Saturday, December 16, 2017

266. Truyện ngắn TRẦN HOÀI THƯ Chi Ming Wang

Ảnh minh họa - Nguồn: tameera.com


Tôi trở lại trường với cặp mắt mờ và một trí nhớ hao mòn qua năm tháng. Tìm lại một chỗ ngồi, nhìn lại chiếc bản xanh, và nghe lại những lời giảng của giáo sư, sống lại cùng một thế giới đã mất. Điều đó khiến tôi bồi hồi cảm động. Nhưng cớ sao tôi lại cảm thấy bơ vơ lạc lõng vô cùng. Hình như mắt tôi cay. Tôi cũng không hiểu nổi. Hay bởi cặp mắt yếu của tôi đã điều tiết quá nhiều. Không đâu. Thế giới vẫn là thế giới xưa. Những trang giấy vừa lật ra. Thêm một chương mới vừa bắt đầu, và thêm một ngày nữa cho một cuộc hành trình không bao giờ ngưng nghỉ. Cũng lớp học ở lầu hai. Cũng những bàn những ghế. Cũng lò sưởi bên khung cửa sổ. Cũng một hoàng hôn trên dòng Hudson. Cũng vài gương mặt của khóa học trước. Phải rồi. Tôi biết. Một người nào đã bỏ đi. Và thêm một thân thiết nhất vừa vuột mất. Như thể một cơn mơ. Như thể một làn hương quý. Như một giây mà cả trăm năm.

Làm sao tôi có thể quên được cơn mơ ấy. Như thể hôm qua, cũng những hàng dẻ, hàng sồi mùa thu lá vàng phủ ngập sân trường. Cũng vẫn một dòng sông vào hoàng hôn, với những đàn chim biển đậu dưới bến cảng. Cũng vẫn thành phố Nữu Ước bên kia bờ, với chập chùng mái lầu, và muôn con mắt điện màu rực rỡ. Từ phía Manhattan, Chinatown, Broadway, Queen. Cũng vẫn hai tòa lầu chọc trời Twin Towers ở phía phải, và tòa Empire State Building chót vót ở trung tâm thành phố.

Năm nào cũng vậy. Mùa thu về đúng hẹn. Đám mây trên sông bàng bạc như mong manh cho một hơi thở của ngày. Và xa hơn, sườn cầu Pulaski mờ sẫm. Và sông nước còn gượng chút ráng chiều. Chim biển trắng phau gọi nhau náo loạn. Mây mời gọi. Sông cũng mời gọi. Mây và sông chở lại một kinh thành. Huế. Người sinh viên cũ năm nào đã từng đứng yên trên hành lang văn khoa, để nhìn con sông vào hoàng hôn. Người con gái ở phía cạnh cũng nhìn xuống con đường Lê Lợi. Mái tóc chảy lai láng bờ vai. Dáng dấp thì hao gầy. Không ngờ, nơi ấy đã trở thành một hoài niệm. Sau mấy mươi năm giờ đây tôi lại gặp lại một lần. Một thời. Bỏ quên những mệt lả của miếng cơm manh áo. Những bánh xe lăn của thời gian. Những cuống cuồng trong một thế giới kỹ thuật và máy móc. Bỏ quên tôi với đôi mắt yếu mờ, vầng trán nhăn, mái tóc sắp bạc cả đầu. Bỏ quên tay sinh viên già đang đến trường tranh đua cùng tuổi trẻ. Người sinh viên già cô đơn giữa lớp học. Sách vở làm sao xóa đi nỗi buồn. Bạn bè, đồng đội, người thân yêu, những vết cằn của chiến tranh, tù tội, vượt biển. Sách vở mở mang kiến thức nhưng sách vở càng mệt mỏi giữa chốn hồng trần. Con tính đã trở thành khó khăn. Những beta, gamma, những limit, Markov chains sao mà nhớ cho hết. Lời giảng của vị thầy đã rơi vào một bộ óc quá đầy, quá cặn. Người sinh viên già cố trừng con mắt, căng thẳng chiếc tai còn sót lại. Người sinh viên không cười không nói, không ai hàn huyên thăm hỏi. Dòng chữ viết trên trang giấy run rẩy hơn, vì tuổi đời hay vì sợi gân tay đã liệt. Gắng lên con hỡi! Học phí này hãng đài thọ một trăm phần trăm. Một môn học trên dưới hai ngàn đô la. Gắng lên con. Mày chưa phải là già. Con tim mày vẫn xôn xao, con mắt mày vẫn còn tham lam ham hố. Gắng lên con! Cái việc, cái nhà, chiếc xe, học phí cho con. Gắng, để tên sinh viên già đến trường mỗi tuần hai buổi, vượt xa lộ, qua đồi núi, gần hai tiếng đồng hồ. Ngày tuyết cũng như ngày mưa. Ngày đoàn xe kẹt không sao nhúc nhích trước khi vào hầm Holland hay êm ả lăn những vòng xe, qua phi trường Newark, nhớ về phi trường Qui Nhơn. Ngày tìm gì cho tâm hồn thôi bâng khuâng xào xạc khi mùa thu lá cứ tiếp tục rụng đầy trên sân trường.

