Nancy, người thiếu nữ tóc
vàng, đôi mắt xanh màu da trời mùa hạ. Nancy của những năm tháng, ngồi bên kia
phòng làm việc, làm mỗi buổi sáng ông phải uống thêm một cốc cà phê để nhấp
thêm những niềm vui nho nhỏ. Nancy của những buổi mai, đứng dựa vào khung cửa
kính, để nắng vàng làm lung linh trên gương mắt xinh đẹp lạ thường. Nancy của
những buổi trưa, giờ ăn, ngồi trước mặt trong cafeteria, để ông phải say thêm
hai bờ môi xinh. Và Nancy của những buổi chiều về muộn, cùng nhau bù đầu về một
dự án chưa được giải quyết, để ông hiểu thêm về những cam khổ chia nhau… Nancy
của những ngày đầu tiên để ông dìu dẫn, từ một dự án dễ đến dự án khó, giúp
nàng tự tin cùng thế giới gọi là cổ trắng IT. Nancy với tiếng cười rộn ràng khi
ông kể những câu chuyện khôi hài, để ông thấy lại niềm vui tuổi trẻ. Cũng căn
phòng này ông thấy nàng mỗi ngày, bên kia bên này, bờ vai thon mềm, tấm lưng
cúi trên bàn làm việc, hay những lúc nàng say mê trước những game trên màn ảnh
computer. Nancy với mỗi buổi sáng khi bước vào phòng, ông càng nhận ra chiếc áo
mới, chiếc quần mới, mái tóc vừa cắt, và sau đó là những lời khoe của nàng. Và
Nancy với những ngày thứ sáu, cùng những dự tính cho cuối tuần cùng những lời
chúc mừng. Nancy và ông đã có biết bao nhiêu kỷ niệm trong suốt sáu năm trời như
thế. Như vậy, làm sao nàng lại bỏ đi một cách đành đoạn, tàn nhẫn, chẳng nói cả
một lời từ biệt với ông như thế này. Tại sao? Vâng, ông biết. Bởi vì xã hội này
khuyến khích họ như vậy. Hãy chụp bắt những cơ hội. Hãy nhìn về tương lai, bỏ
quên quá khứ. Đừng bận tâm về tiếng trung thành. Đừng hàng ngũ. Đừng kỷ niệm. Xứ
sở này chỉ biết tranh đấu. Để tự tồn.
Ông đứng áp mặt vào khung
cửa kính. Dưới kia là bãi đậu xe mênh mông, sau đó là xa lộ 287, dập dìu xe cộ.
Cánh rừng sau đó, một màu xanh thẫm bạt trùng. Đàn ngỗng trời đậm cánh đen thẫm
giữa bầu trời trắng sữa. Trời ơi, ngay cả con vật vẫn còn biết dìu dắt nhau,
nương cậy nhau, tìm đàn, tìm đồng loại. Còn ông, như một kẻ lẻ loi nhất của thế
giới này. Ông đã mất bạn bè, đồng đội, hàng ngũ. Ông đã mất đất nước quê hương.
May mà chỉ còn mỗi một Nancy để bầu bạn, thì bây giờ nàng lại bỏ ông. Không hiểu
sao, ông thầm thì: Nancy, I miss you.
Hôm
nay, ngày đầu tuần, ngày mà cả bọn thường hay kể những trận football đại học
hay football chuyên nghiệp vào ngày thứ bảy hay chúa nhật hôm trước, từng người
một đã vào phòng sếp lớn, để nhận phong thơ. Ai cũng biết những gì sắp sửa.
Tương lai có vẻ u ám. Nhà. Xe. Bảo hiểm. Tiền học phí cho con. Mất việc có
nghĩa là mất hết.
Cả
hành lang bây giờ vắng tênh, chẳng một tiếng nói cười như thường lệ. Họ chắc
cũng như ông đang ngồi trước bàn viết với những câu hỏi. Chắc họ sẽ cân nhắc,
đo lường, tính toán, và đôi khi mong mỏi những thằng bạn của họ sẽ trở thành những
kẻ không may mắn. Chắc họ sẽ mong ước, bạn bè của họ mới là nạn nhân. Vâng, mười
năm nay, ông đã chứng kiến bao nhiêu người bỏ đi, và bao nhiêu người được đổi đến.
