Monday, January 8, 2018

326. Truyện ngắn NGUYỄN MINH NỮU Chuyện cổ tích ở bến Bình Đông

Bến Bình Đông tưng bừng chợ hoa - Nguồn: kenhdulich.com

Năm nào khi về đến Saigon, tôi cũng dành một buổi chạy xe về  bến Bình Đông.  Lần đầu về vào năm 2000, tôi còn có dịp gặp bác Ba Thanh, khi đó cụ cũng đã gần sát tuổi chín mươi, và Triều là bạn học chung với tôi thời trung học ở trường Nguyễn Bá Tòng. Dần dà những chuyến sau về, cụ Ba Thanh đã mất, cụ bà cũng mất sau đó vài năm, và ngay cả Triều cũng lâm bệnh rồi từ trần năm 2016. Căn nhà cổ kính nằm giữa vườn cây trái bây giờ còn lại gia đình Phiệt (con trai của Triều). Cái liên lạc thân tình của tôi với cả ba thế hệ của gia đình này là một câu chuyện khá dài.

Triều nằm trong nhóm ba đứa thân nhau học chung lớp từ hồi lớp đệ Nhị ( bây giờ gọi là  lớp 11) trong đó tôi thì nhà ở gần trường, còn Triều và Mai ở tuốt trong  Chợ Lớn. Nhà Mai bên này rạch Lò Gốm  gọi là khu Bình Tây, còn Triều nằm bên kia rạch Lò Gốm  gọi là bến Bình Đông. Lớp đệ Nhị mà Triều đã có xe Honda đi học thì là gia đình khá giả lắm. Bến Bình Đông và khu Bình Tây nằm song song với nhau  phía cuối kênh Lò Gốm, Bình Tây thì có hãng rượu Bình Tây, sát với khu trung tâm thương mại người Hoa ở Chợ Lớn , có chợ Bình Tây, khu bến xe Chợ Lớn là trung tâm xe chở hành khách về các tỉnh miền tây. Bến xe Chợ Lớn khác với xa cảng Miền Tây ở chỗ xa cảng Miền Tây là bến xe khách lớn , chở khách về các tỉnh lỵ như Cần Thơ, Mỹ Tho, Châu Đốc , Rạch Giá, còn bến xe Chợ Lớn đa số là xe nhỏ 16 hoặc 24 chỗ ngồi, nhưng lại chở khách về các địa danh huyện lỵ  Cũng là về miền tây, nhưng nếu Xa Cảng Miền Tây chở khách về Đồng Tháp là về bến xe tỉnh Đồng Tháp, thì bến xe Chợ Lớn chở khách về thị trấn Hồng Ngự  là một huyện của Đồng Tháp chẳng hạn.

Bến Bình Đông nằm song song với bến Lê Quang Liêm của Bình Tây , nhưng nằm về phía bên kia kênh Lò Gốm. Bình Đông nằm giữa hai con kênh, bên này là kênh Lò Gốm và  bên kia là Kênh Đôi.  Cách gọi tên các dòng nước này tùy từng đoạn mà có tên riêng, người ngoài thành phố nghe rất khó hiểu. Thực ra là như thế này: Từ Sông Saigon, có hai nhánh rẽ vào phía nam, nhánh trên gọi là Rạch Bến Nghé, nhánh dưới gọi là Kênh Tẻ, hai nhánh sông này gặp nhau và nhập thành một tại Cầu chữ Y, sau đó lại chia thành hai nhánh chạy tiếp về phía nam, một nhánh gọi là kênh Lò Gốm và một nhánh gọi là kênh Đôi. Kênh Lò Gốm và Kênh Đôi nhập vào nhau tại Bình Đông, từ đây dòng kênh Đôi lớn hơn và chảy thẳng ra sông chợ Đệm. Đoạn đường hai bên kênh Lò Gốm khúc gần hợp lưu này  toàn là các Chành, các Kho,  Phía bên Bình Tây là các chành gạo, nông sản, phía  bên kia sông là Bình Đông thì đa số các nhà kho lớn chứa phân bón , thuốc trừ sâu và nông cụ.

