Giữ
Thơm Quê Mẹ (GTQM) là một tập san văn nghệ ra hàng tháng do Lá Bối xuất bản.
Số 1 phát hành tháng 7 năm 1965. Số cuối cùng tháng 12 phát hành tháng 6
năm 1966. Từ số 1 đến số 8 nhà thơ Hoài Khanh coi sóc. Từ số 9 đến số cuối cùng
( số 12), nhà thơ Trụ Vũ thay thế nhà thơ Hoài Khanh.
Ra đời vào lúc cuộc chiến leo thang, với những trận
đánh qui mô diện địa, lúc mà nỗi bất an ve vuốt mọi người mọi lứa tuổi, lúc mà
xã hội bị rung bật gốc vì sự có mặt của quân đội đồng minh, GTQM đã được đón nhận
với tất cả thiện cảm của một số người, độc giả lẫn văn hữu. Bởi nó đã ít ra
cũng đáp ứng phần nào niềm khao khát và ước mơ của người dân là mong chiến
tranh được sớm chấm dứt..,
Khác với các tạp chí khác, ở số đầu thường có Thư
Tòa soạn viết về chủ trương, đường hướng của tạp chí, nhưng ở đây,
GTQM thì không có thông lệ này. Tuy vậy, người đọc cũng biết ngay nó một
tạp chí văn chương nghệ thuật có đường hướng dựa vào tư tưởng Phật giáo,
chống chiến tranh một cách tích cực, mà linh hồn tờ báo là Nhất Hạnh.
Bút danh Nhất Hạnh có mặt thường xuyên trên hầu hết
các số báo. Từ thơ đến văn. Từ tâm bút đến luận thuyết hay tiểu luận.
Hai tiểu luận dài là Nẽo
về của ý và Nói
với tuổi 20 được đăng nhiều kỳ.
Số xuân Bính Ngọ (7-9) là số báo hùng
hậu nhất với sự góp mặt của Nguyễn Hiến Lê, Nhất Hạnh, Võ Hồng, Kim Tuấn,
Vũ Đình Lưu, An Châu Lan, Ruth Jhabvala, Tuấn Huy, Vương Hồng Sển, Quế Thanh,
Chín, Hằng Hà sa, Thành Tôn, Đinh Cường, Sơn Nam, Viên Linh, Cao Trúc Vũ, Hải
Triều, Dương Nghiễm Mậu, Hồ Hữu Tường, Phạm Duy, Uyên Hà, Lưu Nghi, Thái Tú Hạp,
Lạc Hà, Vương Pển Liêm, Phạm Công Thiện, , Chinh Văn, Nguyễn Phan Thịnh, Nguyễn
Kim Phượng, Định Giang, Hà Nguyên Thạch, Hoài Khanh...
Những
tác giả có bài thường xuyên nhất là Nhất Hạnh rồi đến Chín (truyện ngắn), Thành
Tôn (thơ), Hoài Khanh (thơ), Trụ Vũ (thơ), Tam Ích (thời sự văn học), Hồ Hữu Tường
(Tạp văn), Võ Hồng (truyện), Chinh Ba (truyện), Dương Nghiễm Mậu (truyện)…
Riêng
về nhạc, có tất cả 7 bài Tâm ca của Phạm Duy được đăng trên GTQM.
KHUYNH
HƯỚNG VĂN CHƯƠNG TRONG GTQM
Chống
chiến tranh, đề cao tư tưởng Phật giáo.
Khác với tạp chí Văn Nghệ có mặt trước đó hai năm với
chủ trương văn chương phải đấu tranh, phải gia nhập, luôn luôn cảnh báo về cái
hiểm họa Cộng Sản thì ngược lại GTQM đã quay 180 độ về cái nhìn về cuộc chiến.
Trên GTQM số 12, dưới tiêu đề “Tất cả trái tim chúng tôi đều hướng về họ”, - một
bài viết về chính trị duy nhất trên GTQM- tác giả Phi Chiến nói rõ hơn về
lập trường của GTQM:
“...không
phải chúng tôi sẵn sàng mở cửa vào miền Nam Việt Nam này, không phải là chúng
tôi bỏ cuộc tranh đấu chống lại sự xâm nhập của Cộng Sản. Nhưng chúng tôi có đường
lối chống Cộng của chúng tôi, khác hẳn với đường lối của người Mỹ.
