Tuesday, March 20, 2018

484. NGUYỄN ÂU HỒNG Chết dưới ánh mặt trời




Một ngày cuối tháng 8-2014, bà Nataliya, một phụ nữ cao niên người Mỹ gốc Ukraine khi xem một đoạn phóng sự quay cảnh đổ nát và đầy những dấu tích bom đạn của thành phố Slavyansk, bà đã không cầm được nước mắt. Rồi khi nghe một phụ nữ đồng lứa tuổi nói, “cảnh tàn phá trong thế chiến thứ hai cũng không như thế này, không điện, không hơi đốt, không nước máy”, bà đã khóc òa lên.
Bà Nataliya sinh ra ở Donetsk, nhưng lớn lên ở Slavyansk, đã trải qua những ngày tuổi trẻ đầy hoa mộng sau chiến tranh ở đó. Bà nói:
“Có đất nước nào chịu nhiều thảm họa như đất nước Ukraine không? Có dân tộc nào chịu nhiều đau thương như dân tộc Ukraine không?”
Tôi nói về những đau thương khốn cùng của dân tộc Việt và của đất nước Việt Nam, là để nhằm chia sẻ thôi, không ngờ bà lại càng bi phẫn hơn:
“Dân tộc Việt Nam các anh dẫu có chết cũng được chết dưới ánh mặt trời, còn dân tộc Ukraine chúng tôi đã phải chết trong bóng tối. Những thảm họa mà dân tộc Ukraine phải gánh chịu là những thảm họa câm lặng. Riêng Holodomor thôi, hàng triệu người Ukraine đã câm lặng đi vào cõi chết. Cho đến tận hôm nay, máu của những nạn nhân Holodomor vẫn kêu gào đòi công lý, đòi sự thật phải được phơi bày ra ánh sáng, đòi phải quật mồ những tên tội phạm gây tội ác chống nhân loại”.
Các sử gia Ukrainian cho rằng, khi nông dân Ukraine chống lại chủ trương hợp tác hóa nông nghiệp, Stalin và Trung ương Xô Viết đã trừng phạt bằng cách tạo ra nạn đói để giết chết trên mười triệu người Ukraine. Thảm cảnh này về sau có tên là Holodomor.
Theo từ điển Ukraine xuất bản năm 2004, Holodomor là nạn đói nhân tạo được tổ chức bởi một thể chế tội phạm với quy mô rộng lớn nhằm chống lại một dân tộc. (1)

Bà Nataliya nói tiếp, “Chế độ Xô Viết dưới thời Stalin nghẹt thở đến mức, khi quân Đức đến, người dân Ukraine đã có hành động nông nỗi là dang tay chào đón. Đến khi quân phát-xít dùng nhà dân làm doanh trại, và kềm kẹp bóc lột dân tôi đến tận xương tủy, bấy giờ dân Ukraine chúng tôi mới trắng mắt ra: hai cái chủ nghĩa ấy, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát-xít, chúng nó là anh em có cùng huyết thống”.

Khi nghe Nataliya nói, “Những thảm họa mà dân tộc Ukraine phải gánh chịu là những thảm họa câm lặng”, tôi nghĩ bà có bao gồm luôn vụ nổ Chernobyl. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là bà Nataliya hiểu khá mơ hồ về thảm họa môi trường khủng khiếp này. Năm 1946, bà lấy chồng là phóng viên của một hãng tin rồi theo chồng sang Mỹ. Vụ nổ nhà máy nguyên tử Chernobyl xảy ra năm 1986, tức 40 năm sau ngày bà rời khỏi tổ quốc, nhưng việc thiếu thông tin có lẽ không phải do khoảng cách, do thời gian mà do bị bưng bít. Tôi nói, “Chernobyl là tai nạn hạt nhân lớn nhất thế giới, không chỉ vùng gần nhà máy thuộc biên giới Ukraine-Belarus bị nhiễm độc nặng, phóng xạ nguyên tử đã làm ô nhiễm ba phần tư Châu Âu. Vì thói độc tài, vì thiếu hiểu biết, và vì sợ dân chúng hoảng loạn, Trung Ương Xô Viết và giới thẩm quyền địa phương đã trấn an dân rằng không có gì phải lo lắng. Rằng đám cháy đã bị dập tắt và chỉ có vài người lính cứu hỏa bị thiệt mạng. Và thế là, vụ nổ xảy ra ngày 26.4.1986, sang đầu tháng 5.1986, nhân Lễ mừng chiến thắng, khắp nơi trên hai nước cộng hòa, các quân binh chủng, các ban ngành, đoàn thể vẫn rầm rộ diễn hành. Mọi sinh hoạt đều diễn ra bình thường, một ngày như mọi ngày, ngoài đồng nông dân vẫn chăm sóc khoai tây; trong làng, các bà nội trợ vẫn vắt sữa bò, làm bánh; công nhân viên chức vẫn đến sở làm… Nhưng rồi có lệnh sơ tán. Hàng ngàn ca phá thai. Những thai nhi được xem là bị nhiễm xạ nhẹ hơn được sinh ra cũng đã chết non vì những bệnh quái lạ”…

