Hwang Sun-Wonsinh năm 1915 ở vùng Daodong, Nam Bình Nhưỡng. Từ thời
còn học trường trung học Sungsil, ông đã có thơ đăng trên tạp chí Donggwang ( Đông
quang ) - bài "Giấc mơ của tôi"
(1931).
Năm 1934, ông sang Nhật du học ( trường Trung học đệ nhị
Waseda ), bắt đầu sinh hoạt văn học
nghệ thuật ngay từ thời gian này. Cùng các bạn, ông thành lập hội nghiên cứu
nghệ thuật kịch; sau đó xuất bản tập thơ đầu tiên Bangca ( Phóng ca, Wayward Songs ).
Năm 1936, Hwang Sun-won theo học Đại học Waseda, chuyên ngành tiếng Anh. Lúc
này, ông chuyển sang viết truyện ngắn và tiểu thuyết.
Sau chiến tranh ( 1950-1953 ), ông sáng tác nhiều hơn, đồng
thời với việc giảng dạy Văn học Hàn quốc
tại Đại học Kyunghee, Seoul (
1957-1980 ).
Sự nghiệp văn chương của Hwang Sun- won kéo dài tới 60
năm, tính từ bài thơ
đăng báo đầu tiên
vào
năm 1931 đến tác phẩm cuối cùng được xuất bản vào năm 1992, trải qua nhiều biến cố lịch
sử, thời đất nước bị Nhật chiếm đóng, rồi lại chiến tranh và chia cắt hai miền
Nam Bắc.
Hwang Sun- won là một trong những khuôn mặt lớn của nền
văn học Hàn quốc thế kỷ XX. Ông quan niệm "một nhà văn chỉ lên tiếng thông
qua tác phẩm của mình"
và chú tâm rèn
giũa nghệ thuật làm
thơ, viết truyện,
không viết những bài tạp văn thiếu tính văn học. Ông muốn cống hiến cả cuộc đời
cho sự nghiệp viết lách nên ngoài tư cách giáo sư đại học Kyunghee, thành viên
của Viện Nghệ thuật Quốc gia, ông không đảm nhận chức vụ nào khác, thậm chí từ chối học vị tiến sĩ do trường đại học trên trao tặng. Hwang Sun- won qua đời năm
2000, để lại một số tập thơ , 7 cuốn tiểu thuyết và trên
100 truyện ngắn.
Truyện " Mưa rào " ra mắt công chúng năm
1953, khi chiến tranh ở Hàn quốc chưa kết thúc. Truyện kể về mối tình đầu rất đẹp,
mà buồn quá, của cậu bé nhà quê với cô gái về từ thành phố. Có chút gì ngây thơ
chơn chất, có những niềm vui giản dị bình thường, tương phản giữa nếp sống dân
dã hiền hoà và sự cạnh tranh sinh tồn nơi đô thị... Một nét thoáng qua về mong
manh phận người đưa đến cái kết ngậm ngùi mà không bi luỵ, khiến truyện vẫn giữ
mãi dư âm trong sáng nơi người đọc bấy lâu.
HWANG SUN-WON (1915-2000)
Ngay khi cậu bé nhìn thấy đứa con gái bên bờ suối, cậu
nhận ra ngay nó là cháu nhà họ Yun. Nó nhúng hai tay vọc nước. Có lẽ ở Seoul nó chẳng bao giờ thấy con suối như thế.
Mấy hôm nay ngày nào nó cũng nghịch nước như vậy, trên đường
đi học về. Cho tới ngày hôm kia, nó vẫn chỉ chơi bên mép nước, nhưng hôm nay, nó
ra đến giữa những viên đá tảng.
Cậu bé ngồi trên bờ. Cậu định chờ đến lúc con nhỏ bỏ đi.
Như mọi lần, có người xuất hiện là con nhỏ đi về.
Hôm sau, cậu bé đi ra suối muộn hơn một tí. Lần này, cậu
thấy con nhỏ đang ngồi rửa mặt giữa đám đá
cuội. Tương phản với chiếc áo hồng tay xắn cao lên, cổ con nhỏ trắng toát.
