Snow Sculptures – Source: http://rrfdc.blogspot.com
Quán
“Lông Ngỗng” nằm cuối đường, thẳng góc với con sông đào. Tôi không ngờ là có
khi vác mạng vào làm việc cho Lông Ngỗng, do sở thất nghiệp hối thúc, giới thiệu
đến. Tôi chẳng lạ lùng gì quán này bởi tôi từng xô cửa vào gọi một cốc cà phê.
Hôm ấy tôi tập đi trượt băng trên mặt sông và tháng Hai có những cơn gió cắt da
dễ khiến mình mất hết nhuệ khí. Lạnh buốt, lóng cóng. Không có gì vui thú, ngỡ
như mình đang bị trời hành. Tôi nghĩ vậy nên thay giày, cuốc bộ tìm một chỗ
ngồi ấm cúng. Lông Ngỗng là một địa chỉ thuận tiện lúc ấy.
Sảng
khoái vì uống được cốc cà phê ngon, cái radio dấu mặt đâu đó đang phát ra bản tin
về thứ khi hậu khắc nghiệt chừng muốn bao phủ tỉnh bang. Chuyện thời tiết thì
không có hấp lực khiến tôi phải để tâm, trong lúc này một người con gái luôn di
động sau quầy là thứ đáng để chú ý hơn. Tóc vàng, chiếc áo ấm màu đỏ bó sít sao
và tuồng như mọi ngọn đèn trong quán phải chịu lu mờ khi cô bước chân qua.
Chẳng quá lời nếu ví von thêm, cô ấy là cái máy sưởi luôn tạo luồng nhiệt
lượng, cô mãi xê dịch bởi muốn chia đều hơi ấm ra trong phạm vi chẳng mấy lớn.
Buổi
nọ, hàng cây trồng dọc theo chiều dài con sông đang thay màu lá. Thu về làm
khung cảnh thay đổi ít nhiều. Tôi cầm tờ giấy giới thiệu việc làm miễn cưỡng bỏ
con sông sau lưng để tiến về “Lông Ngỗng”. Định cư ở đây hơn hai mươi năm tôi
chưa từng thấy qua hình dáng thực thụ một con ngỗng nào cả. Lông của nó có thể
trộn lẫn với các loài lông vũ chim chóc khác dùng độn vào trong áo ngự hàn.
Trương phình, ngộ nghĩnh, nhưng chống được giá băng từ Bắc cực tràn về. Chọn
thương hiệu lông ngỗng hẳn chủ nhân có mang ẩn ý. Ông Mark khoảng hơn năm chục tuổi
chỉ han hỏi tôi đôi ba câu và chấm dứt buổi phỏng vấn bỏ túi bằng hai chữ ô-kê.
Gầy, áo quần lấm lem bột mì, ưa chêm tiếng thô tục trong câu nói. Vừa chủ nhân
vừa là người tự mình xắn tay làm tất cả các loại bánh, mặn cũng như ngọt. Ông
nói, trước có con Julie phụ tao, nó mới sinh con, không biết ả có hứng thú đi
làm trở lại hay không? Việc chẳng có gì khó khăn cả, rồi mày sẽ chóng thích
nghi.
Mark
rót cà phê mời tôi, gỡ từ cái khay lớn ra chiếc bánh paté chaud còn nóng. Cả
hai ngồi ở cái bàn đặc biệt nằm sau quầy. Quán chưa có khách, tôi cố nhớ lại
hình ảnh một người con gái tóc vàng mặc chiếc áo đỏ. Có thể nhân vật đó mang
tên Julie, cô vừa đẻ con và tôi sẽ là đứa điền vào chỗ trống. Quán có chiều sâu
được chia làm ba, đằng sau chỗ tôi ngồi là căn phòng có nhiều ngăn kệ đựng đủ
thứ vật dụng liên qua tới việc sản xuất ra bánh, chiếc bàn mặt mi-ca trơn láng
dùng để nặn kem, cái bồn to lớn có hai vòi nước nóng lạnh, kê sát thân là một
tủ lạnh bằng i-nốc to khủng khiếp. Tường vôi tua tủa những cây đinh nhô ra và
móc vào đó những thứ có thể treo mình lên phơi khô. Thấy tôi quan sát, Mark
nói: Đó là gang sơn của mi, còn đất dụng võ của tao nằm ở phía sau. Không muốn
tôi phải tưởng tượng, Mark biểu tôi đi theo để thăm thú. Hơi nóng ở đó ùa tới
đón chào, có ba cái lò nướng cả thảy, đốt bằng gaz. Một cái bàn gỗ dài miên
man, nơi cho Mark tập Judo bằng cách dùng đòn vai để vật từng tảng bột mì
xuống, gần đó là cái máy khuấy bột, những cái xẻn, những cái bay, những con dao
hình thù lạ mắt đứng nằm ngổn ngang ở những nơi Mark thuận tay với tới. Ông chỉ
vào cái bàn, nói kèm với đôi ba từ thô tục, đó là nơi tao có quyền ngủ một giấc
ngắn. Phải ngủ bù giấc trưa vì buổi tối tao luôn mất ngủ. Mark cho hay là bà vợ
sẽ có mặt đôi ba ngày nữa, bả về thăm nhà, quê nằm ở miệt miền Nam nước Pháp.
