Mọi
lý thuyết đều màu xám duy cây đời vẫn mãi xanh tươi.
Johann Wolfgang von Goethe / Faust 1808 ‘Studierzimmer’
Johann Wolfgang von Goethe / Faust 1808 ‘Studierzimmer’
NGÔ THẾ VINH
Gửi
Nhóm Bạn Cửu Long
DRAGON VÀ ĐẠI HỌC CẦN THƠ
Chúng
tôi cùng hẹn gặp nhau ở Cần Thơ đầu tháng 12. Thực ra chúng tôi đã biết nhau
từ trước do “văn kỳ thanh” qua những trăn trở chung về hệ sinh thái sông
Mekong và Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Hình 1: từ
trái, TS Lê Phát Quới, Th.S Nguyễn Hữu Thiện, KS Phạm Phan Long, TS Lê Anh Tuấn,
Ngô Thế Vinh, TS Dương Văn Ni, BS Nguyễn Văn Hưng. Trên khối đá, ghi khắc thời
điểm 31.03.1966 là ngày tướng Nguyễn Cao Kỳ ký nghị định chính thức thành lập
Viện Đại Học Cần Thơ, với GS Phạm Hoàng Hộ là Viện trưởng Sáng lập đầu tiên.
[Photo by tài xế Sang]
Đoàn
hôm nay gồm 7 người. Buổi sáng, dự tính khởi hành sớm nhưng theo yêu cầu của
người viết, muốn được trở lại thăm Đại học Cần Thơ, nay với thêm DRAGON –
Mekong Institute là Viện
Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu mà TS Lê Anh Tuấn trong đoàn hiện là
Phó Viện trưởng. Có thể nói Đại học Cần Thơ có một thư viện / Trung tâm Học liệu
khang trang và đẹp nhất theo tiêu chuẩn thư viện Mỹ. Trên lầu 3 của Thư viện là
Phòng Truyền thống, với đôi nét lịch sử Đại học Cần Thơ, cả với hình ảnh các Viện
Trưởng [sau 75 gọi là Hiệu Trưởng] từ ngày thành lập tới nay. [Hình 2]
Hình 2: Những
Hiệu trưởng Viện Đại học Cần Thơ từ ngày thành lập tới nay; từ trái: 1. GS Phạm
Hoàng Hộ, 1966-1970; 2. GS Nguyễn Duy Xuân, 1970-1975; 3. Ông Phạm Sơn Khai,
1976-1989; 4. GS Trần Phước Đường, 1989-1997; 5. TS Trần Thượng Tuấn,
1997-2002; 6. TS Lê Quang Minh, 2002-2006; 7. GS Nguyễn Anh Tuấn, 2007-2012; 8.
TS Hà Thanh Toàn, 2013-2017 đến nay. [photo by Lê Anh Tuấn]
Điều
mới mẻ với tôi, kể từ chuyến viếng thăm trước là Đại học Cần Thơ có thêm Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu
/ DRAGON – Mekong Institute.
[DRAGON: Delta Research and Global Observation Network]. Viện được chính thức thành lập ngày 20.11.2009. Trong buổi lễ khai mạc, GS Nguyễn Anh Tuấn (Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ lúc đó) và Đại sứ Hoa Kỳ Michael W. Michalak đã ký một Thỏa ước thiết lập quan hệ hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm lâu dài giữa hai châu thổ sông Mekong và sông Mississippi, trong đó nhấn mạnh các nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu với những biện pháp giảm thiểu và cả thích nghi. Cùng ngày là lễ khánh thành trụ sở Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu trong khuôn viên Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Đại học Cần Thơ. Có thể nói đây là bước mau chóng triển khai “Sáng kiến Hạ lưu Sông Mekong / Lower Mekong Initiative / LMI” của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trước đó 5 tháng với khởi đầu là bước kết nghĩa giữa hai Ủy Hội Sông Mekong / MRC và Ủy Hội Sông Mississippi (23.07.2009). [3]
Viện
Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu Đại học Cần Thơ, là đơn vị
nghiên cứu khoa học đa ngành nhằm phục vụ cho việc đánh giá tác động của biến đổi
khí hậu đến môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, sản xuất nông lâm ngư nghiệp,
công nghiệp và dịch vụ; xây dựng chiến lược và kế hoạch thích ứng và giảm nhẹ
tác động của biến đổi khí hậu cho các địa phương vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Viện cũng phối hợp đào tạo, nghiên cứu khoa học và chia sẻ kinh nghiệm giữa các
viện, trường trong và ngoài nước, đặc biệt là giữa trường Đại học Cần Thơ với
các địa phương ở ĐBSCL trong nỗ lực thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến
đổi khí hậu. Website: https://dragon.ctu.edu.vn
Hình 3: Trước
giờ khởi hành, đoàn khảo sát môi sinh ĐBSCL chụp hình trước Viện Nghiên Cứu Biến
đổi Khí hậu/ DRAGON – Mekong Institute (tấm bảng hiệu khuất sau lùm cây xanh);
từ trái: TS Dương Văn Ni (Khoa Quản lý Tài Nguyên Thiên nhiên ĐHCT), TS Lê Phát
Quới (Viện Tài Nguyên Môi Trường ĐHQG Tp. HCM), Ngô Thế Vinh, TS Lê Anh Tuấn
(Viện Nghiên cứu Biến Đổi Khí hậu ĐHCT), KS Phạm Phan Long (Hội Sinh Thái Việt),
Th.S Nguyễn Hữu Thiện (Chuyên gia Vùng Đất Ngập / Wetlands), BS Nguyễn Văn
Hưng. [photo by tài xế Sang]
MỘT THOÁNG CHÂU ĐỐC
Lộ trình từ Cần Thơ tới Châu Đốc đường khá tốt đi khoảng 5 tiếng. Xe chạy men theo bờ sông Hậu, ngang thị xã Long Xuyên nơi có Đại học An Giang, anh Võ Tòng Xuân (Hiệu trưởng sáng lập đầu tiên) thì đã về hưu, nay anh được mời về làm Hiệu trưởng một Đại học tư Nam Cần Thơ. Anh Xuân còn có biệt hiệu là “Hai Lúa” dù đã bước qua tuổi cổ lai hy nhưng anh vẫn nhiều lần bay xa tới tận Châu Phi, giúp Sierra Leone đưa kỹ thuật “văn minh lúa nước” từ ĐBSCL sang Phi Châu với tham vọng giúp lục địa này phát triển lương thực bền vững và vượt qua cơn thiếu đói.
