Tuesday, November 28, 2017

230. Truyện ngắn ĐẶNG MAI LAN Phòng 111


            
      Ba con số thẳng đứng, nhìn như những chấn song lạnh lẽo im lìm của một khung cửa không bao giờ mở. Những lằn gạch đỏ song song trên một bảng chỉ dẫn lưu thông, báo động một đoạn đường rất nguy hiểm, vì sẽ có những đoàn tàu sắt bất ngờ đi qua… Hoặc như những cái cọc nhọn của một hầm chông, đang chờ những bàn chân bất cẩn dẫm lên. Tất cả gợi lên trong trí Hảo một tổng hợp gồm những bất ổn đe doạ khi nhìn thấy. Ba con số một, phòng một trăm mười một. Cánh cửa đã mở. Hảo đã nhanh nhẹn bước vào, như sợ chậm chân thì phải đi qua từng thứ bất trắc hỗn mang ấy.
Ông ta nói Hảo thông minh, Hảo sẽ không hạnh phúc vì ưu tính này. Hảo nghĩ, sợ còn tệ hơn thế nữa. Cô biết cô là một người đàn bà nhiều tưởng tượng. Mơ mộng hoá, bi thảm hoá và cả khổ nhục hoá những sự kiện xảy đến cho mình. Những điều ấy sẽ làm Hảo khổ sở hơn cái ưu tính kia  tột bực.
-  Em có ân hận không? Tại sao em yêu tôi?
Tiếng nói cất lên như để phá tan sự im lặng tinh tuyền trong một căn phòng khách sạn có hạng, mà mọi tiếng động bên ngoài không thể nào len lỏi vào được. Còn có bao nhiêu điều thú vị hơn để nói với nhau. Hảo không nghĩ là ông ta có thể đặt ra một câu hỏi như thế. Người đàn ông bước vào đời Hảo giữa lúc Hảo đang thất tình, chán đời. Nhưng ông không phải là cái phao mà cô nhìn thấy trong cơn tuyệt vọng, chìm chết. Ông ta đã vai mang một gánh gồng thê tử. Hảo thì chán ghét quá đời sống mình đang có. Cô muốn sống khác hơn. Vả lại, ông ta có vẻ lạ và khác quá so với những người đàn ông Hảo gặp. Ông không dùng những câu nói bóng bẩy, nặng màu triết lý văn chương để tán tỉnh  cô. Ngôn ngữ  của ông giản dị, ngắn gọn, không tầm thường và lắm lúc rất táo bạo sỗ sàng.
- Tôi muốn đi uống cà phê với em, nhưng em nhớ là chỉ có một ly cà phê cho hai chúng ta thôi...Tôi muốn được tan trong em và em phải tan biến trong tôi.
Ông ta dám nói những lời như thế dù chưa cầm được bàn tay của Hảo. Lúc đầu, Hảo thấy thật khó chịu. Câu nói bóng gió lả lơi và cũng có vẻ phàm tục quá. Nếu nó được thốt ra từ một gã đàn ông nào khác, thì chắc Hảo đã đoạn tuyệt không kèn không trống. Nhưng nó lại cất lên từ một người được tiếng là có tư cách, trí thức, bặt thiệp... Điều này đã làm Hảo suy nghĩ khác đi. Kiểu như những trang sức trên người của một kẻ giầu có thì nhất định phải là đồ thật và quý giá. Hoặc cụ thể hơn, người văn chương chữ nghĩa bao giờ lời nói của họ cũng phong phú hàm xúc. Ông ta chẳng đang ở trong giới cầm bút là gì! Đương nhiên Hảo không thể suy luận, biện giải một cách ngờ nghệch như thế. Hảo thấy câu nói ấy có một sự thách thức. Sự thách thức không hẳn để đạt tới mục đích mà có chút gì khôi hài, trêu cợt. Sai hay đúng? Hảo không cần biết. Hảo dẹp hết những tự ái, cô nghĩ là mình phải cần lì lợm hơn một chút. Và bây giờ thì cô đã quen với cái lối nói chuyện mà cô cho là nghịch ngợm, rất thành thật, rất người của ông ta. Cả hai trò chuyện với nhau mỗi ngày bằng điện thoại. Hảo luôn luôn cười khi nghe ông nói và sau đó là một dọc những suy nghĩ đi sau. Hảo thích sự vui vẻ và sâu sắc của ông. Cô bị cuốn hút vào đó. Và Hảo nhận thấy lâu rồi mình thật trẻ con, Cô chỉ vẽ vời đời sống bằng những mơ mộng hão. Cô hay nao lòng, rung động vì những điều phù phiếm đâu đâu…
