Tôi quen anh chàng cao cao tên là René de Bourneval đó. Anh có thái độ đối xử dễ thương, tuy hơi âu sầu, hình như ngán ngẩm mọi chuyện, khá hoài nghi, một kiểu hoài nghi chính xác và cay độc, đặc biệt khéo léo vạch trần mọi thói đạo đức giả của người đời chỉ bằng một từ thôi. Anh thường nói:" Chẳng có người lương thiện đâu, hoặc ít ra họ chỉ lương thiện tương đối so với bọn bất lương."
Anh có hai người anh mà anh chẳng mấy khi gặp, những người mang họ de Courcils. Tôi nghĩ anh là anh em khác cha vì thấy mang họ khác. Nhiều lần tôi nghe nói trong gia đình này có chuyện ly kỳ lắm, nhưng không nói rõ chi tiết.
Tôi rất thích anh chàng này và chúng tôi đã sớm kết thân. Một tối kia, trong khi chỉ hai người cùng ăn tối chung, tôi buột miệng hỏi: " Anh là con của cuộc hôn nhân đầu hay thứ hai?" Tôi thấy mặt anh hơi tái rồi đỏ bừng, anh lặng im vài giây, lộ rõ vẻ bối rối. Rồi, nở nụ cười buồn bã và hiền lành quen thuộc, anh nói: " Bạn thân mến, nếu anh không chán, tôi sẽ kể cho anh những chi tiết lạ lùng về gốc gác của tôi. Tôi biết anh là người thông minh, nên tôi không ngại chuyện kể sẽ ảnh hưởng đến tình bạn của anh, mà nếu có ảnh hưởng thì tôi cũng không thiết tha chuyện coi anh là bạn nữa".
Mẹ tôi, bà de Courlis, là một phụ nữ nhỏ bé, rụt rè,đáng thương, do có của cải mà được cưới làm vợ. Cuộc đời bà là cả một nỗi thống khổ. Với tâm hồn nhân hậu, sợ sệt, tế nhị, bà bị ngược đãi không ngừng bởi người đáng lẽ là cha tôi, là một trong những nông dân mà người ta gọi là quý tộc nhà quê. Lấy vợ được một tháng, ông sống với một người tớ gái. Ngoài ra, ông còn lấy vợ và con của các tá điền làm nhân tình, trong khi vợ vẫn sinh cho ông hai đứa con, nếu tính cả tôi nữa thì là ba. Mẹ tôi chẳng hó hé gì, trong căn nhà lúc nào cũng ồn ào này bà sống như những con chuột nhắt lén lút dưới bàn ghế. Mờ nhạt, ẩn khuất, run rẩy, bà nhìn mọi người bằng đôi mắt sáng đầy âu lo, luôn linh hoạt, đôi mắt hốt hoảng do nỗi sợ không rời. Tuy nhiên, bà đẹp, rất đẹp, mái tóc vàng, màu vàng xám, một sắc vàng nhợt nhạt, chừng như tóc bà vì sợ hãi liên miên mà phai màu đi.
Trong số những người bạn hay lui tới lâu đài của ông de Courcils, có một cựu sĩ quan kỵ binh, goá vợ, người được nể sợ, dịu dàng và mạnh mẽ, có thể đưa ra những quyết định cương quyết nhất, đó là ông de Bourneval, mà tôi đang mang họ đây. Ông ấy cao lớn, mảnh khảnh, râu mép đen rậm. Tôi giống ông lắm. Ông đọc nhiều và tư tưởng của ông không giống chút nào những người cùng tầng lớp với ông. Bà cố của ông từng là bạn của J.J.Rousseau (1), và có thể nói là ông đã thừa hưởng chút gì từ mối quan hệ này của tiền nhân. Ông thuộc lòng "Khế ước xã hội " (2) ,"Héloïse mới" (3) và tất cả các sách thuyết lý chuẩn bị từ sớm sự đảo lộn sau này của các tập quán xưa cũ, các thành kiến, các luật lệ lỗi thời, nền luân lý ngu xuẩn.
Có vẻ như ông yêu mẹ tôi, và được yêu lại. Mối quan hệ này hoàn toàn bí mật đến độ không ai nghi ngờ gì. Người phụ nữ đáng thương, rầu rĩ, bị bỏ rơi, hẳn phải tuyệt vọng gắn bó với ông, mong nhờ sự giao thiệp này mà có được lối nghĩ, tư tưởng tình cảm tự do, yêu đương táo bạo, nhưng, do bản tính rụt rè, chẳng bao giờ bà dám lên tiếng, tất cả những điều kia bị dồn nén, cô đọng, ép chặt lại trong con tim không cởi mở bao giờ của bà.
Hai người anh của tôi, cũng như cha, đối đãi thô bạo với bà, chẳng lúc nào dịu ngọt, và ở trong nhà chẳng xem bà ra gì cả, phần nào chỉ xem là con ở thôi.
Tôi là con trai độc nhất yêu bà thực sự và được bà yêu.
