Gửi Nhóm Bạn Cửu Long
Để tưởng nhớ Mai Chửng
điêu khắc gia tượng đài Bông Lúa 1970
Primum Non Nocere / Trước hết không gây hại.
Hình
1: tới Cửa
Trần Đề mút cuối con sông Hậu, từ trái: Ngô Thế Vinh trên bãi biển Trần Đề;
giữa & phải: ĐBSCL với bờ biển ngày đêm bị sạt lở và sói mòn. [photo by
Phạm Phan Long & Ngô Thế Vinh]
TỚI
CỬA TRẦN ĐỀ MÚT CUỐI SÔNG HẬU
Từ con Kênh Vĩnh Tế biên giới Việt Miên tới
Cửa Trần Đề, có thể nói chúng tôi đã đi gần suốt chiều dài con sông Hậu.
Nguy cơ rối loạn dòng chảy hạ lưu là có thật
và có thể nhìn tử thượng nguồn. Nhìn về Phương Bắc, từ hơn hai thập niên qua,
người viết không ngừng báo động về những mối nguy cơ tích luỹ không thể đảo
ngược từ phía thượng nguồn do nạn phá trắng những khu rừng mưa nhiệt đới
(rainforest), rồi những khu rừng lũ (flooded forest) quanh Biển Hồ, tới kế
hoạch phá đá phá các ghềnh thác (Mekong rapids blasting project) khai thông mở
rộng dòng sông Mekong để cho tàu bè của Trung Quốc vận chuyển hàng hoá tràn
xuống các quốc gia hạ lưu, cùng với ảnh hưởng lâu dài là những con đập bậc thềm
khổng lồ Vân Nam, tiếp đến là chuỗi 12 dự án đập dòng chính hạ lưu ở Lào và Cam
Bốt với hậu quả gây rối loạn dòng chảy, mất nguồn cát nguồn phù sa nơi các hồ
chứa, với thời gian có thể đưa tới một tiến trình đảo ngược, một Đồng Bằng sông
Cửu Long / ĐBSCL còn non trẻ có thể từ từ tan rã.
Hình
2: 16 năm
trước thời điểm tháng 9.2002, tác giả đứng bên chân con đập Mạn Loan / Manwan
1.500 MW, con đập lịch sử, con đập dòng chính / mainstream dam đầu tiên trên
thượng nguồn Sông Lancang-Mekong Vân Nam, Trung Quốc. [tư liệu Ngô Thế Vinh]
Trung Quốc đang khống chế không chỉ Biển Đông
mà còn trên toàn Lưu vực sông Mekong, Việt Nam là một quốc gia cuối nguồn, giới
cầm quyền VN thì lệ thuộc về chính trị vào Trung Quốc và do đó hoàn toàn bị
động. Cho dù Việt Nam thỉnh thoảng có lên tiếng phản đối yếu ớt nhưng thực tế
không có chiến lược gì cụ thể và hầu như không làm được gì để bảo vệ sự sống
còn của hơn 17 triệu cư dân ĐBSCL và cũng là vựa lúa của cả nước. Đó là một sự
thật.
Quá trình tự huỷ xảy ra ngay tại ĐBSCL. Lòng
sông không ngừng bị nạo vét để lấy cát. Diện tích rừng tràm rừng đước tiếp tục
bị phá và thu hẹp. Khai thác vô hạn các tầng nước ngầm. Thêm vào đó là những dự
án trọng điểm của nhà nước được cổ xuý là để “cải tạo” ĐBSCL từ sau
1975, nhưng đã gây tác hại nhiều hơn. Đó là những huỷ hoại mang tính tích luỹ.
Hậu quả nhãn tiền là bờ sông, bờ biển không
ngừng bị sạt lở, đất lún nhanh hơn biển dâng, nạn nhiễm mặn trầm trọng hơn và
rõ ràng là nguồn tài nguyên thiên nhiên của cả một vùng đất mới vốn được ưu đãi
thì nay cứ nghèo dần đi. Kết luận dễ dàng nhất để rũ bỏ mọi trách nhiệm là đổ
lỗi cho Mẹ Thiên nhiên, cho Biến đổi Khí hậu nhưng không thể
không kể tới một chuỗi hậu quả tích luỹ của những yếu tố nhân tai, do chính con
người gây ra với sự thụ động của giới cầm quyền.
Hình
3: 600 km bờ
sông các tỉnh Miền Tây đang bị sạt lở; hình trái, sông Hậu tỉnh An Giang
với nhiều khúc bờ sông bị sạt lở do nhiều yếu tố nhân tai: mất lượng phù
sa do hồ chứa nơi những con đập thuỷ điện thượng nguồn, nạn phá rừng, nạo vét
lòng sông khắp nơi để khai thác cát. [photo by AX, VN Express 15.05.2017]; hình
phải, bờ sông Hậu sạt lở nơi huyện Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp. [photo by PanNature
VN 2009
Hình
4: Dọc bờ biển
ĐBSCL cũng ngày đêm âm thầm bị xói mòn / beach erosion; so với sạt lở ven sông,
tình trạng sạt lở ven biển trầm trọng hơn nhiều. Một dãy nhà bị đổ sụp xuống
sông được báo chí và dân chúng quan tâm nhiều hơn nhưng sạt lở ven biển là một
cái chết chậm và rất âm thầm; hình trái, là cây bần bật gốc bị cuốn trôi rạt
nơi cửa sông Trần Đề. [photo by Ngô Thế Vinh 2017]; hình phải, sạt lở rừng ven
biển gây mất đất đai tại huyện Phú Tân tỉnh Kiên Giang. [photo by PanNature VN
2012]
QUA
CÙ LAO DUNG
Gần tới Biển Đông, gặp Cù Lao Dung, sông Hậu
chia làm hai nhánh: hữu ngạn chảy ra cửa Trần Đề (trước đây còn có tên gọi là
Trấn Di) thuộc tỉnh Sóc Trăng; tả ngạn chảy ra cửa Định An thuộc tỉnh Trà Vinh.