“Đạo Phật đại từ đại bi vẫn
có đại hùng đại lực để ngăn chận tất cả những chủ nghĩa ngoại lai không có gốc
rễ trong dân tộc.Và đạo Phật sẽ có đủ đức độ đem tình thương phủ lên sắt thép.”
Quan niệm “đem tình thương phủ lên sắt thép” được
tìm thấy trên một số thơ văn đăng trên GTQM. Khi thì bàng bạc, khi thì đậm nét.
Không còn “tụi Cộng Sản đang đe dọa chúng ta. Chúng muốn gì đây ? “ như
nhà văn Dương Nghiễm Mậu đã cảnh báo trên Văn Nghệ, mà là con quái vật không
hình không dạng là “ chiến tranh”. Chưa bao giờ chiến tranh bị kết án,
nguyền rủa, oán trách thậm tệ như thế. Làm như chiến tranh là một bạo chúa có
thật, không hơn không kém.
Đợi cho đến khi có bài tâm ca số 7 của Phạm
Duy ra đời, thấy ghi trên mục lục của GTQM số 7 nhưng trang ruột thì
không, thì con quái vật kia mới được mô tả cặn kẻ:
Kẻ
thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với
ai ?
Kẻ thù ta tên nó là gian
ác
Kẻ thù ta tên nó là vô
lương
Tên nó là hận thù
Tên nó là một lũ ma (thế
thì)
Kẻ
thù ta đâu có phải là người
Giết
người đi thì ta ở với ai ?
Kẻ thù ta mang áo mầu chủ
nghĩa
Kẻ
thù ta mang lá bài tự do
Mang
cái vỏ thật to
Mang
cái rổ danh từ
Mang
cái mầm chia rẽ chúng ta (thế thì)
…….
Bài hát như một kinh nhật tụng của một số người trẻ
trí thức hay học sinh sinh viên bấy giờ. Mỗi lần hội thảo, biểu tình, hay họp
hành, thì các tham dự viên cùng vỗ tay cùng đồng ca: Kẻ
thù ta đâu có phải là người/Giết người đi thì ta ở với ai... Những bài tâm ca ấy cọng vào nhạc Trinh
Công Sơn, đã ít nhiều gây những hoang mang ngờ vực, chán chường chiến tranh
không ít thì nhiều. Vậng, kẻ thù ta đâu có phải là người...Giết người đi thì ta
ở với ai ? Việt Cọng cũng là người, vậy giết Việt Cọng thì ở với ai ?
Nhiều người kết tội Nhất Hạnh đã tiếp tay với kẻ
thù khi ông làm làm tờ GTQM. Thật sự ông không có một bài văn bài thơ nào hô
hào cổ xúy cho việc buông súng hay xé hay đốt lệnh gọi động viên như ở Mỹ. Lúc
ông làm tờ GTQM cũng là lúc Đoàn thanh niên phụng sự xã hội ra đời.Ông muốn tuổi
trẻ thay vì “đốt tuổi” nên làm những công việc hữu ích cho tha nhân. Nói với tuổi hai mươi đã
chứng minh được điều đó. Chỉ có Phạm Duy với mười bài tâm ca do Lá bối xuất bản
vào tháng 10-65, mới là “giết người đi thì ta ở với ai”. Và chỉ có những số sau
đó, thơ văn phản chiến mới thật sự ló mặt trên GTQM.
GTQM
VÀ THƠ VĂN PHẢN CHIẾN
THƠ
GTQM số đầu không thấy một bài văn hay bài thơ nào
có tính cách chống chiến tranh. Nó không có tuyên ngôn, quan điểm, lập trường
đình đám. Nếu có chăng, chỉ có bài thơ Chỗ đứng của Nhất Hạnh ỡ
trang đầu tiên như xác định chỗ đứng của tạp chí:
quê
hương tôi là đây
chỉ có dòng sông, hàng
cau, vườn chuối;
mặt đất dù mang đầy
cát bụi
nhưng trăng sao vẫn đẹp những
đêm rằm.
