Đinh Cường, ĐỐM LỬA CHIỀU ĐỒI NÚI, SƠN DẦU TRÊN BỐ, 30" X 40"
Tiếng
chuông nhà thờ rung lên từng hồi từ phía đồi cao. Gió mang lời chuông đến. Giờ
này cô đang ngồi trong phòng, đánh đàn dương cầm. Bóng cô lặng lẽ trong màu sắc
sậm tối. ánh sáng không đủ soi rõ gương mặt của cô - một gương mặt như Đức
Mẹ... Chỉ thấy một bờ suối tóc đen thẫm, xõa lên bờ vai gầy. Cô Hạ. Cô đánh đàn
hay quá. Cô đánh thêm cho em nghe đi, cô. Môi cô nụ cười bao dung:
"Em
muốn nghe thêm hay sao?"
Bàn tay
cô lại vuốt trên đầu tôi, trìu mến.
"Gió
lọt vào phòng nhiều quá. Tiếng đàn loãng trong tiếng gió. Lại có cả tiếng sóng
nữa. Em đóng cửa phòng cho cô đi."
Tôi
bước về phía khung cửa. Cánh tay yếu đuối của thằng bé cô nhi không đủ sức kéo
vào khung cửa sổ. Gió biển thổi vào lồng lộng. Tôi nghe tiếng sóng gầm đâu đây.
"Gió
nhiều quá cô ơi"
Nhưng
cuối cùng tôi cũng khép lại cánh cửa.
Mười
ngón tay của cô Hạ lướt trên phím. Những nốt bắt đầu nhảy. Những âm thanh bắt
đầu trổi lên dịu dàng. Và bây giờ tôi có thể nhìn rõ đôi mắt của cô. Rồi cô bắt
đầu hát. "Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào..."
Có một
lúc nào đó, tôi nghe đôi má tôi lạnh. Tôi khóc. Cô đã nhắc về một người mẹ mà
tôi và tất cả những đứa bé trong cô nhi viện không được may mắn có được. Nếu có
là bà Tiên trong giấc mơ, nhỏ dùm giọt lệ trên thân phận chúng tôi. Nếu có là
những lời rặp khuôn từ những người đến thăm chúng tôi cùng những đồ chơi hay
lòng bác ái.
Nếu có
là nỗi buồn tủi thân khi nhìn lên bầu trời đêm đầy sao mà mơ một lời mẹ kể về
Tấm Cám... Tôi chùi nước mắt. Rồi tôi bỗng nhiên thấy đôi mắt cô giáo cũng nhòa
nhạt. Thì ra thằng Marốc đã nói với tôi tuần trước. Mẹ cô Hạ đã chết rồi. Chết
ngoài Bắc lận. Tao nghe mấy chị nói như thế. Tự nhiên tôi bước từ từ đến bên
cô. Tôi nhìn lên cô, rồi òa khóc. Không biết tôi khóc cho thân phận cô nhi của
tôi hay nỗi mất mát to lớn của cô giáo tôi.
oOo
Mười
lăm năm sau, thằng học trò của cô Hạ trở lại ngôi trường cũ. Mười lăm năm, có
một điều gì đẫm đầy nước mắt đang len vào trong hồn tôi chiều nay.
Vâng,
tôi đang trở về sau bao ngày lênh đênh lận đận. Dòng đời, xã hội, chiến tranh
đã khiến một thằng bé cô nhi trở thành tên phế nhân này. Đây là một buổi chiều,
một buổi chiều của trăm ngàn buổi chiều của đời tôi. Đây là biển, là sóng, là mặt
trời, là muôn ngàn lời réo gọi từ rặng phi lao, từ những kè đá, những làn gió
lồng lộng ngoài khơi. Đây là sức sống. Tôi khuyên anh hãy tìm về một nơi có
biển. Hy vọng nó có thể phục hồi sức khỏe của anh. Ông bác sĩ trong quân y viện
đã khuyên tôi như thế. Vâng, tôi xin nghe lời bác sĩ. Tôi đã đủ sáng suốt để
nói với ông ta như thế. Bây giờ anh được tự do rồi. Vâng, tự do. Tôi cười lớn
và vất điếu thuốc xuống nền. Tự do sau khi phải trả ở một nơi nào không biết
tên, một cõi sống của thanh niên. Rồi tương lai của tôi, bác sĩ thấy không. Tôi
cười mếu vừa bật lửa que diêm cháy từ từ cho đến tắt. Liệu thần kinh của tôi
còn được thăng bằng không bác sĩ.
Từ bờ
biển, tôi chống gậy lò dò bước vào cổng sau cô nhi viện. Con đường rải đá cuội,
xào xạc dưới gót giày. Những bờ hoa vàng, trở nên sậm hơn trong màu chiều sắp
dứt. Màu tường vôi mới quét, vàng tươi, phân biệt hẳn với màu đỏ tươi của mái
ngói. Ngôi giáo đường năm xưa, ẩn dưới tàn phượng lớn, sum sê. Một đôi vợ chồng
mục sư người ngoại quốc vừa bước qua sân. Trên sân viện, rải rác các em bé với
quần áo đồng phục. Các em bỡ ngỡ nhìn tôi chống gậy bước qua. Làm sao các em
biết thằng bé năm xưa cũng mặc bộ đồng phục như thế, cũng từng sắp hàng như
thế, cũng từng chờ người ta bố thí tình thương như thế. Một em bé đang ngồi ủ
rũ dưới một hành lang bên cạnh là con chó bọc nhung đen. Em đang nhìn đám trẻ
chơi đùa trên sân cát.
Tôi
bước đến, ngồi bên em. Sóng biển vọng về như một bản đàn buồn bã. Hàng dừa cao
ở hai bên đường dẫn về ngôi nhà thờ như cúi đầu cầu nguyện. Và căn phòng của cô
Hạ khuất sau giàn hoa giấy đỏ. Tất cả như không hề thay đổi. Tất cả như sống
lại trong hồn tôi một chiều sắp tắt.
Và
trong giây phút ấy, tiếng dương cầm nổi lên, lướt thướt trong gió. Tôi nhắm
mắt. Lại một bản nhạc xưa. Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào... Mê lực
nào như mời gọi tôi chống gậy lê về phía tiếng đàn. Phía trong căn phòng, qua
khung cửa sổ, tôi nhìn thấy một người đàn bà, mập mờ trong bóng chiều tàn úa.
Tôi kêu lên: "Cô Hạ ơi, cô Hạ ơi. Em trở về thăm cô đây..."
Nhưng
tôi chỉ thấy một người, một bóng người cũng nên, đang cúi đầu xuống, bất động
như một thây ma. Tôi la lên dồn dập: Cô Hạ ơi, cô Hạ ơi...
TRẦN HOÀI THƯ