ĐẠI NỘI, HUẾ - Photo by Raynald Savard (Quebec, Canada)
Tôi
từng có dịp
thất thần lên núi, từng có khi về đứng
choáng ngộp trước biển. Bầu trời ở
hai chốn đó mang vẻ lạ lẫm khác nhau, nhưng tựu trung chúng váng vất chút hoang dã, mênh mang chút
hăm doạ.
Vuông
trời trong Đại nội
thì khác hẳn, mây bay
ngang tự dưng vấn vương sắc tím; trời đang lững lờ xanh trong không dưng phải chịu phủ
dụ, tráng lên đó
một tí vàng vua chúa một tí lục của rong rêu.
Thứ sắc màu trông
cũ kỹ, nửa ấm áp nửa
kia là thoáng rợn da. Khái niệm sáng trưa chiều luôn bị đánh lừa, thời gian nhích qua đây làm
người ta ngờ vực về một vó câu
luôn hăm hở trôi bên ngoài cảnh giới. Trôi đi trôi đi, để lại sự hoài cổ lay
động trên cây
ngô đồng đứng trầm mặc giữa cổng
Hiển Nhơn nối tới điện Thái Hoà.
Tôi chở o đi và vô trong nội là mệnh lệnh o ưa truyền đạt. Huế nhỏ, đồng ý, nhưng không vì thế mà người
ta bức đầu vò tóc nghĩ chẳng ra một đích tới. Bộ hết chỗ chơi hay răng? Tôi có cảm
tình với o và làm mất lòng kẻ khác là điều chẳng
ai muốn. O mang tên một
loài hoa và tôi hơi choáng khi nó trùng
tên với mạ tôi. Chỉ khác họ, kỳ dư chữ lót cùng hương sắc của hoa thì y trang. Và nói có trời chứng giám, tôi là đứa con rất mực hiếu thảo chưa từng làm mạ phật lòng.
Đồ con quỉ! Mạ tôi có khi ngầy ngà, nhưng
tôi tin đó là lời mắng yêu. Quỉ sứ! Đôi khi o
rủa
xả và tôi nhăn răng cười nghe hạnh phúc lẫn khuất sát bên
lưng.
Thú thật, tôi đành làm đứa bất hiếu để giữ vững lập trường, ấy là nhan sắc của mạ tôi chẳng thể sánh cùng o được. Tôi mang cái ý nghĩ, chả biết đúng không, là càng sinh sau đẻ muộn chừng nào thì con người càng sáng lạng đẹp đẽ hơn tiền bối. Xem ảnh xưa,
đọ ảnh mới thì phát hiện người trong ảnh hiện đại ngó mát con mắt hơn. Văn minh đã tác động, đã biến đổi thân phận chúng sinh. Nhưng ngược lại văn minh cũng tước đoạt đi phần
nào đức hạnh có đầy trong lòng phụ nữ thế hệ mạ tôi. Nhiều khi thấy o làm đày làm
láo, nói cạnh nói
khoé thì e rằng o mà gặp
phải mạ tôi thì sẽ bị
bà cụ sửa lưng cho. Tôi
mà sửa lưng thì o la lên: Quỉ sứ, làm người ta nhột bắt chết! Thiệt dị òm!
Đại nội buổi chiều luôn êm ả.
Chim chóc hiếm quý về ẩn mặt trên cây cao hót vang
rân lời tình ca thanh cao mát như chè đậu ngự thơm như chè hột sen. O sẽ làm chúng
thôi hát hò khi dùng một
vật nhọn để khắc tên vào thân cây
mưng mủ. O ra đề và tôi không cách gì giải
được bài toán đố dễ ợt ấy: Bao nhiêu cây khắc tên hai đứa và bao nhiêu cây
có trái
tim thành sẹo? Có khi vì muốn chôn dấu
niềm bí mật, o đã cả gan leo lên một
thân cây nhiều nhánh hí hoáy ghi tháng ngày lưu niệm. Tôi đứng bên dưới
đám cỏ rạp mình với tư thế và nhiệm vụ
của Thường Sơn Triệu Tử
Long liều mình cứu
ấu chúa. Tôi ngó mông
đít của o và cầu trời cho o làm trái sầu
riêng rụng sau hè để tôi ôm lấy, để tôi làm sáng tỏ vấn nạn rất mực hồi hộp: giữa hai đứa ai là kẻ bể
đầu u trán, rách áo sút quần.
