Tuesday, August 29, 2017

111. THÂN TRỌNG SƠN dịch và giới thiệu ĐÁNH CƯỢC - Truyện ngắn của nhà văn Nga ANTON PAVLOVICH CHEKHOV





ANTON PAVLOVICH CHEKHOV ( Анто́н Па́влович Че́хов; 1860-1904 ), nhà văn Nga. Xuất thân từ một gia đình lao động nghèo, Ông theo học Đại học Y và trở thành bác sĩ tại một bệnh viện ở ngoại ô từ năm 1884. Nghề nghiệp này không giúp Ông có cuộc sống khá giả hơn nhưng lại cho Ông chất liệu cuộc sống muôn màu muôn vẻ với tất cả tình đời và tình người để đưa vào các sáng tác văn học. Ông bắt đầu viết văn từ 1880, khởi đầu bằng những truyện ngắn đăng báo, ký nhiều bút danh khác nhau, và tiếp tục cho đến cuối đời với tổng số sáu trăm ba mươi truyện. Ông còn viết kịch, các vở nổi tiếng nhất là Ba chị em, Vườn anh đào, Hải âu, Cậu Vania, đến nay vẫn còn được dàn dựng. Ông mất năm 1904, trong thời gian nghỉ dưỡng, điều trị bệnh lao xương

    
Một đêm thu tối trời. Lão chủ ngân hàng đi tới đi lui trong văn phòng, hồi tưởng lại câu chuyện mười lăm năm trước, hôm lão đãi tiệc vào một buổi chiều mùa thu. Khách mời có nhiều bậc thức giả và câu chuyện thật thú vị. Trong những đề tài họ bàn thảo có vấn đề án tử hình. Hầu hết khách tham dự, trong đó có giới nhà báo và trí thức, tỏ ra không tán thành án tử hình. Họ cho là hình thức này đã lỗi thời, vô đạo đức và không phù hợp với những nhà nước Cơ đốc giáo. Vài người trong số đó cho rằng nên thay thế hình phạt tử hình bằng án tù chung thân. “Tôi không đồng ý với các vị”, người chủ ngân hàng chủ nhà lên tiếng, “ tôi chưa hề trải nghiệm án tử hình cũng như chung thân, nhưng theo suy luận thì tử hình vẫn đạo đức và nhân đạo hơn là chung thân. Tử hình giết một người ngay lập tức, trong khi cầm tù chung thân thì giết từ từ. Vậy thì kẻ đao phủ nào nhân đạo hơn, kẻ giết các ông trong vài phút hay kẻ lấy đi mạng sống của ông dần dà qua nhiều năm?”

“Cả hai đều vô đạo đức như nhau,” một vị khách nêu ý kiến, “vì cả hai đều cùng một mục đích – cướp đi mạng sống. Nhà nước không phải là Thượng đế. Nhà nước không có quyền lấy đi cái gì mà mình có muốn cũng không trả lại được.”
           
Trong số khách mời có một luật sư trẻ,một chàng trai tuổi khoảng hai mươi lăm. Khi được hỏi ý kiến, anh đáp:
           
“Hình phạt tử hình và chung thân đều vô đạo đức như nhau, nhưng nếu phải chọn giữa tử hình và chung thân thì chắc chắn tôi sẽ chọn hình phạt thứ hai. Được sống, dẫu sống thế nào đi nữa, cũng tốt hơn là không được sống.”
           
Một cuộc tranh luận hào hứng nổi lên. Ông chủ ngân hàng, dạo ấy trẻ hơn và nông nổi hơn, bỗng nhiên bị lôi cuốn; ông đấm mạnh tay xuống bàn và thét vào mặt chàng trai:
           
“Không đúng! Tôi cược với anh hai triệu là anh sẽ không chịu đựng được cảnh biệt giam trong năm năm.”
           
“Nếu ông nói nghiêm túc,” chàng trai đáp, “tôi sẽ chấp nhận đánh cược, nhưng tôi sẽ không ở chỉ năm năm mà là mười lăm năm.”
           
“Mười lăm? Được rồi!”, ông chủ ngân hàng kêu lên.” Này các ông, tôi đánh cược hai triệu!”
           
“Đồng ý! Ông bỏ ra hai triệu và tôi cược sự tự do của tôi!” chàng trai nói.

