Ảnh: Google image
tặng Phạm Văn Nhàn
Người lính miền Nam viết văn. Chẳng
ai bắt hắn phải vừa cầm súng vừa cầm viết. Hắn làm một cách tự nguyện. Không ai có thể đụng hắn.Không ai có quyền bắt hắn phải nạp bản thảo để đọc tư tưởng của hắn.
Hắn được tự do.
Tự do hoàn toàn.
Ngay cả tự do chết.
Trên thi thể của hắn không có gì cả, trừ bản thảo, xấp giấy
trong túi áo trận.
Có thể là bài thơ tình.
Hay cũng có thể là bài thơ về một nỗi ước mơ, mùa
chiêm vàng bát ngát…
Người lính miền Nam viết văn. Mấy
tháng đổ mồ hôi trên thao trường, hắn được thảy ra mặt trận. Quân dội cấp hắn
khẩu súng, lựu đạn, dao găm, địa bàn, bản đồ, giao hắn mười mấy người lính để
hắn chỉ huy. Nhưng hắn tự giao cho hắn cây viết và xấp giấy.
Hắn tiếp tục viết.
Hắn viết bằng chất liệu từ cuộc đời của hắn. Hắn sống và viết.
Nhiệm vụ của hắn là mỗi hai đêm dẫn con cái đi nằm ở ngoài vòng
đai căn cứ hay được lệnh thực hiện một cuộc làm ăn đêm. Hắn phải lựa chọn
địa điểm kích, địa điểm đóng quân cho thích hợp. Ví dụ một nghĩa địa làng, hay
một mô đất mả mồ nổi lên giữa đồng trống. Những bia mộ là những tấm khiên che
chở rất hữu hiệu khi đơn vị bị tấn công. NHưng để đổi lại là cảm giác sợ hãi lo
âu vì âm khí từ mả mồ bốc lên. Hắn từng nghe những bệnh nan y như phong cùi là
hậu quả của âm khí độc địa này. Tuy nhiên, giữa hai chọn lựa, hắn chọn
sư an toàn. Có nghĩa là gò huyệt, gò mả….
Hắn đã chịu đựng suốt đêm. Phần lo lính canh ngủ gục, phần lo
địch về đặt pháo, phần sợ chiếc máy bay C123 rà rà trên bầu trời, bắn lầm. Có
khi trời mưa như thác. Có đêm trời rất trong, sao đầy ngập trên bầu trời. Có
khi hắn nghe tiếng nhạc nhảy đầm Lính
mà em vọng về từ Bô Tư Lệnh.Hắn chửi thề đù má. Hắn lắng nghe những
mẫu âm thoại từ máy PRC 25, mà người lính truyền tin điều chỉnh rất nhỏ. Hắn
muốn ngủ. Hắn thèm sự vô lo của những người lính thuộc quyền. Máu thi văn của
hắn lại chảy trong người. Hắn ngồi dậy, trùm hai ba lớp mền, poncho, và
bật đèn pin quân đội. Hắn làm bài thơ:
Đêm nằm kích ở Luật Chánh II.
Dù ngại một lần rồi sẽ ngã
Ta dắt đàn con nhỏ chắt chiu
Về thăm gò mả
thăm kênh lạch
Thăm những oan hồn đang hẩm hiu
Ta chẳng buồn đêm nay thiếu gái
Ta chẳng sầu bởi quá bơ vơ
Ta chẳng thèm
thêm ly rượu đế
Ta chẳng màng đọc một bài thơ
Dù cũng nhớ đêm nay sinh nhật
Buồn như điên gữa cõi tha ma
Buồn như vạn
vì sao cô độc
Buồn xuôi tay nước mắt nhạt nhòa
Ta có áo mưa làm con vợ nhỏ
Có gò cao làm gối, gối đầu
Ta có oanhồn
làm bạn hữu
Thương dùm cho ta khỏi cùi phun
Ta có ông bà muôn năm cũ
Đội đất vỗ về giấc ngủ ta
Ông bà xin
thương một thằng lính sữa
Trọn đời chỉ biết có trăng hoa
Ôi những đêm dài như địa ngục
Mà hồn ta là bãi tha ma…
Bài thơ sau đó gởi cho Khởi Hành, tờ báo mà hắn tin sẽ đăng nó
trọn vẹn. Hắn thừa biết nếu bài này mà gởi cho Bách Khoa hay Văn, thì khó
lòng qua mắt được kiểm duyệt. Lý do, họ sẽ buộc tội hắn là hạ thấp quân lực
miền Nam. Người lính miền Nam phải oai hùng, đâu có buồn xuôi tay nước mắt nhạt
nhòa như vậy. Người lính miền Nam phải đứng đầu gió và lời thơ phải là lời
thép.
Khởi Hành đăng, rồi sau đó, Tổng cục Chiến Tranh Chính Trị chọn
bài thơ để đăng vào trong cuốn thơ Đầu Gió, tuyển tập những bài thơ thép, để
phát không cho quân nhân. In đến 5000 cuốn.Tổng cục chọn, đáng lẽ hãnh diện mới
phải, nhưng tại sao hắn lại xấu hổ. Bài thơ của hắn uỷ mị yếu đuối như
vậy mà lại được xem vào loại thơ thép thì hết chỗ nói.
Cũng như bài
thơ Thảo Khấu của Nguyễn Bác Sơn với mấy câu đọc lên thấy lợm miệng::
Vì sao ta đến đây hò hét
Học trò bẻ bút tập mang gươm
Tập uống máu người thay uống nước
Múa may theo lịch sử điên cuồng.
cũng được báo KH đăng, không bị kiểm duyệt gây khó dễ. Và
sau đó cũng được chọn là bài thơ thép trong cuốn Đầu Gió của Tổng Cục Chiến
tranh chính trị!
Hắn cố tự an
ủii, đây chính là đặc trưng của một nền văn học miền Nam, tự do, rất tư do
và tờ báo Khởi Hành và Tổng Cục CTCT đã thật sự biết tôn trọng sự
tự do ấy của người lính viết văn làm thơ.. Nhưng hắn vẫn thấy lòng bất an với
những từ to tướng trên bìa : “ thép” hay “đầu gió” ?
Người lính miền Nam viết văn. Hắn có hai con người. Một là một
kẻ phải “thi hành trước khiếu nại sau”, có nghĩa là phải chấp hành tuyệt đối kỷ
luật, bởi vì kỷ luật là sức mạnh quân đội. Phải thi hành đi đầu dù trung
đội không phải trực hôm đó, để lính của hắn phải bất mãn. Phải tiến lên đồi,
chiếm mục tiêu, dù hắn biết cái chết là 100% khi mục tiêu chất chồng hang đá,
làm sao mà biết địch ẩn núp ở hang nào?
Hắn bất mãn, không thể khiếu nại, không thể không đau lòng trước
những đau đớn của vợ con thân nhân của những người tử trận vì cái lệnh ngu
xuẩn. Hắn chỉ biết viết. Hắn viết lên sự thật. Tại sao lại cấm hắn viết ?
Người lính miền Nam viết văn. Ở trong quân đội hắn là một người lính thấp hèn nhưng ở văn
chương hắn là ông vua. Hắn gian khổ quá rồi, thì hãy cho hắn được lên ngôi
hoàng đế chứ.
Trần Hoài Thư