Ảnh: Google image
"Tìm
đâu cho thấy Trương Thăng Phủ
Văng
vẳng bên trời tiếng hạc qua "
Thơ Phó Bảng Nguyễn Can Mộng.
Tôi
sinh ra ở Hà Nội, lớn lên ở Saigon và hiện giờ đang sống ở Hoa Kỳ. Sinh ra ở Hà
Nội, và rời khỏi Hà Nội khi chưa hình thành ký ức, nên những gì tôi nhớ về Hà Nội
là rời rạc, mỏng manh và rất mờ nhạt. Có chăng chỉ là giọng nói mà tôi được thừa hưởng từ
gia đình. Nhưng tôi lại biết rất nhiều về Hà Nội, bởi vì chung quanh tôi ngay từ
thời thơ ấu là những con người của Hà Nội.
Mẹ, các anh chị, các bác, các chú họ đem theo Hà Nội trong tâm tưởng và kỷ niệm, tôi được tiếp nhận một cách vô
tình lời ăn tiếng nói, cách cư xử và cùng lúc một đời sống Hà Nội nhiều mộng
mơ.
Năm
1882, Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ hai, Tổng Đốc Hoàng Diệu tử tiết theo
thành, Triều đình Huế đầu hàng, bỏ đất Bắc cho Pháp để quay lại giữ lấy Huế .
Triều đình gửi chiếu chỉ cho tướng sĩ Bắc Hà giao thành giao đất cho Pháp. Tán
Tương Quân Vụ tỉnh Sơn Tây là Nguyễn Thiện Thuật kháng chỉ, đem quân lùi vào
khu rừng núi Bãi Sậy lập chiến khu chống Pháp. Các tướng sĩ thuộc quyền của Tán
Thuật ở các trấn Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Hưng Yên, Thái Bình nhiều người
cũng bỏ quan chức, kéo theo binh lính và gia đình lập các chiến khu căn cứ khắp
nơi . Trong đó, có Đề Đốc phủ Thường Tín là Nguyễn Tề gọi là Đề Thường, cùng em
là Bang Biện huyện Duyên Hà Nguyễn Tốn gọi là Bang Tốn, cùng hưởng ứng theo và dẫn quân đóng tại Hưng Yên. Ba năm sau, Năm Ất Dậu 1885, sau khi kinh thành Huế thất
thủ, Tôn Thất Thuyết phù tá vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị, tại đây vua Hàm
Nghi hạ chiếu Cần Vương lời lẽ thống thiết:
"Trẫm đức mỏng, gặp biến cố này, không thể hết sức giữ toàn,
đô thành bị hãm, Từ giá phải dời, tội ở mình trẫm, xấu hổ vô cùng. Chỉ duy luân
thường quan hệ, trăm quan khanh sĩ không kể lớn nhỏ, tất không bỏ trẫm, kẻ trí
hiến mưu, người dũng hiến sức, kẻ giàu bỏ của trợ giúp quân nhu, đồng bào đồng
trạch chẳng từ gian hiểm, phải thế chứ ?" ( bản dịch Wikisource).
Cũng năm đó, Thống tướng Pháp là
Roussel de Courcy giao cho thiếu tướng François de Négrier, trung tá Donnier
cùng Hoàng Cao Khải mở cuộc càn quét lớn bình định Bắc Hà. Cuộc chiến đấu không
cân sức diễn ra với quân Pháp trang bị
hùng hậu, vũ khí hiện đại và Nghĩa quân
chỉ có gươm giáo, vài khẩu hỏa mai, không có đường tiếp tế và không có quân tiếp
ứng nên Nghĩa quân nhiều nơi vỡ trận, tan nát, Đề Thường, Bang Tốn bị Pháp bắt và xử bắn tại Hải Dương.
Con
cháu Đề Thường, Bang Tốn bỏ làng quê Thái Bình theo đôi quang gánh của mẹ trốn
chạy suốt mười lăm năm. suốt từ năm 1885 cho tới 1900, mười lăm năm lưu lạc trốn
tránh mới có lệnh chiêu an, không hỏi tội, Con của Đề Thường là Nguyễn Can Mộng,
cùng với con của Bang Tốn là Nguyễn Thúc Khiêm mới được về làng, lúc đó cả hai
đã quá tuổi 20, bỏ công ra mài dũa chữ nghĩa, học hành thêm 12 năm nữa Nguyễn Can Mộng đỗ Cử Nhân khoa Nhâm Tí 1912,
và Phó Bảng khoa Bính Thìn 1916. Nguyễn Can Mộng được bổ làm Giáo Thụ huyện Ý Yên, Nam Định ,
sau đó thăng Đốc Học tỉnh Sơn Nam, thì từ quan về dạy học và làm về ngành giáo
dục, làm Giáo Sư giảng dạy về Hán Văn của trường Bưởi cho đến cuối đời. Nguyễn Thúc Khiêm thi đậu Tú Tài, rồi không
thi nữa chỉ chuyên sáng tác Kịch thơ,
Chèo Cổ và thành một tác giả lớn của ngành Chèo Cổ Việt Nam.
