Photo courtesy of Unsplash.com
Quen
M. lúc M. vào tuổi mê hát. Nói thế chàng không có ý vơ đũa cả nắm, nhưng gái tuổi
đó đều na ná nhau. Chớ tưởng mấy cô xí xọn lắm máu văn nghệ mới hay hát hò; lặng
lẽ, đoan trang như M. có gần mới hết hồn. M. thuộc những bài hát “nhạc sĩ” cỡ
chàng lắm khi đớ ra, phải thú chưa từng nghe qua. M. cũng mê tiếng guitare của
chàng. Thực thì làng nhàng thôi. Ít bài tự học trong Carulli. Ấy chứ chốn tỉnh
lẻ, một thanh niên móc được dăm bài classique, nói không ngoa, đi tới đâu cái
đinh tới đó. M. thích đàn rồi yêu chàng chẳng oan uổng gì. M. học bên La
Providence, nhưng mỗi khi trường chàng có văn nghệ, dù không tham dự, dĩ nhiên,
buổi tập nào gần vãn M. đều tạt qua. Canh chừng nhau chăng, không biết, nhưng
luôn luôn khi hết giờ tập dượt thế nào M. cũng trịnh trọng mở một bản nhạc, nhỏ
nhẹ yêu cầu, “X. đệm em hát, nhỏ thôi!” Thế là M. hát, hát nho nhỏ vừa với tiếng
đàn của chàng. Chàng cứ thế mà chết ngây chết ngất với hương tóc mùi áo của cô
gái mười bảy tuổi.
Ái
tình tăng cấp khi M. đòi chàng dạy đàn. Ừ thì dạy. Thế là mỗi cuối tuần M. ghé
qua căn phòng trọ chật như cái chuồng cu của anh em chàng để chàng hành nghề thầy
đàn. M. mê bài Romance của Anon. Ừ thì dạy bài Romance. Chàng tận tuỵ xếp từng
ngón tay trên phím, trên dây.
Lại
phải nói thêm chàng trai Bắc kỳ, lạc loài xuống miền tây, đất còn lạ nói chi
người. Thấy hai đứa quấn nhau hơi kỹ, ông anh chàng ra chiều ái ngại, một lần cảnh
giác, “Lo mà học!” Chàng nghĩ bụng yêu không là bài học lớn sao, do thế có lần
hỏi, “Gái miền tây thoải mái anh hả?” Anh lạnh lùng nhắc vụ án mươi năm trước,
thuở mới di cư vào, “Biết chuyện cô Quồn không?”(1) Chàng gãi trán nghĩ ngợi.
Chuyện
không dè đâm to. Một ngày có hai cảnh sát viên đến tận trường yêu cầu ông hiệu
trưởng triệu cái thằng X. đệ nhất C-3 lên văn phòng. Tỉnh lẻ ông kẹ vốn đã to lớn
khác thường, huống hồ họ còn thay mặt một nhân vật quyền thế giá bắc thang họ
cũng đến cao ngang rốn ông ta để hăm - chẳng riêng với chàng mà xem ra cả với ông
hiệu trưởng nữa - thì tình hình phải đáng ngại lắm. Một ông nói, “Dụ dỗ gái vị
thành niên trò đứng vành móng ngựa thầy ngồi ghế nhân chứng.” Dụ dỗ! Chao ôi chữ
lớn quá, thô bỉ nữa. Nó khiến chàng tái người và ông hiệu trưởng đỏ mặt tía tai.
Rồi thầy chàng cũng nhẫn nhịn tiễn hai ông kẹ ra cửa. Ông kia bỏ nhỏ câu cuối,
“Tỉnh trưởng còn kiềng chánh án. Bảo nó tránh cô M. đi, ông giáo!”
Thế
là mới đó người yêu của chàng hiền như con mèo, giờ nhìn chiều nào cũng đáng sợ
như con cọp. Trong tình yêu dăm trường hợp không gì tác hại cho nó bằng sự thật.
Chàng bàng hoàng khám phá điều đó và dĩ nhiên khéo léo tìm cách trả tim lại ngực
nàng, lỉnh. Đông, bạn chàng, hiểu chuyện an ủi, “Yêu nào phải ván cờ, trận kéo
tay, trận đá banh, làm bông, làm bánh, tụ tập hát hò, riết chán, bảo nghỉ nhe;
nhưng tao nghĩ ở tù vì tình có là trâu.” Chàng đau thốn vẫn phải tự an ủi. Ừ,
mình không nên ngu như trâu.
