Tuesday, July 25, 2017

46. Truyện ngắn HỒ ĐÌNH NGHIÊM Tặng vật





Tiếng máy nổ di chuyển trên phạm vi không lớn, loay hoay, nấc nghẹn giữa giấc trưa. Nuốt chửng tiếng chim kêu và gửi trong gió lùa thứ mùi làm nhột mũi. Những bãi cỏ lần hồi được san bằng, sát sao như đầu của các tân binh sau khi xuống tóc. Thu vén gọn gàng cho đến hồi máy hộc lên tiếng cuối, tắt nghỉn. Khoảng lặng được tái lập, màu nắng chừng vàng hơn để bấy giờ mới nghe rõ tiếng chim hót với nhiều cung bậc du dương. Người nghe không bao giờ đánh mất chút an lành vừa hưởng được qua chuỗi âm thanh lãnh lót kia. Người ta có thể than phiền về một vuông đất nhà hàng xóm cỏ mọc phồn thịnh và có thể người ta đâm buồn lòng nhung nhớ nếu chẳng còn một loài chim nào mỏi cánh ghé thăm.

Mùa hè, những cánh cửa thường đóng kín, đôi lúc bất chợt ngó ra trên giây phơi, khuất lấp đôi ba tấm khăn trải giường trắng muốt căng phồng trong gió lặng. Mùa của những cuộc đi chơi xa, để quên vài cánh buồm dật dờ mỏi mòn trên sân cỏ đã lâu mãi đợi một cơn mưa đầy lưu lượng ghé ngang. Hoa trồng bên nhà Katy có khóm ủ mặt cúi đầu, những con sóc đi thong dong, lấn sâu hơn thông lệ và chừng như tôi chẳng còn nhìn thấy cô đã non tuần. Là người bản xứ nhưng đặc biệt Katy có mái tóc đen, dài mượt như ta thường thấy vẻ quen thuộc có trong tranh lụa. Nằm võng với suối tóc chảy dài xuống nền đất chẳng hạn. Da trắng, có hơi xanh do bởi Katy đang ốm nghén? Dạo gần đây cô di chuyển bắt đầu trì trệ, tay đỡ bụng nặng có ý tứ. Tôi không nhìn ra ai khác, kể cả một bóng đen đứng thu người sau màn cửa. Cỏ mọc đã cao và tôi tự nghĩ chắc Katy đang vào bệnh viện đi biển mồ côi một mình.

Bạn đừng trách tôi thọc mạch, chẳng qua chỗ tôi đặt giá vẽ vô tình đối mặt với một vũng râm có từ vườn nhà Katy dựng nên. Khoảng cách khá xa, nhưng khi thử nheo mắt, tôi vẫn thấy rõ dung mạo của Katy lẩn trốn thoạt biến thoạt hiện bên kia biên giới. Tôi thử vẽ chân dung cô, dĩ nhiên tấp màu với cách thơ mộng của riêng cảm nhận tôi. Nếu có một ngày Katy được đối mặt với khung bố nhỏ, chưa chắc cô nhìn ra mình đã âm thầm vào nằm trong tranh. Một chút giống, một chút ngờ ngợ, một chút hoài nghi đi kèm với một niềm kỳ vọng. Tôi không phải là kẻ vẽ truyền thần chăm chỉ gọt tỉa. Sự gò bó là điểm đầu tiên mang sự sáng tạo đi trấn nước. Hãy cố bơi lội ở một cõi miền không ranh giới, mênh mông. Hãy đừng biến mình thành những tấm khăn trải giường phơi trên dây căng gió lộng, hình ảnh một cánh buồm tù túng, sẽ chóng biến mất sau sân khi đã khô hoặc sợ ướt bởi cơn mưa chợt đổ.

Trong xóm an lành và vắng lặng này không ai biết tôi là hoạ sĩ ngoại trừ nhân viên bưu điện. Một người đàn ông khá phục phịch thường vui vẻ giao tận tay tôi những bưu kiện buộc phải ký nhận. Không nhiễu sự như ở bên nhà, ông chỉ hỏi thăm tôi có khoẻ không? Hôm nay trời quá đẹp. Wow, thật là một ngạc nhiên, lạy Chúa, đừng nói với tôi ông là hoạ sĩ nhé… Thường là vậy, giới hạn chỉ dăm câu. Duy chỉ một lần ông đòi bắt tay tôi, tấm tắc về một mảng màu vàng nằm giữa bức tranh tôi vẽ dở dang. John chúc tôi một ngày an lành, gửi lại nụ cười thân thiện rồi quày quả tiếp tục đi giao thư. Tôi không chắc là ông sẽ vui miệng đi nói cùng, rằng gã đàn ông người Việt sống khép kín ấy là một hoạ sĩ, tối ngày chỉ biết ở nhà nhàn hạ vẽ tranh.

