Tuesday, February 27, 2018

440. Truyện ngắn NGUYỄN ÂU HỒNG Chuyện Tình Không Buồn




NGU NHƯ TRÂU!

Nàng chủ động rủ chàng đi chơi dã ngoại, đi thật xa vào rừng sâu, tận nguồn những con sông. Ở đó, ngoài tiếng suối reo, còn có tiếng chim kêu, vượn hú, nghĩa là hoàn toàn hoang dã, không dấu chân người. Sau khi dựng trại, hai người vừa ăn uống vừa ngắm cảnh và trông thấy bên kia triền núi có một con nai vàng đi ngơ ngác. Nàng nói: “Không biết vào mùa giao phối chưa mà anh chàng này đi lẻ loi một minh?” - “Con nai chà này to lớn và dạn quá. Nếu có súng mình có thể bắn hạ nó dễ dàng.” – “Biết đâu vì khao khát bạn tình mà nó bất kể. Loài nai và bò có chỗ giống nhau là, vào mùa giao phối con đực thường đi rảo tìm con cái và chỉ đến với con nào thực sự có nhu cầu.” - “Sao nó biết được?” - “Khi con bò cái hay nai cái có nhu cầu, nó nở bông sen và từ các chân lông của bông sen tiết ra một chất có tên là Pheromones. Tiếp xúc với không khí, do tác dụng của mồ hôi, nước tiểu… chất Pheromones phân hủy và tỏa ra một mùi hương. Nó chính là hương yêu, là Sex Messenger. Nai đực và bò đực không cần ngửi cũng cảm được mùi hương của sứ giả dục tình này mà xông tới hành sự, truyền giống”. Ngừng một chặp, mặt nàng đỏ ửng lên: “Anh có cảm được mùi hương yêu đang tỏa ra quanh đây không?” – “Không, có cảm thấy gì đâu!” Nghe chàng trả lời tỉnh queo như vậy, cô nàng nghĩ bụng: “Đúng là anh chàng này khờ hơn nai và ngu hơn bò đực”. Nhưng cô nàng đã lầm. Bất ngờ, chàng xoay người lại, nói: “Con trâu đực không cảm được mùi hương như nai và bò. Ngu như trâu mà! Nó phải dụi mõm vào vùng cấm, cạ mũi vào bông sen nở, hỉnh mũi lên hít rồi mới ngửi được.” Chàng ôm lấy tấm thân ngọc ngà: “Giữa khung cảnh thiên nhiên hoang dã và thơ mộng này, anh muốn mình được ngu như trâu”. Dứt lời, liền hành sự. Phê luôn! 


MÚM VÔ VÀM *

Mới  vừa ba mươi tuổi, Bốn Thà đã góa chồng, bên nách hai đứa con. Anh Bốn ra đi chẳng để lại của cải gì nhiều ngoài một mảnh vườn, mấy công ruộng và một ngôi nhà lợp lá dừa nước. Tuy đơn chiếc, nhưng nhờ bà con đùm bọc, chòm xóm chở che, cảnh sống của mẹ con chị Thà cũng không đến nỗi hẩm hiu.

Mới vừa ba lăm tuổi, Ba Cẩn đã góa vợ, gà trống nuôi hai con. Anh Ba thuộc loại tiểu nông, vườn không rộng, ruộng không nhiều, nhưng nhờ năng nổ và biết cách làm ăn, cuộc sống của ba cha con anh cũng không đến nỗi túng thiếu.

Hai nhà ở gần nhau nên những lúc cần phải đi đâu xa, chị Thà thường dẫn hai đứa con qua gởi nhà anh Cẩn, nhờ con Bé con ảnh coi giùm. Anh Cẩn đi giăng câu, giăng lưới, được cá, anh không bán hết mà luôn để dành mấy con “trọng trọng” sai con gái đem qua cho chị Thà. Khi hai bên đã sạch sẽ tức không con vướng tang khó, anh Cẩn không sai con gái mà tự mình đem cá qua. Đem cá qua anh không về liền mà hỏi mẹ con muốn ăn món gì, anh nấu cho ăn.

