Tuesday, February 6, 2018

396. HỒ ĐÌNH NGHIÊM Một giấc chiêm bao

Thị trấn 1 cư dân Monowi - Ảnh: Google image


Trong câu chuyện bà Elsie Eiler sống một mình ở thị trấn Monowi, Nebraska, có một chi tiết rất đáng chú ý: thị trấn này đã mất đi nhiều thứ và bà Elsie Eiler cũng mất đi nhiều thứ nhưng thư viện của thị trấn với hơn 5000 cuốn sách thì vẫn còn đó. Năm nay bà Elsie Eiler khoảng 80 tuổi. Có lẽ bà không còn sống bao lâu nữa nhưng có một điều chắc chắn là thư viện đó sẽ còn tồn tại ít nhất là cho đến ngày thị trấn này không còn cư dân nào. 

Tôi rất xúc động về câu chuyện thị trấn chỉ có một cư dân này và mơ ước một ngày nào đó sẽ tìm đến Monowi, ghé vào quán rượu của bà Elsie Eiler uống mấy ly, ghé thăm thư viện của thị trấn do bà quản lý, nghe bà kể chuyện về thị trấn Monowi. Nhà văn Hồ Đình Nghiêm ở Canada cũng rất xúc động về câu chuyện này và anh phóng bút viết ngay bài MỘT GIẤC CHIÊM BAO – một bài viết hay. Xin trân trọng giới thiệu cùng quí thân hữu và bạn đọc. (PCH)

Đất nước rộng lớn Gia-nã-đại nằm dài phía bắc, như tấm bình phong mang thân che choáng lãnh thổ hợp chủng quốc Hoa-kỳ phía dưới. Người ở Canada không rành xem bản đồ của USA thì nên xem là chuyện nhỏ. Chẳng thèm đoái hoài tới đường ngang nét dọc kia cũng là việc bình thường. Thậm chí anh bạn láng giềng phương nam ấy có người lãnh tụ ưa đăng đàn nói nhăng cuội gây sóng gió võ lâm, kẻ ở bắc phương cũng bình chân như vại giả điếc giả câm. Nhưng… nhưng…

Nhưng sáng hôm nay, công dân Gia-nã-đại là tôi đã nhờ Google khai nhãn một bận. Hiện lên trên màn hình máy điện toán một điểm hồng tâm nằm giữa bản đồ nước Mỹ có tên gọi tiểu bang Nebraska. Bắc giáp ranh South Dakota, hướng đông gặp Iowa, đông nam thì đụng với Missouri. Kansas nằm phía nam, Colorado ở tây nam và phương tây có Wyoming. Đường dẫn tới chốn ấy có sáu lối, 6 con số của xa lộ liên bang: số 76, 80, 129, 180, 480 và 680.

Những con số khá đẹp, xào xáo lại, giản lược nó để theo đó mà đánh vé số thì không chừng, biết đâu thần tài sẽ đến gõ cửa mình một ngày tuyết rơi mù trời, lạnh quẹo chấu, mãi cứ chịu ôm giấc cơ hàn. Không ham trúng lớn đâu vì làm triệu phú thì quá cực. Chỉ “cầu dừa đủ xoài”, mua chiếc xe mới nhiều mã lực giỏi ngốn đường trường, sắm cái ruột tượng cất đủ ngân lượng ăn xài trong ba tháng, mua tấm bản đồ và trước khi “hành phương nam”, đứng ở biên giới hai nước hý hoáy đôi hàng cảm ơn anh Phạm Cao Hoàng trên tấm bưu thiếp, dán tem cò bỏ vào thùng Canada Post. Dong tay chào trả nhân viên kiểm tra xuất nhập cảnh vừa thốt lời thượng lộ bình an.

Vì sao lại cảm ơn anh Phạm Cao Hoàng? Đơn giản vì hôm qua đọc phải bài anh giới thiệu, kiểu như Nebraska có gì lạ không em? Có anh ạ, rất lạ là đàng khác bởi trong lòng nó ôm giữ một thị trấn mang tên Monowi với chỉ đơn độc một cư dân. Hôm qua tôi xúc động tới độ cả ngày chỉ loay hoay với những giấc mơ, để thầm hứa mình phải cố dùng mọi cách tìm tới Monowi. Nói theo kiểu những văn phòng tổ chức du lịch nhắm tới những đích đến kỳ vỹ trên thế giới: “Bạn phải biết qua, chí ít một lần trong đời, trước khi chết”.

