(Bài
viết sau đây nguyên là bài thuyết trình của Trương Vũ đọc trong buổi ra mắt tác
phẩm Le Boujoum. Buổi ra mắt do các học trò cũ của nhà văn Cung Giũ Nguyên tổ
chức tại giảng đường đại học George Mason, Virginia vào tháng 11, 2003.)
Nhà văn Cung
Giũ Nguyên (1909-2008)
Nhà
văn Cung Giũ Nguyên sinh năm 1909 tại Huế. Lấy tên thật làm bút danh. Cựu học
sinh trường Quốc Học Huế. Trước 1954, làm phóng viên và biên tập viên nhiều
nhật báo và tạp chí tiếng Việt và tiếng Pháp. Chủ bút nhật báo Le Soir d’Asie
(Á Châu Buổi Chiều) (1940-1941) và nhật báo La Presse d’Extrême-Orient (Viễn
Ðông Thời Báo) vào 1954. Từ 1947, dạy Pháp văn ở trung học và sau đó làm hiệu
trưởng trường trung học Lê Quý Ðôn ở Nha Trang. Từ 1972 đến 1975, giáo sư và
chủ nhiệm ban Pháp văn tại Ðại học Duyên hải Nha Trang. Từ 1989 đến 1999, giáo
sư ngôn ngữ và văn chương Pháp tại trường Cao đẳng Sư phạm Nha trang. Ông là
thầy của rất nhiều thế hệ học sinh và sinh viên Nha Trang, kể cả thế hệ đầu
tiên, bước chân vào trường trung học Võ Tánh năm 1947, lúc đó còn mang tên
Collège de Nha Trang.
Cung
Giũ Nguyên viết văn bằng tiếng Pháp, Việt, và Anh. Ông đã sáng tác và dịch trên
50 tác phẩm. Sáng tác đầu tiên bằng tiếng Việt là một truyện ngắn nhan đề “Tình
ái mỹ” đăng ở Ðông Pháp Thời Báo Sài Gòn năm 1928. Sách tiếng Pháp đã xuất bản
gồm có: Volontés d’Existence (“Những ý chí sống còn”, tiểu luận), Le Fils de la
Baleine (“Kẻ thừa tự của ông Nam Hải”, tiểu thuyết), Le Domaine Maudit (“Vùng
Cấm”, tiểu thuyết), ... Le Fils de la Baleine đã được dịch sang tiếng Ðức và
xuất bản năm 1957 tại Genève và Francfort dưới nhan đề Der Sohn des Walfischs. Trong
vòng một năm, 1958, tiểu thuyết này đã được tái bản đến lần thứ mười tại Pháp,
do nhà xuất bản Arthème Fayard, Paris.
Tác
phẩm quan trọng nhất của Cung Giũ Nguyên là Le Boujoum, tiểu thuyết. Tác phẩm được
khởi sự viết một năm sau biến cố 1975 và hoàn tất năm 1980 tại Nha Trang. Cũng
trong năm này, một chương trong tác phẩm, Khúc Hát của Amdo (“Le Chant
d’Amdo”), đã được đăng tải trên một tạp chí văn học ở Pháp, với lời giới thiệu
và ngợi khen đầy nhiệt tình của giáo sư Camille Souyris, chủ biên của tạp chí. (“Fer
de Lance”, Rythmes et Couleurs, Cannes, France, Décembre 1980). Le Boujoum được dự trù xuất bản ở Pháp vào đầu
thập niên 80, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, đặc biệt là sự khó khăn tài chánh
của nhà xuất bản Arthème Fayard vào lúc đó, sách không ra đời được. Ðây
là một tác phẩm khó đọc, nó giới hạn số độc giả, và không ai hy vọng nó mang
lại một lợi tức tài chánh cho nhà xuất bản. Năm 1993, nhà xuất bản Ðại Nam ở
Hoa Kỳ đề nghị tác giả dịch Le Boujoum sang tiếng Việt. Tác giả đồng ý và Le
Boujoum chuyển sang tiếng Việt thành Thái Huyền, chia làm hai tập. Sau khi xuất
bản tập I vào năm 1994, nhà xuất bản lỗ vốn, và quyết định không xuất bản tập
II. Cách đây hai năm, một vài học trò cũ của nhà văn Cung Giũ Nguyên quyết định
cho xuất bản Le Boujoum. Với một lý do rất đơn giản, ít nhất với những người
học trò này, đây là một cuốn sách rất cần được xuất bản, rất đáng được đọc, và
không hẳn là một cuốn sách khó đọc như nhiều người nghĩ. Năm 2002, Le Boujoum,
tiểu thuyết, dày 654 trang, được Trung Tâm Cung Giũ Nguyên ở Hoa Kỳ xuất bản.