M.
cũng có sự đau đớn chắc không kém. Biết lý do chàng lẩn tránh, có lần M. xa xôi
doạ tự tử. Chàng bấn xúc xích. Đông lại bảo, “Con gái nó vậy, tự ái thôi, nó tưởng
mày chán nó, mày… gì gì với nó chưa?” Chàng chối biến. Đông vặn, “Má?” “Chưa!”
“Môi?” “Chưa!” “Mông?” Chàng cáu, “Má môi còn chưa hỏi gì của đó? Tao chỉ mới rờ
ngón tay út nàng thôi.” Đông bảo, “Vậy cầu điên mới có thứ gái chết vì một thằng
cù lần. Tẩu!”
Chàng
nhờ Đông hoàn lại hộ những kỷ vật M. tặng, khăn thêu, lọn tóc, hoa ép, vài thư
tình, dăm bản nhạc v.v… sau khi hắn thú ba hắn với ba M. là chỗ thâm giao. “Ba
tao biểu ổng dữ như chằng tinh thời còn nhỏ học chung trường,” Đông kể. “Làm
quan toà thờ châm ngôn nhốt lầm hơn để lọt. Môi ổng mỏng như khỉ, mắt lạnh như tiền,
lại lé. Lâu lâu ổng tới chơi ngó má tao nói chuyện thời thế, tao ngạc nhiên quá
trời; sau má tao biểu ấy là bác đang dòm, đang nói chuyện với ba mày đó.” Chàng
có hơi ngờ, hỏi, “Sao M. đẹp như tài tử K.C vậy?” Đông giải, “Giống má nó!”
Hai
năm sau Đông lên Sài Gòn học luật, gặp nhau ở đại học xá Minh Mạng, dò la, hắn
chỉ xì tí tin, “Điều chắc là còn sống phây phây.” Chàng lấn tí nữa, “Nhắc gì
tao không?” Đông ỡm ờ, “Nó thở dài biểu, c’est toujours la même guitare!” Thật
là cú khinh nhau bằng vàng. Chàng tin mình đã hội đủ điều kiện đào sâu chôn chặt.
*
Là
tên đàn ông bình thường, sách đời vì thế cũng có dăm trang bôi lem nhem ít chuyện
tình. Mấy mươi năm ván đã đóng thuyền, những chuyện chẳng bao giờ được mang chữ hết
ấy tất nhiên nhớ quên tuỳ lúc. Có điều chàng nhớ chi li mọi chuyện, trừ chuyện
tình. Không thiếu lúc chàng đột ngột hỏi vợ, “Cái cô hôm trời mưa, nằm ôm nhau
cả buổi, anh chẳng dám ngọ nguậy, hôm sau đá đít anh thẳng cẳng là cô gì mình
ha?” “Hường!” “À, Hường. Khi không quên phéng.” Hoặc giả, “Anh nhớ có kể em
nghe cũng một lần trời mưa, ghé tiệm sách ở Nguyễn Trung Trực, gặp cô ta đang lựa
sách, cô chủ giới thiệu anh là nhà thơ X. sách vừa ra đây, cô bảo, “Ái mộ thi
sĩ từ lâu,” anh ký tặng ngay một quyển, lát sau… “ngồi chung xích lô đạp đi ăn
cháo cá chợ Cũ. Cô Hiền.” “À, Hiền. Khi không quên biến.” Chàng hết sức cảm
kích một trí nhớ lạnh lùng như bộ nhớ máy vi tính của vợ.
Mấy
chục năm sau chàng nhận một cú điện thoại, nhận ra ngay, không cần lên máy gọi bộ
nhớ nào cả: Đông.
Hắn
gọi từ tiểu bang Iowa lạnh gãy tai, lại đang bão tuyết, bảo vớ được số chàng qua
một người bạn, và, “Tuần này tụi tao nhào qua trốn tuyết bên Cali, sẵn dịp ăn tết
Little Saigon một cú, đến gõ cửa, mở chứ?”
*
Như
tiểu thuyết. Đông đổ bộ vào nhà chàng tròn một tiểu đội và tiểu đội trưởng đích
thị là M..
