Cô
ta ngoắc tay, kêu tôi ngồi lên xe. Đi đâu? – Đi, làm việc. – Làm việc gì? Tôi
biết gì mà làm? – Lên xe đi, lát nữa rồi
biết.
Ngọc
Trai chạy về phía Chợ Lớn, chạy qua Nguyễn Tri Phương, bùng binh An Dương
Vương, rồi ghé vào Đại Học Xá Minh Mạng. Ngoài cổng Đại Học Xá có người gác cửa,
họ quen thuộc với Ngọc Trai nên mở cổng cho cô chạy vào. Bên trong, không có một
sinh viên nào mà thấp thoáng từng toán bộ đội ngồi đứng xa xa… Ngọc Trai đưa tôi vào một dãy nhà đang
có đông người lố nhố , có thường phục,
có áo bộ đội , có nón cối , có dép râu, có mũ tai bèo, chợt một người quay ra
nhìn tôi cười , khuôn mặt xanh xám , hai tay lỏng khỏng trong cái áo bộ đội quá
khổ. Người này nói ông rất vui khi gặp lại tôi… Tôi khựng lại và nhớ ra … anh Huỳnh. Ngọc Trai nhanh chóng giới thiệu, Huỳnh là họ
thôi, anh Tư đây nguyên là Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn đó. Tôi bật lên, à…
Mấy
ngày sau đó, tôi hiểu ra, cái mặt ngoài là mồ côi cha của Ngọc Trai chỉ là cái
vỏ bọc. Cô ta là con gái của một cán bộ nằm vùng. Căn nhà mà tôi đã từng tới,
đã từng ngủ lại là một cơ sở bí mật
tàng trữ vũ khí. Công việc sản xuất đế giầy cao su chỉ là mặt nổi để họ vận
chuyển vũ khí vào thành phố gói kín trong những bành cao su to đùng chuyển từ
Tây Ninh về. Tôi còn biết thêm cái ghế bố mà tôi đã từng nằm được kê trên nắp hầm
bí mật chứa vũ khí bên dưới. Sau này, người ta giữ lại căn nhà Ngọc Trai ở như một di tích, vì đó là nơi duy nhất ở Sài Gòn cất dấu vũ khí đạn dược mà không bị
phát hiện.
Ngọc
Trai tạo điều kiện để tôi tới nhà và gặp người Cha bí mật của mình. Thân phụ của
cô người cao lớn, nói tiếng bắc vùng Nam Định, câu chuyện không dài nhưng cởi mở. Ông
nói:
“Tôi
nghe bà nhà nói về chuyện cậu với con Ngọc Trai nhà tôi. Tôi biết cậu là
sĩ quan, muốn tính chuyện lâu dài, cần phải ổn định cuộc sống. Muốn ổn định thì
cậu cần phải học tập. Tôi có thể giúp cậu bằng cách đưa cậu ra phường trình diện
và đi học tập ngay. Học xong sớm rồi về mà xây dựng lại cuộc sống gia đình.
Tôi
hoãn binh bằng cách nói rằng sẽ bàn lại với gia đình. Nhưng thực sự trong tinh
thần hoang mang bất định lúc đó, tôi có cái cảm giác mọi chuyện không đơn giản
như lời nói, và xã hội đang vận hành bằng những bước đi phức tạp và khá buồn.
Tôi về, và bắt đầu tránh né những lần đi chung với Ngọc Trai. Rõ ràng vẫn là cô
gái ấy, vẫn là những săn sóc chăm lo cho nhau, nhưng giờ đây một cái gì đó
không tả ra được làm con người mình dường như không là mình nữa.
Lúc
thân phụ Ngọc Trai (về sau tôi biết bí danh là Ba Mủ) đề nghị tôi đi học tập
thì chưa có lệnh tập trung sĩ quan công chức miền nam đi học tập, nghĩa là lúc
đó chẳng ai biết học tập cải tạo là gì, ra sao, và sau này, khi hồi tưởng lại,
tôi cũng tin chắc rằng ngay cả người nằm vùng như bác Ba Mủ cũng không biết thế
nào là tập trung cải tạo.
Ngọc
Trai ghé nhà nhiều lần không gặp, để lại thư nhắn tôi lên số 4 Duy Tân buổi
sáng để gặp bạn bè.