Thế là cuộc đánh cược điên rồ, vô nghĩa được ký kết! Ông chủ ngân hàng, kẻ đang có trong tay tiền triệu, hậm hực, bốc đồng, tỏ ra phấn khích về cuộc đánh cá. Trong bữa ăn tối, ông nói với chàng luật sư, giọng giễu cợt:
           
“Hãy suy nghĩ kỹ đi khi còn kịp thời gian, anh bạn trẻ ạ. Với tôi hai triệu chỉ là món tiền nhỏ, nhưng anh sẽ phí mất ba hay bốn năm đẹp nhất của đời mình. Tôi nói ba hay bốn, vì anh sẽ không chịu được lâu hơn. Mà anh cũng đừng quên, anh bạn khốn khổ ạ, rằng chịu đựng cảnh giam cầm tự nguyện thì khó khăn hơn nhiều lắm so với bị cưỡng bức. Chỉ việc nghĩ đến cái quyền được thoát ra cảnh tự do bất cứ lúc nào cũng đủ hủy hoại cuộc sống tù đày của anh. Tôi thật ái ngại cho anh.”

Giờ này đây, lão chủ ngân hàng đi tới đi lui, hồi tưởng lại tất cả những điều này, và tự hỏi: “ Mục đích của việc đánh cược đó là gì? Lợi ích gì mà anh ta phí mất mười lăm năm còn ta ném đi hai triệu? Phải chăng điều đó có thể chứng tỏ tử hình tốt hơn hay xấu hơn chung thân? Không, chắc chắn là không. Thật vô lý, vô nghĩa. Về phía ta, chỉ là sự bốc đồng của một người hợm hĩnh, còn anh ta thì đúng là thói tham tiền.”
           
Rồi lão còn nhớ đến chuyện tiếp theo buổi chiều hôm đó. Hai bên quyết định rằng trong suốt thời gian giam giữ,chàng trai sẽ phải bị canh chừng nghiêm ngặt tại một trong những căn nhà trong vườn ông chủ ngân hàng. Theo thỏa thuận, trong vòng mười lăm năm, anh chàng không được phép bước qua ngưỡng cửa căn nhà, không gặp, không nói chuyện với ai, không nhận thư từ báo chí. Anh được quyền có một nhạc cụ, được viết thư, uống rượu, hút thuốc. Cũng theo thỏa thuận, mối liên lạc duy nhất của anh với thế giới bên ngoài chỉ thực hiện qua một cửa sổ nhỏ được trổ riêng cho mục đích này. Anh có thể nhận các thứ mình yêu cầu – sách, nhạc, rượu, v.v. nhiều mấy cũng được, bằng cách viết phiếu, và chỉ nhận được qua đường cửa sổ. Hợp đồng đã tính đến những chi tiết nhỏ nhất để chàng trai phải chịu cảnh giam cầm cô đơn chặt chẽ và buộc anh ta phải lưu lại đấy đúng mười lăm năm, tính từ mười hai giờ trưa ngày 14 tháng mười một năm 1870 cho đến mười hai giờ trưa ngày 14 tháng mười một năm 1885. Toan tính nhỏ nhất để vi phạm các điều kiện này về phía chàng trai, dù chỉ là hai phút trước thời hạn, sẽ khiến cho ông chủ ngân hàng thoát khỏi ràng buộc phải trả hai triệu.

Trong năm đầu tiên bị cầm tù, nếu căn cứ vào những phiếu ghi của anh ta thì anh tù nhân chịu cảnh cô đơn tuyệt vọng khủng khiếp. Suốt ngày đêm tiếng đàn dương cầm luôn vọng ra từ căn nhà giam. Anh ta từ chối rượu và thuốc lá. Anh viết là rượu kích thích ham muốn và ham muốn là kẻ thù của tù nhân, ngoài ra, không có gì bi thảm hơn là uống rượu ngon mà không giao tiếp với ai. Còn thuốc lá thì làm ô nhiễm gian phòng. Trong năm đầu, sách anh yêu cầu chỉ có tính cách nhẹ nhàng, tiểu thuyết tình cảm éo le, truyện ngắn giật gân, quái dị, vân vân.
           
Đến năm thứ hai, không còn nghe tiếng dương cầm nữa, chàng tù nhân chỉ yêu cầu nhạc cổ điển. Sang năm thứ năm, lại nghe tiếng nhạc và chàng trai đòi rượu. Những người có dịp quan sát anh qua cửa sổ nói rằng suốt năm đó anh chẳng làm gì khác hơn là ăn, uống, nằm dài trên giường, ngáp liên tục và giận dữ độc thọai. Anh ta chẳng đọc sách. Thỉnh thoảng, ban đêm anh ngồi viết, viết hàng giờ và sáng hôm sau xé hết những gì đã viết. Hơn một lần người ta nghe thấy tiếng anh khóc.
           
