Friday, January 19, 2018

360. THÂN TRỌNG SƠN dịch và giới thiệu: NỮ Y TÁ Truyện ngắn của nhà văn Ý ALBERTO MORAVIA (1907-1990)



Tôi phụ trách một vườn ươm nhỏ ở Khu cư xá Giardino và, mỗi buổi sáng đi xe buýt qua đường Nomentana, tôi không thể nào không đưa mắt nhìn những chấn song hàng rào một ngôi biệt thự nào đấy ở vùng phụ cận Sainte-Agnès. Tôi từng làm vườn ở đấy cách đây vài năm, chính tôi đã trồng cây hoa lài kia, giờ đây đang phủ kín bức tường rào, cũng chính tôi đã bố trí nơi sân trước những chậu hoa trà và xén tỉa cây đậu tía thành bức tường thành mà giờ đây nếu cây không chết thì cũng đã vươn tới tầng hai ngôi nhà. Chủ nhân ngôi nhà bị bệnh, vườn không ai ngó ngàng tới, trông giống như một khu đất bỏ hoang, nhưng vì yêu mến cô y tá đang chăm sóc ông chủ, trong mấy tháng, tôi đã biến khu vườn này thành một nhà kính thực sự, với những khối cây xanh, những lối đi trải cát, những khóm hoa đinh và hoàng dương cắt tỉa cẩn thận chung quanh những đám cây xanh và những lối đi. Tôi nhớ là tôi còn trồng một cây mộc lan giống Grandiflora, ngay trước của sổ của cô Nella, như thế để khi xuân sang, hoa sẽ toả hương đến tận phòng của nàng, và, dưới cửa sổ, tôi trồng cây mộc qua Nhật bản, dây leo màu đen và hoa đỏ rực.

Nella là y tá, tôi yêu nàng. Nàng khoẻ mạnh, không cao lắm, mái tóc hung, khuôn mặt rộng và tươi tắn, có những vết đỏ hoe, mang kính cận thị. Ngay lúc mới tiếp xúc lần đầu, tôi đã thích nàng bởi cái dáng mạnh mẽ, khoẻ khoắn, cái thân hình đầy đặn căng đầy chiếc áo bờ lu trắng, và cái vẻ chăm chú và điềm tĩnh do cặp kính mang lại. Mọi người cứ tưởng như nàng là bác sĩ. Và hẳn là do sự tương phản giữa diện mạo nghiêm trang và cơ thể trẻ trung, mềm mại của nàng khiến tôi không tỉnh táo được.

Vào thời gian đó, tôi quan tâm đến sức khoẻ của bệnh nhân mà nàng chăm sóc còn hơn là sức khoẻ của chính tôi; thực sự tôi biết rõ rằng, nếu ông ấy bình phục hoặc không qua khỏi thì nàng sẽ ra đi và tôi sẽ không còn dịp gặp nàng dễ dàng thế này nữa. Như thế, mỗi buổi sáng mùa xuân năm đó, lúc mà nàng mở cửa sổ phòng người bệnh - chiếc cửa hướng về khu vườn - thì tôi đã tính toán để có mặt ở ngay chỗ đó và câu đầu tiên tôi hỏi nàng luôn là câu: “ Ông ấy sao rồi?” Nàng mơ màng đáp lại: “Tàm tạm thôi!” miệng mỉm cười ranh mãnh, bởi nàng chẳng lạ gì lý do tại sao tôi quan tâm như thế. Và rồi, trong cả buổi sáng, tôi còn được nhìn thấy nàng, vẫn nơi cửa sổ, đang đổ thuốc uống vào ly hoặc xem xét lại chiếc kim trước khi chích. Tôi đưa tay ra dấu với nàng nhưng nàng chỉ lắc đầu như muốn nói:” Anh biết là em đang ở trong phòng ông ấy mà...” Bởi vì, trong công việc, nàng tận tuỵ hơn phái nam. Tuy nhiên, vốn láu lỉnh, nàng dùng công việc của mình để làm tôi mong mỏi héo hon, kiểu như các cô gái muốn làm ra vẻ ngây thơ, cứ kéo các bà mẹ theo tới chỗ khiêu vũ mà chẳng cố tình làm duyên làm dáng gì.