O mặc đồ bộ, áo quần tự cắt may không cần chuẩn không cần chỉnh. Vải chim cò mua ngoài chợ chẳng
cần hỏi ý thằng quân sư theo hầu. Thứ y phục kia rõ là dùng để diện trong nhà, để mặc ngủ. Để ngầm thanh minh thanh nga: Bậy
nà, mô có, đi chơi với bồ răng lại cẩu thả tới mức nớ. Đừng vu oan giá hoạ! Bộ đồ đó có khi o mặc để
đi ra thị tại môn tiền náo cấp bách mua đường sữa diêm quẹt thuốc lá. Khôn, đến chốn lao xao; dại, tìm nơi vắng vẻ. Khôn hay dại đều phục sức tuềnh toàn nhất y độc quỡn,
ngó quen con mắt. O ở với anh chị, nhà họ khá
rộng, ngăn phân nửa mặt tiền dùng bán cà phê.
Tiệm họ có khách, đông đảo buổi sáng, thưa thớt ban trưa, chộn rộn giấc tối. Khách đủ
hạng bậc, đa phần là công chức, sinh viên học sinh, lèo tèo đôi ba ông lính xa nhà, vì công vụ phải
mang thân ra trấn nhậm tuyến đầu, áo phong sương va vấp gió Lào
bụi bặm Cổ thành bùn lầy sông Thạch Hãn. O và người chị
đã có một con vô tình là đích nhắm của
bọn khách lai tạp vui chân lân la kéo ghế. Quán có treo bức tranh xấu vụng thuở đầu đời của tôi, nhưng cái bảng hiệu tôi kẽ sơn sắc lẻm thì chín
người hết chục đều trầm trồ
tán dương. Mạnh miệng nhất là o: Suốt cả
cuộc đời,
tui dám cá, không có ai viết tên tui đẹp ác ôn như
ri cả! Bắt
buộc rồi, tôi nói thầm, bởi mấy khi mà được viết tên mạ mình
ra, trịnh trọng
với màu sắc từng qua bao đắn đo,
to đùng, dĩ nhiên tôi phải le lưỡi ra mà nắn
nót. Làm môn bài dựng bảng hiệu cho người dưng hạ hồi phân giải, trước mắt thấy công việc có nhuốm mùi linh thiêng. “Mạ ơi chớ đánh con đau, để
con bắt ốc hái rau mạ nhờ”, nghĩ lại quả là chuyện nhỏ,
bì chi lại với
chuyện phục vụ thẩm mỹ,
treo lên, ngó sáng rỡ cả khúc đường luôn ủ ê bóng tối.
Tôi
thường ngồi đồng ở quán ấy,
ngồi thế thôi, tựa một kẻ nhác
chơi chứ không mang tà ý được thủ vai vế một cây si đang hồn
lìa khỏi xác. Người đàn ông chủ
quán ngờ vực tôi mê mệt vợ anh ta, có lẽ.
