Saturday, December 30, 2017

303. Truyện ngắn TRẦN HOÀI THƯ Trong đôi mắt Chúa

Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế (Huế) - Ảnh: vnphoto.net


Trường Thế, Nho Lâm, An Cửu, Tân Dân, người lính trở về đứng dưới gốc cây sứ trổ bông, nhìn đám lửa bốc lên từ hướng núi. Trong gió Nam lồng lộng thổi, cuốn theo đám bụi khô nồng, xoáy cả lưng trời, thinh không một cơn nắng rát, có tiếng chim tu hú nổi lên ở bờ lau dại. Trường Thế, nhìn sang Nho Lâm, ai mỏi mòn trông một ngày về để nhìn đám ruộng, đám mía khô cằn xơ xác. Trường Thế nhìn sang Nho Lâm, một đỉnh giáo đường đen sậm, bơ vơ giữa lưng trời xanh, để thấy những nhánh phượng đỏ thắm tội nghiệp trên một nóc giáo đường không ai thăm viếng. Những nhánh hoa phượng phất phơ đầy quyến rũ ở một chân trời nổi bật giữa một màu xanh ngàn bạt, giữa một màu vàng hiu hắt của đám lau khô, giữa sự bí mật não nề, đầy những đôi mắt. Người lính bỏ súng xuống, thở hổn hển. Mồ hôi ri rỉ trên vầng trán đen sậm. Gió Nam vẫn thổi, lùa những chóp tre quằn quại, làm rên rỉ miếng vải căng ngoài hiên nhà thờ, và thỉnh thoảng một vài con chim nhỏ, vụt bay lên trong lòng nhà thờ u tối, thăm thẳm. Anh ngồi xuống bậc tam cấp, hai vai nghe nặng nề. Chút nắng lọt qua khung cửa vòng cung, cũng không đủ để anh nhìn thấy những gì ở đằng sau hàng ghế giảng đạo. Có gì ở đằng sau đó. Hay là bức tượng Chúa, đóng đinh trên thập tự giá, hay là những ngọn nến lung linh trên điện thờ, hay là bức tranh ngày Chúa về pháp trường, giữa đoàn quỉ sứ. Đằng sau đó, bên trong lòng tịch mịch của một ngôi giáo đường làng, anh như nghe được tiếng cầu kinh thảm thiết, anh còn như thấy được bóng cha xứ, áo đen rộng, tóc bạc, đôi kính trắng đang giơ hai tay lên cao, đang cúi xuống, trong ánh nến lung linh của một ngày lễ đạo. Và ở dưới bậc thềm giảng đạo, mẹ anh đang quì xuống, đôi mắt nhắm lại, lộ gương mặt già nua tội nghiệp. Tất cả như sống lại trong lòng anh, chẳng khác một cuốn phim dĩ vãng. Thằng bé quần đùi áo cánh, theo mẹ, băng qua con đường nhỏ, dưới những bóng cây mù u, sầu đông. Thằng bé đi lên chiếc cầu đá, nhìn xuống giòng nước xanh, chảy luồn dưới hàng tre rậm, để trí não mơ mộng một chuyến đi. Người mẹ hiền từ, quì xuống bậc thềm tam cấp, hôn vào bàn tay cha xứ. Chim đã ríu rít trên nóc giáo đường, trên hàng sứ bông trắng, trên hàng phượng đỏ thắm, trên những hàng sầu đông mới lớn. Thằng bé vẫn còn say mê ở một chuyến đi. Chuyến đi của những người anh về miền biên khu thăm thẳm. Chuyến đi khi xóm đạo bắt đầu rung chuyển. Tây đổ bộ xuống bờ biển Qui Nhơn, Tây đổ bộ về Phước Lý, Tây theo tàu xuống cửa bể Đề gi, Tây nhẩy dù lên Gò Bồi, Tuy Phước. Xóm đạo trở nên rung động. Nhà thờ Tường Thế, buổi hoàng hôn, giục tiếng chuông. Nhà thờ Gò Bồi, giục tiếp. Tiếng chuông đổ dồn dập từ nhà thờ Nho Lâm, đến nhà thờ An Cửu, Tân Dân. Con sông Gò Bồi, chảy từ cửa biển Phước Lý về xóm đạo, đã đầy dẫy ghe thuyền. Ban đêm, những ngọn đèn bão bập bùng như ma trơi. Ban ngày, tiếng khu trục gào thét. Xóm Đạo trở mình, xóm đạo bừng bừng ngày kháng chiến. Xóm Đạo đã trở thành một căn cứ. Những phòng tuyến được mọc lên. Tiếng chuông giáo đường không còn là tiếng chuông lễ, nhưng đã trở thành những tiếng chuông báo động. Tiếng chuông Trường Thế, khẩn cấp báo sang Nho Lâm. Thằng bé cũng theo mẹ, vội vã xuống hầm, bịt đôi tay kín bưng, mỗi khi đoàn khu trục bay qua, sà xuống thấp.

