Tặng Trần Hoài Thư
Hôm
qua, Đoàn gởi điện thư báo tin cho tôi hay là anh Hồ đã mất. Anh mất ở cái tuổi
82. Kể ra anh sống như thế là đã thọ. Đoàn nói với tôi trong điện thư như thế.
Buổi
sáng, ngồi một mình sau nhà, trong cái patio nhỏ bé nhìn ra khu vườn, bên tách
cà phê vừa mới pha. Chiếc muỗng inox
khuấy nhẹ trong ly va chạm vào thành ly kêu leng keng. Một âm thanh khô
khốc. Buổi sáng nắng vàng ươm trên những tàu lá với những cơn gió nhẹ mang theo
hơi nước. Tiếng chim hót cùng với tiếng kêu leng keng của hai cây phong linh tạo
nên một âm thanh vui.Nhưng gió mang theo hơi nước báo hiệu cơn mưa chiều sẽ đến
không biết lúc nào. Tôi sợ những cơn gió mạnh. Cơn gió mạnh thổi tới báo hiệu cơn mưa sẽ đổ về trong
ngày, trưa nay hay chiều nay. Những cành lá chuối ngã nghiêng . Những chiếc lá
chuối bị gió đánh rách tả tơi trong những cơn gió trước. Rủ xuống, trông buồn
buồn. Tôi liên tưởng đến những cơn bão
tháng 7 thổi vào quê tôi. Bầu trời như muốn tối lại một màu chì. Người người
vội vã. Tôi bưng tách cà phê lên hớp nhẹ. Nghĩ đến Hồ.
Trong
năm, nhận ba cái tin những người thân mất. Ai rồi cũng đi vào con đường đó.
Luật vô thường của đất trời nào ai tránh khỏi, không trước thì sau. Biết thế,
nhưng sao cũng nghe buồn buồn chi lạ. Thằng Ngọc chết vì buồn cho nhân thế.
Uống rượu mua vui, giải sầu. Để đến nỗi sơ gan cổ chướng. Khi nghe nó bệnh gần
chết, bác sĩ chê bảo đem về nhà lo hậu sự, bạn bè đến thăm. Nằm trên giường chờ
chết thế mà cũng cười nói cho tao ly
bia. Tao thèm quá. Thằng bạn đem đến cho nó ly bia có đá. Nó ực một hơi. Rồi
cười: Tụi mầy phải như tao. Đéo sợ chết. Đánh trận 6 năm. Hết cao nguyên xuống
đồng bằng chẳng sợ thằng tây nào. Nay tao chán đời uống rượu tìm vui. Chết
sướng. Bà vợ đứng bên cạnh lắc đầu. Mấy thằng con đứng khóc. Nó nói phải cười.
Ba sắp cỡi mây để đi gặp Tiên, gặp Phật. Nhận được điện thư của mấy thằng bạn
gởi ra. Tôi cười cho cái thằng dở hơi này. Nhưng trong đời có mấy ai được như
nó trước khi chết.
Những
người bạn của tôi rồi cũng lần lượt ra đi. Biết thế nào rồi cũng tới lượt tôi.
Con đường đó cũng gần lắm. Nhưng với anh Hồ vừa ra đi ở cái tuổi 82 thì khác.
Nghe Đoàn nói, anh chết vì bệnh già. Chẳng đau đớn gì. Ở thành phố biển. Khí
hậu trong lành. Sáng nào cũng đi tắm biển. Về nhà như thường lệ. ăn sáng xong,
lên giường ngủ một giấc rồi đi. Nghe nói như thế. Sao có người đi vào cõi
chết nhẹ như lông vịt trời. Như Dĩ chẳng
hạn. Đi hành hương trở về nhà tắm rửa rồi lên giường ngủ là đi luôn. Dĩ chết có
tôi bên cạnh. Đúng là một giấc ngủ nghìn thu.
