1.
Về Đọc và Viết
·
Anh lấy ý tưởng từ đâu để
viết?
LQ: Tôi thường lấy ý tưởng từ cuộc sống.
Cuộc sống, nhất là trong thời kỳ chiến tranh có nhiều tình huống bất ngờ, và
đôi khi bi thảm ngoài sức tưởng tượng của con người.
·
Hiện nay anh đang đọc gì,
viết gì?
LQ: Tôi đang đọc sách Phật Giáo. Đức Phật
là vị thầy vĩ đại nhất, theo tôi. Tư tưởng của ngài bao gồm hầu hết tham sân si
của cuộc đời, và tìm ra lối thoát, sự giải quyết cho chúng sinh. Về chuyện viết,
tôi cố gắng tránh lặp lại điều đã viết trong những tác phẩm trước.
·
Tại sao anh viết?
LQ: Thời trẻ tôi viết với ý muốn chống
lại bất công của xã hội và sự phi lý của chiến tranh. Rồi, dần dà viết trở
thành như một cái nghiệp, không thể rời bỏ.
·
Anh vừa là nhà văn vừa là
nhà thơ? Anh tự xem mình là nhà thơ hay nhà văn?
LQ: Tôi vốn rất ngại tự nhận mình là
nhà văn hay nhà thơ, nhưng nếu phải trả lời câu hỏi của chị, thì tôi tự nhận
mình là nhà văn hơn, vì viết văn sẽ dễ gần với bạn đọc, nhất là khi mình phơi
bày những vấn đề gai góc của thời đại mình đang sống.
·
Anh vừa viết truyện dài vừa
viết truyện ngắn, sở trường của anh là truyện dài hay truyện ngắn?
LQ: Thường viết truyện ngắn cô đọng và
dễ dàng hơn. Tôi có một truyện dài “Vườn Trái Đắng”, năm 1973, 1974 đã đưa kiểm
duyệt đến lần thứ ba, ở Sở Phối hợp Nghệ thuật Sài Gòn, mà không được phép. Sau
tháng 4-1975, bị thất lạc!
·
Ngoài viết văn và làm thơ
anh còn tham gia bộ môn nghệ thuật nào khác, như vẽ, âm nhạc, … ?
LQ: Tôi có những người bạn rất thân ở bộ
môn Âm nhạc, Hội họa như các anh Trinh Công Sơn, Nguyễn Trọng Khôi, Đinh Cường,
Bửu Chỉ. Tôi thường tham dự họp mặt, mà không tham gia bộ môn nào cả.
·
Trước năm 1975 anh là một
trong những người thành lập báo Ý Thức. Tại sao anh làm báo?
LQ: Trước 1975 tôi cùng vài người bạn
thành lập nhóm Ý Thức và sau đó ra tờ Tạp chí Bán nguyệt san Văn học Nghệ Thuật
Ý Thức. Khởi đầu là bằng tấm lòng yêu văn chương; sau đó theo thời thế, nội
dung được chuyển hẳn sang thái độ dấn thân, chống lại xu hướng ru ngủ, viễn mơ,
nhất là trong lúc chiến sự sôi động khắp miền nam.
·
Anh có đọc các tác giả gốc
Việt viết bằng tiếng Anh không?
LQ:
Tôi có biết các tác giả gốc Việt viết bằng tiếng Anh, nhưng tôi không đọc họ, một
phần vì trình độ ngôn ngữ hạn chế.
·
Anh có thường tham gia văn
học mạng? Anh chú ý đến mạng nào nhiều nhất, thích gửi bài đến trang mạng nào
nhất?
LQ: Tôi thường tham gia văn học mạng. Vẫn
thường có bài post trên Damau, Tien Vệ, Sáng Tạo, trang VHNT Phạm Cao Hoàng và các blog Trần Thị Nguyệt Mai, Phố Văn...
·
Anh có thường gửi bài về
các báo in và báo mạng trong nước? Theo anh cách viết truyện ngắn của các tác
giả Việt đương thời có thay đổi, hay hơn hay vụng hơn, so với cách viết truyện
ngắn thời trước từ tiền chiến cho đến thập niên sáu mươi, từ thập niên sáu mươi
cho đến tháng 4 năm 1975.
LQ: Tôi không gửi bài cho báo in trong
nước. Riêng báo mạng, tôi có gửi cho Văn Việt. Cách viết truyện ngắn bây giờ có
khác với các tác giả thế hệ trước. Cụ thể, từ 1954 đến cuối 1960. Những tùy bút
của Mai Thảo, truyện ngắn của Võ Phiến, Y Uyên, Trần Hoài Thư, Dương Nghiễm Mậu;
kịch của Vũ Khắc Khoan ở miền nam, nặng về triết lý nhân sinh và xã hội, nhất
là trong thời kỳ chiến tranh với quốc nạn Cộng sản; thì truyện ngắn của các tác
giả hiện nay đi sâu vào kỹ thuật viết, với nhiều khám phá mới về nội dung như
Nguyễn Viện, Đỗ Hoàng Diệu…
2.