Ông ta đánh ra một hư chiêu bằng cách biểu cô
em tới cà khịa. Hai bà Trưng, chị ngồi rung đùi xem em hí lộng dương
oai điệu võ. Mi phải thắng vì chiến
trường này
thuộc đất ta, lại nữa sau lưng mi có cả một
hậu phương hùng mạnh vững
chắc. Ta sẽ đích thân mang đao
ra trận tiền hồi nào mi thân bại danh liệt. Lộng ngôn cho oai
phong lẫm liệt chứ bản
mặt cái thằng uống ly cà phê đá nhỏ chút
xíu mà phải mất ba giờ đồng hồ mới xong kia coi bộ cũng sáng láng, trầm ngâm như táo bón chứ đâu
lộ vẻ nham hiểm
thủ đoạn gì cho cam. Mình bán buôn, họ là khách quen, mi nhớ lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. O là gái
Huế trời bắt đẹp, o không phải gái Bình Định
cầm thương cỡi ngựa
múa roi vung quyền nên phút
đầu ra quân o xuội lơ ngồi xuống ghế bàn giao vũ
khí tự nguyện ký kết hiệp ước
hoà bình.
Sau này kể lại sự tình, o ta thán: Răng tui hiền khô rứa không biết! Rồi
hoành đao: Nhưng tuyệt đối hắn không dễ bị ăn hiếp. Rất cứng rắn để phân định đâu là lý
đâu là tình. O tâm sự,
ba mạ tui vẽ đường cho hươu chạy:
Thứ nhất bác sĩ thứ nhì kỹ sư
thứ ba chuyên gia kinh tế. Tui định hướng về đường một chiều: Thứ nhất văn sĩ thứ nhì nhạc sĩ thứ ba hoạ sĩ. Nghe bồ học Mỹ thuật tướng tá nghệ sĩ nên… có nói năng chi cũng thừa. Tôi la lên
trong lòng, hoan hô đồ bất hiếu, nhờ em mà thế giới này bớt chật chội
bớt ngột ngạt bớt nhung nhúc những bác sĩ kỹ sư.
Chúng
tôi đi trong không gian vua chúa cận thần ngày cũ lùng
sục một chỗ ngồi xét thấy bình yên,
thoáng đãng. Giữa những dãy tường
thành kiên cố vây bọc luôn lai vãng một hương mùi có vẻ không
thực, thoạt biến thoạt hiện. Không chính xác là mùi
long não, nó gần với
thứ mùi luôn ngự dưới đáy rương.
Nó cất giữ những
cổ vật để khi nhìn thấy
nét tàn phai, điều khiến bạn mềm lòng chính là thứ mùi ẩm mốc, nó đi qua bao thời gian trong câm nín và nó đang tan rã vào
hư
không. Nó lưu
trong khứu giác bạn lời hờn
trách nhẹ, xa vắng về
cái vô tâm mà bạn lỡ phải lựa chọn khi tiến bấp bênh tới trước.
Tôi ngắt cho o một cành hoa dại run lên giữa
đám cỏ mọc đầy hoa mắc cỡ trong
khi o trải khăn và bày thức
ăn ra. Căn cước
bọc nhựa, thẻ sinh viên
trong túi quần là thứ vật
bất ly thân, hầu như tôi luôn moi ra để trình
cho nhân viên công lực khi họ làm nút chặn
rà soát an ninh thành phố. Vậy mà tôi không nhìn
thuộc ngày tháng
năm sinh. O nói, hôm nay o dậy lúc năm giờ sáng để thong
thả tự làm bánh nậm, rửa lá chuối, khuấy bột, làm nhân
tôm thịt, gói rồi hấp trong nồi nước chưng cách thuỷ. Hơi phá lệ, hơi cầu kỳ
bởi giản dị hôm nay là ngày
sinh nhật của
tôi. Tôi đứng yên một khoảnh khắc vì bất ngờ, vì cảm động rồi như do ma quỉ xúi dục
tôi dang rộng vòng
tay để ôm chặt lấy o. Tôi gọi thầm tên o cũng
là tên mạ tôi nhiều lần trong tâm. Nếu là hoàng
thượng tôi sẽ cởi long bào, ném xuống
đất cho được thong dong, rồi bồng o
mang đặt lên ngai vàng. O anh minh như thế
thì những oan trái khuất lấp của dân
sẽ được mắt xanh ngó ngàng
tới, hỏi han, ân cần để gia ơn.