Ông
cụ mắt không lé, môi không mỏng, ngồi bơ phờ như tử tội mới được giải oan. Ông
nói vu vơ, “Địa ngục nhứt định có tuyết, hổng có lửa”; vì hơi rỗ bà cụ nhăn sớm
như quả vả, phàn nàn mãi, “Không biết chiếc Van có còn đủ sức lết về bển hay
không”; Đông một bụng, ngồi tu bia nhìn trời trầm trồ, “Mùa đông mà nắng vàng
như bia lá xanh như ngọc”; tám đứa con gái, bảy đứa không rậm râu nhưng sâu mắt
y bố, không lục tủ lạnh cũng xuống vườn ngắt lá ngắt hoa, lăng quăng như mấy hạt
ni lông nhuộm phẩm trong kính vạn hoa, cãi nhau chán lại xầm xì đoán già đoán
non, “Mình có được đi chợ Tết đủ ba ngày không ha”; còn hai bà vợ thì chúi đầu
vào bếp , giở lại các trò bánh mứt của trăm năm cũ như một cuộc đọ sức ngầm tài
nội trợ của nhau. Chỉ chàng rối ruột từ sở làm về đến nhà, rối lúc tán gẫu đến
trong mâm cơm. Tình hình nhìn chung giống thứ khói lửa vô ảnh trên một bàn ngoại
giao vô hình.
Đêm
đầu vợ chàng cười khẽ vào tai, “Tình cũ… nhá!” Chàng nhằn, “Nhảm, vợ bạn.” Nàng
hứ. Lát sau chàng nói nhỏ, “Nhầm, đáng nói là cái con bé lớn ấy…” Nàng ngồi bật
dậy, chưng hửng. Chàng vội đính chính, “Y mẹ nó.”
Phải
ba ngày sau người ta mới nản cái trò biến nhau thành những đối tượng quan sát
âm thầm. Và mặt trận miền tây thở phào khi hai con sư tử đực sắp già, trên một
đoạn đường đi dạo, có dịp đọ sức nhau lần cuối.
Vỗ
vai bạn, chàng bảo:
“Bạn
ta, sạo quá vậy?”
“Sạo
để có một tổ ấm sang tới Mỹ vẫn sống chung được ba thế hệ là chuyện đạo đức. Mà
mày xưng hô quái đản đó nghe, sao có lúc gọi vợ tao bằng em?”
“Quen
mồm.”
“Thôi
tha.”
“Hứ,
tao tha mày mới đúng. Mày đừng chế ra cái đạo đức ấy lũ con mày đã là lũ con
tao. Mà đẻ chi lắm thế?”
“Ạ,
chỉ lâu lâu rờ ngón tay út thôi đó nha.”
Bữa
đi chợ Tết về, chàng hỏi nhỏ:
“Ai
dạy cháu Cúc đàn thế?”
“Mẹ
nó.”
*
Một
đêm chàng nằm đọc sách khi vợ đã ngủ thì ngoài family room vẳng nhẹ tiếng đàn.
Bài Romance rộn rã! Mẹ hay con, chàng bồi hồi tự hỏi. Lát sau chàng quyết mở cửa
bước ra. Dưới đèn, trên thảm, con bé ngồi tựa sô-pha, tóc đổ như suối trên chiếc
guitare của chàng. Vai nó gầy, gáy nó thanh, và tiếng đàn luôn hỏng ở mesure thứ
sáu. Chàng đến bên thân mật ngồi xuống, bảo, “Nhầm ngón cháu ơi!” Con bé ngưng
đàn ngước hỏi, “Sao ạ?” Chàng nắm lấy ngón út tay trái nó, đặt vào nốt si phím bảy,
vuốt lên nốt mi phím mười hai.
Từ
góc tối thốt có giọng M., khẽ, hồn nhiên:
“Nó
thế đó anh, vẫn thích âm điệu cũ, nhưng y mẹ sai hoài lỗi cũ, có bác kiên nhẫn
chỉ cho phải khá thôi.” Rồi M. dịu dàng bảo con, “Khuya rồi, ngủ đi, mai chợ Tết
nữa con ạ.”
Chàng
nằm xuống bên vợ và nỗi ngổn ngang không kéo dài như chàng tưởng, vì chỉ lát
sau, chàng thấy chính chàng nằm chết trên một lối mòn dẫn về chốn cũ.
HÀ THÚC SINH
(1)Thập
niên 50 Sài Gòn xảy ra vụ cô Quồn đốt chồng. Câu chuyện được loan truyền rộng
rãi trên báo chí, các ấn bản vọng cổ bình dân bán nơi các bến xe, và có đem cả
lên sân khấu.