Đấy, đâu có gì đụng chạm đến phản chiến hay
chống chiến tranh hay chống Mỹ cứu nước đâu. Nó chỉ là tập họp bài viết của
những tác giả quen thuộc bấy giờ như Nhất Hạnh, Phạm Công Thiện, Thành Tôn, Bùi
Giáng, Hoài Khanh, Võ Hồng, Sơn Nam, Phạm Duy, An Di, Kim Tuấn, Chín, Tam Ích,
Dương Nghiển Mậu, Nguyễn Đức Sơn, Bình Nguyên Lộc…
Mãi đến sau khi 10 bài tâm ca của Phạm Duy được Lá
Bối phát hành vào tháng 10-65, thì thơ văn chống chiến tranh kêu gọi
xóa bỏ hận thù bắt đầu bừng rộ trên những trang giấy:
cho con tôi được tiếng ru đưa đường
chỉ cần những tiếng ru
thương
“công
cha như núi Thái Sơn”… ngọt ngào
là
con thấy được trời cao
là
con thấy được đường nào con đi
(Trụ Vũ. Tiếng Mẹ. GTQM số 9)
Hay:
cho đêm bừng đóa mặt trời
cho thân thể mẹ qua rồi đớn đau
cho em tiếng hát ngọt ngào
cho
vùng suy tưởng chở vào giấc thương
cho
chim hoa bướm mùa xuân
cho
lời kinh kệ tan cơn oán thù
cho
tàn binh lửa đôi bờ
cho
cành dương nước cam lồ vô biên
(Thái
Tú Hạp – Lời buồn treo cao. GTQM số 7)
hay
Trong bóng đêm
Địa cầu quê hương tôi đã mòn mỏi trông chờ
Giờ mầu nhiệm để Vô Biên hé mở
Cho bóng tối tan đi với niềm lo sợ
Cho hội Long Hoa về
Để pháp âm tiếp nối bằng lời ca tiếng hát em thơ
Đêm nay xin mười phương trăng sao chứng minh
Cho địa cầu quê hương dâng lời cầu nguyện
Cho Việt Nam khói lửa
Cho Việt Nam điêu linh
Cho Việt Nam quằn quại đắm chìm trong máu lệ
Sớm vùng dậy trong đau thương thế kỷ
(Nhất Hạnh, đêm cầu nguyện. GTQM số 7)
Hay :
Tiếng
khóc mẹ bay lên làm nỗi nhớ
theo khói hương rợp nấm cỏ
thanh xuân
cha nằm xuống tan tành cơn
súng nổ
trên quê hương cuộc chiến
thấm loang dần…
(Thành Tôn, mùa xuân nói xuống. GTQM số 7)
Có tác giả biểu lộ thái độ phản
chiến một cách nhẹ nhàng, có người thì hằn học, chua chát, khi thì phẩn nộ:
- Thưa anh Việt Cộng là gì ?
- Mày còn nhỏ không cần biết.
Hãy lo học đi.
- Anh đã giết bao nhiêu VC thưa
anh ?
- Làm sao tao biết. Biết gì chuyện
giết người.
- VC có dữ lắm không ?
VC có giống người Việt Nam không
?
- Thằng nhỏ hãy câm mồm
Tắt đèn đi ngủ
Để tao nghỉ sáng mai lên đường.
- VC ốm lắm phải không anh ?
Tại sao lại có VC
Tại sao lại đánh nhau hả anh ?
- Thằng nhỏ, hãy im nghe không
Đừng hỏi mà tao khóc
Đừng nhắc mà tao điên
Sáng mai tao còn lên đường…
(Thái Luân: đối
thoại đêm 1953,
GTQM số 12)
Cả bài thơ trên là một tiếng kêu
thống thiết của một nhà thơ trẻ quân nhân về một cuộc chiến nồi da xáo thịt mà
chàng không chấp nhận, nhưng chàng không còn cách gì khác là phải tham dự.
Phản chiến ở đây là do Chúa do Phật do “nhân chi sơ tính bản thiện” chứ
không phải do chàng đâu. Chàng vẫn lên đường ra mặt trận mà. Chàng vẫn cầm súng
gát lúc 3 giờ sáng mà:
Bây giờ ba giờ sáng
sương xuống đầy trên vai
anh đứng ghìm tay súng
nghĩ
nhiều về tương lai
về
cuộc chiến tranh này
còn
lâu lắm em ơi !
…..
bây giờ 3 giờ sáng
đêm đen, vô cùng đen…
(Đynh Trầm Ca, Phiên gát, GTQM số
11)
VĂN:
Về
lảnh vực Văn tạp chí GTQM là nơi mà các tác giả như: Nhất Hạnh, Chín, Chinh Ba
có đất tốt để gieo trồng những mầm hạt văn chương của mình.
