Tôi đang lúi cúi với chiếc bình hoa tưới nước cho mấy vồng
rau cải, xà lách, hành ngò trước sân nhà, thì nghe tiếng còi xe như réo gọi từ
ngõ. Tôi dừng tay, quay nhìn - người đàn
ông tóc cắt ngắn, điểm hoa râm, bước vội
xuống xe, đi thẳng vào ngõ. Tôi nhướn mắt nhìn kỹ, vẫn không nhận ra nét mặt
người quen nào cả.
- Chào
ông bạn!
- Ồ!
Phải Nhâm không? Tôi kêu lên.
- Chứ ông
đang nghĩ đến ai? Anh cười hiền.
Nụ cười nhẹ, nửa miệng, nhưng nét vui hiện
rõ trên khuôn mặt đầy đặn, trắng hồng - nhất là mái tóc luôn cắt ngắn, khiến tôi
biết chắc là Nhâm ngày xưa, dầu chúng tôi đã xa nhau gần năm mươi năm, sau kỳ thi
Tú tài phần hai khi còn học chung trường Cường Đễ ở Qui Nhơn.
Tôi và Nhâm ở khác huyện, nhưng cùng
thi đậu vào lớp Đệ thất trường Trung học Cường Để niên khóa năm 1957 - 1958. Thuở
ấy – sau Hiệp định đình chiến Genève, cả tỉnh chỉ vừa thành lập được một trường
Trung học. Chúng tôi có duyên học chung một lớp từ Đệ thất, đến Đệ nhị, nên rất
thân nhau. Năm nào cũng vậy, Nhâm luôn tìm đến ngồi chung bàn với tôi. Tôi thích
tính ít nói, hiền như “cục đất” của Nhâm. Anh chưa hề tranh cãi, to tiếng, hay
làm mích lòng ai. Anh thường chỉ cười nhẹ, nửa miệng, trước mọi ý kiến của bạn
bè. Tôi vốn nghèo, từ quê “cơm đùm” lên tỉnh học, nên cảm thấy rất hợp với Nhâm:
An phận, lặng lẽ, mỉm cười. Nhưng, đôi khi tôi cảm thấy Nhâm rất lạ, anh khác tôi,
vì gia đình anh rất giàu - ở quê thời ấy gọi là “địa chủ”; dầu là con nhà “địa
chủ” nhưng tính cách của Nhâm sống rất giản dị, hòa đồng và thương quý bạn rất
chí tình. Anh không hề giống vài bạn con nhà giàu, hay con cháu ông nầy bà nọ mà
huênh hoang.
Tôi kéo tay Nhâm, mời vào phòng khách, nhưng
anh chợt nhìn thấy chiếc ghế đá đặt ở góc hiên, lại kéo tôi ngồi xuống.
-Sau năm học cuối cấp, thi Tú tài hai
xong, ông đi đâu, làm gì mà vắng bặt vậy?
-Ông chuyển ban C, còn tôi ráng theo ban
A, nhưng năm ấy thi rớt cái ạch - Anh cười nhẹ, rồi cũng bị cuốn phăng theo thời
cuộc trong khói lửa chiến tranh như bao người khác thôi. Sau kỳ thi “định mệnh”
ấy, biết bao kẻ lao đao, có kẻ mất mạng rất sớm, như Thư, như Khắc…
***
Năm ấy, gia đình Nhâm làm lại căn cước, đổi
tên và năm sinh, cho anh vào Sai Gòn sống với người anh đang có cửa hàng mua bán
nông cụ, đại lý cho hãng Kubota của Nhật. Nhâm bỗng trở thành “chuyên viên” lắp
ráp và bảo trì các loại máy sản xuất nông nghiệp của hãng.
Một chuyến vào Mỏ Cày sửa chữa máy xay
lúa cho một điền chủ còn trong thời gian bảo hành, Nhâm gặp Dao - con gái người
điền chủ tốt bụng, mến khách. Anh yêu, và đã cưới Dao sau đó - cũng rất nhanh,
và đơn giản, như bản tính của anh.
