Năm
2000, tôi về lại Saigon lần đầu tiên bằng một vé mời đặc biệt. Năm đó, Korea
Airlines mở đường bay thẳng từ Washington DC về Saigon. Korea Airlines mở một
văn phòng tại Washington DC và liên lạc với các đại lý bán vé máy bay người Việt
trong vùng và tặng vé mời mỗi đại lý một vé tham dự chuyến bay 15 ngày ghé qua
Seoul bẩy ngày và Việt Nam tám ngày. Chỗ ngồi hạng thương gia, và lộ trình được
ghi chú là sẽ được đón tiếp trân trọng từ các điểm thăm viếng. Tôi không phải đại
lý bán vé máy bay mà chỉ là đang thực hiện một tờ báo phát hành hàng tuần trong
vùng Hoa Thịnh Đốn, tôi được mời là một ngẫu nhiên kỳ lạ. Nhân viên của Korea
Airlines đi vào các trung tâm thương mại lấy các tờ báo Việt ngữ
trong vùng đem về văn phòng để chọn lựa, và tờ báo Văn Nghệ do tôi thực hiện lọt
vào mắt xanh của họ. Khi họ gọi điện thoại tới nhà để mời lên văn phòng tôi vẫn
nghĩ là họ muốn đăng quảng cáo trên báo Văn Nghệ, nhưng khi tới nơi, họ nói muốn
mời tôi một chuyến du lịch về Korea và Việt Nam và yêu cầu tôi trong ba ngày trả
lời cho biết có đồng ý đi hay không. Mọi chi phí di chuyển, ăn ở hoàn toàn miễn
phí. Tôi sửng sốt trước lời đề nghị này và hứa sẽ trả lời sớm.
Mẹ
tôi từ trần ngày 14 tháng 11 năm Kỷ Mão, nhằm ngày 21 tháng 12 năm 1999. Mẹ tôi
mất đột ngột ở tuổi 83 sau một cơn đau ngực xẩy ra chớp nhoáng khoảng vài
giờ. Chị Cẩn là người chăm sóc mẹ tôi kể lại, buổi trưa cụ ăn uống bình thường,
tới chiều khi đang ngồi xem TV, cụ bảo sao mẹ khó thở quá. Chị Cẩn lấy dầu thoa
ngực thoa lưng cho cụ và nhấc máy gọi điện cho con gái là một Bác
Sĩ, lúc đó Lan Anh đang đi ngoài đường, Lan Anh ghé vào một nhà thuốc tây
mua ngay vài thứ thuốc cần và chạy về quận 7, trong lúc đó chị Cẩn tiếp tục xoa
bóp cho cụ, Cụ đưa tay lên ngực tự xoa và nghiến răng chịu đựng nhưng một chút
sau, cụ thở dài "Không xong rồi" và thở một hơi dài... Chị Cẩn hốt hoảng
la lên nhưng người cụ đã buông thõng, chân lạnh giá , cái lạnh rất nhanh chạy
lên bụng lên ngực và cụ mất sau đó. Mẹ tôi mất tại nhà, từ lúc lên cơn đau tới
lúc từ trần chỉ trong vài giờ , rất đột ngột. Buổi trưa hôm đó, khi đang ngồi ở
quán uống cà phê, tôi nhận được điện thoại viễn liên báo tin mà bàng hoàng
không tin được. Từ xa xôi, các con cái bên này không ai có thể về được để
chịu tang, ba anh chị em họp nhau và quyết định làm lễ phát tang cho Mẹ tại
chùa Giác Hoàng vào tuần sau.
Khi
tôi lên gặp và nói chuyện với viên Giám Đốc Korea Airlines chi
nhánh Washington DC là người Đại Hàn, tôi không hỏi lý do nào ông ta chọn báo
Văn Nghệ để tham dự chuyến đi này, trong khi tại ngay Wasington DC lúc đó
đang có tới 13 tờ báo Việt Ngữ, nhưng tôi thấy trên bàn làm việc của ông, tờ
báo Văn Nghệ mở ra ngay trang ba, nơi đăng bài tùy bút tôi viết trước đó một tuần,
bài viết về nỗi đớn đau của một người con mất mẹ khi ở cách xa nửa vòng trái đất.
Tôi không hiểu có một người Việt nào làm ở đó để đọc và giải thích với ông ta
hay không, hay một trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng tôi lại thực sự tin vào một
hiển linh có thật vì trong lịch trình chuyến bay, tôi sẽ về tới Saigon ngay vào
lễ cúng trăm ngày cho Mẹ của tôi.
