Một bãi biển ở California - Photo courtesy on Destination360
Vợ
chàng hãnh diện về chàng. Và cứ thật mà nói hãnh diện cũng phải. Ngày vượt biển
dù mới tù về, ốm yếu ho hen, chàng vẫn cam đoan đâu chứ Bidong nhắm mắt cũng
đem được ghe ủi thẳng vào bãi. Y chang! Thậm chí trước lúc ra khơi, cậu em vợ kỹ
sư có tính cẩn thận thái quá, chàng bực, bảo, “Cơ phận thay thế vậy là đủ, cậu
đừng tìm thêm nữa. Giản dị nhiêu tốt nhiêu. Rườm rà dọc đường dễ bể.” Nó băn
khoăn hỏi, “Nhỡ gãy luôn cái láp phụ tính sao?” Chàng bảo, “Cứ ném đống
bù-loong ra đó tôi ráp lại cho cậu giàn máy.” Ghe hư máy ba lần chàng sửa lành
tuốt.
Chiến
công ấy nay đã mười lăm tuổi.
Còn
vài tấm ảnh trắng đen đem theo. Lâu lâu vợ chàng lục xem lại. Nhìn một tấm
chàng mặc quần tắm, rất trẻ, đứng giữa đám đông tương tự trên một bờ hồ, tay
giơ cao chiếc cúp, nàng nói với các con, cứ như chúng đâu vừa từ trời rơi xuống
lần đầu, “Hồi ấy mẹ chưa lấy bố. Bố lĩnh giải bơi lội đấy.” Một đứa tủm tỉm hỏi,
“Giải gì vậy bố?” Chàng nhún vai đáp, “Thanh niên Đô Thành.” Nó reo lên, “Ồ con
nhớ rồi…” Vợ chàng chen chận, “Và chưa quên sau bố bị sưng phổi, bỏ mất dịp dự
tranh đi Thế Vận Á Châu đấy chứ?” Một đứa giọng nhỏng nhẻo có pha ngờ vực, “Đây
hè nóng sao bố không chịu ra biển bao giờ?” Vợ chàng lại chen vào, giọng bao
che trông thấy, “Đô đốc đã hồi hưu, với lại đừng bắt đô đốc nhìn lại chỗ đắm
tàu.”
Chàng
nhìn vợ cảm động.
*
Có
điều phiền chẳng riêng vợ chàng mà gần như mọi người đồng hội đồng thuyền, vì
lòng cảm phục đâm đủn chàng vào thế tiếm mạo cấp bậc quân đội. Khi không họ lên
lon đô đốc cho chàng. Cấp bậc cao nhất của Hải quân VNCH chỉ là phó đô đốc,
thoáng cái các mặt trời cũ biến thành vệ tinh của chàng sắp lượt. Vợ chàng mỗi
khi làm cơm xong, hay nói lớn vào trong, “Đô đốc tắm xong chưa, cơm chứ!” Ngay
lũ em chàng hay em vợ, mỗi khi đến chơi không thấy chàng đều oang oang hỏi lũ
cháu, “Đô đốc có nhà không mấy đứa?” Tự trọng tối thiểu cho chàng biết chuyện
xuy vân phiến võ chẳng hay ho gì, dẫu có lâm tình trạng sẩy đàn tan nghé. Luật
nước luật quân nó ở trong lòng, cứ lộng giả thanh chân như thế ắt có ngày nghe
mãi vui tai thì nguy. Nhưng đó là cách bày tỏ của “lòng dân,” làm sao khác được;
thế là để tự thấy mình xứng đáng, cuối tuần rảnh rang chàng thường tự tu nghiệp
bằng cách ôm cứng lấy mớ sách báo, video. Những cuộc hải chiến cổ kim, các chiến
thuật chiến lược, thậm chí hải lực Trung cộng, tiềm lực hải quân CSVN chàng
nghiên cứu tuốt luốt. Các quần đảo biển Đông chàng rành như những vết đồi mồi sớm
hiện trên mu bàn tay. Chàng lập sa bàn trận thế (dĩ nhiên chỉ trong óc) và sẵn
sàng đem luận say sưa với các bạn, đôi khi cả với lũ con. Chàng kết luận khéo,
nhưng kẻ đối diện thông minh có thể ngầm hiểu nếu chàng còn ở hải quân, những
trận thuỷ chiến của Ngô Quyền, của Trần Hưng Đạo v.v… sẽ không chỉ là những tiếng
vang xa xôi trong sách sử.