Mùa học vẫn như thường lệ. Giờ đầu tiên, ông giáo sư viết trên bản vài hàng về chương trình, thi cử. Lớp học khoảng mười lăm người. Hai da vàng. Ba bốn Ấn Độ. Và còn lại là da trắng. Ông giáo sư trẻ, phát âm giọng Anh, áo quần xốc xếch, đầu tóc rối bù. Hay ông ta lập dị. Ông muốn chứng tỏ ông là một nhà toán học đúng điệu. Hay Toán học đã làm thay đổi bản chất con người. Ông cũng chẳng cần giới thiệu ông cho đám sinh viên. Ông bắt đầu ngay bài giảng. Lại bắt đầu một cuộc chạy đua. Tai căng. Mắt điều tiết. Những hàng chữ nhỏ mờ trên giấy trên bản. Câu hỏi. Câu trả lời. Chiều đã nhường cho bóng đêm. Lúc này không còn thao thức, nhớ nhung, dằn vặt, âu lo, tính toán. Lúc này, biến số trở thành lời giải. Giả thiết trở thành kết luận. Lúc này những ký hiệu trở thành linh động, dẫn đưa đến bến bờ kiến thức. Rồi mười phút nghỉ. Xếp qua sự đuổi bắt. Người sinh viên già đứng dậy, tựa vào cửa sổ. Dòng Hudson lấp lánh những ánh đèn từ những chiếc tàu đêm. Trên bờ xa, là cả một Nữu Ước rực rỡ như một khối đá kim cương vĩ đại của địa cầu. Tôi đã nhìn thành phố biết bao lần, nhưng mỗi lần đôi mắt tôi càng thêm no nê trước triệu ức ánh đèn đan kết phản ánh trên đáy nước, hay mờ ẩn trong sương mù. Cả một Nữu Ước ban ngày cuống cuồng hối hả bây giờ đã biến thành một hòn đảo linh động bừng rộ hoa đăng...
Nàng đến bên cạnh tôi, cùng nhìn xuống dòng Hudson. Mái tóc nàng hớt ngắn. Gương mặt nàng thanh tú. Đôi mắt sáng đầy thông minh. Nàng chào tôi, và tôi chào lại. Nàng hỏi tôi:
- Ông là sinh viên du học?
- Không, tôi ở Mỹ, mười năm.
- Ông đến từ nước nào?
- Việt Nam.
- Ô, Việt Nam. Tôi nghe nói nhiều về Việt Nam. Bắc hay Nam Việt Nam hở ông?
- Thì ra cô biết Việt Nam có hai miền.
- Vâng. Tôi biết Việt Nam có chiến tranh. Rồi Bắc Việt Nam chiếm đóng Nam Việt Nam. Rồi cả triệu người vượt biển. Như vậy ông cũng là một người vượt biển.
Tôi cảm động. Thì ra nàng hiểu một phần nào lịch sử của đất nước tôi, về một cuộc chiến tranh tương tàn trong mấy mươi năm.
- Tôi đến từ miền Nam. Còn cô? Xin lỗi, Đài Loan hay Hoa Lục?
- Tôi đến từ Hoa Lục.
- Cô là sinh viên du học?
- Vâng.
Tôi ngần ngại. Hình như có một khoảng cách vô hình ngăn chia giữa tôi và nàng. Có lẽ đầu óc tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi lịch sử. Nhưng nàng đã nói một câu mà tôi không thể tin nổi:
 - Việt Nam và Trung Quốc đều có nỗi bất hạnh chung.
Tôi thật sự xúc động. Thì ra chúng tôi cũng vẫn có cùng chung cảnh ngộ. Việt Nam, Trung Quốc, Liên Sô, Cao Miên, Cuba, và các nước Đông Âu.
Tôi nhìn thẳng mắt nàng rồi nói:
 - Vâng. Cả hai.
Lớp học tiếp tục trở lại. Lại những lời giảng khô khan. Lại những gương mặt đăm đăm nhìn lên bản. Gió từ sông thổi vào phòng, gây gây lạnh. Lòng tôi nao nao. Ước gì tóc còn xanh và mắt còn no nê tuổi trẻ. Gương mặt của người thiếu nữ Trung quốc vẫn còn chập chờn. ánh đèn neon làm gương mặt nàng sáng láng. ễ đấy tôi tìm ra cả một tuổi thanh xuân cùng sự say đắm lẫn cả sự thao thức của tuổi trẻ. Tôi cũng từng là một người trẻ như nàng mấy mươi năm về trước.