Tôi rất thích John Lennon, duy chỉ một bài: Imagine. Tôi đang nghe lại anh ta hát với tiếng đàn piano đệm hài hoà: “Imagine there’s no heaven… Imagine all the people living life in peace. You may say i’m a dreamer, but i’m not the only one, i hope some day…” Tôi hy vọng, tôi mơ mộng, không thiên đàng, chẳng hoà bình gì cả… và tôi lên giường, đắp chăn, đụng giấc chiêm bao.

Elsie Eiler già nua, hơi gầy. Bà giống mẹ tôi, những ngày cuối cùng của quãng đời làm mẹ hiền. Giọng nói bà hơi khó nghe, tôi phải chú tâm mới thông hiểu. Và tôi ngạc nhiên, do đâu mà bà nghe tường tận lời trình bày của một đứa chẳng mấy giỏi tiếng Anh? Hắn luôn ấp a ấp úng. Chỗ tôi ngồi rất ấm cúng mặc dù chỉ có bà chủ quán đứng sau quầy và tôi là khách lẻ loi. Tôi khen bà có khiếu thẩm mỹ, biết cách trình bày. Nó thực lộn xộn nhưng quan trọng là đồ vật đứng bên nhau đã biết toả lan ra hơi ấm. Cốt lõi vấn đề chỉ nằm ở đó. Bà nhìn tôi, ánh mắt nhiều dung thứ. Thay vì tôi ngợi ca tên bà: Elsie Eiler, có thể làm tựa một bài thơ dịu dàng. Tôi nói khác đi: Tôi yêu tên gọi thị trấn Monowi. Mono trái nghĩa với stéreo. Và Wi mà thiếu fi. Có nghĩa là trầm lắng không thích vang dội, chẳng ưa “bắt sóng” với thế giới bên ngoài. Tôi ngừng nói, quan sát khuôn mặt nhiều chịu đựng của bà, thở vội. Tôi luôn bị ám ảnh với niềm cô đơn… tôi chẳng nói ra lời “and i love you”. Một thứ tình cảm khó bề diễn giải phân bày. Và đã là tình yêu, đôi khi ta không cần phải lớn tiếng thổ lộ. Cũng John Lennon: “Hãy mở lòng ra và đóng khép miệng lại”.

Không riêng tôi, all the people sống trên trái đất này sẽ ngạc nhiên lẫn thích thú khi biết công việc của Elsie Eiler: Một mình làm thị trưởng, một mình làm quản thủ thư viện, một mình mở quán rượu và sống một mình giữa chốn đồng không mông quạnh. Thú thật là tôi rất quan ngại cho sự một mình kia của bà. Đêm khuya một kẻ lữ thứ lạc đường ghé qua, hắn say rượu, hắn biến thành con đại bàng và Elsie Eiler muôn đời vẫn là con gà lúc thúc xó bếp. Điều kỳ diệu nào đã xẩy ra? Phép mầu nào che chở cho người đàn bà chân yếu tay mềm yêu quê nhà , một đời gắn bó với thứ tình mãnh liệt tựa thế?

Từ lúc nhấp môi vào hớp bia đầu cho tới khi uống cạn giọt cuối, câu chuyện theo đó đẩy đưa để sau cùng bà nắm bắt được ý định của tôi. Elsie Eiler nói: Có lẽ tôi cần thuật lại điều này cho chồng tôi nghe. Bao giờ cũng vậy, tôi yên lòng khi kể lể mọi thứ cho ổng nghe. Bà dắt tôi đi lên một ngọn đồi thấp, một vuông đất, một tấm bia mộ, những hòn cuội trắng sắp đặt có toan tính, nơi an nghỉ thầm lặng của một con chim uyên ương lỡ bị gãy cánh từ năm 2004. Không có gì mang theo khi viếng thăm người nằm dưới ba tấc đất, thân nhẹ cơ hồ như nghiêng đi vì hối tiếc. Gió nhiều, tự do chạy quanh bãi quạnh trồng chơ vơ một vài loài cây thân mốc trắng ít lá cành mọc thấp cao. Tuy ở xứ lạnh quen băng giá tôi vẫn khó chịu khi hứng đỡ luồng gió kỳ lạ ở đây, phải hình dung tới thứ khí hậu của Huế và Đà Lạt, tưởng nhớ để xoa dịu lòng hoài nghi: Ờ, thì mỗi nơi mang mỗi cái lạnh khác nhau, sự ẩm thấp, về độ cao hoặc bình nguyên trống trải mây xám bay tận chân trời như ở Monowi. Cũng tựa như một người Nga khi sang Canada có lúc kẻ ấy phải run như con thằn lằn đứt đuôi. Hai hàm va lộp cộp không tiện hé môi: Răng ri hè. Biết rứa thủ theo cái áo lông chồn cho ấm áp cuộc đời. Mà cũng hổng chắc đâu nghen, lạnh này như thể trong lòng lạnh ra.