Buổi sáng, tôi thu xếp để đứng dưới sân trước biệt thự, bởi cửa sổ phòng bệnh nhân mở về phía ấy, còn buổi chiều, ngược lại, biết là người bệnh ăn xong là ngủ trưa, nàng sẽ lợi dụng lúc đó để tới gặp tôi, tôi sẽ làm việc ở cuối khu vườn rất rộng, đàng sau lùm cây sồi xanh che khuất đài phun nước sát bờ tường rào. Và, hầu như ngày nào cũng vậy, khoảng giữa hai đến ba giờ, tôi lại thấy nàng xuất hiện, chúng tôi ở bên nhau nửa tiếng hay một tiếng. Tôi hái tặng nàng một bông hoa nào đấy, cẩm chướng, trà mi hay hoa hồng, và để làm vui lòng tôi, nàng găm lên ngực trang trí cho chiếc áo bờ lu trắng. Sau đấy nàng đến ngồi nơi bờ bồn nước, tôi bày tỏ tình yêu của mình. Tôi yêu thương nghiêm túc và ngay từ đầu tôi đã đề cập chuyện hôn nhân. Nàng nghe tôi nói, mặt bình thản, môi không mím lại.
-       Nella, tôi nói, anh muốn em làm vợ anh và anh sẽ cho em nhiều con, mỗi năm một đứa. Hãy tưởng tượng bầy con xinh đẹp của chúng ta, em đẹp thế kia và anh cũng không đến nỗi tệ...
-       Tội cho em chứ! nàng cười. Rồi chúng ta làm sao mà nuôi chúng?
-      Anh sẽ làm việc... anh có ý định sẽ lập một vườn ươm.
-       Nhưng em không muốn bỏ nghề y tá đâu!
-      Y tá! Em chỉ biết chừng đó! Em sẽ làm vợ, thế thôi!
-       Em không muốn có con, chỉ thích làm y tá... con của em, là những bệnh nhân... ( Nói câu này nàng mỉm cười và để yên cho tôi nắm tay. Tuy thế, khi nàng ngừng nói, tôi tìm cách hôn nàng, nàng lại đẩy tôi ra, đứng dậy nói: ) Em phải về với ông ta thôi.
-       Nhưng ông ấy đang ngủ mà!
-       Vâng, nhưng tỉnh dậy mà không thấy em, ông ấy sẽ lo lắng mà chết mất. Ông ấy chỉ muốn em luôn ở đầu giường.

Lúc này đây, tôi cảm thấy ghét người bệnh này, tuy là nếu không có ông ta tôi không thể quen Nella. Nhưng rồi, nàng vẫn bỏ đi, và tôi nổi cáu, cầm lấy cái cào xới thật mạnh tay, làm tung cả đất lẩn với sỏi.

Chưa bao giờ tôi hôn được nàng. Chỉ thỉnh thoảng nàng để tôi chiêm ngưỡng mái tóc, là thứ, cùng với đôi mắt, làm nên tất cả nhan sắc của nàng. “Cho anh ngắm mái tóc của em nào”, tôi xin nàng. - “Anh thật chán!”, nàng phản đối nhẹ nhàng nhưng rồi cũng để tôi cởi chiếc khăn trùm đầu ra và gỡ từng chiếc kim nơi búi tóc . Trong một chốc, cả mớ tóc dày và đỏ hoe vẫn ôm nguyên trên đầu, như một vương miện bằng đồng. Sau đó, nàng khẽ lắc nhẹ đầu và tóc nàng rủ xuống vai, đổ xuống như sóng gợn tận thắt lưng, nàng ngồi bất động dưới suối tóc dài, đăm đắm nhìn tôi qua làn kính cận. Tôi đưa tay ra, nhẹ nhàng gỡ cặp kính của nàng xuống. Ngay lúc này, nàng mất đi cái vẻ đạo đức giả do cặp kính  dày cộm mang lại, và đôi mắt mở to, hiền từ, ướt át, có chút quầng thâm, màu vàng hạt dẻ, khiến khuôn mặt nàng trông khác hẳn: mệt mỏi, quyến rũ. Tôi ngắm nhìn nàng mà không chạm vào người, thế rồi, như thấy mắc cỡ, nàng trùm khăn lại lên đầu và đeo kính lại trên mũi.