Ở giữa hai cửa Trần Đề và Định An là cửa Ba Thắc rất nhỏ đã bị phù sa vùi lấp từ
trăm năm trước. Cửu Long chín cửa: 9, thực tế chỉ có Bát Long: 8, nay thêm cửa
Ba Lai của sông Tiền bị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây cống đập
chặn mặn bít kín, chỉ còn là Thất Long: 7. [Hình 5a]
Hình
5a: Cửu
Long Chín Cửa Hai Dòng, nay chỉ còn Bảy Cửa: sông Hậu ba cửa nay còn hai:
(1) cửa Trần Đề, (2) cửa Định An, (cửa Ba Thắc / Bassac đã bị lấp). Sông Tiền sáu
cửa nay còn năm: (3) cửa Cung Hầu, (4) cửa Cổ Chiên, (5) cửa Hàm Luông, (cửa Ba
Lai đã bị đắp đập làm cống chặn mặn từ năm 2000), (6) cửa Đại, (7) cửa Tiểu.
[nguồn: bản đồ Dragon/ CTU; với ghi chú của Ngô Thế Vinh, CLCD BĐDS p.360]
Hình
5b: Cù lao
Dung chia sông Hậu ra làm hai nhánh: nhánh hữu ngạn chảy ra cửa Trần Đề, nhánh
tả ngạn chảy ra cửa Định An. [nguồn: Wikipedia, thêm ghi chú của người viết].
Cù Lao Dung là một trong những cù lao lớn
trên sông Hậu, nằm giữa hai tỉnh Sóc Trăng và Trà
Vinh. Cù Lao Dung là một huyện thuộc tỉnh Sóc Trăng, diện
tích 24.944 hecta với dân số khoảng 63,000 người [62,931 người theo thống kê
2009]. Phía Đông và Bắc giáp tỉnh Trà Vinh; phía Tây giáp huyện Long Phú tỉnh Sóc Trăng; phía
Nam giáp Biển Đông. [Hình 5b]
Nếu từ bản đồ Google bung ra, chúng ta sẽ
thấy có rất nhiều cù lao lớn nhỏ trên hai con sông Tiền và sông Hậu. Nói chung,
đất cù lao là do phù sa bồi đắp nên phì nhiêu, rất thích hợp cho các loại cây
trái. Cư dân sống trên đất cù lao, qua nhiều thế hệ, được thiên nhiên ưu đãi
phải nói sung túc nếu không muốn nói là giàu có.
Do là một cù lao rất lớn và trải dài trên
sông Hậu, nửa cuối Cù lao Dung tiếp cận với Biển Đông nên được hưởng cả hai chế
độ thuỷ văn và thuỷ sản nước mặn và nước ngọt theo mùa.
Hình
6: tới cuối
năm 2017, vẫn còn một nền văn-hoá-phà, hoạt động rất hiệu quả trên nhiều vùng
sông nước Cửu Long; các chuyến phà Đại Ngãi trên nhánh sông Hậu qua lại Cù lao
Dung. [photo by Ngô Thế Vinh]
Hình
7: trái, túi
trữ nước ngọt lấy từ giếng bơm; 100% nước tưới ruộng hành, kể cả nước dùng cho
tiện dụng gia cư đều lấy từ các giếng bơm từ các tầng nước ngầm, là nguyên nhân
khiến nền đất ĐBSCL lún nhanh hơn mực nước biển dâng. [photo by Phạm Phan
Long]; phải, cảnh vẫn thường thấy ngày đêm là những chuyến xà lan chở đầy cát
được nạo vét từ hai con sông Tiền và sông Hậu, cũng là một trong những nguyên
nhân gây sạt lở trầm trọng ven sông. [photo by Ngô Thế Vinh]
QUA
KÊNH QUAN CHÁNH BỐ
Kênh Quan Chánh Bố nguyên là một kênh đào
thuộc huyện Duyên Hải tỉnh Trà Vinh. Một đầu kênh nối với sông Hậu ở xã Định An
(Trà Cú). Con kênh chạy dọc theo ranh giới huyện Duyên Hải và Trà Cú phía bắc
Quốc lộ 53, và đổ ra Biển Đông. Nguyên thuỷ, con kênh Quan Chánh Bố được đào từ
thế kỷ 19 [thời gian 1837 - 1838] để dẫn nước từ sông Hậu vào rửa mặn vùng đồng
lầy Láng Sắt, công trình đào kênh thời đó do Quan Chánh Bố Trần Trung Tiên đảm
trách.
Sang thập niên đầu của thế kỷ 21, [năm 2009],
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dưới thời Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, người Đà Nẵng
(nhiệm kỳ 06.2006 – 08.2011) triển khai một dự án nạo vét con Kênh Quan Chánh
Bố nhằm tạo một thuỷ lộ từ biển đi vào sông Hậu tới giang cảng Cần Thơ thay cho
luồng đi qua cửa Định An, viện lý do cửa Định
An bị nhiều phù sa bồi đắp khiến các con tàu trọng tải lớn có nguy cơ mắc
cạn khi đi vào sông Hậu.