Về đến
Saigon đêm 29 tháng 4 năm 2000 và nhận phòng ở khách sạn Riverside nằm
ngay bến Bạch Đằng. Căn phòng ở lầu 5, nhìn xuống bến sông, đã nửa đêm, nhưng
tôi vẫn còn nhìn thấy chuyến phà cuối ngày đang từ từ rời bến Saigon đi về bên
Thủ Thiêm. giữa khuya, tiếng vọng từ dưới vang lên rất rõ rệt, tiếng máy phành
phạch, tiếng xe gắn máy và những tia sáng lấp loáng trên dòng sông nghe va thấy
sao quen thuộc và thân thiết quá.
Chương
trình của đoàn ngày hôm sau là thăm viếng một số các thắng cảnh di tích của
Saigon. Tôi từ chôi không đi và đón Honda ôm chở về quận 7. Chị Cẩn vui mừng và
xúc động khi thấy tôi xuất hiện trước cửa nhà. Ngay sau đó hai chị em thuê xe đến
Bà Quẹo thăm mộ. Trước ngôi mộ mới, cỏ mọc chưa kín, tôi thắp nén hương lòng xót
xa không nói được.
Tôi
chưa bao giờ là niềm tự hào của mẹ, là đứa con kém cỏi nhất của dòng họ, học
hành dở dang gẫy đổ giữa chừng, công danh không có, ra đời cũng không thành đạt,
nhưng tôi biết tôi là người được mẹ thương yêu nhất vì chính sự bất toàn này, lại
thêm chi tiết là đứa con mồ côi khi còn bé dại, thiếu thốn tình cha và chịu đựng
gian khổ khó nghèo từ thời bé dại. Cha tôi mất khi tôi bốn tuổi, và thời thế đã
như cơn bão lớn , cuốn tan hoang nề nếp gia đình ngày xưa ở Hà Nội, rồi xô đẩy
cả gia đình vào biển dâu cuộc sống. Tôi ngồi yên trước mộ và nghĩ về mẹ
ráng nhớ lại một chút gì đó mà mẹ mong muốn để dành cuộc đời còn lại của mình cố
gắng làm cho mẹ vui....
Mẹ
tôi lập gia đình khi còn rất trẻ. Cha tôi lớn hơn mẹ tôi 36 tuổi. Câu
chuyện thế này:
Khoảng
năm 1930, Phó Bảng Nguyễn Can Mộng được bổ nhậm làm Giáo Thụ huyện Ý Yên , Nam
Định, quen biết và kết thân với một ông Thông Phán tòa sứ Hải Dương là Nguyễn
Đình Tường, Cụ Phán Tường lớn tuổi hơn, thông thạo chữ Pháp nhưng lại yêu thích
Hán nho, Bảng Mộng thì là một Đại khoa triều Nguyễn, nhưng khát vọng về giáo dục,
muốn tự mình làm cầu nối sự văn minh của Pháp với đồng bào nên muốn trau dồi
thêm về Pháp văn. Đôi bên gặp nhau thành đôi bạn vong niên. Khi cụ Phán
Tường sắp mất, gọi Bảng Mộng đến nói rằng các con tôi đã lớn khôn thành
đôi lứa cả rồi, duy còn cô con gái út tôi muốn đưa nó về hầu ông, ông nghĩ sao.
Bảng Mộng từ chối vì mình lớn tuổi. Cụ Phán Tường gạt ngang, ông nói thế không
được, trai năm thê bẩy thiếp là thường, ngay các cụ khoa bảng trong vùng ai
cũng cần người giúp khi đến tuổi già, việc là ông có thuận ý hay không mà thôi.
Bảng Mộng đành nói tôi thì được rồi, nhưng không hiểu ý cô ấy thế nào. Khi gọi
cô gái út đến bên giường, cụ Phán Tường khuyên nhủ, Thầy như ngọn đèn trước
gió, chả biết tắt lúc nào, con thì bản chất thông minh nhưng mà nhiều cá tính
riêng, khó phù hợp sống với các anh chị , nay cụ Bảng đây là chỗ chi giao với
thầy. Dẫu là đã có chính phòng, nhưng ở quê Hoàng Nông , Thái Bình, còn nay ở
Nam Định đây thì phòng không, bữa ăn giấc ngủ đều không ai giúp đỡ, ý Thầy muốn
cho con về hầu cụ Bảng, trước là yên bề gia thất để thầy an tâm, hơn nữa cụ Bảng
đây là bậc túc nho quân tử mà thầy kết bạn đã lâu, ý con thế nào?