Bình Tây sầm uất vì sát với khu thị tứ và các chành xuất nhập gạo lúa nông sản thường xuyên mỗi ngày, còn Bình Đông thì vắng lặng hơn vì mặt tiền đường sát bờ sông dài hằng hai ba cây số đều là những nhà kho lớn, kín cổng cao tường, đàng sau dãy nhà kho đó là khu dân cư , nhưng cũng thưa thớt ít người. Nhà của Triều là một trong vài chục căn nhà hiếm hoi nằm ở mặt tiền đường, ngôi nhà xây cất theo kiểu cố, nằm sâu vào trong, bao bọc quanh nhà là vườn cây khá rộng, nhà Truyền trồng rất nhiều Mai, từ trước ra sau, bên phải bên trái đếm ra cả mấy trăm cây lớn nhỏ. Đặc biết ngay cửa chính vào nhà, giữa sân là một cội lão Mai khá lớn, thân cây có lẽ hơn 20 cm, không mọc thẳng lên cao, mà khoảng cao gần 1 mét bỗng gập gãy như hình chữ V ngược một đoạn mới lại vươn lên.  Chỗ gập gẫy đó tạo như một mắt cây, xù xì cổ kính, cùng với các nhánh cành khác mọc ra đan chen nhau thành một hình dáng vừa kỳ dị vừa bắt mắt. Khi tôi tới chơi với Triều lần đầu, Cây Mai đã cao hơn tôi khá nhiều rồi, xum xuê những nhóm nụ xanh tươi khỏe mạnh vào dịp gần tết. 

Triều gốc là dân Vĩnh Long, gia đình lập nghiệp ở Saigon từ mấy đời là do ba của Triều: Bác Ba Thanh làm công chức ở  thành phố. Mẹ Triều buôn bán trái cây ở chợ xóm Củi , gần nhà. Triều là con một, sống với ba má. Triều là dân miền Nam truyền thống, gương mặt bầu bĩnh trắng trẻo và lúc nào nhìn cũng có vẻ như sắp cười, tính tình khoáng đạt rộng rãi, không thích bắt lỗi người khác mà chỉ chọc ghẹo gây cười rồi quên đi .

Những ngày cuối tuần, tôi đạp xe xuống nhà Mai, rồi kéo qua nhà Triều chơi giống như về quê. ở đó chúng tôi thả diều, qua kênh Đôi  lặn hụp dưới sình bắt cá Lia Thia, bắt cua  bắt ốc rồi về nhà Triều mở tiệc liên hoan.... không có rượu. Ba của Triều tôi gọi là bác Ba người tầm thước, khuôn mặt phúc hậu và rất thương con cùng lúc quý bạn của con, chúng tôi được sống như trong gia đình , rất đầm ấm và vui vẻ. Sau Trung học, chúng tôi chia tay nhau, mỗi đứa đời xô đẩy đi một hướng khác nhau, Triều thì học Sư Phạm, ra trường đi dạy ở gần nhà, Mai thì làm việc ở Phú Giáo, Bình Dương.Tôi thì phiêu bạt lên tới cao nguyên Ban Mê Thuột, thế mà khi có dịp về lại Saigon là chạy đi tìm nhau. Lần nào về cũng có cảm giác như trở về nhà, Bác Ba gái từ sau nhà chạy ra vồn vã: Chèn ơi , bây về hồi nào? thằng Mai biết bây về hôn? ngồi đó đi tao ra trường kêu thằng Triều về.

Tôi đón vòng tay ôm của bác Ba mà ứa nước mắt vì xúc động. kệ lát nó về, kêu nó chi bác, con ở đây tới ngày mai mà.
- Dzậy hả, vậy bây ngồi chơi đó nghe, tao nấu nồi canh chua cho bây nhậu với Ba nó nghe, lóng rầy nó quậy lắm , biết uống bia uống rượu với ổng rồi.

Tiếng xe gắn máy chạy vào sân, rồi tiếng Triều la lớn:, 
- Trời phải mày không? Đi đâu mất biệt không thấy tăm hơi là sao.?