Như cái số phận vốn long đong của nó, đến mãi hôm nay, ngày 16 tháng 11 năm
2003, nó mới được chính thức ra mắt người đọc, tại giảng đường Luật Khoa Đại
Học George Mason, Virginia, Hoa Kỳ.
Trong
bài viết này tôi không nhằm làm công việc của một nhà phê bình văn học. Tôi chỉ
muốn đóng góp một ít thông tin về con người của tác giả và về cái bối cảnh để
tác giả xây dựng nên tác phẩm.
Cuốn
tiểu thuyết được xây dựng bằng một cấu trúc kỳ lạ, có lẽ không giống cấu trúc
của bất cứ một cuốn tiểu thuyết nào mà bạn đã đọc. Mở những trang đầu của sách,
người đọc có thể cảm nhận được điều đó ngay, khi đọc những câu rất đặc biệt mà
tác giả trích dẫn từ cuốn The Hunting of the Snark của Lewis Carroll: “Bởi Snark (...) là một boujoum, các
bạn hãy hình dung đi. Trước kia tôi chẳng hiểu nghĩa nó là gì. Bây giờ tôi vẫn
không hiểu.”
Tác
giả là một trí thức thuộc tinh thần Phục Hưng, a Renaissance man, có một hiểu
biết sâu rộng về nhiều vấn đề khác nhau, nhất là những vấn đề đang chi phối nếp
sống, cách suy nghĩ, ước mơ và thao thức của con người. Những nhân vật của
truyện và những vấn đề đặt ra trong truyện ít nhiều chịu ảnh hưởng của tinh
thần này. Có vẻ như cuốn sách đòi hỏi người đọc phải có kiến thức trong nhiều
lãnh vực khác nhau, những kiến thức về toán học hay về cơ học lượng tử chẳng
hạn. Thật ra, dù người đọc không có những kiến thức đó, ông ta vẫn có thể tiếp
cận được với tác phẩm một cách thoải mái. Cũng giống như trong đời sống thật có
biết bao vấn đề mà mình chẳng biết gì hết, mà mình vẫn có thể sống hết mình và
tận hưởng được mọi cái thi vị của cuộc sống. Chính những cái “không biết” hiện
diện ở trong truyện làm cho nó gần với đời sống thật hơn. Tuy nhiên, nếu bạn cố
gắng đi tìm cốt truyện thì không khéo, bạn lạc vào một khu rừng rậm không lối
ra, cho dù sau khi bạn tin rằng bạn đã tìm được nó.
Là
một tín đồ Công giáo, tác giả vẫn hâm mộ và nhận thức một cách sâu xa những tinh
hoa của các tôn giáo khác, như Lão giáo và Phật giáo, và đặc biệt là Lão giáo.
Amdo va Domicella được tái tạo từ Vườn Ðịa Ðàng, cùng với cái đối đãi giữa âm
và đương, cái quan niệm trong dương có âm, trong âm có dương, hoặc ý niệm về đâu
là chỗ bắt đầu, đâu là chỗ kết thúc, ý niệm về chiều thời gian, lúc nào tới,
lúc nào lui, v.v. Tính cách này cũng được biểu lộ rõ rệt khi tác giả chọn hai
chữ Thái Huyền cho bản dịch tiếng Việt. Cũng như, khi tác giả cho đăng lại vài
dòng trên bức hí họa ở bìa sau của Le Boujoum, lấy từ câu nói của đệ tử một
thiền sư Trung Quốc (Trước khi theo Thầy
lên núi học đạo, thấy núi là núi thấy sông là sông. Khi học đạo, thấy núi không
còn là núi thấy sông không còn là sông. Sau khi học đạo, thấy núi cũng chỉ là
núi thấy sông cũng chỉ là sông). Có phải là để người đọc tự vấn “khi đọc
sách này, anh thấy sông là sông, hay không phải là sông? “
Cách
đây hơn 30 năm, các cựu học sinh của trường trung học Võ Tánh Nha Trang tổ chức
một buổi họp mặt tại trường cũ, để thăm lại trường xưa và đồng thời cũng để tỏ
lòng nhớ ơn thầy cô giáo cũ của minh. Nhiều cựu học sinh lên phát biểu cảm tưởng.
