Ngày
21 tháng 12 năm 2017, Đài Truyền hình CNN đã làm lễ trao giải cho “Top 10 CNN
heroes”, trong số đó, Amy Wright được
vinh danh là “2017 CNN Hero of the
Year”.
AMY WRIGHT ảnh cuối (phải)
Amy Wright phát biểu trong lễ nhận giải thưởng
“CNN
Hero of the Year” lần thứ 11 đã vinh danh bà Amy Wright, một người mẹ với những
nỗ lực nhằm tạo điều kiện để giúp con mình và những người khuyết tật khác thích
nghi với xã hội. Amy Wright có bốn con, rủi thay, hai người con trẻ nhất, trai út
và gái út, đều bị Hội chứng Down. Một bà mẹ có đến hai người con bị Down
Syndrome, thì nỗi vất vả trong cuộc sống và tâm tư trĩu nặng về sự hẩm hiu của số
phận, u tối và ảm đạm xiết bao! Tình cảnh ấy, gánh nặng ấy dễ dìm con người vào
chỗ buông tay, tuyệt vọng. Nhưng Amy Wright đã vượt qua. Bà nói: “Khi con cái
có những nhu cầu đặc biệt, bạn bị thúc đẩy phải tìm cách để giúp nó nhin thấy vẻ
đẹp của cuộc sống, như chúng ta”. Bà nhìn thực tại với một nhận thức sáng rõ và
có phần hồn nhiên. Tại North Carolina, bà mở quán café lấy tên hai con Bitty
& Beau’s rồi đưa cả hai ra làm việc. Lần lần bà tuyển dụng đến bốn mươi
(40) nhân viên khuyết tật. Hơn ai hết, bà biết, những người khuyết tật rất khó
có cơ hội kiếm được việc làm, và như vậy, dù đã trưởng thành họ không thể hội
nhập với cuộc sống như những người bình thường khác. Từ sự ân cần và tình
thương bao la của Amy Wright, bốn mươi nhân viên khuyết tật của Bitty &
Beau’s Café khi làm việc để tự mưu sinh, họ đã loại bỏ mặc cảm thua kém, biết tự
tin vào bản thân và ngày càng hoàn thiện nhân cách.
Khi nghe
Amy Wright nói, “Những người bị khuyết tật đã ở trong bóng tối quá lâu”, tôi
liên tưởng đến truyện ngắn “Vũ điệu của những chiếc bóng hạnh phúc” của Alice
Munro và cho rằng tác phẩm của nhà văn Canada đoạt giải Nobel năm 2013 này đã
đi vào cuộc sống.
Trong
“Vũ điệu của những chiếc bóng hạnh phúc”, bà giáo dạy nhạc già cả và lẩn thẩn
đã “tra tấn” những phụ huynh bằng buổi biểu diễn dương cầm buồn tẻ trong một
ngày hè oi bức. Cho rằng như vậy chưa đủ, Miss Marsalles, bà giáo, còn lần lượt
đưa các học sinh khuyết tật của trường Green Hill ra biểu diễn. Nhưng rồi cuối
cùng âm nhạc của cô bé khuyết tật tóc vàng đã thuyết phục người nghe. Bài độc tấu
dương cầm “Vũ điệu của những chiếc bóng hạnh phúc” đã gây xúc động lòng người.
Cô
bé kể chuyện hiểu rằng cô và mẹ cô không sống trong thế giới của Miss Marsalles
và các bạn học sinh của trường khuyết tật Green Hill. Nhưng, cuối cùng, tại
đây, tiếng nhạc thiên sứ đã giúp cô nhận được một thông điệp từ xứ sở nơi Miss Marsalles sinh sống.
Tôi
cho rằng, cô bé kể chuyện của Alice Munro là người đầu tiên nhưng không hẳn là
người duy nhất. Biết đâu, có nhiều người cùng nhận được thông điệp, điển hình
như Amy Wright, “2017 CNN Hero of the Year”? Hơn nữa, Amy Wright không chỉ nhận
thông điệp mà còn đưa nó vào cuộc sống sinh động. (Nói cách khác, biết đâu “Vũ
điệu của những chiếc bóng hạnh phúc” là nguồn cảm hứng giúp Amy Wright có được
nghị lực để cùng hai con Bitty và Beau vượt qua gian khó. Rồi chính sự thành
công với Bitty và Beau lại tạo nguồn cảm hứng mới giúp Amy Wright mạnh dạn tuyển
dụng thêm những người khuyết tật, giúp họ “nhìn thấy vẻ đẹp của cuộc sống” rồi
cùng nắm tay nhau trong “Vũ điệu của những chiếc bóng hạnh phúc”?)
Cùng
với Amy Wright, tại nước Mỹ và trên khắp thế giới còn biết bao anh hùng thầm lặng
khác, những người đã hiến cuộc đời mình để nhằm an ủi những số phận kém may mắn,
góp phần xoa dịu những đau thương của kiếp
người. Những người này, cả Anderson Cooper, Kelly Ripa và Andy Cohen cũng đều
không biết đến. Mong rằng, tâm huyết của nhà văn gửi vào trang sách sẽ tiếp tục
được đưa vào cuộc sống và sẽ có nhiều nữa những “Bà Mẹ Anh Hùng” như Amy
Wright.
Vancouver, WA. Dec 28, 2017.
Nguyễn
Âu Hồng
Toàn cảnh buổi phát giải:
Những người được vinh danh chụp ảnh chung với CNN co-hosts-
Anderson Cooper và Kelly Ripa.
Trên bình phong lớn là Amy Wright, Bitty & Beau.