Triều quay lại nói với má:
- Con chở nó qua nhà thằng Mai coi có thằng Mai về không nghe má…

Rồi sau 75, cuộc sống vượt khỏi suy nghĩ bình thường. Bác Ba Thanh đi học tập 3 năm mới về, thân thể mang đủ thứ bệnh mà chẳng biết bệnh gì, chỉ càng ngày càng ốm yếu , đau nhức khắp người. Mai thì lấy vợ ở Phú Giáo và ở lại quê vợ luôn. Tôi về làm công nhân ngay quận 6. Cuộc sống khó khăn từ miếng cơm manh áo nên thời giờ ghé lại thăm nhau cũng ít dần đi. Triều vẫn đi day học nhưng vài ba tháng ghé lại một lần lại thấy thiếu mất một cái gì. Đầu tiên là cái xe gắn máy chuyển thành xe đạp, rồi thì bộ bàn ghế gõ phòng khách thay bằng cái bàn Mica và mấy cái ghế nhựa, rồi thì trên bàn thờ trang trọng xưa đã có vẻ trống trải vì thiếu bộ lư và đôi chân nến bằng đồng, hình như còn nhiều thứ nữa mà tôi không biết, nhưng thái độ niềm nở ân cần thì chẳng khác gì xưa.

Cho đến một lần khi tôi qua, cả nhà im ắng một cách kỳ lạ, tôi đi thẳng vào buồng sau, chỗ bác Ba nằm thì thấy bác Ba gái ngồi trên ghế cạnh giường ôm mặt khóc thút thít, bác Ba trai nằm nhưng cặp mắt vẫn mở, nhìn đăm đắm lên trần nhà. Triều kéo tay tôi bước ra ngoài.
- Chuyện gì vậy?

Triều thở dài, chỉ vào cây Mai lớn giữa sân:
- Có người tới muốn mua cây Mai này với giá 4 chỉ vàng, mà nhà bây giờ kẹt quá rồi, ba tao bịnh mấy năm nay, giờ má cũng bịnh nữa, nhà không có tiền mà ba tao nhứt định không cho bán, ổng nói chờ ổng chết rồi bán. Nhà còn có cái gì khác mà bán để lo bịnh dược đâu.Tao tính bán lấy tiền lo thang thuốc rồi mua chiếc xe xich lô tối về đạp thêm kiếm tiền....

Lúc đó tôi nhìn quanh vườn mới thấy vườn xơ xác trống trơn, cây cỏ mọc tùm lum, mấy trăm cây Mai trồng khắp vườn hình như đã được nhổ lên đem bán từ hồi nào...Tôi hỏi Bác có nói tại sao không cho bán không. Triều lắc đầu, nói ông chỉ không là không. Không bán gì hết, chết thì chịu chứ không bán..

Khuôn mặt của Triều quắt queo, xanh lè, khi tay hai đứa nắm vào nhau, cả hai bàn tay đều lổn nhổn xương , xiết vào nhau đau buốt.

Tôi cậy mình như là con cháu ruột thịt, nên đến bên giường cầm tay bác Ba góp ý:
- Bác ơi, một đời ta bằng ba đời nó, nay hoàn cảnh chung ai cũng chật vật, số tiền 4 chỉ lớn lắm,có thể lo cho bịnh tình hai bác mà còn có thể tạo ra việc làm cho Triều kiếm sống nuôi gia đình.....

Bác Ba nhìn tôi, nước mắt ứa ra, nói chầm chậm:
- Tao biết bây nghĩ đúng chớ không sai, nhưng cây Mai này tuổi đã hơn trăm năm, là di sản từ thời ông nội thằng Triều, đem về đây trồng ngay bữa má thằng Triều sanh ra nó, hơn vậy, tuy trồng ở đó mà có phải của mình đâu, làm người phải coi trọng lời hứa.... đợi tao chết rồi bây làm gì đó thì làm....

Giọng bác Ba trầm, buồn nhưng dứt khoát, chỉ là chi tiết trồng ở đó mà đâu phải của mình thì tôi không hiểu tại sao mà không dám hỏi. hôm đó đi về mà lòng nát tan, đau xót thương yêu mà chẳng biết làm sao để chia sẻ với Triều.