Con nhỏ rửa mặt xong một lát rồi chăm chú nhìn xuống mặt
nước. Hẳn là nó muốn nhìn bóng phản chiếu của nó. Rồi nó phóng tay chộp xuống nước
thiệt lẹ. Có lẽ một chú cá con nào bơi qua.
Không rõ con nhỏ có biết là cậu đang ngồi bên bờ suối
khi nó chộp lẹ dưới nước không. Lần nào cũng không được gì nhưng con nhỏ vẫn cứ
chộp như thế cho vui vậy thôi. Có vẻ như nó chỉ bỏ ra về khi có ai đó đi ngang
qua chỗ này, như hôm trước vậy.
Bỗng nó nhặt dưới nước lên một vật gì đó. Một hòn sỏi
cuội trắng. Sau đó, nó đứng dậy và nhảy bước nhỏ qua những viên đá tảng.
Nhảy qua hết, nó quay lại: " Này, cậu kia."
Viên sỏi trắng bay vèo qua.
Cậu bé đứng thẳng dậy.
Lắc lư mái tóc bện, con nhỏ bỏ chạy ra xa. Nó đi theo đường
mòn giữa đám lau sậy. Lúc này chẳng có gì khác những đọt lau màu nhạt loé sáng trong ánh chiều mùa thu.
Con nhỏ sắp xuất hiện ở phía xa đám lau sậy rồi. Cậu nghĩ là nó đã đi lâu lắm. Nhưng con nhỏ vẫn không xuất hiện. Cậu nhón gót lên. Và nghĩ là nó đã đi thật lâu lắm rồi.
Xa xa, phía bên kia mảnh đất đầy lau sậy, có một chùm
lau động đậy. Con nhỏ đang ôm bó lau. Rồi nó chậm rãi bước. Ánh nắng chiều sáng
rực chiếu trên mái tóc của
con nhỏtrông
giống như cây lau. Dường như cây lau đang di chuyển qua cánh đồng chứ không phải
con nhỏ.
Cậu bé đứng mãi ở đó cho đến lúc không nhìn thấy đọt
lau kia. Cậu bỗng nhìn xuống viên sỏi cuội mà con nhỏ ném cho cậu. Viên sỏi khô
rồi. Cậu nhặt lấy bỏ vào túi.
Ngày hôm sau, cậu ra suối hơi muộn một tí. Không có dấu
vết gì của con nhỏ. Cũng được thôi.
Tuy nhiên, cũng hơi lạ. Nhiều ngày qua vẫn không có dấu
vết con nhỏ đi qua, trong lòng cậu cái cảm giác trống vắng cứ lớn dần. Cậu cứ mân
mê viên sỏi trong túi quần.
Một hôm, cậu bé đến ngồi giữa những viên đá tảng, ngay
chỗ con nhỏ thường ngồi nghịch nước. Cậu nhúng tay xuống nước. Rồi lấy tay lau
mặt. Cậu nhìn xuống nước. Gương mặt sạm đen nhìn ngược lại cậu. Cậu thấy ghét.
Cậu bé lấy cả hai tay chộp vào mặt mình dưới nước. Làm
nhiều lần như thế. Và cậu bất chợt nhảy lên ngỡ ngàng. Chuyện gì vậy, con nhỏ đang tới gần, đi về phía
này.
" Nãy giờ nó núp, dòm xem mình làm gì" Cậu bỏ chạy. Cậu bước hụt chân trên viên đá.
Một chân lọt xuống nước. Cậu chạy nhanh hơn.
Ước chi có chỗ nào cho cậu núp. Phía này chẳng có cây
lau sậy nào. Chỉ có đồng lúa mạch. Cậu có cảm tưởng mùi hương lúa mạch đang xông
vào lỗ mũi như chưa bao giờ thấy. Đầu cậu lảo đảo. Một chất lỏng có vị mặn rỉ ra
giữa đôi môi cậu. Mũi cậu bị chảy máu.
Lấy tay bịt mũi, cậu tiếp tục chạy. Cậu cảm thấy như có
giọng ai liên tục gọi với theo, " Thằng ngốc, thằng ngốc."
Ngày thứ bảy đến.