Bà qua đời. Lúc đó tôi mười tám tuổi. Để anh hiểu chuyện tiếp theo, tôi phải nói thêm rằng chồng bà đã biết được sự tư vấn pháp lý quyết định việc phân chia tài sản có lợi cho mẹ tôi, nhờ vào sự vận dụng khôn khéo pháp luật và sự tận tuỵ thông minh của công chứng viên, bà được giữ quyền lập di chúc để lại tài sản theo ý mình.
Như vậy, chúng tôi được thông báo là bản di chúc hiện có tại văn phòng công chứng, và được mời tới nghe công bố.
Tôi còn nhớ như chuyện mới xảy ra hôm qua. Quang cảnh hôm đó thật long trọng, kịch tính, khôi hài, bất ngờ, dẫn dắt bởi sự phản kháng muộn màng của người đã khuất, bởi tiếng thét đòi tự do, bởi nguyện vọng từ đáy mồ của người phụ nữ thống khổ bị phong tục đè nén suốt cả cuộc đời, và giờ đây, từ chiếc quan tài đóng kín, cất lên tiếng gọi đầy tuyệt vọng kêu đòi độc lập.
Người lâu nay vẫn tự cho là cha tôi, to béo, đỏ lừ, gợi hình ảnh anh hàng thịt, và các ông anh tôi, hai chàng khoẻ mạnh hai mươi và hai mươi hai tuổi, ngồi yên trên ghế chờ đợi. Ông de Bourneval, được mời tới dự, bước vào ngồi sau lưng tôi. Người bó sát trong chiếc áo choàng, ông trông xanh xao, thỉnh thoảng nhay nhay bộ râu mép nay đã hơi bạc. Hẳn là ông đã biết trước chuyện gì sẽ xảy ra.
Viên công chứng khoá kín cửa, mở chiếc phong bì gắn xi đỏ mà chính ông cũng không rõ nội dung, và bắt đầu đọc.
Đột nhiên bạn tôi ngừng lại, đứng lên đến ngăn kéo tủ lấy ra một mảnh giấy cũ, mở ra, hôn tờ giấy thật lâu, rồi mới nói tiếp. Đây là bản di chúc của người mẹ yêu quý của tôi.
" Tôi, ký tên dưới đây, Anne- Catherine- Geneviève- Mathilde de Croixluce, vợ hợp pháp của Jean- Léoplod-Joseph Gontran de Courcils, thể chất khoẻ mạnh, tinh thần tỉnh táo, bày tỏ ước nguyện cuối cùng của tôi như sau:
Trước tiên tôi cầu xin Chúa, sau đó là René con trai tôi, tha thứ cho hành động tôi sắp sửa phạm phải sau đây. Tôi nghĩ là con tôi đủ bao dung để hiểu và tha thứ cho tôi. Tôi đã đau khổ suốt đời. Chồng tôi đã cưới tôi vì tính toán, sau đó không ngừng khinh miệt, lạnh nhạt, ức hiếp, lừa dối tôi.
Tôi tha thứ cho ông ta, nhưng tôi không mắc nợ gì ông ta cả.
Những đứa con trai lớn của tôi không yêu thương, chiều chuộng tôi chút nào, chỉ bất đắc dĩ xem tôi là mẹ.
Suốt đời tôi, tôi đã đối xử với chúng như bổn phận phải làm, tôi chết đi cũng chẳng nợ nần gì chúng. Những mối quan hệ huyết thống không thể có được nếu không có tình thương bền vững, thiêng liêng, biểu lộ hàng ngày. Đứa con bất hiếu còn tệ hơn người dưng, mà là tên tội phạm, bởi nó không được phép tỏ ra dửng dưng với mẹ đẻ của mình.
Tôi lúc nào cũng run sợ trước nam giới, trước những luật lệ bất công, những thói quen bất nhân, những thành kiến bất lương của họ. Trước Thượng đế, tôi không còn sợ nữa. Chết đi, tôi vứt bỏ thói đạo đức giả đáng hỗ thẹn khỏi mình, tôi dám nói lên điều mình nghĩ, bộc bạch và chịu trách nhiệm bí mật của con tim.
Bởi lẽ đó, tôi chuyển cho ông Pierre-Germer-Simon de Bourneval, người tình yêu quý của tôi, toàn bộ phần tài sản mà luật pháp cho phép tôi sử dụng, để sau đó sẽ về phần con trai René thân yêu của chúng tôi.
( Ngoài ra ước nguyện này còn được ghi nhận cụ thể hơn trong một văn bản công chứng ).
Và, trước Đấng phán xử tối cao đang lắng nghe tôi đây, tôi xin tuyên bố là lẽ ra tôi đã nguyền rủa đất trời và lẽ sống nếu tôi không nhận được tình thương sâu sắc, tận tuỵ, ngọt ngào, bền vững của người yêu của tôi, nếu trong vòng tay ông ấy tôi không hiểu được rằng đấng Sáng tạo đã tạo ra con người là để yêu thương nhau, che chở nhau, an ủi nhau, và để cùng khóc trong những giờ phút cay đắng.