Bây giờ, thằng bé năm xưa đã trở lại. Chiến đoàn đã được lệnh hành quân suốt vùng dài mười mấy cây số. Ngày đặt chân xuống phần đất quê hương, người lính bỗng rưng rưng nước mắt. Anh đã trở lại, thằng con lưu lạc, năm nào mơ tưởng đến một chuyến đi, khi nó đứng trên chiếc cầu đá, nhìn xuống dòng sông xanh. Người mẹ đang quì trong giáo đường, làm sao biết được cái ngày con mình sẽ trở nên một tên lãng tử. Người mẹ, khi cúi đầu, quì gối xuống trước mặt Chúa, làm sao gọi vòng tay chúa bao bọc che chở đàn con. Người con lớn đã về biên khu, núi rừng trùng điệp, và đã ở bên kia xứ sở của mùa đông. Thằng hai, đã rời xóm đạo, như một cánh chim biệt tích. Mười năm sau, thằng sáu lại ra đi biền biệt, anh em cũng bỏ xóm đạo mà đi, làm sao mẹ biết, anh em đã trở thành kẻ thù như ngày hôm nay.

Buổi sáng, người lính qua chiếc cầu đầu tiên, đã đổ nát. Cuộc hành quân bắt đầu giờ N. Lệnh mỗi người mang bảy ngày gạo và hai lần cấp số đạn. Đại Hàn đã án ngữ ở hướng núi. Chiếc cầu như một tuyến xuất phát. Và khi bước qua, lòng cầu, rung rung quằn quại, thì anh thấy như in cả quê hương buồn bã của anh chập chờn dưới làn nước. Anh đã thấy rõ, những mái nhà đổ nát, những vách tường loang lỗ, những chiếc nền trống vắng quạnh hiu, những ngọn dừa khẳng khiu không có một chiếc lá. Tất cả hình ảnh đang chập chờn dưới ánh nắng mùa hạ. Con sông buổi sáng đã lên cơn thủy triều, chảy triền miên về biển. Anh mỏi mệt đổi thế súng, cúi chiếc đầu nặng nề mũ sắt, và dừng lại giây lát.
- Ê, bồ đi chớ. Sao như kẻ mất hồn thế.
Tiếng thằng bạn đằng sau giục.

Người lính không trả lời. Anh bước đi trong khi tiếng một thằng bạn khác nổi lên:
- Nó đang làm thơ đấy. Đánh giặc mà thơ với thẩn.
- Chắc nó đói bụng rồi.

Những tiếng lao xao bỗng nhiên tắt lịm, khi tiếng người đại đội trưởng la lên:
- Làm gì mà dồn cục, ồn ào thế. Lại cái thằng thi sĩ này nữa. Người lính vẫn cúi đầu bước. Anh muốn khóc. Anh không biết tại sao con tim của anh lại xôn xao, xúc động như thế này. Anh muốn làm một bài thơ nói về sự trở về của một đứa con lưu lạc. Anh nghe nhịp giày của mình đang rên rỉ, anh thấy giòng nước xanh đang chảy trong hồn như một giòng kỷ niệm. Khi bước qua con đường đất, gồ ghề đất thịt, anh lại bất chợt nhận ra nóc giáo đường quạnh quẽ dưới hàng cây cổ thụ cằn khô. Ave Maria, hàng chữ đắp lên bức tường vôi trước lầu chuông đã nhạt màu xanh. Một pháo đài đã mọc lên từ lâu trong sâu, lộ những dấu tích đẫm đầy nước mắt. Trong nắng mai, vài khóm hoa sứ trắng ẩn hiện bên cạnh lầu chuông. Tiếng người bạn anh, vô tình thốt lên:
- Ở đây ngày xưa chắc là xóm đạo. Sao mà nhiều nhà thờ thế.

Tiếng một người lính khác phụ họa.
- Buồn nhỉ. Nhà thờ gì mà không có lấy một con chiên.
- Thằng này sao ngu vậy. Ai dám đặt chân đến chỗ này.
- Tao nghe nói chỗ này ngày xưa vui lắm. Dân giàu, ruộng lúa cũng nhiều. Mày xem nhà cửa toàn là gạch ngói không.