Khi cậu đi tới rìa con suối, con nhỏ mà nhiều ngày rồi cậu không hề gặp đang ngồi bên
suối nghịch nước. Cậu băng qua mấy viên đá tảng, vờ như không thấy nó. Trước đây mấy ngày, cậu đã xử sự như một thằng
ngốc trước mặt con nhỏ, hôm nay cậu bước qua những viên đá tảng rất cẩn thận,
trong khi trước đó cậu băng qua chúng kiểu như chúng nằm ở trên xa lộ.
" Này!"
Cậu làm bộ không nghe. Cậu bước lên bờ và dừng lại.
" Này, đây là loại sò gì vậy?"
Cậu vô tình quay lại và đụng phải đôi mắt đen nhánh của
con nhỏ. Cậu vội quay nhìn vào lòng bàn tay con nhỏ.
" Sò điệp đấy."
" Tên đẹp quá!"
Hai đứa đi tới chỗ lối mòn tách ra hai bên. Từ chỗ này
con nhỏ sẽ đi xuống đồi một dặm gì đó, còn cậu sẽ đi lên hai hay ba dặm.
Con nhỏ dừng lại và nói: " Cậu có bao giờ qua bên
kia đồi chưa?"
Nó đưa tay chỉ về phía cuối cánh đồng.
" Chưa hề."
" Vậy sao ta không đi? Cứ quanh quẩn nơi đây, tớ chán
lắm rồi."
" Xa lắm đó."
" Cậu nói xa là sao? Ở Seoul khi đi dã ngoại, bọn tớ đi bộ đoạn đường
dài lắm."Đôi mắt con nhỏ dường như muốn nói," Thằng ngốc! Thằng ngốc!"
Hai đứa đi theo lối mòn giữa hai đồng lúa. Chúng đi gần
nơi người ta đang gặt vụ mùa thu.
Có con bù nhìn đứng ở đó. Cậu bé lay sợi dây rơm. Mấy
con chim sẻ vụt bay ra. Cậu bé chợt nhớ ra đáng lẽ cậu phải về sớm để xua đàn sẻ
khỏi đám ruộng lúa chính.
" Trông ngộ thiệt!"
Con nhỏ cầm lấy sợi dây chằng con bù nhìn và giựt mạnh.
Con bù nhìn lúc lắc, trông như đang nhảy múa. Bên má trái con nhỏ gợn chút núm đồng
tiền.
Xa hơn tí nữa lại có thêm một con bù nhìn nữa. Con nhỏ chạy
về phía đó. Cậu bé chạy theo sau. Có vẻ như cậu đã quên là hôm nay phải về sớm
và giúp phụ việc ở nhà.
Cậu cứ chạy theo sát con nhỏ. Mấy con châu chấu bay quật
vào mặt chúng làm chúng đau nhức. Bầu trời mùa thu trong xanh bắt đầu xoay trước
mắt cậu bé. Cậu thấy chóng mặt. Chỉ vì con diều hâu trên cao kia, con diều hâu
trên cao kia, con diều hâu trên cao kia đang quay vòng.
Ngoái nhìn lui, cậu thấy con nhỏ đang lay con bù nhìn cậu
vừa chạy qua. Bù nhìn lắc lư nhiều hơn con trước. Có con đê ở mép cuối ruộng lúa.
Con nhỏ nhảy qua trước.
Từ chỗ này đến tận chân đồi chỉ toàn là ruộng thôi.
Chúng đi ngang qua đỉnh đồi, nơi những thân cây kê chất
đống.
" Cái gì đây vậy?"
" Cái chòi."
" Nhìn này, dưa vàng nhỏ xíu. Có ngon không
ha?"
" Cũng được, nhưng dưa hấu ngon hơn."
" Tớ mong có một trái mà ăn..."
Cậu bé đi vào đám ruộng, chỗ có gieo củ cải trắng chen
lẫn những cây dưa hấu còn sót, rồi nhổ hai củ cải mang về. Chúng chưa phát triển
hết cỡ. Cậu bẻ gãy và ném lớp lá qua một bên rồi đưa cho con nhỏ một củ. Sau đó,
ra vẻ như muốn nói " phải ăn như vậy này! " cậu cắn một miếng ở đầu
to, lấy móng tay lột vỏ rồi cắn miếng ruột ở trong.