Mày biết đó, phải người xứ tao mới đủ uy tín để làm bánh ngon chứ bọn ở đây thì
biết cái đếch gì. Tôi đã ăn hết cái bánh nướng nhân thịt băm và ngầm khẳng định
lời Mark chẳng phải vô căn cớ.
Rồi
vợ ông chủ quán thích chửi thề xuất hiện, chuyến thăm nhà hết hạn kỳ còn dây
dưa ghi đậm dấu ấn lên màu da rám nắng biển. Bà bắt tay tôi, tự giới thiệu tên
Marcell. Tao đã nghe Mark kể sơ qua, tao rất vui vì có mày vào làm, những đứa
con gái thường dễ khiến tao nổi doá. Marcell đẫy đà, có da thịt hơn người chồng
xương xẩu. Mỗi ngày bà ta chỉ có uống cà phê, chẳng chất lỏng gì khác và luôn
uống nó với viên thuốc Aspirin. Tôi nghĩ đó là thứ dược liệu giúp bà bớt nói
đi, bà uống nó để mong người chồng khỏi phải bị nhức đầu. Mark rất ngán vợ càm
ràm, vẻ linh hoạt trước đây của ông đã biến mất. Vợ đi nghỉ hè về và bà đã đặt
ông vào lại nề nếp cũ. Một sự lẫn trốn có lý do, bị đẩy lùi vào sau, loay hoay
câm lặng trong vuông phòng luôn hực nóng bởi ba cái lò nướng. Nhưng tôi tin
rằng những tiếng thô tục ông luôn sử dụng không hẳn do người vợ gián tiếp tác
động nên.
Marcell
mang tật nói nhiều, bà hỏi tôi đủ thứ chuyện để thỉnh thoảng chấm câu: Tò mò có
phải là tính xấu không? Tôi thành thật: Bà là chủ, bà có quyền hỏi và tôi thấy
điều đó chẳng mang tới sự lôi thôi. Phải tìm cách gây sinh khí cho cái quán
luôn vắng tiếng động này. Như kiếm tìm đồng minh, bà muốn kéo tôi đứng về phía
bà và càng ngày mũi tôi đã ngửi quen hương nước hoa bà xức ở má, ở cổ. Tôi
chẳng phải hạng nhiều chuyện nhưng một đứa xa nhà, đứa ấy sẵn lòng tâm sự. Tôi
kể cho Marcell nghe là trước đây tôi phụ nấu ăn trong một bệnh viện, đẩy xe
chất đầy mâm có đậy kín nắp, vào thang máy đi trao phần ăn tới mỗi giường bệnh
nhân. Một bữa, phòng 412 trên lầu 4 có người ốm o nằm trùm chăn, khuôn mặt xanh
xao ló ra nhìn tôi: Anh người Việt phải không? Những thức này tôi nuốt không
xuống, ngày nào cũng ngần ấy thứ nhạt nhẽo. Đậu hấp, khoai tây nghiền, trứng gà
luộc… Tôi sẽ mất sức, tôi sẽ chết sớm. Tô bún bò, một bát phở luôn trốn trong
những giấc mơ vụn nát của tôi… Hai hôm sau, vào một ngày chủ nhật, chẳng mấy
khó tôi đã mang tới cho con bệnh đồng hương kia một bát phở nhỏ và tôi yêu cầu
“xin bác hãy ăn trong chùng vụng, càng nhanh càng tốt”. Trôi được ba ngày, ngày
thứ tư bệnh viện kêu đầu tôi lên mắng như tát nước, vi phạm điều lệ, buộc tội
giết người không gươm đao. Tôi bị đuổi việc, tôi tới chiếc giường kia nói lời
giã từ và nhìn ra những giọt nước mắt của ông ta chảy ướt mặt, sũng giọng nói:
Cầu trời phù hộ anh. Tất cả thuốc thang ở cái nhà thương cà chớn này gom lại
không cách gì đong đủ dung lượng thần dược bằng bát phở ân tình kia.
