Khi
anh nhìn thấy những gương mặt quen ngồi quanh bàn tròn, một ý nghĩ kỳ cục chợt
hiện: Anh là đảng viên cuối cùng tới dự một cuộc họp kín. Một thứ đảng không
giống ai, mỗi đảng viên thủ đắc riêng mình một thứ vũ khí chôn sâu trong lòng,
dấu ở nhà, nằm chực ở computer và xuất dương thì mang khẩu súng gắn cửa miệng,
để ngấc tự động, bắn ra những hòn đạn vô thưởng vô phạt cày xéo lùng bùng vào
đêm thứ bảy, loang lỗ khuya chủ nhật, làm nguôi ngoai những cuối tuần tẻ nhạt.
Quán
ăn rất đông chật ồn ào ở tầng trệt, bước xuống những bậc cấp hình vụ lại bày ra
khung cảnh đối nghịch, tịch lặng như tờ. Điều này biện minh do đâu anh tưởng
tới một phiên họp kín. Thực sự thì tất thảy những người ngồi kia đều chủ
trương: Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Vả, súng không gắn bộ phận hãm thanh thì bạn
tha hồ lia cho sướng, khỏi làm phiền “giấc ngủ” hàng xóm. Mà giả có bọn thực
khách xi lô xi la ngồi bàn kề cận nhỡ hứng đạn lạc thì cũng đâu có chết thằng
Tây nào mà sợ. Nhất trí như vậy nhé! Hoan hô tự do. Đả đảo tự do ngôn luận bị
kềm kẹp, bịt mồm, xài đạn giả, khóa nòng.
Nói
họp chi bộ là một kiểu nổ khác. Nghe hội họp thêm oải, bỏ đi tám. Ừa, gặp mặt,
chọc quê, cười đùa, thông tin thời sự, thời tiết, bệnh tật và buồn miệng thì
nói toàn cả chuyện viễn vông, bên Mỹ bên Tây bên Tàu bên Ả Rập bên Trung Đông,
những râu ria có bạc có rụng có sức mẻ cũng không hề ảnh hưởng tới mình. Nói
cho xôm tụ, nghe ra thức thời. Chấm câu bằng lời Mao Tôn Cương: Mẹ rượt, sao
bọn chúng chơi kiểu cọ gì đi ngược với chiều hướng văn minh nhân loại! Phá hoại
môi trường, hít thở độc tố.
Lạ,
bàn tròn này, chốn đây, qui tụ toàn công dân lao động chữ nghĩa mà chả có ai tơ
tưởng, sôi nỗi nói về một cuốn sách dự trù sẽ in. Buồn năm phút hay sầu miên
viễn? Thời buổi oái ăm, mấy trăm trang sách chào đời mà làm như thể đẻ ra một
cái gì gần với lạc hậu, khó chấp nhận. Hỏi anh Đ. Chịu, tui biết diết gì đây!
Bình điện hết xẹt ra lửa. Than thở mà thần sắc chẳng chịu úa sầu mảy may. Con
tằm mà không nhả ra tơ, coi đặng chăng!
Sao
tới trễ vậy? Ồ, lo đi tậu chai bia, sao quanh đây chẳng thấy tiệm tạp hóa nào
cả, chui đầu vô cây xăng mới ngó ra. Cà chớn, rượu chát đầy bàn sao hổng uống,
ỏng eo bày trò la-de. He he. Cười trừ. Và nghĩ bụng, có người khoái B-40, có kẻ
chịu đèn AK-47, có đứa ưa ôm M-16, có thằng nựng nịu M-79. Uống bia thì xem như
dắt bụng khẩu Colt 45, càm ràm chi rứa! Gọn nhẹ, sức mọn chớ vác nặng.
Rồi,
cụng ly. Chúc sức khỏe. Còn nhìn ra nhau là còn chút vui rơi rớt. Nhìn quanh,
không còn một mái đầu xanh. Thất thập thì dứt khoát phải gôm tẩy cái đuôi cổ
lai hy đi. Có người nói, giờ này thọ tới trăm tuổi là chuyện thường ngày ở
huyện. Cái vấn nạn đáng bàn cãi là tuổi ấy còn nhá Viagra không? Hay cụ bà lại
chê bai? Ngày xưa tớ chăm lội bộ Trường sơn thì giờ đây cây gậy phải hư hao
trầy trụa chứ lị. Đầu gối anh còn chảy máu mà, sao em lơ là không ngó thấy để
mắng oan!
Làm
cái này đi, đầu bếp ở đây biết trò củi lửa nêm nếm mặn mòi. Gắp, nhai, nuốt.
