Trong ảnh: nhà thơ Lê Văn Trung
Vào trung
tuần tháng 7 năm 2017. anh bạn Trần Hoài Thư có ra một thi tập: Vịn Vào Lục Bát. Trong thi tập này,
phần sau anh Trần Hoài Thư dành riêng viết về những người bạn trong căn nhà ở
Khu Sáu Qui Nhơn với những dòng lục bát, cùng với những người bạn văn nghệ của
anh một thời khốn khó. Trong những bài lục bát ấy, có Lê Văn Trung...với những
câu thơ lục bát rất chân tình. Dù đã trải qua gần 50 năm nhưng, như một kỷ
niệm khó quên, mỗi lần nhắc đến. Căn nhà thuê, chật chội, không ngăn nắp nhưng đầy ắp
tình bạn. Đoạn lục bát trong thi tập mà Trần Hoài Thư viết về Lê Văn Trung như
sau: Em nào hiểu giữa cơn say/ Ta chiêm
bao thấy một ngày rất xa/ Khỏi cần khắc đá lời thơ/ câu thơ Khu Sáu cũng là
thiên thu. Hai câu đầu trong bài lục bát này Lê văn Trung viết trên vách
tường trong căn nhà tôi thuê bằng những cục than hầm từ ngôi quán của ông Ba
chủ nhà.
Nói đến
Qui Nhơn trong thời chiến (khoảng năm 1968) tôi với Trần Hoài Thư là hai người
lính. Anh em cầm bút đổi về Qui Nhơn nhiều cho nên bạn bè cũng khá đông. Không
phải những người lính chúng tôi quen nhau (hầu hết cầm bút) mà, còn có những
người không phải là lính. Như Hoàng Ngọc Châu. Lê văn Ngăn. Nguyễn Thị Thùy Mỵ
(Đặng Hòa)...Nhưng không hiểu tại sao giữa tôi với Trần Hoài Thư là hai người
lính bụi lại quen và thân với hai anh chàng văn nghệ: Phạm Cao Hoàng và Lê Văn
Trung. Khi đó Hoàng và Trung là hai sinh viên của trường Sư Phạm Qui Nhơn đạo
mạo, nghiêm chỉnh, vóc dáng của một người thầy trong tương lai. Không phải chỉ quen
qua loa, mà quen thật tình như anh em trong một nhà. Cái tình thân ấy ngày càng
gắn bó, cho dù hôm nay, đã trải qua gần 50 năm. Tuổi đời chồng chất. Tóc trên
đầu đã bạc. Mà, mỗi lần nhắc đến căn nhà trong Khu Sáu ở Quy Nhơn là phải nói
đến những người bạn một thời khốn khó ấy. Ngay cả hôm nay. Thi tập "Vịn Vào Lục
Bát" của Trần Hoài Thư đã phát hành, anh cũng không thể nào quên 4 anh em
trong căn nhà thuê ấy. Cùng với những người bạn văn nghệ ghé đến rồi đi.
Nói đến
nhà thơ Lê Văn Trung, theo tôi thì phải nói đến nhà thơ Phạm Cao Hoàng; Vì
Trung và Hoàng là hai người đồng môn. Học một khóa Sư Phạm. Khi nói đến Hoàng
và Trung không thể nào không nói đến Trần Hoài Thư. Tôi đã bụi mà Trần Hoài Thư
còn bụi hơn tôi. Hai người lính bụi gặp hai anh chàng sinh viên Sư Phạm này có
lẽ hạp nhãn hay sao mà gắn bó như keo
cho đến hôm nay. Dù người ở bờ Đông. Kẻ ở bờ Tây. Sau năm 1969, tôi xa ba người
bạn của tôi. Phạm Cao Hoàng tôi còn gặp ở Phan Thiết, mỗi lần về phép. Lê Văn
Trung đổi ra Quảng Ngãi. Trần Hoài Thư đổi vô Miền Tây Nam Bộ. Dù xa nhau.