Một Yên Chi (bút hiệu cũ của Nhất Hạnh) tác giả
truyện ngắn Ảo
Tượng từng đăng trên tạp chí
Văn Nghệ vào năm 1962 nhưng phải đợi đến lúc nó được thay thế bởi bút danh là
Nhất Hạnh, người đọc mới nhắc nhở nhiều đến Ảo Tượng.
Ai cũng biết Nhất Hạnh là người xuất gia mang áo
nâu/xám sòng, đầu cạo tóc. Nhưng ở GTQM, ông là mẫu người khủng khiếp lắm. Ông
lăn xả vào con đường hành động. Ông viết
Nói với tuổi hai mươi để cổ xúy
cho đường lối tu hành mới của ông. Đó là thái độ dấn than tích cực:
“
Hình ảnh của con sông Cửu Long cuồn cuộn chảy là hình ảnh của những cuộc đời sẵn
sàng lăn xả vào hành động. Hành động, phải hành động dũng cảm. Phải sẵn sàng đối
phó. Phải trào lên, phải dâng cao. Phải xăn cao hai tay áo, đi vào cuộc sống một
cách tích cực ....”
(trích từ bút ký Bến Tre, GTQM số 2, trang
21)
Tác giả Chín tức Cao Ngọc Phượng là người có bài
thường xuyên đều đặn. Chúng là những ghi nhận dưới con mắt của một người
du học có bằng cấp cao về nước để tham gia vào những công tác thiện nguyện.
Cái nhìn ấy là nỗi đau xót của tác giả trước những người dân quê mộc mạc, nghèo
khó, ít học, nhiều mê tín. “Làm sao niềm tin vừa chớm nở trong anh đủ sức khiến
anh bớt khổ đau và tuyệt vọng đây?” (Anh Tư Lo. Số 2)
Nhà văn tôi nghĩ nổi bật nhất trên GTQM là Chinh Ba
mà truyện ngắn Bài Thơ trên xương cụt là một trong số những truyện hay nhất tôi
được đọc.
Tôi nhớ trước khi thực hiện Bô Văn Miền Nam trong
thời chiến, tôi gởi điên thư đến một số thân hữu với câu hỏi: “Bạn còn nhớ bài
văn nào vẫn còn mang dấu ấn đến bây giờ?” Nhà văn Nguyễn Lệ Uyên thì cho biết:
“Thư từ Tuy Hòa của Cảnh Cửu”. Còn nhà văn Nguyên Minh trả lời là truyện: “Bài
thơ trên Xương Cụt của Chinh Ba (1)” được đăng trên Giữ Thơm Quê Mẹ.
Xin
được trích ra đây một đoạn hơi dài để giải thích tại sao lại có “bài thơ trên
xương cụt”:
“Lão
nằm, ngẫm nghĩ, cười sằng sặc một mình rồi trổ miếng đòn bí hiểm đó ra:
“Em
Út nè! Đâu, em trịch cái quần anh xuống một chút thử coi có cái gì, hà hà hà…”
Thật là một câu lỗ mãng và tục tĩu mà chỉ có Ba Lò
Heo mới thốt lên được một cách tự nhiên như vậy! Út Lệ im lặng, sự im lặng có
nghĩa như một tiếng khóc nấc.
Lão
Ba nói:
“Em
thấy chưa? Ở trên chỗ xương cụt đó, thằng bảy Kền làm riêng bài thơ tặng anh. Học
thuộc đi rồi hát cho anh nghe. Đừng có lôi thôi gì nữa hết.”
Út
Lệ vẫn im lặng. Bây giờ sự im lặng đọng lại thành một giọt nước trong khoé mắt tôi.
Bên
kia vách, hình như men rượu đã ngấm đều vào máu Ba Lò Heo, lão rút con dao phay
liếc rổn rảng trên vành lu.
“Đọc,
tao biểu mầy đọc, không đọc thì bay đầu!’
Út
Lệ nghẹn ngào, đọc đi đọc lại bài thơ nằm ở chỗ kém sạch sẽ đó.
Trong
đời tôi, tôi đọc thơ cũng khá nhiều, tôi nghe người ta ngâm thơ cũng bộn, nhưng
tôi chỉ biết có một bài thơ làm cho người đọc phải vừa đọc vừa khóc vì tủi nhục,
ấy là bài thơ trên xương cụt của Ba Lò Heo.
