Houston,
ngày 16 tháng 12 năm 2017
Kính
chào nhà văn Hồ Đình Nghiêm,
Nhớ
hồi tôi còn ở trên Boston, vào tháng 06 năm 2005, cùng với nhiều nhà văn bên
Canada, anh có qua Boston dự buổi ra mắt thi phẩm “Đứng Dưới Trời Đổ Nát” của
nhà thơ Phan Xuân Sinh và tôi là người không biết viết văn và cũng không thuộc
vào nhóm văn nghệ văn gừng nào ráo trọi nhưng may mắn được anh có nhã ý tặng
tôi tập truyện ngắn “Mùi Hương Trên Đồi”. Thời gian vậy mà rồi cũng đã
trôi qua có tới hơn 12 năm rồi, phải không anh Hồ Đình Nghiêm!
Bìa sách Mùi Hương
Trên Đồi,của nhà văn Hồ Đình Nghiêm cùng lời đề tặng của tác giả,
do nhà Văn Mới,
California (Hoa Kỳ) xuất bản năm 2005.
Từ bấy
đến nay, tôi không có dịp gặp lại anh lần nào nhưng mấy lúc gần đây tôi đọc được
nhiều bài viết của nhiều tác giả viết về anh như nhà văn Song Thao có bài “Nghiêm“,
rồi nhà thơ Luân Hoán có bài “Chú Hồ“, nhà văn Trần Doãn Nho có bài “Tính
Cách “Rất Huế” Trong Một Truyện Ngắn Của Hồ Đình Nghiêm“…; rồi tôi lại đọc
“Cố Nhân“, “Dáng Lụa“, và những truyện mới khác của anh sau này nữa.
Từ đó, tôi thử đọc lại tập truyện “Mùi Hương Trên Đồi” của anh và xin ghi
lại dưới đây vài cảm tưởng của một người đọc nhà quê già như một lời đa tạ những
trang sách mà cũng là những trang đời của các nhân vật qua tài dựng truyện của
tác giả .
Thưa
anh,
Đọc
tập truyện “Mùi Hương Trên Đồi” của anh, tôi bắt đầu đọc truyện ngắn mà
anh lấy làm tựa sách trước; rồi sau đó tôi lại đọc truyện cuối cùng “Màu Trắng”
và rồi cứ thế tôi tiếp tục đọc ngược trở lên từ “Hứa trong bóng tối” dài
dài lên tới truyện đầu tiên là truyện “Lập Xuân“. Anh thấy tôi đọc sách
có chút gì hơi kỳ kỳ như vậy phải không anh?
Đọc
qua 14 truyện ngắn trong “Mùi Hương Trên Đồi” với 198 trang sách, tôi thấy
nhân vật trong mỗi truyện của nhà văn Hồ Đình Nghiêm không nhiều. Chẳng hạn với
truyện ngắn “Mùi Hương Trên Đồi” chỉ có hai chị em cùng cha khác mẹ qua
nhân vật Nghị xưng “tôi” và chị Diên Hồng; và có thể ghi thêm ở đây một nhân vật
không có lời tự sự nào nhưng đã vẽ lên cả một đoạn đời về sự ra đời của hai chị
em Nghị và Diên Hồng, đó chính là ‘ngôi mộ của người cha’, một cách âm thầm chứng
kiến cảnh hai chị em cùng cha khác mẹ đang nhận ra “mùi hương trên đồi” của
nhau. Hoặc-giả, truyện “Hứa Trong Bóng Tối” có bốn nhân vật là: Tôi,
Huy, Soan và Stéphanie; còn truyện “Mầu Trắng” có ba nhân vật là Tôi
(người thông dịch), Amanda (cô giáo Pháp văn) và Bạch (người từ Hải Phòng vượt
biên qua trại tỵ nạn)…
Điều
này cho người đọc nhận ra rằng số lượng nhân vật rất hợp với khuôn khổ một truyện
ngắn vì truyện ngắn không phải là truyện dài, đã đành, và nó lại càng khác xa với
tiểu thuyết, nên càng ít nhân vật chừng nào càng làm cho cốt truyện càng cô đọng
và súc tích chừng nấy để rồi tác giả sẽ dẫn người đọc đến phần kết của truyện
càng gọn nhẹ chừng nào càng dễ gây cho người đọc suy nghĩ nhiều về những trang
sách mà mình vừa mới đọc…
Dĩ
nhiên nhân vật xưng “tôi” không nhứt thiết là hình ảnh của tác giả mà có thể là
một cái “tôi” nào đó ngoài đời. Nhưng cái hay của nhà văn là làm sao cho những
nhân vật của mình vai nào ra vai nấy, ngôn ngữ nào ra ngôn ngữ nấy, không lẫn lộn
giữa nhân vật này với nhân vật khác. Muốn được như vậy trong truyện của nhà văn
Hồ Đình Nghiêm như tôi đã thấy, thì tác giả có lẽ phải sống với nhân vật của
mình rất lâu chứ hổng phải một ngày một buổi gì!