Bến Bình Đông từ bao đời nay là nơi cặp bến của ghe thuyền miền Tây chở theo hoa kiểng và cây trái. Bên kia sông là bến Bình Tây chuyên về nông sản, lúa gạo. Các loại hoa kiểng chẳng những đổ về Bình Đông dồn dập vào dịp gần Tết , mà thường xuyên suốt năm vẫn có những chuyến ghe lớn chở trái cây đặc sản về cung cấp cho các chợ, cùng lúc hoa kiểng cho các vựa trong thành phố. Các chủ ghe lâu năm khi ghé lại, tạo ra một mối liên lạc thân tình với cư dân trong xóm và nhiều nhà dân trong xóm cũng trở thành nơi tạm chứa các thứ cây kiểng chưa tiêu thụ kịp.

Thời điểm 1980 ở thành phố nơi tôi sống như đang ngồi trên một cơn sóng dữ, cuộc đời mỗi người gánh  mọi biến động lớn trên một con thuyền nhỏ, biết bao người đã vượt thoát đi, biết bao người đã chìm đắm xuống và biết bao người như tôi, cắn răng chịu đựng, sống mà chỉ biết sống hết một ngày hôm nay , ngày mai chưa biết. Miếng cơm , manh áo, giấc ngủ, và sự bình an chỉ biết chắc khi buổi sớm mai còn thức dậy được.

Mấy tháng sau, bất ngờ Triều ghé thăm tôi tại chỗ làm. Lần này nụ cười tươi rói, ngồi trên chiếc xe Xích Lô mới toanh, cười hi hí ...Tôi chạy ra mừng rỡ, 
- Bác Ba khỏe lại rồi hả? 
- Ba má tao khỏe rồi, tao tới báo với mày mấy tháng nữa tao lấy vợ.

Tôi la lên 
- Úy trời, đứa nào ngu quá vậy? Mày quen nó ở đâu?

Triều kéo tôi vào quán cà phê lề đường và kể lại câu chuyện. Câu chuyện của Triều như thế này.

Ông nội của Triều là Chủ Sự trong tỉnh, là một hào phú ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Ông có nhiều con nhưng hợp tánh nhất là người con thứ, là ba của Triều, nên cuối đời, ông về sống với vợ chồng con ở tại bến Bình Đông.

Ông thích hoa kiểng và có lòng hào phóng thương người, hôm người con trai có đứa con đầu là Triều vào dịp sát tết Nguyên Đán, ông thảnh thơi đi dạo bến sông , ghe thuyền tấp nập cặp sát mé bờ, ngay trên bờ là các loại hoa kiểng chở lên bày đầy đặc. Ông bất ngờ dừng chân ở một khoảng bày toàn là Mai, cả mấy chục chậu Mai lớn nhỏ , mỗi cây được bọc một bao tải vải bó rễ và đất tưới ẩm. Ông bất chợt nhìn thấy một cây lão Mai khá lớn, hoa kép, mỗi hoa chồng lớp mấy chục cánh vàng tươi rực rỡ tuyệt đẹp. Ông đứng ngắm nghía hồi lâu thì một người đàn ông bước ra chào hỏi. Đây là một cặp vợ chồng từ dưới quê Đồng Tháp chở cây từ vườn lên bán. Ông hỏi giá cây Mai nhưng mắc quá ông không mua. cây Mai bình thường cũng cao lớn như vậy thì giá chừng hai trăm ngàn , mà cây Mai này đòi giá tới ba triệu. Ông hỏi tại sao, người đàn ông lễ phép thưa không phải con thấy bác hỏi ngay cây này mà con nói giá cao, thiệt ra đây là một loại mai đặc biệt mà không chỉ vườn nhà con , nói rộng khắp huyện Lấp Vò của con chỉ có một cây này. Nó là loại Mai Hương, bác chơi hoa nhiều thì bác biết , hoa Mai là loại hoa có sắc mà không có hương, riêng cây này thì bác cứ ngửi thử đi. Bông hoa tỏa ra một mùi hương dìu dịu, không phải hương Lài không phải hương Lý mà phảng phất như có chút mùi trầm, càng về đêm mùi hương càng đậm cho tới sáng phai nhạt dần. Ba con dặn cái này cần người hữu duyên, phải giá thì bán không thì đem về nên giá nó mới cao như vậy.

