Đúng là ngày hôm đó, vào lúc 4 giờ như mọi ngày, Alexandre đẩy đến
cửa căn nhà nhỏ của gia đình Maramballe chiếc xe lăn ba bánh, từ đấy, theo toa
bác sĩ, ông sẽ đưa bà chủ già yếu và bại liệt đi dạo cho đến 6 giờ.
Khi ông đưa chiếc xe nhẹ hều này vào bậc cấp, đúng vào
chỗ ông có thể dìu bà già to béo bước lên dễ dàng, ông đi vào trong nhà, và ngay
lúc đó, bên trong nghe có tiếng nói giận dữ, giọng khàn đục của cựu chiến binh,
đang gào thét chửi rủa, chính là giọng của ông chủ, cựu đại uý pháo binh hưu trí,
Joseph Maramballe.
Sau đó là tiếng cửa đóng dập mạnh, tiếng ghế bị xô đẩy,
tiếng chân bước vội vã, rồi không còn gì. Một lát sau, Alexandre xuất hiện nơi
ngưỡng cửa ra đường, cố hết sức dìu bà Maramballe đã mệt lữ vì xuống cầu thang.
Khi bà đã yên vị, chẳng phải là không khó khăn, trong chiếc xe lăn, Alexandre đi
lui sau, nắm lấy thanh quay dùng để đẩy xe, cho xe đi về hướng bờ sông.
Ngày nào họ cũng đi qua thành phố nhỏ này giữa những lời
chào hỏi tôn kính có lẽ gởi đến người giúp việc cũng như bà chủ, bởi nếu bà chủ
được mọi người yêu quý, nể trọng, thì người lính già râu bạc, râu lão này vẫn được
xem như là gương mẫu trong số gia nhân.
Mặt trời tháng bảy dữ dội đổ trên đường, nhấn chìm những
ngôi nhà thấp dưới ánh sáng ảm đạm do
quá
chói chan và gay gắt. Mấy con chó nằm ngủ trên những vỉa
hè dưới bóng râm các bức
tường, và Alexandre thở dốc rảo bước để nhanh tới đại lộ dẫn ra sông.
Bà Maramballe đã thiu thiu ngủ dưới chiếc dù trắng có đầu
mũi nhọn đôi lúc hờ hững chạm vào gương mặt thản nhiên của người đàn ông.
Khi họ đi tới ngõ Tilleuls,trong bóng câybà già tỉnh hẳn,
bà cất giọng ân cần:
"Đi thong thả thôi, ông bạn tội nghiệp, nắng thế này
ông sẽ đuối đấy."
Bà lão hiền lành, với thói ích kỷ ngây thơ, đâu có nghĩ
là, nếu bà muốn đi chậm hơn, là chỉ vì bà vừa mới tới nơi khuất dưới tán lá cây
xanh.
Gần con đường bao phủ bởi những cây đoạn già cắt tỉa thành
vòm, dòng sông Nanterre chảy quanh co giữa hai hàng liễu.
Tiếng nước xoáy ồng ộc, tiếng nước đổ trên đá, tiếng nước
ngoặt dòng đột ngột, hoà thành khúc ca êm dịu của nước và không khí mát lành ướt
át trong suốt cuộc dạo chơi này.
Được hít thở và tận hưởng sự ướt át dễ chịu của nơi này
một lúc lâu, bà Maramballe thì thầm:
" Bây giờ khá hơn rồi. Nhưng hôm nay ông ấy thức dậy
không được khoẻ."
Alexandre đáp:
"Ồ, vâng, thưa bà."
Đã ba mươi lăm năm ông phục vụ gia đình này, ban đầu là
lính hầu cận sĩ quan,
sau đó là người hầu đơn thuần không muốn rời xa chủ, và sáu năm trở lại đây, mỗi
chiều ông đẩy xe đưa bà chủ quanh các con đường hẹp của thành phố.
Từ việc chăm sóc tận tuỵ lâu ngày này, sau đó, từ việc
giáp mặt tay đôi hàng tuần như thế này, giữa bà già và người giúp việc đã nảy
sinh tình cảm thân mật, trìu mến ở bà, kính trọng ở ông.
Hai người nói về việc trong nhà như cách nói của những
người bình đẳng. Ngoài
ra, chủ đề chuyện vãn và bận tâm chính của họ là tính xấu của ông đại uý, nặng
nề dần vì sự nghiệp lâu dài bắt đầu khá hiển hách, rồi trôi đi không thăng tiến,
và kết thúc chẳng vẻ vang.
