Năm 1861, chàng trai
Barr Lassiter sống cùng cha mẹ và người chị ở gần Carthage, Tennesse. Hoàn cảnh
gia đình có phần khiêm tốn, sống nhờ vào việc canh tác một mảnh đất nhỏ và chẳng
phì nhiêu gì. Không có người nô lệ nào, họ không được xếp vào loại " những
người khá giả nhất " trong làng xóm, nhưng họ vẫn là những người lương thiện,
có giáo dục, lịch sự và đáng tôn trọng như những gia đình khác nếu không kể tới
quyền lực sở hữu người nô lệ.
Ông Lassiter vốn nghiêm khắc đến mức thường xem sự tận tuỵ
không tính toán như là bổn phận, và che giấu tính khí ân cần và thân thiết. Ông cứng
cỏi như những người tử vì đạo, nhưng bên trong cái vỏ bọc đó ẩn giấu một kim loại
quý hơn, có thể nóng chảy ở nhiệt độ thấp hơn, tuy nhiên không hề tô điểm hay làm
mềm đi cái vẻ bên ngoài cứng rắn. Do tính di truyền, và cũng do môi trường sống,
phần nào tính tình nghiêm khắc của ông cũng ảnh hưởng đến những thành viên khác
trong gia đình. Nhà Lassiter, tuy không phải là chẳng có chút tình cảm gia đình
nào, thực sự chỉ là thành trì của nghĩa vụ, và nghĩa vụ, - ôi, nghĩa vụ lạnh lùng như cái
chết.
Khi cuộc nội chiến xảy ra, trong gia đình này, cũng như bao
gia đình khác trong tiểu bang, bùng nổ những tình cảm đối nghịch. Người con
trung thành với quân Liên bang, những người khác cương quyết chống lại. Sự chia
rẽ bất hạnh này tạo ra một sự đau xót không chịu nổi trong gia đình, và khi đứa
con, đứa em lầm lỗi rời nhà đi theo mục đích đã chọn là tham gia đội quân Liên
bang, không một ai chìa tay ra bắt, không ai nói một lời từ giã, không một câu
chúc lành nào dành cho anh trước khi anh ra đi đến một thế giới mà
chưa biết số phận nào đang chờ đợi.
Hướng về Nashville, nơi quân của tướng Buell chiếm đóng, anh
xin gia nhập ngay vào đơn vị đầu tiên gặp được, trung đoàn kỵ binh Kentucky, và
tuần tự vượt qua những nấc thang trong binh nghiệp, từ binh nhì đến chiến sĩ kỵ
binh từng trải. Một kỵ binh giỏi thực thụ là đàng khác, tuy là khi kể về mình anh
không hề nhắc đến, mà chỉ do các đồng đội còn sống sót của anh nói lại thôi. Bởi
Barr Lassiter đã đáp lại “ Có mặt “ khi viên trung sĩ tên gọi Thần Chết điểm
danh.
Hai năm sau ngày nhập ngũ, trung đoàn của anh quay trở về nơi
anh từ đó ra đi. Cả vùng quanh đó đều bị chiến tranh tàn phá nặng nề, do bị liên tục
( và đồng thời ) chiếm đóng bởi các lực lượng tham chiến, và một cuộc giao tranh
đẫm máu đã xảy ra ngay cạnh nhà gia đình Lassiter. Những chuyện này chàng kỵ binh
không hề hay biết.
Về đóng quân gần nhà, anh mong ước được gặp lại cha mẹ và chị,
hy vọng rằng đối với họ, cũng như với chính anh, sự thù hận bất thường thuở trước
nay do thờ igian và xa cách đã nguôi ngoai đi. Được phép nghỉ, anh vội lên đường vào
buổi chiều cuối hạ, và khi vầng trăng tròn vừa ló dạng, anh đã đặt chân lên lối
đi rải sỏi dẫn đến căn nhà nơi anh sinh ra.
Lính tráng thời chiến thườn già đi rất nhanh, và với tuổi trẻ thì
hai năm là một quãng thời gian khá dài. Barr Lassiter tưởng như mình đã già, và nghĩ
là về nhà sẽ thấy khung cảnh đổ nát, hoang tàn. Thế nhưng, có vẻ như chẳng có gì
thay đổi. Nhìn lại mỗi đồ vật thân thiết quen thuộc, anh thấy lòng xúc động
vô cùng. Tim anh đập liên hồi, anh gần như nghẹt thở vì cảm xúc, cổ họng thấy đau
rát. Anh vô tình rảo bước, hầu như làđ ang chạy, cái bóng dài của anh phải gắng hết
sức mới giữ được vị trí bên cạnh anh.