Mỗi
lần trở lại con sông Mekong và ĐBSCL với tôi như một tiếng gọi quyến rũ, như một
cuộc trở về, để tìm tới những vùng đất đai, những khúc đoạn khác của con sông
Mekong, do những bước phát triển không bền vững / unsustainable developments
khiến toàn thể hệ sinh thái không ngừng bị tổn thương suy thoái và nguồn tài
nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt. Rồi ra thế hệ sắp tới có thể không còn
cơ hội để thấy được sinh cảnh phong phú nhưng quá mong manh của dòng sông và sẽ
trở thành “Con Sông của Quá
Khứ.” Và những ai xa quê thì cũng vẫn mong được trở về với mái nhà
xưa tìm lại cánh đồng xanh mùa màng ngày cũ.
Dọc
đường có thể quan sát một số điểm sạt lở bờ sông Hậu. Ghé qua Ô Long Vĩ để xem
đê lúa cao sản ba vụ. Đoàn tới Châu Đốc vào buổi xế trưa,
Châu
Đốc trước kia là tên một tỉnh, nay là tên một thành phố thuộc tỉnh An Giang sát
biên giới Việt Miên [tỉnh lỵ của An Giang nay là thành phố Long Xuyên]. Cư dân
Châu Đốc khoảng hơn 150 ngàn dân, với các sắc tộc Kinh, Chăm, Hoa và Khmer, bao
gồm nhiều tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành, đạo Tứ Ân
Hiếu Nghĩa, và đạo Hồi Islam với cộng đồng người Chăm Châu Giang; cư dân chủ yếu
sống dọc theo bờ sông Hậu, ven Quốc lộ 91.
Có
khoảng 900 ngàn người Khmer sống nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long. Họ theo đạo Phật
Tiểu Thừa sống đông nhất ở 3 tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh và Châu Đốc nay là tỉnh
An Giang. Nhà cửa của người Khmer vẫn đơn sơ nhưng nổi bật là các ngôi chùa
tháp vàng uy nghi. Không xa chùa có tháp đựng tro cốt người chết sau khi được hỏa
thiêu; người Khmer không có nghĩa trang.
Qua
công viên Ngã ba Sông Châu Đốc, nổi bật một Tượng đài cá Ba Sa cao 14 mét, chỉ riêng
phần tượng cá đã nặng tới 3 tấn màu sáng bạc chói chang trong nắng, như một biểu
tượng tôn vinh nông ngư dân ĐBSCL đã thuần dưỡng thành công trong các làng bè một
giống cá ngon có chất lượng thay thế cho nguồn cá sông thiên nhiên ngày một cạn
kiệt. Ba Sa có tên khoa học là Pangasius
bocourti, là loài cá da trơn được nuôi nhiều ở ĐBSCL và cả lưu vực
Sông Chao Phraya Thái Lan.
Hình 4: Cá
Ba Sa tên khoa học là Pangasius bocourti, là loài cá da trơn
được thuần dưỡng nuôi nhiều trên các làng bè
nơi ĐBSCL.
Cá
Ba Sa chiếm hơn nửa sản lượng cá nuôi hàng năm nơi ĐBSCL. Hàng ngàn làng bè đầu
nguồn sông Hậu nơi các tỉnh An Giang (Châu Đốc), Đồng Tháp (Hồng Ngự) không ngừng
phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng. Không những thế, phi-lê cá Ba
Sa nay đã trở thành một thương hiệu / brand name được ưa chuộng ở nhiều thị trường
trên thế giới. [Hình 4]
Từ
chân tượng đài, nhìn sang bên kia sông là một cồn lớn, như một tháp ghép lịch sử
/ historic transplant, đang có khoảng 12 ngàn người Chăm sinh sống trên đó, dân
địa phương quen gọi họ là Chà Châu Giang, do nước da sậm và họ theo đạo Hồi.