Khi
tôi lên, gặp lại Bằng, Hùng, Linh, Linh
đầu bạc ,Hùng hí và Di. Di đề nghị chúng tôi lập lại một nhóm giống
như Du Ca, lấy tên là Thanh Ca Tác Động. Nhóm này khi sinh hoạt tại số 4 Duy
Tân đã tập trung lên đến hàng trăm thanh niên sinh viên tới chơi chung. Nhóm dược
đưa vào hội trường chính để nghe hát và dạy hát cách bài ca mới, rồi đưa đi các
trường Đại Học dạy lại cho sinh viên … Dường như chỉ khoảng vài tháng, một buổi
sáng, đang tập họp thành vòng tròn, một cán bộ thành đoàn xuống phổ biến một
thông báo, thông báo rằng giải tán tổ chức Thanh Ca Tác Động, và cấm các thành
viên của nhóm tự ý tụ tập sinh hoạt bất cứ nơi đâu.
Chúng
tôi chia tay nhau, ai về nhà nấy.
Không
gặp lại Ngọc Trai.
Tháng
9 năm 1975, đợt đổi tiền đầu tiên ở miền nam
là một cú đấm trực diện vào kinh tế xã hội miền Nam. Thiếu thốn , kham
khổ từ trước, nay nặng nề hơn thành đói kém , thê lương. Mọi gia đình đều cố gắng
thu vén, bán được cái gì thì bán bớt bổ sung vào miếng ăn. Những gia đình họ
hàng mà tôi quen biết, gia đình nào cũng có nỗi đau xót riêng, tựu trung là mất
mát, chia ly, thiếu hụt và cái chung nhất là hoang mang không biết sẽ ra sao. Mấy anh chị trong gia đình tôi thì
hai người anh đi học tập cải tạo chưa biết bao giờ về, một gia đình người chị
đi nước ngoài, một gia đình người chị ở lại đi dạy học và thường xuyên lên lớp
với cái bụng trống không. Tôi không tìm được việc làm, kể cả công việc nặng nhọc
như lao động.
Giữa
lúc đó, Ngọc Trai tìm đến. Cô ta hỏi thăm về anh Diễm, người anh kế tôi, đang
học tập cải tạo ở Đà Lạt. Mẹ tôi thở dài, không có tin tức gì, kể cả con dâu và
bốn đứa cháu nội. Ngọc Trai hỏi Bác có muốn con đưa Nữu lên Đà Lạt thăm anh Diễm
và gia đình không? Tôi lắc đầu liền,
không đi đâu, xe cộ khó khăn và tiền bạc không có. Nhưng mẹ tôi thì nghĩ đến
con trai, con dâu và các cháu nên bị lung lạc. Để làm mẹ yên long, tôi theo Ngọc
Trai lên Đà Lạt tìm thăm anh Diễm.
Khi
xe chạy ra khỏi thành phố, chúng tôi ngồi bên nhau trong im lặng. Tôi đưa mắt
nhìn mông lung những hàng cây xa tít tắp,
những mảnh vườn ,mái nhà hiu quạnh bên
đường. Tôi thoáng có ý nghĩ tìm một miếng đất
làm vườn làm rẫy sống qua ngày … Khi xe gần đến Bảo Lộc để chuẩn bị dừng cho
khách ghé ăn trưa, Ngọc Trai dúi vào tay tôi tờ giấy 50 đồng, nói cầm lấy để
chi phí lặt vặt cho chuyến đi. Ăn trưa xong, tôi rút tiền ra trả nhưng nhân
viên tiệm ăn từ chối. Tờ giấy 50 đồng quá lớn khi ăn hai đĩa cơm chưa tới 3 đồng… Tờ 50 đó tôi giữ lại cho tới
khi về lại Sài Gòn trả lại cho Ngọc Trai.
Những
ngày ở Đà Lạt, Ngọc Trai trở về như cô
gái ngày xưa, đằm thắm, dịu dàng, sắc sảo và rất thông minh. Chúng tôi vào tận
trại cải tạo ở Trại Mát thăm anh Diễm, rồi
sau đó đi thăm chợ Đà Lạt, Thác Prenn, Cam Ly, tản bộ trên sân Cù, đi bộ dọc
theo hồ Xuân Hương. Cả hai không đề cập
hay nhắc tới chuyện tôi đến gặp bác Ba Mủ, hay chuyện tình cảm giữa hai người.
Tôi biết chắc đó không phải là tình yêu, chúng tôi chưa bao giờ nói với nhau những
lời tình tứ riêng tư. Có lần, Ngọc Trai
nói dường như tôi đã thay đổi nhiều lắm, cái sôi nổi, hào hứng ngày xưa có vẻ như
đã chìm vào đâu đó.