Quán
Lông Ngỗng đóng cửa vào ngày thứ hai mỗi tuần. Một thứ hai nào đó Marcell gọi
điện thoại biểu tôi dắt bà ta đi ăn Phở. Mark ngủ say, ổng là hạng người luôn chê
bai thức ăn kẻ lạ. Marcell nói thế khi đi tới quán ăn. Húp hết bát phở, uống
hết tách cà phê không đường kèm viên thuốc Aspirin, Marcell chùi miệng: Chồng
tôi là một kẻ lạc hậu! Chừng muốn rõ nghĩa thêm, bà nói, thành kiến của Mark sẽ
bị sụp đổ nếu lão ta ăn xong thứ gọi là Pho này. Tôi ngắm khuôn mặt giãn nở của
Marcell, chưa bao giờ tôi có cớ được nhìn sâu bằng lúc này, những vết nhăn ở đó
chỉ là một lưu dấu nhằm nhắc nhở về chân đi của hạng tuổi vượt qua và nó đang
dẫm vào cột mốc của sự hồi xuân. Hương mùi phở dẫu có ngát thơm vẫn chẳng tài
nào lấn át tinh dầu giọt Chanel mãi đọng ở cần cổ trắng muốt kia. Tôi hỏi về cớ
sự cái tên quán. Marcell nói moa chẳng rõ, Mark tự định đoạt lấy, quê hương luỹ
có món paté foie gras de canard nổi tiếng, không chừng có dính dáng tới loài
ngỗng chăng? Tôi kể thời tiểu học, nhiều bữa đã bỏ học vì có đàn ngỗng đứng
chận đường, chúng ưa rượt đuổi bọn con nít để thò cái cổ dài ngoằng ra trước mà
dùng mỏ cắn vào đít. Dĩ nhiên đó là thứ chướng ngại đáng gờm nhất, một nỗi ám
ảnh đồng thời cũng là sự căm hận. Marcell cười to tiếng, moa đâu lạ lùng gì
hình ảnh đó và thú thật nó góp phần làm đẹp một bức tranh quê đầy sinh động,
đầy an lành; sống trong thành phố lòng dạ con người dường như bị thu hẹp lại
giữa bao điều luôn vây khốn, hiểu ý moa nói không? Tôi bắt đầu có cảm tình với
Marcell, sự duyên dáng trong cách bày tỏ một câu chuyện và sau cùng, bà mãi ca
ngợi những món ăn Việt, hợp khẩu tôi quá. Tôi nhìn chiếc nhẫn vàng có nơi bàn
tay Marcell, không dưng nhớ mòn hao tới một cổ tích và tôi thuật lại, ở đất
nước tôi có câu chuyện kể về một người con gái bị gả chồng phương xa, như muốn
đánh dấu lộ trình băng qua cô ta đã thả rơi những chiếc lông ngỗng lui sau.
Marcell ngó tôi bằng đôi mắt xanh chừng đã gạt hết bụi trần bên trong; Lãng mạn
và quả có chút dại khờ. Lông rồi sẽ nhẹ dạt bay phiêu bồng mất dấu, tìm đâu ra
đường về hư ảo, quá mênh mông.