Tưởng chỉ chuyện trò như vậy rồi thôi, ai dè vài bữa sau, trời đã về khuya, ông Chủ Sự đi ngang qua ghe thì nghe tiếng khóc của phụ nữ. Sẵn cảm tình từ lần trò chuyện trước ông ghé qua hỏi thăm, té ra cặp vợ chồng kia cơm ghe bầu bạn đem cây lên bán có dắt theo hai đứa con khoảng 5 tuổi và 7 tuổi, hồi chiều, do bận rộn bán hàng, hai đứa bé chạy giỡn với nhau  sẩy chân lọt sông chết đuối cả hai. Không có thân nhân ở gần, tiền bạc vốn liếng không còn, hai vợ chồng ôm nhau khóc ngất, bây giờ phải gấp rút về quê vừa đau khổ vừa khó khăn chưa biết tính sao. Ông Chủ Sự suy nghĩ rồi nói thôi để tui mua mão hết mớ cây vợ chồng bậu đem lên để bậu lấy tiền mua quan quách cho sáp nhỏ rồi về quê. Hai vợ chồng cúi đầu cảm tạ và nói giá bán mão hết số cây là hai triệu. Ông Chủ sự nói vậy sao được, nguyên cây Mai Hương đã là giá ba triệu rồi, mà bán mão cả chục cây còn lại có hai triệu là sao, thôi tui đưa bậu năm triệu để lo việc nhà. Hai vợ chồng kéo nhau quỳ xuống cám ơn và thưa rằng  cám ơn ông hào phóng giúp người, nhưng thôi như vầy, năm triệu ông đưa coi như con mượn, về quê rồi khi có được sẽ xin đem lên trả, còn nay tất cả mớ cây con giao hết cho ông, những cây khác thì coi như bỏ, riêng cây Mai Hương xin ông trồng lại chớ đừng bán, khi nào có tiền tụi con đem lên sẽ xin chuộc lại. Ông Chủ sự gật đầu, bậu tính sao cũng được. Rồi ông chỉ tay về phía căn nhà : đó đó là nhà của tui, chừng nào lên dược thì lên.

Đó là lý do vì sao ông Ba Thanh nhất định không cho bán cây Mai trước nhà. Triều kể tiếp, khi gia đình đang túng bấn tới độ có bữa ăn rau muống luộc trừ cơm thì bất ngờ có một cô gái tới hỏi thăm phải đây là ông Chủ Sự không? khi biết chắc đúng, cô gái mới kể tiếp cô tên Ơn, là con gái của ông bà Hai Đậu , quê ở Lấp Vò , Đồng Tháp. Hồi ba mươi năm trước, khi cô chưa ra đời, cha mẹ cô làm vườn và bán cây kiểng, có năm chở ghe bán lên bến Bình Đông vào mùa gần tết giống như vầy, bất ngờ gặp tai nạn làm chết hai người anh chị ở bến sông, có được ơn ông Chủ Sự ở nhà này giúp đỡ nên mới đem được xác về quê.  Mấy năm sau thì sanh ra cô, nhưng gia đình làm ăn cũng không khá giả , mới năm rồi người cha từ trần, kể lại cho cô nghe cái ơn khó trả ngày xưa, nay nhờ được mùa lại thêm bán được mấy công đất, nên mẹ cô đưa địa chỉ sai cô lên đây đền ơn đáp nghĩa ngày xưa.

Mẹ của Triều lúc đó lại nảy sanh căn bệnh đàn bà, đi đứng khó khăn thiếu người giúp đỡ, Cô Ơn tự nguyện ở lại ít ngày giúp bà tắm rửa thay đồ. Cô Ơn đưa gia đình số tiền còn nhiều hơn giá 4 chỉ vàng mà còn nhất định không chịu lấy cây Mai Hương về lại dưới quê. Cô nói cây này nó chỉ sống được nhờ người có phước. Nay nó ở đây an lành con lấy nó đi làm chi. Khi thấy má Triều chưa bớt bịnh, cô nhắn tin cho mẹ cô lên thăm, và ở lại sống trong nhà như người thân yêu. Má Triều gần ba tháng sau nhờ có người chăm sóc, nhờ tinh thần thanh thản vui vẻ và nhờ thuốc men chạy chữa đã gần khỏe hẳn. Lâu ngày bên nhau nảy sinh lòng quyến luyến, có bữa, má Triều mân mê tay cô Ơn , bà nói, phải chi bây ưng thằng Triều thì đời tao có phước quá. Cô Ơn cười mắc cỡ, biết ảnh có ưng con không mà bác hỏi  vậy?  Triều đang nằm chèo queo ngoài bộ ván ngoài sân, nghe thoáng qua chạy vô cầm tay cô Ơn thú thiệt tui ưng cô từ khi cô từ ghe bước lên bờ kìa. Cô Ơn cười e thẹn, hai má đỏ hồng.