Bảng
Mộng là lớp nhà nho cuối cùng của truyền thống Hán Học ở Việt Nam, sinh ra
trong một gia đình chống Pháp, Cha và chú bị giặc bắt và hành hình. Nhưng từ
ngàn năm lịch sử, con đường tiến thân duy nhất của khách nam nhi là học
hành, thi đỗ để làm quan, con đường đó phù hợp với chí khí kẻ làm trai, lại vừa
là những khát vọng bình thường của xã hội. Nhưng lúc đó lại là cuối con đường,
triều đình vua quan không còn là nơi nương tựa, Chữ nghĩa thánh hiền không phải
là cái tự tin. Phải sống thế nào và phải
làm gì để không ngược lại với cả một quá trình gian khổ tập luyện đã thành một
nề nếp một đời, vừa đem được cái kiến thức
thực học ra giúp đời sau.
Ngay
giai đoan đó, có những vị "bỏ văn theo võ", chiến đấu hào hùng nhưng
mà vô vọng, có những vị mong vận động một thế lực nước ngoài khác, hay tìm cách nâng cao dân trí để tính kế dài
lâu. Con đường Bảng Mộng chọn là hoạt động
văn hóa và giáo dục. Thời điểm đó, chữ
quốc ngữ đang phát triển vũ bão để đáp ứng với nhu cầu một xã hội mở cửa tiếp
nhận văn minh thế giới, càng phát triển, chữ quốc ngữ lại đối đầu với một nghịch
lý là không đủ từ ngữ diễn tả. Cách đơn giản và tiện dụng nhất chính là tạo chữ
mới từ căn bản Hán Tự. "Càng muốn mở
mang Tân Học một cách vững chãi, lại càng phải nắm vững tinh hoa của Cựu Học."
(NS NCM)
Là
người theo cựu học từ thời niên thiếu, nên nhu cầu học , hiểu và am tường chữ
Pháp để làm cầu nối cho Quốc Ngữ, Nguyễn Can Mộng quen thân với Phán Tường là
Thông phán Nguyễn đình Tường làm việc tại Tòa Sứ Hải Dương. Phán Tường hơn Bảng
Mộng gần một giáp, người dạy chữ Pháp, người dạy chữ Hán trao đỗi lẫn nhau
thành đôi bạn vong niên tri kỷ. Phán Tường góa vợ, các con đã lớn ở riêng, còn
một cô con gái út tuổi vừa 17 thì Phán Tường lâm bệnh nặng, biết mình không thể
qua khỏi, Phán Tường gọi Bảng Mộng về Hải Dương gặp mặt, trăn trối chuyện sau
và ký thác cô con gái út cho Bảng Mộng.
Đây là người vợ thứ Ba của Bảng Mộng và là người đi với ông cho đến cuối
đời.
Sau khi xin về Trí Sĩ, Bảng Mộng dắt bà ba và các con về
quê ở làng Hoàng Nông, Huyện Duyên Hà, Tỉnh Thái Bình. Bà
Ba có với Bảng Mộng 8 người con, Người con thứ bảy sinh ra tại làng quê Thái
Bình vào thời điểm nạn đói bắt bắt đầu hoành hành năm 1945. Kỳ lạ là sinh ra
vào đúng một Kỷ (60 năm) sau cái chết ông Nội là cụ Đề Thường. Ất Dậu 1885 và Ất Dậu 1945. Cậu bé sinh ra trên người có nhiều đốm đỏ trên
bờ ngực, và đau yếu, không được mấy ngày khỏe mạnh. Cuộc sống làng quê thì khó
khăn, cơ ngơi là nằm trong tay của hai bà vợ lớn, bà vợ Ba được cho ăn đã là
quý, tiền đâu mà thuốc men chăm sóc cho con.