Buổi trưa, đại đội anh dừng quân trong ấp ven con đường đất đỏ. Cơm nước trước một giờ. Các bạn anh đang sửa soạn nấu cơm dưới những tàn cây lớn. Khói bốc lên đến nhức mắt. Anh bảo những người bạn trong tổ: tôi không ăn. Các anh ăn đi. Rồi anh khoác vội cây súng, lững thững bước ra sân nhà. Trước mắt anh những đồng ruộng khô cằn, nức nẻ. Tiếng đại bác câu từ căn cứ pháo binh vẫn còn nghe rõ ở hướng Nho Lâm. anh nhìn thấy những mái ngói mờ nhạt trong đám lá xanh trước mặt. Nho Lâm, Nho Lâm, nơi anh đã sống trong những ngày thơ ấy, nơi những con dế mùa hè phá giấc ngủ trưa, và những con sáo trên nóc giáo đường trở về khi chiều sắp chết. Nho Lâm đang nhìn anh, như một người mẹ đáng thương, ủ rũ chờ đợi con về. Nho Lâm, như ngôi tháp chuông quạnh quẽ, và chiếc cầu đá, mà thằng bé ước mơ một chuyến đi xa. Người mẹ đang quì trước mắt Chúa hài đồng, cầu nguyện cho đàn con lưu lạc. Anh ngắt một nhánh hoa sứ, chậm chạp bước đến. Dễ chừng nỗi hồi hộp theo từng bước chân hơn lúc nào hết. Anh nghe từng ngọn cỏ thầm thì, từng phiến lá khô trăn trở. Anh nghe tiếng tu hú buồn bã từ một bờ tre, và như thể cõi thinh không đang vang động tiếng cầu kinh tội nghiệp. Anh đã trở về, thằng con của mẹ đã trở về mà hồn thì ngập tràn nước mắt.

Anh đã bước vào trong ngôi nhà thờ đạo ấy. Rõ ràng anh nghe tiếng động thật khẽ. Anh thối lui, hướng mũi súng về phía khả nghi. Nhưng không, anh chỉ thấy lũ dơi đang tung cánh loạn xạ, lũ chuột chạy vụt dưới góc tối, đầy mùi mốc ẩm. Hơi lạnh bỗng toát ra làm anh phải rùng mình. Anh đứng lại trước điện thờ. Đây là chiếc thập tự giá vẫn còn treo giữa vách trắng, đầy mạng nhện. Đây là những lọ, những khúc đèn sáp la liệt trên điện. Chúa vẫn nhìn xuống, đôi mắt hiền lành, sầu khổ. Chúa vẫn trải hai tay, gầy ốm như một người bất hạnh nhất của thế gian. Anh đứng lặng đi, nghe ở khóe mắt nóng. Thì ra đôi mắt của anh đã ràn rụa. Một cơn gió Nam mạnh bạo lùa vào, khiến da thịt của anh lạnh run. Anh trở ra, bước về phía nhà sau. Trong mái tranh che tạm, anh bắt gặp một ông già đang cúi đầu chào anh. Ông già cô độc nhất đang còn lại giữa vùng lửa đạn. Ông già đang còn lại trong quê hương anh. Anh nhìn trân trối một lúc và ngập ngừng hỏi:
- Ông có phải là ông Tám không?

Ông già, đưa đôi mắt mệt nhọc, vầng trán nhăn giữa một gương mặt ốm gầy:
- Phải.

Anh cầm tay ông già, nói như khóc.
- Cháu là Sáu đây. Cháu con bà Năm đó ông.

Đôi mắt ông già mở lớn, có vẻ sững sờ:
- Cháu là con bà Năm?
- Dạ

Anh ngồi bệt trên nền đất, hỏi tiếp:
- Sao ông không tản cư. Ông ở đây một mình sao?
- Tôi già rồi. Tôi ở lại để trông cái nhà thờ của ông cha mình.
- Ông già và ốm quá. Cháu không nhìn nổi nữa.
- Cháu cũng lớn quá đi. Nếu cháu không nhắc đến bà Năm thì tôi đâu có biết.

Ông nắm bàn tay anh. Ban tay kia của ông già run rẩy đặt trên vai người trở về.
- Sao cháu về đây.
- Cháu đi hành quân.
- Ừ nhỉ. Hèn gì mấy bữa nay, súng đạn cứ nổ hoài.
- Ông không sợ sao.

Ông già cười, nụ cười đầy mếu máo:
- Tôi sắp xuống lỗ rồi . Mọi sự có Chúa che chở. Mà đi đâu bây giờ.