Uống, đưa cay. Xuống thực quản xong thì uốn lưỡi đẻ ra hậu sự: Ông A tiểu
đường, ông B tiền liệt tuyến, ông C viêm gan, ông D cao huyết áp, ông Đ xương
cột sống. Haizz, đọc báo nói cái đó độc, cái kia hóa chất, cái nọ tẩy rửa, cái
này ngâm tẩm. Nói chung là đụng đâu hiểm nguy nấy, mặt trận thường trực căng
thẳng. Tuyệt thực có trường thọ không đây! Đề tài dĩ thực vi tiên được buông
màn bằng chuyện kể về cái chết mới đây của một thân hữu. Lạ lắm cơ, nó kiêng đủ
trò, đỏ da thắm thịt, phương phi thần sắc, tiên phong đạo cốt, trí dũng song
toàn… Rứa thì đau răng mà chết? Bị xe đụng. Xời, dậy mà cũng ngôn! Vô đi, vô
đi. Bia rượu đưa lên loảng xoảng nghe như ai gọi tên đồng chí Va-nhau-lốp-cốp
tận bên Liên-xô.
Mặt
bắt đầu đỏ, những hồng vệ binh can trường hổng thèm ngó đồng hồ. Chi bộ đảng
trăm khi tụ họp đều không thấy bóng dáng nữ đảng viên. Tất cả đều được vén khéo
thu dấu bởi kinh nghiệm cho hay bọn đàn ông thường đáng yêu ở chỗ ăn tục nói
phét, có mặt đồng chí gái thì rách việc, vụ việc đâm nghiêm trọng và không khéo
thì tình hình ăn nhậu biến chuyển sang lãnh vực phê bình kiểm thảo, rút ưu
khuyết điểm rồi đề ra một chân dung gia đình tiên tiến lấy đó làm mẫu mực noi
gương. Nhờ trời, tiếng là ăn chùng ăn vụng nhưng tất thảy đại trượng phu quây
quần quanh bàn đều đởm lược khẳng định chủ trương: “Còn Vợ Còn Mình”. Nói láo
xe cán.
Anh
nói, Trần Tế Xương e là người đầu tiên chứng minh cho châm ngôn bốn chữ vàng
còn-vợ-còn-mình, hai câu cuối trong bài thơ Mất Ô:
Chỉn e rày gió mai mưa
Lấy gì đi sớm về trưa với
tình.
Có
người rùn vai, mình không xác quyết nhưng cái air này xem chừng là dành riêng cho bồ nhí. Cầm dù che mưa đi ăn
phở rồi lộn hồn lộn vía làm mất dù chăng? Cha chả, bộ không sợ vợ đứng án ở
cửa: Rượu mời không uống lại đi uống rượu phạt! Thời ấy, xem chừng không mấy ai
sợ vợ đâu nhỉ? Phụ nữ đa phần đều nhịn nhục trong câm tiếng, không bình đẳng
như hôm nay. Tỉ như hai vợ chồng bất hòa, to tiếng với nhau: “Anh không thấy
sao, suốt ba tháng nay đi đâu tôi cũng chỉ biết mặc mỗi chiếc áo này. Còn tôi
thì sao, cô không thấy à, ròng rã bốn năm năm nay đi đâu tôi cũng chỉ có độc
một mình cô bên lưng!” Ối giời, đó cũng là thứ than thân trách phận đấy mà. Cái
khiến chúng ta mãi loay hoay là làm sao xoay chuyển nó với tất cả những lạc
quan. Trong đời sống buồn hiu mà tự cù lét để phát sinh giọng cười hẳn không
quý báu lắm ru!
Rượu
vào lời ra, người xưa thậm chí lý. Lời ra có thể tạo ngộ nhận, có thể nhạy cảm
hiểu lầm. Vô ngôn thì vô úy. Ngậm miệng ăn tiền. Biết là thế nhưng mà cũng oan
ôi ông địa, thử tưởng tượng xem, bàn bốn năm người ai cũng nạp rượu mà ai cũng
câm như thóc thì ngó không đặng, mất sướng, như thể băng đảng kém hạnh phúc
nhất trần ai đang ngồi ôm thương đau mặc niệm. Phải rôm rả đi chứ, không chèo
cổ thì cải lương, không xuống sáu câu thì rock ’n roll các thứ. Bọn tôi thảy
hát vọng cổ Thành Được, riêng ông thì chơi nhạc kích động Hùng Cường Mai Lệ
Huyền. Mai này bọn tôi dô diện dưỡng lão, ông nhớ giỏi chơn lợi thăm nghen. Có
người cao tuổi nói với anh. Cũng là dạng bông đùa mà nghe váng vất tiếng thở
dài. Một, phát hiện nắng quái chiều tà đang đổ rát lưng. Hai, ta sẽ cô đơn gửi
thân vào chốn quạnh quẽ. Ba, nhà ngươi có bạc tình lẫn trốn xa mặt cách lòng.
Ngang đây thì đẻ ra “công án”, khi anh mình ên ngồi dưỡng thần trong cái viện
quái quỉ đó, ngó quanh ắt tủi thân mà ngâm hai câu của Hoàng Cầm:
“Tiểu đội ta những ai còn,
ai mất?