O
mang theo đủ đầy bộ sậu để chu toàn buổi picnic đầy bất ngờ. Bánh o làm muôn năm sẽ không dở bởi ngoài những nhu liệu căn bản
để làm nên bánh còn được o pha trộn
lòng thương yêu vào,
kín đáo, ý tứ, dịu dàng. Tôi hỏi, tại sao Huế có thành ngữ “con
yêu bánh nậm”? Yêu tinh hay yêu thương? O nói o không biết, ngay cả đó là lời tuyên
án hay mỹ từ
dùng để tán dương. Khi
nghe ai quở “đồ con
yêu bánh nậm” thì chắc là ẩn chứa sự
chê bai, ác ý. Tôi nói,
trong các thứ bánh, tôi yêu bánh nậm nhất.
Mỏng lét, ít nhân nhuỵ, rác ngập đầu
mà bụng vẫn chưa no, có thể buồn
miệng ăn luôn cả người dậy sớm để làm ra nó. Thay vì mắng quỉ sứ như thường nhật, o hát nhỏ bài Happy birthday. Đôi khi chim không về, chim thôi hót bởi vì dưới mặt đất kia vừa có ai ngân nga một cung bậc trong
vắt, sóng sánh làm chao lòng
người. “Chim xa rừng thương
cây nhớ cội, người xa người tội lắm người ơi”. Chim thôi hót cũng do lẽ chim biết dự báo một hoạn nạn sắp đổ về qua tiếng vọng
của bom đạn tự rừng sâu. Chim
lặng lẽ bay, người lặng lẽ dấu kín những
nỗi niềm.
Chiến tranh lan rộng làm thu hẹp vùng đất
đặt chân, và ứng xử duy nhất buộc phải xảy đến là người ta mang mạng sống mỗi cá nhân vắt giò lên cổ làm cuộc
Nam tiến. Ba chân bốn cẳng mà vượt
đèo cao núi lớn.
Tiệm cà phê chưa
thực sự cửa khoá then cài nhưng tên
quán,
tên o, tên mạ
tôi tuồng như có suy suyển chợt vẹt hư hao móp méo thôi phát
hào quang. O giữ tôi lại, biến tôi làm một thành viên tham dự phiên họp kín. Anh
chị
o quyết định bồng con dại vào Đà
Nẵng, trở ngại họ gặp phải là o
không chịu đi. Lý do vững chải o đưa ra, đi cũng đồng
nghĩa là chịu
mất cái quán này. Cam tâm không? Đi, đành lòng qua cầu rút ván, hay đi còn mong ngóng một trở về? Không ai trả lời được câu hỏi sáng suốt kia. Và tôi, vô tình làm đứa để cho anh chị o đặt để niềm tin. Họ trao cho tôi một bao vải, thứ dùng đựng cát để che chắn đạn pháo, họ bảo số tiền chứa trong này không nhỏ, có thể cầm cự sống thở nguyên tháng, hãy chăm
sóc bảo vệ lấy o, sống chết có nhau đồng kham cọng khổ. Người chị o nhìn tôi như muốn xác tín lại lần chót một
hy vọng không trông nhầm người. Giao trứng cho ác là điều bất khả. Vào thắp nhang bàn thờ
ôn mệ mà khấn cầu. Anh
rể
bắt tay tôi, người chị ôm siết o, đứa bé ngủ mê mệt
trên tay bà giúp việc.
Và tối đó một chiếc xe nhà binh
ghé lại, mang họ xuôi Nam. Mái tóc rối bung của người chị bay ra ngoài ô cửa ngoái nhìn, đêm nội thành sương
xuống pha màu sữa
đục. Tất cả lặng
câm, kể cả động cơ gắn ở chiếc xe màu cứt ngựa đang vụt biến kia.