Từ đấy, tình bạn giữa tôi và nàng trở nên thân thiết. Tôi biết rõ hơn về nàng. Nàng nguyên là giáo sư phụ khảo về Toán Học ở Đại Học Thượng Hải. Vì vậy, tôi không ngạc nhiên khi thấy trình độ về Toán Học của nàng vượt hẳn lên mọi người. Bên cạnh tôi, nàng chỉ nhìn lên bản, ít khi ghi chép. Đôi khi nàng nhắc giáo sư về một công thức thiếu sót hay về một lời giải không được hoàn chỉnh, để ông thầy phải cám ơn rối rít. Còn tôi thì sao? Bài giảng buồn đến muốn khóc. Đến chừng nấy tuổi đời, sách vở đâu có ích gì, trong khi bạn bè hiểu lầm tôi bị sa vào cái vòng cơm áo. Trí óc tôi chỉ lênh đênh những áng mây hoài niệm. Cơm áo. Ngày xưa tôi bất cần, từng ngủ trên mui xe đò ở bến An Đông, hay dùng lau cỏ làm nệm trong những ngày tù tội. Ngày xưa tôi cũng đã từng ăn cơm chỉ xì dầu nước tương trong quán cơm chay tại đường Phan thanh Giản. Nhưng bây giờ, guồng máy bóp tôi, bắt tôi nghẹt thở. Cơm áo, áo cơm, bằng cấp, học lực. Nghề nghiệp phải luôn luôn trau dồi. Dừng lại có nghĩa là đầu hàng. Ngày xưa tôi viết văn. Bây giờ tôi làm toán. May mà tôi còn có một người bạn gái. Người thiếu nữ mà tôi gọi là Rose de Chine. Nàng bắt tôi phải đến lớp sớm và nấn ná khi lớp học tan. Nàng làm tôi phải lái xe mất hai tiếng đồng hồ, mỗi tuần hai buổi, mà không còn nghĩ đến những dặm dài hay những đoàn xe bị kẹt trên cầu Pulaski nữa. Tôi như thể một tên tình si. Mong được đến lớp, để được ngồi cạnh nhau, để trao ngỏ vu vơ, hay để cùng nhau nhìn ra bóng đêm, xuống dòng Hudson và cả thành phố Nữu Ước. Chúng tôi đã nói về Ami Tan, nhà văn nữ người Mỹ gốc Trung Hoa, về lối hành văn giản dị, nhẹ nhàng nhưng cay đắng của bà. Chúng tôi cũng kể về đời sống Mỹ, với những thực tế bi thảm mà người di dân gặp phải. Từ văn hóa đến tập quán. Từ truyền thống đến di sản. Từ sự xung đột giữa thế hệ già và thế hệ trẻ. Vợ và chồng. Cha mẹ và con cái. Có những người già mang nỗi buồn héo hắt trong bốn bức tường. Họ là người tù chung thân không hơn không kém. Tại sao? Chi Ming Wang rất thông minh để giải thích:
- Tất cả đều bắt nguồn từ truyền thống tự do. Chính vì truyền thống ấy mà đất Mỹ mới hiện diện trên quả địa cầu. Tự do đã biến nước Mỹ thành một nước hùng mạnh. Nhưng tự do một khi không kèm với luân lý, đạo đức thì quả rất nguy hiểm...