Khi
Chúa Nguyễn mở mang bờ cõi tới Châu Đốc, thì Thoại Ngọc Hầu được giao trọng
trách đào con kênh Vĩnh Tế, và một số người Chăm được điều động tới đây. Họ rất
đắc lực trong vai trò đôn đốc tám chục ngàn sưu dân người Việt, người Khmer rất
gian khổ ngày đêm đào con kênh Vĩnh Tế trong suốt 5 năm với rất nhiều tổn hại
nhân mạng. Sau khi kênh Vĩnh Tế hoàn tất, triều đình Huế xem đây như thành quả
to tát và để thưởng công cho đám người Chăm này, vua Minh Mạng đã chiêu dụ cấp
đất cho họ lập thành 7 làng, sau này có thêm làng Đa Phước. Đến nay họ sống khá
cách biệt chuyên nghề trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa nên còn có tên là Cồn Tơ Lụa
/ Koh Kaboăk và họ vẫn giữ được bản sắc văn hóa Champa. Tôi có người bạn vong
niên từ hồi báo Bách Khoa trước 1975, anh Dohamide sinh ra và lớn lên nơi đây;
anh là cây bút lâu năm uy tín viết chuyên khảo về lịch sử văn hóa Chăm. Có giai
thoại cho rằng tên Việt Nam Đỗ Hải Minh của anh là do ông Ngô Đình Nhu đặt cho.
Anh Dohamide thì hiện đang sống ở Mỹ.
Nhìn
lên bầu trời xanh rồi như một flashback, tôi không sao quên được cảm xúc buổi
chiều ngày hôm đó khi khi bước xuống ghe giã từ Đa Phước, ngôi làng lịch
sử còn đầy ắp những hoài niệm của quá khứ. [1]
Hình
5: Bên chân tượng đài cá Ba Sa, biểu tượng phát
triển ngành thủy sản của Châu Đốc. Ba Sa là loại cá nuôi được ưa chuộng và đang
bơi ra xa khắp thế giới. [photo by Nguyễn Hữu Thiện]
BÀ NGOẠI VỚI CHIẾC IPAD
Rời
Châu Đốc, xe rời quốc lộ chạy vào những con đường làng nhỏ tráng nhựa thô sơ,
quá hẹp cho xe hơi chạy hai chiều, đường chủ yếu cho xe gắn máy và xe đạp. Xe dừng
ở xã Vĩnh Châu. Ấn tượng nhất là hình ảnh bà Ngoại ngồi chồm hổm với chiếc iPad
nói chuyện với đứa cháu ngoại mãi tận bên Hàn Quốc, bà có một đứa con gái lấy
chồng Hàn, nó vẫn gửi tiền về cho mẹ và cả chiếc iPad để cho Ngoại nói chuyện với
cháu cho đỡ nhớ. Và đây có thể là trường hợp may mắn của một cô gái Cửu Long lấy
chồng xa, có đời sống vật chất đủ để có thể bảo bọc cho gia đình, quán xuyến lo
cho mẹ và các em nơi quê nhà.
Không
còn hình ảnh cũ ước lệ nhưng thân thương, bà Ngoại nằm đưa võng ôm cháu mà ru mấy
tiếng à ơi. Hay câu ca dao rất quen thuộc mà tưởng như đã rất xa:
Má
ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú biết nhà má
đâu
Nay
thì không ít cô gái Cửu Long, không còn kiên nhẫn chờ ngày được má gả chồng,
chính các cô đã tự tìm đường bươn chải, tự kiếm cho mình một tấm chồng thường ở
một xứ sở xa lắc xa lơ, như Đài Loan, Hàn Quốc hay Trung Quốc… nhưng rồi với
iPhone iPad thì các cô biết rất rõ má mình đang ở đâu và cả bao xa. Nhưng trong
số đó cũng phải kể tới không thiếu những cô gái Việt bất hạnh gặp nghịch cảnh,
sống trong tăm tối tuyệt vọng và cũng không sao tìm được một con đường về.
Hình
6: Bà Ngoại ngồi chồm hổm với chiếc iPad nói
chuyện với đứa cháu ngoại mãi tận bên Hàn Quốc, bà có một đứa con gái lấy chồng
Đại Hàn, nó vẫn gửi tiền về cho mẹ và cả chiếc iPad để cho Ngoại nói chuyện với
cháu cho đỡ nhớ. [photo by Ngô Thế Vinh]
Hỏi
Ngoại thêm về nước dùng thì 100% là từ nước giếng bơm. Đây cũng là mối ưu tư của
TS Dương Văn Ni từ Đại Học Cần Thơ: sông nước thì lênh láng mà vẫn thiếu nước
dùng, và tầng nước ngầm thì không phải là vô hạn và ngày càng suy sụp. Th.S
Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia vùng đất ngập / wetlands đã hơn một lần đưa ra những
con số báo động: “Nông thôn
vùng sông nước Cửu Long bây giờ toàn xài nước ngầm; có khoảng 1 triệu giếng
khoan mỗi ngày rút lên 2 triệu mét khối nước ngầm, dùng cho sinh hoạt đủ thứ, vậy
nên ĐBSCL đang bị sụt lún nhanh gấp 10 lần nước biển dâng.” Nhà nước
hay Bộ Tài nguyên & Môi trường, ai sẽ đưa ra câu trả lời rốt ráo cho “vấn nạn
nước” trong thập niên tới?
Quan
tâm của anh Dương Văn Ni là làm sao bảo vệ nguồn nước mặt khỏi ô nhiễm và của
anh Phạm Phan Long làm sao gia tăng dự trữ tầng nước ngầm, là mối ưu tư nặng
trĩu trong lòng chúng tôi trong suốt cả chuyến đi.