O khoá chặt cửa nẻo, trước sau. O không tắt đèn, để minh định nhà vẫn còn
người sống thở bên trong. O sợ bóng tối, trong muôn một, nó là đồng minh của cô
đơn và ở một mặt nào đó, nó xúi dục
người ta làm chuyện rồ dại, trao vào lòng
ta sự can đảm đến mù quáng. Trai đơn thân gái lẻ bóng, khi
có dịp kề cận trong gang tấc, muôn đời họ ưa lẫn vào bóng tối, ước ao bóng tối phủ chụp lên xác
thân, nhưng bây giờ chưa phải
là thời khắc đó. O biểu tôi giả làm người khách cuối cùng ngồi yên trên
ghế để o đóng vai cô hàng nước pha cà phê mang ra. Chúng tôi là hai diễn viên tồi
tệ chẳng biết cách nhập
vai. Sau cùng, hết hoang mang o mang ra một gói thuốc, ngồi ghế đối diện và chúng
tôi cùng thở khói chung
một
điếu chuyền tay. Mắt o đen
láy,
khói
thuốc như biết làm cho
nhãn
tuyến kia ướt át, sâu
thẳm. Đang chuột sa hũ nếp, đang rơi vào kho thực phẩm phồn thịnh nhưng chúng tôi thích san sẻ, uống chung tách cà phê đen, làm ngắn cụt mau bề dài điếu thuốc. Thảng hoặc o ho lên, tiếng khô, thảng hoặc o vén tóc nhét bên
tai, thảng hoặc o ngắm lên bức tranh tôi vẽ, thảng hoặc o lắng nghe một
tiếng động vụt qua bên ngoài cánh
cửa ngăn chia. Nhưng
trong ngần ấy thời khắc của canh khuya o tuyệt không nhìn vào mặt
tôi. Xúc giác chúng tôi nhìn nhận ra chỉ là khoảnh ngắn khi chuyền tay điếu thuốc. Khói la đà
váng vất trên vuông bàn như ý nghĩ
tôi dật dờ sẽ làm
gì đêm nay.
Tôi nói đến phiên tôi làm chủ o làm
khách và tôi
sẽ thực thi châm ngôn của
người nước ngoài: Khách
là thượng đế. O oải, hết hứng thú, nhác chơi. O bảo, đi
theo o để chỉ bày một
vài nơi chốn.
Đây là chỗ tắm rửa, đằng sau
tấm màn là chỗ tiêu tiểu. Đây là bếp. Đây là chỗ tui ngủ ngáy. Giường này của anh chị tui. Bồ sẽ ngủ ở đây.
Trên vách
có treo tấm ảnh
chụp lấy hai vợ chồng, có lẽ trước ngày cưới. Cạnh đó máng cái đồng hồ mặt tròn và kim chỉ giờ đang rơi tới số 4. Có thể nó đã chết, đã rối giây tóc. Hai
cây
kim thôi xê dịch,
thời khắc sững yên. Nếu
nó sống
thì bốn giờ sáng không phải là lúc hối thúc người ta đi ngủ. Bình thường, đó là khoảnh khắc mà người ta đang chìm trong mộng đẹp, người ta hưởng thụ điều không thực đó, nướng thân
trên chăn ấm nệm êm cho đến khi gà trống
rướn cổ lên gáy sau vườn nhá nhem. Mặt trời lên, người ta bần thần ngồi dậy, ngác ngơ trong mùng tối để hiểu vỏn vẹn một điều, mình còn
sống, mình chưa thầm lặng ra đi trong đêm. Một kiếp người, có
được bao nhiêu
đêm người ta an lòng sống trong giấc mộng? Tôi không ngủ, tôi
đang tỉnh thức, có nghĩa
là tôi biết tôi đang thực
sự chìm vào một cơn
mơ. Tôi ở gần o quá,
dưới một mái nhà và chỉ có o và tôi. Tôi chưa bao giờ có điều kiện để tâm sự cùng o, ít ra là nói cho o nghe niềm bí bật: Tên o mang trùng hợp với
tên mạ tôi, người tôi yêu quí suốt
đời, thuỷ chung, bất
biến. Hơn cả đường
mía lau, hơn cả nước
trong nguồn chảy
ra, hơn cả trời biển.