Cô
út quỳ bên giường khóc xin vâng lời. Cụ Phán Tường nói thêm, khi con ở
nhà thì gọi tên tục, nhưng nay lấy chồng thì thầy đặt cho con tên mới là Nguyễn
thị Kim Ngọc.
Thân
phụ tôi có ba dòng con. Chính thất có bốn người con, dòng hai có hai người con
và dòng ba có tám người con, tôi là con út của dòng ba. Hương lửa hai mươi năm,
khi Thầy tôi mất, mẹ tôi mới 37 tuổi. Con cái của ba dòng coi nhau như ruột
thịt, chúng tôi đồng loạt gọi bà Chính thất của cha tôi là Me, bà thứ hai là Đẻ
Già và mẹ tôi là Đẻ.
Tôi
thương mẹ và được sống bên mẹ nhiều nhất, nhưng tính mẹ tôi nghiêm khắc, không
có những âu yếm vuốt ve hay trìu mến ôm ấp. Ở bên mẹ, mới nhận được từng cử chỉ
quan tâm, từng ánh nhìn dịu ngọt và từng hành động lo lắng thu xếp cho một cuộc
sống bình an. Góa chồng nuôi con, mẹ lúc nào cũng như con gà mái xòe cánh ra
che chở, xù lông ra chuẩn bị đối phó mọi tình huống bất ngờ trong đời sống.
Khi
di cư vào nam, gia sản bỏ lại hết, nhưng có ba thứ mẹ đem theo và là vật bất ly
thân của mẹ cho đến cuối đời. Thứ nhất là cái mâm đồng, chỉ được xử dung
mỗi năm một lần vào ngày giỗ cha tôi, bao giờ cũng là những món quen thuộc,
Bóng Xào, Măng Hầm, Gà luộc, xôi vò, chè đường.. nhưng được bày tươm tất trên
mâm và sáu cái bát ăn cơm bằng sứ mà mẹ trịnh trọng đặt lên bàn thờ ngay
tuần hương đầu tiên. Thứ nhì là cái cơi trầu cũng bằng đồng, hình thù tương tự
một cái bát múc canh lớn, nhưng không có đế, trên mặt có nắp cũng bằng đồng, là
nơi mẹ đựng trầu, cau, vôi xử dụng mỗi ngày. Cái thứ ba thì quý hơn, đó
là bộ uống trà . Trước nhất là cái khay, cái khay được tạo dáng như một
cái bàn nhỏ,Gờ lên bốn phía như một cái lan can bằng cao chừng 2 cm. Bàn có bốn
chân, bốn chân này nối kết với nhau bằng một thanh gỗ, toàn bộ cái khay bề
ngang chỉ khoảng hai tấc, dài bốn tấc, được chạm trổ tỉ mỉ và viền bốn bên khảm
ốc . Trên cái khay ấy là hai cái đĩa cùng kiểu hoa văn nhưng khác nhau, một cái
vũm lòng và một cái bằng phẳng. Cái vũm lòng thì để cái ấm trà nhỏ xíu bằng nắm
tay, còn cãi phẳng thì để bốn cái chén nhỏ bằng hai ngón tay , và một chén lớn
, mẹ tôi gọi là chén Tống, to gần bằng ấm trà.
Các
anh chị đi làm xa nhà, mỗi tháng gửi tiền về để hai mẹ con sống với nhau. Buổi
sáng của mẹ tôi bắt đầu khoảng từ bốn giờ sáng. Bao giờ cũng khởi đầu là kéo
cái bếp lò than từ chân giường ra , bỏ vào vài que củi thông nhỏ, vài ba cục
than rồi ra nhà sau hứng một siêu nước đặt lên. Trong lúc chờ nước sôi, thắp mấy
nén hương lên bàn thờ . Chỗ mẹ ngồi là cái ghế bành mây kê đối điện bàn thờ.
Khi nước sôi, người rót nước vào ấm , lắc lắc cho sạch , đổ ra, với tay lấy hộp
trà Thiết Quan Âm, đổ ra lòng tay một vốc nhỏ, nhẹ nhàng bỏ vào ấm và
châm nước sôi vào. Khoảng ba phút, trút trà trong ấm ra chén tống, sau đó lại bỏ
nước sôi vào ấm lần thứ hai. Đợi cho ngấm trà, rót từ ấm ra hai cái tách nhỏ
xíu, để trên cái đĩa , người đặt hai chén trà trên bàn thờ, trước di ảnh cha
tôi. Sau đó mới về chỗ ngồi , rót trà ra hai chén nhỏ còn lại và ngồi im lặng,
mắt nhìn đắm đắm lên bàn thờ ....không gian cô tịch và bóng người cô liêu.