Sau năm 1975 - cửa hàng của người anh Nhâm
bị kiểm kê, liệt vào danh sách tư bản, chịu thuế “siêu ngạch”. Cửa hàng đóng cửa.
Anh theo Dao trở về Mỏ Cày sống cho đến đầu năm 85, anh và vợ, hai con, theo
gia đình cha mẹ vợ vượt biển sang được Nhật.
Tôi cười: “Ông lình xình vậy mà sướng!”
Nhâm nhìn tôi, cười mỉm:
-Bạn với tôi cùng tuổi kia mà.
-Tôi nhớ, nhưng có lẽ ông sinh vào giờ “đại
cát” nên dù thi hỏng, mà sướng hơn kẻ thi đậu - Tôi cười lớn, cổ nhơn có nói “Tiền hung hậu cát” thật đúng.
-Xa bạn, tôi rất nhớ quãng thời gian được
học chung một lớp, ngồi chung một bàn, và những chuyện…
-Ông nhớ những chuyện nào?
-Bạn nhớ thầy Nguyễn Tự dạy Văn năm Đệ nhị
của mình không?
-Nhớ.
-Một lần thầy cho bình giảng một bài thơ về
“Chí Làm Trai” của Nguyễn Công Trứ.
-Rồi sao?
-Ngày trả bài, thầy gọi tôi đứng dậy - nói:
“Bài làm của em có nhiều tư liệu dẫn chứng
ngang với bài của Mang Viên Long, nhưng lời văn của Mang Viên Long mượt mà hơn,
nên điểm cao hơn một chút, được xếp dứng thứ nhất lớp!”.
Hai chúng tôi nhìn nhau cười thoải mái,
thầm khen ông thầy dạy văn năm nào có đôi mắt thật tinh tế. Tôi nhìn Nhâm với ánh
mắt nể trọng -chỉ có một câu nhận xét của thầy, mà trải qua gần năm mươi năm,
anh vẫn còn nhớ. Tôi bóp nhẹ vào bàn tay Nhâm: “Ông còn nhớ thầy Nguyễn Hiền dạy
toán không?” - “Tôi rất sợ ông ấy, nhưng rất nhớ ông ấy!” - “Tôi nghĩ là ông không
thể quên chuyện nầy…
Tôi kể lại cho Nhâm:
“Trong một giờ toán, thầy gọi ông lên bảng
giải một bài toán khó. Ông vẫn chững chạc lên đứng trên bục gỗ, nhìn chăm chú vào
bảng đen, nhưng im lặng. Sau vài phút thấy ông đứng “chào cờ” - thầy Hiền giục: “Anh giải đi!”.
-Thưa thầy, em không biết làm toán…
-Vậy thì tôi đọc, anh viết đi…
Thầy đọc từng câu, nhưng Nhâm vẫn đứng
im, không nhúc nhích. Cả lớp im phăng phắc. Thầy la lên: “Anh lì vừa vừa chứ?”
Nhâm không trả lời, không rời bước, như đang
bị “trời trồng”; trong lúc cả lớp im phăng phắc.
Tiếng thầy nổi giận: “Thôi được, tôi cho
anh về chỗ, anh có xuống không?”.
Nhâm vẫn đứng im thin thít.
Tôi đứng bật dậy, tiến lên bảng, cầm lấy
tay Nhâm, dẫn anh lững thững về chỗ ngồi bên cạnh tôi.
***
Nhâm được hãng Kubota đào tạo, đưa vào phân xưởng
bảo trì máy từ dạo mới được sang Nhật. Anh đã về nghỉ hưu. Nhâm nói, về chuyến
nầy, anh muốn mời tôi sang Nhật thăm chơi với gia đình anh một thời gian. Tôi rất
vui nhận lời anh, nhưng có một đề nghi: “Tôi chẳng có tiền bạc để đi du lịch, dạo
chơi cảnh nầy, xứ nọ - nhưng nếu nhân dịp nầy ông cho tôi sang Ấn Độ, thăm các
thánh tích Phật giáo, thì tôi mới đi!”
-Được thôi, hai anh em mình cùng đi nhé.
Quê
nhà, những ngày đầu năm Mậu Tuất 2018
MANG
VIÊN LONG.