O bảo, o đi tắm khi đến bên tủ lục soạn
áo quần.
Này quần lót, này áo nịt ngực lần lượt ló dạng trên tay. Tôi ngó thấy,
cắc cớ nghĩ, sao con gái họ
khổ thân đến thế? Ngay cả khi ngủ họ
cũng phải trang bị bao nhiêu khê là vật cản trở, máu huyết làm sao lưu thông vận hành êm đẹp? Họ
trần như nhộng có phải là da dẻ được
mượt mà thông thoáng hơn không?
Chưa kể là lỗ chân lông có điều kiện xả bớt những bức bối suốt ngày bị giam giữ. Cơ thể họ thơm tho hơn và họ có thể phát hiện những đổi thay trên da thịt mình. Và… và…
O đóng kín cửa phòng
tắm. Nghe được
cái móc sắt
vừa gạt qua ngấc
an toàn. Một khẩu súng e cũng tựa thế, bóp cò không được khi bị khoá chốt. Đạn sẽ vãi ra khỏi nòng hồi nào anh mở khoá,
buồn tay anh gạt nó qua ngấc tự động, 15 viên bay ra trong tích tắc để hậu quả ghi nhận có biết bao kẻ từ chết tới bị thương… Tôi ngồi xuống chiếc giường được chỉ định, suốt đời tôi chưa bao giờ được ngả lưng xuống cái mênh mông
tựa thế. Tôi quen ngủ giường
cá nhân chật chội
mình ên
không thể xâm phạm. Giường
này dành cho hai người, một đôi vợ chồng. Con nít thì ngủ nôi nên chắc chiếu chẳng
ngấm mùi nước tiểu. Hai chiếc gối căng phồng và tôi
lựa chiếc gối sát vách để kê đầu. Thường, nam nhi đại trượng phu vẫn nằm ngoài để
che chắn bảo vệ. So ra tôi thích chỗ nằm của người nữ
hơn, chưa kể người nữ ấy là chị
ruột của o. Nếu o thơm như múi mít thì người chị
phải sở hữu mùi sầu
riêng. Nếu o là lê thì chí
ít chị o phải là lựu bởi giản dị chị o từng là đèn mà o từng là trăng. Tôi úp mặt xuống gối ngửi lấy thứ hương mùi bồ kết vương vấn. Mái tóc dài
kia đã bay tới ngang đâu? Đá Bạc? Đèo Phước
Tượng? Cầu Hai? Xe leo lên Hải
Vân với biển gào dưới núi?
Lơ
mơ tôi nghe bước
chân o rón rén vào chỗ nằm.
Cách lắm vật cản
trở nhưng với khoảng cách đó người nằm
bên kia sẽ nghe rõ mồm
một những gì thằng người nằm bên
này ú ớ mê sảng. Tôi hỏi vọng qua, chương trình ngày mai của tụi mình sẽ như thế nào? Có vào
Đại nội đè mấy cây trinh nguyên mà khắc ghi? Quỉ sứ. O pháo kích qua. Mình đâu có thể nhận biết tin tức của họ, hỉ? Chẳng
rõ họ vào Đà Nẵng có bình an không?