Tôi đưa cho bà Nataliya quyển “Voices from Chernobyl” của Svetlana A. Alexievich và cho bà hay nữ ký giả này có quê mẹ là Ukraine, quê cha Belarus. Tác phẩm vừa đoạt giải Nobel văn học 2015. “Đây là những tự thuật gây xúc động, mỗi lời độc thoại đều thể hiện sự uất hận, nỗi sợ hãi, sự dốt nát, thói ích kỷ, chủ nghĩa anh hùng, lòng trắc ẩn, và tình yêu… Phần kết, tác giả viết: Tôi có cảm tưởng như mình đang làm công việc ghi chép tương lai”.

Mấy ngày sau bà Nataliya gọi phone nói bà có việc cần tôi giúp đỡ. Đến nhà, bà đưa ra quyển “Voices from Chernobyl” bản tiếng Anh của Keith Gessen, “Nếu anh đã đọc rồi thì anh biết rõ những trang tinh túy nhất của tác phẩm. Tôi muốn anh đọc cho tôi nghe những trang ấy”. Tôi cầm quyển sách, ngần ngừ không biết nên làm gì. Cuối cùng tôi nói, “Tác giả đã liều mình tìm gặp và trò chuyện với hàng ngàn nạn nhân còn sống sót; thu góp, chắt lọc những lời tự thuật không chút giá trị rồi biến cải thành một tác phẩm văn học có tầm vóc lớn. Toàn quyển sách là một khối chuông đúc bằng vàng ròng, từ đó phát ra tiếng vọng: - Đừng để thảm họa tương tự Chernobyl lặp lại”…

“Anh hãy gióng tiếng chuông ấy lên, từng trang một, tôi thực sự muốn nghe. Tôi tha thiết muốn nghe tiếng vọng từ Chernobyl”.

Tôi không muốn tách khối vàng ròng ấy rời ra, nhưng để chiều lòng một lão bà muốn biết những gì mà đồng bào ruột thịt mình đã và đang hứng chịu, tôi đã cố gắng. Tôi xin bà cho vài hôm để chuẩn bị.
Sau đây là những phần tôi đã chọn, đọc cho bà ấy nghe. Tôi không chúi mũi đọc một mạch, mà thỉnh thoảng dừng lại để quan sát vẻ mặt của Nataliya, sợ bà vì quá xúc động mà xảy ra tai biến gì chăng? Và ngay trong những khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, tôi đã kịp độc thoại từ dòng cảm do Svetlana A. Alexievich dẫn dắt. Tôi gọi đó là “Độc thoại bên trang sách Tiếng Vọng Từ Chernobyl”.

…Trứng, thịt, sữa bày bán ở chợ không còn là thực phẩm mà là phế phẩm nhiễm độc… Thế mà người dân vẫn dùng, thậm chí còn được chuyển đi đâu đó để bán… Chúng tôi kiểm tra độ nhiễm xạ của lũ trẻ trong những ngôi làng, cả trai lẫn gái… Số đo cao đến mức mấy bé gái này khi lớn lên sẽ không sinh nở được… Khi chúng tôi đến khu vực Pripyat (cách Chernobyl 15 km), thấy người ta dựng lều, cắm trại với gia đình. Họ bơi lội, tắm nắng. Đã mấy tuần nay rồi, không một ai biết rằng mình đang tắm táp dưới một đám mây đầy phóng xạ nguyên tử. Trò chuyện với họ là điều bị nghiêm cấm… Ôi cái thứ quyền lực ấy! Thứ quyền lực vô giới hạn mà người ta có thể áp đặt lên kẻ khác. Nó không còn là mánh khóe hay sự dối trá nữa. Mà là cuộc chiến tranh nhằm tiêu diệt những người vô tội. (2)

Vasily B. Nesterenko, nguyên Giám đốc Viện năng lượng hạt nhân thuộc Hàn Lâm Viện Khoa học Belarus.