Hình
8: Dự án Luồng
kênh Quan Chánh Bố với mức đầu tư ban đầu lên tới 9,781 tỷ đồng, từ ngày đi vào
giai đoạn vận hành thử nghiệm đang là nguồn cơn thống khổ của cư dân đang sống
hai bên bờ con kênh. [nguồn: tài liệu của Bộ Giao Thông Vận Tải]
Với kế hoạch mở rộng và vét sâu theo suốt
chiều dài 19.2 km con kênh Quan Chánh Bố tính từ chỗ nối với sông Hậu đến xã
Long Khánh; đồng thời, khai mở thêm một khúc kênh mới có tên gọi là kênh Tắt
dài 8.2 km được nối phần cuối đoạn mở rộng con kênh Quan Chánh Bố qua xã Đông
Hải thông ra tới biển và thêm đoạn kênh biển dài 7 km. Nếu kể cả đoạn sông Hậu
dài 12.1 km Luồng kênh Quan Chánh Bố có tổng chiều dài là 46.5 km. [Hình 8]
Dự án Luồng kênh Quan Chánh Bố với mức đầu tư
ban đầu lên tới 9.781 tỷ đồng, được khoe đây là “con kênh đào Panama của
Việt Nam”, một so sánh rất khiên cưỡng. Kênh Panama có tầm vóc thế
giới và là một con kênh chiến lược cắt ngang eo đất Panama Trung Mỹ nối liền
hai biển lớn là Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, thay vì phải vòng qua Mũi
Sừng / Cape Horn điểm cực nam của Nam Mỹ, với rút ngắn hơn nửa khoảng cách
đường biển, như tàu bè đi từ New York chỉ phải vượt qua 9.500 km để tới San
Francisco thay vì 22.500 km nếu không qua kênh đào Panama.
Cũng giống như các dự án trọng điểm khác nơi
ĐBSCL, phải nói là dự án Luồng kênh Quan Chánh Bố được hình thành khá vội vã,
cả với những ý kiến bất đồng (4) nhưng vẫn cho khởi công từ cuối năm 2009. Như
từ bao giờ, đa số các dự án chưa có đủ thời gian nghiên cứu để có được cơ sở
khoa học, thảo luận và đánh giá một cách khách quan, và nhất là thiếu minh
bạch; đã thế khi đi vào thực hiện dự án Luồng Kênh Quan Chánh Bố lại không
có được hình thức đấu thầu công khai theo luật định, mà là chỉ định nhà thầu
thuộc các nhóm lợi ích. Tiêu tốn ngân sách hàng nhiều ngàn tỷ đồng chỉ với mục
tiêu đơn giản và cuối cùng là tìm được một đường tàu biển trọng tải lớn ra vào
ĐBSCL mà không quan tâm gì tới tính bền vững về môi trường, đến hiệu quả
kinh tế, và nhất là sự an toàn cho người dân. Nạn nhân không ai khác hơn
vẫn những người “dân đen” được đưa ra làm thử nghiệm. Và, những cuộc thử
nghiệm cứ nối tiếp nhau, dù hiệu quả thì chưa thấy rõ nhưng hậu quả thì hầu như
ai cũng thấy.
Tưởng cũng nên có một ghi chú bên lề, Bộ
trưởng Hồ Nghĩa Dũng sau nhiệm kỳ 5 năm ở Bộ Giao Thông Vận Tải cho tới lúc
nghỉ hưu vào tháng 8.2011 khi đó công trình con kênh Quan Chánh Bố còn dở dang
và cũng theo báo chí lề phải trong nước, để chuẩn bị trước về hưu, khi còn tại
nhiệm chính ông Hồ Nghĩa Dũng cũng đã chỉ định một nhà đầu tư cho một Dự án
lớn khác: Xây đường hầm Đèo Cả để rồi sau đó không ai khác hơn là chính ông
tham gia vào Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả. Bước chuẩn bị này
đã từng gây tai tiếng, bị chính báo chí trong nước gọi đây là “hành động lót ổ”
đồng thời là “một tiền lệ xấu”. Ông Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng còn được nhớ tới
với thành tích đề xuất xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam dài 1570 km với kinh
phí 55 tỉ USD, may mà sau đó dự án đã bị Quốc hội khoá XII biểu quyết bác bỏ.
Công trình kênh Quan Chánh Bố sau đó được
tiếp tục qua thời Bộ trưởng kế nhiệm Đinh La Thăng, người Nam Định, (nhiệm kỳ
03.2011 – 08.2016) với một tiểu sử rất dày: trước khi về Bộ Giao thông Vận tải,
ông đã là Chủ tịch Hội đồng Dầu khí Quốc gia VN (2008-2011), Chủ tịch Hội đồng
Quản trị Dầu khí Quốc gia VN (2005-2008), Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công
ty Sông Đà (2001-2003); và nay 2018 thì đang bị dính vào vòng lao lý do “cố ý làm
sai trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng khi ông giữ chức Chủ tịch
Hội đồng Dầu khí Quốc gia VN”.
Và rồi sau 7 năm khởi công [2009 - 2016],
công trình Luồng kênh Quan Chánh Bố được hoàn thành vào đầu năm 2016; với thành
tích là những con số: Kênh Quan Chánh Bố nay có thể tiếp nhận các tàu biển lớn
20.000 tấn giảm tải và 10.000 tấn đầy tải vào sông Hậu. WIKIPEDIA
Và chỉ một năm đi vào hoạt động với không ít
hệ luỵ, theo báo Đất Việt [ngày 10.04.2017], Bộ Giao Thông Vận Tải / GTVT lại
tính thay thế Phà Kênh Tắt bằng một Đường hầm chui
qua Kênh Tắt, khiến dư luận hết sức băn khoăn.