Khoảng
vài tuần trà, mẹ tôi rót toàn bộ cả trà nước ba và bã trà vào cái chén tống rồi
gọi tôi, có ra uống trà thì ra này....Lúc đó là đã xong buổi trà sáng của mẹ mà
tôi vẫn nghĩ trong lòng như một nghi lễ Mẹ dành cho Cha .
Nâng tách chè thơm buổi sớm mai
Dáng người như một vệt sương phai
Lẫn vào hương
thoảng trầm hương cũ
Lẫn cả hương đêm lúc rạng ngày.
Không gian dường cũng rất mông lung
Mẹ nối bây giờ
cùng quá khứ
Và gửi tương lai một tấc lòng
Nhưng nằm mở mắt ngắm xa xôi
Quanh con như
lớp tơ mềm óng
Chỉ thở mà ngân tiếng nhạc vời
Ánh mắt Cha nhìn như ánh thơ
Con thấy Mẹ
nâng tay tách nước
Nghe rung động suốt cõi mơ hồ
Hương chè mạn lục thoảng qua môi
Hắt hiu một
bóng soi trên vách
Mà khay vẫn có tách song đôi.
Mẹ già bạc tóc với cô liêu
Con thì phiêu
bạt theo năm tháng
Đắng lưỡi tê môi với sớm chiều.
Đã biết bao nhiêu cuộc đổi dời
Tĩnh tâm chỉ
có khi ngồi lại
Sớm mai nhớ Mẹ, tách chè thôi.
Tâm nhẹ nhàng theo dáng mẹ ngồi.
Những
lúc ngọt ngào, mẹ hay gọi các con là các anh các chị, và xưng tôi, nhưng âm
thanh dịu dàng thân mến.
Tôi
thèm khát được xà vào lòng mẹ, ôm lấy mẹ, nói với mẹ những lời yêu thương nhưng
hầu như chỉ có một lần làm được, lúc đó tôi đã lớn và đã lập gia đình mới đủ
can đảm làm. Hình như khoảng năm Tám mươi, hoặc tám mấy gì đó. khi
tôi dẫn hai đứa con về thăm mẹ vào dịp Vu lan. Tôi kể với mẹ là mới đi chùa,
hôm nay trên chùa Vĩnh Nghiêm làm lễ lớn lắm, tụi con có lên hát nữa. Mẹ hỏi
hát bài gì? Tôi nói bài Bông Hồng Cài Áo mẹ ạ, đây là bài thơ của thiền sư Nhất
Hạnh, được phổ nhạc, nói về tình con với mẹ hay lắm, Con hát lại mẹ nghe
nhé."
Thấy
mẹ gật đầu, tôi bước tới ngồi gần bên mẹ và hát... Một bông hồng cho anh, một
bông hồng cho em , và một bông hồng cho những ai cho những ai đang
còn mẹ... Rồi một chiều nào đó con về .....nhìn mẹ yêu ...nhìn thật lâu...
Tôi
choàng tay qua ôm mẹ không hát nữa mà nói... Rồi nói với mẹ rằng, mẹ
ơi , mẹ có biết cho không ? biết gì? biết là , biết là con yêu mẹ không...
Tôi
hát không được nữa và cũng không nói được nữa, một cái gì đó dâng ngang cổ họng
làm tôi nghẹn lại và tự nhiên ứa nước mắt. Mẹ tôi cũng sững người, ngồi im lặng
một chút dằn cảm xúc lại. Mẹ nhẹ nhàng gỡ tay tôi ra, và nói chầm chậm , dịu
dàng...
- Chả
cần gì anh yêu thương tôi đâu, anh yêu cái bản thân anh ấy, yêu cái gia đình của
anh ấy, gia đình anh no ấm hạnh phúc thì bằng mấy lần yêu thương tôi...
Rồi
mẹ cũng sựng lại, nói nghẹn nghẹn, miệng mẹ mỉm cười nhưng đôi mắt mẹ
lóng lánh giọt nước mắt.
Xa mẹ
thật rồi tôi càng thấm hơn câu mẹ nói, nó là cả một tấm lòng yêu thương vô hạn,
chỉ nghĩ tới hạnh phúc của con của cháu chứ không nghĩ gì đến bản thân mình.
Người Mẹ nào cũng thương con, và thương con theo cách riêng của mình và kỳ lạ
là chỉ có con mới hiểu mình được thương yêu thế nào , cái đau xót là thường khi
chỉ hiểu được khi không còn mẹ nữa.
NGUYỄN MINH NỮU