Câu hỏi thành thật và tầm thường. Phải chăng sự thành thật nào cũng trần trụi tầm thường. Hảo biết, trong quá khứ, ông ta có một đời sống tình ái khá sôi nổi. Ông đã từng hỏi người đàn bà nào như thế chưa hay chỉ riêng một mình Hảo? Hay cách gì với ông ta Hảo cũng chỉ là một con bé lãng mạn, trẻ người non dạ...? Và ông đang bứt rứt băn khoăn vì những cho đi tận cùng của Hảo. Hảo không cảm động vì ý nghĩ này. Hảo tự nguyện bước vào đây. Nếu có ân hận là nơi ông ta chứ không phải Hảo. Bởi vì chưa bao giờ ông ta yêu Hảo cả. Hảo có cảm giác như thế nhưng cô không buồn. Hảo nghĩ đó là một điều bình thường. Những người đàn bà có liên hệ tình cảm với ông ta đều là những người đàn bà đẹp, tăm tiếng. So với họ, Hảo tầm thường quá. Hảo chỉ có tuổi trẻ, và sự tinh tế mẫn cảm. Dù người đàn ông đã nói với cô rằng, đối với ông ta nhục cảm thân xác là điều thứ hai. Phải có điều thứ nhất mới bước sang được điều thứ hai. Hảo tin chuyện đó nhưng Hảo vẫn nghĩ là ông ta chỉ thích mình, chứ không yêu.
Địa vị, danh tiếng của người đàn ông là những điều mà người đàn bà nào cũng mơ ước có được nơi người bạn đời hay người yêu của họ, gọi là nở mày nở mặt với người chung quanh. Ông ta có đủ cả hai điều kiện. Một người Việt Nam có được một chỗ ngồi bề thế trong cơ cấu tổ chức xã hội của người bản xứ, đã là một điều đáng được hãnh diện. Nhưng chức vị Adjoint Maire, Phó Thị trưởng của ông chưa đủ. Cái chân biên tập viên cho một tuần báo Pháp nổi tiếng, mới chính là ánh sáng làm thành thứ hào quang quyến rũ, chiếu sáng đời sống ông ta. Hảo không hiểu chính cô có bị chinh phục, bị choá mắt vì thứ ánh sáng lấp lánh đó hay không?
Hảo quen ông ta mấy tháng trước, trong một buổi đại hội thường niên về triển lãm văn hoá của các hội đoàn, được tổ chức trong tĩnh. Hội văn hoá Việt Nam cũng được mời tham dự, và Hảo được nhờ đến gian hàng triển lãm trong vai trò tiếp tân. Cô phải mặc áo dài và nếu cần thì giải thích những thắc mắc, tìm hiểu về những phẩm vật nghệ thuật  được trưng bày ở đó. Ông ta có mặt bên cạnh vị Thị trưởng cùng phái đoàn đại diện thị xã đến thăm viếng từng gian hàng. Dù đã học thuộc những bài bản… Đại khái như cây đàn ấy tên gì? Những hình ảnh chạm trổ trên bức tranh kia có ý nghĩa như thế nào?... Nhưng không hiểu sao Hảo lại bối rối quá trước một đám đông, toàn đàn ông trong phái đoàn tham dự. Cô lúng túng như một cô học trò không thuộc bài. Hảo nhớ ông ta đã nhìn cô với nụ cười che chở như nói rằng: Đừng lo cô nhỏ, tôi sẽ giúp cô! Và ông ta đã thay Hảo giải thích tất cả những điều thắc mắc của ông Thị trưởng. Cô khâm phục trí tuệ, kiến thức hiểu biết sâu rộng của ông ta, và có lẽ đó mới chính là động lực thúc đẩy Hảo lăn mình, trôi tuột vào đời sống của người đàn ông này dễ dàng, nhanh chóng. Có một lần Hảo nói: Nên xét đoán tư cách tấm lòng của những người đàn ông qua cách ứng xử của họ với bạn bè của họ, chứ không phải với đàn bà. Hảo không màng đến những gì người đàn ông đã mang đến cho Hảo. Ông ta đưa Hảo đến những nơi sang trọng, thanh lịch. Điều đó cũng  không làm Hảo sung sướng hãnh diện. Mà nghĩ như thế thôi chứ với Hảo, tình yêu có hay không? Thật sự cô cũng chưa hiểu rõ lòng mình. Chưa bao giờ Hảo ca cẩm rằng: Thiếu anh lòng em thấy quạnh hiu! Dù cô đã bước vào căn phòng này.