Khi
về quê, Bà Ba không thể ở nhà hai bà vợ trước, mà Bảng Mộng phải gửi bà cùng
các con ở nhà những người thân thuộc trong làng. Cậu bé chưa đầy
năm, một hôm , con kêu khóc quá, bà Ba bế con đi loanh quanh dỗ cho con ngủ,
khi tạt vào một gốc đa ngồi nghỉ, nhìn ra thấy đang ở giữa sân đình làng Hoàng
Nông, bà Ba vừa khóc vừa lễ thánh rằng
thôi nếu số con sống thì Thánh cho con khỏe mạnh đi, để mẹ còn chạy vạy kiếm miếng
cơm nuôi mấy anh chị, còn nếu số con chỉ đến thế này, thì thôi con chết đi, bao
giờ Thầy Đẻ khá rồi con lại về với Thầy Đẻ.....khấn thánh rồi thì khóc.khóc rồi
lại khấn lầm thầm ....nhìn xuống đứa bé đã im lặng như ngủ , lắc lắc người mới
thấy thân thể lạnh toát hết rồi.
Bà
Ba khóc thất thanh ôm con chạy về nhà. Bảng
Mộng chạy ra đón con vào nhà, mạch không còn , người bắt đầu lạnh nhưng thân thể
vẫn mềm dịu. Bảng Mộng hỏi chuyện, khi biết được lời cầu mong của bà Ba, Bảng Mộng
lấy bút lông, pha mực tàu viết vào lòng bàn tay cậu bé chữ Lai Sinh (來生), rồi thắp hương lên bàn thờ
khấn : Số con là thế, Thầy không làm gì được, thôi con ra đi thanh thản, Thầy
đã làm dấu vào tay con rồi, khi Thầy Đẻ khá giả rồi con lại về với Thầy Đẻ nhé.
Những
ngày đau xót đó, bà Ba chỉ ôm mặt khóc rấm rức một mình, Căn nhà hai gian ba
trái đó với cái ao lót gạch, với hàng cây nhãn ven nhà, rồi ruộng rồi ngô không
phải là chỗ sống của mình, ngay cả người chồng kính mến cũng là chồng chung, khó khăn không tìm ra phút giây riêng tư nào chuyện trò.
Một
hôm, Bảng Mộng đi ăn giỗ làng bên, bà Ba chờ tới chiều, biết chồng sắp về, lén
chạy ra đầu làng, trốn sau bụi rơm chờ. Lát sau khi thấy thấp thoáng bóng Bảng
Mộng mới chạy ra đón đầu.
Bảng
Mộng ngạc nhiên: sao bà ở đây.
-
Tôi đợi ông đã lâu, muốn nói với ông chút chuyện.
-Chuyện
gì vậy?
-Có
lẽ tôi phải đi ông ạ
- Bà
đi đâu, loạn lạc khắp nơi, thân gái dặm trường,
con cái ríu bước làm sao đi được.
- Tôi đi dắt theo con Thanh để trong nom lẫn nhau, còn lại
mấy đứa ở nhà thì giao lại hết cho Ông, Ông đưa về bà Me nuôi coi như tôi không
còn nữa. Một năm sau nếu tôi còn sống, tự lực được đời mình thì sẽ về đón các
con, còn không thì hôm nay gặp ông là lần cuối.
Năm
năm sau, năm 1950, khi đã sống ổn định ở Hà Nội, bà Ba hoài thai đứa con thứ 8.
khi sanh nở xong, người nhà chạy về báo tin cho cụ ông. Câu hỏi đầu tiên là con
trai hay con gái, khi biết là con trai, cụ Ông vội vã vào bệnh viện lật bàn tay
đứa bé ra xem xét và lạnh toát cả người khi thấy nét mờ mờ mầu đen nhạt nơi lòng bàn tay hai chữ Lai
Sinh, lại một điều kỳ lạ nữa, đứa bé mới sinh cũng có những đấu đỏ trên người
như dấu đạn bắn vào , gần như đã biểu lộ hết sự trở về của một nhân duyên, nên quyết
định đặt tên đứa bé là tên người anh đã mất : Nguyễn Minh Kha.
Minh
Kha cũng không khỏe, từ lúc sinh là èo ọt.
nay ốm mai đau dù quen biết Bác sĩ đến khám mỗi này , thuốc men bổ dưỡng cách
gì cũng vậy. Bệnh không ra bệnh gì, mà cứ
bạc nhược dần mỗi ngày. Chợt có một vị túc nho am tường lý số ghé thăm,
nhìn đứa bé hồi lâu rồi ra nói với Bảng Mộng rằng đây là hiện tượng tái sinh,
hoặc là báo ân, hoặc là báo oán, cứ tình trạng này, cháu cũng chẳng sống được bao lâu đâu, tôi có một
cách giúp gia đình vượt qua, ông có chịu nghe không? Đó là gia đình mời tăng về
nhà trì tụng chú Đại Bi và chú Lăng Nghiêm ba ngày liên tục, rồi đem cháu bán khoán cho Chùa
hay Đền , sau đó nhận lại đem về nuôi, đặt tên khác thay đổi cuộc đời nó mới hy
vọng qua được. Cái đó kêu là đổi mệnh đó.