Trong
cuốn Học Thuyết Truyện Ngắn Hiện Đại, do nhà thơ Ngu Yên biên soạn, tác giả có
nhắc qua khía cạnh tại sao sáng tác: “Tại sao phải viết truyện? Có nên viết
hay không? Nằm trong quá trình tâm lý văn học. Trước hết, nhà văn tự giải thích
với chính mình về những gì họ không hài lòng, không đồng ý hoặc bất mãn, để có
thể thấu rõ vấn đề, lý do và tâm tình cá nhân. Thời gian trăn trở có thể dài,
có thể ngắn, nhưng sự không thỏa mãn càng lúc càng lớn lên, càng hiếu động,
càng thôi thúc. Đó là lúc phải viết. Đó là lý do để viết.”(1)
Còn
khi nào thì Hồ Đình Nghiêm viết và viết như thế nào đó là một khía cạnh khác mà
có lần tôi đã nhận được ý kiến của anh: “Chắc anh cũng thông cảm để đồng ý về
chuyện này: Thực ra mình chẳng mang một ý đồ gì to lớn khi dàn chữ ra trang. Viết
để nguôi ngoai, để tìm sự quân bình sau khi vật lộn với đời sống bên ngoài. Nếu
được, ai đó đồng cảm để sẻ chia thì quá quý, chẳng mong chi hơn.”(2)
Vâng,
thưa anh, dù mỗi tác giả có những suy nghĩ và thôi thúc riêng để viết nhưng ở
đây tôi muốn nhắc đến khía cạnh khá quan trọng là mỗi tác giả cùng chọn cho
mình một cách dựng truyện riêng phù hợp với văn cách của mỗi người, cùng những
chữ dùng để diễn đạt những ý tưởng ấy. Về điều này, anh có lần hé lộ về những
phương ngữ mà anh ưa dùng, đó là những từ ngữ rất Huế, như nhà văn Trần Doãn
Nho ghi nhận trong một bài viết mà tôi có nhắc lúc mở đầu lá thư này, như một
nét rất riêng của nhà văn Hồ Đình Nghiêm mà tôi may mắn được anh chia xẻ về sự
tiếp nhận của người đọc:
“Và
đồ rằng chỉ có người cùng quê răng ri rứa mới dễ cảm thông.(…) Trước đây, thời
anh Hồ Trường An còn làm tổng thư ký cho tờ báo Làng Văn, đã từng viết thư động
viên, xúi giục nên giữ giọng văn, phương ngữ của Huế. Qua Văn Học của anh Nguyễn
Mộng Giác, anh ấy nói: Mỗi miền có một nét đáng yêu riêng, nhưng bạn cứ mang địa
phương tính như vậy thì e mất đi cái dàn trải thuộc tính văn chương.”(3)
Theo
tôi thì các truyện ngắn của Hồ Đình Nghiêm trong “Mùi Hương Trên Đồi” có
chút chút chữ dùng rất Huế nhưng không nhiều lắm và chắc chắn không làm cho một
người đọc nhà quê già như tôi bị trở ngại vì hồi còn nhỏ khi đến tuổi vào đời
tôi cũng ưa lang thang đây đó, nên tôi có nhiều dịp tiếp cận với giọng nói của
bà con nhiều miền đất khác biệt. Chẳng hạn tôi nghe được giọng nói của bà con
Quy Nhơn, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quang Trị, Nha Trang và dĩ nhiên có
dân sông Hương núi Ngự của anh nữa. Tôi nghĩ ở chừng mực nào đó, nhà văn không
thể không dùng những từ ngữ của nơi mình được sanh ra và lớn lên nhưng tác giả
cũng không nên quên mình đang viết cho lớp người đọc của nhiều miền khác của đất
nước mình nữa. Tôi rất thông cảm về những chữ dùng mang tính địa phương ấy vì
chính tôi khi ngồi ghi lại những mùa màng ngày cũ thuộc vùng quê tôi thì những
từ ngữ nơi ấy dân quê tôi thường dùng là những chữ dùng mà tôi nghĩ bắt buộc phải
dùng; vì nếu không, những công việc ruộng đồng nơi làng quê tôi nó mất đi phần
nào cái nét rất riêng mà phổ quát của nghề rẫy bái ruộng nương nơi miền sông nước
Cửu Long rồi vậy!