Về Bạn bè văn nghệ.
·
Anh có nhiều bạn bè trong
giới văn học và nghệ thuật? Anh nghĩ gì về những người bạn văn nghệ cùng thời?
LQ: Những người bạn văn nghệ của tôi,
cũng còn được coi như những người anh em thân thiết. Họ chơi thân với tôi, với
cả gia đình tôi, bằng sự yêu mến, trân quý, hết lòng giúp đỡ lẫn nhau. Họ là
Đinh Cường, Bửu Chỉ, Trịnh Công Sơn, Trần Hoài Thư, Đỗ Hồng Ngọc, Lữ Kiều,
Nguyên Minh, Nguyễn Mộng Giác.
·
Anh có bài thơ Chiều Tân Định
đề tặng họa sĩ kiêm thi sĩ Đinh Cường. Bài thơ rất hay và tôi rất thích câu cuối: “uống ngụm nắng tàn trong chiếc ly không.” Và
bài thơ Giấc Mơ có nhắc đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong đó có ba câu rất u buồn: “Bầy quạ giăng hàng trên dây thép/ Những nốt
nhạc đen giữa hoàng hôn/ Chập chờn trùng vây mộ địa.” Xin anh cho biết
lý do gì, hay kỷ niệm gì đưa đến sự thành hình của hai bài thơ này?
LQ: Về bài thơ Chiều Tân Định, tôi làm tặng Đinh Cường. Sau khi tiễn gia đình anh ở phi
trường Tân Sơn Nhất đi định cư ở Mỹ, tôi về lại cái quán mà chúng tôi thường ngồi
với nhau mỗi buổi chiều, lòng ngậm ngùi, tôi đã gọi cho mình một ly rượu đỏ và
một chiếc ly không đặt đối diện. Tên quán Hoa giấy và đường Thuốc lá trong bài
thơ, là điểm hẹn mà Trịnh Công Sơn, Đinh Cường và tôi thường gọi nhau đến. (Các
tên này do chúng tôi đặt). Còn ba câu thơ “Bầy
quạ giăng hàng trên dây thép/ Những nốt nhạc đen giữa hoàng hôn/ Chập chờn
trùng vây mộ địa.” chị đã nhắc đến nằm ở phần cuối bài thơ có tựa đề “Những giấc mơ tôi”. Khi một người bạn
thân thiết ra đi, mà thời gian chưa thể khỏa lấp nỗi trống, thì những giấc mơ
hiện về hằng đêm, và đôi khi tôi đã vội vàng ghi lại được, ví dụ như “… chiếc piano treo ngược trước khán phòng…”
Có một thời gian tinh thần tôi bất an, chỉ làm thơ và loay hoay với những giấc
mơ u ám. “…lòng ta quanh năm chỉ một mùa
vàng lạnh/ giấu bạn bè trong những giấc mơ…”
3.
Về quá trình viết văn và sự nghiệp văn chương
·
Xin anh cho biết một vài
tác phẩm gối đầu của anh. Nhà văn nào ảnh hưởng đến cuộc đời nhà văn cũng như
quá trình sáng tác của anh?
LQ: Tôi thường đọc, trước đây Hemingway,
G. Marquez và gần đây Haruki Murakami (qua bản dịch) và đặc biệt với G.
Marquez, tôi rất thích cuốn “Trăm năm cô đơn” của ông; tác phẩm này đã ám ảnh
tôi và tôi còn nhớ các nhân vật cũng như bối cảnh của thời đại đó.
·
Anh có học trường dạy viết
văn không?
LQ: Tôi không học trường dạy viết văn.
·
Nhà văn Ray Bradbury quan
niệm rằng người ta không thể học viết văn trong đại học. “Đại học là một chỗ không tốt cho người viết văn vì các ông giáo sư
luôn luôn nghĩ là họ hiểu biết nhiều hơn là người viết.”[i]
Theo anh thì học vấn chính qui (đại học văn chương và có bằng cấp) có cần thiết
cho công việc sáng tác không?
LQ: Học vấn rất cần cho công việc sáng tác chị ạ.
Chính học vấn là chìa khóa trí tuệ để mở ra tầm nhìn thế giới.
·
Theo anh nhà văn có nhiệm
vụ gì? Giải trí? Thay đổi xã hội và giáo dục thế hệ nối tiếp?
LQ: Theo tôi nhiệm vụ của nhà văn là
giáo dục và nếu được, có thể làm thay đổi xã hội, cho xã hội tốt đẹp và an bình
hơn.