Con nhỏ làm theo y hệt, nhưng cắn chưa được ba miếng, nó la lên: "Ôi, cay quá và hôi quá," rồi nó ném đi.
" Mùi khó chịu quá! Tớ cũng nuốt không vô"
Rồi cậu ném củ cải của mình xa hơn nữa.
Đã đến gần các ngọn đồi.
Những lá thu muôn màu hiện rõ trước mắt chúng.
"Ôi!"
Con nhỏ tiếp tục chạy về phía đồi. Bây giờ cậu bé không
chạy theo sau nữa. Thay vào đó, cậu hái nhiều hoa hơn số con nhỏ gom được.
"Đây là hoa cúc (1) , đây là hồ chi (2) , còn đây
là hoa chuông (3)..."
" Tớ không bao giờ nghĩ hoa chuông đẹp như thế này.
Tớ thích màu tía... Còn hoa này, trông giống cái dù, là hoa gì thế? "
" Hoa nữ lang (4) đó."
Con nhỏ làm bộ cầm cái hoa kiểu như cầm dù. Cùng lúc đó, mặt nó đỏ ửng lộ má núng đồng tiền.
Cậu bé lại hái thêm một nắm hoa cho con nhỏ. Cậu chọn
những hoa còn tươi đưa cho nó.
Nhưng con nhỏ bảo: "Đừng vứt bỏ hoa nào hết."
Hai đứa leo lên đỉnh đồi.
Bên sườn thung lũng đằng trước có mấy túp nhà tranh chụm
lại thật cân đối.
Chẳng đứa nào nói gì, chỉ lặng lẽ ngồi cạnh nhau, chân
vắt qua tảng đá. Mọi vật chung quanh yên tĩnh khác thường. Nắng thu chói chan
toả hương thơm cỏ khô, chỉ vậy thôi.
" Hoa gì kia vậy? "
Bên kia sườn dốc, những cánh hoa cuối cùng của mùa thu bùng nở trên dây sắn leo rối beng.
" Có vẻ là hoa tử đằng (5). Trường tớ ở Seoul có cây
tử đằng bự lắm. Nhìn những dây hoa này tớ nhớ đến tụi bạn thường hay chơi chung
dưới cây kia."
Con nhỏ đứng dậy đi tới sườn dốc. Nó nắm lấy một dây
leo có nhiều hoa đang nở và giật mạnh, nhưng không bứt ra được. Nó cố thêm tí nữa
và bị trượt chân. Nó chộp được một dây leo.
Cậu bé hoảng hồn chạy vội đến. Con nhỏ chìa bàn tay ra.
Cậu nắm lấy tay con nhỏ kéo lên rồi xin lỗi vì đã không tự mình hái hoa cho nó.
Có mấy giọt máu rỉ ra nơi đầu gối phải con nhỏ. Cậu tự động áp miệng vào vết trầy
và mút. Rồi, không hiểu nghĩ gì, cậu đứng dậy bỏ đi.
Lát sau trở lại, cậu hổn hển nói: "Đắp cái này vào
sẽ đỡ hơn."
Cậu đắp chút nhựa thông vào vết trầy, rồi chạy đến chỗ dây nho, lấy răng cắn đứt mấy dây có hoa, lấy đem về cho con nhỏ. Rồi nó nói: "Đằng kia có con bê. Tới xem đi."
Con bê màu vàng nhạt, mũi chưa đeo chuông.
Cậu bé nắm chặt dây cương, vờ cào lên lưng con vật rồi
nhảy vọt lên. Con bê nhảy chồm lên và quay tròn.
Gương mặt tái xanh của con nhỏ, chiếc áo hồng, cái váy
màu chàm, cộng thêm mấy cái hoa nó cầm trong tay, tất cả xoay vòng mù mịt. Trông
giống như cả một chùm hoa lớn. Cậu bé thấy chóng mặt, nhưng cậu không muốn dừng
lại. Cậu thấy hãnh diện. Đây là chuyện con nhỏ không thể bắt chước. Chỉ mình cậu
làm được thôi.
" Này, mấy đứa đang làm trò gì vậy?"
Một bác nông dân đi tới từ đám cỏ cao.
Cậu bé nhảy xuống lưng con bê. Cậu chờ bị la. " Cháu
cỡi trên lưng nó như thế lỡ nó bị đau thì tính sao?"