Điều
duy nhứt mà tôi muốn thưa cùng anh ở đây là những gì tôi ghi lại chỉ là những
chuyện kể, không phải là cốt truyện được nhà văn dựng lên thành truyện, dĩ
nhiên những chuyện kể về các mùa màng ngày cũ ấy nó không mang tính văn chương,
thành ra, phương ngữ là cần. Còn truyện ngắn là sáng tác nên sáng tác thì mang
tính văn chương học thuật, nên phương ngữ mà được tác giả dùng nhiều đôi lúc
làm cho khía cạnh văn chương bị phương ngữ phần nào che lấp phần chiếu sáng của
nó.
Theo
tôi, người đọc muốn lãnh hội bất cứ một cốt truyện nào do tác giả dựng lên, là
anh ta phải có cái thú đọc truyện. Nếu mình không muốn đọc sách nói chung và đọc
truyện nói riêng, thì sách nào cũng là sách, truyện nào cũng là truyện, không
có sách nào hoặc truyện nào làm mình bỏ cơm bỏ nước mà miệt mài ngồi đọc như
ghiền bao giờ! Riêng tôi, ở chừng mực nào đó tôi tự thấy mình sống thiếu hụt rất
nhiều, không đủ từng trải, khổng đủ chất liệu sống để nhìn ra những mẩu đời
trong truyện ngắn của anh. Nhưng tôi biết cái không khí trong truyện ngắn Hồ
Đình Nghiêm ở truyện nào cũng nhộn nhịp với một cấu trúc chặt chẽ, đa dạng
nhưng gần gũi với đời sống hiện tại nơi mà tác giả lấy làm không khí cho truyện
của mình.
Trong
hầu hết các truyện trong tập truyện “Mùi Hương Trên Đồi”, thú thực, tôi không
phân biệt được giữa thực và hư cấu trong cốt truyện. Tôi nghĩ mình vấp phải
khuyết điểm ấy một phần là do mình chỉ là người đọc bình thường, làm biếng tưởng
tượng và phần khác có lẽ nhờ tài sắp xếp câu chuyện và nhờ cách đối đáp mà tác
giả giúp cho nhân vật dù hư cấu nhưng giống như thật. Còn quang cảnh trong truyện
thì phần nhiều tác giả lấy bối cảnh ngoài Huế với sông Hương, núi Ngự hoặc những
địa danh nào mà có lẽ tác giả có dịp đi qua hoặc sống ở đó nhiều năm.
Thứ
đến là phần quan sát và diễn tả, mà đặc biệt là phần tả cảnh, tôi nhận thấy anh
quan sát rất tỉ-mỉ và lột tả rất chi-li, chính xác. Bởi qua vài nét tả của tác
giả, người đọc nhận ra được cảnh đời ở đó rất ư là rõ ràng như bức tranh được
treo ngay trước mặt. Lấy một ví dụ nhỏ trong truyện Sứ Giả, anh đã tả cảnh gặp
vợ chồng một người nhà giàu muốn nhờ vả nhân vật xưng “tôi” tìm lại đứa con gái
của họ:
“Vài
chiếc ghế xếp bằng gỗ dựng ở một góc, người đàn ông khom lưng lui cui bày biện
ra giữa khoảng sân. Ba ghế cho người, một chiếc dành cho bình trà, ly tách. Buổi
chiều đang thoi thóp ánh tà dương. Trời tím thẫm một chân mây, chỗ tôi ngồi ngó
tới. Yên ả. Những thứ tiếng động ở dưới đường vọng lên nghe không đoán ra xuất
xứ. Gió nhẹ mơn man, chẳng đủ sức làm rung động ít áo quần phơi trên một sợi
giây thép căng ngang tầm mắt tôi. Tôi nhìn thấy chiếc quần lót co quắp, thứ
hàng ny-lông trơn láng và chất liệu ấy có vẻ như dễ bắt ánh sáng. Nó không thể
vừa kích cho người đàn bà đang rót nước kia. Nó nhỏ nhắn và tự thân nó như biết
nói lên: Chủ nhân tôi là một thiếu nữ.”(Sứ giả, trong MHTĐ, trang 94)
Và ở
một đoạn tả cảnh khác nữa khi anh bắt đầu vào truyện:
“Tấm
vải đỏ buông mình nằm dán xuống mặt đường. Những con chữ rời ra, vướng víu trôi
về lỗ thoát nước. Cây lá vật vã và gió dồn đẩy cơn mưa tạt qua, trắng xóa, chập
chùng. Cánh cửa gương nhỏ, chỉ nhìn được một góc phố bên dưới. Cột điện bằng
