Sunday, February 18, 2018

422. TRẦN HOÀI THƯ Những ngày với Trịnh Công Sơn



1.
Trong những lần dưỡng quân,  chúng tôi hay chọn quán này là chỗ để trở về, vì nó là quán đầu tiên trong thành phố mở nhạc Trịnh Công Sơn.. Chúng tôi đến đấy, với ly cà phê đắng, với khói thuốc quyện tròn, để tâm hồn cùng rưng rưng theo những cơn mưa của TCS. Tuổi trẻ dường như trở thành một bộ lạc, về đây để nhìn lại phận mình. Phía sau quầy cô hàng ngồi bất động, một phần mái tóc che khuất con mắt dưới ánh đèn mờ ảo. Chẳng còn nghe tiếng la ó hét hò thường lệ mỗi khi chúng tôi vào quán như kiểu Nguyễn Bắc Sơn: Mai ta đụng trận may còn sống/Về ghé Sông Mao phá phách chơi... mà trái lại là một nỗi im lặng đến bật khóc. Không ai bắt chúng tôi phải yêu nhạc TCS, nhưng chúng tôi đã tìm qua đấy những chuyên chở của tuổi trẻ. Có ai không, hở ? Ai nói hộ cho thế hệ chúng tôi, một thế hệ khi mở mắt chào đời đã thấy chiến tranh loạn lạc, rồi lớn lên phải bị còng vào chân vào tay một bản án vô hình của lịch sử. Nói như nhà văn Lữ Kiều: Lịch sử chọn chúng tôi. Chúng tôi không chọn lịch sử. Hay nói cách khác: Chiến tranh chọn chúng tôi, chúng tôi không chọn chiến tranh.

TCS là một trong số người hiếm hoi nói hộ ấy.

Ông nói hộ bằng Tình Nhớ, Diễm Xưa, Như Cánh Vạc Bay, Nhìn Những Mùa Thu Đi, Ướt Mi...

Và ông khóc dùm chúng tôi bằng Gia Tài Của Mẹ...

Tuy nhiên, ông chỉ đứng trong thành phố nghe đại bác đêm đêm vọng về để ôm mặt. Còn chúng tôi thì ở trong cuộc, ôm mặt, ôm tim cả trăm lần hơn thế nữa.

Người ta bảo nhạc TCS đã mang đầy nước mắt. Đúng. Nhưng nói nhạc TCS như tiếng sáo Trương Lương, làm cho cả thế hệ phải chán nản chiến tranh, buông súng, bỏ ngũ thì  có lẽ hơi quá lời chăng.

Không phải nhạc TCS vọng về trong đêm khi  nằm trên gò mả hay dưới kênh rạch, trắng mắt trong những chuỵến tiền đồn hay phục kích,  làm ta thấy chán nản, mà nghĩ đến cách bắn vào ngón tay bóp cò súng hay hy sinh bàn chân. Mà trái lại là tiếng nhạc nhảy đầm vọng về khi mất khi còn từ thành phố hay  Bộ tư lệnh ... Dù bài nhạc là  Lính Mà Em hay Người Ở Lại Charlie hay Anh Không Chết Đâu Anh... Trong đêm, tiếng gió âm ty địa ngục xen lẫn âm vọng đĩ thỏa, vô tâm từ thành phố ăn chơi, làm tim người lính như nhói lên, lòng người lính sôi sục, có khi đau đớn khi nhận ra lý tưởng của mình phải tan vỡ...

Xin đọc bài thơ do chúng tôi sưu tầm của Trang Châu được sáng tác tại Tam Quan Bình Định vào năm 1966. để hiểu rõ hơn về tâm tư tuổi trẻ trong chiến tranh  bấy giờ. Tác giả là y sĩ thuộc binh chủng nhảy dù .

Xin Một Ngày              
thơ Trang Châu

Mầy nói anh em
Ngưng một ngày đấu tranh
Xin các thầy
Đêm nay rằm
Đình chỉ xuống đường
Xin các cha
Sáng mai chúa nhựt
Đừng căng biểu ngữ

Mầy nói chính quyền
Đừng nhân danh chúng tao
Nói những tên tham nhũng
Ngưng đục khoét một ngày
Nói các tay gian thương
Giảm giá hàng một buổi

Mầy nói bác tài xế taxi
Sáng mai có thằng nhà binh đi phép
Nó gọi xe nên dừng lại
Nói ông chủ nhà đèn
Đừng cúp điện đêm nay

Mầy nói người đàn bà có chồng đi xa
Ngưng một ngày ngoại tình
Nói các em bán bar hôm nay cuối tháng
Đừng đi với ngoại kiều

Tất cả để khi tao về
Thấy một niềm an ủi
Tất cả cho ngày tao đi
Trong tâm hồn phấn khởi

Mầy nói mọi người
Hãy lừa dối tao
Đừng cho tao hay sự thực
Tao sẽ chết đi
Nếu không đào ngũ.

