Ảnh: Google image
Georg Christoph Lichtenberg (1.7.1742 -
24.2.1799) sinh ra ở Ober-Ramstadt gần Darmstadt, tỉnh Landgraviate of
Hesse-Darmstadt, là một nhà vật lý học, một nhà văn châm biếm, là một nhà khoa học; ông
là người đầu tiên có chức danh giáo sư; đã toàn tâm toàn ý với khoa học
thực nghiệm ở Đức. Công chúng nhớ đến ông nhờ những quyển ghi chép được xuất
bản sau khi ông mất mà ông gọi là Sudelbücher, mô phỏng theo kiểu sổ-ghi-chép-đủ-thứ của người Anh,
và công chúng cũng nhớ đến ông nhờ việc ông khám phá ra các mô hình xả điện
hình cây mà hiện nay người ta gọi là sơ đồ Lichtenberg.
Câu phát biểu về “Sách” của ông được đề cập sau đây, một
lần nữa cho thấy tính “dí dỏm, châm biếm” nhưng vô cùng sâu sắc của ông: “Một cuốn sách là một tấm gương. Nếu một con
khỉ soi mình ở đó, thì hiển nhiên không phải là hình ảnh một nhà tu hiện ra”.
Lời nhận định
của ông đã được ghi lại (hay nhắc lại) đã
trên ba trăm năm, và ý nghĩa “một cuốn
sách là một tấm gương” cũng đã mặc nhiên được tất cả đánh giá, nhìn nhận từ
ngàn năm trước.
Yêu cầu đầu tiên
và có tính cách quyết định giá trị của một tác phẩm - sách phải là một tấm gương.
Yêu cầu thiết thân nầy, đặt lên vai người cầm bút một trách nhiệm vừa cao quý,
vừa nặng nề nếu muốn có một tác phẩm được xã hội nhìn nhận lâu dài. Muốn “sách là một tấm gương” người cầm bút cần
phải hội đủ các tính chất: Trung thực, Vô tư, và Nhiệt thành.
Yếu tính cố hữu
của tấm gương là phản ảnh rất chân xác mọi vật được soi vào đó không một sai lệch
nhỏ nào, như một con khỉ dĩ nhiên là hiện ra hình ảnh một con khỉ. Tấm gương ấy
phản chiếu sinh động mọi cảnh vật khi soi vào nó. Một anh hề là một anh hề, không
thể là một ông vua.
Suy rộng ra, một
cảnh tang thương điên đảo, không thể hiện ra một cảnh thanh bình, hạnh phúc!
Trách nhiệm nầy
của người cẩm bút, tuy mới “nghe qua” là rất đơn giản - nhưng muốn thực hiện được,
cũng không phải dễ. Bởi vì, cần phải có tấm lòng, trí tuệ, sự kiên trì, và đôi
khi cần phải hy sinh nữa.
Hiện thực đời
sống đa dạng chung quanh, xã hội đang chuyển biến phức tạp, thời đại luôn biến động,
qua những trang viết linh hoạt và sống động, là thiêng trách của người cầm bút,
để tác phẩm có giá trị văn học, có tính nhân
văn và giáo dục cao, là điều người cầm bút nào cũng mong ước! Tuy vậy, trong thực
tế, nhìn vào những cuốn sách đã được ồ ạt
giới thiệu, xem thử có được mấy cuốn là
“một tấm gương” ?
Điều đáng buồn
không phải “chưa đạt” được toàn diện “chân lý” là “một tấm gương”, mà còn ngược lại. Nghĩa là
“một con khỉ soi mình vào đó là một nhà tu hiện ra”! Người ta đã khéo điểm tô
cho con khỉ - vẽ mặt son phấn, áo quần xanh đỏ, đội mũ lông ngỗng (vvv) cho con
khỉ; nhưng không dễ gì lừa dối được tất cả!
Albert Camus cùng
đã nhắc nhở: “Giá trị của một tác phẩm
không tùy thuộc vào bất kỳ một danh xưng nào, ngoại trừ chính những trang viết
của nó”. Ấy vậy, mà người ta đã điên rồ điểm tô cho những hình nộm vô hồn;
như từ một con khỉ hợm hĩnh trở thành hình ảnh một nhà tu hành nghiêm túc!
Buồn thay!
Quê nhà, tháng 1.2018
MANG VIÊN LONG