Hẳn
có vị tò mò muốn biết bài thơ ấy hay ho như thế nào! Lúc đầu tôi đã toan ghi nó
ra đây, nhưng e làm thế thì vô lễ với độc giả quá, nên lại thôi. Tuy vậy, nếu
giấu đi cái phần độc đáo của bài thơ thì cũng tủi cho tác giả đã dùng một thứ kỹ
thuật tân kỳ để làm cho những dục vọng của Ba Lò Heo được tẩm quất đều đều qua
từng câu từng chữ. Những dục vọng ấy chỉ súc tích trong những hạng người thường
ngứa ngáy chỗ xương cụt, mà không muốn tự mình gãi cho mình.
Nếu
nói một cách khôi hài thì Ba Lò Heo đã định nghĩa văn nghệ là sự tẩm quất dục vọng
hoặc là sự làm-đã-ngứa chỗ xương cụt; nên lão đã đặt cơ sở nền văn nghệ trên
chiếc xương cụt của lão.
Nghệ
sĩ Út Lệ không đồng ý như vậy, nên qua ngày hôm sau, thừa lúc lão Ba đi vắng,
chị bồng đứa con riêng, bỏ nhà ra đi.”
Đó
là một truyện ngắn duy nhất trên GTQM viết về sự hà khắc, ngu dốt của những kẻ
lảnh dạo văn hóa bấy giờ. Nhưng nó vượt thời gian và không gian. Nó đúng cho
hôm qua và bây giờ.
Một nhà văn có bài đăng nhiều trên GTQM là nhà văn
Dương Nghiễm Mậu với những truyện: Khí hậu pháo xiết (số 1) , Mỗi người (số 4),
Kẻ nuôi máu (số 6), Thư viết từ một xóm quê (số 7 & 8). Các truyên này
không hề đá động gì đến cuộc chiến hay suy nghĩ về cuộc chiến – đề tài sở trường
và quen thuộc của ông.
Tôi không hiểu tại sao ông lại chọn GTQM để mà gởi
trao những đứa con tinh thần của ông, trong khi ông đã từng cảnh báo về hiểm họa
Cọng Sản trên tạp chí Văn Nghệ trước đó 3 năm. Hay là ông đã mất niềm tin
?
Mặc dù chỉ 12 số ngắn ngủi nhưng GTQM đã tạo nên một
hiện tượng trong nền văn học miền Nam bấy giờ. Đó là việc lấy tư tưởng Phật
giáo để giải quyết chiến tranh, cổ xúy cho một cuộc đấu tranh “ mang tình
thương để dẹp sắt thép”. Người ta có thể trách cứ GTQM tiếp tay vào sự làm sụp
đổ miền Nam, nhưng xét cho cùng, chính quyền miền Nam vẫn xem chủ trương “lấy
tình thương để xóa bỏ hận thù” làm quốc sách mà. GTQM chỉ là những tuyển tập
văn chương không hơn không kém. Đọc xong có thể bỏ vào tủ sách gia đình hay vất
vào sọt rác. Nhưng có một thứ không thể vất được. Đó là những bài tâm ca của Phạm
Duy. Tôi tự hỏi tại sao chính quyền thời ấy kiểm duyệt bôi đen chữ bom trong
hai chữ bom lửa (truyện Đóa sen vàng của Chinh Ba), thì tại saovẫn cho phép 10
bài tâm ca được xuất bản, được hát khắp nơi, được thay vào những bài hát chào cờ
hay mặc niệm...: kẻ
thù ta đâu có phải là người. Giết người đi thì ta ở với ai ...
Để bây giờ phải trả bằng một giá quá đắt.
Vậy thì nếu trách thì trách ai đây? GTQM hay là nhạc
sĩ Phạm Duy hay là vì sự lơ là của đám kiểm duyệt bấy giờ ?
(Viết xong ngày 5-12-2017)
__________________________________________
(1) Chinh Ba tên thật Phan tấn Nhựt,
nguyên quán Bảo An, Điện Bàn Quảng Nam, sinh năm 1934.
Các bút danh khác: Phan Phong Chinh, Trọng Cưu,
Thông Mai, Thảo Nguyên, Cước Nguyên, Kiều Mỹ Vân, Hà Thời Đán.Từng cộng tác với
các báo: Nhân Loại, Ngày Mới, Bông Lúa, Mã Thượng (chủ biên), Giữ Thơm Quê Mẹ,
…
Đã học:
Tiểu học: Trường Bảo An
Trung học: Tam Kỳ, Quảng Ngãi
Đại học: Sorbone, Pháp