Nửa sau năm thứ sáu, người tù bắt đầu hăng hái học ngôn ngữ, triết học và lịch sử. Anh ta nhiệt tình lao vào những môn học này khiến ông chủ ngân hàng phải vất vả cung cấp đủ số sách anh yêu cầu. Trong vòng bốn năm, khoảng sáu trăm tác phẩm đã được mang đến theo đòi hỏi của anh. Chính trong thời gian này, ông chủ ngân hàng nhận được lá thư sau đây từ người tù:
           
“ Ông cai ngục thân mến, tôi viết cho ông những dòng này bằng sáu thứ tiếng. Ông hãy đưa chúng cho những người rành ngôn ngữ và để cho họ đọc. Nếu họ không thấy lỗi nào, tôi xin ông cho bắn một phát súng ở sau vườn. Tiếng súng giúp tôi hiểu rằng nỗ lực bấy lâu của tôi không uổng phí. Người tài giỏi ở mọi thời đại và mọi quốc gia nói nhiều thứ tiếng khác nhau, nhưng tất cả đều bùng cháy cùng một ngọn lửa. Ôi, nếu ông biết được giờ này tôi hạnh phúc xiết bao khi đã có thể hiểu được họ!” Nguyện vọng của người tù đã được thực hiện. Ông chủ ngân hàng cho bắn hai phát súng sau vườn.
           
Thế rồi sau năm thứ mười, người tù ngồi bất động nơi bàn và không đọc gì khác ngoài sách Phúc âm. Ông chủ ngân hàng lấy làm ngạc nhiên rằng một người trong bốn năm đã nắm vững sáu trăm tác phẩm uyên thâm giờ này lại bỏ ra gần một năm cho một tập sách mỏng và dễ hiểu. Sau sách Phúc âm là các sách về thần học và lịch sử..
           
Hai năm cuối cùng của thời gian giam hãm, người tù đọc một khối lượng sách khổng lồ, không phân lọai. Có khi anh bận rộn với khoa học tự nhiên, xong rồi lại yêu cầu tác phẩm của Byron và Shakespeare. Có những phiếu anh đòi cùng một lúc sách hóa học, sách giáo khoa y học, tiểu thuyết, chuyên luận về triết học hay thần học. Anh đọc như người bơi ngoài biển giữa đám mảnh vụn của chiếc tàu, muốn thoát nạn cứ tham lam bám víu vào trụ này rồi trụ khác.
         
Lão chủ ngân hàng nhớ lại hết những chuyện này, lão suy nghĩ:
           
“Mười hai giờ trưa mai hắn ta sẽ được tự do. Theo thỏa thuận, ta sẽ trả cho hắn hai triệu. Nếu ta phải trả cho hắn thật, mọi chuyện với ta thế là kết thúc: ta hoàn toàn phá sản.”
           
Mười lăm năm trước, trong tay lão lúc nào cũng có bạc triệu, còn giờ này đây, lão lo sợ nghĩ thầm không biết của cải và nợ nần của mình, thứ nào nhiều hơn. Liều lĩnh đánh bạc ở thị trường chứng khoán, đầu cơ bừa bãi và tính dễ bị kích động không bỏ được ngay khi tuổi đã cao, những thứ đó đã từng bước dẫn đến việc toàn bộ cơ nghiệp sụp đổ  hẳn, và từ một ông triệu phú kiêu hãnh, tự tin, không hề biết sợ, lão trở thành một chủ ngân hàng bậc trung, hoang mang trước mỗi lần trồi sụt bất ngờ của vốn liếng đầu tư. “ Cuộc đánh cược chết tiệt!”, lão càu nhàu, ôm đầu tuyệt vọng. . “ Mà sao hắn không chết đi nhỉ? Hắn chỉ mới bốn mươi. Hắn sẽ lấy của ta đến đồng xu cuối cùng, sẽ lấy vợ, vui hưởng cuộc sống, sẽ đánh bạc ở thị trường chứng khoán; trong khi ta sẽ nhìn hắn thèm thuồng như một tên hành khất, rồi ngày nào cũng nghe cái câu: Hạnh phúc cuộc sống tôi có hôm nay là nhờ ông, để tôi giúp ông! Không, quá lắm rồi! Chỉ một cách thoát khỏi phá sản và nhục nhã là tên đó phải chết!”
       
Đồng hồ điểm ba giờ, lão chủ ngân hàng lắng tai nghe. Trong nhà mọi người đều ngủ yên, bên ngoài hoàn toàn im ắng, chỉ có tiếng xào xạc của hàng cây lạnh lẽo. Cố không gây tiếng động, lão lấy từ chiếc két chịu lửa chiếc chìa khoá của cánh cửa đã mười lăm năm không hề mở, khoác áo choàng rồi bước ra khỏi nhà.
           