·
Theo
anh, người Việt Nam có thời kỳ vàng son trong văn học nghệ thuật không và nếu
có thì vào lúc nào?
LQ:
Khác với một số nhà phê bình thường cho rằng thời kỳ vàng son của văn học Việt
Nam là Tự Lực Văn Đoàn; theo tôi trong giai đoạn 1954-1970, mới là thời kỳ mạnh mẽ, đáng lưu
tâm nhất của nền VHNT Việt Nam, nhất là của miền Nam. Đây là thời kỳ mà nhiều
khuynh hướng về văn học, nghệ thuật, triết học bên ngoài tự do du nhập vào miền
nam. Tiêu biểu là chủ nghĩa hiện sinh với tác phẩm của Jean Paul Sartre, Albert
Camus, Franz Kafka. . . Và cùng với sự tự do, nhân bản ấy là cuộc chiến khốc liệt, mở ra thời kỳ văn
học phản chiến, chống Cộng với nhiều tác
giả vừa chiến đấu vừa sáng tác, nổi tiếng như Ngô Thế Vinh, Y Uyên, Nguyễn Bắc
Sơn, Trần Hoài Thư…
·
Anh có đọc lại tác phẩm
anh đã viết và xuất bản không? Trong các tác phẩm của anh, anh thích nhất truyện
nào, bài thơ nào?
LQ: Tôi ít khi đọc lại tác phẩm đã viết.
Trong các truyện ngắn, tôi thích truyện “Bóng tối dưới hầm.” Thơ thì có bài thơ
ngắn làm tặng Đinh Cường năm 1990. Về thơ cũng nên nhắc đến bài “Hoàng Sa, nỗi nhớ”,
tôi làm khi Hoàng Sa của chúng ta bị bọn Tàu chiếm năm 1974, trong đó có mấy
câu: “… tôi xin lỗi/ rất đau lòng nhưng
phải nói ra// ngày mất Hoàng Sa/ chỉ nửa nước đau thương căm hờn lũ giặc// chỉ
nửa nước sục sôi niềm đau mất đất…” Khi bài này đăng lên, có một bạn đọc gửi
mail hỏi, tại sao mất Hoàng Sa mà chỉ nửa nước đau thương?! Nhắc đến bài thơ
này làm tôi nhớ đến ngày mất Hoàng Sa 19-1-1974, hơn một tuần lễ sau có một chiếc
thuyền cao su trôi giạt vào bờ biển Quy Nhơn, trên có 13 thủy thủ từ Hoàng Sa.
Quân Y Viện Quy Nhơn tiếp đón điều trị các anh, ban đầu các anh phần lớn bị hôn
mê. Các bác sĩ chăm sóc đặc biệt, từ muỗng nước muỗng sữa đầu tiên. Sau khi
bình phục, các anh được xe của đơn vị chở đi thăm thành phố biển, với biểu ngữ
chào mừng “ Những chiến sĩ anh hùng từ Hoàng Sa trở về”.
·
Trong các tác phẩm của
anh, có truyện ngắn “Bóng Tối Dưới Hầm” tôi thích nhất. Tôi đọc truyện này lần
đầu trong Tuyển Tập Truyện Ngắn do Thư Ấn Quán xuất bản và thích nó ngay lập tức.
Tôi đọc lại vẫn còn thấy thích cái không khí căng thẳng của ba người nấp dưới hầm.
Đây là một truyện ngắn đầy tính xung đột và bi kịch nhưng không khí truyện rất
ngấm ngầm, thầm lặng. Xin hỏi anh dựa vào một chuyện có thật hay chỉ thuần tưởng
tượng?
LQ:
Truyện “Bóng tối dưới hầm” tôi viết từ bối cảnh có thật ở khu 3 huyện Phú Lộc,
một vùng kháng chiến thời chống Pháp; dĩ nhiên có phần hư cấu trong hồi tưởng của
người đàn ông, một trong ba nhân vật dưới chiếc hầm bí mật.
·
Tôi đọc hết tất cả truyện
ngắn trong “Mười Hai Truyện Ngắn của Lữ Quỳnh” có truyện viết từ năm 1970, nhiều
truyện khác không thấy đề thời gian viết xong. Qua những tác phẩm như “Ngày Hòa
Bình Đầu Tiên,” “Mùa Xuân Hư Vô,” anh có nghĩ anh là một nhà văn phản chiến (phản
đối cuộc chiến tranh Việt Nam) không?
LQ: Đúng rồi chị. Tôi rất ghét chiến
tranh. Trong chiến tranh chỉ có nhân dân là kẻ bị thảm bại cay đắng nhất. Một số
truyện của tôi muốn nói lên sự chán chường, vô nghĩa, phi lý như thế.