Tôi say đắm nàng đến mức có hôm, tôi còn nhớ rõ, tôi nói với nàng:
-      Anh mong chính mình cũng ngã bệnh... ít nhất, anh sẽ được em chăm sóc.
-       Anh điên rồi, nàng đáp. Anh mạnh khoẻ thế này lại mong đau ốm,
-       Đúng vậy, tôi xác nhận, bởi có thế em mới thỉnh thoảng đặt tay lên trán anh xem anh có sốt không... em mới sáng sáng rửa mặt cho anh với nước ấm... và mỗi khi anh có việc cần, em mới nhanh nhẹn mang dụng cụ chạy đến và kiên nhẫn chờ đợi cho đến lúc anh xong.
Câu nói sau cùng này khiến nàng bật cười:
-       Anh thật là ngốc. Bộ anh tưởng là y tá chúng em vẫn thoải mái với một vài công việc phục vụ sao?
-       Tất nhiên là chẳng thoải mái gì với y tá cũng như với bệnh nhân, nhưng với anh thì như thế còn hơn là chẳng được gì.
 Kể hết mọi chuyện thì không bao giờ kết thúc được. Các bạn biết đấy, trong tình yêu, những chuyện nhỏ nhặt nhất có thể là quan trọng, nhất là khi - như trường hợp của tôi - tình yêu chỉ mới ở giai đoạn tiền đề và không thể đi tới kết luận như mong muốn. Tôi lại nghe nói rằng tình trạng bệnh nhân của nàng đã khá hơn, ông có thể bình phục, và tôi lại càng thấy thúc bách nhắc với Nella chuyện hôn nhân. Thế nhưng nàng lại lần khân lãng tránh, lúc thì để lộ cho tôi hiểu rằng không phải nàng không thích tôi, lúc thì trả lời rằng nàng cũng chưa tin chắc về tình cảm của mình lắm. Tôi cho là nàng chỉ ngần ngại trước khi chấp thuận thôi: cái cây lắc lư trước khi ngã đổ đấy mà. Thế rồi một buổi chiều, tôi tưởng như không còn tỉnh táo nữa khi nghe nàng nói:
-       Sao tối nay anh lại không đến dưới cửa sổ của em... sau nửa đêm...  chúng mình sẽ nói chuyện...

Tối hôm đó, tôi núp trong vườn, ngồi trên bờ thành đài phun nước, sau hàng cây sồi xanh,  chờ đêm tối đến. Đến giờ hẹn, tôi đến phía cửa sổ, khẽ huýt sáo, như chúng tôi đã giao ước với nhau. Những cánh cửa mở ra ngay sau đó và nàng xuất hiện, trắng tinh trong khung cửa tối. “ Đưa tay cho em ... nhanh lên...” nàng thì thầm và tôi chỉ vừa mới dang tay ra thì nàng đã nhảy qua thành cửa sổ và ngã vào vòng tay của tôi. Dưới sức nặng cơ thể nàng, cả hai chúng tôi lăn xuống đất nhưng rồi đứng dậy ngay và bước vài bước dọc theo bờ tường.
-       Này, anh Lionello, nàng thì thầm thật khẽ, anh thật lòng muốn cưới em chứ?

Cái giọng ngọt ngào như chưa bao giờ tôi được nghe, còn hơn cả câu nói, khiến tôi quỳ gối xuống và hôn vào chân nàng, qua lớp vải dày của áo bờ lu. Tôi cảm thấy tay nàng vuốt ve đầu tôi, và dầu đang xúc động, tôi suy nghĩ lạnh lùng: “ Lần này ta sẽ có nàng.” Đúng vào lúc này, từ cửa sổ phòng nàng vang lên tiếng chuông, khẩn thiết. Giả dụ là người yêu thân thiết nhất có gọi, nàng cũng không trả lời nhanh nhẩu đến như vậy.
-       Nhanh, nhanh lên... nàng vừa nói vừa xô mạnh tôi ra khiến tôi suýt ngã, nhanh lên, ông ấy gọi em đó.

Tiếng chuông chết tiệt đó vẫn còn reo, nàng chạy đến cửa sổ, tôi giúp nàng leo lên và nàng mất hút. Một lúc sau, tôi nhìn thấy phía ngoài cửa sổ phòng người bệnh đèn sáng lên, dấu hiệu chứng tỏ Nella đã ở bên cạnh ông ta. Và lần đầu tiên tôi thấy lòng quặn thắt vì ghen tuông.

 Chuyện gì xảy ra tối hôm đó trong căn phòng người bệnh, tôi không rõ, nhưng sáng hôm sau, Nella không xuất hiện nơi cửa sổ, và buổi chiều nàng không đến chỗ hẹn quen thuộc của chúng tôi cạnh đài phun nước. Ba bốn hôm sau cũng vậy, rồi cuối cùng, một buổi chiều, tôi nhìn thấy nàng, nhưng không phải một mình: nàng bước đi chậm rãi trong sân, tay dìu bệnh nhân của nàng. Ông ta mặc bộ đồ ngủ, người trạc trung niên, rất cao lớn, tóc vàng, người xanh xao, ông dựa vào người nàng, tay khoác vai nàng, và nàng, ngoan ngoãn, tình tứ ôm ngang người ông ta, bước theo nhịp chân bước của ông ta.