Ngoài vườn trời tối đen, lạnh giá. Mưa đang rơi. Một cơn gió ẩm ướt, như cắt da rít lên trong vườn, lay động mọi cây cối. Lão chủ ngân hàng căng mắt nhìn, nhưng không thấy rõ được mặt đất, các pho tượng trắng, căn nhà canh và cũng chẳng thấy cây cối gì cả. Đến gần căn nhà , lão lên tiếng gọi người gác hai lần. Không có tiếng trả lời. Chắc là anh ta đang kiếm chỗ ẩn náu tránh cái thời tiết này và đang ngon giấc đâu đó, trong nhà bếp hay nhà kính.
           
“Nếu ta có can đảm thực hiện ý đồ,” lão nghĩ, “ mọi nghi ngờ sẽ dồn trước nhất vào người gác .”
           
Trong bóng đêm lão lần theo các bậc cấp, đến cánh cửa rồi đến lối vào căn nhà . Lão mò mẫm đi vào một đường mòn nhỏ hẹp và bật một que diêm. Chẳng có bóng người nào ở đây. Có chiếc khung giường, bên trên không có chăn nệm gì, trong góc là chiếc bếp lò bằng gang xám xịt. Các dấu niêm phong trên cánh cửa dẫn đến phòng người tù vẫn còn nguyên vẹn.
           
Khi que diêm cháy hết, lão run lên, hồi hộp, ghé mắt nhìn qua khung cửa sổ nhỏ. Một ngọn nến đang cháy leo lét trong phòng người tù. Anh ta đang ngồi nơi bàn. Chỉ nhìn thấy cái lưng, đầu tóc và hai bàn tay. Nhiếu cuốn sách để mở nằm la liệt trên bàn, trên hai ghế bành, và trên tấm thảm cạnh bàn.
           
Năm phút trôi qua, chàng trai vẫn không cựa quậy. Mười lăm năm giam hãm đã tập cho anh ta ngồi bất động. Lão chủ ngân hàng gõ vào cửa sổ, chàng trai không hề có chút phản ứng nào. Lão cẩn thận gỡ niêm phong và đút chìa khóa vào ổ. Chiếc khóa rỉ sét rít lên ken két và cánh cửa kêu kẽo kẹt. Lão chủ ngân hàng tưởng sẽ nghe bước chân đi và một tiếng la ngạc nhiên, nhưng qua ba phút, tất cả đều lặng như tờ trong cả gian phòng. Lão quyết định bước vào.
             
Chàng trai ngồi bất động nơi bàn, không giống người bình thường. Chỉ là một bộ xương với lớp da nhăn nhúm, với mớ tóc quăn dài như tóc phụ nữ, râu ria xốm xoàm. Khuôn mặt vàng, da như màu đất, má trũng, lưng dài và hẹp, và cái bàn tay đang chống đỡ cái đầu tóc bờm xờm thì gầy gò, khẳng khiu, nhìn vào thấy rợn người.Tóc anh đã bạc nhiều, và nhìn vào gương mặt hốc hác, già nua đó, khó ai nghĩ rằng anh mới chỉ bốn mươi. Anh ta đang ngủ… Trên bàn, phía trước cái đầu đang cúi gục xuống kia có một tờ giấy trên đó có viết những dòng chữ nhỏ.
           
“Thật tôi nghiệp!” lão chủ ngân hàng nghĩ, “hắn đang ngủ và hẳn là đang mơ tưởng đến món tiền triệu. Và ta chỉ việc tóm lấy cái tên dở sống dở chết này, ném hắn lên giường, lấy cái gối chèn nhẹ cho ngạt thở, thì dù cho khám xét cẩn thận đến mấy cũng không thể phát hiện dấu vết của trường hợp bất đắc kỳ tử. Nhưng để xem hắn viết cái gì đây đã…”

“Mười hai giờ trưa mai tôi sẽ được tự do, sẽ có quyền giao tiếp với mọi người, nhưng trước khi rời bỏ căn phòng này và nhìn ánh mặt trời, tôi nghĩ là cần nói với ông vài lời. Với tinh thần tỉnh táo, như đứng trước Chúa đang nhìn thấy tôi đây, tôi cho ông biết rằng tôi khinh thường tự do, cuộc sống, sức khỏe và tất cả những gì sách vở của ông cho là báu vật trên thế giới.
           