Bà Maramballe
nói
tiếp:
" Sáng thức dậy, ông ấy có tâm trạng không thoải mái.
Điều này thường xảy ra từ khi ông thôi công tác."
Alexandre thở
dài nói tiếp ý bà chủ:
"Ôi! Bà muốn nói là chuyện ấy xảy ra hàng ngày và xảy
ra cả trước khi ông rời quân ngũ."
"Đúng vậy đó. Nhưng ông ấy cũng là người kém may mắn.
Ông khởi nghiệp với một chiến công nên được thưởng huy chương khi mới hai mươi,
thế mà từ hai mươi đến năm mươi tuổi, ông không thăng cao hơn cấp đại uý, trong
khi từ đầu ông cứ nghĩ lúc về hưu ít ra ông cũng phải đại tá."
-
Bà vẫn có thể nói rằng dẫu sao cũng chỉ là lỗi
do ông thôi. Nếu ông đừng tỏ ra lúc nào cũng mềm mỏng như cái roi ngựa thì cấp
trên của ông đã quý mến và bảo bọc ông hơn. Cứ cứng cỏi có được gì đâu, cũng phải
chiều ý người khác để gây thiện cảm chứ. Còn chuyện ông đối xử với chúng ta như
thế này, cũng là lỗi của chúng ta thôi vì chúng ta thích ở bên ông, nhưng đối với
mọi người, thì khác đấy.
Bà Maramballe
suy
nghĩ. Ôi! Bao nhiêu năm nay rồi, mỗi ngày bà cứ nghĩ như thế đến thói thô bạo của
ông chồng mà xưa kia bà đã cưới, lâu lắm rồi, bởi hồi đó ông là sĩ quan đẹp
trai, còn trẻ đã có huy chương, và đầy triển vọng, như mọi người nói. Ở đời cũng
lắm khi lầm lẫn!
Bà nói nhỏ nhẹ:
" Dừng lại một chút đi, Alexandre đáng thương của
tôi, và đến cái ghế của ông mà nghỉ. "
Đấy là một ghế băng nhỏ bằng gỗ, mục mất một nửa rồi , đặt
ở chỗ rẽ lối đi dành cho những người dạo chơi ngày chủ nhật. Mỗi lần đi đến góc
này, Alexandre thường ghé đến chiếc ghế đó ngồi thở vài phút.
Ông ngồi đấy, và với một cử chỉ quen thuộc, đầy tự hào,
hai tay vuốt chòm râu bạc xoè ra như cánh quạt, nắm lấy rồi khép ngón tay lại mà vuốt nhẹ từ trên xuống dưới và ép vào trước rốn một lát như thể muốn gắn
dính nó ở đó và thêmmột
lần cảm nhận được rằng cái thứ còn có thể phát triển nữa nàygiờ đã dài lắm.
Bà Maramballe
nói
tiếp:
" Tôi thì tôi đã lấy ông ấy, thật ra chuyện tôi phải
chịu đựng những bất công của ông ấy cũng phải lẽ và tự nhiên thôi, nhưng điều tôi
không thể nào hiểu được là chính ông cũng phải chịu đựng như thế, là sao vậy, ông
Alexandre trung hậu của tôi?"
Ông khẽ nhún vai và nói bâng quơ:
"Ôi, tôi mà... thưa bà."
Bà nói thêm:
" Thật vậy. Tôi thường nghĩ đến điều đó. Ông đã là
lính hầu cận của ông ấy khi tôi kết hôn và ông chẳng làm gì khác ngoài việc chịu
đựng ông ấy. Tại sao ông cứ ở với chúng tôi, lương thì thấp, đối đãi lại tệ,
trong khi ông có thể làm như mọi người, lập nghiệp, lấy vợ, có con, tạo một mái
ấm?"
Ông lặp lại:
"Ồ, thưa bà, với tôi thì khác chứ." Rồi ông
im bặt, nhưng lại kéo chòm râu như thể muốn gõ cho tiếng chuông trong lòng ông
ngân lên, như thể cố giật chòm râu ra, đảo
tròn đôi mắt hốt hoảng của một người đang cơn bối rối.
Bà Maramballe
vẫn
theo đuổi ý nghĩ của mình:
"Ông đâu phải là nông dân. Ông có học thức mà."
Ông kiêu hãnh ngắt lời:
" Tôi có học làm nhân viên đo đạc địa hình, thưa bà."