Hình
9: Kênh Tắt là
đoạn kênh đào mới nối đoạn cuối con kênh Quan Chánh Bố thông ra biển. Để nối
hai bờ kênh Tắt trên QL 53 dự tính ban đầu là Cầu kênh Tắt; sau đó cầu
được thay thế bằng Phà kênh Tắt, chỉ mới một năm Phà Kênh Tắt đi
vào hoạt động, Bộ GTVT lại tính thay thế bằng Đường Hầm Chui qua kênh Tắt với
dự tính tổn phí lên tới 10,319.2 tỷ đồng… khiến GS Nguyễn Ngọc Trân,
người theo dõi dự án Luồng kênh Quan Chánh Bố từ giai đoạn đầu tiên đã phải vô
cùng ngạc nhiên vì chủ đầu tư thay đổi phương án như thay áo cho dù phải
chi hàng ngàn tỷ đồng ngân sách nhà nước. (2) [photo by Ngô Thế Vinh]
GS Nguyễn Ngọc Trân (người gốc người Miền
Tây, sinh ra trên một cù lao giữa sông Tiền, huyện Chợ Mới tỉnh An Giang), là
thành viên lâu năm Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, cơ quan
tư vấn của Thủ tướng Chính phủ từ 1992 phải lên tiếng:
“Điều gây ngạc nhiên đến khó có thể tưởng
tượng là thông báo trong Trang địa phương của vị Thứ trưởng, nguyên Cục Trưởng
Cục Hàng hải, rằng Thủ tướng Chính phủ có chủ trương giao cho Bộ GTVT nghiên
cứu làm hầm qua Kênh Tắt để tránh cho người dân không phải qua phà đồng thời
đảm bảo an toàn cho luồng tàu biển. Để làm việc này, Trang địa phương cho thông
tin sẽ cần thêm 50 ha đất, và trên 3.000 tỷ đồng. Dự kiến sẽ triển khai vào
cuối năm nay.
Gây ngạc nhiên vì phương án đầu tiên nối hai
bờ Kênh Tắt trên QL 53 là Cầu Kênh Tắt. Qua quá trình triển khai dự án,
phương án cầu đã được thay thế bằng Phà Kênh Tắt. Phà này mới được đưa
vào hoạt động từ ngày 20.01.2016, ngày thông luồng Kênh Tắt. Như vậy, chỉ sau
một năm đi vào hoạt động, Bộ GTVT lại tính thay thế Phà Kênh Tắt bằng một Hầm
Chui qua Kênh Tắt. Và thay đổi này không phải là duy nhất.
Khi được cho triển khai (công văn số
123/TTg-CN ngày 22.01.2007) tổng mức đầu tư của dự án là 3,148.5 tỷ đồng. Mười
tháng sau, tổng mức đầu tư của dự án được Bộ GTVT duyệt tại Quyết định số
3744/QĐ-BGTVT ngày 30.11.2007 tăng từ 3,148.5 lên 10,319.2 tỷ đồng, nghĩa là
gấp 3.28 lần. Bởi vì khối lượng nạo vét luồng từ 22 triệu m3 tăng lên 28.1
triệu m3; kè dọc tuyến luồng 35.94 km thay vì 27.57 km; giải phóng mặt bằng
1406.47 ha thay vì 300 ha; thay đổi mái dốc nạo vét do nền đất yếu; thay đổi đê
chắn cát thành đê chắn sóng; kết hợp đê chắn sóng của dự án luồng với dự án
cảng biển Trà Vinh…
Ngạc nhiên vì chủ đầu tư thay đổi phương án…
giống như thay áo, cho dù phải chi hàng ngàn tỷ đồng ngân sách nhà nước cho
những thay đổi đó. Cử tri, những người đóng thuế cho ngân
sách, có quyền đặt câu hỏi về tính nghiêm túc của dự án! Khó có thể tưởng tượng
vì chi ngân sách hàng ngàn tỷ đồng sao mà dễ dàng đến thế! Đó là chưa nói đến
hiệu quả kinh tế, tác động lên môi trường tự nhiên và xã hội. Liệu lần này với
phương án hầm chui rồi cũng sẽ làm như các lần trước?” [sic]
hết trích dẫn (2)
Không lâu sau đó, theo VTV.VN [16.11.2017] cơ
quan truyền hình nhà nước đã lại phải lên tiếng báo động (3):
Tàu biển hàng chục nghìn tấn lưu thông qua
Kênh Quan Chánh Bố, tỉnh Trà Vinh gây sóng lớn đe dọa tính mạng, làm thiệt
hại tài sản khiến người dân nơi đây vô cùng lo sợ. Tháng 1/2016, luồng
tàu biển vào sông Hậu chính thức được thông luồng, đáp ứng cho tàu
biển có tải trọng 10,000 tấn chở đầy hàng và 20,000 tấn vơi hàng lưu thông.