Đã có bệnh thì vái tứ phương, con thì thiêm thiếp trên
giường, Bà Ba thì vừa khóc vừa van xin nên Bảng Mộng thỉnh mời Hòa Thượng Tố
Liên lúc đó đang là trụ trì chùa Quán Sứ tới làm lễ tại nhà, sau ba ngày làm lễ, cho
người bế đứa bé ra Đền đức Thánh Trần bỏ lại giữa sân. Rồi bà Ba chạy ra coi như nhặt được, đem về nhà đổi tên là Nguyễn Minh
Nữu, Nữu là cái khuy áo bằng ngọc, mang ý nghĩa cất giữ lại cái đang có. Thực sự
là từ đó tới lớn, các vết đỏ trên người dần nhạt đi và biến mất, cậu bé không bệnh
hoạn gì nữa, hay ăn chóng lớn và... sống tới bây giờ là ông già 69 tuổi
khi viết những dòng này đây.
Sau khi từ quan về nhà dậy học và viết sách, tới khi theo
bà Ba về Hà Nội, Bảng Mộng bắt đầu đi dậy học lại ở Trường Bưởi (lúc bấy giờ gọi
là Trung học Bảo Hộ) , là người cùng với Phó Bảng Ngô Thúc Địch, Học giả Trần
trọng Kim mở các lớp chữ Nho tại đền Ngọc
Sơn mà về sau từ căn bản đó để hình thành ra Đại Học Văn Khoa Hà Nội. Phó Bảng Nguyễn Can Mộng dành nhiều thời gian
cho viết sách, trên báo Tứ Dân Văn Uyển ông viết nhiều biên khảo về văn học, lịch
sử địa lý, phong tục tập quán của người Việt nhằm bảo vệ quốc hồn quốc túy của
dân tộc. Năm 1949 , đại học Văn Khoa Hà Nội thành lập, ông được mời phụ trách dạy
Hán Văn ở trường cho đến cuối đời.
Theo
phép thi cử thời nhà Nguyễn thì ngày xưa
có các khoa thi Hương, thi Hội và thi Đình.
Thi
Hương bốn năm tổ chức một lần vào các năm Tí Ngọ Mão Dậu. Các khóa sinh vào bốn vòng thi , vượt qua
vòng 1 mới dược thi vòng hai, nếu trúng cách ba vòng thì được gọi là Tú Tài,
qua bốn vòng thì trúng cách Cử Nhân. Đỗ
Cử Nhân là đã được ban cấp áo mão , dự tiệc và cho vinh quy bái tổ rồi, năm
sau, những người đỗ Cử Nhân mới được tham dự cuộc thi ở kinh đô là Thi Hội.
Thi
Hội cũng qua bốn vòng thi, nếu các Cử Nhận vượt qua ba vòng thì được gọi chung
là Tiến Sĩ. Khi yết bảng, những người đạt
được 10 điểm thì gọi là Chánh trúng cách, tên được ghi trên bảng Giáp, những
người đạt 9 điểm gọi là Thứ Trúng Cách ghi tên lên bảng Ất, gọi là Phó Bảng.
Giáp
Tiến Sĩ và Ất Tiến Sĩ đều được gọi là đỗ Đại Khoa và được vào cung đình dự cuộc
thi sau chót ngay tại sân Đình do Nhà vua ra đề tài và chấm điểm. Thi Đình là
cuộc thi phúc tra cuối cùng để thẩm định và xếp hạng các tân Tiến Sĩ.
Trong
tác phẩm "Các nhà khoa bảng Việt Nam 1095-1919 " của các tác giả Ngô
Đức Thọ-Nguyễn Thúy Nga- Nguyễn Hữu Mùi
thì khoa bảng Việt Nam từ ngày lập quốc cho cuối triều Nguyễn hơn 800 năm có 184 khoa thi, và ghi được danh
tính các vị Đại khoa từ người đầu tiên là Lê văn Thịnh ( triều Lý) cho đến người
cuối cùng là Hoàng Yến (đỗ Phó Bảng khoa
Kỷ Mùi 1919, niên hiệu Khải Định thứ tư, triều Nguyễn) tổng cộng là 2894 người.
Trong danh sách này, Nguyễn can Mộng được
ghi vào số thứ tự 2866. Thi đỗ năm 1916, và
ba năm sau là năm khoa thi cuối cùng, chấm dứt cái học nhà Nho của Việt
Nam.
