TRĂNG TRÊN THUNG LŨNG FOX
Photo by PCH – Fox Valley, 16.7.2017
Bào Nhĩ Cát (
Bao'erji Yuanye 鲍尔吉 ) là nhà văn gốc người Mông Cổ, sinh năm
1958 tại thủ đô nhưng lớn lên tại Xích
Phong (赤峰),
tây nam của Nội Mông, giáp ranh với tỉnh Liêu Ninh ( 辽宁
). Ông bắt đầu sáng tác năm 1981, vài bài thơ và một tiểu thuyết, đáng chú ý nhất
là các truyện ngắn và tiểu luận, phản ánh quan điểm của ông về bản chất thiện của
con người.
Bào Nhĩ Cát thường được xem là tác giả đã đem lại một lối
diễn đạt riêng biệt cho thể loại " tản văn " ( sanwen 散文 ). Theo ông, muốn viết tản văn hay
cần phải chú ý đặc biệt hai khía cạnh quan trọng: tâm linh (心灵)
và ngôn ngữ ( 语言).
" Một tản văn hay phải diễn đạt sự phong phú, tính
mẫn cảm, sự thuần khiết và tình yêu nhân loại của tác giả. Và muốn diễn tả tất
cả những thứ đó, cần phải có một ngôn ngữ linh động và chính xác. Vả chăng, đó cũng
là bí quyết cơ bản của mọi thứ văn chương."
Với Bào Nhĩ Cát, tản văn là một thể loại khó, không loại
trừ chút hài hước nhẹ nhàng, một nụ cười lặng lẽ phản ảnh đồng thời sự nhạy bén
và lòng trắc ẩn. Tản văn phải xuất phát từ con tim.
Ông được nhắc đến như là một trong mười tác giả viết tản
văn lớn nhất của Trung Quốc thập niên 1990 (
90年代中国十大散文家 ).
Hiện nay, thể loại truyện cực ngắn ( xiao xiaoshuo / tiểu
tiểu thuyết / 小小说 ) có khuynh hướng thể hiện
gần giống với tản văn nên vai trò của Bào Nhĩ Cát ngày càng nổi bật.
BÀO NHĨ CÁT
Cách đây đã lâu, tôi vào bệnh viện chăm sóc ba tôi. Khi
các bệnh nhân đã ngủ, người nhà vào thăm nuôi không có chỗ đặt lưng. Ở vào tình
trạng đó, lúc quá nửa đêm, tôi đi lang thang nơi các bậc cấp giữa tầng trệt và lầu hai. Giờ này,
giữa đêm khuya, chẳng còn ai trong bệnh viện, có chăng là vài người nông dân từ
miền quê lên, co mình trong chiếc áo vải bông, ngồi xổm hút thuốc nơi thềm nghỉ
cầu thang. Cũng có lúc thấy có một cô y tá đeo khẩu trang nhẹ nhàng đi qua, tay
cầm lọ thuốc.
Xuống tới dưới cầu thang, tôi chỉ việc đi ngược lên trở
lại. Một hôm, tôi nhìn thấy một cô bé cỡ tuổi học sinh trung học, khoảng chừng đó,
đang đi trước mặt tôi bỗng ngồi xuống nhặt cái gì đó, rồi vội vàng bước tránh
ra trước khi quay đầu lại ném cái nhìn về phía tôi. Khi cô bé đã đi xa, còn lại
trên mặt đất một vật nhỏ màu trắng, trông giống chiếc khăn tay. Tôi đi gần tới
và nhìn ra đó không phải là khăn tay mà chỉ là ánh phản chiếu nhỏ xíu của mặt
trăng dọi trên cầu thang. Tại sao ảnh chiếu nhỏ như thế? Bởi vì nó chỉ là chút ánh
sáng chiếu xuống mặt đất từ một tia nhỏ rớt xuống xiên qua cửa sổ, và hiện ra
trên mặt đất chỉ còn nhỏ như chiếc khăn tay. Lúc nửa đêm, mảnh trăng khuyết trên
bầu trời chuyển về phía tây. Chiếu xuyên qua cửa sổ, rọi lên ô cầu thang đang
chìm trong bóng tối, mặt trăng lúc này đang ngời lên chút ánh chói quý báu.
Cô bé đã nhầm, tưởng đó là chiếc khăn tay màu trắng sữa,
cô cúi xuống, ngón tay chạm vào nền xi măng lạnh buốt nên rút lại ngay. Cô ta
nhìn tôi, có lẽ cô sợ tôi chế nhạo.
Nhưng tôi không thể chế nhạo được, cử chỉ của cô linh
hoạt thế kia. Cô cũng là thân nhân một người bệnh mà hẳn cô không rõ đau đớn thế
nào trên giường, nhưng tâm hồn cô thật đẹp vô cùng, chẳng thế thì cô không thể lầm
ánh trăng với một chiếc khăn tay được.
Trước khi nhìn thấy cảnh tượng nhầm lẫn này, tôi đã lên
xuống cầu thang nhiều lần và hoàn toàn vô cảm với mọi vật xung quanh. Vì cô bé cúi
xuống tôi mới chú ý nhìn ánh trăng như chiếc khăn tay, hoặc thứ gì như chiếc khăn
tay. Tôi bỗng cảm thấy buồn vô hạn vì mình không có sự hồn nhiên như cô bé, mình
đã đi qua mà không cúi xuống. Bởi vì tôi chỉ có cách nhìn thông thường và quen
với việc phát hiện sự nhầm lẫn khi nhận biết ánh sáng trăng, nên tôi lỡ mất niềm
vui của khoảnh khắc đẹp.
Nhiều năm sau, khi nhớ lại chuyện này, tôi nhìn sự vật
khác đi. Bảo là tôi đã rất thích cái cử chỉ của cô bé khi hơi run run cúi xuống
nhặt " chiếc khăn tay " thì không phải rồi. Thật ra, điều mà tôi nuối
tiếc là cái ánh trăng đã ghi dấu sự tinh khôi nơi cử chỉ hồn nhiên của cô bé mới
lớn khi vội vàng cúi xuống nhặt chiếc khăn tay lên.
THÂN TRỌNG SƠN
dịch theo bản tiếng Pháp
http://www.chinese-shortstories.com/Sanwen_Bao_erji_Yuanye_Deux_sanwen.htm