Ông cũng đã dự biết bao nhiêu buổi tiệc từ giã, đã ký trên nhiêu tấm “cạc” chúc
mừng, đã bắt tay bao nhiêu người không quên nói may mắn. Quả thật vậy không?
Trong một bài học gì đó mà ông không thể nhớ tên, bà giảng sư nói rằng trung
bình trong đời của một người Mỹ đã có đến 20 lần thay đổi nghề, và đã bị nhiều
người phản đối. Ông không đồng ý với bà ta bởi vì mười năm nay ông vẫn có mỗi một
công việc này để bám trụ. Nhưng ông đồng ý với bà, ở lời giải thích, rằng đừng
nghĩ là mình trở nên quan trọng hay cần thiết cho tổ chức. Đừng dậm chân tại chỗ.
Phải lợi dụng cơ hội để tiến lên. Sẵn sàng rời bỏ hãng không cần bịn rịn. Đến
đây, ông nhớ ra rồi, ông có hỏi bà ta như vậy làm sao nhân viên thợ thuyền lại
sống chết cho hãng. Làm sao mỗi người trở nên một công cụ sản xuất đắc lực? Đám
học viên nhìn ông có lẽ nghĩ ông là tay ngốc nhất thế gian này. Vâng, ông đã ngốc
rồi. Ông sẽ không bao giờ hỏi những câu hỏi như thế nữa đâu. Ông cũng biết rồi
đây, không ngạc nhiên, thêm vài người nữa bỏ đi. Và thêm vài phòng trống trải
trơ trọi, còn sót lại tấm bảng tên gắn ngoài tấm vách chắn. Rồi mọi thứ vẫn
quen thuộc. Không kỷ niệm. Không vui, không buồn. Không tình nghĩa. Không đồng
đội. Không luyến lưu.
Tờ
báo ngày đang nằm trên bàn. Ông đọc lướt trang đầu. Một tin có vẻ khôi hài
nhưng cay đắng được đăng bằng tiêu đề lớn. Môt vụ đuổi bắt trên con đường liên
bang 95 giữa nhân viên công lực và một tay lái xe truck liều lĩnh. Và cuối cùng
tay tài xế đầu hàng sau khi cảnh sát hứa sẽ cho một ổ sandwich cùng thuốc lá.
Lý lịch của tên trộm xe này là một kẻ vô gia cư, nguyên là một computer
programmer bị thất nghiệp và bị vợ bỏ. Ông đọc và nghẹn. Sự thật quả như vậy
sao? Làm gì lại bi thảm đến độ phải ăn trộm cả xe truck, và sau đó phải thúc thủ
bằng một miếng bánh mì và một điếu thuốc. Thì ra, áo cơm vẫn là một thảm kịch.
Nó đã biến con người trở nên một tù nhân. Một tù nhân không có nhà tù.
oOo
Những
ngày cuối năm trôi qua quá ảm đạm. Những chuẩn bị quen thuộc cho một mùa Lễ,
mùa Chúc Tụng đã không còn nữa. Vắng đi những viền kim tuyến, những chậu hoa
màu đỏ, những cây thông xanh, hay cả những lời chúc tụng rộn ràng. Vắng đi cái
bầu không khí xôn xao từ tiếng nhạc Noel quen thuộc. Vắng đi hình ảnh của những
chiếc thiệp Giáng Sinh được treo la liệt trên vách phòng hay những tiếng còi hú
rộn ràng từ con tàu xe lửa mà ông già Bill hằng năm mang đến để giúp vui trong
dịp Noel. Liệu những kẻ mang danh IT giống như những ốc đã rỉ, những bộ máy đã
cũ, những ngôn ngữ điện toán đã bị đào thải như assembler, machine language,
hay như những cái chip đã bỏ vào sọt rác như cái chip 8086 xa xưa. Cơm áo. Ông
cắn răng không dám nghĩ, nhưng phải nghĩ. Cả nước Mỹ, mọi đài truyền hình, mọi
báo chí đều nhắc nhở đến vụ layoff khủng khiếp, bằng những tin tức hàng đầu.