Tác phẩm để lại về Hán Văn có: Nam Học Hán Tự, Tự Điển Việt Hán Thành Ngữ.
Về chữ Quốc Ngữ có : Hiệu đính Truyện Kiều.
Hiệu Đính Ngạn Ngữ Phong dao.
Sáng tác truyện thơ Bức Gương Lòng Son, Sáng tác thơ Nông
Sơn, Lễ Tục Việt Nam. Lịch sử Bắc Kỳ.
Trong giai đoạn 1930 đến 1950, Nông Sơn Nguyễn Can Mộng
nhận định :"Chữ Quốc Ngữ đang lúc
phát triển vũ bão đẻ đáp ứng với nhu cầu một xã hội mở cửa, chuyển mình tiến
lên cho kịp năm châu thế giới thì lại gặp một vấn nạn sinh tử là làm sao xây dựng
được một kho từ ngữ phong phú tương xứng với sức mạnh của nó. Cách đơn giản nhất
nhưng tiện dụng và hợp lý nhất là tạo chữ mới từ căn bản Hán Tự. Cho nên đã xuất
hiện một nghịch lý là càng Âu hóa thì lại càng phải quay về Hán tự, càng muốn mở
mang Tân Học một cách vững chãi lại càng phải nắm vững Cựu học" ( Lời
mở tác phẩm tự điển Việt Hán Thành Ngữ)
Nông sơn Nguyễn Can Mộng là người đầu tiên sưu tầm và hiệu
đính có hệ thống tục ngữ phong dao, trong các số báo Tứ Dân Văn Uyển tháng
3,4,5 xuất bản năm 1936, gồm 601 câu ngạn ngữ từ 4 chữ, 5 chữ ...cho tới 12 chữ
một câu và 1121 bài phong dao. ( nay số tháng 4/1936 không còn nữa nên đã thất
lạc khoảng 500 bài phong dao)
Năm 2016, khi tôi về Hà Nội, lên Sơn Tây thăm mộ cha, ghé
qua đền Ngọc Sơn nơi có
lớp Hán văn đầu tiên năm 1940, ghé ngang trường Chu văn An là hậu thân của Trường
Bưởi ngày xưa, ghé nhà số 7 đường Lý Quốc Sư , căn nhà nơi tôi đã sống khi sinh
ra, và sau chót là ghé lại Cửa Bắc thành Hà Nội, nơi còn vết đạn quân Pháp bắn khi tấn công thành Hà Nội lần thứ
hai vào năm 1882. Vết đạn bắn lõm vào thành vẫn còn và nhớ tới bài thơ của cha,
tiếc là bài thơ 8 câu mà gia đình chỉ còn ghi lại được 6 câu, bài thơ tên là Đề
Cửa Bắc Thành Hà Nội :
Cửa Bắc
bao năm vẫn đứng trơ
Vết
thương đau mãi đến bây giờ
Cảm người
xương trắng theo thành ấy
Dãi tấm
lòng son với nước xưa
Dư đồ
nay đã thu về cả
Linh
phách anh hùng sống lại chưa?
Truyện Kiều gồm 3254 câu, nghĩa là
1627 câu lục và 1627 câu bát. Những người mê Kiều có thể lấy các câu (lục hay
bát) nguyên ở các vị trí và hoàn cảnh khác nhau trong Truyện Kiều ghép lại sao
cho đạt được sự phù hợp về vần, luật, đồng thời “vịnh” được một tình huống mình
muốn. Đây là thú chơi và nghệ thuật các nhà Nho gọi là “Lẩy Kiều”.
Muốn “Lẩy Kiều”, nghĩa là nói bằng
Kiều, phải hình thành được cả quyển Kiều trong óc và trong tim, nghĩa là phải
“Sống Kiều”. Lãng Nhân, trong tác phẩm “Chơi Chữ” đã viết về “Lẩy Kiều” như
sau:
"... Về lối “Lẩy Kiều”, ông
Bảng Nông Sơn là một trong những tay cự phách. Ông vốn là người phóng khoáng, vì phóng khoáng
nên hay thiếu tiền, có lần đi vay nợ tây đen. Lệ vay phải có người ký bảo đảm, mình không trả được thì chủ
nợ cứ người bảo đảm mà đòi.