Không ai còn ai mất, chỉ
chết cả mà thôi”.
Ui
chao, tất cả đang ngồi chung chuyến xe đò “về miền quá khứ”. Xe đổ đèo và dứt
khoát xe sẽ hỏng con heo dầu, xe đứt thắng rồi rơi xuống “giữa triền hạn reo”.
Thần chết ngó xuống cười gằn, định luật tự nhiên đó con ạ. Ngay bản thân ta
cũng phải đi đầu thai bộn lần, chứ có bất tử đâu con. Bọn bây chuyên viết văn
làm thơ thuộc thành phần ruột để ngoài da lý lịch tốt. Để tao xổ số xem lô an
ủi thuộc phần về ai. Thế nào là an ủi, thưa ngài? An ủi là tai qua nạn khỏi,
lóp ngóp bò dậy, chịu thương tật 75 phần trăm. Ngài ạ, xin mở rộng lòng từ bi
bọp cò cho tôi phát súng ân huệ. Chứ sống kiểu đó thì chán như con gián, đau
đớn hơn cả “sống đây mà xem như chết rồi”. Bậy nà, người ta đột quỵ, tai biến
mạch máu não ngồi xe lăn hà rầm nào có ai than van. Tim còn đập hôm nào là mừng
vui cho hôm ấy. Nói nghe đặng không? Không, trăm lần không, vạn lần không? Đại
đội trưởng của tui, ông Bùi Giáng từng nói trong bài Kính Tặng Thần Chết, như
sau:
Đi vào đất một phen này
đất đá
Nham thạch ôi mày có giống
tao không
Vào giấc ngủ thiên thu sầu
băng giá
(Rét căm căm đau đớn chắc
vô cùng
Và có lẽ đoạn trường ghê
gớm lắm)
Đất đen ôi tao chẳng muốn
đi vào
Tao muốn sống suốt bình
sinh vạn đại
Ở cõi trần vĩnh viễn trận
du ngao
Nếu có thể chết thử chơi
một chút
Rồi trùng sinh ăn phở khắp
phố phường
Đừng vĩnh viễn chết chán
chường lắm ạ
(Cũng có thể chết chơi một
tuần lễ
Nhưng dĩ nhiên ăn một trận
Bún Bò
Và Hủ Tiếu thật no nê rồi
hãy
Ấy nhưng mà Thần Chết hỡi
tuy nhiên)
Cuộc
họp tàn, ra đường va trán nóng vào gió hè rát mặt. Những ông Quan Công mặt đỏ
lưu lạc không Lưu Bị chẳng Tào Tháo đứng ngó mông muội.
Người
Laval, kẻ Brossard. Người ngoại biên kẻ trung tâm, đông nam tây bắc tứ tung bát
giác. Sao rãi đầy trời những viên kim cương bất hoại chợt tỏ chợt mờ, trăng
lưỡi liềm nhạt nhòa dung mạo vô duyên. Ở cố quận giờ này rậm rật cuộc tồn sinh
đúng ngọ, lòn lách đương cự với vạn điều vô minh.
Chia
tay nhỉ? Độ cồn tồn đọng hay đã vơi theo khom lưng giải thủy? Lái xe về chốn
dung thân có quàng xiên làm bà xã không hài lòng hay an toàn xa lộ? He he, có
hề chi vàng một chút rong rêu. Sao, ngày mai thế nào nhể? E phải nên phiêu bồng
vào quán Phở, Bún bò, Hủ tiếu làm một trận thiết như thân. Chí lý thay, để mai
hậu khỏi “tuy nhiên” hối hận “ấy nhưng mà”.
Về
ngủ nghê hay chong đèn mần thơ? Sao biết được, cũng tùy tình hình. Nghiệm lại,
chẳng có phút giây nào an hưởng hạnh phúc trong tịch lặng cho bằng được ngồi
đối mặt với trang giấy trắng, hoặc một vuông hình chói chang của máy tính. Một
ký gửi chẳng mong cầu gặt hái ra điều gì to tát, một tâm sự bâng quơ. Mai sau còn lại chút gì, ấy là khu vực nhu
mì của em.
Anh
lội bộ về chỗ trọ, không thích quá giang vì muốn hưởng thụ điếu thuốc vừa thắp
đỏ. Muốn rảo cẳng trên phố khuya vì nhát thấy sương rơi loáng đẫm lá cành. Ở
giấc sâu, đêm thường có những biểu tỏ dịu dàng riêng cho đứa lẻ loi mà ướt át
của sương mềm nương vai là một bằng chứng, vỗ về. Xin được sáng suốt để còn
tưởng tới một điều gì huyền nhiệm lẫn trốn khuất tất. Viết là cách thắp đuốc đi
kiếm tìm khu vực nhu mì Em mãi án che.
Hồ Đình Nghiêm
trích thơ Bùi Giáng từ
cuốn Đười Ươi Chân Kinh.