Nhưng mỗi khi gặp nhau là nói đến nhau. Nói đến căn nhà trong Khu Sáu Qui Nhơn
năm nào.
Năm
1971 Lê Văn Trung đổi về Huế. Khi đó Trung đã lập gia đình. Chị Hiệp. Hai người
đã có một cháu gái còn nằm nôi, trên dãy lầu thuê ở Phú Cam. Tôi đến thăm. Và
Trung là người tham dự ngày vui của tôi ở Huế.
Sau này
đã trải qua 47 năm (1970-2017) Trần Hoài Thư tìm thấy bài thơ: Lời cám Ơn Bạn Bè của Lê Văn Trung đi trên Bách Khoa năm 1970 thay mặt tôi để viết nên bài thơ khi
Trung đến dự ngày vui của tôi. Xin trích hai đoạn: Xin cảm ơn bạn bè ta đã tới. Uống chút rượu mừng trong ngày
cưới ta. Dù lũ mày về từ rừng cao núi thẳm. Dù đứa què chân, dù đứa mù lòa...Xin
cám ơn bạn bè ta lần nữa. Đứa trên đồi cao, đứa dưới chân đèo. Có đứa nào ngày
mai làm đám cưới. Không biết bạn bè còn được bao nhiêu.
Tôi
chưa bao giờ đọc bài thơ này của Trung trong thời gian còn trong quân ngũ.
Những người lính như tôi không có nhiều thời giờ thả rong ở phố thị. Nhận được
bài thơ từ anh Trần Hoài Thư tìm kiếm trên tạp chí Bách Khoa cũ, lòng tôi rất
cảm động và nhớ rất nhiều về tình bạn trong căn nhà Khu Sáu Qui Nhơn năm nào. Cùng với bài thơ
của Trung, anh Trần Hoài Thư còn gởi cho tôi một tin vui của bạn bè chúc mừng tôi
trên một tạp chí phát hành ở Sài Gòn: kể từ hôm nay, tôi (PVN) không còn phải
ngủ bụi. Tôi vui biết mấy khi có những người bạn văn nghệ hiểu tôi.
Tháng 9
năm 2001 Thư Quán Bản Thảo phát hành. Ba số sau, chúng tôi liên lạc lại được
với các bạn bè cầm bút trong nước viết bài gởi ra cho TQBT.
Trong đó có anh Từ Thế Mộng. Bạn bè ai cũng có máy vi tính riêng anh TTM thì
không. Anh viết thư tay và gởi bài qua cho tôi (gởi qua đường bưu điện). Nhiều
khi cả tháng tôi mới nhận được thư của anh. Trong những lá thư anh gởi qua, có
nói đến Lê Văn Trung đi làm phụ hồ cho một công ty xậy dựng đang công tác tại
Phan Thiết. Trung có đến nhà tôi, hỏi thăm tôi. Năm ấy là năm 2004. Anh Từ Thế
Mộng cho Trung biết gia đình tôi đã đến Mỹ năm 1991.
Thế rồi, vào năm 2010,
lần thứ hai tôi về VN sau đó một năm. Tại nhà Nguyên Minh được tổ chức ra mắt
sách cho ba người: Nguyên Minh, Lê Văn Trung và tôi (PVN). Hai tập truyện và
một tập thơ được Nguyên Minh trình bày trang trọng. Và cũng chính Nguyên Minh
là người thuyết minh trong buổi ra mắt sách hôm đó. Buổi ra mắt sách gồm khoảng 20 người
bạn cầm bút là bạn bè trước 1975.
Lần đầu
tiên, sau năm 1971, tôi gặp Lê Văn Trung cùng với những anh
em khác trong đó có Lê Ký Thương. Chúng tôi ôm nhau từng người. Ứa nuớc
mắt trong ngày gặp lại.