Đến hạn, ông Bảng tất nhiên không
trả được, mà rủi thay người bảo đảm cũng không xoay ra tiền, cho nên việc đã
đến phải đến; tây đen đệ đơn kiện, xin câu lưu ngay ông bảo đảm là người có
tóc. Tòa cứ theo luật mà lên án: ông bảo đảm ngồi tù. Ông Bảng ân hận lắm, nhưng
biết sao bây giờ? Chỉ còn cách gửi vào đề lao mấy câu “Kiều Lẩy” để an ủi:
Tù Nợ
Tin
tôi nên quá nghe lời,
Mà
lòng trọng nghĩa khinh tài xiết bao!
Phép
công chiếu án luận vào,
Ăn
làm sao nói làm sao bây giờ!
Chung
quanh lặng ngắt như tờ,
Tiếng
oan dậy đất, án ngờ lòa mây…
Trông
gương trong bấy nhiêu ngày,
Khéo
là mặt dạn mày dầy khó coi…
Trăm
điều ngang ngửa vì tôi,
Còn
thân ắt hẳn đền bồi có khi!
Mấy câu này ông bảo đảm ngâm nga,
chắc cũng lấy làm thú, nên đành ngồi trong bóng rợp ít lâu mà không nỡ trách
bạn một lời: cho hay cái ma lực của văn chương!
Ông Bảng còn “Lẩy” nhiều bài thật kỳ
thú, tiếc rằng chúng tôi chỉ chép được vài câu.
Có lần, ông đi dự tiệc do một bạn cũ
mời, bạn này mới đến trọng nhậm chức tổng đốc tỉnh Thanh nên tổ chức một bữa
rượu mừng.
Bạn vốn chân cử nhân, lúc thiếu thời
có gia nhập một đảng cách mạng. Đi phiêu lưu bên Tầu một dạo, ông từng dịch ra
quốc âm bài “Hồ Trường” lâm ly cảm khái do Nguyên-quân, một khách giang hồ lạc
phách làm ra.
Bài này mỗi khi có tửu hứng, nghệ sĩ
Trương Đình Thi lấy dao bầu nhà ả đào làm gươm, vừa múa vừa hét, bi tráng như
kẻ sĩ nước Yên, nước Triệu khi xưa:
Hồ Trường
Trượng
phu đã không hay xé gan bẻ cật phù
cương thường,
Sao lại tiêu dao bốn bể, luân lạc tha hương?
Trời
Nam nghìn dặm thẳm;
Mây
nước một màu sương.
Học
không thành, công chẳng lập,
Trai
trẻ bao lâu mà đầu bạc;
Trăm
năm thân thế bóng tà dương.
Vỗ
gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi:
Trời
đất mang mang, ai người tri kỷ?
Lại
đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ
trường! Hồ trường! Ta biết rót về đâu?
Rót
về Đông phương, nướcbiển Đông chảy
xiết
, sinh cuồng loạn.
Rót
về Tây phương,
Mưa
Tây sơn từng trận chứa chan;
Rót
về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút.
Đá
chạy cát giương;
Rót
về Nam phương, trời Nam mù mịt,
Có
người quá chén như điên như cuồng.
Nào
ai tỉnh, nào ai say?
Chí
ta, ta biết lòng ta, ta hay.
Nam
nhi sự nghiệp ở hồ thỉ,
Hà
tất thành sầu đối cỏ cây!
Sau ít năm phiêu bạt, ông về đầu
thú, phản thầy là Sào Nam, tố giác nhiều bạn trong số có Huỳnh Nghi (sau đổi là
Hoàng Hưng, đổi nữa là Đặng Văn Phương tức Đặng Bỉnh Thanh - người Cần Thơ,
từng học tại Đồng Văn Thư Viện Đông Kinh, bị bắt và đầy Côn Đảo mang số tù
193); do đó, ông cử nhân cách mạng được bổ làm quan, chẳng bao lâu lên đến chức
tổng đốc.
Tiệc rượu họp toàn bạn cũ, thơ phú
tất nhiên là nhiều, song lúc ra về, ai cũng chỉ còn nhớ mấy câu Kiều mà ông
Bảng đã “Lẩy”:
Kể
từ lạc bước bước ra,
Một
là đắc hiếu hai là đắc trung.
Giang
hồ quen thói vẫy vùng,
Rầy
xem phỏng đã cam lòng ấy chưa?
Câu cuối cùng đã làm cho mặt chủ nhân
đương hồng hào bỗng biến ra xám ngắt!
Đối chọi sao cho lại được lối “Lẩy
Kiều”sắc bén của ông Bảng! Ay thế mà có lần một cô đào đã “Lẩy’ được cho ông
phải “ứ hơi”: ông Bảng bữa đó qua chơi tỉnh Nam, gặp cô đào nọ là trang thanh
sắc.