-Không
phải vậy, Ngày xưa khi tôi nói là tôi
tin rằng những điều mình nói là đúng, nên đủ tự tin để bày giải ra và hăng say
bảo vệ nó.
-Còn
bây giờ?
-Bây
giờ? Bây giờ tôi nghi ngờ cả sự có mặt của tôi trên mặt đất này, không chừng
cũng là điều không thực.
-Bạn
không cảm thấy vui khi mình đi bên nhau sao?
-Ngọc
Trai vẫn là một người nữ nhiều cá tính và thú vị. Bên cạnh Ngọc Trai là bên cạnh những đợt cuồng
phong, cạnh những làn sóng lớn, những chuyển dịch bất ngờ… và đôi khi từ đó vẫn
nảy sinh những ước mơ nóng bỏng… nhưng …
-Nhưng
sao?
-Nhưng
đời sống vẫn phải có sự bình ổn về tinh thần. Sự bình an và thư thái nhẹ
nhàng…..
-Bạn
thấy bất an khi mình ở bên nhau?
-Không
nói thế được, sự bất an trong tôi bấy
lâu nay là thường trực, dù có Ngọc Trai bên cạnh hay không.
Chúng
tôi cùng im lặng , và giữ gìn tránh trao đổi cho tới lúc về lại Sài Gòn. Tôi buồn. Và buồn hơn khi tôi biết tôi làm Ngọc Trai buồn. Ngọc Trai dành cho tôi rất nhiều
sự quan tâm, và có thể nói là chiều chuộng, ngoài trừ những lúc tranh luận, còn
không thì Ngọc Trai chiều chuông như chiều chuộng một đứa em. Bên cạnh Ngọc
Trai tôi thấy mình nhỏ bé và thiếu tự tin. Tôi quý Ngọc Trai nhiều lắm, nhưng
cái tình cảm đó có vẻ như tình bạn, một tình bạn không bình đẳng mà tôi thuộc về
phía yếu kém.
Khi
xe về đến bến ở đường Nguyễn Tri Phương, chúng tôi đi bộ về nhà Ngọc Trai sau
đó cô ta lấy xe chở tôi đi. Chúng tôi chạy loanh quanh và ghé ngang qua 19 Kỳ Đồng.
Ngôi biệt thư bây giờ bỏ hoang, không người cư trú. Cây hoa sứ lớn giữa sân
trong bóng đêm như tỏa ra một vòm tối ám, âm u, nhìn lên trên lầu, cái cửa sổ rộng
mở toang, nhìn vào bên trong một khoảng nhờ nhờ trắng , hoang tịch. Ngọc Trai hỏi
tôi có muốn ghé vào thăm một chút không. Tôi lắc đầu. Ngọc Trai đưa cho tôi một mảnh giấy nhỏ gấp tư
và bảo lát về nhà hãy đọc, rồi rồ ga chạy.
Khi
Ngọc Trai chở tôi về nhà ở cầu chữ Y, trời đã tối, chuyến đi bốn ngày làm cơ thể
tôi nhão ra như mất sức, những suy nghĩ dằn vặt làm tôi chóng mặt và có cảm
giác như đang sốt. Tôi lăn ra ngủ. Sáng
hôm sau, thức dậy, chợt nhớ tới tờ giấy Ngọc Trai đưa hôm qua, tôi ngồi dậy lục
tìm và mở ra. Trong đó chỉ một dòng chữ ngắn :
“Philippe ơi, đọc
nhật ký của Isabelle nhé”
Philipe là nhân vật nam, còn Isabelle là nhân vật nữ trong tác phẩm Climats (Mặc Đỗ dịch với tựa là Tâm Cảnh) của André
Maurois. Cuốn sách Ngọc Trai tặng tôi hồi hai đứa mới quen nhau, tôi tìm trong
nhà, không còn cuốn đó, nhưng vì là sách được dậy trong chương trình
giáo khoa lớp đệ nhị, nên tôi nhớ đại khái là khi Bác Sĩ Philipe chết vì bệnh phổi, vợ ông, Isabelle, viết trong nhật ký hồi tưởng, câu kết thúc nhật ký và cũng là kết thúc tác phẩm là : “ Em tin rằng nếu em
giữ được anh, em sẽ biết cách đem vui sướng đến cho anh, nhưng định mệnh và lý
trí chúng ta thường lỗi điệu”.
NGUYỄN MINH NỮU
Virginia,
tháng 5.2018