Giấc
ngủ nghìn thu hay nghìn năm của anh Hồ hay của Dĩ, với tôi, sáng nay nhiều kỷ
niệm lại đến anh Hồ ơi. Tôi đang ngồi uống cà phê một mình trong cái patio sau
nhà, chẳng có thằng Trần đến vì nó ở xa quá tận phía Đông. Gió bắt đầu thổi
mạnh. Cơn mưa sắp đến rồi. Mây vần vũ trên nền trời xàm xịt. Những kỷ niệm với
vợ chồng anh như hiện về mới hôm qua. Dù, với anh, xa nhau cũng gần 30 năm
không gặp lại. Sau một ngày được ra khỏi trại, ngồi trên chiếc xe đò chạy bằng
than ì à ì ạch ngừng dưới chân đèo . Tôi bước xuống với cái giỏ lát trên vai.
Lên đèo nhìn về hướng biển. Gió mát. Tôi nhớ đến 8 năm về trước cũng từ trên
đỉnh đèo này hai người lính đứng gác không cho tôi váo thành phố; vì thành phố
bất ổn, loạn quân loạn quan. Nay với một tư thế khác, một người dân bình thường
thất trí sau 8 năm trong trại được thả về, đi lang thang như một kẻ lạ trong
thành phố quá quen thuộc này. Tôi trở lại để thăm anh chị lần cuối. Mà đúng
vậy. Lần ấy, chị Hồ thấy tôi chị vui mừng dù nhìn tôi như một kẻ ăn xin, thất
chí. Chị gọi anh, từ nhà sau đi lên. Em phải ở lại chơi với anh chị vài ngày
rồi hãy về. Đừng ngại. Nhà anh chị cũng như nhà em. Tôi cám ơn. Ghé tới thăm
anh chị rồi còn phải về quê tìm vợ con nữa chứ. Ừ nhỉ! Chị quên. Tôi cười. Anh
cũng cười. Tôi hỏi anh về Minh. Nghe nói nó chết ? Anh cho biết Minh chết lãng
xẹt. Đi xe gắn máy về Phan Rang, bị xe bộ đội tông phía trong Cam Ranh. Chết mà
vợ con không biết. Mấy ngày sau mới hay. Tôi nói anh đưa tôi tới thắp cho Minh
nén nhang. Từ đây, tôi mới biết là gia đình Minh đã dọn về Đà Lạt sống ẩn dật
trên đó. Chị Hồ cũng cho biết vợ Minh cũng chết sau cơn bệnh nặng.
Những
người bạn một thời rồi cũng ra đi sau cái năm đó. Không liên lạc được. Anh hỏi
tôi về Trần. Nghe nói Trần đổi vô Nam . Tụi mầy ngày xưa là những
người lính bụi. Bất chấp. Khác với những người lính làm ở thành phố. Áo quần
bảnh bao, thẳng nếp. Mầy với Trần gần như bất cần đời. Tôi với anh ngồi nơi
phòng khách. Chị lo cho bữa ăn gồm cá biển chiên với những đọt rau lan luột còn
non mới hái sau nhà. Chị Hồ lúc nào cũng vậy. Mau mắn và chu đáo. Chị bảo tôi
ăn thêm. Tôi chỉ ăn được một chén, bao tử nó bị teo tóp sau 8 năm. Không ăn nổi
nữa. Tôi nhìn chung quanh phòng, những bức tranh còn lại anh treo trên tường.
Ngày xưa tôi và Trần đến thăm anh, chúng tôi vẫn thích bức tranh này. Bức tranh
chỉ là những vòng kẽm gai. Một cái đồn lính gác xa xa mờ mờ ảo ảo. Những miếng
khăn trắng bay trong gió như những dải
khăn sô. Những lon bia treo tòn ten như hệ thống báo động. Người xem muốn hiểu
sao thì hiểu. Đồn bót ấy mà. Mọc lên như nấm ở nông thôn. Chiếc xe gắn máy hiệu
Honda màu đỏ còn để trong phòng khách. Anh Hồ nói để tôi chở chú đi vòng thành
phố xem phố phường hôm nay. Có nhiều cái lạ. Tôi ái ngại không đi vì bộ áo quần
trên người không giống ai. Tôi nói với anh như thế.