Nhìn thấy cảnh đó, tôi ngây người ra, và khi cả hai người khuất dạng đàng sau góc nhà, tôi quay nhìn về phía một người hầu phòng cũng đang quan sát hai người từ ngưỡng cửa biệt thự. Anh ta phác một cử chỉ về phía tôi như muốn nói: “ Hai người trông đẹp đôi lắm!” Tôi làm bộ thản nhiên và hỏi anh ta: anh ấy nói, mọi người phục vụ trong nhà bàn tán rằng ông chủ có ý định cưới cô y tá. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, tôi phán đoán ngay rằng Nella cũng như bao phụ nữ khác thôi, coi trọng tiền bạc hơn tình yêu. Tôi cảm thấy cõi lòng thôi thúc mãnh liệt và chẳng do dự đưa ra quyết định ngay hôm đó, tôi thu xếp tư trang và rời khỏi biệt thự để không bao giờ quay trở lại nữa.

Trong một thời gian dài, mỗi lần nghĩ đến Nella, trong tâm trí tôi hiện lên hình ảnh của nàng, không phải là cô y tá, mà là bà vợ và bà chủ nhà. Và tôi lại nghĩ rằng nếu chồng nàng ngã bệnh trở lại, nàng sẽ không chăm sóc ông ta chu đáo như trước, bởi khi trở thành quả phụ, nàng sẽ đạt được mục tiêu của mình lúc chịu lấy ông ta. Người ta thường nhầm lẫn rằng quyền lợi và tình cảm là hai động cơ điều khiển hành động của con người. Thật ra, có nhiều người sống chẳng vì quyền lợi hay tình cảm nào cả, mà vì một lý do nào khác, rất đặc biệt, chỉ họ mới hiểu được thôi. Nella ở trong số những người đó.

Hai năm sau, tôi đến trình diện những chủ nhân một ngôi biệt thự ở Janicule, họ thuê tôi lập một vườn ươm cây nhiệt đới. Trong lúc đang chờ trong sảnh, tôi bị bất ngờ bởi cái không khí lạ lẫm, gợi lên sự dè chừng, hầu như là cảnh tang tóc: cửa sổ đóng chặt, tiếng thì thầm, tiếng bước chân đi lại rất khẽ, mùi thuốc khử trùng, những âm thanh bị nén lại. Và rồi, đột nhiên, tôi nhìn thấy nàng, chính nàng, từ bậc cấp trên cao, vẫn với trang phục nữ y tá như tôi từng thấy lần gặp sau cùng, khăn trùm trên đầu, cặp kính trên mũi, chiếc khay trên tay. Nàng bước xuống và không thể tránh xuất hiện đối mặt với tôi. Khi chỉ còn cách hai bước, Nella dừng lại, tôi nói với nàng, giọng nửa buồn rầu, nửa mỉa mai:
-       Vẫn là y tá sao em, Nella? Chẳng phải em đã lấy chồng sao?
Nàng mỉm cười đáp lại tôi, vẫn với cái giọng thản nhiên và lạnh lùng ngày trước từng làm tôi điên đảo:

-       Ai nói với anh chuyện đó? Em chẳng đã từng nói với anh là em không muốn lấy chồng mà chỉ thích mãi là y tá thôi sao...
-       Con cáo và chùm nho... tôi nói.

Nàng nhìn tôi một lát, rồi lắc đầu:
-       Anh cứ nghĩ là người đàn ông này cũng si mê em... nhưng em không thể kể hết cho anh nghe bây giờ được... nếu anh đến làm ở đây, chúng mình sẽ có dịp nói chuyện, cửa sổ phòng em ở tầng trệt, phía vườn.

Và trước khi bỏ đi, nàng ném về phía tôi một cái nhìn có ý nghĩa rõ ràng: đồng ý rồi nhé, phải không? Lúc này đây, tôi hiểu ra rằng có lẽ chỉ vì nàng quá minh mẫn và khoẻ mạnh đến độ cảm thấy thích chơi trò yêu đương với những người bệnh. Khổ thay, tôi không đau ốm gì nên không có chút hy vọng nào. Tôi không ngần ngại nữa, chẳng cần trình diện nữa, tôi từ bỏ công việc được đề nghị, lặng lẽ ra đi, chân nhón gót.
  
THÂN TRỌNG SƠN