Hình
7: Quanh năm làm lúa 3 vụ nhưng vẫn theo phong
cách lao động tay chân; từ trái, (a) phơi lúa trên sân đất, (b) hạt lúa dài cao
sản, (c) vẫn oằn vai vác các bao lúa về kho. [photo by Ngô Thế Vinh]
ĐẾN VỚI HAI CON ĐẬP TRÀN HUYỆN TỊNH BIÊN
Ra lại
Quốc lộ 91, theo con kênh Vĩnh Tế tới huyện Tân Biên. Đoàn dừng chân nơi có hai
con đập tràn Tha La và đập tràn Trà Sư.
TS
Dương Văn Ni bước xuống chân con đập Trà Sư, bắt đầu giải thích: “Hai con đập Trà Sư và Tha La là loại
đập tràn / spillway rubber dam, lúc thiết kế dự tính là chiều cao mực nước lúc
cho tràn sẽ thay đổi tùy theo tình hình lũ thượng nguồn, nên họ sử dụng “phao
khí”, tức là nếu cho nước tràn sớm thì bơm ít khí, nếu cho nước tràn trễ thì
bơm nhiều ống khí sẽ căng lên. Nhưng từ khi thiết kế kỹ thuật phao khí đến nay,
bắt đầu từ năm 2000 thì chỉ có xả đập hay đóng đập, chứ không cho đập tràn như
dự kiến. Đây cũng là câu hỏi kỹ thuật đặt ra cho việc vận hành các đập tràn? Có
lẽ vì đập nầy chỉ vận hành đóng/mở (xả) trong thời gian qua và hiện nay phao
khí cao su đã bị lão hóa, nên họ cho sửa lại như mình thấy.”
Anh
Dương Văn Ni tiếp: “Không phải
chỉ các đập tràn, mà toàn bộ hệ thống đê / lộ chạy dọc theo biên giới Việt Nam
– Cambodia đã làm giảm lượng nước vào Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, nhằm
làm tăng diện tích canh tác lúa cao sản 3 vụ bên phía Việt Nam nhưng đồng thời
lại gây ngập cho phía Cambodia khiến nước bạn đã nhiều lần than phiền.” [Hình
8]
Hình
8: TS Dương Văn Ni bước xuống chân con đập Trà
Sư, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên; anh Ni giải thích: “đây là loại đập tràn,
ngăn không cho lũ từ Cambodia tràn qua để bên này có thêm diện tích làm lúa cao
sản 3 vụ”. [photo by Ngô Thế Vinh]
Hình
9: TS Lê Phát Quới đứng bên con kênh Vĩnh Tế, với
bên
kia biên giới nước thì dâng lênh láng thấm đẫm phù sa và cá, là
hình ảnh của
sự sống và thiên nhiên tươi mát. [photo by Ngô Thế Vinh]
Hình
10: trái, không còn lũ, bờ bên này là các rạch
nước tù đọng ô nhiễm, với các giề lục bình mọc khắp nơi; phải, nông dân vẫn cắm
cúi trồng lúa cao sản 3 vụ, làm lụng vất vả quanh năm mà vẫn không dư dả và cả
thiếu ăn. [photo by Ngô Thế Vinh]
XẢ LŨ HAI ĐẬP TRÀN THA LA VÀ TRÀ SƯ
Hai
con đập tràn Tha La và Trà Sư được xây cất và bắt đầu đưa vào vận hành từ tháng
5 năm 2000 với vai trò điều tiết lũ từ Cambodia thượng nguồn đổ ra Biển Tây, vịnh
Thái Lan. Xây đập tràn với mục đích ngăn lũ đổ về phía nam Quốc lộ 91 dọc theo
con kênh Vĩnh Tế, nhằm bảo đảm Kế hoạch An ninh Lương thực, sản xuất lúa cao sản
3 vụ cho vùng trũng Tứ Giác Long Xuyên gồm các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Cần
Thơ.
Theo
số liệu của Công ty Thủy lợi An Giang thì tại đập tràn Tha La mực nước thượng lưu bên
Cambodia là 2,95m và hạ lưu là 2,05m với mức chênh lệch là 0,9m; còn tại con đập tràn Trà Sư mực nước
thượng lưu bên Cambodia là 2,94m và hạ lưu là 2,15m với mức chênh lệch là 0,8m.
Việc
xả lũ 2 con đập tràn Tha La và Trà Sư được vận hành linh hoạt theo tình huống
lũ từ thượng nguồn, kết hợp với nhu cầu nước của vùng dưới nhằm đảm bảo an toàn
sản xuất lúa ba vụ, nhất là vụ lúa thu đông. Việc xả lũ có lợi ích tháo chua rửa
phèn cho đất, làm sạch ô nhiễm cho vùng Tứ Giác Long Xuyên và phụ cận. Việc xả
lũ còn có thêm lợi ích là mang phù sa như một thứ phân bón thiên nhiên màu mỡ
cho hơn 20.000 hecta đất trồng trọt. Do đó mà sự kiện xả lũ được bà con nông
dân coi như là một ngày vui, và có đông đảo bà con An Giang háo hức tụ về xem
hai con đập tràn xả lũ như đi trẩy hội. [Hình 12]
Theo
báo Tuổi Trẻ ghi nhận thì 2 năm trở đây đã có 2 đợt xả lũ: (1) Sáng ngày
22.10.2016, hai con đập tràn Tha La và Trà Sư đã được xả lũ. (2) Sáng ngày
22.09.2017, sớm hơn một tháng hai con đập tràn Tha La và Trà Sư đã được xả lũ
nhằm đối phó với mưa lũ lên nhanh phía Cambodia thượng lưu so với cùng kỳ năm
ngoái.