Ngôi nhà không bật đèn, cửa để mở. Khi anh tiến gần tới, dừng
bước để định thần, cha anh bước ra, đầu để trần đứng dưới ánh trăng.“ Cha ơi!
“, anh kêu to, lao tới trước, tay dang ra. “ Cha ơi!
“
Ông già nghiêm khắc nhìn thẳng mặt anh, đứng yên một lát rồi
rút lui vào bên trong không nói không rằng. Thất vọng chán chường, nhục nhã, bị tổn
thương không chịu nổi và suy sụp hẳn, người lính buông mình xuống chiếc ghế thô,
tay run run ôm lấy đầu. Nhưng, không thể chịu như thế được, người lính thiện chiến
không thể chấp nhận sự cự tuyệt như một thất bại.
Anh đứng dậy đi vào nhà, đi thẳng tới gian “ phòng khách “.
Gian phòng chỉ sáng lờ mờ nhờ cánh cửa sổ hướng đông không
có màn che. Trên chiếc ghế đẩu thấp cạnh lò sưởi, là đồ gỗ duy nhất trong phòng, mẹ
anh đang ngồi, chăm chú nhìn vào bếp lò đầy than đen và tro nguội. Anh lên tiếng
nói với bà, nhẹ nhàng, ân cần và ngại ngùng, nhưng bà không trả lời, cũng không
nhúc nhích, không có chút gì tỏ vẻ ngạc nhiên. Thực ra, có lẽ đã đủ thời gian để chồng
bà báo tin đứa con tội lỗi trở về. Anh tới gần hơn và sắp nắm lấy cánh tay bà thì
chị anh đi vào từ phòng bên cạnh, nhìn thẳng vào mặt anh, đi ngang qua anh không có
vẻ đã nhận biết, rồi rời phòng bằng cánh cửa khuất sau lưng anh. Anh quay đầu lại
để nhìn rõ người chị, khi chị đã đi khuất anh lại hướng nhìn về mẹ. Nhưng bà
cũng bỏ đi khỏi nơi này.
Barr Lassiter sải chân đến cánh cửa mà anh đã bước qua để đi
vào. Ánh trăng lung linh trên bãi cỏ như mặt biển gợn sóng. Hàng cây và những chiếc
bóng đen của chúng lay động như có gió thổi. Con đường lát sỏi nhoè đi những đường
viền trông có vẻ gập ghềnh và không an toàn để bước lên. Người lính trẻ nhận ra những
ảo giác đó đều do nước mắt. Anh cảm nhận chúng trên má, và thấy chúng đang lóng lánh trên
ngực áo. Anh rời khỏi căn nhà và quay trở về doanh trại.
Ngày hôm sau, không có chủ ý rõ rệt gì, không có cảm
giác chính xác nào, anh lại tìm về ngôi nhà cũ lần nữa. Đi được nửa đường, anh gặp
bạn cũ Bushrod Albro, bạn nồng nhiệt chào hỏi
anh.
“ Tôi về thăm nhà cũ đây,” anh nói. Bạn nhìn anh thật nhanh,
nhưng không nói gì.
“ Tôi biết là gia đình tôi không thay đổi gì, nhưng...”, anh
nói tiếp.
“ Có thay đổi đấy, “ Albro ngắt lời, mọi thứ đều thay đổi.
Mình sẽ đi với bạn được không? Vừa đi ta vừa nói chuyện.”
Nhưng Albro chẳng nói gì.
Thay vì ngôi nhà, họ chỉ nhìn thấy những nền gạch cháy đen, bao
quanh một khu vực những đống tro đã đông cứng với những vết lõm do nước mưa tạo
thành.
Lassiter vô cùng kinh ngạc.
“ Mình không biết nói với bạn thế nào đây”, Albronói.” Trong trận
đánh cách đây một năm, nhà bạn đã bị một quả bom của quân Liên bang thiêu rụi.”
“ Vậy cả nhà mình - họ đâu cả rồi?”
“ Trên thiên đàng, hy vọng vậy. Tất cả đều chết do quả bom
đó.”
THÂN TRỌNG SƠN
Dịch từ nguyên bản tiếng Anh