Wednesday, October 18, 2017

162. MINH NGỌC Duyên văn nghệ FACEBOOK và cô giáo cũ




Tôi ở New York, không có cộng đồng người Việt, nói gì tới sinh hoạt văn nghệ, hoàn toàn cô lập với thế giới sách báo chữ nghĩa. Năm 1998, một người bạn của má tôi ở California gởi mấy món đồ ăn gói bằng giấy báo Người Việt. Tôi ghiền đọc tiếng Việt nên kéo mấy trang báo cho thẳng để đọc và sửng sốt thấy Phân ưu cho nhà văn Mai Thảo từ “Nguyễn Xuân Hoàng và tạp chí Văn”, thứ nhất là vì tin buồn về một nhà văn tôi vẫn ái mộ, hai là vì ngạc nhiên không ngờ Văn tục bản ở hải ngoại. Tôi liên lạc với nhật báo Người Việt để hỏi thông tin về nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, email cho ông để đặt mua báo. Gia đình tôi cất giữ lại và mang theo khá nhiều số Văn cũ trước 1975 nên tôi có dịp trò chuyện với ông về những bài cũ và chúng tôi bắt đầu mối quan hệ vong niên rất văn nghệ. Trong một số Văn mới có một bài viết làm tôi chú ý, tôi viết một email dài phân tích và nhận xét về bài đó, ông Hoàng có vẻ rất thích thú, ông gọi cho tôi, bảo “Ngọc viết văn chắc được lắm, viết thử cái gì đi”. Từ chỗ “viết thử cái gì đi” tôi bắt đầu có bài đăng gần như mỗi số. Sau một thời gian, thấy tôi siêng đọc báo chí ngoại quốc, ông bảo tôi kiêm luôn mục "Văn nghệ thế giới”. Lúc đó còn độc thân rảnh rang, đang đi residency trong bệnh viện, ở chung với ba má, tôi hết giờ về chỉ ăn rồi đọc sách chuyên môn, còn thì viết văn. Cũng qua Văn tôi “tái ngộ” nhà văn Song Thao, cây bút tôi ái mộ nhất trong bộ Thời Nay gia đình. Nhà báo Bùi Bảo Trúc tôi được quen từ trước cũng nhờ một cơ duyên văn chương. Ông Hoàng có ý muốn giới thiệu tôi quen biết với các văn nghệ sĩ khác, nhưng tôi nghĩ phận con cháu đâu dám leo trèo ngồi chung chiếu với các vị trưởng thượng, nên chỉ giới hạn liên lạc với ba vị mà thôi.

Sau khi lấy chồng, sinh con gái đầu lòng, đi làm chính thức sau fellowship, tôi cố gắng duy trì việc viết lách một thời gian rồi bỏ cuộc. Văn đình bản ít lâu sau đó. Tôi rất buồn và tiếc nhưng nghĩ đó cũng là một tất yếu trong tình hình “văn chương hạ giới rẻ như bèo”, người viết vẫn đầy tâm huyết nhưng độc giả rơi rụng dần, tôi có cảm tưởng chỉ còn người viết chúng tôi đọc lẫn nhau. Bù đầu với công việc giảng dạy và nghiên cứu trong bệnh viện đại học, đi làm về phải soạn bài, viết đề án, đọc tài liệu, hộp thư của tôi đầy nhóc email từ học trò, đồng nghiệp, bộ môn, phòng nghiên cứu khoa học, chẳng còn thì giờ tán dóc chuyện văn chương như xưa. Ông Hoàng và ông Trúc biết vậy nên chỉ liên lạc tôi khi cần tài liệu quá kẹt kiếm không ra, tôi lâu lâu gửi một cái thư chúc Tết và chỉ liên hệ nhà văn Song Thao khi ông ra một cuốn sách mới.

Thời gian qua mau, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng mắc bạo bệnh và mất, may mà tôi còn gặp được ông lần cuối. Rồi con gái lớn vào lớp honors ở middle school bài vở quá nặng, tôi bỏ bệnh viện đại học về làm bệnh viện tư gần nhà, ít giờ hơn, đi làm về chỉ kèm con học, lo cơm nước và xem TV. Tôi nghĩ đến ông Trúc đã lâu không liên lạc, định sau khi con gái thi midterm xong sẽ gọi hỏi thăm, thì bất ngờ được tin ông mất đột ngột vào một ngày cuối năm. Những ngày sau đó, tôi hụt hẫng vô cùng, cứ nghĩ về những cái “phải chi”. Vòng đời cứ quay, không chờ đợi những lời thất hứa, những lần lỗi hẹn.