Người
nông dân cho rằng kế hoạch xả lũ sớm hơn sẽ có lợi hơn nhiều: lũ vào làm vệ
sinh cho đồng ruộng, rửa phèn tháo chua cho đất và nhất là đem tới phù sa đã
khiến năng suất mùa lúa tới “trúng hơn”. Dòng lũ xả chảy cuồn cuộn còn kéo theo
cả tôm cá, phải nói là người dân mừng rỡ là thế nào. Có cả nông dân đem vó ra
đón lũ và lưới cá, một người đánh bắt được 5-6 kg cá tươi trong ngày dư dả cho
bữa ăn giàu chất protein cho cả mấy gia đình.
Nhưng
cũng để thấy rằng chính các đê bao chống lũ để làm lúa 3 vụ, đồng thời cũng làm
mất đi 2 túi nước thiên nhiên quan trọng là khu Tứ Giác Long Xuyên và vùng
trũng Đồng Tháp Mười rất cần thiết để cung ứng nước cho cả vùng châu thổ trong
mùa khô.
Hình
11: Sáng ngày 22.09.2017 con đập tràn Tha La và
đập tràn Trà Sư) của tỉnh An Giang được xả lũ sớm hơn một tháng nhằm đối phó với
mưa lũ lên nhanh phía Cambodia thượng lưu so với cùng kỳ năm ngoái. Đường ống
cao su chạy suốt chiều ngang đập tràn là “phao khí”. [nguồn: Tuổi Trẻ Online
22.09.2017]
Hình
13: Đúng 8 giờ sáng ngày 22.09.2017 đập tràn Tha
La bắt đầu xả lũ, một giờ sau cùng ngày con đập tràn Trà Sư cũng xả lũ. Dân
chúng không giấu được nỗi hân hoan khi thấy nước lũ cuồn cuộn chảy về hạ lưu
mang theo bao nhiêu phù sa và cá vào trong ruộng đồng. [nguồn: Tuổi Trẻ Online
22.09.2017]
KÊNH VĨNH TẾ, CON KÊNH LỊCH SỬ
Khi
nói về lịch sử con kênh Vĩnh Tế, anh Dương Văn Ni thêm một nét chấm phá pha
chút hài hước: “Vĩnh Tế là tên bà vợ Thoại Ngọc Hầu, vậy mà cũng có người giải
thích kênh Vĩnh Tế là con kênh chiến lược về kinh tế…”
Thoại
Ngọc Hầu, tục danh Nguyễn Văn Thoại, người gốc Điện Bàn Quảng Nam, theo phò
chúa Nguyễn Ánh rất sớm và được trọng dụng. Năm 1818, ông được bổ làm Trấn thủ
Vĩnh Thanh, tại đây ông có công điều động dân binh đào con kênh Đông Xuyên, vì
những lợi ích kinh tế to lớn, nên kênh ấy được nhà vua cho đặt tên ông là Thoại
Hà, ngọn núi Khâu Sơn gần đó cũng có tên là Thoại Sơn.
Năm
1819, Thoại Ngọc Hầu lại được lệnh vua Gia Long đào thêm một con kênh lớn hơn
nhiều chạy thẳng từ Châu Đốc, tỉnh An Giang xuống đến Kiên Lương tỉnh Kiên
Giang nhập vào sông Giang Thành tới cửa Hà Tiên đổ ra Biển Tây tức vịnh Thái
Lan.
Trong
suốt thời gian đào kênh, Thoại Ngọc Hầu đã được bà vợ là Châu Thị Vĩnh Tế người
Vĩnh Long hết lòng cùng chồng đốc suất dân binh làm việc ngày đêm, kéo dài suốt
5 năm cho tới ngày con kênh hoàn tất 1824. Vua Minh Mạng cảm phục công sức khó
nhọc của bà nên đã lấy tên bà đặt cho con kênh chiến lược này là kênh Vĩnh Tế,
và ngọn núi Sam gần đó là Vĩnh Tế Sơn. Không những thế, hình kênh Vĩnh Tế còn
được vua Minh Mạng cho khắc trên chiếc Cao Đỉnh với dòng chữ Vĩnh Tế hà / 永濟河. Cao Đỉnh là chiếc đỉnh
đầu tiên trong Cửu Đỉnh để thờ Thế Tổ Cao Hoàng đế tức vua Gia Long. [Hình 14]
Kênh
Vĩnh Tế chảy song song với đường biên giới Việt Miên, dài ngót 90 km, rộng 30
m, độ sâu trung bình 2.5 m; không chỉ là một công trình thủy lợi có giá trị
kinh tế to lớn nhưng quan trọng hơn thế nữa còn là một con hào chiến lược có
giá trị quốc phòng bảo vệ vùng đất dọc biên giới.
Đến
với con Kênh Vĩnh Tế cũng là đến với một chặng đường lịch sử trải dài ngót 200
năm với nhiều máu, mồ hôi và nước mắt.