Ơn tính tình thuần hậu mà lại giỏi giang chuyện mua bán, khi hai đứa lập gia đình với nhau, Ơn lấy lại cái sạp bán trái cây ở chợ và về quê tạo đầu mối đưa cây trái lên giao hàng bán sỉ cho các chợ trong vùng, Triều ngoài giờ dạy học, thì thành người giao hàng chuyên nghiệp cho vợ, chiếc xe xích lô chuyển thành xe ba bánh phục vụ cho chuyện kinh doanh.

Khi tôi rời Việt Nam vào năm 1995, thì gia đình Triều đã là một gia đình êm ấm, hai bác Ba khỏe mạnh lại, sống nhẹ nhàng thảnh thơi với đứa cháu nội đầu lòng của Triều và Ơn.

Lần này về bến Bình Đông, lại đúng gần mùa Tết, trên bến thì tràn ngập hoa tươi đủ loại, dưới bến thì chen khít với nhau ghe bầu, ghe Rổi, xuồng chèo, thuyền máy hàng hàng lớp lớp sát bên nhau như một hội hoa nửa bờ nửa nước. Tôi ghé vào nhà Triều, căn nhà  vẫn là kiến trúc cũ, cổ kính và thanh lịch nhưng nay được sơn phết mới, trang trí thêm cửa kính , máy lạnh, sân vườn tráng xi măng đường đi sạch sẽ, giữa vườn vẫn là cây Mai Hương nay đã cao quá nóc nhà, rực rỡ hoa vàng, tỏa hương thơm ngát. Vợ chồng Phiệt đang xúm xít trang trí bàn thờ quay ra thấy tôi reo lên mừng rỡ ...Bác Bảy về rồi ....năm nay đám kỵ ba con có bác Bảy ba con chắc vui lắm...Trên bàn thờ, di ảnh hai bác Ba nhìn xuống cười hiền hòa, lung linh trong ánh nến thắp trên đôi chân đèn sáng loáng, chiếc đỉnh thờ rực rỡ mầu đồng, thấp bên dưới là khuôn mặt của Triều cười mím chi y hệt như thời chúng tôi còn trẻ trâu.

Tôi hỏi Phiệt:
- Má mày đâu?
- Má con đi chợ mua đồ làm tiệc chiều nay đãi bạn bè con .
- Ủa có tiệc gì vậy? Tất niên hả?

Phiệt mắc cỡ:
- Dạ....dạ.....không ....mừng vợ con có bầu.

Đứng trước hiên nhà, nhìn lên cây Mai Hương cao lớn tỏa hương dìu dịu mênh mang, Phiệt nói sau Tết, má con dâng cúng cây Mai Hương này vô chùa. Má con nói cây lão mai này đã cho gia đình con hưởng phước đã ba đời rồi, "Phước bất khả hưởng tận", nên muốn để tất cả những người có tâm thiện cùng được hưởng phước như gia đình con .

Tôi quay lại nhìn Phiệt, sửng sốt về câu thâm nho Phiệt nói, không biết nó học được từ đâu, tôi nghĩ chắc là từ ông Nội. Như vậy, khoảng cuối năm sau nếu tôi còn đủ sức khỏe về thăm nữa, thì tôi có quen biết với cả 4 đời gia đình Triều rồi đó. Tôi với tay lấy mấy cây nhang và kính cẩn thắp lên trên bàn thờ với lòng thương nhớ và kính  yêu thật đầy.

NGUYỄN MINH NỮU
Tháng 1.2018