Có người cho rằng cái thời còn đi học ở mái trường thật là tuyệt vời và ước sao
mình vẫn còn cặp sách đến trường như thuở nào. Có người tiếc rằng hồi đó mình
còn trẻ thơ nên không hiểu được lòng thương yêu vô bờ của thầy cô đối với mình,
nếu bắt đầu trở lại, chắc chắn sẽ khác đi, v.v. Nghĩ thật mà nói cũng có, nói
cho đúng “sách vở” cũng có, và nói cho phải đạo cũng có. Khi đến lượt thầy
Nguyên lên phát biểu, thầy kể câu chuyện về Orpheus trong thần thoại Hy Lạp.
Orpheus là vị thần của âm nhạc. Những bài thơ và tiếng hát của ông có khả năng
cứu sống cả một đoàn thủy thủ bị ma quỷ hóa hình mỹ nhân ngư để dụ dỗ và ám
hại. Ông có một người vợ rất đẹp mà ông rất yêu quí là Eurydice. Trong một cuộc
săn đuổi vì chính sắc đẹp của mình, Eurydice bị rắn độc cắn chết. Vô cùng thương
xót, Orpheus tìm mọi cách để cứu vợ. Nhờ tiếng đàn tuyệt vời khiến những vị
thần giữ cửa địa ngục sao nhãng, ông lẻn vào được âm cung. Cảm động trước tấm
lòng và tiếng hát của Orpheus, các tử thần đồng ý cho Eurydice đi theo ông trở
lại thế gian, chỉ với điều kiện là trên đường đi Orpheus không được ngoái nhìn
lại Eurydice. Nhưng Orpheus đã ngoái lại, Eurydice liền tan biến và mất vĩnh viễn.
Orpheus trở nên điên loạn, cuối cùng kết thúc cuộc đời mình một cách thảm khốc.
Câu
chuyện thần thoại đó hầu như ai cũng biết, nhưng những lời phát biểu của ông
vào lúc đó gây cho chúng tôi một ấn tượng mạnh về cái ngụ ý ông muốn gởi đến
chúng tôi. Có điều, không phải bất cứ bài học nào của thầy cũng được học trò
mang theo ra khỏi cổng trường. Nhưng với ông, về điều ông muốn nhắn nhủ chúng
tôi, tôi tin ông sống rất thật với nó. Tôi tin chắc thầy Nguyên có rất nhiều
mất mát trong đời ông, và dĩ nhiên là ông ý thức rất rõ về những mất mát đó, nhưng
ông không bao giờ chịu để những mất mát đó đánh gục ông. Tinh thần này bàng bạc
trong những sáng tác của Cung Giũ Nguyên. Ðồng thời, trong Le Boujoum, cũng có
rất nhiều bài thơ và tiếng hát biểu lộ phong cách đó.
Cung
Giũ Nguyên khởi đầu viết Le Boujoum từ 1976 và hoàn tất năm 1980 ở Nha Trang.
Người đọc có thể cảm nhận được ảnh hưởng sâu đậm của thời gian và không gian
này trong tác phẩm. Tôi còn nhớ rất rõ những kỷ niệm với ông vào những ngày
cuối tháng ba năm 1975 tại Nha Trang. Thành phố hỗn loạn. Người chạy tứ tán. Từ
nơi khác chạy đến thành phố, từ thành phố chạy đi, chạy loanh quanh ngơ ngác.
Một buổi sáng, đài phát thanh phát lệnh truyền cho mọi quân nhân và công chức ở
nguyên tại nhiệm sở. Tôi với ông đến dự một phiên họp bất thường của đại học.
Phiên họp chưa bắt đầu thì được tin riêng cho biết thành phố đã bỏ ngõ. Ðài
phát thanh thật ra chỉ phát lại thông lệnh đã thâu hôm trước, và vẫn còn tiếp
tục phát. Tôi thấy ông ngồi im lặng, cuối cùng ông chỉ nói một câu, làm lạnh cả
phòng họp: “Chúng ta thua trận vì chúng
ta có quá nhiều người có quyền hành mà vô trách nhiệm”. Tối hôm đó, tội
phạm từ quân lao thoát ra, súng nổ suốt đêm, khắp mọi hướng, từ mọi góc đường,
không ai phân biệt được từ phe nào, nhóm nào. Thành phố dẫy chết. Vài hôm sau,
tiếng súng ngưng, những chếc T54 đầu tiên tiến vào thành phố, và một giai đoạn
mới bắt đầu.