Hình
14: Kênh Vĩnh Tế là con sông đào lịch sử dài hơn
90 km chảy thẳng từ Châu Đốc xuống Hà Tiên, là một công trình đồ sộ gắn liền với
tên tuổi Thoại Ngọc Hầu. Công trình khai phá bất hủ ấy được vua Minh Mạng cho
khắc hình chạm trên Cao Đỉnh với dòng chữ Vĩnh
Tế hà / 永濟河 /
Sông Vĩnh Tế. Cao Đỉnh là chiếc đỉnh đầu tiên, thờ vua Gia Long, Thế tổ Cao
Hoàng đế, là một trong 9 chiếc Đỉnh / Cửu Đỉnh được vua Minh Mạng ra lệnh đúc
năm 1835 hoàn thành 1837, đặt trước sân Thế miếu, và nay vẫn còn nguyên vẹn
trong Hoàng thành Huế. [nguồn: Báo Ảnh VN, photo by Trần Thanh Giang
LỊCH SỬ KHMER, MỘT CÁI NHÌN KHÁC
Với
người Khmer, lịch sử ngót 200 năm của con kênh Vĩnh Tế là một cơn ác mộng. Vẫn
lưu truyền trong dân gian Khmer, qua các câu chuyện kể, và cả bằng sách vở nữa
của các vị sư sãi Miên là đã có hàng chục ngàn sưu dân Khmer bị Bảo Hộ Thoại Ngọc
Hầu bắt làm khổ sai đào con kênh Vĩnh Tế từ Châu Đốc ra tới Hà Tiên mà người
Khmer gọi là Canal de Prêk
Yuan với bao nhiêu lầm than và chết chóc, rồi cả đến câu chuyện
quái đản của người Pháp về “Vị
Quan Triều Nguyễn Trương Minh Giảng chôn sống ba người Khmer ngập tới cổ rồi
dùng đầu họ làm kiềng ba chân đặt nồi nấu cơm.” Thật và không thật,
các câu chuyện ấy vẫn được những người Khmer chống Việt Nam rêu rao như một bằng
chứng hành hạ độc ác của người Việt mà họ miệt thị gọi là bọn Yuon. [Hình 15]
Gia
Tài Thù Hận Việt Khmer. Ngay cả sang cuối thế kỷ
XX vẫn dấy lên những phong trào người Khmer bài Việt. Bấy lâu bị điều kiện hóa
trong cảm giác thường trực bất an và luôn luôn bị ám ảnh về quá khứ bành trướng
của người Việt với cuộc Nam Tiến, nên mọi chiến dịch chống Việt Nam bất kỳ
trong hoàn cảnh nào vẫn đáp ứng một phần tâm tư thầm kín của người dân Khmer. Đối
với các nhà hoạt động chánh trị Cam Bốt mị dân hay không, thì bài xích chống Việt
Nam là một bằng chứng yêu nước.
Không
ai ngạc nhiên cứ thỉnh thoảng lại xảy ra những vụ thảm sát “cáp duồn” người Việt sống
trên đất Chùa Tháp rất ư là kinh hoàng. Lâu lâu lại có hàng trăm xác người kể cả
đàn bà và trẻ em bị người Khmer chặt đầu mổ bụng thả trôi trên con sông Mekong
loang máu, vẫn là cảnh tượng hãi hùng gây xúc động cho toàn thế giới.
Ngay
thời Lon Nol, một chính quyền thân Mỹ cũng đã phát động một cuộc tổng ruồng bắt
và “cáp duồn”
người Việt khủng khiếp nhất trên quy mô cả nước. Đến thời kỳ Khmer Đỏ, một số lớn
người Việt cũng đã bị thảm sát qua các cuộc tẩy sạch chủng tộc / ethnic cleansing. Không cần
che giấu ngay giữa thủ đô Nam Vang trên những bức tường, những dòng chữ khích động
chiến dịch giết hết người Việt trên đất Chùa Tháp; cả bằng tiếng Pháp tiếng Anh
nhắm vào ống ảnh của đám ký giả ngoại quốc: “We
must kill all Viets in Cambodia”. Thời Khmer Đỏ, Pol Pot không chỉ
giết người Việt, mà còn tra tấn sát hại rất nhiều người Khmer bị nghi là thân
Việt Nam với tội danh gán cho họ là bọn “xác
Khmer hồn Việt”, như thứ cỏ dại cần phải tiễu trừ. Rồi cũng Pol Pot
tố cáo ngược lại chính Việt Nam mới là thủ phạm của bấy nhiêu sọ người trên khắp
Những Cánh Đồng Chết ở Cambodia và không phải là không có những người Khmer cả
tin như vậy.
Dù
đã trải qua nhiều thế hệ sống trên xứ Chùa Tháp, đám người Việt tha hương này vẫn
luôn luôn bị nghi kỵ và cả thù ghét. Cáp Duồn là những đợt người Khmer nổi dậy
tàn sát cắt cổ người Việt không phải chỉ có trên đất nước Cam Bốt mà ngay cả
nơi ĐBSCL trong “Mùa Thổ Dậy”
là những ngày đẫm máu kinh hoàng chẳng thể nào quên.