Trong vòng mười lăm năm tôi đã chú tâm học hỏi cuộc sống trần gian. Thực ra thì tôi đã không được nhìn thấy trái đất và con người, nhưng nhờ vào sách vở của ông, tôi đã nếm được rượu thơm, đã được ca hát, đã săn hươu nai và lợn lòi trong rừng, đã yêu thương phụ nữ… Những mỹ nhân, thanh thoát như mây trời, tạo ra bởi phép màu của các bậc thi nhân và thiên tài của ông, đêm đêm đã đến thăm tôi và đã thủ thỉ bên tai tôi những câu chuyện tuyệt vời làm lòng tôi say đắm. Nhờ sách vở của ông, tôi đã trèo lên tới đỉnh các núi Elburz và Mont Blanc, từ đấy, tôi đã ngắm nhìn ánh bình minh, đã chiêm ngưỡng lúc chiều tà cảnh bầu trời, đại dương, đỉnh núi nhuộm sắc vàng hay đỏ thắm. Từ những nơi đấy tôi đã có dịp ngắm tia chớp loé qua đầu, rạch xé những đám mây. Tôi đã nhìn thấy rừng xanh, cánh đồng, sông hồ, thành thị. Tôi đã được nghe những nàng tiên cá hát ca, nghe những chú mục đồng thổi sáo; tôi đã chạm vào đôi cánh của ma quỷ dễ thương bay xuống trò chuyện về Chúa . Trong sách vở của ông, tôi đã có dịp nhào xuống những vực sâu không đáy, đã thực hiện bao phép mầu, đã chém giết, đã đốt cháy các thành phố, đã thuyết giảng những tôn giáo mới, đã chinh phục nhiều vương quốc…
           
Sách vở của ông đã mang lại cho tôi sự khôn ngoan. Tất cả những gì mà tư tưởng luôn biến chuyển của loài người đã tạo ra qua nhiều thời đại nay được nén lại thành một khoanh nhỏ trong não bộ tôi. Tôi biết bây giờ tôi uyên thâm hơn tất cả các ông.
           
Và bây giờ tôi khinh thường sách của ông, khinh thường sự hiểu biết và hạnh phúc ở đời. Tất cả đều vô nghĩa, phù du, hão huyền, lừa dối, chỉ như là ảo ảnh thôi.  Các ông có thể kiêu hãnh, khôn ngoan, tinh tế, nhưng rồi cái chết sẽ quét các ông khỏi mặt đất, các ông chẳng khác nào những con chuột chui rúc dưới nền nhà, và rồi hậu thế các ông, lịch sử của các ông, những thiên tài bất tử của các ông sẽ bị đốt cháy hay tan rã cùng với quả địa cầu thôi.
           
“Các ông đã mất trí, đã lầm đường. Các ông đã lấy dối trá làm cái Chân, lấy xấu xa làm cái Mỹ. Các ông có thể kinh ngạc nếu như, nhờ một hiện tượng kỳ quái nào đó,  cây cam cây táo sinh ra cóc nhái thằn lằn thay vì ra quả, hoặc giả, hoa hồng lại có mùi như mồ hôi của loài ngựa; còn tôi lại kinh ngạc vì các ông đã đổi trời lấy đất. Tôi không muốn hiểu các ông.
           
Để chứng tỏ bằng hành động thiết thực rằng tôi khinh thường biết bao những thứ mà các ông dựa vào để sống, tôi từ bỏ số tiền hai triệu mà trước đây tôi mơ ước như một thiên đường và giờ này tôi khinh thường. Để tự tước bỏ cái quyền được thụ hưởng số tiền đó, tôi sẽ rời bỏ nơi này năm tiếng đồng hồ trước thời hạn quy định, và vi phạm hợp đồng…”
        
Khi lão chủ ngân hàng đọc hết những dòng này, lão để tờ giấy lại trên bàn, hôn lên đầu người đàn ông kỳ lạ kia, bước ra khỏi nhà canh, và  khóc. Chưa bao giờ trong đời, kể cả lúc thất bại nặng nề ở thị trường chứng khoán, lão thấy tự khinh mình như thế. Về đến nhà, lão nằm lên giường nhưng nước mắt và cơn xúc động khiến rất lâu sau lão vẫn không sao ngủ được.
           
Sáng hôm sau, những người gác chạy vào, mặt tái mét, và báo với lão là họ thấy người sống trong căn nhà trèo  cửa sổ vào vườn, chạy đến cổng và biến mất. Ngay sau đó lão chủ ngân hàng cùng người nhà đi đến căn nhà giam để xác minh việc bỏ trốn của người tù. Để tránh những tin đồn không cần thiết, lão lấy tờ giấy nói rõ việc từ chối hai triệu và khi về nhà cất trong két sắt khóa kỹ.

Thân Trọng Sơn
Dịch từ bản tiếng Anh ( The bet )