Elsie Eiler đứng cúi đầu độc thoại. Nhiều khi chất xám chẳng hoạt động để trí óc vững tin “ảnh” đã lắng tai nghe tôi tâm sự. Những người phải xa quê hương dài lâu, bạn tin không, họ đã từng sống thở với những phong thư úa mầu nhàu nát họ mãi mang theo bên người. Dòng chữ kỷ niệm thế tấm áo ngự hàn, là liều thuốc tăng lực giúp họ cầm cự “ở một nơi không thể hiểu”. Elsie Eiler quay mặt qua tôi: Cậu nói lại đi, những mong muốn mà cậu vừa trình bày ở quán rượu. Ồ, thưa bà, nếu bà rộng lòng và tin tôi là một đứa lương thiện, tôi ước được về đây trốn tuyết trong ba tháng. Bà cho tôi tạm trú trong một căn nhà hoang nào đó, tôi xin phụ giúp bà phần việc vệ sinh hằng đêm trong cái quán ấy, rửa chén bát ly tách. Lao động không hưởng lương. Giúp bà sắp xếp sách theo từng hạng mục và tên tác giả theo thứ tự a b c, dựng đặt chúng ngăn nắp trên kệ. Hoặc tôi có thể cắt cỏ những nơi bà chỉ định trông cho không gian bớt hoang dã. Dĩ nhiên là tôi dấu mặt, tôi không muốn sự hiện diện của tôi làm thay đổi, ảnh hưởng tới sự độc tôn mà bà đang sở hữu. Không có gì kỳ cục bằng tấm bảng xanh của Monowi lại ghi bên dưới số 2. Trong thư viện kia, tôi chỉ xin bà một góc nhỏ, hằng đêm thắp sáng ngọn đèn lẻ loi… Tôi chưa tiện giới thiệu với bà tôi là đứa viết văn bằng tiếng mẹ đẻ. Tôi nghĩ thị trấn này sẽ là nơi quá thích hợp, làm lực đẩy cho một cuốn truyện dài tôi mê muội viết. Hơn 5000 cuốn sách mà bà đang có toàn Anh ngữ, sao chẳng thể cho một đầu sách tiếng Việt chen chân? Tôi mang hy vọng một hôm nào đó có vị đồng hương của tôi bị thị trấn này quyến rũ, đi giang hồ, ghé vào thư viện và bất chợt nhìn thấy nhan “Chiêm Bao” đơn độc, mới tinh, lẫn vào những gáy sách già nua khác mãi chèn ép. Tôi nghĩ người khách lạ ấy sẽ reo lên, đầy ngạc nhiên pha trộn chút hứng thú.

Ông nghe rõ không? Cái anh bạn trẻ châu Á và cơn mộng nghe có vẻ crazy của cậu ta. Người đời cũng thường dùng chữ điên để áp đặt vào mụ đàn bà cô quạnh này. Tôi đang xiêu lòng đây, bởi ông biết đó, tính tôi vẫn yêu những thứ lạ đời. Có lẽ tôi nên phá lệ một lần chăng? Này young man, sao cậu không thử viết bằng Anh ngữ? Hơn ai hết, tôi có quyền được nhìn thấy tấm lòng cậu dàn trải trên giấy. Đã thấy lạnh chưa? Về quán nấu một món gì ăn thôi…

Chiếc xe đi dọn tuyết ngoài đường chạy ngang lừ đừ y như một cỗ xe tăng chỉ thiếu pháo tháp. Móc xích của nó, tiếng động cơ chạy bằng dầu cặn gầm rú đã mang tôi từ Monowi về lại Montréal. Tôi mở mắt trên giường, thấy rõ dáng Elsie Eiler vừa bước ra khỏi phòng. Tôi vùng dậy mở sáng ngọn đèn vàng sau căn bếp chật, tôi pha một cốc cà phê đen, ngồi xuống ghế đối mặt với cái màn hình trắng loà vừa táp vào mặt. Và tôi viết bài này, tôi gửi về nguồn, nơi tôi đọc phải câu chuyện gần như thần thoại mà chủ nhân Phạm Cao Hoàng đã lựa nhặt, đăng lên.

Tuyết chuyên cần rơi ngoài cửa. Đêm về sáng, có khi ngỡ tuyết là màu trăng. Tôi nhớ câu của J.M. Wonderland: “The sun watches what I do, but the moon knows all my secrets”.

HỒ ĐÌNH NGHIÊM
Feb 6. 2018

Bấm vào đường dẫn dưới đây để đọc thêm:
MONOWI, NEBRASKA