Luồng tàu vào sông Hậu có đoạn đi qua Kênh Quan Chánh Bố của các huyện Trà Cú
và Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Từ ngày thông luồng đến nay, hàng trăm hộ dân ở
hai xã Long Vĩnh và Đôn Xuân sống ven Kênh Quan Chánh Bố luôn sống trong cảnh
thấp thỏm, lo lắng. Nguyên nhân là do tàu biển đã nhiều lần gây sóng lớn, làm
thiệt hại tài sản và đe dọa đến tính mạng người dân. Người dân cho biết, hiện
tượng sóng tràn vào nhà xảy ra rất nhiều lần. Theo bà Đặng Thị Cúc (huyện
Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), cháu ngoại của bà đã từng bị sóng lớn do tàu biển
gây ra cuốn trôi xuống con lạch trước nhà, rất may cháu được phát hiện và cứu
kịp thời. Sau tai nạn kinh hoàng đó, để bảo vệ các cháu, gia đình bà đã phải
làm hàng rào lưới trước nhà. Vết sẹo trên chân bà Kim Thị Tiến vẫn chưa lành
hẳn, hậu quả sau một lần bà bảo vệ chiếc ghe của gia đình tránh bị sóng đánh
vỡ. Đến nay, bà Dương Thị Phượng vẫn chưa hết bị ám ảnh khi nhắc lại câu chuyện
tàu biển gây sóng lớn đánh nát một chiếc xuồng và ghe cào. Ngoài ra, một lượng
hải sản lớn đã bị thất thoát khiến gia đình bà bị thất thoát khoảng 100 triệu
đồng. Người dân cho biết, các tàu này hoạt động không thường xuyên mà cách 1 –
2 ngày. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là các tàu biển gây sóng cao từ 3-4 m
nhưng ít khi bấm còi khi qua khu vực đông dân cư và có thể chạy vào bất cứ giờ
nào trong ngày, kể cả ban đêm… [sic]
Rồi tới báo Đại Đoàn Kết [04.07.2017], cho biết
có tình trạng sạt lở hai bên bờ con kênh, đòi hỏi thêm kinh phí ứng phó được
đề xuất lên đến 1,600 tỷ đồng nữa. (1)
Nhưng theo nguồn tin từ công ty Hải Vận Ship,
thì dù đang trong giai đoạn thử nghiệm [sic] nhưng đến nay đã có 14 chuyến tàu
từ biển đi qua Kênh Tắt đến Kênh Quan Chánh Bố để vào sông Hậu.
Sau khi chuyến tàu Đông Thiên Phú Diamond tải
trọng hơn 4,000 tấn đi vào ngày 7/7, có nhiều tàu tải trọng lớn khác như tàu
Tân Cảng Glory chở container tải trọng gần 9,000 tấn vào Sông Hậu một chuyến/
tuần. Cuối tháng 11, chuyến tàu Vinalines Unity tải trọng trên 20 nghìn tấn chở
hàng nhẹ cũng hai lần vào Kênh Tắt an toàn để cập cảng trên sông Hậu.
Ông Võ Minh Tiến, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải
Cần Thơ cho biết, do đang trong quá trình khai thác thử nghiệm [sic] nên
đơn vị phải phối hợp với lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương thường
xuyên tổ chức tuần tra, thanh thải luồng lạch để đảm bảo cho các chuyến tàu ra
vào an toàn. Đến thời điểm này, dự án Luồng cho tàu
biển trọng tải lớn vào sông Hậu đã đáp ứng được các yêu cầu kỹ
thuật, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tải trọng lớn ra vào. HẢI VẬN SHIP
Điều đang lưu ý là ông Giám đốc Cảng vụ Hàng
hải Cần Thơ chỉ quan tâm tới bảo đảm an toàn cho tàu biển trọng tải lớn ra
vào sông Hậu, mà lại không đề cập gì tới an toàn và sinh mạng của chính những
người dân ngày đêm sống lo âu thấp thỏm ven kênh.
Với những hệ lụy nổi cộm từ khi Luồng Kênh Quan
Chánh Bố từ khi đi vào vận hành, cũng vẫn GS Nguyễn Ngọc Trân đã phải kiến nghị
thẳng thắn đối với Dự án luồng sông Hậu qua Kênh Tắt và Kênh Quan Chánh Bố
cần được Quốc hội giám sát, đặc biệt là việc thực hiện giám sát những vấn
đề liên quan đến Luồng Quan Chánh Bố. Bởi vì, các luồng tự nhiên như Định An
thì ngày càng nông trong khi luồng qua Kênh Quan Chánh Bố còn phải nạo vét
nhiều và chưa biết độ ổn định ra sao.
Còn TS Lê Kế Lâm mong muốn, Bộ Giao thông Vận
Tải / GTVT trong quá trình thực hiện Dự án cần có cơ sở cho các nhà khoa học
nghiên cứu, thảo luận và đánh giá một cách khách quan chính xác. Và, Bộ GTVT
nên tổ chức phản biện đối với Dự án này, nhất là phản biện của các tổ chức tư
vấn, của các hội. Ngay cả khi lựa chọn tổ chức tư vấn phản biện theo hình thức
đấu thầu công khai theo luật định, chứ không thể chỉ định thầu. Mục tiêu
cuối cùng là tìm được một luồng tàu biển ra vào ĐBSCL một cách kinh tế, an
toàn, bền vững về môi trường, không phụ lòng mong mỏi của người dân.
[Tưởng cũng nên nói thêm, TS Lê Kế Lâm nguyên
Thiếu tướng Hải quân tương đương Phó Đô đốc, hiện là chủ tịch Hội Khoa học Kỹ
thuật và Kinh tế Biển TP. HCM nhiệm kỳ 2014-2019, TS Lê Kế Lâm được nhiều người
biết đến qua sự kiện Hội KHKT mà ông là Chủ tịch đã can đảm công khai lên tiếng
phản đối mạnh mẽ Trung Quốc trong vụ giàn khoan Hải Dương 981].
Đại Đoàn Kết [04.07.2017], Lê Anh.
Hình
10: tàu 7,000
tấn lưu thông từ biển qua Kênh Quan Chánh Bố vào sông Hậu. [nguồn: báo Đại Đoàn
Kết 04.07.2017], nói về giá trị kinh tế của dự án Kênh Quan Chánh Bố cho tàu
trong tải lớn từ Biển Đông đi vào sông Hậu để tới giang cảng Cần Thơ, cho đến
nay vẫn chưa có câu trả lời và vẫn đang gây rất nhiều tranh cãi. Hiệu quả kinh
tế của Luồng Kênh Quan Chánh Bố chưa thấy đâu nhưng đã gây ra nhiều hậu quả
tiêu cực.