Phải kể thêm rằng ông ta là một người được ngợi khen rất nhiều vì sự thành công trong đời sống công việc. Vì những đức tính tốt trong cách cư xử, tương giao. Và cũng lắm điều thị phi về đời sống tình cảm. Khi nhắc đến tên ông ta mọi điều ấy hiện ra rõ ràng như mở cánh cửa của một lớp học sẽ thấy phấn trắng, bảng đen, bàn ghế gọn gàng ngay ngắn và luôn cả những bụi bậm không thể không có. Nhưng với Hảo, ông ta là một điều bí mật, sự bí mật mà Hảo đang nắm giữ. Bí mật như thế nào ? Hảo không giải thích được. Dường như Hảo đã nắm bắt một chân dung khác sau cái bóng dáng ấy. Một cái gì trái ngược. Một sự buông thả bất cần. Khôi hài nghịch ngợm và lãng mạn nồng nàn ... ẩn sau lớp vỏ cương nghị, mực thước. Nó luôn luôn cho Hảo những cảm giác thích thú khi nghĩ đến. Ông ta có nhiều mối tình, vậy mà Hảo làm như thể không ai biết được bí mật ấy ngoài cô. Nó là của riêng cô. Hảo nâng niu nỗi riêng tư bí ẩn đầy quyến rũ đó. Dĩ nhiên cô giấu kín bưng mọi liên hệ với ông ta. Có trời biết Hảo và ông ta đang ở đây. Hảo biết mình đang phiên lưu một cách dại dột. Hảo thấy đôi chân mình như dài ra, Hảo thấy mình như mọc cánh. Và Hảo nhận ra mình cũng đã già đi từ lúc dấn thân với người đàn ông này.
Hảo tìm bàn tay của người đàn ông. Cô bóp chặt từng ngón tay của ông ta trong lòng bàn tay mình. Như sự níu kéo, bám víu của một đứa trẻ cần một chở che. Cô nói một cách chơn chất, hiền lành. Cách nào thì cô cũng không thể lớn hơn, già dặn hơn cô tưởng.
- Em chỉ hối tiếc đã không còn toàn vẹn để cho anh. Em đã không được gặp anh sớm hơn. Còn tại sao em yêu anh? Có phải anh đang kinh ngạc nhận thấy rằng sao em lại yêu  anh quá, trong khi anh không hề yêu em?... Phải thế không?
-  Em luôn luôn thích đặt những suy nghĩ của mình vào miệng của người khác.
Người đàn ông nói và xoay khuôn mặt của Hảo sát gần khuôn mặt ông ta.
-  Je t'aime!
Hảo dị ứng mấy chữ anh yêu em hoặc em yêu anh. Nó có vẻ kịch làm sao. Nhưng Hảo chịu cái lối tỏ tình bằng ngoại ngữ này. Nghe dễ chịu hơn dù có hơi bày đặt, dỏm dáng. Đây là lần đầu tiên Hảo nghe ông ta nói.  Hảo không mảy may xúc động. Dường như có một giòng máu lạnh chảy qua trái tim hâm hấp nóng, qua con người tràn đầy nữ tính của Hảo. Hảo tưởng như mình là một đứa trẻ vừa được cho một cái kẹo ngọt sau khi đã làm xong một việc tốt. Tuy nhiên cô không thể chịu nổi hấp lực mãnh liệt từ đôi mắt, đôi môi của người đàn ông. Đôi mắt của ông rõ ràng không được đẹp, cái đẹp được nhìn nhận theo một mỹ quan chính xác. Đôi mắt chỉ thu hút đối tượng bởi sự tinh anh, sắc bén và có cái đuôi dài chảy xuống như một vết nhăn. Với đàn bà, vết nhăn này sẽ là một nỗi buồn héo úa. Nhưng nơi người đàn ông đó là một sự quyến rũ. Nó nói lên một cái gì đã chín, đã đạt. Đôi mắt luôn luôn nhìn Hảo cười cợt. Vành môi đẹp đều, đa tình. Và vành môi ấy đang cúi xuống trên khuôn mặt Hảo...