Tôi đồng ý với những nhận xét của người bạn gái Trung Hoa. Và chúng tôi kể về những ước mơ. Về Trung Quốc. Về Việt Nam. Chỉ có tự do trên căn bản đạo đức mới không tiếp tục bánh xe băng hoại của Tây Phương, mới mang Trung Quốc và Việt Nam hùng mạnh cùng năm châu thế giới. Với tôi, một ngày Việt Nam không còn sống trong hãi sợ; ngu dốt, kiêu căng không còn thống trị; một ngày nhân phẩm con người được tôn trọng. Với nàng, một ngày người dân Trung Quốc vùng dậy đòi lại quyền làm người. Nàng lạc quan, đôi mắt ngời sáng.
- Ông Trần à, bây giờ Trung Quốc đã ý thức thế nào là dân chủ, và quyền được làm người. Khắp nơi, từ đại học đến nhà máy, các phong trào đòi lại quyền tự do và dân chủ đã bành trướng và lớn mạnh.
 Tôi thì bi quan:
- Nhưng những người cộng sản sẽ không từ bỏ bất cứ một hành động nào để duy trì chế độ. Họ đã đổ bao nhiêu công sức để tạo dựng chế độ, tất nhiên họ sẽ cố mà bảo vệ. Cho dù họ có giết hàng triệu người.
Nàng không đồng ý:
- Trung Quốc sẽ dũng cảm để đứng dậy. Rồi ông Trần sẽ thấy. Có những chuyển biến mà lịch sử sẽ phải ghi đậm.
Chúng tôi đã nói với nhau bao đề tài. Có khi vu vơ như một ngày mưa ngày nắng. Có khi sôi nổi như đề tài chính trị. Có khi trẻ con như hai đứa học trò tiểu học, lười biếng nhìn thời gian trôi qua mà ngỡ như cả thế kỷ. Đôi khi chúng tôi cùng ngồi trong thư viện, cùng nhau giải chung một bài toán khó. Mái tóc ngắn và đen mượt tựa mun của nàng choáng ngợp lấy đôi mắt mệt mỏi của tôi. Nàng quả là một sinh viên ưu tú, cộng thêm cái kinh nghiệm dạy học của nàng. Trung Quốc vẫn được tiếng đứng nhất nhì thế giới về toán học. Có lần tôi hỏi nàng:
- Chi Ming Wang, toán học quá khô khan, tại sao cô lại chọn toán?
 Nàng ngừng suy nghĩ, trán hơi nhăn, và đôi mắt ngời sáng như đôi mắt sóc:
- Như vậy toán học chỉ dành cho đàn ông hay sao, hở ông?
- Nhưng toán chỉ là những lý luận cứng ngắc, không một chút gì tình cảm. Với một người có con tim như cô, tôi thật ngạc nhiên.
 - Vậy tôi có nhiều tình cảm lắm sao? Ông lầm rồi, ông Trần. Tim tôi là một khối sắt.
Tôi cười chịu thua. ễ vào cái tuổi sắp bước vào năm mươi như tôi, được một người bạn gái Đông phương, vừa tinh nghịch, vừa say đắm, vừa dạt dào tình cảm, và nhiệt thành tuổi trẻ, thì quả là hạnh phúc lắm rồi. Chúng tôi tìm đến nhau không một mảy may xác thịt. Chúng tôi như hai người lớn, cùng trở lại kiếp học trò đã mất từ lâu.