(Tam Quan 10 -4-66 )


2.
Nhạc TCS đầy nước mắt. Nhất là Gia Tài Của Mẹ.  Nhưng nước mắt không phải là một hình thức yếu mềm bạc nhược. Nước mắt là từ con tim, từ tình người, từ những tấm lòng bát ngát lời kinh Chúa và Phật, từ sự răn dạy của cha mẹ ông bà, của thầy giáo già trường làng khi thằng bé mới làm quen với sách vở. Nước mắt không phải là bỏ súng,  phất cờ trắng. Nước mắt là kết quả của sự thông cảm nỗi đau khổ của tha nhân. Càng thương người dân, càng quí trọng sinh mạng con người. Khi gọi pháo binh yểm trợ cố làm sao để đạn khỏi rớt xuống nhà dân, vào trường học, chợ búa. Khi vào lục soát mục tiêu, cố làm sao thuyết phục đám người ngoan cố chui lên hầm thay vi ném trái lựu đạn xuống cho banh thây. Cố nén tức giận trước lời rũa sả của tên tù binh cuồng tín. Trái lại mời hắn điếu thuốc. Bởi vì hắn là con người. Hơn hữa, là người VN. Cố nén cơn sôi sục khi đồng đội mình ngã gục do một viên đạn từ trong làng bắn ra... Bởi vì không thể trả thù mụ đàn bà có bầu. Không thể lôi tù binh ra bắn để hả hê chiến công...

Nước mắt đã làm người lính lớn dậy, cao cả hơn. Để cố làm sao mang tiếng cười thay tiếng khóc. Như thể một buổi sáng trở về từ một điểm làm ăn đêm, nghe tiếng xe lam rộn rã trên đường,  lòng ta cảm thấy rộn ràng với niềm vui khó có thể diễn tả.

Xin được tặng em bài thơ thứ hai của Trang Châu, được sáng tác vào năm 1967.

Nước Mắt Kẻ Thù                
thơ Trang Châu

nó bị thương
bị bắt sống
mọi người đòi giết nó:
nó núp trong hầm
với một khẩu tiểu liên
cầm chân cả trung đội:
nó bắn ngã chúng tôi một người
bắn bị thương hai người khác
tôi đọc nét căm hờn
trên những khuôn mặt đồng đội
mọi người đòi giết nó
tên du kích vùng khốn nạn
gài lụu đạn lùm cây bờ ruộng
giết những người bắt cá mò tôm

nó nằm đó
mình bết bùn
máu cánh tay nhầy nhụa
tránh những tia nhìn nổ lửa
những báng súng gờm gờm
nó nằm chờ
một phát súng vào đầu
một lưỡi dao rạch bụng
một cái đạp xuống hố sâu
nó nằm chờ nằm chờ
tử thần

nhưng
chỉ có bàn tay vuốt dịu căm hờn
bàn tay băng bó vết thương
bàn tay vỗ về an ủi
nó nằm chờ tử thần
sững sờ bắt gặp tình thương
đồng loại
đôi mắt sát nhân vụt bỗng hiền từ
nhen hai dòng lệ nhỏ

trong cuộc chiến hôm nay
cho tôi xin chiến đấu không hận thù
xin những vết thương bình đẳng
cho tôi đổi một trăm chiến thắng
lấy một giọt nước mắt kẻ thù

Bên bờ Kinh Sáng 17-2-67
( trong Dấu Vết  Chiến Tranh)

Đấy, là lý do để bây giờ, chiếc áo lính dù bị nhuộm đen, nhưng ít ra nó cũng giúp ta được quyền hãnh diện,  với cõi lòng rất an ổn khi nhìn lại những ngày hôm qua.

Ngẩng đầu như hôm nay, ta đang mặc lại nó, chiếc áo đen của một thời tai nghiệt. Dù đôi chân đã mỏi, bước chân đã chậm. Dù mua ở chợ trời xứ Mỹ.