Một hôm trời mưa to gió lớn, nước nổi trắng đồng, Ba Cẩn xách qua nhà Bốn Thà một con cá lóc rằn bự chảng, tự tay đập đầu đánh vẩy, lớp chiên lớp kho. Chị Bốn chẳng thể nói gì, mưa gió, chị lên nhà cho hai con ngủ sớm. Ba Cẩn chiên cá xong, bày ra mâm gỗ kèm theo một chai rượu đế, biểu Bốn Thà ngồi nhậu. Uống năm ba ly Ba Cẩn bắt đầu thổ lộ tâm can, bày gan bày ruột, chỗ nào cũng thương cũng mến. Bốn Thà hoảng kinh, “Anh hai đứa, tui hai đứa, lo cho tụi nó chưa đủ khổ sao, anh Ba?”. “Thì hai đứa mình nhập lại, sắp nhỏ bên này có dượng bên  kia có dì, có sao đâu?” Bốn Thà nói thiệt, “Tui cũng thương anh, mà tui dằn lại. Đụng nhau, chửa đẻ, đã thêm miệng ăn lại thêm cái cảnh con anh con em, khổ lắm.” Ba Cẩn uống tiếp mấy ly, “Một  tiếng thương của Thà đủ làm anh mát ruột mát gan”. 

Mấy hôm sau Ba Cẩn lại xách cá qua, không phải một con mà một cặp. Cũng chiên, kho, bày biện y như hôm trước. Trong đêm thanh vắng, hai người ngồi nhậu lai rai, nói chuyện bâng quơ và nhìn nhau trìu mến lắm. Uống hết nửa chai rượu, dằn lòng chẳng đặng, Ba Cẩn choàng tay ôm siết người đàn bà hôn tới tấp. Sau phút xúc động đến mềm người, Bốn Thà sực tỉnh, nhưng lại nghĩ,  cho ảnh hôn ảnh nựng, hôn nựng có chửa đẻ gì đâu mà sợ. Chị vừa đưa tay bá lên cổ thì anh ôm xóc người chị lên, bồng vào buồng. Chị sợ quá vùng vẫy, anh nói, “ Vô trỏng anh chỉ múm vô vàm chút thôi, không có chửa đẻ gì đâu mà sợ”. Đặt chị lên giường, anh vuốt ve, thì thào, ”Cho anh múm vô vàm một chút, nghen?” Chị “dạ” một tiếng nhỏ, đồng thuận.

Sau đó, hai người làm mâm cơm cúng ông bà và mời bà con họ hàng đến chung vui. Nhờ ơn trên, họ làm ăn ngày càng tấn tới, con cái mạnh khù lớn như bầu như bí. Lúc này chị Bốn Thà lại muốn có một đứa con, gọi là con chung cho nó gắn bó. Chị tẩm bổ để anh không chỉ múm vô vàm mà còn ngon trớn, có sức mần luôn tới bờ tới góc. Nhưng mần miết mà bờ góc cứ hây hẩy, chẳng thấy có dấu hiệu gì của thai nghén hết trơn, thiệt là uổng công quá!

Nov. 2014
*Trích trong tập truyện Lộc Trời của Nguyễn Âu Hồng-Nxb Sóng 2015


MỸ THO BA TỘ

Cậu Hai con ông Cai Thuận ở Long Châu huyện Châu Thành tỉnh Vĩnh Long là một thanh niên nổi tiếng huê tình. Vậy nên nghe đồn “Gái Mỹ Tho l. to ba tộ”, lẽ nào cậu lại bỏ qua. Cậu lặn lội vượt sông Tiền, thời may trúng dịp đình Chợ Gạo cúng xuân, nam thanh nữ tú về cúng đình đông đúc, trong đó có cả những cô gái lứa Mỹ Tho. Cậu Hai để ý có một cô tóc dài da trắng ngực nở eo thon, mặc chiếc quần lảnh láng cón. Vốn huê tình, cậu xán tới làm quen, khoe mình con nhà chủ điền, tới mùa con buôn người Hoa cho hàng chục thuyền chài cặp bến, mua lúa chở về Chợ Lớn chà gạo bán cho dân Sài Gòn. Cô gái Mỹ Tho ỏn ẻn:

Cái Răng, Cái Láng, Vàm Xáng, Phong Điền
Cậu Hai có thương em thì cho bạc cho tiền
Đừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê
  
Nghe cô gái ưỡm ờ, Cậu Hai chịu không thấu, nghĩ bụng “đúng là gái Mỹ Tho vừa to vừa ngọt”, liền móc túi lấy tiền ra cho, một số tiền lớn đủ sắm vòng vàng, bông tai, cà rá rồi cầm tay cô gái  dắt đi. Cô gái nhẹ nhàng gỡ tay cậu ra:

Nay em còn cha còn mẹ
Còn cô còn bác
Nên em không dám tự tung tự tác một mình
Cậu Hai có thương em
Xin cậy mai dong tới nói
Cha mẹ đành thì em cũng ưng 
                                                                                                
Cô gái Mỹ Tho này chính là cô Hai là con ông Cả Hiệp ở Chợ Gạo. Ông Cả là một phú hào, gia thế quyền chức không thua kém ông Cai Thuận là mấy. Vậy là cô gái Mỹ Tho và chàng trai Vĩnh Long nên duyên chồng vợ, đám cưới lớn chưa từng thấy. Vì vậy mà đám trẻ nhỏ hát đồng dao: “Trèo lên cây khế mà rung/Khế rụng đùng đùng chẳng biết của ai/Khế này là khế ông Cai/Khế chưa ra trái mà chị Hai đi lấy chồng”.

Tưởng mọi việc êm xuôi, ông mai được hưởng đầu heo, nào dè mới có mấy ngày, cậu Hai dẫn cô Hai về lại Mỹ Tho, hồi dâu. Lý do: “Nói không đúng sự thật. Hồi lại. Trả của lại.” Vợ chồng ông Cả chưa kịp hiểu ất giáp gì thì cậu Hai ra hiệu cho đứa ở cầm vô một cái tô, loại tô ăn hủ tiếu khô, trẹt lòng. Cậu úp cái tô lên bàn, nói: “Nghe đồn gái Mỹ Tho to ba tộ mà chỉ bằng cái tô lật úp này thôi, um um như cái mu rùa nắp vầy nè.” Cô Hai ra sau nhà đứng khóc, còn ông bà Cả thì bị bất ngờ quá chưa biết tính sao. Bỗng đâu cô Ba bước ra, nói: “Trước thưa cha thưa mẹ, sau thưa cậu Hai, tới nước này rồi thì chắc là phải liều. Nếu cậu Hai không chê, cha mẹ cho con thế chỗ chị con”. Ông bà Cả lại thêm một phen xửng lửng. Chặp sau ông Cả lên tiếng: “Dẫu cậu Hai có ưng, cũng phải có sính lễ trà rượu vòng vàng, có đâu là gái theo không?” Phần cậu Hai, nhìn cô Ba, từ dong dảy tới lời ăn tiếng nói, cậu mết quá nên nhà vợ đòi gì cậu cũng chịu. Cậu lên tiếng: “Nếu cô Ba thế chỗ cô Hai, vậy thì khỏi phải trả của. Còn sính lễ đi cưới cô Ba thì cứ bằng y cô Hai”. Bấy giờ bà Cả lên tiếng: “Không được. Bị sượng rồi, phải đền. Lần này vòng vàng phải gấp đôi”. Gấp đôi thì gấp đôi, một khi đã ưng bụng quá rồi thì cậu Hai đâu có tiếc của. Đám cưới gói ghém đơn giản. Cũng phải thôi, cô Ba ngại làm rình rang vì sợ cô Hai tủi thân.

Nhưng rồi chừng năm bữa sau, cậu Hai sang Mỹ Tho đòi lại vợ, đòi phải trả cô Hai lại cho cậu. Bà Cả lên tiếng: ”Cậu đã hồi, con gái tôi đã bị lỡ duyên, bây giờ đâu có chuyện khơi khơi đòi lại. Chuộc duyên gấp hai, cưới lại gấp rưỡi. Nói phát một, không ỏn dơ gì hết.” Nói vậy mà rồi hai bên thu xếp cũng êm. Lại làm đám cưới, vòng vàng tiền bạc nhiều, nhưng tiệc tùng thì chỉ như giỗ sú sẩm.  

Cậu chuyện cậu Hai con ông Cai Thuận ở Châu Thành (bày mẹo) sàng qua sàng lại, bợ hai chị em con ông Cả Hiệp ở Mỹ Tho về làm vợ, người xứ ngoài nói: “Hoa thơm bứng cả cụm”; còn ở miệt Cửu Long đám trẻ hát đồng dao: “Trồng tre trở gốc lên trời/Đòi lại con chị, mà không chịu rời con em”.

Oct. 2017

NGUYỄN ÂU HỒNG