(Ở Việt Nam, một thảm họa môi trường đã xảy ra, và cách đối phó của giới thẩm quyền cũng tương tự như 30 năm trước ở Chernobyl. Ngày 6.4.2016, ngư dân xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh phát hiện cá nuôi lồng bè trên biển chết hàng loạt. Cùng ngày, cá tự nhiên chết hàng loạt, dạt lớp lớp vào bờ, và nhanh chóng bùng phát như dịch bệnh. Cả nước chấn động… Cá chết khủng khiếp dọc mấy trăm cây số duyên hải từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, đến ngày 29.4 tới Đà Nẵng. Tỉnh Quảng Bình nặng nhất, tới ngày 29.4, thu gom được 100 tấn cá chết. Ngày 30.6.2016, giới hữu trách đã đưa ra kết luận chính thức: “Chất thải có chứa độc tố từ nhà máy Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân của thảm họa”. Đây là một thảm họa môi trường có mức độ nguy hại lâu dài, rộng lớn, nhưng trong mấy tháng qua, giới thẩm quyền vừa đàn áp biểu tình vừa trấn an dân chúng, rằng không có gì phải lo lắng và nhất là không hoảng loạn, cứ sinh hoạt bình thường. Các viên chức cao cấp ở một vài địa phương còn bày trò rủ nhau đi tắm biển, nướng cá bắt tại chỗ ăn. Nói như Viện sĩ Vasily: “Đây không phải là mánh khóe hay sự dối trá nữa. Mà là cuộc chiến tranh nhằm tiêu diệt những người vô tội”). Độc thoại bên trang sách Tiếng Vọng Từ Chernobyl.    

…Chúng tôi ghé qua thăm một nhà giữ trẻ… Mấy đứa bé trông buồn hiu. Chúng tôi chọc ghẹo, chúng vẫn không cười. Người coi trẻ bảo: “Đừng cố sức làm gì. Lũ trẻ của chúng tôi không bao giờ cười. Và khi chúng ngủ thì lại khóc.”
…Mấy người tài xế xe tải nói rằng đám bò này rất quái đản. Lông chúng mọc dài chạm tới đất và khi đói thì chúng ăn bất cứ thứ gì tìm thấy - giẻ rách, giấy báo.
Irina Kiseleva, Nhà báo.
(Ở Việt Nam, những chất độc hồi chiến tranh trong đó đáng kể nhất là chất độc da cam - dioxin - đã gây ra bệnh ung thư máu cho biết bao phụ nữ, và có bao nhiêu trẻ em bị khuyết tật? Các nhà khoa học không tìm ra mối liên hệ giữa chất độc da cam và các bệnh tật kể trên. Nhưng ngày 24.5.2016 vừa qua, tại Hà Nội, trong bài diễn văn của mình, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã nói: “Chúng tôi cũng vừa tiếp tục giúp đỡ người khuyết tật, kể cả trẻ em , vừa giúp khắc phục hậu quả của chất độc da cam – dioxin - để Việt Nam có thể tái sử dụng thêm nhiều đất. Chúng ta tự hào về công việc chung ở Đà Nẵng, và chúng tôi sẽ tiếp tục giúp đỡ các bạn tại Biên Hòa” …Gần nhà tôi ở Nha Trang - Việt Nam, có một cháu trai tên Hùng, được xác nhận là bị nhiễm dioxin. Trông cháu cũng buồn hiu như những đứa trẻ ở Chernobyl. Cháu đã chết mà chưa từng biết đến nụ cười trẻ thơ). Độc thoại bên trang sách Tiếng Vọng Từ Chernobyl.