Nhỉn
chiếc xe gắn máy của anh. Tôi lại nhớ đến Trần. Không biết giờ này hắn sống
chết ra sao, kể từ ngày nó đổi vô nam. Chị Hồ hỏi tôi về Trần, Tôi mù tâm.
Những ngày hai đứa lang thang về thành phố, chiếc xe của anh là phương tiện để
hai thằng chạy rong. Hắn rất rành thành phố biển này. Hắn thường nói tất cả con đường đều ra
biển. Vì thành phố này là nơi hắn lớn lên đầy bất hạnh.
Một
buổi tối trời mưa, hắn chở tôi lòng vòng rồi xuống một cái xóm bên cạnh đầm rau
muống. Hắn chỉ ngôi nhà mà hắn đã lớn. Trời mưa, hai thằng lính ướt như chuột
vừa dưới cống chun lên. Lạnh. Tôi ngồi sau ôm lưng hắn. Ép mặt vào lưng hắn để
tránh những giọt nước mưa rơi trên mặt. Hắn chạy lòng vòng một đỗi rồi xuống
con dốc nhỏ. Hắn nói cuộc đời thơ ấu của hắn ở dưới con dốc này cho tôi nghe
trong ngôi nhà mà hắn dừng xe lại trước cổng một lát rồi đi. Hắn chủi thề: Đ.M
tao chẳng có tuổi thơ. Tụi mày còn biết đánh bi, đánh đáo, biết chạy rong trên
những cánh đồng thả diều giấy. Còn tao thì không. Cuối cùng họ tống tao vào nhà
của mấy bà sơ. Gương mặt bà nào bà nấy lạnh như đồng. Tao trốn. Đ.M phải học. Phải
học mày à. Tự học để có mảnh bằng với người ta. Tao nghe nói trước đó mày đi
dạy, tôi hỏi trong cơn mưa nặng hột. Nó nói, ừ. Tao dạy học ở một làng chài
nghèo mà đầy ấp tình người. Những đứa học trò dễ thương ơi là dễ thương. Nhưng
sao mày vào lính. Chán nghề dạy học?
Mưa
càng nặng hạt, át tiếng nói của hắn. Khi hắn gò người thắp xuống trên chiếc xe.
Đường vắng. Chỉ có hai thằng lính điên bất cần đời chạy rong trên những con
đường ướt nước mưa. Hắn chửi thề qua tiếng mưa rơi. Mẹ kiếp có yên đâu, họ bắt
tao vào lính rồi đẩy ra mặt trận. Tao thương những thằng lính của tao. Sau mỗi
bận hành quân, áo quần ẩm ướt, chúng ngồi bắt rận cho nhau. Mày thấy có thương
không? Tôi ừ ừ sau lưng hắn. Hắn chạy vòng qua một khu dất trống gần nhà ga có
những hàng keo. Hắn nói, tuổi thơ tao đã từng đến đây hái những trái keo ăn cho
đỡ đói. Gần như tao cũng dành thực phẩm với những đàn chim sáo của thành phố đó
mày.
Với
tôi, hắn với anh Hồ có nhiều kỷ niệm. Khi ngồi trong nhà anh Hồ sau 8 năm ra
khỏi trại. anh hỏi tôi, có lẽ Trần đã vượt biên?. Tôi nói không biết đi hay
chết. Vì đi, hết 80 phần trăm là chết kia mà. Không ngờ hắn đi thiệt sau những
năm cải tạo. Và hắn sống trên xứ người. Hắn vượt qua được tất cả để trở thành
một nhân viên cho một hãng lớn uy tín. Đi làm áo vest cà vạt. Còn tôi chỉ là
một thằng cu li. Dù áo vest cà vạt hay cu li thì hắn vẫn là hắn ngày nào trong
cái tình thân của bằng hữu. Hôm nay, nghe tin Đoàn báo anh Hồ mất. Ngồi uống ly
cà phê tự pha sau cái patio. Ngọn gió mang hơi nước về bào hiệu cơn mưa sắp đổ
tới. Tôi nhớ đến anh Hồ. Đến Trần. Phải chi có hắn bên cạnh. Tách cà phê ấm
biết bao.
PHẠM VĂN NHÀN
Houston,
ngày 13/12/2017