Con
số người Việt hiện ở Cam Bốt là 200 ngàn, 400 ngàn, hay hơn một triệu – không
ai biết chắc. Đám người Việt tha phương ấy, cùng với cộng đồng người Chăm, cư
ngụ dọc theo hai bên bờ sông Mekong, sông Tonle Sap và tập trung quanh Biển Hồ,
sống trên những căn nhà sàn tạm bợ chênh vênh trên những cây cột cao có thể gỡ
ra chất lên ghe xê dịch trên mặt hồ theo mùa nước lên xuống. Đa số sống bằng
nghề hạ bạc đánh cá làm cá thuê vô cùng vất vả. Cực thì có cực nhưng họ đã đặt
chân trên một vùng đất lên dễ khó về.
Nam Vang lên dễ khó về
Trai vô bạn biển, gái về tào kê
“Chống
Việt Nam” bằng bất cứ giai thoại nào đúng hay sai vẫn luôn luôn là một chiêu
bài ăn khách và thu phiếu cho bất cứ cuộc vận động tranh cử nào ở Cambodia. Khó
mà tìm được một người Khmer nói tốt về người Việt đang sống trên đất nước của họ.
Một thành viên nhóm bảo vệ nhân quyền đã kể lại với ký giả báo Far Eastern
Economic Review (1994): “Nếu
có được quyền lựa chọn thì đa số người Khmer đều muốn tống xuất tất cả người Việt
ra khỏi Cambodia.” Người Khmer có thể chia rẽ nhưng họ luôn đoàn kết
trên mặt trận chống người Việt bắt nguồn từ “mối
thù hận lịch sử.”
Hình 15:
trái, (a) Cuốn sách tiếng Pháp có tựa đề “Sự sát nhập nước Cam Bốt bởi người Việt
vào Thế kỷ XIX” với hình bìa là ký họa cảnh “Vị Quan Triều Nguyễn chôn sống ba
người Khmer ngập tới cổ rồi dùng đầu họ làm kiềng ba chân đặt nồi nấu cơm”; (b)
phải, “Điều tệ hại nhất đã qua rồi”, “Chúng ta phải giết bọn Yuon – tức người
Việt” đó là những khẩu hiệu chống Việt Nam thời Lon Nol; (c) sơ đồ Canal de
Prêk Yuan, tên Khmer của con kênh Vĩnh Tế, với ghi chú tiếng Pháp: Canal
de Prêk Yuan ou Canal de Vinh Te Reliant la Rivière de Chau Đoc à Hà Tien,
trang 394 sách đã dẫn [tư liệu Ngô Thế Vinh]
ĐẾN TRI TÔN ĐI TRÊN CON ĐƯỜNG MÁU LỆ
Từ Tịnh
Biên theo Quốc lộ 91, hướng nam qua Chi Lăng là TT Huấn Luyện cũ thời VNCH, qua
rặng Núi Cấm đứng uy nghi phía tây. Đường tới Tri Tôn, hai bên toàn màu xanh với
những cây thốt nốt và cả các mái chùa vàng uy nghi kiến trúc Khmer.
Nhưng
tới với Tri Tôn cũng là đi trên một con đường máu lệ: không thể không nhớ tới địa
danh thị trấn Ba Chúc và chùa Phi Lai, là những Cánh Đồng Chết / Killing Fields, tưởng như mới
hôm qua. Những cuộc thảm sát người Việt của Khmer Đỏ trải dài bên tả ngạn con
kênh Vĩnh Tế xuống tới Hà Tiên ra xa tới đảo Thổ Chu.
– 18.04.1978: Khmer Đỏ tràn vào thị xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang giết 3.157 thường dân.
– 20.04.1978: Khmer Đỏ đến chùa Phi Lai bắn giết thêm 150 thường dân đang lẩn trốn tại đây.
Hình
16: trên, Cánh Đồng Chết vùng quanh Núi Tượng
và Núi Dài thị trấn Ba Chúc huyện Tri Tôn tỉnh An Giang tháng 4 năm 1978; dưới:
Nhà Mồ Ba Chúc tưởng niệm 3.157 thường dân bị Khmer Đỏ sát hại [nguồn: báo Kiến
Thức & Wikipedia tiếng Việt]
[Nói
tới các vụ thảm sát của Khmer Đỏ, không thể không nhắc tới một vụ thảm sát sớm
hơn trên đảo Thổ Chu. Ngày 12.05.1975, Khmer Đỏ tràn qua đánh chiếm đảo
Thổ Chu, thuộc tỉnh Kiên Giang bắt và giết toàn bộ 515 cư dân trên đảo, trong số
đó có hai mẹ con nữ sĩ Phùng Thăng. Theo nhà văn Trần Hoài Thư, bạn học cùng lớp
với Phùng Thăng, chị nổi tiếng với bản dịch “Câu Chuyện Dòng Sông” của Hermann
Hesse, dịch chung với người chị là Phùng Khánh. Chị Phùng Thăng và con đã chết
bi thảm trên hòn đảo nhỏ Thổ Chu, nằm phía cực tây nam đảo Phú Quốc, lúc ấy chị
mới 32 tuổi cùng với con gái Tiểu Phượng 9 tuổi.]
GIẢI LỜI NGUYỀN: MEKONG DÒNG SÔNG NỐI KẾT
Bước
vào Thiên niên kỷ Thứ Ba của toàn cầu hóa / globalization, để thấy rằng biên giới
chánh trị giữa các quốc gia chỉ là một làn ranh ảo. Không hề có biên giới trong
toàn hệ sinh thái / ecosystem của con sông Mekong. Con sông Mekong không chỉ là
mạch sống / lifeline của hai dân tộc Việt Khmer mà còn là một sợi dây nối kết
chung sống hòa bình giữa các quốc gia chứ không phải là nguyên nhân gây chia rẽ.