Cuối cùng, ngày thi cuối khóa lại đến. Mùa thu đã sắp tàn. Khuôn viên trường đầy ngập lá vàng. Hôm nào, những nhánh cây che ngang khung cửa lớp ngày nào còn màu xanh, bây giờ đã trơ trụi in trên nền trời bàng bạc màu xám trắng. Dòng Hudson chìm trong một vùng trời hắt hiu xa vắng, ít còn thấy ráng đỏ. Trong khuôn viên, bức tượng bằng đồng vẫn nhìn xuống dòng sông, nhưng màu hình như sẫm tối hơn mọi ngày. Hôm nào, những cơn gió gây gây chớm thu nay đã nghe hơi rét lạnh. Bãi sân trường đã không còn thấy những trận thể thao. Sinh viên bắt đầu vào thư viện, bên những chồng sách vở. Giờ thư viện cũng được thay đổi. 24 trên 24.
Tôi và Chi Ming Wang cũng là những người trong đám sinh viên ấy. Nàng là sinh viên fulltime (toàn phần), lấy đến bốn môn cho cả khóa học. Vì thế, nàng phải bù đầu vào sách vở hơn tôi nhiều. Tuy vậy chúng tôi vẫn còn có thì giờ để gặp nhau, cùng kéo nhau xuống phố, để tìm một nhà hàng. Đây là Hoboken, quê hương của Frank Sinatra, một thành phố nghệ sĩ như cái tên của người ca sĩ Mỹ. Từ những con đường hai bên xe đậu nghẹt lối. Từ những quán cà phê lộ thiên. Từ những dãy lầu mái ngói đỏ sẫm. Từ những đàn bồ câu không sợ bóng người. Chúng tôi theo đường Sinatra, xuống đường Broad. Chúng tôi tìm một quán Pizza. Chúng tôi gọi và ăn hối hả. Tôi nghe mãi tiếng cười khúc khích của nàng khi nàng nhìn những cọng bánh còn vướng trên miệng tôi. Tôi vẫn còn nhớ đến hàm răng đều và trắng khi nàng cắn lấy miếng pizza vàng ngậy. Sau đó, chúng tôi trở lại con đường Sinatra. Tôi đi cạnh nàng. Nàng trở nên bé nhỏ trong chiếc áo dạ đen. Mái tóc nàng còn đọng những hạt mưa còn sót lại trên cành cây. Tôi nhắm mắt ước con đường dài vô tận.
Nhưng thời gian đã không bao giờ dừng lại. Con đường mang tên Sinatra cũng không dài vô tận. Buổi chiều trước giờ thi cuối khóa, tôi gặp lại nàng trên hành lang. Nàng trao tôi cái Resumé của nàng:
- Ông Trần. Ông có thể giúp tôi tìm một công việc tại hãng ông được không? Tôi muốn ở lại Mỹ. ít ra ở đây vẫn có cơ hội để tôi tiến lên. Đây là cái resumé của tôi. Ông có thể tùy nghi thay đổi.
Tôi gật đầu. Tôi nhìn đăm đăm vào gương mặt thanh tú. Tôi nghĩ tôi sẽ cố gắng hết mình để còn được gần gũi với nàng. Tôi mong có phép lạ để cứu lấy nàng. Trăm người sinh viên du học, chắc trăm người đều muốn ở lại. Tôi cố gắng an ủi nàng:
 - Tôi tin rằng hãng tôi rất cần những chuyên gia toán học. Bởi toán gia bây giờ rất khan hiếm.
Nàng nói, một lần nữa, đầy khẩn cầu:
- Nhờ ông cố gắng giúp đỡ tôi. Tôi muốn ở lại Mỹ. Tôi sợ phải trở lại cùng Trung quốc.
Giờ thi xong, tôi và nàng thả bộ xuống bờ sông. Đêm đầy sao chi chít. Thành phố bên kia sông bừng lên với muôn ngàn ánh đèn rực rỡ. Quên đi hai tiếng đồng hồ cho một bài thi ác nghiệt. Quên đi cái gương mặt như thám tử của ông thầy. Hãy sống cùng giờ phút vĩnh cửu. Đừng nghĩ đến hôm qua, cũng đừng nghĩ đến ngày mai. Như giòng sông này, cứ ngàn đời yên lặng, bên sự thay đổi của con người, của Nữu Ước, của nền văn minh kỹ thuật. Gió lùa ngọn tóc của người con gái. Aịnh điện neon nhiều nến làm đôi mắt nàng lung linh. Rose de Chine. Bản nhạc xa vắng nào nghe vọng lại, như từ kiếp nào. Nàng Trung Hoa xinh... Nàng không nói gì. Và tôi cũng vậy. Bởi chúng tôi có thật nhiều điều đáng gìn giữ hơn là những lời vu vơ. Bởi lúc này con tim tôi đang nói nhiều quá. Làm sao tôi có thể có một phép lạ để giữ nàng bên tôi mãi mãi.