Tôi
vẫn tiếp tục gặp ông, trò chuyện, hay làm chung với ông vài công việc lỉnh kỉnh
ở trường, cho đến ngày tôi lặng lẽ rời quê hương, tháng 3 năm sau. Từ đó tôi
không còn có mặt để cảm nhận thật sâu sắc tâm trạng và cuộc sống của mỗi con người
ở thành phố này. Nhưng tôi nghĩ tôi có thể hiểu một cách đơn giản là những con
người đó đang bị thời gian bỏ quên và thế giới bỏ quên. Và mặc dầu tôi có thể
cảm nhận được nỗi cô đơn cùng cực của họ, tôi không thể hình dung nổi làm sao
mỗi một con người mà tôi biết, tồn tại được khi thân phận của họ mong manh như
vậy. Tôi không dám nghĩ đến những điều gì lớn hơn. Tôi hoàn toàn không biết
rằng trong khoảng thời gian đó Thầy Nguyên đã ngồi viết Le Boujoum. Mà lúc đó
chỉ riêng cái chuyện trên thế gian không ai tưởng tượng nổi lại có thể là một
vấn đề cho con người, là chuyện kiếm một tờ giấy để viết, thì ở nơi thầy đang
sống, học trò lớn nhỏ được nhà trường khuyến khích đi nhặt giấy vụn từ những đống
rác, gọi là kế hoạch nhỏ. Tác phẩm Le Boujoum đã được hoàn tất trong một bối
cảnh như vậy. Nhưng điều quan trọng cho một trí thức, đặc biệt cho người làm văn
học, là tác phẩm dù có lấy chất liệu từ tim óc, từ thực tế của thời gian và
không gian đó, giá trị của nó và cái nó nhằm đạt tới đã vượt qua khỏi cái thời
gian ngắn ngủi và không gian nhỏ hẹp này. Ngày nay, hơn hai mươi năm sau, ở xa
nửa vòng trái đất, khi đọc Le Boujoum , chúng ta có thể vẫn thấy bóng dáng mình, quẩn
quanh đâu đó trong tác phẩm. Bóng dáng mình của ngày hôm nay, ở đây. Cũng như,
có thể cảm thấy rằng cái kết thúc trong Le Boujoum của Cung Giũ Nguyên lại biết
đâu cũng là cái khởi đầu một cách rất “Boujoum” của chính cuộc đời mình?
Nhà
văn Cung Giũ Nguyên đã mở đầu cuốn tiểu thuyết Le Boujoum không giống như cách mở đầu
thường thấy trong những cuốn tiểu thuyết khác, mà... chỉ như một tiếp nối: “...một
vật lơ lửng trên vực thẳm, được những sợi tơ mành của hy vọng giữ lại. Hy vọng
nơi ai? Hy vọng nơi gì? Và có lý do nào để hy vọng? Nhờ biệt lệ nào được nâng đỡ
như thế này, trong thời gian có giới hạn nhất định. Hay ta lại muốn cho thời
gian còn kéo dài mãi, hay ít ra còn lâu nữa mới chấm dứt. Bởi tánh cách đột
ngột của sự việc quá rõ ràng, nhưng một mối đầu luôn luôn phải có đối ứng tất
yếu là đầu mối kia. Tuy sự quên lãng những quy luật thường đi đôi với ảo tưởng.
/ Dưới kia là một vực thẳm âm u cuồn cuộn...” Và, cuối sách, kết thúc bằng
một câu giống như câu đã bắt đầu với chỉ thêm một tĩnh từ.
Trong
những năm gần đây ở hải ngoại, nhiều nhà phê bình văn học tranh luận về văn chương
hậu hiện đại, nhưng chưa thấy ai khẳng định và được sự đồng ý của hơn một nhà
phê bình, là một tác phẩm nào đó của văn chương Việt Nam được xem là hậu hiện đại.
Le Boujoum, được viết cách đây hơn 20 năm ở trong nước, theo tôi, rất đáng để
trở thành một đề tài tranh luận nghiêm túc về văn chương hậu hiện đại của những
nhà văn Việt Nam, dùng bất cứ ngôn ngữ nào để hoàn thành tác phẩm.