xi-măng, tấm bảng hiệu “Cửa hàng may mặc Ngọc Nữ” loáng ướt và những tấm
ny-lông oằn xuống trên lề đường vắng bóng người. Ở xa, khuất lấp những ngọn đèn
xanh đỏ mù mờ, mưa xóa bôi dáng đứng thấp cao của dãy nhà gọi là trung tâm
thành phố.” (Mãn Thiên Hoa Vũ, MHTĐ, trang 106)
Ngoài
ra tôi cũng mê cách anh quan sát và tả chân dung từng nhân vật trong các truyện
ngắn của anh, mà nhứt là những nhân vật nữ như cách anh tả chị bạn năm thứ ba
trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế
niên khóa 1973-1974, trong truyện “Dáng Lụa”:
“Chị ấy học năm thứ ba, có nghĩa là phải qua những năm căn bản mới trao cho bạn quyền quyết định chọn ban. Chị ấy học lụa. Tôi chẳng ngạc nhiên vì con người chị là tổng thể những đường nét dịu mềm, mong manh, dễ thẩm thấu, dễ hoen ướt. Tà áo dài, mái tóc đổ xuống ngang lưng, da trắng, năm ngón búp măng và mãi mãi rụt rè khi nhác trông ra tôi. Khép nép, mắc cỡ như thể suốt đời chưa lần nào phải ngồi ăn trưa trước kẻ lạ mặt. Học ban lụa có nhiêu khê không? (…) Giọng nói chị như gió thoảng. Chị ăn xôi bắp, đậu xanh cùng mè rang. Hương vị đó không thể dồn lên thứ mùi dịu ngọt mà mũi tôi đang hít lấy để phân chất. Nó phát ra từ chân tóc chị? Từ cổ chị? Từ ngực chị? Từ thể hình chị? Tự thân, chị là một bức tranh lụa mà dù là danh họa, bạn chẳng thể thêm thắt một nét dư thừa nào cả. Một tác phẩm hoàn chỉnh biết dâng mùi. Hình như sau sơn dầu thì là ban lụa, không mấy ai chọn sơn mài cũng như điêu khắc? Cũng chẳng rõ, lụa có vẻ thích hợp cho nữ phái.” (Dáng Lụa, trang nhà Phố Văn của nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp, ngày 06 tháng 12-2017)
Phải
biết ớn cách quan sát và tả cảnh, tả chân rất nhà nghề của nhà văn Hồ Đình
Nghiêm. Có lẽ đây là một trong những khía cạnh anh đã làm cho người đọc bị lôi
cuốn và mê mệt.
Thưa
anh,
Tôi
xin ghi thêm một khía cạnh nữa mà tôi thấy trong truyện ngắn Hồ Đình Nghiêm, nếu
không nhắc thì dường như còn thiêu-thiếu chút gì. Đó là, tôi nhận ra trong truyện
của anh thấp thoáng những mối tình thoáng qua, nhiều lúc không đi đến đâu,
nhưng vẫn để lại trong lòng các nhân vật trong truyện nhiều kỷ niệm dễ thương
và dĩ nhiên, phần nào đó những cuộc tình hư-hư thực-thực ấy đã để lại trong
lòng bạn đọc một chút bồi hồi, một chút thương cảm cho những mảnh đời trong nhiều
trang sách của tác giả. Và dĩ nhiên, muốn dựng lên những cốt truyện làm người đọc
bồi hồi, thương cảm với những mối tình dù chỉ thoáng qua như vậy không thể xuất
phát từ trái tim khô cằn của một người đọc nhà quê già như tôi, dĩ nhiên rồi!
Phải thế không, anh Hồ Đình Nghiêm?
Trước
khi dứt lời, tôi xin chân thành cảm ơn anh đã cho tôi được đọc nhiều truyện ngắn
của anh mà tôi rất thích và nhân dịp năm 2017 dần trôi qua với những cơn gió
mùa Đông Bắc giá lạnh nơi quê người, tôi xin chân thành cầu chúc anh cùng quý
quyến một Năm Mới 2018 và Tết Mậu Tuất nhiều may mắn, an lành và hạnh phúc.
Thân
kính,
Lương Thư Trung
Lương Thư Trung
Phụ chú:
1/ Học
Thuyết Truyện Ngắn Hiện Đại, Quyển I trong bộ sách biên khảo của Ngu Yên gồm bốn
cuốn dưới tựa sách: Ý Thức Sáng Tác Truyện Ngắn. Học Thuyết, Học Thuật, Văn Học
Truyện Thế kỷ 20 Và 21” do Amazon phát hành năm 2017, trang 388.
2
&3/ Thư anh Hồ Đình Nghiêm, ngày 12-12-2017