Chỉ là một cúi xuống dịu dàng. Vậy mà như chiếu chăn ấm áp, mơn man ấp ủ nỗi cô đơn thao thiết trong lòng Hảo. Hảo rợn ngợp chìm đắm trong thứ cảm giác được vỗ về, nâng niu. Không hẳn là sự rung cảm gần gũi giữa hai miền thịt da mà là thứ cảm giác tủi buồn, tự lâu rồi mất dấu. Và trong niềm xót xa phủ dụ ấy, có một sức mạnh mơ hồ đã đẩy Hảo vùng lên. Một ngọn đuốc nào nung nóng trong cô, đã bùng cháy rực rỡ trong bóng đêm kỳ diệu bất ngờ vừa đổ xuống. Cô choàng tay ôm xiết vòng lưng người đàn ông. Hảo trở thành một người khác mất rồi. Một kẻ bơ vơ vừa tìm ra nơi nương náu cuối đường… Phăng phăng bước tới với lòng khát khao chiếm hữu.
Và dù có trở thành một người nào thì cái tâm tính của một cô Hảo đầy sắc mắc nghi hoặc vẫn cứ lừng lững ở đó. Hảo tự hỏi: Hình như tôi chỉ thực sự là một người đàn bà khi ở trong vòng tay của người đàn ông này? Tôi chưa bao giờ cùng tận, với ai. Phải chăng đó cũng là một khuôn mặt của tình yêu, không yêu thì không như thế được. Đó, mới chính là vấn đề trăn trở đời sống con người, nó làm đảo lộn mọi giá trị. Và những thảm kịch của đời sống có lẽ đều nằm trong thứ quyền lực mơ hồ tưởng là tầm thường ấy ? Tôi không tin điều đó nhưng những điều tôi hằng tin thì đã sai lạc cả rồi... Je t'aime! Sao tôi lại không hỏi vì sao ông ấy yêu mình. Vì tôi đã đánh động những nhục cảm kỳ bí trong ông. Tôi và ông ta cuối cùng chỉ là sự kết hợp giữa hai thân xác có cùng những mạch mầm rung cảm. Nếu như thế thì thứ tình yêu này tội nghiệp quá, tôi chẳng bao giờ muốn thế!...
Đôi mắt Hảo trống vắng, vô hồn trên khuôn mặt xanh xao, rịn ướt, như tắm đẫm một lớp sương. Người đàn ông nghiêng người, ôm sát cô vào lòng. Ông chỉ nhìn thấy một khuôn mặt chìm đắm mệt mỏi của một tràn ứa, nhưng ông không thấy được nỗi đau đớn ẩn nấp sau sự sung mãn đó.

Cái lạnh làm Hảo choàng tỉnh  nhưng cô không thể rời khỏi giấc ngủ. Hảo buồn ngủ quá. Hai mắt cô vẫn nhắm nhưng bàn tay thì đang tìm chéo mền để kéo lên. Không phải tấm mền mà lại là một tấm drap mỏng. Thảo nào mình lạnh. Mà tại sao mình lại như thế? Hảo cảm thấy ngượng ngùng khi nhận ra mình không có lấy một manh vải trên người. Người đàn ông đang loay hoay làm cái gì đó ở cuối phòng. Căn phòng vẫn chìm trong thứ  tranh tối tranh sáng của ánh đèn hắt ra từ nhà tắm. Hảo muốn nhìn chiếc đồng hồ đêm xem đã mấy giờ? Nhưng chịu, Hảo không nhớ cái đồng hồ ở góc nào. Hảo lạnh và buồn ngủ.
Cô rên rỉ xuýt xoa :
- Anh tắt máy lạnh hộ em, em lạnh quá!