Tháng bảy năm nay tôi đi nghỉ hè ở Quebec City, ghé Montreal hai ngày và gặp được nhà văn Song Thao. Ông nói chuyện văn chương rất vui và xui tôi viết lại, tôi cười trừ. Ông không tha, đăng một truyện cũ của tôi đã in trên Văn lên facebook và dần dần tôi bị lôi cuốn vào cái thế giới vui vui của các tác giả cho sáng tác của mình lên facebook ở thời đại mà các tạp chí văn chương nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng gọi là “sân chơi chữ nghĩa” đã đi vào dĩ vãng. Hồi trước phải chờ báo tới bằng bưu điện, bây giờ sáng dậy mở facebook có thơ văn đọc tha hồ. Danh sách “bạn” của tôi có thêm tên một số nhà văn nhà thơ. Vì còn giữ một số tạp chí cũ, tôi bắt đầu gửi lại những tác giả Sài Gòn xưa sáng tác của họ đã thất truyền vì thời cuộc và chiến dịch “biệt kích văn nghệ”, “kiểm kê văn hoá”. Qua các hoạt động này, nhà văn Nguyễn Minh Nữu chú ý và request trên facebook tôi. Tôi biết tên tuổi ông đã lâu, hồi nhà báo Bùi Bảo Trúc còn ở Virginia có gợi ý muốn giới thiệu tôi với ông và một số văn nghệ sĩ vùng DC, tôi nhát nên thoái thác. Nay thấy tên ông tôi accept ngay. Sau đó tôi sực nhớ một truyện ngắn của ông trên Văn Tân Niên 1973 nên scan cho lên facebook. Ông rất vui mừng vì đó là truyện đầu tay của ông trên Văn và chúng tôi trò chuyện đôi chút qua messenger. Tưởng chỉ có vậy, nhưng tôi tình cờ thấy trên facebook của ông có hình chị của ông từ Việt Nam sang chơi, nhìn rất giống cô giáo thân yêu dạy tôi môn Văn lớp 12 là cô Nguyễn thị Bội Cẩn, và có bạn học lớp tôi là con trai cô cũng “like” tấm hình. Put two and two together, tôi hỏi lại Phong cho chắc, Phong bảo cậu Nữu là em ruột của cô – mẹ Phong. Tôi mừng vui khôn xiết vì gần ba mươi năm tôi chưa gặp cô. Chẳng những vậy, thầy nhà cô là thầy Chu Hoài Nhân dạy tôi môn Anh văn lớp 8 và lớp 9, em rể cô là thầy Nguyễn Hữu Luận dạy tôi môn Địa ba năm trung học, con thầy Luận tên Hồng Vân là bạn thân tôi từ nhỏ. Tôi vội vàng hỏi nhà văn Nguyễn Minh Nữu số điện thoại liên lạc với cô ở Virginia và gọi cô ngay. Nghe giọng nói quen thuộc ấm áp, âu yếm của cô, tôi xúc động vô cùng, thấy mình nhỏ lại ba mươi năm, là cô bé nữ sinh ngồi nghe cô giảng bài. Trong trường tôi, không chỉ học trò mà các thầy cô giáo đều yêu quý kính trọng cô như người mẹ thứ hai vì tấm lòng và tình thương cô dành cho bọn quỷ sứ chúng tôi. Chúng tôi mê lối giảng văn lôi cuốn hấp dẫn của cô, nhất là khi cô giảng ca dao. Khi giảng bài “ Tát nước đầu đình” mà chàng trai hứa giúp từ xôi, lợn, rượu, chiếu, chằm, cheo cưới, cau… cô kết luận “Thế là anh giúp cả cái đám cưới rồi còn gì!”. Cả lớp cười rộ. Cô luôn luôn mặc áo dài đi dạy, rất dịu dàng, luôn tươi cười dù cuộc sống có khó khăn thế nào.

Thật là một bất ngờ cuối tuần đáng nhớ. Tôi không biết do giác quan thứ sáu, duyên may hay trái đất tròn như Galileo nói. Thôi tôi cảm ơn facebook vậy!

Minh Ngọc
Tháng 10/2017