Hôm
nay, 16 tháng 11 năm 2003. Chỉ còn 4 ngày nữa là sinh nhật thứ 94 của Thầy
Nguyên. Chín mươi bốn tuổi. Tuy vậy, hằng ngày, ông vẫn ngồi trước máy vi tính,
cặm cụi làm việc, hoặc sáng tác, hoặc trao đổi điện thư với bạn bè, người thân,
và các học trò cũ ở những nơi rất xa. Tôi tự hỏi, không biết những lúc cặm cụi
làm việc như vậy, ông có nghĩ đến những dòng chữ ông đã dùng để kết thúc Le Boujoum :
“...một vật mỏng manh lơ lửng trên vực thẳm, được những sợi tơ mành của hy
vọng giữ lại.” Và, tôi cũng tự hỏi, không biết, ông có mỉm cười một cách
hài lòng là ông đã chỉ kết thúc như vậy rồi “chấm chấm chấm” mà không viết
tiếp, như khi bắt đầu :”Hy vọng nơi ai? Hy vọng nơi gì? Và có lý do nào để
hy vọng?”
Virginia,
tháng 11 năm 2003
BẠT
Nhà
văn Cung Giũ Nguyên mất lúc 3 giờ 15 phút sáng ngày 7 tháng 11 năm 2008 trong căn nhà riêng của ông trên đường Hoàng Văn Thụ, Nha Trang. Rất
đông hướng đạo sinh mặc đồng phục cùng với học trò cũ và đồng nghiệp tiễn đưa ông
đến nơi an nghĩ cuối cùng. Đại diện các học trò đã đọc điếu văn trước khi hạ
huyệt. Ông được chôn bên cạnh mộ vợ và con gái, mất trước đó khoảng hai năm.
Ông thọ gần đúng một trăm tuổi. Hiện diện trong tang lễ có một thiếu phụ cầm lư
nhang đi trước quan tài. Thiếu phụ này là con gái ông với nhà văn NTH, kết quả
một mối tình lãng mạn và đầy sóng gió vào cuối thập niên 50.
Bài
điếu văn do Trương Vũ viết, thay mặt Trung Tâm Cung Giũ Nguyên và các học trò
của ông ở hải ngoại. Sau đây là một vài trích đoạn trong bài điếu văn đó:
“…học trò Thầy rời mái trường đã lâu lắm rồi,
hầu hết đầu đã bạc, vậy mà âm vang những câu chuyện hay bài học “ngoài môn
học”, hay những lời giảng về cách nhìn cuộc đời, cách nhìn một thế giới lớn
rộng hơn cái không gian nhỏ bé của mình hay vượt ngoài cái thời gian hạn hẹp
của mỗi đời người, dường như vẫn còn đâu đó…
Bài học nhiều lắm. Chúng con chỉ muốn
nhắc lại ba bài học chính của Thầy, được nhắc đi nhắc lại rất nhiều, mà chúng
con phải học mãi trong suốt cuộc đời mình. Những bài học ngỡ rằng đơn giản
nhưng thật không dễ học… Nhắc lại ở đây như một lời biết ơn trước khi nói lời vĩnh
biệt Thầy:
Hãy
luôn nhìn về tương lai. Hãy luôn làm việc hết mình và không ngừng học hỏi. Hãy
nuôi hy vọng.
Thời gian mấy mươi năm qua, học trò
Thầy và cả chính Thầy, đã trải qua bao thăng trầm. Càng thấm thía với những lời
dạy này. Với rất nhiều học trò của Thầy, nó trở thành một cái phao tinh thần
cho cuộc đời họ. Bởi vì, trong suốt mấy mươi năm qua, có mấy ai không có những
lúc muốn quỵ xuống, muốn buông xuôi, muốn bỏ cuộc, muốn mặc cho thế sự quay
cuồng như thế nào, quay mình đi như thế nào. Bài dạy chỉ thật sự có tác dụng
nếu chính người dạy tin và sống theo đó. Từ những nơi rất xa nhìn về quê nhà,
thấy cách sống của Thầy, ở vào tuổi của Thầy mà vẫn lừng lững không chịu thua
với khả năng tàn phá của thời gian, của thời cuộc, học trò Thầy ngưỡng mộ vô
cùng.
…”
Trương Vũ
Maryland,
tháng 8 năm 2017