Người đàn ông tiến đến bên cô. Ông kéo tấm drap xuống đến tận đầu gối Hảo. Ông cúi xuống ngắm nhìn thân thể cô. Nhắm mắt, nhưng Hảo vẫn tưởng ra đôi mắt rất tình của ông ta.
- Đừng anh, em thèm ngủ, để em ngủ. Hảo nói trong cơn ngáp dài mệt mỏi.
Người đàn ông bỏ đi ra ngoài, sau khi đã kéo lại tấm drap đắp lên người cho Hảo. Có nhiều tiếng động ngoài hành lang. Có nhiều bước chân đi qua đi lại. Hảo nghe cả tiếng lách cách của những thứ đồ vật kim khí va chạm vào nhau. Thần trí mơ màng, Hảo nghĩ có lẽ là những nhân viên khách sạn đang dọn điểm tâm cho khách trọ khi cô nhướng mắt nhìn thấy một người đàn bà, đang ôm trong hai tay một cái khay nhôm và đang nói gì đó với người đàn ông.
Một lúc sau, người đàn ông quay trở vào với cô, nhưng cánh cửa phòng thì ông ta vẫn để mở toang hoác. Hảo lại phải kêu lên :
- Đóng cửa lại hộ em, ồn quá, em buồn ngủ. Tại sao chúng ta lại bị đánh thức sớm như thế này? Trời chưa sáng mà!
Hảo cứ lập đi lập lại hai chữ buồn ngủ, nhưng xem chừng cô có vẻ tỉnh táo hơn trước. Người đàn ông lại đến gần cô, Hảo tưởng ông sẽ ghé nằm bên cạnh mình. Bây giờ thì Hảo thèm được nằm thu người ấm áp trong hai cánh tay của ông, trong cái lạnh mơn man da thịt, nhưng ông ta chỉ đứng ngắm nghía khuôn mặt Hảo. Ông cười và tát nhẹ vào đôi má của cô.
- Dậy thôi chứ, trễ rồi. Em cao một thước bao nhiêu hở cô nhỏ? Em nhỏ nhắn, trẻ trung và xinh xắn quá.
Ông nói và kéo tấm drap giường xuống. Tấm drap như một trò chơi ma mãnh, kéo lên rồi kéo xuống trong bàn tay đầy xảo thuật của người đàn ông. Hảo chợt rùng mình. Một nỗi gì đó rờn rợn tràn vỡ trên thân thể cô. Tại sao ông ta cứ mãi ngắm nghía mình một cách kỳ cục? Chưa bao giờ Hảo thấy người đàn ông có thái độ kỳ lạ đến thế. Những suy diễn buồn rầu sau cuộc ái ân lại trở về dằn vặt Hảo. Ông ta có bao giờ yêu mình đâu. Tất cả chỉ là nhục dục, thân xác. Mình đang bị lạm dụng đến tận cùng. Hảo thấy đau thắt ruột.  Hảo vừa nhìn ra khuôn mặt của ông ta, một khuôn mặt râu ria lởm chởm. Người đàn ông trí tuệ, đầy cá tính của Hảo đang hiện hình là một lão già tràn đầy dục tính, trân tráo. Đôi mắt linh hoạt hay cười cợt với Hảo giờ là mắt một con cáo ranh mãnh đang vờn cợt một chú cừu non. Hảo co rúm người sợ hãi. Cô nhắm mắt, cô không muốn nhìn thấy bất cứ điều gì trong căn phòng ghê tởm này nữa. Cô cảm thấy nhục nhã và đau đớn. Như có một cái gì nhớp nháp tanh tưởi chạy dọc theo thân thể và một cơn đau âm ỉ dấy lên... Cơn đau có thật, cơn đau đang ập tới. Chưa bao giờ Hảo đau như thế. Cả thân người Hảo như muốn gẫy gập lại. Cổ họng cô khô ráo, cô thèm uống một hớp nước.
- Tôi đau! Tôi khát nước, làm ơn cho tôi một ly nước. Hảo không thể không dằn được tiếng kêu than.