…Đất lấy đi tất cả - người tốt, xấu, kẻ tội đồ. Trên quả đất này làm gì có công lý… Tôi đang chờ chết. Tôi không sợ chết, nhưng khó quá. Nhà thờ bỏ hoang. Cha xứ không quay lại. Không có ai để tôi xưng tội.
Một nông dân ở Pripyat

(Ở Việt Nam, những năm 1965-1973, tại nhiều vùng nông thôn đồng bằng cũng như miền núi, dân chúng  tản cư lánh nạn, làng xóm xơ xác chỉ còn một vài người già liều mạng ở lại. Chùa và nhà thờ hoang phế, dây bìm bìm bò cả lên bệ thờ. Một lão ông ở cạnh nhà thờ Kỳ Sơn tỉnh Quảng Tín cũng đã nói với tôi những lời tương tự. Rằng: “Tôi không sợ chết, nhưng tôi không cam lòng nhắm mắt khi không được xưng tội). Độc thoại bên trang sách Tiếng Vọng Từ Chernobyl.

…Dân làng bị buộc di tản không được đem theo thú cưng. Những con chó bị bỏ rơi đợi chủ quay về. Chúng quẫy đuôi mừng khi thấy có người vào nhà và không ngần ngại chạy đến khi nghe gọi. Chúng tôi bắn chết chúng ngay trong nhà, ngoài kho nông cụ, giữa sân. Vào cuối ngày, khi đã giết đủ chó và chất đầy xe tải, chúng tôi lái xe đến “nghĩa trang chó”, trút xuống một cái hố tạm gọi là “huyệt mả”. Vào một buổi chiều, khi trút hết xác chó xuống hố, có một con chó đen nhỏ xíu bỗng đâu từ đống xác chết loạng quạng đứng lên. Con chó con thuộc giống poodle này cố sức bò lên, bò về hướng chúng tôi, những người đi giết chó. Cả đội không ai còn lấy một viên đạn. Không còn một viên đạn nào. Cuối cùng chúng tôi đã đẩy con poodle bé nhỏ ấy xuống rồi lấp đất, chôn sống. Điều này làm tôi ray rứt mãi…
Một đội viên trong Đội giết chó.

(Ở Việt Nam, những năm 1945-1954, trong những vùng dân cư do Việt Minh kiểm soát, giới thẩm quyền đã mở nhiều chiến dịch giết chó, gọi trại đi là“diệt Cờ Tây” (Cờ Tây đây là quốc kỳ của thực dân Pháp). Nhưng người ta không trút xác chó chết xuống “huyệt mả”, mà giết thịt, biến Cờ Tây thành Cầy Tơ bảy món - luộc, nướng, xáo măng, chả chìa, đùm, rựa mận, dồi. Ngoài ra còn hát nghêu ngao: Sống ở đời không ăn miếng dồi chó/ Chết xuống âm phủ biết có hay không. Nhưng mà, làng xóm không bóng dáng một con chó, không tiếng chó sủa trở nên vắng lặng, cảm thấy bất thường và rờn rợn thế nào ấy…) Độc thoại bên trang sách Tiếng Vọng Từ Chernobyl.

Như đã nói, thỉnh thoảng tôi ngừng đọc, ngước lên nhìn Nataliya vừa thăm chừng vừa suy tưởng miên man, “độc thoại bên những trang sách…”. Lần này, tôi thấy trên mặt bà có biểu hiện khác thường. Bà nhìn tôi đăm đăm, đôi mắt xanh khuất sau những nếp nhăn ánh lên, rồi một dòng lệ ứa ra. Môi bà mấp máy liên tục, hai hàm răng giả đánh bò cạp, người co quắp lại suýt nữa té chúi nhủi xuống nền nhà. May mà cô y tá đứng trực bên cạnh đã kịp giữ bà lại. Tôi đứng lên phụ với cô đỡ bà ngồi dựa vào ghế bành. Cô y tá cho bà thở ô-xy và làm những động tác chuyên môn. Chặp lâu bà tỉnh dậy hỏi xin nước. Nhân chuyện con poodle đen bị chôn sống, tôi định kể cho bà nghe một chuyện đau lòng không kém về con bím trắng, con chó khôn lanh đã thoát khỏi cuộc bố ráp trong chiến dịch “diệt Cờ Tây”. Nó sống một mình ngoài đồng, ngày ẩn núp trong các lùm bụi; tối săn bắt chuột, thỏ hoang, chim cút, gà nước và cả vịt đàn vây ngoài đồng, để mưu sinh. Những tay du kích bắn chó giỏi nhất cũng đành chịu thua. Để đối phó với con bím trắng, giới thẩm quyền đã bày ra một mưu độc: bắt thằng bé con ông chủ rồi đang đêm đem cột cháu vào một nọc trâu ở ngoài đồng để làm bẫy. Con bím trắng tuy khôn ngoan, nhưng vì thương chủ và nhớ bạn, nó không dằn lòng được, đã đến thăm, bị rơi vào cạm bẫy. Để hả dạ, đám du kích đã giết con bím trắng ngay tại chỗ, quên cởi trói cho thằng bé. Nó muốn bưng mặt khóc, nhưng hai tay bị trói, đành để cho nước mắt rơi lã chã xuống ngực áo…Tôi định kể, nhưng sự thể đã thế này, thì việc đọc còn phải đình lại, nói chi đến chuyện này chuyện nọ kể bên lề.