Tôi
đổi thế nằm, đâu mặt qua bên
kia biên giới. Bây
giờ giống như thể
đường một chiều, tin nhắn chỉ phát ra từ đây thôi. Ai cũng tìm cách đi vào chứ có ai mà đi lộn lui. Khoảng yên
lặng
phủ chụp xuống, ngay cả ngọn đèn vàng sáng loá giữa phòng cũng đang thao thức. Ngủ nghê gì được,
vấn đề là tôi
không biết o đang nằm với tư thế nào? O nhắm mắt hay mở rộng hai hàng mi? Tôi chép miệng, không hiểu sao đâm nhớ
và thèm ăn bánh nậm kinh khủng! Bên kia có tiếng vật mình, trăn trở. Có nhớ câu
hỏi “con yêu bánh nậm” là gì không?
Nói bá vơ, nói tầm bậy tầm bạ chứ có thể bánh nậm nhằm
ám chỉ cái vật ấy đó. Cái
vật gì? Quỉ sứ, đừng giả bộ ngây thơ cụ. Không biết thì tự tra khảo lấy một mình đi.
Và rồi Huế chết. Chúng tôi thoi thóp trong nhà nên nhà không
bị hôi của phá cho tan hoang. Cảnh vật thay đổi hoàn toàn như thể chúng tôi bạc tình ngoảnh mặt húp xong chén cháo lú. Huế lạ mặt và Huế thù hận,
điều ấy kéo chúng tôi lại gần hơn, ôm ấp nhau để vơi bớt tuyệt vọng. Phượng ra hoa nhưng hoa nhường sắc đỏ cho cờ xí giăng mắc, phủ ngộp. Màu đỏ tượng trưng cho sức mạnh của cách mạng và màu đỏ là màu có khả năng
đốt cháy hết dưỡng khí.
Người ta đâm kiệt quệ,
người ta đâm nghi ngờ lẫn nhau và người
ta bán đi những vật thiết thân quý giá kể cả đạo đức. Chúng tôi sống mỏi
mòn từng ngày ngóng đợi tin tức vợ chồng anh chị của o gửi về nhưng bặt tăm.
Một
đêm rằm, sau khi tắm gội xong, o bày trái cây hoa quả lên bàn
thờ, pha trà rót nước lọc rồi
đứng thành khẩn cúi
đầu với tay khum ôm giữ ba
cây nhang. O thì thầm o lâm râm o khấn nguyện rồi o vẫy tay biểu tôi đứng sát bên o. Tôi sẽ
tái lập những động tác o đi tiên phuông, bắt chước đừng sai trật.
Biết
hôm nay là ngày chi không?
Ngày rằm. Ừ, chỉ đúng có phân nửa. Nửa kia là ngày
sinh nhật tui. Tôi nuốt
nước miếng, không
có bánh nậm để ăn mừng hè? Thắp đuốc
tìm không ra! O ngó sâu vào mắt tôi, mí mắt không máy động, như thể một kẻ đang theo học thuật thôi miên. Trước bàn thờ ông bà ấm áp hương
đèn o nhón chân quàng
tay vào cổ tôi để ghì giữ uỷ thác một nụ hôn. Mùi hoa sen thơm ngọt, thanh khiết thực ra phát
xuất từ nụ hôn vĩnh
cửu nọ. O ở gần đống bùn
là tôi mà người o vẫn thanh cao, vẫn vẹn
toàn một hương sắc.
Ưa ăn
bánh nậm không? Một câu hỏi, chỉ vỏn vẹn
năm chữ mà nó làm
thay đổi được hai số phận. Chúng tôi làm
tình trên chiếc giường có sẵn hai gối, dưới lưng trần chúng tôi là chiếc chiếu có nhuộm phẩm hình long phụng quấn quýt vây bọc chữ song hỷ. Chiếu cũ, đã nhạt màu nhưng chính o vừa bôi đỏ lại cái chữ trừu
tượng đó. Đỏ, là màu cách mạng.
Đỏ, cũng là màu máu trinh nguyên thoát ra từ một cửa mình
chưa từng bị xâm phạm. Một đàng là dùng bạo lực
để san bằng mọi rào cản hòng chiếm đoạt mục tiêu trong mù quáng.