Người đàn ông vẫn sống sượng rờ rẩm, xoa bóp phần da bụng của cô. Hết rồi, Hảo nhắm mắt. Cõi riêng nào của Hảo đã như lòng vực thẳm tối tăm, nhớp nhơ dục vọng. Hảo mơ hồ nghe như có những tiếng la hét rên rỉ của sự đau đớn khoái lạc nào đó, vẳng ra từ phòng kế bên. Những con người nào đó đang rất là người. Và ông ta nữa, cái chất người hay chất quỷ trong hình hài vóc dáng kia? Hảo thấy lợm giọng, buồn nôn. Cô thèm được ho, nhưng cơn ho không thể thoát ra khỏi lồng ngực. Mỗi bận muốn ho, bụng cô đau thắt. Hảo cảm thấy hụt hơi, Hảo nghĩ đó là những hơi thở cuối cùng. Cô thấy thân thể mình nhẹ hẫng. Như được nhấc bổng lên cao, rồi lại nhận chìm xuống thấp. Lạ lùng hơn là giữa những cảm giác trồi hụt, lơ lững ấy, mơ hồ một nỗi hân hoan luyến ái nào làm cô xao xuyến... Nhưng không phải đâu, cô đang trôi bay qua những đường hầm tối tăm vắng lặng, mà thần chết đang chờ ở cuối đường kia. Hảo tin mình sẽ chết.

Vị bác Sĩ có hàm râu quai nón cùng với người nữ y tá bước vào phòng. Ông chào Hảo bằng một nụ cười tươi, có chút gì ranh mãnh.
- Chào bà, tôi thành thật chia buồn cùng bà và xin lỗi về những hành động khiếm nhã của tôi. Tôi đã không để yên cho bà ngủ, tôi không cho bà được một ly nước dù bà đã nài nỉ van xin. Tôi chọc ghẹo bà, tôi còn tát tai bà nữa. Tôi thực là một người tai quái, ác độc. Nhưng bắt buộc phải làm như thế thôi. Bà yếu quá, đánh thức bà ra khỏi cơn mê thật là gai góc.
Hảo đảo mắt xung quanh căn phòng, Hảo biết mình đang ở trong một bệnh viện. Hảo đã nhớ ra mọi chuyện, nhưng cô không nghĩ nó nghiêm trọng đến nỗi mình  phải nằm bệnh viện.
- Điều gì đã xảy đến cho tôi? Hảo hỏi.
- Bà chỉ bị kích ngất vì một cú sốc quá mạnh trong một tai nạn xe hơi, nhưng sự rủi ro lớn lao nhất là bà đã không đủ sức để giữ đuợc cái thai. Bà bị trụy thai và mất khá nhiều máu.
Người y tá ôm tập hồ sơ trên tay đang đứng cạnh đấy từ tốn giải thích cho Hảo rõ nguồn cơn. Trụy thai! Hảo không tin tai mình vừa nghe qua thứ chữ nghĩa thật là khủng khiếp rùng rợn đó. Vị bác sĩ như hiểu được sự bối rối ngơ ngác của cô. Ông ta nói:
- Có lẽ bà không chú ý về chu kỳ kinh nguyệt của mình nên bà không biết là bà đã có mang. Cái thai đã được khoảng gần năm tuần lễ .
Bây giờ thì Hảo mới thực sự hiểu vì sao tự lúc đầu người bác sĩ đã ngỏ lời chia buồn với cô. Hảo nhớ tới chu kỳ của mình. Hảo không ngờ mình lại hư hao, tệ hại đến thế. Cô đã  quên bẵng đi, một điều cần phải nhớ.
- Xong rồi, tất cả đều tốt đẹp. Bây giờ bà có thể uống một ly nước và ngủ một giấc đầy... Nếu như bà còn buồn ngủ. Và yên tâm là bà đang ở trên tầng lầu thứ 10 chứ không phải dưới phòng sanh. Sẽ chẳng có một sản phụ nào la hét quấy rầy bà như đêm hôm qua nữa đâu.
Vị bác sĩ để lại thêm một nụ cười khác, khi rời khỏi phòng. Người y tá giao trả lại cho Hảo những giấy tờ và cái sắc tay của cô. Bà cười kể với Hảo về những lời nghe lại từ những nhân viên cấp cứu. Gã con trai đã đụng Hảo muốn làm một tay đua xe thượng thặng với cái bằng lái mới toanh, còn thơm mùi mực. Xe của Hảo đã được đưa về garage. Tốt nhất là Hảo phải liên lạc gấp với người nhà để lo mọi thủ tục với hãng bảo hiểm. Vì Hảo còn lưu lại nhà thương ít nhất phải ba ngày nữa.