Bên
trong và bên ngoài, cùng những trăn trở chung về Hệ sinh thái sông Mekong,
chúng tôi cùng hướng tới một mẫu số chung: phác thảo kế hoạch từng bước bền vững
khai thác tài nguyên con sông Mekong, cùng phấn đấu cho những bước phát triển đồng
bộ cho toàn lưu vực, với tầm nhìn toàn vùng / regional vision chứ không phải cục bộ.
Một
ví dụ: Khi chia sẻ với một số chuyên gia trong nước và ông Senglong Youk,
Phó Giám Đốc Liên Hội Ngư Nghiệp (Deputy Executive Director at Fisheries Action
Coalition Team, FACT) và Phát Ngôn Viên cho Nhóm Bảo Vệ Tonle Sap (Tonle Sap
Lake Waterkeeper, TSW), KS Phạm Phan Long đề nghị để cứu vãn Biển Hồ Tonle Sap,
Cambodia và Việt Nam cần hợp tác vận động việc phối hợp quy trình vận hành tất
cả các đập Mekong để bảo đảm Biển Hồ Tonle Sap đạt đủ dung lượng 80 tỉ mét khối
lũ cần để phục hồi hệ sinh thái Biển Hồ đồng thời có nước để chảy về
ĐBSCL lượng nước cần cho sinh hoạt, bảo đảm khả năng chống hạn và xâm mặn
vào mùa khô. Số nước cần thiết cho ĐBSCL vào mùa khô theo GS Trương Đình Dụ và
Th.S Trương Thu Hằng là khoảng 10 tỉ mét khối và theo ước tính TS Lê Anh
Tuấn Viện DRAGON thì vận tốc dòng chảy để đẩy mặn là 10.000 m3/s.
Một
ví dụ khác: KS Phạm Phan Long và một số thành viên của các tổ chức bảo vệ Môi
sinh đang có những vận động thuyết phục về tính khả thi nhằm triển khai Năng Lượng
Tái Tạo / NLTT thay vì tiếp tục 7 dự án thủy điện của Lào, 2 của Cambodia, và để
cùng thấy rằng mọi phía trong toàn lưu vực / Mekong Basin đều có lợi / win-win situation, theo
đúng hướng đi thời đại về năng lượng xanh của toàn cầu. (5)
Để
hóa giải mối thù hận Việt Khmer như một tồn tại lịch sử, tuy vô cùng khó khăn
nhưng vẫn phải có bước khởi đầu để hướng tới. Điều thiết yếu là phải có một giới
lãnh đạo mạnh từ hai quốc gia, với tầm nhìn lịch sử, có quyết tâm chánh trị, có
hậu thuẫn của dân chúng, để can đảm cùng nhau mở ra những vết thương tuy đau đớn
nhưng có cơ hội chữa lành.
Năm
2018, sẽ là một năm của ước vọng hàn gắn / healing
process những đổ vỡ, phục hồi niềm tin, tiến tới triển vọng hợp tác
trong “Tinh Thần Sông Mekong
/ Mekong Spirit” như một mẫu số chung để cùng nhau phát triển, cùng
nhau hướng tới một tương lai thịnh vượng chung và hòa bình cho toàn vùng.
THAY LỜI KẾT: MỘT KHOẢNH KHẮC BÌNH AN
Hình
17: TS Dương Văn Ni và người viết đang giúp mấy
cháu bé hồn nhiên hái trái cây trứng cá bên tả ngạn bờ sông Hậu, nơi sát một
khúc sông đang bị sạt lở. Cầu mong cho thế hệ các cháu vẫn còn được sống trong
một môi trường xanh nhưng rồi ra, ai sẽ bảo vệ vùng trời quê hương rất đáng sống
ấy cho các cháu. [photo by Phạm Phan Long]
NGÔ
THẾ VINH
Châu Đốc – Tân Biên – Tri Tôn
12.2017
Châu Đốc – Tân Biên – Tri Tôn
12.2017
Tham
Khảo:
1/ Cửu
Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng. Ngô Thế Vinh, Nxb Văn Nghệ California 2000
2/ Vực
Dậy từ Tro Than, Đi qua những Cánh Đồng Chết. Ngô Thế Vinh. Mekong Dòng Sông
Nghẽn Mạch, Nxb Văn Nghệ California 2007
3/
The Mekong and Mississippi Sister-River Partnership: Similarities and Differences.
Ngô Thế Vinh, Viet Ecology Foundation 09.09.2009; http://vietecology.org/Article/Article/58#
4/ Xả
lũ hai đập tràn Tha La, Trà Sư tạo phù sa cho hạ lưu. Tuổi Trẻ 22.10.2016. Xả
lũ hai đập tràn Tha La, Trà Sư thu hút hàng trăm người dân trong tỉnh đổ về
xem. Tuổi Trẻ 22.09.2017
5/ Blowing away the curse over the Mekong with its own Wind and Sunlight.
Phạm Phan Long; Viet Ecology Foundation 01.2018
5/ Blowing away the curse over the Mekong with its own Wind and Sunlight.
Phạm Phan Long; Viet Ecology Foundation 01.2018