Thế nhưng bác nông dân râu dài chỉ liếc nhìn con nhỏ, cầm
lấy dây cột con bê, rồi nói: " Cháu nên về nhà nhanh đi. Sắp có mưa rào đấy".
Thật vậy, mây đen kéo phủ đầy trên đầu chúng. Hai đứa
chợt nghe tiếng động khắp bốn phía chung quanh. Có tiếng gió xào xạc. Sau tia
chớp mọi vật chuyển màu tối sẫm. Khi hai đứa đi xuống đồi, tiếng mưa rơi đập vào
lá cây sồi. Mưa to quá. Chúng thấy lạnh sau gáy. Rồi trong thoáng chốc một màn
mưa chặn đường phía trước. Chúng thoáng thấy một túp lều giữa đồng. Chúng có thể
chạy đến núp ở đó. Nhưng mấy cái cột thì xiêu vẹo còn mái lá thì rách tơi tả. Cậu
bé giúp con nhỏ bước vào, tìm một chỗ mái lá ít rách nhất.
Môi con nhỏ tím tái, nó run cả hai vai.
Cậu bé cởi chiếc áo khoác bông vải của mình đắp lên vai
nó. Con nhỏ ngước lên nhìn cậu, không nói gì, cứ để mặc cậu muốn làm gì thì làm.
Sau đó, cậu lấy trong bó hoa con nhỏ ôm trong tay những hoa nào bị gẫy cuống và
cánh hoa nhàu nát bỏ xuống trải dưới chân con nhỏ. Giờ thì mưa lại nhỏ giọt xuống
chỗ nó đứng. Chúng không thể núp ở đây được nữa rồi.
Nhìn ra bên ngoài, cậu bé chợt nghĩ ra, rồi chạy về phía
đám ruộng kê. Cậu tách rời những đụn rơm bằng cách dựng những thân cây kê đứng
lên, rồi gom thêm một đống nữa bỏ thêm vào
chỗ trước. Cậu tiếp tục tách các đụn rơm nữa, rồi vẫy tay gọi con nhỏ đến.
Mưa không rơi xuyên qua đụn thân kê. Chỉ là một khoảng
không gian rất chật và tối. Cậu bé ngồi bên cạnh đụn kê và để mưa thấm qua người.
Hơi nước bốc lên từ hai vai cậu.
Con nhỏ thì thầm bảo nó bước vào ngồi bên trong. Tớ ổn
thôi, cậu bé đáp. Con nhỏ lại nói nó đi vào ngồi bên trong.
Cậu không thể làm gì khác hơn là bước thụt lùi đi vào.
Làm như thế, cậu vô tình đụng nát những bông hoa con nhỏ đang cầm. Nhưng con nhỏ
nghĩ là chuyện đó chẳng sao cả. Thân thể ướt át của cậu bé bốc lên mùi khó chịu
xông vào mũi con nhỏ, nhưng nó cũng không quay đầu đi. Ngược lại, nó cảm thấy mình
bớt run nhờ hơi ấm từ cơ thể cậu bé.
Đột nhiên tiếng động trên lá cây kê ngừng hẳn. Bên ngoài,
trời sáng ra.
Hai đứa từ đụn kê bước ra. Trước mặt chúng, không xa lắm,
ánh mặt trời đã chiếu chói lọi. Đi đến con đê, chúng thấy nước ngập hết cả rồi.
Dòng nước đỏ ngầu, đầy bùn tuôn chảy như suối dưới ánh nắng. Chúng không thể nào
nhảy qua được.
Cậu bé đưa lưng cho con nhỏ. Nó ngoan ngoãn để cậu cõng
đi. Nước lên đến chân quần xắn lên của cậu.
Con nhỏ la lớn, và ôm chặt cổ cậu bé.
Trước khi chúng đi tới con suối, bầu trời mùa thu đã sáng
lên, không còn đám mây nào mà trong xanh, chừng như trước đó chẳng có chuyện gì
cả.