Hảo nghe một cách lơ đãng. Hảo cảm tưởng như mình vẫn chưa rời khỏi cơn mơ. Những cơn mơ quái dị. Biết đâu trong chốc lát, ông bác sĩ kia sẽ trở lại và cả bà y tá này. Họ sẽ biến thành những ai khác nữa đây? Và Hảo lại sửng người kinh ngạc, khi bà y tá chỉ cho cô cái điện thoại có những con số dán trên mặt kiếng. Bà ta nói:
- Bà có thể xử dụng máy này để gọi ra ngoài. Chỉ cần bấm số không đầu tiên để qua tổng đài của bệnh viện. Nhưng ở ngoài gọi vào sẽ gọi được trực tiếp. Báo với thân nhân của bà là bà đang ở tầng 10, phòng 111 nhé.

Phòng một trăm mười một. Cuộc phiên lưu của Hảo. Hảo đã tưởng tượng ra nhiều điều nguy hiểm. Hảo vừa trải qua một tai nạn, kể như Hảo đã băng qua khúc đường báo nguy với những lằn gạch đỏ trong trí tưởng tượng khi bước vào. Nhưng vẫn có một tai nạn bất ngờ khác mà không bao giờ Hảo nghĩ đến.
Cả hơn hai tuần, Hảo cố tình không liên lạc với người đàn ông. Tự dưng Hảo thấy sợ hãi ông ta và chán ghét chính mình. Cách gì thì một cô Hảo lý tưởng, mơ mộng cũng không thể mau chóng thay tim, đổi óc để biến thành một người đàn bà dấn thân, yêu cuồng sống vội, bất cần đời. Hảo thất vọng, đau xót. Những gì cô vừa sống qua mà cô cho là thực, là người, nó còn tệ hại hơn những điều cô đã mỉa mai rằng hão huyền phù phiếm. Hảo rơi vào một cơn khủng hoảng trầm trọng. Mỗi ngày, trong cô có hai cô Hảo trò chuyện với nhau. Cô Hảo này tra vấn, hạch hỏi cô Hảo kia. Cô Hảo kia thấy mình như bị cô Hảo này phản bội, lừa dối... Cũng không thấy ông ta tìm kiếm Hảo. Liên hệ giữa Hảo và ông ta không phải là một mối tình mà là một cuộc chơi sòng phẳng, với sự tiếp tay của định mệnh như một trọng tài. Cuộc chơi được kết thúc rõ ràng, không có gì dây dưa níu kéo để hẹn lại kỳ sau.
Trước khi ra khỏi bệnh viện, Hảo bước vào chào vị bác sĩ lúc cô đi ngang qua phòng làm việc của ông. Hảo nhớ lại cơn hôn mê tội nghiệp của mình. Những hân hoan lẫn thất vọng, tủi hổ nào mơ hồ không rõ rệt, cứ triền miên ám ảnh Hảo sau ngày Hảo bước vào căn phòng ấy. Những giấc ngủ tràn đầy hình ảnh lấm lem kỳ cục của cô và người đàn ông. Ông ta tầm thường tồi tệ. Còn Hảo thì dơ dáng bẩn thỉu. Nguyên nhân nào đã khiến Hảo có những giấc mơ buồn thảm xấu xa như thế? Hảo luôn luôn hoảng hốt khi bừng tỉnh.  

Hảo ngồi xuống chiếc băng đá ở trạm xe bus để đợi chuyến xe. Cô không biết chuyến xe này sẽ đi về đâu, sẽ đổ ở bến nào? Cuộc phiên lưu đã chấm dứt. Đôi cánh bay của Hảo đã gẫy lìa, rời rụng. Chỉ còn đôi chân chùng mỏi đang trở về đời. Nhưng Hảo biết chắc chắn mình không thể dừng lại, hoặc quay về  một nơi chốn mà cô đã từ đó hăm hở ra đi.

 Đặng Mai Lan