Rồi
tuyết đổ xuống thành phố, lặng lẽ, chuyên cần. Rồi con sông gần quán Lông Ngỗng
đóng băng. Tôi mang patin ra sông làm con nít tập đi. Đừng gượng chống, đừng cố
sức tìm kiếm sự quân bình, hãy buông thả, chớ ngại bị té. Người giỏi trượt băng
đã dạy tôi những điều căn bản tựa thế. Sẽ vấp ngã rồi tự khắc sẽ có lúc thân
bạn sẽ khinh khoái lướt trôi. Chưa đổ mồ hôi, chưa xong bài thể dục, chưa loạng
quạng trên mặt đá trơn láng, tôi nhát thấy bóng một chiếc áo đỏ ngồi trên băng
ghế sát bờ. Đỏ là thứ sắc màu sắp hàng theo cam về độ mạnh khi muốn truyền đi
một tín hiệu. Tù nhân sở dĩ chịu mặc áo màu cam là bởi người cai quản dễ phát
hiện khi anh ta lỡ dại khờ vượt xa cả ba bốn cây số. Chạy trời không khỏi nắng.
Hôm ấy trời không nắng, xám xịt và cái đốm màu đỏ mọc cô quạnh bên tuyết băng
trắng lạnh biến thành một ngọn lửa. Trên đôi chân của người say, sắc đỏ kia
biết phát ra hấp lực kéo tôi về chập choạng. Những sợi tóc vàng rối rắm lòi ra
dưới cái nón len cố chụp thật kín, một khuôn mặt từng thấy qua tới độ quen
thuộc và tôi đã gọi đúng tên cô khi ngồi kề bên. Julie hơi ngỡ ngàng, hơi lúng
túng, hoài nghi làm mắt cô đọng thành một dấu hỏi: Toa là ai, sao biết tên moa?
Chúng ta đã từng gặp qua?
Tôi
cố giữ sự điều hoà trong hơi thở. Trong tất cả mọi bộ môn liên quan tới thể
thao, điều cần thiết nhất là làm chủ được nhịp thở, rối loạn khiến anh chóng
thua. Cái bàn gỗ trải mi-ca trơn bóng, vách sơn màu cà phê sữa, một cái tủ nhỏ
đựng những vật dụng dùng để nặn kem lên mặt bánh. Mặt sau cánh cửa có dán tấm
ảnh một người nhìn xuống hàng chữ “mừng sinh nhật Julie” với những cây nến lung
linh cháy. Tôi làm ở đó đã hơn một năm. Hơn 365 ngày đều thầm lén thấy ra một
dung mạo. Julie không trở lại chỗ ấy sao?
Không
đời nào. Vậy là họ đã kiếm ra người. Và lần này họ thôi tuyển đàn bà con gái.
Bạn biết thêm điều gì về tôi? Họ, bà Marcell nói gì về tôi? Tôi ngó màu áo đỏ,
những kẻ yêu chuộng màu đỏ thường mang sự quyết tâm, cứng rắn, hoặc chẳng mỏi
mệt để đạt mục đích. Một chuyên viên về thời trang may mặc đã đưa ra nhận định:
Tôi lấy làm lạ, cái thành phố quanh năm mùa đông như chốn này tại sao ra đường
ít khi bắt gặp những sắc màu vui tươi. Julie có cứng rắn, có vui tươi? Tôi hoài
nghi tất cả những lượng định. Cái đốm đỏ kề bên tôi đang giữ riêng cho nó sự ủ
rủ, hết phô trương. Tôi nói chậm, nhỏ tiếng: Tôi chỉ biết có mỗi chuyện, ấy là
bạn có thai, nghỉ làm để sinh con, chừng như họ e dè lãng tránh về cái tên
Julie. Khi nói tôi nhìn ra bao quát, chẳng có người nào đẩy xe, chẳng có ai ôm
con mọn giữa nơi lắm gió lạnh như chốn đây. Tuy không nhìn thấy nhưng tôi vẫn
hỏi: Cháu được mấy tháng tuổi rồi? Trai hay gái? Julie moi trong túi áo ra bao
thuốc lá, cô tháo găng và những ngón có tô sơn đen ở mỗi móng tay vừa kẹp lấy
điếu thuốc. Hút không? Tôi cụng đầu vào để đón nhận ngọn lửa bé bỏng luôn chực
tắt. Khói thuốc vẫn luôn kích hoạt, thay thế cho một sự thúc dục, sau khi ủ
chín trong trí não. Một là trầm ngâm hai là nói ra với tính suy. Julie thở mù
luồng khói: Moa đâu có sinh con, moa phá bỏ nó, moa chịu thêm một tổn thất khác
là phải để vuột mất một cuộc tình. Moa ngồi đây vì có cái hẹn với Mark, lão đã
vừa rời đi sau khi trao nốt những đền bù tổn hại mà moa phải trả. Giúp moa giữ
kín chuyện này nhé và bạn làm ơn hãy xé bỏ tấm ảnh dán trong cái tủ ấy
giùm.