Sau hôm đó, không còn dấu vết gì của con nhỏ. Ngày nào
cậu bé cũng chạy ra suối xem, nhưng chẳng thấy con nhỏ đâu. Vào giờ chơi ở trường,
cậu tìm quanh sân. Cậu còn kín đáo liếc nhìn vào phòng học lớp 5 nữ sinh. Cũng
không thấy con nhỏ.
Cũng vào hôm đó, cậu lại ra bờ suối, tay xoa mãi viên sỏi trắng trong túi. Lạ chưa
kìa!Không phải con nhỏ đang ngồi nơi bờ suối đó sao?
Cậu bé cảm thấy tim mình đập nhanh.
" Tớ đau miết mấy bữa nay."
Quả thật gương mặt con nhỏ tái mét.
" Hẳn là do cậu bị ướt hôm nọ,
khi gặp mưa rào?"
Con nhỏ lặng lẽ gật đầu.
" Giờ đã đỡ chưa?"
" Chưa..."
"Vậy thì cậu phải nằm nghỉ."
" Chán quá nên tớ phải ra ngoài...
Cậu biết không, hôm đó, thật vui... có điều
là sau hôm đó tớ bị vết bẩn mãi không hết."
Nó nhìn xuống phía trước cái áo hồng. Có một vết trông như vết bùn đỏ sẫm.
Con nhỏ im lặng để lộ má núm đồng tiền
rồi hỏi, " Có thể là vết bẩn kiểu gì nhỉ? "
Cậu bé nhìn chằm chặpvào trước áo con nhỏ.
" Cậu biết không, tớ nghĩ ra rồi. Hôm nọ, khi băng
qua con đê, cậu cõng tớ trên lưng, đúng không? Vết bẩn này từ lưng cậu đó thôi."
Cậu bé đỏ mặt. Đến chỗ ngã rẽ, con nhỏ nói tiếp: "
Sáng nay bọn tớ hái trái táo ta ở nhà... chuẩn bị giỗ ông bà ngày mai..."
Nó đưa cho cậu bé một nắm táo. Cậu ngập ngừng.
"Ăn thử một trái đi. Ông cố của tớ trồng cây này đó,
ngọt lắm." Cậu bé đưa hai bàn tay khum lại: "Ôi, trái to thật!"
" Mà lần này, sau ngày giỗ, còn có chuyện khác nữa.
Gia đình tớ sẽ dọn đi."
Trước khi gia đình con nhỏ dọn về đây, cậu bé đã nghe
cha mẹ mình nói chuyện, cậu biết là công việc làm ăn con cháu nhà họ Yunở Seoul thất bại, họ không thể trở về nhà được
nữa. Có vẻ như ngôi nhà
đó sắp sang tay chủ khác.
" Vì nhiều lý do, tớ ghét dọn nhà lắm. Nhưng đây là
quyết định của bố mẹ, tớ có làm gì được đâu." Lần đầu tiên, đôi mắt đen của
con nhỏ lộ vẻ buồn rầu.
Sau khi chia tay, trên đường về nhà, cậu bé cứ lặp đi lặp
lại trong đầu không biết bao nhiêu lần, " con nhỏ sắp chuyển nhà ". Cậu
không cảm thấy đặc biệt luyến tiếc hay buồn phiền. Tuy nhiên cậu không thấy vị ngọtcủa
miếng táo nhai trong miệng nữa.
Chiều hôm đó, cậu lặng lẽ đi tới vườn cây óc chó của lão
Deoksoi.
Cậu
leo lên cái cây đã chọn trong ngày. Cậu lấy cái sào đập vào cành cây đã chọn trước.
Âm thanh của quả óc chó rơi nghe to lạ thường. Tim cậu lạnh cóng. Nhưng, một lát
sau, cậu rán hết sức nắm lấy cái sào : này hạt to, nhiều vào, rơi xuống đi, nhiều
vào, rơi đi.
Trên đường về, cậu nương theo bóng tối từ mảnh trăng
khuyết. Hai ngày nữa mới đến kỳ trăng tròn.
Đây là lần đầu tiên cậu biết ơn bóng tối.
Cậu vuốt vào cái túi căng phồng. Cậu chẳng để ý lời người
ta hay nói rằng lấy tay trần bóc
vỏ trái óc chó có thể bị phát
ban. Điều cậu nghĩ tới là cậu phải nhanh chóng cho con nhỏ nếm thử những trái óc
chó vườn nhà lão Deoksoi, nổi
tiếng ngon nhất làng.