Nhân
lúc cao hứng, ông
ngỏ ý sẽ giúp cô một nghìn đồng làm vốn dọn nhà riêng, cho
cô khỏi phải than thân là đương ở vào lúc “chân nâng”.
Sau khi ông trở về Hà thành, cô đào
quả nhiên nhận được bưu phiếu, nhưng nhìn vào số tiền thì chỉ thấy ghi có 100$!
Bực mình, cô gửi trả lại ngân phiếu, kèm hai câu:
Nghìn
tầm, chờ bóng tùng quân,
Tiền
trăm, lại cứ nguyên ngân phát hoàn!
Tổng đốc Hoàng Trọng Phu một buổi đi
nghe hát với các quan, trong đó có ông Bảng. Một cô đào trẻ đẹp đến mời rượu
Hoàng. Hoàng ghé môi hôn vào má cô. Một quan bắt cô phải hôn lại Hoàng. Cô đào
thẹn thùng không biết phải làm sao, thì ông Bảng nháy cô lại bảo nhỏ. Sau đó,
cô quay lại Hoàng, hãm liền hai câu:
Chút
chi gắn bó một hai
Nay
Hoàng hôn đã, rồi mai hôn Hoàng.
Hoàng vỗ tay cười, quay lại nhìn ông
Bảng nói:
- Được rồi! Đâu có đó!
Một buổi, ông Bảng xuống xóm, gặp
một cô đào mới đi lấy chồng được mấy tháng nay lại trở về nhà hát, ông hỏi:
Bấy
lâu khăng khít dãi đồng,
Sâm
thương chẳng vẹn chữ tòng tại ai?
Cô đào tần ngần một lúc rồi nghẹn
ngào ngâm:
Cũng
là lỡ một lầm hai,
Cơ
duyên âu cũng có trời ở trong.
(Trích
trong tác phẩm CHƠI CHỮ của cụ LÃNG NHÂN, Nam Chi Tùng Thư Sài gòn ấn hành
1970, phần Tập Kiều, Vịnh Kiều, trang 93 – 97).
Trong
tác phẩm khác của Lãng Nhân là Giai Thoại Làng Nho. Bài nói về Trương Hán Siêu.
Trương Hán Siêu biểu tự là Thăng Phủ, sinh vào đời nhà Trần, trải qua bốn đời
vua Anh Tôn, Minh Tôn, Hiến Tôn và Dực Tôn. Người đã soạn bài ký tháp Linh Tế nổi
tiếng tới bây giờ. Sau về trí sĩ tại núi
Dục Thúy. Từ đó núi Dục Thúy trở thành một danh sơn thắng cảnh mà rất nhiều văn
gia thi sĩ ghé thăm và đề thơ lưu niệm. Bài viết của Lãng Nhân viết là :
..."
về sau, Phó bảng Nông Sơn Nguyễn can Mộng trong một buổi du ngoạn, đã đề một
bài thơ đáng chú ý hơn nhiều bài khác:
Trải mấy tang thương đá chẳng già
Trơ trơ đứng giữa lớp đồi ba.
Chỗ người đi đến cây cằn lại
Khi nước lui rồi đá nảy ra
Mấy độ phong sương chồi cúc lão
Nửa phần rêu bám chữ thơ nhòa
Tìm đâu cho thấy Trương Thăng Phủ
Văng vẳng bên trời tiếng hạc qua.
Núi
chẳng già vì là núi "Non Nước". Khi nước lui rồi đá nảy ra lập lại ý
của Tô Đông Pha trong bài Xích Bích: thủy lục thạch xuất. Câu kết man mác giọng
hoài cổ " ( hết trích).
Tôi mồ côi Cha lúc 4 tuổi. Thân phụ tôi từ trần ngày 27
tháng chạp năm Quý Tị, đầu năm 1954. Mẹ tôi kể lại rằng , năm đó càng gần Tết
thì bệnh cha càng nặng hơn, thuốc men sâm yến gì cũng chỉ dịu đi chút ít rồi
đau lại, Mẹ tôi chuyển qua tin tưởng vào thiêng liêng nên đi cầu cúng khắp nơi,
đã hiểu rằng không thể kéo dài, nhưng cầu cúng chỉ mong sao cho ra giêng ngày rộng
tháng dài dễ bề lo liệu. Khoảng 25 tết thì vào lễ đền Thánh mẫu Liễu Hạnh ở Phủ
Dầy , Nam Định, khi ra xin quẻ Xâm, nhờ người đoán hộ. Ông Từ của đền xem xét rồi quay lại hỏi Bà hỏi về bệnh
của ai đó phải không? Mẹ tôi thưa vâng,
Ông Từ lắc đầu, không được rồi, bà phải
về nhà ngay, Xâm nói là "Thuyền gấp phải đi ngay" Bà về nhà
lo liệu công việc đi chứ sợ không kịp.