Tôi cứ tưởng việc đọc sách thế là chấm dứt. Chẳng dè, một tuần sau bà Nataliya lại gọi. Bà nói, “Tôi muốn tiếp tục nghe tiếng vọng thê thiết từ chiếc chuông vàng của Svetlana Alexievich”. Khi tôi lần giở các trang sách, bà nói, “Hy vọng các trang sau không quá ám ảnh và xúc động như trang nói về con chó con giống poodle”. Nghe bà nói, tôi hiểu vì sao trên các trang mạng tiếng Anh, khi giới thiệu quyển Tiếng Vọng Từ Chernobyl, giải Nobel văn học 2015, các nhà phê bình thường chỉ trích trang tự thuật giết chó, mà không trích những trang khác.

Việc đọc được tiếp tục, nhưng tôi thận trọng hơn trong chọn lựa:

…Khi mặt chồng tôi biến dạng, cấp trên cử đến một phái đoàn. Họ đem đến bằng tưởng niệm có in hình Lenin. Đã mấy tháng rồi, ông nhà tôi không nói được vì những vết mổ ở cổ, anh ấy phản đối bằng cách kéo mền phủ lên mặt mình. Tôi cầm bằng tưởng niệm, nhìn hình Lenin, tự hỏi: Chủ nghĩa cộng sàn đã nổ tung cùng với vụ nổ Chernobyl, sao người ta còn in hình ông vào đây? Mấy hôm sau chồng tôi qua đời. Anh ấy chết rồi mà thi thể cứ nóng mãi, nóng đến mức tay trần không thể chạm vào được… Có tin đồn rằng, kể cả khi chết rồi, xác những người ở Chernobyl vẫn còn có thể phát ra những chất phóng xạ. Tôi có đọc được trong báo nói rằng những ngôi mộ của lính cứu hỏa Chernobyl chết tại bệnh viện Moscow chôn ở Mitino vẫn còn được coi là có khả năng phát xạ. Người ta không dám đến gần, cũng không dám chôn cất người thân xung quanh đó. Người chết rồi lại cũng vẫn sợ người chết.
Valentina T. Panasevich, vợ một thanh tẩy viên.

(Valentina ơi, chủ nghĩa cộng sản không chỉ để lại di ảnh của Lenin thôi đâu. Dù đã nổ tung, di họa của nó sẽ còn kéo dài, bây giờ và cả về sau này. Cũng như người anh em cùng huyết thống của nó, chủ nghĩa phát-xít, còn mãi di họa thù hận chủng tộc trong đầu óc những người tự cho mình là da trắng thượng đẳng; chủ nghĩa cộng sản còn mãi di họa trong thói thị uy thị quyền, coi nhân dân là gà vịt, huênh hoang rỗng tuếch, ích kỷ hẹp hòi, tự cao tự đại, thích ngồi trên đầu thiên hạ, đập ngực tự xưng “ta là lương tâm nhân loại, là đỉnh cao trí tuệ loài người”, mà quên mất: đã là ếch, thì dù ngồi đáy giếng hay đứng trên đầu nhân loại, bầu trời đối với chúng cũng chỉ bằng cái nắp vung!). Độc thoại bên trang sách Tiếng Vọng Từ Chernobyl.