Hai con trai lớn của tôi đã có cha là ông de Courcils. Chỉ René là con ông de Bourneval. Tôi cầu xin đấng Quyền uy của con người và số phận của họ hãy nâng cha và con vượt lên trên những định kiến xã hội và hãy khiến hai cha con yêu thương nhau cho đến cuối đời và yêu cả tôi trong quan tài nữa.
Đấy là ý nghĩ cuối cùng và ước nguyện cuối cùng của tôi.
MATHILDE DE CROIXLUCE".
Ông de Courcils đứng dậy la lớn: "Đây là di chúc của một người điên!". Ngay lúc đó, ông de Bourneval nhích lên một bước và tuyên bố, giọng rõ ràng, quả quyết:
" Tôi, Simon de Bourneval, tuyên bố rằng bản viết đó chứa đựng hoàn toàn sự thật. Tôi sẵn sàng bảo vệ nó trước bất cứ ai, và sẵn sàng chứng minh điều đó bằng số thư từ tôi đang giữ đây."
Ông de Courcils liền bước về phía ông. Tôi nghĩ là họ sẽ đánh nhau. Họ đứng kia, cả hai đều cao lớn, người mập, người gầy, đều giận run cả người. Chồng của mẹ tôi lắp bắp nói: "Đồ khốn nạn!". Người kia đáp trả, cũng giọng cương quyết và khô khan: " Chúng ta sẽ gặp nhau chỗ khác, thưa ông. Lẽ ra tôi đã tát vào mặt ông và thách đấu với ông từ lâu rồi nếu tôi không nghĩ đến, hơn mọi thứ, sự bình yên trong tâm hồn người phụ nữ tội nghiệp mà ông đã gây ra quá nhiều đau khổ".
Rồi, quay sang tôi, ông nói: " Con là con của cha. Con muốn đi theo cha không? Cha không có quyền đưa con đi, nhưng cha sẽ nhận trách nhiệm đó nếu con đồng ý đi theo cha.".
Tôi bắt tay ông mà không đáp. Và chúng tôi cùng ra về. Người tôi cứ lâng lâng.
Hai ngày sau, ông de Bourneval bắn hạ ông de Courcils trong cuộc thách đấu . Mấy người anh của tôi đã nín thinh vì ngại tai tiếng xấu xa. Tôi nhường cho họ và họ đã nhận một nửa gia tài mẹ tôi để lại.
Tôi lấy lại họ của người cha thực sự của tôi, từ khước cái họ không đúng mà luật
pháp gán cho tôi.
Ông de Bourneval mất đã năm năm rồi. Tôi vẫn chưa nguôi ngoai nỗi buồn.
Bạn tôi đứng dậy, tiến vài bước tới ngồi trước mặt tôi: " Tôi cho rằng bản di chúc của mẹ tôi là một trong những thứ đẹp đẽ nhất, trung thực nhất, cao cả nhất mà một người phụ nữ có thể thực hiện. Ý anh chẳng phải vậy sao? "
Tôi chìa ra cả hai tay cho anh: " Vâng, chắc chắn là tôi cũng nghĩ thế, bạn ạ!"
___________________________________________________________________
(1) J.J. Rousseau (1712-1778),nhà tư tưởng, nhà giáo dục học, nhà văn.
(2) Khế ước xã hội, Contrat social,tiểu luận triết học chính trị của Rousseau, 1762.
(3) Julie, ou la nouvelle Héloïse, tiểu thuyết, 1762.
THÂN TRỌNG SƠN
dịch từ nguyên bản tiếng Pháp
( Le testament - 7 novembre 1882 )
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI
CUỘC LY HÔN
TRÊN NÚI CAO
THÂN
TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu 30 truyện ngắn của
10 tác giả:
PAULO COELHO ANDRÉ MAUROIS SAKI
ALBERTO MORAVIA GUY DE MAUPASSANT
O. HENRY ANTON PAVLOVICH CHEKHOV
ROBERT BARR KATE CHOPIN HWANG SIN-WON
Việt Phương ấn hành
(2017)
Bìa và trình bày: Nguyễn Sông Ba
Công việc dịch và giới thiệu, các bậc tiền bối đã
làm thật xuất sắc và Thân Trọng Sơn đã kế thừa sự xuất sắc đó. Kế thừa và có
nét duyên riêng thật đáng yêu. Chữ nghĩa trong các bản dịch của Thân Trọng
Sơn mới mẻ, tươi nguyên và như là của riêng ông. Đọc tác phẩm của các tác giả
cổ điển, qua bản dịch của Thân Trọng Sơn, ta có cảm giác như ông đang giới
thiệu một tài năng mới, kiệt xuất, nhưng còn ẩn danh của Việt Nam.
(Trích lời giới thiệu của Nguyễn Âu Hồng)
|