Friday, January 12, 2018

341. NGUYỄN THỊ THANH BÌNH Kỳ giỗ 2 của Đinh Cường và bức tranh năm 1992 ở Virginia



Mới đó mà ngày 13 tháng giêng này đã là kỳ giỗ thứ hai của Đinh Cường. Phải công nhận mọi việc trong đời sống vốn dĩ quay cuồng dồn dập đến chóng mặt, khiến lắm khi chúng ta quên rằng đã có một người, vài người đếm trên đầu ngón tay luôn luôn sống chết vì nghệ thuật như thế, và thời gian sao mà tàn nhẫn trôi qua quá nhanh.
Dĩ nhiên với một tài năng vời vợi như họa sĩ Đinh Cường, thì những ngày có mặt giả tạm nơi trần gian cũng đã giúp anh để lại không ít những ấn tượng. Khi người họa sĩ bỏ đi, viện bảo tàng có lẽ là nơi được cất giữ nhiều nhất những gì mà một thiên tài nghệ sĩ đã để lại.
Còn chúng ta khi viết những dòng chữ này, như một phút giây tưởng niệm thì người họa sĩ hay thi sĩ ấy cũng đã không còn nữa. Anh ta có là tia chớp bất tuyệt đã làm chúng ta ngất ngây vì một bức tranh hay thậm chí chỉ một vài câu thơ thì điều còn lại vẫn là cái mà mỗi người trong chúng ta phải tự nhận hưởng, thẩm thấu vì người nghệ sĩ ấy đã hơn một lần trao gởi cho cuộc đời chính hơi thở của mình.
Kỳ thực tôi tin là nếu anh ấy không cầm cây cọ lên để vẽ, không ấn vội lên bàn phím những xúc động trườn tới bất ngờ của Thơ thì mọi điều có lẽ cũng đã tan trôi thật nhanh, và làm sao có ai chụp bắt nổi, ngoài chính đương sự.
Như bây giờ những điều tôi viết và nghĩ về anh, không chỉ vì gợi nhớ từ bức tranh nhà thơ bạn hiền Trân Sa đã mua tặng trong cuộc triển lãm đầu tiên về định cư ở Virginia năm 1992 của Đinh Cường.
Bức tranh tưởng như vẫn nằm im lìm bất động trong căn phòng khách khá ấm áp của gia đình tôi, nhưng trong sâu lắng tôi vẫn nghe chừng có hàng loạt những tiếng pháo hoa vang dội nổ tung như trong một lần nào của cõi giới hội họa đã khiến họa sĩ tài danh này châm ngòi tuyệt diệu. Đẹp, khỏi nói. Hiểu rõ được từng đường nét và gam màu, đừng hòng. Như đứng trước nụ cười của Mona Lisa. Nên tôi chỉ biết yêu bức tranh mang tên Đêm Trắng này của họa sĩ Đinh Cường, mà không tài nào phân tích nổi tại sao.
Coi như đây là lần thứ hai tôi nói lời cám ơn với cô bạn Trân Sa của mình, vì dạo đó khi thấy tôi đứng chôn chân thẫn thờ trước bức tranh này, nhưng xem chừng vẫn chưa thể “sở hữu” được một món quà nghệ thuật đắt giá và vô giá, dù họa sĩ Đinh Cường vẫn trong tinh thần văn nghệ văn gừng… đại hạ giá. Trân Sa bèn ngỏ ý mua tặng tôi tại chỗ.
Dĩ nhiên là tôi từ chối ngay, nhất là Trân Sa còn phải lo tiền vé máy bay về tham dự, dù nghe đâu BS Phó Ngọc Văn lúc đó sẵn sàng gởi vé mời cho bạn tôi.
Bức tranh mang tên Đêm Trắng thì phải, nhưng tôi biết anh Đinh Cường rất yêu nhạc của người bạn thân Trịnh Công Sơn, nên khi nhìn hình ảnh người thiếu nữ trong tranh đang lung linh cùng ngọn nến xanh huyền hoặc, tôi nhớ mình đã đùa đùa với anh Đinh Cường: “Sao nhìn bức tranh này TB cứ liên tưởng anh Đinh Cường được gợi ý từ hai câu nhạc của anh TCS: Đời đốt nến chia phôi/Dù nhớ thương cũng hoài.” Anh Đinh Cường cười hiền từ, có vẻ đồng cảm.
Họa sĩ Đinh Cường cũng là người làm thơ mỗi ngày, như một cách viết nhật ký bằng thứ ngôn ngữ cô động, tha thiết. Có lẽ vì vậy mà tranh của Đinh Cường bao giờ cũng rất giàu chất thơ.
Cuộc hành trình tuyệt phúc của Đinh Cường không ngờ bây giờ lại có cậu quý tử Đinh Trường Chinh là “bạn” đồng hành không bao giờ lạc mất niềm tin yêu, dù có thể và hẳn là mỗi người là một đường nét riêng.

Nguyễn Thị Thanh Bình