Mẹ tôi vội vã về nhà ngày 26, thì 27 thầy tôi mất. Mẹ về
, Thầy còn tỉnh táo, gọi mẹ tôi đến dặn dò khi tôi mất, tang ma làm đơn giản,
sau này giỗ chạp chỉ cúng hương hoa , không cúng cỗ bàn.
Thầy tôi mất ngày
27, năm đó lại là năm thiếu, không có ngày 30 nên ngay ngày 29 là đưa đi an
táng tại Nghĩa Trang Voi Phục, Hà Nội. Mộ
nằm cạnh một nhà nho là bạn cũ ngày xưa.
Khi nghĩa trang này giải tỏa vào năm 1960, thì gia đình đã di cư vào Nam, thật may là
con của người bạn đó đang là một Bác sĩ
đã bốc cả hai ngôi mộ lên vùng đồi núi Bất Bạt, huyện Yên Kỳ , Sơn Tây.
Năm 1994, trước khi đi định cư ở Mỹ, tôi đã ra Bắc, và lần
đâu tiên được lễ trước mộ cha:
MÊNH
MÔNG TRỜI BẤT BẠT.
Bất bạt ngừng ngay giấc ngủ
ngày
Yên Kỳ ngàn mộ mở vòng tay
Đón tên phiêu bạt bao năm cũ
Mềm lòng quay lại cố hương đây.
Thắp nén nhang thơm ở giữa đồi
Nghe lòng thương nhớ đã trùng khơi
Xa trong cõi khác người quay lại
Rộng lượng Ba Vì , mây trắng thôi.
Muốn khóc lên cho nhẹ ngậm ngùi
Xin quỳ để thấy xót xa nguôi
Ai xui chim Việt về Nam nhỉ
Bốn chục năm trường nhạn lẻ đôi.
Nắng mới triêu dương trời đã tối.
Chồi chưa đủ lá đã phong ba
Lưu thân đi những phương xa lạ
Tiếp mạch thư hương, giữ nếp nhà.
Muôn dặm thiết tha hồn lữ thứ
Nồng nàn hương sắc Thủy tiên xưa
Trước mộ tâm dâng lời khấn nguyện
Nối dòng, xin nối lại dòng thơ.
Sơn Tây, Sơn Tây mưa lê thê
Đời sao hứa được lúc ta về
Gói cả núi đồi vào ký ức
Ta nhớ, và Sơn Tây nhớ nghe.
Yên Kỳ ngàn mộ mở vòng tay
Đón tên phiêu bạt bao năm cũ
Mềm lòng quay lại cố hương đây.
Thắp nén nhang thơm ở giữa đồi
Nghe lòng thương nhớ đã trùng khơi
Xa trong cõi khác người quay lại
Rộng lượng Ba Vì , mây trắng thôi.
Muốn khóc lên cho nhẹ ngậm ngùi
Xin quỳ để thấy xót xa nguôi
Ai xui chim Việt về Nam nhỉ
Bốn chục năm trường nhạn lẻ đôi.
Nắng mới triêu dương trời đã tối.
Chồi chưa đủ lá đã phong ba
Lưu thân đi những phương xa lạ
Tiếp mạch thư hương, giữ nếp nhà.
Muôn dặm thiết tha hồn lữ thứ
Nồng nàn hương sắc Thủy tiên xưa
Trước mộ tâm dâng lời khấn nguyện
Nối dòng, xin nối lại dòng thơ.
Sơn Tây, Sơn Tây mưa lê thê
Đời sao hứa được lúc ta về
Gói cả núi đồi vào ký ức
Ta nhớ, và Sơn Tây nhớ nghe.
Lời di huấn để lại là con
cháu đặt tên theo thứ tự chữ lót Minh, Hồng, Tài, Bỉnh, Cơ, nghĩa là con của
Nguyễn Minh là Nguyễn Hồng, con của Nguyễn Hồng là Nguyễn Tài, con của Nguyễn
Tài là... Nay người con trai út Nguyễn Minh .... đã ở tuổi gần 70, đã có con có
cháu nội ngoại. Ghi lại những ký ức của gia đình như một ký dấu cho con cháu đời
sau, mà lòng hoài niệm vẫn mang mang : "Văng
vẳng bên trời tiếng hạc qua"
NGUYỄN MINH NỮU
Cậu bé (hàng trước) là tác giả bài viết này lúc 2 tuổi