Bạn
hứa không? Bạn đang nghĩ gì? Tôi nghĩ tới những con cá đang bơi lội bình thản
dưới mặt nước đóng băng kia. Dòng sông thực sự vẫn luân lưu, vẫn sống thở, vẫn
dấu dưới lòng nó những nhịp đập ấm áp. Tôi từng nghĩ là mình có chịu được, có
sống qua những mùa đông ở chốn này. Chúng ta hãy làm bạn với nhau, bạn nghĩ
sao? Julie trao cho tôi số điện thoại: Ừ, chúng ta là những con cá. Moa thích
ngồi ngoài trời, hoặc đi bộ loanh quanh trong khu phố cổ. Nó dễ chịu hơn là
chúng ta dọ tìm ra địa chỉ của nhau để rồi gặp nhau giữa những vây hãm bức bối
chật chội. Đồng ý không? Nam nữ thọ thọ bất tương thân? Có phải hàm ý ấy được
Julie diễn dịch bằng cách khác? Tôi bắt tay người mặc áo đỏ, người chung nghề,
người tiền nhiệm đã từ bỏ quán Lông Ngỗng. Rời đi mà chẳng biết có rụng một sợi
lông?
Là
cựu nhân công, Julie biết rõ thời khoá biểu của chốn làm việc cũ. Điện thoại ré
lên vào sáng thứ hai. A lô, có thích đi uống cà phê cùng tôi không? Nếu bận thì
hôm khác. Tôi đang ngồi ngáp vặt. Tôi trả lời và nghe tiếng cười của Julie, gần
như thể cô đang đứng ngoài cửa. Julie nói địa điểm, tôi nhìn đồng hồ. OK,
khoảng nửa giờ thì tôi tới, vẫn mặc áo đỏ chứ? Vẫn, tại sao? Tại dễ nhìn nhận,
lâu ngày quá khiến tôi bắt đầu quên dung mạo của Julie. Đùa đấy à? Ừ, chỉ giỡn
chơi thôi, tôi không tài nào quên được, có khi trong giấc ngủ tôi vẫn nhìn thấy
Julie. Lại nói đùa? Lát nữa gặp. Julie gát máy.
Tôi
đi thay áo quần. Trong ngăn tủ, toàn bộ y phục tôi sắm thảy toàn màu xám và
đen. Những bộ sậu như thế sẽ thuận tiện nếu bạn mặc đi dự đám cưới hoặc đám ma.
Cười hay khóc cũng dễ hoà nhập vào mà không ai có thể bắt bẻ. Cái điện thoại
thô kệch với dây nhợ lòng thòng kia cũng bóng màu nhựa đen, nhiệm vụ nó mang là
truyền đi giọng thăm hỏi công ăn việc làm của sở thất nghiệp, của những kẻ lạc
thần hồn gọi nhầm số và sau cùng là giọng của bà chủ Marcell đầm ấm, của Julie
thanh cao. Người thích màu đen, xám hẳn nó cô đơn, thiếu vắng bạn bè? Tiếng
chuông điện thoại chẳng mấy khi reo, thin thít.
Tôi
trao cho Julie tấm ảnh tôi gỡ ra từ chỗ làm, tôi nói: Bạn biểu tôi thủ tiêu nó
nhưng tôi chẳng đành lòng. Julie đón lấy, cô xé nhỏ, vụn vằn. Tôi không thích
nhìn lại dấu vết những ngày cũ. Tôi sẽ đi xa, tôi đến một thành phố khác để tìm
việc và bạn là người cuối cùng gặp mặt tôi. Giọng Julie chừng như bị hụt hơi.
Gió lộng làm lá cờ xanh in bốn bông hoa huệ trắng treo trên toà nhà thị chính
run phần phật.”Que né sous le lys. Je crois sous la rose”. Rồi Julie sẽ mang
đoá hoa hồng chìm trôi. Tôi nói vậy là chìm dưới sâu con sông kia tôi làm con
cá lẻ bạn. Julie vén những sợi tóc vàng mãi bị gió đùa: Tôi sẽ mời cà phê, uống
để khuây đi. Tôi cũng cần tìm sự cứng rắn trước khi lên đường.