" Vậy cớ sao ông cứ ở với chúng tôi, hỏng cả cuộc đời
mình? "
Ông ấp úng:
" Chuyện là thế thôi! Chuyện là thế thôi! Do tại bản
tính tôi thôi."
" Sao ạ? Do bản tính ông? "
" Vâng, tôi đã gắn bó là gắn bó mãi, không còn gì khác."
Bà bật cười.
"Ôi chao, ông đừng cố thuyết phục tôi rằng những cách
đối xử tử tế và dịu dàng của Maramballe
đã
khiến ông gắn bó suốt đời với ông ấy."
Ông cựa quậy trên ghế, vẻ luống cuống
thấy rõ và lầm bầm qua hàng râu mép:
" Không phải ông ấy, mà là bà!"
Bà chủ già với gương mặt hiền lành viền bên trên, giữa vầng
trán và mái tóc, bởi một vành tóc xoăn màu
tuyết được uốn cẩn thận hàng ngày và sáng bóng như lông thiên nga, nhích người trong xe lăn và nhìn
người giúp việc với đôi mắt ngạc nhiên.
"Ôi, Alexandre đáng thương của tôi, thế là
thế nào? "
Ông đưa mắt nhìn lên trời, rồi nhìn
sang bên, nhìn ra phía xa, đầu quay lại, như
kiểu người nhút nhát vẫn thường làm khi bị buộc phải thổ lộ những bí mật
đáng xấu hổ. Cuối cùng, ông bày tỏ, với sự can đảm của người lính được lệnh ra mặt trận:
" Chuyện như vậy đó. Lần đầu tiên
tôi mang thư của trung uý
đến cho cô nương và cô cho tôi hai mươi
xu và còn mỉm cười với tôi, chuyện coi như đã định đoạt xong."
Bà không hiểu, khẩn khoản:
" Nào, ông hãy giải thích đi."
Thế là ông buột miệng, với nỗi lo sợ của
kẻ khốn khổ phải thú nhận tội lỗi và hoàn toàn rối trí:
" Tôi đã có cảm tình với bà, thưa
bà. Thế đấy! "
Bà không nói lại gì, thôi không nhìn ông
nữa, cúi đầu xuống và suy nghĩ. Bà vốn có từ tâm, thẳng thắn, dịu dàng, đầy lý trí
và nhạy cảm.
Trong giây lát, bà nghĩ tới sự tận tuỵ
vô hạn của con người khốn khổ này, người đã từ bỏ mọi thứ để được sống cạnh bà mà
chẳng bao giờ hé môi. Bà chợt thấy muốn khóc.
Rồi, lấy vẻ mặt nghiêm trang, nhưng không
chút giận dữ, bà nói:
" Ta về thôi."
Ông đứng dậy, đến sau chiếc xe lăn và bắt
đầu đẩy.
Khi về gần làng, họ nhìn thấy ngay giữa
đường đại uý Maramballe tiến về phía họ.
Ngay khi bắt kịp họ, ông nói với vợ, vẻ
muốn tỏ ra nổi cáu thấy rõ
" Chúng ta ăn tối món gì đấy?"
" Gà giò nấu đậu."
Ông nổi khùng:
" Gà giò, lại gà giò, mấy cũng gà
giò, mẹ kiếp! Tôi chán ngấy gà giò của bà rồi! Bộ đầu óc bà không có ý tưởng gì
ngoài việc ngày nào cũng bắt tôi ăn có một thứ?"
Bà nhẫn nhục trả lời:
" Nhưng mà, mình biết là bác sĩ cho
toa vậy mà. Đó cũng là thứ tốt nhất cho dạ dày của mình. Nếu mình không đau dạ dày,
tôi sẽ cho mình ăn nhiều món mà tôi không dám dọn cho mình."
Thế là, ông nổi giận đứng sững ngay trước
mặt Alexandre:
" Tôi đau dạ dày cũng bởi cái tên
súc vật này. Ba mươi lăm năm nay hắn đầu độc tôi với cái kiểu bếp núc tệ hại của
hắn. "
Bất chợt bà Maramballe quay đầu lại hẳn
để nhìn người giúp việc. Hai đôi mắt của họ gặp nhau và người này lẫn người kia
đều nói: "Cám ơn"chỉ bằng tia nhìn như thế thôi.
THÂN
TRỌNG SƠN
dịch từ nguyên bản tiếng Pháp
( Alexandre )