NHỮNG
DỰ ÁN SAI LẦM TỪ HỆ THỐNG
Từ sau 1975, như một chuỗi sai lầm từ hệ
thống, nhà nước đã thiết lập vội vã nhiều dự án trọng điểm nhằm “cải tạo”
ĐBSCL, đa phần là can thiệp thô bạo gây tác hại trên hệ sinh thái mong manh
của cả một vùng châu thổ, do thiếu sót trong Đánh giá Chiến lược Tác động Môi
trường ĐTM [SEA hay Strategic Environment Assessment], với những
“nghiên cứu mệnh danh là khoa học” nhưng theo phong cách: làm nhanh ăn nhanh;
rồi đem chính mạng sống và kế sinh nhai người dân ra thử nghiệm, khi mà người
dân đã bị tước đoạt tự do và quyền tự vệ. Đây hẳn là điều không thể nào được
chấp nhận trong một quốc gia có dân chủ.
Có thể nói đa số các quy trình SEA là nguỵ
tạo do thiếu minh bạch và trách nhiệm khi mà:
1. Mâu thuẫn lợi ích. Báo cáo SEA do chính
chủ đầu tư chọn nhóm tư vấn, trả chi phí cho họ và đương nhiên toán tư vấn phải
viết báo cáo biện hộ tối đa cho dự án và che đậy tối đa các tác động xấu cho
chủ đầu tư. Những cố vấn có lương tâm trách nhiệm sẽ từ chối không tham dự vào
những hợp đồng có hại cho uy tín lâu dài của họ. Hệ quả là các báo cáo SEA cho
các dự án Việt Nam sẽ không thể tin cậy để đưa tới quyết định.
2. Thiếu minh bạch khoa học. Báo cáo SEA
không được công bố rộng rãi trên truyền thông báo chí, mà là đặc ân dành cho
những viên chức trong bộ máy cầm quyền tham vấn với nhau và người dân muốn tìm
hiểu thì phải mò mẫm trong bóng tối và khi có ý kiến phản đối thì họ và cả gia
đình có thể bị hăm doạ và cả đàn áp tù đầy.
3. Hội đồng thẩm định báo cáo SEA không có sự
tham sự của các chuyên gia khoa học độc lập và xã hội dân sự. Đôi khi các nhà
khoa học ấy còn bị mạo danh là tác giả của bản báo cáo để che chắn cho chủ
thầu, lừa cả nhà cầm quyền và không ai phải chịu một sự chế tài hay trừng phạt
nào. Hệ thống SEA bị ô nhiễm ở cả hai phía chủ thầu và uỷ ban duyệt xét.
4. Những cơ quan quản lý phát triển cơ sở hạ
tầng như VN Food, EVN, PVN, Vinacomin… là những tập đoàn chịu sự chi phối và
khống chế bởi các nhóm lợi ích. Họ liên kết nhau đề ra những công trình quy mô
để tạo cơ hội sinh lợi, một thứ văn hoá tham nhũng đã thành nề nếp cả nước đều
biết mà vẫn phải im lặng chịu đựng.
5. Sau khi dự án đi vào vận hành, hệ thống
quan trắc vi phạm ô nhiễm hoạt động không hiệu quả và không có báo cáo rộng
rãi. Như một ví dụ, theo điều tra riêng của Hội Sinh Thái Việt / Việt
Ecology Foundation, thì ngay cả thông tin chỉ số chất lượng không khí / Air
Quality Index cũng bị chính cơ quan cầm quyền cố ý tự sửa đổi để né tránh trách
nhiệm, tạo những thông tin sai lạc và đánh lạc hướng dư luận.
6. Một thể chế tạo ra và dung dưỡng các nhóm
lợi ích như thế sẽ không có chỗ cho nhân tài tham gia nếu họ không chấp nhận từ
bỏ ý thức trách nhiệm và tiếng nói của lương tri. Vẫn có những trí thức chân
chính trong nước từ chối tham gia vào guồng máy nhưng khi cần họ vẫn can đảm
lên tiếng phản biện cả với cái giá phải trả nhằm giảm thiểu những tác hại lâu dài
trên nguồn tài nguyên đất nước của các thế hệ tương lai.
Nguyên lý bất di bất dịch là: Trước Hết là
Không Gây Hại (Primum Non Nocere), vẫn cứ mãi là bài học vỡ lòng, là kim
chỉ nam cho các bộ trưởng, vụ trưởng các ngành trước khi khởi công bất cứ một
dự án nào trên ĐBSCL. Thế nhưng trong thực tế chưa có một chứng cớ nào cho thấy
các vị ấy hành động theo nguyên lý căn bản trên.
Có thể liệt kê ngay những dự án chính đã và
đang gây tác hại và tổn thương lâu dài cho ĐBSCL như:
_ Dự án đê bao chống lũ: [Bộ Nông nghiệp
& Phát triển Nông thôn], với những đê bao ngăn lũ chỉ
để có thêm đất làm lúa cao sản 3 vụ, vắt kiệt đất đai, lại không có nguồn phù
sa, nước tù đọng tích luỹ ô nhiễm đồng thời làm giảm lượng nước vào hai vùng
trũng Đồng Tháp Mười và khu Tứ Giác Long Xuyên như nguồn dự trữ cho toàn ĐBSCL
trong Mùa Khô.