Stock tăng lên vùn vụt. Một đằng vỗ tay vui mừng và một đằng đau theo vết cứa.
Đó là business. Đó là nước Mỹ. Vua chúa không phải là tổng thống, thống đốc, bí
thư mà là boss. Chỉ có boss mới cho nhà cao cửa rộng, xe đẹp, con học trường tốt.
Boss mà không muốn thì tất cả mất hết.
oOo
Buổi
chiều, ông trở lại nhà. Có nên nói về phong bì và cái ân huệ của hãng cho vợ
ông hay là nín câm. Mùa thu đã sắp tàn, trên những lớp lá khô càng lúc càng phủ
đầy sân nhà. Mở nắp thùng thơ. Một phong bì gởi từ quê nhà. Hà Tiên. Chữ viết mềm.
Mở ra. Thư của người nào, thoáng gặp trong cuộc đời. Mắt nhắm lại, ông biết
lòng ông đang chạnh lại.
Lá
thư như thế này:
Ông
ơi, ông còn nhớ ngày xưa, ông và bạn bè ông ra bờ sông ở chợ Tròn vác gạo hay
không? Hôm ấy ông nhờ tôi cất dùm bài thơ ông làm trong trại cải tạo. Sau đó,
tôi không còn biết tin tức của ông ở đâu nữa. Bây giờ biết ông đang ở xứ Mỹ,
tôi rất vui mừng mà không còn bâng khuâng nữa. Đây là bài thơ ông viết cách đây
mười tám năm, tôi xin gởi hoàn về chủ của nó:
Người
em Chợ Tròn
Chuyến
đò nào đưa em về trong mưa
Tôi mang đôi mắt em theo
dòng kinh xám
Tôi nói một mình, tôi chỉ
còn em
Chỉ còn em, có nghĩa là
lòng tôi nhỏ lệ
Ừ thì đò đưa người xa khuất
rừng lau
Rồi tôi sẽ về cùng đầm dạ
trạch
Em còn mang cho tôi chiếc
khăn sọc rằn
Vướng thêm sợi tóc dài bỏ
sót
Sợi tóc mấy năm em làm
tình nhân
Khi em theo tôi một thời lận
đận
Khi nhớ nhung theo con nước
đầu sông
Khi đêm ngày viết đầy những
trang nhật ký
Khi yêu tôi, em trở thành
thua lỗ
Bắt chước ca dao, hái nụ
khổ đau
oOo
Mắt
ông cay nồng. Thì ra giữa lúc ông đang mệt lả cùng miếng cơm manh áo, giữa cõi
người, nơi mà tự do, dân chủ, giàu sang thịnh vượng được ca ngợi là bậc nhất
hoàn cầu, nhưng ông vẫn không thể tìm ra một cõi tình nghĩa chân thật, nỗi ân cần
dịu dàng như ông đã gặp trên quê hương ông. Ở đó là con tim, như con tim của một
người con gái nào đã âm thầm theo ông qua giòng lận đận và mãi đến bây giờ. Ở
đó, trong cõi hoạn nạn chập chùng, dù sao ông cũng còn vẫn tìm được nụ hoa quý.
Hạnh phúc là gì. Nếu không phải bên ta có những đôi mắt theo ta, cảm thông với
ta, vui buồn vì ta? Hạnh phúc là gì khi bên đời ta vẫn còn có những người vì ta
mà hy sinh, chịu đựng, hái nụ khổ đau?
Trang
giấy ngày xưa dù vàng ối, cũ mèm, chữ của ông cũng vậy, cũng nghiêng ngửa trong
hơi thở hụt hẫng và sợ hãi âu lo nhưng nó vẫn còn được giữ gìn qua bao nhiêu chập
chùng của lịch sử. Chỉ có ông là quá đỗi vô tình. Ông đã quên những nụ bông
tươi đẹp nhất, quý giá nhất, để chạy đuổi theo đến mê mệt, hụt hơi hai tiếng áo
cơm này đến buồn muốn khóc.
Trần Hoài
Thư