Một đàng là tự nguyện dâng hiến, sắt son một lòng
tin yêu của tình nghĩa vợ
chồng. Tôi dùng lưỡi
liếm cạn những giọt nước mắt của o. Tôi
không đủ tỉnh táo để truy
nguyên nước mắt ứa ra do hoan lạc hay do một đớn đau chẳng thể bày tỏ. Vị mặn của giọt lệ kia gần
tượng hình là hạt
muối. Và chẳng phải vô cớ mà ông bà mình rêu rao: Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau.
Tôi
ôm o, hạnh phúc như đứa trắng tay ôm được rương bảo vật. Và cái
ý nghĩ sẽ mọc lên
trong đầu thằng người ấy là gì? Nếu không phải là nó sẽ dùng mọi
biện pháp để bảo vệ thứ tài
sản hiếm hoi kia. Chữ “tôi
yêu em” sẽ chẳng có giá trị, bởi rơi vào trường hợp của tôi, bạn
sẽ bất lực không biết dùng từ
gì để diễn đạt. Ngày cũ, tôi có đọc báo Phổ Thông, trong mục tìm tòi
thú vị, họ đăng tải: Theo sự bỏ
công tra cứu của những nhà khoa
học, cái kết quả đưa ra có thể gây
mất lòng một số quý bà,
đó là trung bình đàn ông họ sử dụng 7000 chữ trong một ngày, trong khi đàn bà thì lên tới 20.000 chữ.
Tôi
thương o ở thêm cái khoản o rất mực ít nói. Hai đứa chúng tôi cọng lại, bình quân mỗi ngày nói khoảng 5000 chữ. Bạn phải nên chúc mừng chúng tôi, vô can không ưa ngồi
lê đôi mách. Hay bạn lại mắng mỏ chúng tôi: Chế độ này chỉ có đảng viên hoặc
bọn dư luận viên mới mang tật già mồm.
Mẹ nó chứ, hai đứa bây biết đéo gì mà nói. Tập câm
họng là hơn, con ạ! Cẩn
tắc vô ưu.
Chúng
tôi cẩn tắc. Chúng tôi rón rén. Chúng tôi dọ dẫm. Chúng tôi biết lễ độ. Chúng tôi tập ứng xử, tập thích nghi. Nhưng mà ưu phiền như
mạng nhện bủa vây, không tha
cho, không bỏ sót. Vợ
chồng anh chị o do hồng
phúc được định cư tại Mỹ. Họ có chụp ảnh gửi về
nhưng tiếc là o bạc phận chẳng được
ngắm lấy để xuýt xoa. Tôi
viết thư hồi âm, dự định xả oá
dùng hơn 7000 chữ để tả tình tả cảnh, để minh hoạ một tình huống, một cảnh sống, một trường hợp éo le. Tôi le lưỡi phong kín phong thư. Keo ngọt lơ
lớ mà nhớ vị mặn giọt
nước mắt ai. Thư mỏng tang đem ký gửi cho con rùa
bưu điện. Tôi chỉ đủ
sức mạnh để viết được 7 chữ ngay ngắn: Vợ tôi đã chết. Bị xe đụng.
Tôi
lập trang thờ cho o, tươm tất. Phía sau, để trám bức vách rạn vỡ gạch vôi, tôi treo tấm bảng hiệu quán cà phê ngày cũ án che. Ngày ba
bữa thắp nhang tôi đều
thấy mạ mình đứng đó han hỏi chuyện trò tâm đắc cùng o. Hai người đàn bà tôi yêu
thương nhất trần đời. Nhưng, họ sống ở cảnh giới
khác, xa cách
tôi. Đó là bi kịch. Dẫu càm ràm tới bảy triệu chữ, cũng còn thiếu khi khô hơi bể phổi đi than van, trần
tình.
Hồ Đình Nghiêm
Tháng 1.2018