Đúng lúc này, cậu chợt giật mình nghĩ ra. Cậu đã quên
nhắc con nhỏ khi nó đỡ bệnh, cậu mong sao nó đến bờ suối một lần cuối, trước
khi nhà nó dọn đi. Ngốc thật! Ngốc thật!
Hôm sau, khi đi học về, cậu thấy cha ăn mặc bảnh bao,
tay ôm một con gà.
Cậu hỏi ông đi đâu.
Không buồn trả lời, ông quan sát kỹ con gà trong tay :
" Cỡ này được không nhỉ?"
Mẹ cậu đưa cho ông cái túi mắt lưới. " Nó đã cục tác
và tìm chỗ đẻ mấy bữa nay. Trông không to lắm nhưng mập đó." Cậu quay sang
hỏi mẹ là cha định đi đâu.
"Ờ, ông đến nhà lão Yun bên kia thung lũng gần trường
học cũ đó mà. Ông mang nó làm quà biếu...""Đáng lẽ ông phải lấy con
thật to. Con gà trống đốm đó..." Nghe nói vậy cha cười to và nói: "
Con này cũng khá mập rồi."
Cậu bé vô cớ tỏ ra bối rối, cậu ném sách vở xuống, đi về
phía chuồng bò, phát vào lưng con bò một cái như thể muốn giết con ruồi.
Nước ngoài suối mỗi ngày mỗi dâng.
Cậu bé đi tới chỗ ngã rẽ rồi quay xuống đồi. Dưới trời xanh trong vắt, ngôi làng bao quanh
trường cũ trông rất gần.
Cha mẹ cậu nói ngày mốt gia đình con nhỏ sẽ dọn đến Yangpyong. Họ trông coi một cửa hàng
nhỏ xíu ở đó.
Bất giác, cậu bé mân mê những trái óc chó trong túi, còn
tay kia với níu bẻ gãy một đọt cây sậy.
Chiều hôm đó, cậu vẫn trở lạiý nghĩ cũ, ngay khi đã vào
giường nằm ngủ: Ngày mai, cứ cho rằng mình sẽ đến tiễn chân gia đình con nhỏ đi.
Nếu đến, có lẽ mình sẽ gặp được nó.
Rồi nó bị cuốn vào giấc ngủ, nhưng vẫn suy nghĩ: "
Sống ở đời này thiệt là ... "
Cha đi vào làng đã về rồi." Nhìn cảnh gia đình lão
Yun xem. Ruộng vườn bán hết, căn nhà bao nhiêu thế hệ đã sống nay sang tay người
khác rồi, còn con bé, lá xanh rụng trước
lá vàng nữa..." Mẹ cậu đang ngồi may dưới ánh đèn, đáp lại: " Nhà ấy
chỉ còn con bé này thôi phải không? "
"Ừ. Có hai đứa trai nhưng đều mất sớm rồi... Sao lại
có gia đình bất hạnh về đường con cái đến thế này nhỉ? "
Đúng như vậy. Con nhỏ bệnh đã mấy ngày nay rồi và họ cũng
không thể lo liệu thuốc thang được. Vậy là gia đình lão Yun tuyệt tự... Nhưng bà
biết không, con nhỏ đó, bà có nghĩ là kỳ cục không? Thì đó, trước khi chết,
nghe nói là nó bảo nếu nó không khỏi, nó muốn là khi chôn nó thì mặc cho nó bộ
áo quần nó vẫn mặc mỗi ngày, cứ như vậy thôi..."
_________________________
(1) chrysanthemum
(2) bush clover
(3) bellflower
(4) valerian. Nữ lang là loài thực vật có bông nhỏ, màu hồng lợt hay trắng trên những cuống cao và mạnh.
Hoa có mùi
thơm dịu dễ chịu.
(5) wisteria. Hoa mọc thành chùm
trong cành
rủ xuống dài từ 10cm đếm 80cm, có màu tím, hồng hoặc trắng. Hoa tử đằng có mùi thơm.
THÂN TRỌNG SƠN
dịch theo bản tiếng Anh ( Brother Anthony of Taizé )