*
Những
lúc sau này vùng thung lũng ô nhiễm quá, bệnh phổi chàng tái phát có lần phải
đi cấp cứu. Bác sĩ bắt chàng ném mớ tẩu vào thùng rác. Miệng đô đốc không tẩu
thật y mồm ca sĩ không răng. Đã vậy vợ con còn mở trận tổng công kích mới: “Yếu
phổi cần gió biển. Mùa hè này nhất quyết tuần nào cũng phải đi biển.”
Và
chàng trở lại biển. Nhưng biển với chàng ngày nay chỉ còn là thế giới của hoài
niệm. Chàng thường mở ghế xếp ngồi dưới một gốc dừa, chẳng để ngắm nhìn những
thân hình bốc lửa của gái tóc vàng, hay lắng nghe tiếng đàn tiếng nhạc vui tai
bay trộn với khói thơm lừng bốc từ những vỉ nướng thịt quanh quẩn. Chàng chỉ ngồi
nhìn màu nước xanh nhấp nhô lòng lắm bùi ngùi. A, Trung cộng bắn chìm tàu chàng
năm nào kìa? Bảy ngày đêm bám phao giạt vào bờ ươn như con cá chết. Rồi lần vượt
biển như cuộc chạy trốn gian nan, ủa, nửa đêm ngày mấy tháng mấy nhỉ? Cũng may
có lúc ngoài chân trời rạng nắng xa tít, vài điểm đen nổi lên như gợi hứng cho
tim chàng hồi phục ít nhịp đập nửa bồi hồi nửa hùng tráng. Chàng nhớ đến
Odysseus, đến Sinbad, đến Columbus, đến những thuỷ thủ của truyền thuyết muôn đời.
Họ là những anh hùng lấy trái tim quả cảm đè bẹp biển dữ; họ giăng buồm để kẻ
trở lại quê nhà, kẻ đi vào viễn mộng, kẻ chinh phạt những lục địa xa xôi.
Trái
tim chàng nhờ thế loé lửa.
“Hôm
nay ấm lắm, bố phải tắm thôi!” Một đứa đến bên bố thúc giục. Tay nó cầm cây
kem, và vì thế chàng ngờ nó không thể đoán hiểu trong tấm khăn tắm khoác thêm
trên vai, từng tế bào trong da thịt chàng như đang tóp lại để sống sót trước những
luồng gió biển đầy hơi nước lạnh lùng.
Chắc
mẹ xúi, đùng đùng mấy đứa lớn ùa tới hè nhau khuân bổng chàng lên. Phần ngại lũ
đầm phơi nắng cười mũi, phần không muốn làm vợ con thất vọng, chàng đành lấy
làm vui, không chống cự; và như thế, chúng khuân chàng chạy càn xuống làn nước
trong xanh.
Ối mẹ
ơi là nước biển Mỹ. Vừa kịp cảm thấy mình bị nhúng xuống một vũng nước đá cóng
buốt thì một làn sóng khổng lồ phủ lấy bố con chàng. Chàng uống một bụng. Khi
trồi lên được chàng tối tăm mặt mũi, không còn biết chửi mắng đứa nào cho hả giận.
Chàng lom khom, run rẩy chạy lên bờ, rúc vào gốc dừa, có nhiêu khăn tắm quấn hết
vào người. Nhưng thanh củi ẩm không hàm chứa một ngọn lửa tốt. Chàng run bần bật
trong đống khăn lông dày. Vợ chàng chạy tới trố mắt hỏi:
“Lạnh
thế cơ à?”
Chàng
lập cập biện bác:
“Yếu…
phổi…”
Nàng
chỉ xuống biển, bảo:
“Thiên
hạ già trẻ nhảy như nhái.”
Chàng
đành cười héo hắt:
“Đô
đốc… hồi hưu… mà… em…”
Nàng
choàng thêm cho chàng tấm khăn lông, bỏ nhỏ:
“Vâng,
thưa đô đốc hồi… dương.”
Nói
rồi nàng thản nhiên phóng xuống nước giỡn với các con.
Mắt
nhoè nhoẹt chàng ngó chân trời như ngó vào lòng, sạch bóng, hoang vu. Chỉ gió dồn
như tiếng thở hụt hơi. Chàng ngẫm câu đùa của vợ thấy không nhẹ. Nó như triết
lý nghiêm chỉnh sau cùng của mọi bi hài kịch, dù ngọt dù cay. Chàng ngồi thộn
ra, đầu cứ thế nổi lềnh bềnh một thắc mắc: Những Odysseus, Sinbad, Columbus…. đến
thời sa sút ra sao, có chết chìm?
HÀ
THÚC SINH