Trở lại hãng, tôi giúp nàng sửa lại tờ Resumé. Tôi nắn nót từng hàng, từng chữ. Chưa bao giờ tôi lại để tâm vào một việc làm như lúc này. Rồi in ra, rồi đọc lại, rồi không bằng lòng, rồi viết lại. Chi Ming Wang ơi, tôi run sợ để nghĩ về một lần sa ngã. Tôi đang mềm yếu để nghĩ đến một nụ hôn, một lần gục đầu, một lần cắn bầm da thịt. Tại sao gặp mặt rồi lại chia tay? Tại sao gót chân ai một hôm nào đạp lên khu vườn già nua cũ mục? Sau đó, tôi in thành nhiều bản, một mặt gởi về địa chỉ của nàng, một mặt gởi đến một vài người quen. Và chờ đợi.

Một người nguyên là cựu nhóm trưởng trong những năm đầu tôi làm việc, đồng ý phỏng vấn nàng. Tôi quá đỗi vui mừng, gọi điện thoại cho nàng. Nhưng điện thoại đã bị cắt. Tôi lái xe tìm đến căn phòng tạm trú của nàng nhưng nàng không còn ở đấy nữa. Người ở phòng bên cạnh cho tôi biết nàng đã trở lại Trung Quốc.
Một tháng sau, tôi nhận được tờ thư đầu tiên của người bạn gái. Trong thơ, nàng viết về một Trung Quốc mới, về phong trào nổi dậy đòi hỏi tự do và dân chủ của sinh viên, thợ thuyền, trí thức. Nàng còn chép gởi tặng cho tôi bài thơ của nàng, được dịch sang tiếng Anh: Từ những con đường hầm không thấy ánh sáng mặt trời. Từ những tường thành ngàn năm cằn tiếng nấc. Từ những quảng trường chỉ biết những lời tung hô lên không trung. Từ những đám mây chưa bao giờ được bay về biển. Chúng ta tụ hội về quảng trường. Thiên an môn. Thiên an môn của tương lai hy vọng. Thiên an môn của tuổi trẻ lên đường...Hầm sẽ gặp lại ánh sáng! Tường thành sẽ được phá đập cho sự thật phơi bày! Gió sẽ góp lại thành bão! Thiên an môn!
Tôi muốn rưng rưng nước mắt. Thì ra tôi đã hiểu tại sao nàng lại chọn con đường trở về. Tôi đã hiểu tại sao có người lại dám bỏ tất cả, giàu sang, địa vị, danh vọng để sống cho lý tưởng của mình.
Và cuối cùng, tôi đã ngồi bao ngày bao đêm trước màn ảnh truyền hình. Nhịp tim Trung Quốc chính là nhịp tim của tôi. Nhịp tim ấy đang chuyển động khắp lục địa và chuyển thức cả địa cầu. Tôi ngưỡng mộ những rừng người tuổi trẻ đang ngồi trên quảng trường, đang ùn ùn đổ về thành lũy của đảng. Cuối cùng sự thật cũng phơi bầy. Như bài thơ của người bạn gái của tôi.
Nhưng âm binh đã biến cả quảng trường thành một biển máu. Thiên An Môn. Thế giới òa khóc vì Thiên An Môn. Thế giới kinh hoàng vì Thiên An Môn. Đêm ma trơi quỉ rú. Đêm man rợ âm hồn. Đêm xé tan tấm thân mềm mại của những người con gái. Đêm xe tăng nghiến những xác người thanh niên.

Bây giờ, lâu lắm tôi chưa nhận được một lá thư của Chi Ming Wang. Một khóa học nữa lại bắt đầu. Và một lần nữa tôi lại trở về cùng ngôi trường bên dòng sông Hudson. Dòng sông vẫn muôn đời như thế. Vẫn những đám mây trắng bàng bạc. Vẫn những con chim biển gọi chiều về. Vẫn hàng cây lá bắt đầu nhuộm vàng. Vẫn một hoàng hôn trên thành phố Nữu Ước. Nhưng người xưa, bây giờ ở đâu? Chỉ còn lại tôi với nỗi chờ đợi ở bến sông này. 

TRẦN HOÀI THƯ