·
Một vài truyện ngắn của
anh như “Bụi Đá” trong đó mẹ của nhân vật bị quân xa Mỹ cán chết. Truyện “Ngõ Cụt”
nhân vật là một người Mỹ lai, kết quả của cuộc hiếp dâm. Có phải anh và nhiều
người trí thức thời ấy nhìn sự hiện diện của người Mỹ như một cuộc xâm lăng?
LQ: Có thể, cùng với sự đánh giá sai về
vai trò của “giải phóng”.
·
Một cách tổng quát, theo
anh thế nào là một truyện hay?
LQ: Thế nào là một truyện hay? Dù là một
cách tổng quát, cũng chưa trả lời chị ngay được.
·
Chúng ta có nhà văn đương
đại nào và tác phẩm đương đại nào đáng chú ý, có triển vọng vang danh trên văn
đàn quốc tế không?
LQ: Chưa thấy có.
·
Thưa
anh, chúng ta có thể làm gì để phát huy nền văn học VN, nhất là ở hải ngoại?
LQ:
Thật khó, khi mà thế hệ đầu tiên sắp qua đi, dù có một số tác giả đã có sách xuất
bản bằng tiếng Việt …và thế hệ kế tiếp không còn sử dụng tiếng Việt nhiều nữa.
Một số nhà văn trẻ hải ngoại viết bằng tiếng Anh như Lan Cao, Viet Thanh Nguyen
đầy tài năng và trở thành những tên tuổi lớn tôi không biết nói gì thêm.
4.
Về bản thân, gia đình, người thân
·
Trong gia đình của anh có
ai tham gia công việc viết văn không? Phu nhân của anh có yêu thích văn chương?
Tán thành công việc viết lách, in ấn của anh không?
LQ: Trong nhà tôi có người con trai đầu
viết văn, cháu tên Phan Triều Hải, có vài tác phẩm đã được xuất bản. Nhà tôi đọc
nhiều, không biết có tán thành việc viết lách của tôi không, nhưng không phản đối
chuyện tôi in ấn.
·
Trước năm 75 anh ở trong
ngành quân y, anh làm gì trong quân y? Sau năm 75 anh có bị đi tù (cải tạo),
bao nhiêu năm?
LQ: Trước năm 1975 tôi ở ngành Hành
chánh Quân Y, phục vụ đơn vị cuối cùng là Quân Y Viện Quy Nhơn. Sau tháng
4/1975 tôi ở tù một năm rưỡi.
·
Xin anh kể một điều gì về
anh, về xã hội Việt Nam trong mắt nhìn của anh, trước năm 75 và hiện nay có ảnh
hưởng đến cuộc sống tinh thần văn chương của anh mà độc giả chưa biết.
LQ: Tôi vẫn thương tiếc miền Nam những
năm từ 1954 đến 1962, thời của thanh bình, no ấm; thời của một nền giáo dục
nhân bản, tươi đẹp. Cái thời mà Cộng sản VN từ 1975, cho đến hiện tại, sau 42
năm, vẫn không biết đến bao giờ mới vươn tới được. Và,
Tôi đang suy nghĩ một đề tài: chính tuổi
thơ mình, được nghe kể, cũng như một số tư liệu về ngôi làng và đời sống ma
quái cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20; về một ngôi nhà không có đàn ông và những hệ
lụy vây quanh nó. Đề tài thì dài hơi, nhưng không biết tôi có đủ sức để viết
không!
·
Anh có một số tác phẩm như
“Người Ngồi Đợi Mưa,” “Một Người Tù Lãng Mạn” nói về sự cầm tù của quân nhân
đào ngũ. Xin hỏi đây là kinh nghiệm bản thân hay chỉ là sáng tác hư cấu?
LQ: Với “Người ngồi đợi mưa” là một
truyện thật. Người đợi mưa trong truyện là Trần Hoài Thư. Mái hiên hai đứa ngồi
đợi mưa là nhà tôi ở đường Cường Để, Quy Nhơn. Còn truyện “Một người tù lãng mạn”
là hư cấu; Tôi muốn nói lên tâm hồn lãng đãng, gần như tuyệt vọng của người tù
và tấm lòng trắc ẩn, đầy tình người của người lính quân cảnh; những người lính
chỉ có dưới chế độ VNCH.
·
Câu hỏi đặc biệt. Anh có
gì muốn bày tỏ, góp ý, chỉ bảo, khuyên nhủ với những người viết tiếng Việt hiện
nay trong công việc gìn giữ và khuếch trương văn học Việt?
LQ:
Thế hệ sau có điều kiện về học vấn, điều kiện sống, điều kiện tiếp nhận
các
trào lưu văn học thế giới đủ làm hành trang cho mình phát triển một nền văn học
tự do của nước nhà rồi!