_ Dự án cống đập chặn mặn: [Bộ Nông nghiệp
& Phát triển Nông thôn], ngăn chặn dòng chảy tự nhiên
biến những con sông khoẻ mạnh thành ao hồ tù đọng, xoá đi một nền văn hoá nước
lợ / brackish water và gây rối loạn dây chuyền trên toàn nhịp đập / Mekong
Pulse của hệ sinh thái ĐBSCL.
_ Dự án 14 nhà máy nhiệt điện than: [Bộ Công
Thương], biến ĐBSCL là bãi tiếp nhận các nhà máy nhiệt
điện chạy than phế thải từ Trung Quốc với hậu quả tàn phá môi trường đất đai,
nguồn nước và không khí với sức khoẻ của người dân không hề được quan tâm tới
nếu không muốn nói là bị hy sinh.
_ Dự án Nhà Máy Giấy Lee & Man: [Bộ Tài
Nguyên & Môi Trường] gây ô nhiễm nghiêm trọng vì
nguồn nước thải với đủ loại hoá chất được chính Bộ TNMT cấp phép cho xả thải ra
sông Hậu đang giết chết dòng sông, rồi còn phải kể tới bụi khói độc hại, mùi
hôi thối, tiếng ồn từ nhà máy ngày đêm bào mòn sức khoẻ của người dân.
_ Dự án Kênh Quan Chánh Bố: [Bộ Giao thông
& Vận tải], với tốn kém hàng nhiều ngàn tỷ đồng chỉ
để cho mấy tàu trọng tải lớn từ Biển đi vào sông Hậu để tới giang cảng Cần Thơ
gây bao khốn khổ cho người dân khi mà giá trị kinh tế của dự án kênh Quan Chánh
Bố, cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời và vẫn đang gây rất nhiều tranh cãi gay
gắt.
Danh sách trên vẫn chưa đầy đủ. Trong thực tế
còn nhiều dự án nhỏ cấp địa phương đã và đang được triển khai nhưng không có
những nghiên cứu làm cơ sở và cũng chẳng có đánh giá tác hại môi trường từ các
chuyên gia độc lập.
Ấy vậy mà cho đến nay vẫn có những người
trong giới cầm quyền và giới khoa học thuộc quản lý của nhà cầm quyền
cho rằng họ đã thành công trong việc nâng cao sản lượng nông nghiệp qua các
công trình thuỷ lợi và “ém phèn” được xem là “thành công ngoạn mục”. Thật ngạc
nhiên, một thành tựu lớn như vậy mà không hề có bất cứ một công bố khoa học nào
trên các diễn đàn khoa học quốc tế! Tuy nhiên, đối với những người sống và làm
việc ở ĐBSCL thì những thành tựu đó chỉ là trên giấy. Những “ngôi sao” khoa học
hình như xuất hiện nhiều trên hệ thống truyền thông của Nhà nước hơn là trên
diễn đàn khoa học nghiêm chỉnh.
GS Nguyễn Văn Tuấn, một nhà khoa học có nhiều
trải nghiệm ở trong nước và qua nhiều năm quan sát miền quê ĐBSCL cho rằng: “Sự
thật là một số không nhỏ trong giới khoa học Việt Nam làm nghiên cứu không theo
chuẩn mực quốc tế, kết quả không được công bố, nên chẳng ai biết thực hư ra
sao. Báo chí trong nước và ngay cả Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng thừa
nhận rằng nhiều ‘công trình’ của họ thường nằm trong hộc tủ, chứ ít khi nào
được công bố. Ngay cả khi được công bố thì dấu hỏi lớn vẫn lơ lửng trên những
số liệu họ báo cáo.”
Cũng GS Nguyễn Văn Tuấn, nhận định: “[…]
còn quá sớm để quy những công trạng – nếu có – cho giới khoa học. Tôi quan sát
ở miền quê tôi thì thấy sự thật là những thành tựu về tăng năng suất trồng trọt
và lúa là do người nông dân xoay xở. Nông dân tự thử nghiệm cho đến khi đạt
được kết quả tốt (kiểu trial-and-error). Họ có thể không biết những nguyên tắc
thí nghiệm hay ngẫu nhiên hoá, họ có thể không rành tính toán như các kỹ sư
& tiến sĩ, nhưng qua trial-and-error, họ có thể lai giống và tạo giống mới,
chế tạo máy gặt lúa, máy cấy lúa, máy hút lục bình, v.v. Giới khoa học chẳng
giúp gì cho họ trong các sáng kiến đó. Người nông dân thiếu chữ để nói đó là công
trạng của họ, và thay vào đó có những người mang mác ‘tiến sĩ’ giành công trạng
cho mình. Ai cũng biết tác nhân làm nghèo làm khổ nông dân miền Tây là cái tập
đoàn lương thực có tổng hành dinh nằm ngoài … Hà Nội.”
Ở Việt Nam, người ta có câu khuyên các nhà
quản lý và khoa học quốc doanh: đừng làm gì hết, ngồi yên đó để dân nuôi, vì họ
làm là hư hỏng.
Trong thực tế miền nào (Nam, Trung,
Bắc đều) có những hiền tài với cả nhân cách, họ như những cánh sen giữa bùn lầy
và nhà cầm quyền đã không có một chính sách chiêu hiền đãi sĩ khiến nguồn chất
xám ấy không được trọng dụng; để rồi những tài năng ấy hoặc bị mai một hoặc họ
phải chọn con đường bỏ đất nước ra đi.