Và mưa trên đầu, mưa trên tóc. Mưa ở Mỹ thì cũng như mưa trên quê hương. Mưa bây gi thì vẫn như mưa hôm qua : Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ/Dài tay em mấy thưở mắt xanh xao...Chiếu nay còn mưa sao em không lại. Em vẫn là em, cho dù anh chưa một lần nắm tay, vuốt tóc. Em vẫn là em, như đôi mắt ngàn đời, mà thằng con trai một hôm nào thấy lòng chết đứng. Mưa dù lạnh buốt của ngày bắc mỹ cũng vẫn là mưa ràn rụa lệ, để anh thèm lắm nụ hôn ngày chiếc xe mười bánh đưa về mặt trận Tam Quan. Em vẫn là em, dù em chẳng bao giờ trở lại...

Cám ơn bản nhạc của thời tuổi trẻ. Để ta biết được cho dù, tuổi trẻ có chập chùng những trận mưa oan khiên, mưa pháo, mưa hỏa tiền, mưa máu, mưa âm ỉ trên chiến hào, mưa ngoài phòng tuyến, mưa làm đôi mắt phải căng trừng, làm nồi cơm  nhão nhẹt, làm đôi giày lún sâu, làm răng đánh cằm cập, làm trái sáng mù đui, làm thi thể càng căng phình như xác chết trôi... Mưa  ơi mưa ơi, kênh đào ngoi ngóp, nước ngập quá đầu, để con người trở thành con thú. bên những bó tràm bó củi.. Mưa làm thau cơm chó bên hiên doanh trại binh VC  lềnh bềnh nước, mà ta đói quá, thằng tù đi không nổi, phải bò, phải há hốc mồm mà thở  phải vồ chụp thau cơm chó hôi tanh vữa thiu mà nhai, mà ngấu nghiến... Và mưa mưa  mưa hết rồi em tôn nữ, em mong manh em nghiêng nghiêng vành nón, em mỏng manh, tội tình...Để em đôi chân rướm máu, mái tóc đã sớm bạc khi lội rừng băng suối, qua đèo qua ải đi thăm nuôi chồng...

May mà còn có trời còn làm mưa mưa rơi mênh mang sợi tóc em bồng trôi nhanh trôi nhanh... May mà chiều nay còn mưa sao em không lại, may mà mưa vẫn mưa bay... để đời còn biết thế nào là đáng yêu và đáng sống...

3.
Và giờ đây, thêm một lần lời ca tiếng hát ngày nào lại trở về trong một căn phòng của nhà dưỡng lão. Khi trang kinh không thể đọc, khi lời kinh không thể nghe, khi những nỗi đau nghẹn như những cục đá chặn ở cổ họng, khi dù có tay có chân mà không thể ôm, dìu, dẫn người thân. Khi người bệnh loạn cuồng cùng những cơn mê sảng. Còn gì cho em. Còn gì cho ta. 

Còn chứ. Còn cái iphone. Còn youtube. Còn Trịnh Công Sơn. Ta mở lại bản Diễm Xưa hay Tình Nhớ. Ta mở lại âm thanh, không phải xúi giục hận thù, mổ gan, mổ tim, mà những sợi nắng, sợi mưa… Và em nhắm mắt. Và ta nhắm mắt. Chưa bao giờ ta có thể chìm đắm vào trong cơn mơ như bây giờ. Ngày xưa, nếu thưởng thức, thì thưởng thức trong quán cà phê, lưng dựa vào vách, và mắt nhắm trong làn khói thuốc… Ngày xưa, chỉ một khoảnh khắc là súng dạn cướp đi hay những rượu đàn bà chiếm ngự. Nhưng bây giờ, bên em, bên chiếc giường sắt tự động, ta lặng hàng giờ, nghe đi nghe lại, vì em muốn nghe…

Y. nhắm mắt. Không hiểu vì say mê với lời ca tiếng hát hay đã ngủ. Tôi cũng vậy. Cũng thiu thiu. Cũng những cơn mơ rất êm đềm rất ngà ngọc như trải giăng làm màn làm chiếu làm drap làm nệm. 

Cám ơn TCS. Giúp tôi ru dùm người bệnh giữa lúc tôi không còn gì để bấu víu.

TRẦN HOÀI THƯ
Tháng 2.201