Vào năm
2014. Tháng 5. Tôi về thăm nhà và cũng để tham dự ngày giỗ của
anh Từ Thế Mộng. Một niềm vui khó tả là ngày đó Thư Ấn Quán in lại tập thơ:
Tiếng Thơ Miền Trung phát hành vào năm 1959, gồm 5 nhà thơ trẻ: Cao Hoàng Nhân.
Thanh Nhung. Thương Nguyệt. Từ Thế Mộng. Võ Thùy Lam. Tập thơ này tìm được từ
một nơi bán giấy vụn mà nhà thơ Lê Ký Thương tìm và mua lại, gởi qua cho Thư Ấn
Quán để tái bản. Ngày giỗ anh Từ Thế Mộng tôi mang về gồm bản gốc và gần 20 tập
mới in lại để trên bàn thờ của anh.
Riêng
tôi rất vui vì trong ngày giỗ anh Từ Thế Mộng. bạn bè của tôi nghe tôi về, dù
ở xa cũng đến. Như vợ chồng nhà thơ Nguyễn Dương Quang từ Đà Lạt lái xe xuống.
Nhà thơ Tô Duy Thạch đón xe đò từ Phan Rí vào trước một ngày. Vợ chồng nhà thơ
Lê Văn Trung đi xe gắn máy từ Đồng Nai ra. Ngoài ra còn có bạn bè tại thành phố
biển Phan Thiết: như nhà thơ Nguyễn Như Mây, Vợ chồng nhà thơ Nguyễn Thị Liên
Tâm....
Buổi
sáng, anh chị em ngồi chờ Lê Văn Trung tại ngôi quán cà phê rất nên thơ. Tôi
dám nói ở thành phố tôi ở Houston chẳng hạn, chưa có quán cà phê nào đẹp và nên
thơ như những quán cà phê ở quê nhà. Trên đường đi, Trung báo cho tôi hằng
phút, hằng giây. Đi tới đâu. Cây số mấy. Đoạn đường từ Đồng Nai ra Phan Thiết chắc
cũng gần 200 cây số. Anh em ngồi chờ. Riêng tôi thì rất háo hức chờ người bạn
lâu năm. Hôm nay phải nói chuyện nhiều với Trung.
Chuyện
nói thì nhiều lắm. Ngồi trước mái hiên nhà xưa cũ, nơi tôi đã lớn lên. Chuyện
xưa nói làm sao cho hết. Nhìn Trung, tôi thấy có một cái gì đó buồn buồn trên gương mặt khắc khổ của anh. Nỗi buồn đó
như thởi gian làm xói mòn trên từng viên gạch trong ngôi nhà cổ của tôi. Mỗi
lần tôi nhìn lên những vách tường loang lổ. Trung ơi! Sao hôm đó chỉ có tôi với Trung. Sao hôm đó không có đủ bốn người, như dạo nào ở trong căn nhà thuê Khu
Sáu Qui Nhơn. Trung nhắc lại tên từng người, từng người. Trí nhớ bỗng trở về
trên từng gương mặt. Trần Hoài Thư ơi! Phạm Cao Hoàng ơi!
Tháng
10 năm 2017. Tôi nhận tập thơ Thu Hoang Đường gồm 92 bài của Lê Văn Trung. 92 bài thơ
Trung viết về mùa Thu. Mỗi bài mỗi vẻ. Buồn man mác.
Nỗi buồn ấy như còn vấn vương trên gương mặt của Trung mà năm 2014 tôi nhìn
thấy. Tập thơ của Lê văn Trung phải hình thành nói như lời nói của hai người
bạn của tôi: anh Trần Hoài Thư và anh Tô Thẩm Huy. Cám ơn. Cảm ơn Đất Trời Vô Lượng đã cho tôi có những người bạn tốt hôm nay.
PHẠM VĂN NHÀN
Houston. Ngày 3 tháng 12 năm 2017