Chúng
tôi vào ngồi trong quán cà phê thật nhỏ nhắn, thật vắng tẻ. Nhạc trôi rã rượi,
blue chen cài cùng jazz khiến thời gian chừng như sững lại, thôi vận hành giữa
bốn bức vách treo đầy ảnh đen trắng. Cà phê chẳng ngon có lẽ vị giác hôm nay
trở chứng, y như thứ nước màu nâu đen này luôn có mặt ở những bến xe, bởi tiễn
đưa ai rời đi ắt hẳn người ta nhấm phải vị đắng chát tồn đọng. Một sum vầy thì
đã khác, hon hoan chẳng còn lòng dạ để thưởng thức.
Trước
khi rời ra, Julie trao tay một cái phong bì nhỏ, dán kín. Cô nói, có thể xem là
một món quà, tuỳ ở bạn. Chưa mang găng tay, xúc giác tôi nhận biết sau mặt giấy
là cộm nổi bốn năm viên thuốc, hoặc là thứ hạt giống gì đó sẽ gieo xuống đất
khi xuân về, tuyết tan. Bà Marcell vẫn còn uống Aspirin chứ? Ừ, vẫn còn. Bạn có
muốn thử cho bà ấy uống loại này không?
Đây là thứ thuốc mà lão Mark đã lén cho tôi uống. Và lão đã vật tôi xuống cái bàn dài nằm gần lò nướng. Lão chở tôi về ga tàu điện ngầm, tôi đi xuống đường hầm tựa một đứa mộng du không hay biết điều gì vừa xẩy ra.
Chỉ choáng váng, chỉ say một giấc tủi nhục và biết rõ mình đang nhơ nhuốc. Marcell chỉ mới bốn mươi, Marcell vẫn còn gợi cảm, sức quyến rũ ấy có thể khiến bạn dễ tìm ra sự can đảm và những viên thuốc này, biết đâu làm bà quyến luyến bạn, mang ơn bạn…
Tôi
làm ở Lông Ngỗng gần hai năm. Lương có tăng chút đỉnh, vẫn thường khi nghe
Marcell cằn nhằn Mark về một khoản tiền hao hụt vô cớ, vẫn đòi rủ tôi đi ăn phở
và tôi vẫn đón nhận một hương mùi quen thuộc, không đổi. Tới một khoảng thời
gian nào đó, tác động bởi một nguyên cớ nào đó, Mark nói cùng tôi, không quên
đệm tiếng chửi thề: Mày có từng thắc mắc tại sao bọn tao chẳng có con? Lỗi hoàn
toàn ở phía Marcell, bả bị mắc chứng gì đó buộc phải cắt bỏ buồng trứng. Bả
luôn xốn đau và dần dà đâm lãnh cảm chuyện vợ chồng. Trước, bả đáng yêu, sau
này đâm gắt gỏng. Mỗi năm phải để bả đi về xứ thay đổi không khí mà khi trở lại
vẫn chứng nào tật đó, chẳng nguôi ngoai.
Marcell
vẫn uống Aspirin, hoặc cái lọ kia dùng nguỵ trang để đựng loại dược liệu khác.
Tôi vẫn còn giữ phong thư dán kín của Julie, có khi buồn tay tôi ưa khui mở để
ngó qua mặt ngang mặt dọc những viên thuốc “thần tiên” kia. Tôi đã dằn lòng,
tôi thử mường tượng ra phản ứng của Marcell, cách bà biểu tỏ khi ngấm thuốc,
dật dờ như con cá nằm trên thớt…
Lợi
dụng một bữa hai vợ chồng chủ quán cãi vã lớn tiếng, tôi đi rửa tay rửa mặt và
tôi sửa giọng tuyên bố: Quá mỏi mệt, nghỉ việc. Cơn giận ngút ngàn chưa nguôi
khiến họ chẳng thèm quan hoài tới cái quay lưng của đứa đệ tử trung thành. Tôi
ra đứng ngoài đường, vác mặt trông lên cái bảng hiệu “Lông Ngỗng”. Những bông
tuyết nhẹ bay, hờ hững rồi tan đi, mất dấu. Cả đoạn phố đen đủi những bóng bộ
hành câm lặng sải bước. Tuyệt không có lấy một màu áo đỏ làm ấm lòng. Đơn côi.
Hồ Đình Nghiêm
Tháng 9.2016