Và cũng không phải là quá khắt khe khi dân
gian nhắc tới khái niệm “giới khoa học quốc doanh” theo cái nghĩa
xấu nhất: đó là một tập đoàn đội lốt khoa bảng bị mua chuộc, chèn ép những
người có thực tài, họ cấu kết với nhau, mai phục trong các bộ các ngành ở Việt
Nam và nghiễm nghiên trở thành công cụ, tệ hơn nữa họ trở thành một dàn kèn dư
luận viên bênh vực vô điều kiện cả những sai trái cho một guồng máy chuyên
chính chỉ biết vơ vét và chia chác quyền lợi. Và nạn nhân không ai khác hơn
chính là đám dân đen câm nín và tiếng kêu than của họ nếu có cũng không được
lắng nghe.
THAY
LỜI KẾT: CON ĐƯỜNG VÒNG 43 NĂM
Bây giờ, chúng tôi đang đứng ở mút cuối con
sông Hậu, nhìn từng đợt sóng vỗ vẫn còn màu nâu nhạt của phù sa nơi cửa sông
trải rộng để chan hoà vào biển cả; bao nhiêu cảm xúc tràn về, như một flashback,
chợt nhớ lại hơn một lần qua Long Xuyên, nơi có tượng đài Bông Lúa Con
Gái của Mai Chửng, [Hình 11] một cố tri và cũng là một tên tuổi lớn
trong lãnh vực điêu khắc của Miền Nam.
Sau 1975, cùng với chiến dịch đốt sách, Tượng
đài Bông Lúa ấy cũng đã bị phá sập, quả không phải là một “điềm lành”
cho tương lai nền Văn Minh Lúa Gạo và cả hậu vận của toàn vùng Sông Nước Cửu
Long.
Hình
11a: Tượng
đài Bông Lúa Con Gái 1970 bằng đồng lá, một tác phẩm nghệ thuật lớn của
điêu khắc gia Mai Chửng Hội Hoạ Sĩ Trẻ VN, [nguồn: tư liệu Hội Hoạ Sĩ Trẻ
1966-1975].
Hình
11b: trái, điêu
khắc gia Mai Chửng đứng bên công trình tượng đài Bông Lúa thực hiện bằng đồng
lá, cao hơn 16 m đang xây cất tại tỉnh Long Xuyên ĐBSCL; toàn cảnh pho tượng
Bông Lúa tại Công viên Trưng Vương tỉnh Long Xuyên 1970; nhưng chỉ 5 năm sau,
sau 30 tháng 4, 1975 tượng đài Bông Lúa ấy đã bị phá sập, quả không phải là một
“điềm lành”. [nguồn: sưu tập Dương Văn Chung, Thatsonchaudoc.com]
Người dân Việt Nam, và hơn 17 triệu cư dân
ĐBSCL nói riêng đang thầm mơ ước gì? Mơ được trở lại với một nền giáo dục nhân
bản đã có từ 43 năm trước. Mơ được sống trở lại với một Miền Tây trù phú với
gạo trắng nước trong, cây trái trĩu cành và tôm cá đầy đồng. Thời hoàng kim ấy
đã qua rồi, sau 43 năm “cải tạo”, một ĐBSCL với nguồn tài nguyên thiên nhiên không
những đã nghèo đi, người dân còn phải chứng kiến những dòng sông đang chết,
phẩm chất cuộc sống / quality of life của họ sa sút, họ phải sống ngày đêm
trong nỗi bất an với đất, nước, không khí ngày càng thêm ô nhiễm. Và cũng
dễ hiểu tại sao đã có ngót 2 triệu cư dân ĐBSCL bỏ làng xóm ra đi. Cuộc tỵ nạn
môi sinh ấy không có dấu hiệu suy giảm.
Và cũng đã hơn một lần, trong các bài viết,
người viết đã nêu rõ quan điểm: “môi sinh và dân chủ phải là một bộ đôi
không thể tách rời”.
NGÔ THẾ VINH
ĐBSCL 12.2017 California 04.2018
Tham
khảo:
1/
Luồng Quan Chánh Bố trước nguy cơ sạt lở. Việc nạo vét luồng Quan Chánh Bố được
dự báo sẽ tiêu tốn chi phí lớn trong nhiều năm. Báo Đại Đoàn Kết 04.07.2017 http://daidoanket.vn/xa-hoi/luong-quan-chanh-bo-truoc-nguy-co-sat-lo-tintuc371653
2/ Để
Không Phải Tiếp Tục Theo Lao. GS Nguyễn Ngọc Trân. Báo Đất Việt, Thứ Hai
10.04.2017 http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/gs-nguyen-ngoc-tran-de-khong-phai-tiep-tuc-theo-lao-3332924/
3/
Người dân Trà Vinh sống thấp thỏm cạnh luồng tàu biển. Diệp Phong-Phú Cường
VTV9, 16.11.2017 http://vtv.vn/xa-hoi/nguoi-dan-tra-vinh-song-thap-thom-canh-luong-tau-bien-20171116100021216.htm
4/
Giới Trí Thức và Quan Chức bàn về Luồng Tàu Biển vào ĐBSCL. Kinh Tế Biển VN,
29.01.2012 http://kinhtebien.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=464:gii-tri-thc-va-quan-chc-ban-v-lung-tau-bin-vao-bscl-&catid=87:cng-min-nam&Itemid=2
5/
Cống Đập Chặn Mặn Gây Rối Loạn Hệ Sinh Thái và Những Cái Giá phải Trả. Ngô Thế
Vinh. Viet Ecology Foundation. 12.2017
http://vietecology.org/Article/Article/289
6/ Cửu
Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng. Ngô Thế Vinh, Nxb Văn Nghệ 2000. Mekong Dòng
Sông Nghẽn Mạch. Ngô Thế Vinh, Nxb Văn Nghệ 2006.