Anh không trả lời, nhìn ra sân. Hàng cây sầu đông rạp mình trên bờ thành đen sạm, mốc rêu. Những chiếc lá ngâu li ti rụng, lăn trên nền gạch cũ. Và đằng xa, ruộng đồng nhức nhối  dưới nắng. Phải, anh đang trở về, đang nhìn lại nơi anh sinh ra, lớn lên, nơi một phần cuộc đời của anh gói trọn. Anh nghe lòng mình quặn thắt. Ông Tám, người lão bộc của một đền thờ, ông Tám mà những buổi lễ sớm, ông trèo lên tháp chuông, giựt những hồi chuông rộn rã. Ông Tám mà những buổi trưa, ra đứng sau giáo đường, đuổi lũ trẻ hoang nghịch, bắn ná vào lũ chim se sẻ trên hàng cây cổ thụ. Ông Tám mà cuộc sống như gửi trọn dưới chân Chúa, đêm ngày sống cô độc giữa xóm đạo năm nào. Anh nhìn vào trong căn nhà nhỏ. Một chếc giường tre, khuất trong bóng tối. Một bồ lúa, những chai lọ, chiếc võng căng ngang. Đó là sự nghiệp của ông già cô độc. Anh hỏi về những người thân thuộc, bà con. Anh hỏi về những gương mặt bất chợt nhớ ra, như là một kỷ niệm của tuổi nhỏ. Ông Tám thì buồn bã nói về một Xóm Đạo tang tóc, đìu hiu. Đôi mắt ông già mệt mỏi, dễ chừng cả bầu trời đen tối, đè nặng trên đầu ông. Đó là những ngày Đại Hàn trở về, theo sau những chiếc xe bọc sắt. Đó là những đêm nẩu về, đóng trong nhà thờ, sửa soạn cơm nước. Đó là những lần ông Tám nằm chui dưới giường, nghe đạn trái phá rít bên ngoài. Đó là những lần một người trở về, bịt mắt, ngang qua cổng nhà thờ, bị tròng giây vào cổ, và tiếng kêu như tiếng heo bị chọc tiết. Đó là những người áo đen, chân không trở lại tụ họp trên nền gạch, dưới ánh trăng xanh, cùng nhảy cùng hát cùng hội thảo học tập. Ông già Tám vẫn chậm rãi kể. Điếu thuốc rê đã tiếp tục đốt cho những giòng lệ một người con của Chúa. Chúa đã được một người ở lại, bảo bọc che chở. Trong làn khói thuốc, anh thấy gương mặt ông già lung linh mờ ảo. Dễ chừng, một ngày nào đó, anh còn ngồi bên cạnh ông già, trên thềm nhà thờ, để nghe ông già kể lại chuyện Đức Chúa Trời ở một phương trời Jésusalem, về Đức mẹ Maria nhỏ nước mắt bên thành La Mã, về những con sáo từ cánh đồng xa, mang theo tin buồn một kẻ đã chết. Anh ngồi sát lại hơn. Nắng càng đổ xiên, chói vào lòng giáo đường. Chiếc cầu đá, vẫn bắt ngang giòng sông cô quạnh. Một vài ngôi mộ trắng nổi lên, trơ chiếc thập tự giá dưới bóng cây mù u. Ông già vẫn ngồi bất động. Chợt ông nhớ ra điều gì, nói lớn:
- Có một đêm cách đây không lâu, anh Hai của mày có về đây, gặp tao. Nó hỏi mày, đó Sáu. Nó đội mũ cối, mang dép Bình Trị Thiên, mang súng báng ngắn.

Anh chụp vai ông già, hỏi lại:
- Thiệt không bác.
- Thiệt chớ. Ban đầu tao không tin, nhưng về sau nó có kể bà Năm nó kể mày. Tao mới biết.

Người lính đứng dậy, như kẻ mất hồn. Bóng anh in lên nền gạch, hòa lẫn bóng cây sầu đông. Anh bước ra sân, đến chiếc cầu đá. Rồi anh cúi đầu xuống nhìn giòng nước xanh. Tiếng đại bác vẫn ầm ì nổ. Cuộc hành quân vẫn còn tiếp tục kéo dài. Đoàn trực thăng đã rền vang trên bầu trời chói chang. Anh như người sực tỉnh. anh vội vàng cầm súng chạy về chỗ đóng quân. Nhưng đại đội anh đã di chuyển từ lúc nào rồi. Anh vội vàng chụp mũ sắt, vội vàng chạy như một kẻ mất hồn. Anh vừa thở vừa chạy. Đằng sau anh, đoàn xe bọc sắt đang rầm rầm vượt qua cánh đồng bát ngát.

TRẦN HOÀI THƯ
(Vấn Đề số 39 tháng 10-1970)