…Đúng rồi đấy! Tôi đang bênh vực cho chính quyền Xô Viết đấy! Chính quyền của chúng tôi! Chính quyền của nhân dân! Dưới chế độ Xô Viết, đất nước chúng ta hùng mạnh, ai cũng nể sợ. Cả thế giới nhìn vào! Đã có kẻ sợ vãi đái. Đã có đứa chỉ biết ganh tị. Đ.Mẹ! Đúng rồi đấy! Chính CIA chứ không ai vào đây! Chính bọn CIA đã làm nổ nhà máy. Nếu Chernobyl không bị nổ, thì đế quốc hùng mạnh của chúng ta đâu có bị tan rã như thế. Một đế quốc hùng mạnh. Đ.Mẹ! Giờ thì sao? Chúng ta được gì dưới chế độ dân chủ? Chúng nó gởi đến đây kẹo thừa, bơ cặn, quần áo cũ như thể chúng ta là những kẻ hoang dã vừa mới tụt từ trên những cành cọ xuống…
Một kẻ bênh vực chính quyền Xô Viết.

(Luôn luôn như vậy, ở bất cứ nơi nào có làn sóng đỏ phủ qua, người ta đều suy nghĩ rập khuôn: cái gì tốt đẹp là thuộc về tao, cái gì tào lao đê tiện là thuộc về chúng mày. Thành công, được mùa là nhờ lãnh đạo sáng suốt; thất bại, mất mùa là do thiên tai hoặc do bàn tay lông lá của CIA. Mà này, xin hỏi người anh hùng, đế quốc Xô Viết hùng mạnh như thế, là “thành trì không gì lay chuyển nổi của phe xã hội chủ nghĩa, trụ cột vững chắc của hòa bình thế giới”, sao chẳng ai đụng mà tự sụp đổ tan tành như thế? Sao lại tự đào mồ chôn mình như thế?). Độc thoại bên trang sách Tiếng Vọng Từ Chernobyl. 

…Tôi nhận được lệnh, “các anh phải làm sao để dân chúng không hoảng loạn”.
Thế giới được hình thành từ những định luật vật lý, chứ không phải bằng những lý thuyết của Marx.
Tôi chỉ là một sản phẩm của thời đại tôi đã sống. Chứ không phải là một tên tội phạm.
Vladimir M. Ivanov, nguyên Bí thư thứ nhất đảng ủy vùng Stavagorod.

(Ông Bí thư có đứa cháu gái sơ sinh bị chết vì nhiễm độc phóng xạ. Ông đã phản tỉnh nên nói trúng đôi điều. Duy có một điều tôi muốn thưa với ông: Tuy không phải là một tên tội phạm, nhưng ông đã tận tụy cả đời mình để phục vụ cho một thể chế tội phạm. Ông nghĩ sao?). Độc thoại bên trang sách Tiếng Vọng Từ Chernobyl.

Nghe đọc đến câu tự bạch cuối của ông bí thư: “Tôi chỉ là một sản phẩm của thời đại tôi đã sống, chứ không phải là một tên tội phạm” bà Nataliya nhổm dậy, mắt sáng quắc, “Đây không còn là mánh khóe hay sự dối trá nữa. Mà là cuộc chiến tranh nhằm tiêu diệt những người vô tội”. Bà đã lặp lại y chang câu nói của viện sĩ Vasily Nesterenko thuộc HLV Khoa học Belarus mà tôi đã đọc cho bà nghe. Đầu óc  của bà còn tỉnh táo và trí nhớ tốt cách lạ lùng. Bà nói trong uất ức, rồi lại run lẩy bẩy, miệng đánh bò cạp và co quắp người như lần trước. Việc đọc đành phải tạm dừng.

Mươi ngày sau tôi lại được gọi, tuy cùng số phone, nhưng lần này là tiếng nói của cô y tá. Tôi sợ bà Nataliya có chuyện gì nên đến ngay. Tới nơi, tôi được cô y tá đưa vào phòng khách. Trong nhà có nhiều người, tôi nhận ra hai ông con trai thường đến thăm bà và mấy cháu nhỏ gọi bà bằng cụ cố. Cô y tá nói, “Bà mới đi cấp cứu về. Tôi có kể cho bác sĩ nghe về việc đọc sách. Ông ta nói, quyển sách đó có sức ám ảnh mạnh, quá sức chịu đựng đối với một cụ bà đã quá cao niên như Nataliya, và bảo tôi khuyên anh nên dừng lại”. Tôi chỉ biết lặng lẽ gật đầu. Cô đưa tôi vào phòng ngủ của Nataliya. Thấy tôi bà xoay người ngồi dậy, nhưng cô y tá đỡ cho bà nằm xuống lại. Tôi hôn nhẹ lên trán Nataliya rồi ngồi xuống chiếc ghế có lót nệm kê sẵn bên giường. Bà đưa tay tìm tay tôi, nói giọng yếu nhưng rõ từng lời:

“Tôi nhớ có nói với anh về Holodomor. Thuở ấy, mới lên mười, tôi đã nhìn thấy những tấm bích chương có in dòng chữ: ‘Ăn thịt đứa con do chính mình đẻ ra là một hành động man rợ ‘. Đây là một dòng chữ đau thương. Anh đã từng đọc nó ở đâu chưa?”
“Dạ có. Tôi đọc dòng chữ đau thương đó trong sách và internet. Sử gia Robert Conquest trong Harvest of Sorrow cho rằng Stalin và Trung ương Xô Viết đã đẩy người dân Ukraine vào bước đường cùng, dẫn đến thảm cảnh người ăn thịt người, cha mẹ ăn thịt con; rồi lại tráo trở in bích chương giảng dạy đạo đức”…
“Nếu vậy, chắc anh biết Kulaks là gì?”
 “Dạ biết. Kulaks là những nông dân giàu có bị quy là địa chủ bóc lột. Họ bị đưa vào trại lao động”.
”Họ bị dẫn đi và không bao giờ quay về. Ông thân sinh ra tôi là một trong 2,5 triệu Kulaks đó của nông thôn Ukraine ”.
Tôi xin lỗi đã gợi nỗi buồn, nhưng bà nói không sao, rồi khép mắt như chìm vào những hồi ức xa xưa, vẫn giữ tay tôi trong tay. Chặp sau bà mở mắt:
“Như vậy là cuối cùng, nạn nhân của Chernobyl đã không phải chết âm thầm trong bóng tối. Nhờ quyển sách của Svetlana Alexievich , với sức mạnh nhân văn khai thiên phá thạch của nó, rồi ra những cái chết của những thai nhi, những em bé, những cụ già, những người dân ở Pripyat cũng như dân chúng ở vùng biên giới Ukraine-Belarus; cái chết của những người lính cứu hỏa, những thanh tẩy viên, những người hùng Xô Viết, khoa học gia, xét nghiệm viên, bác sĩ, y tá, nhà báo, viên chức hành chánh, tài xế, nhân viên bán hàng, xã viên hợp tác xã, đội viên đội diệt chó, những con chó trong đó có con Poodle khốn khổ… những cái chết đó đã và đang được phơi bày ra ánh sáng”…
Bà không nêu ra liền một mạch mà cứ ngắc ngứ, nhưng hầu như không thiếu một loại nạn nhân nào của Chernobyl. Trước khi chia tay bà nói:

“Tôi đã sống dai, sống đủ. Giờ đây tôi yên lòng dọn mình ra đi. Tôi đi gặp cha mẹ và những người đồng bào tội nghiệp của tôi, gặp những nạn nhân của cả Holodomor lẫn Chernobyl. Họ đã được chết dưới ánh mặt trời.

Hai hôm sau buổi gặp gỡ ấy, bà Nataliya qua đời, hưởng thọ 94 tuổi. Cô Kateryna, con gái út kể:

“Mẹ tôi tắm gội sạch sẽ, mặc chiếc áo dài Poltava truyền thống, bảo tôi chở đi beauty salon để trang điểm, làm đẹp. Về nhà, bà uống một ly nhỏ rượu Vodka, tự mình đi vào phòng ngủ, lên giường nằm. Bà có thói quen chợp mắt vài mươi phút vào buổi trưa, nhưng lần này bà cho gọi con cháu vào, bảo vén màn cửa cho nắng chiếu đến tận chỗ nằm, nheo mắt nói: “Ta đi đây!” rồi nhắm mắt đi vào cõi vĩnh hằng…”  
                                        
Vancouver, July 5, 2016
NGUYỄN ÂU HỒNG…..
(1) Holodomor - Lộc Trời, Tập truyện ngắn của Nguyễn Âu Hồng, Nxb Sóng, California 2015
(2) Bản tiếng Việt của T-Van. Vì trang t-van.net chưa đăng đầy đủ nên có một số đoạn Nguyễn Âu Hồng dịch từ bản tiếng Anh của Keith Gessen.