Sunday, March 25, 2018

493. Thơ TRẦN ANH CHƯƠNG Gần tháng tư thăm Trùng Khánh





 Trùng Khánh bên bờ sông Dương Tử - Photo by Trần Anh Chương, 3.2018


Trùng Khánh (Chongqing), bên bờ Dương Tử, từng là thủ đô của Trung Hoa Dân Quốc trong chiến tranh Trung-Nhật (1937-1945). Trong thời gian này, Trùng Khánh cũng là nơi đóng đại bản doanh của Trung Hoa Quốc Dân Đảng và lực lương Đồng Minh ở Đông Á. Nhiều trường đại học lớn và những kỹ nghệ, doanh nghiệp quan trọng dời về đây. Trùng Khánh cũng vang bóng một thời bởi những gia đình giàu có tản cư về từ Thượng Hải, Nam Kinh. Những mối tình lãng mạn giữa những tiểu thư khuê các và những sĩ quan trẻ Quốc Dân Đảng còn phảng phất trong nhiều truyện ngắn của Quỳnh Dao.

Năm 1949, bốn năm sau Đệ Nhị Thế Chiến,chiến tranh Quốc-Cộng chấm dứt, Trùng Khánh bị tràn ngập bởi đội quân nông dân của Mao. Bao gia đình khánh tận, bao thanh trừng, bao cuộc đời tan nát và bao cuộc tình chia ly. Hai triệu người Trung Hoa rời lục địa,  nhiều người không bao giờ về cố quốc.

Tháng 3, 2018 nhân một chuyến đi thăm Trùng Khánh, Trần Anh  Chương chụp vài hình ảnh các dinh thự cũ còn tồn tại từ thời Trung Hoa Dân Quốc, và cảm tác bài thơ sau đây.




GẦN THÁNG TƯ THĂM TRÙNG KHÁNH

Trùng Khánh
Không còn dấu xe ngựa cũ
Những cuộc tình hào hoa
Trong mù sương chiến tranh
Tan như rong rêu
Trên Hoàng Hà Dương Tử

Còn đâu bóng em giặt lụa
Dòng đời tan tác
Ôi Trung Hoa
Giết bao nhiêu mới gọi lả ác
Cỏ rác mạng người

Trùng Khánh
Tàn chinh chiến
Không có anh về
Quê hương đêm khuya ngọn đèn đìu hiu
Người đi không đường về cố quốc
Em chân yếu tay mềm
Trong bể dâu còn đâu dáng liễu
Ngày mai như muôn ngày trời không nắng

Trùng Khánh
Những giọt nước mắt khổ đau
Theo dòng sông ra biền
Người đi biền biệt
Một đời tóc xanh đã bạc
Chỉ tìm nhau qua giải Ngân Hà

TRẦN ANH CHƯƠNG
Trùng Khánh, 3/2018