Tôi đoán không nhầm, người hàng xóm đã trở về mang theo tiếng khóc dấm dẳng của một hài nhi. Khóc cách khoảng, chống đối vô chừng vô đỗi nhưng nhiêu đó cũng đủ làm xáo trộn thứ thời khoá biểu mà người ta tự đặt ra để cố gắng tuân thủ. Không ai cự nự bởi âm vực mang nhiều décibel ấy chẳng đủ sức phóng đi xa, ở gần như tôi thì nó rót đủ vào đôi tai nhưng may cho Katy tôi chẳng có thời khoá biểu nhất định và tiếng khóc, với tôi chỉ thuần mang ở đó một mầm sống, sự hiện hữu và lời phát biểu ấy đôi khi quan trọng giữa khung cảnh trầm mặc này.

Ngoài tiếng khóc oe oe, có một gã đàn ông người Mễ bắt đầu mang máy cắt cỏ đến cày bừa vuông sân đã lâu thôi còn ai để tâm ngó ngàng tới. Những nụ hoa vàng mọc chen bắt đầu chấm dứt sự ký gửi bạc mệnh “hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”. Nhàu nát hết thảy để được đàng hoàng như thiên hạ, ai sao ta vậy. Qua miệng lưỡi lắm chuyện của gã thợ đụng có nước da cháy nắng, tôi được biết trong bốn bức tường kia có một người ngồi xe lăn do bị đột biến, có thể vì tiếng khóc dằn vặt của con thơ, trong tương lai gần sẽ kéo người cha lên, tự đứng trên đôi chân run rẩy nhằm chia sẻ hạnh phúc cùng vợ vừa vượt khó. Chuyện không chấm dứt ở đó, gã thổ lộ là đã từng chôn chân hai tháng trong một quán ăn người Việt với job rửa chén. Một ngón cái chỉ thiên: Phở ở đó ngon tuyệt!

Như định kỳ, không lôi thôi phải đụng tới điện thoại, mỗi thứ năm trong tuần, đúng 11 giờ người bạn sẽ chạy xe lại đón tôi ra quán phở. Chúng tôi tiêu hoang ba tiếng cho thứ sinh hoạt cần thiết đó bởi theo lời bạn nói, mình nên mở rộng tầm hiểu biết, cập nhật thêm thông tin khi đặt chân vào tiệm Phở Gà (chuyên đi bộ). Muốn trắc nghiệm sự tiến bộ khi tu tập thiền đến ngang đâu hãy thử thả người vào cái “bể khổ” kia. Không trầy vi tróc vẩy thì xem như bạn đắc đạo. Tôi biết bạn nói đùa, bạn luôn khôi hài đen. Biết đâu bạn ưa sa chân vào cõi hồng trần thu bé kia chỉ để tò mò ngóng tin cuộc sống của người vợ cũ giờ này ra sao. Bị vợ bỏ, một tên đàn ông 50 tuổi có thể bị nhà nước nghi ngờ chuyện man khai lý lịch. Tóc bạc, mặt xương xẩu, toàn bộ con người đem đặt lên bàn cân kim nhỉnh hơn lằn vạch 50 kg. Hưu trí ăn tiền già được rồi đó cha! Nhà nước sẽ nói vậy bởi luật lệ cho phép hơn 65 tuổi bạn có quyền ngồi mát ăn bát vàng.

Mỗi người một bát phở đầy mỡ màng. Bạn nói ông quên chữ cholesterol đi. Mỗi tuần chỉ một lần, nó không giết ông đâu mà sợ. Nếu quan niệm như bạn thì có người vợ bên lưng, “nàng” là một kho lương thực đầy béo tốt, bởi nàng bỏ cuộc chơi tìm bến khác neo thuyền khiến bạn mình hạc xương mai hơn cả cựu tù cải tạo vừa được phóng thích. Ăn đi ông, phở thương chứ không ai thương đâu! Bạn truyền đạt kinh nghiệm máu xương và tôi gục mặt vào tô phở lớn như một cái chậu rửa mặt. Ôi, thơm quá! Hèn chi mà nó đã có mặt ở khắp hang cùng ngõ hẹp trên cõi ta bà này. Đố vui để học gọi tên Trump chưa chắc có đứa biết nhưng chỉ cần phát âm chữ Pho thì y như rằng tất thảy đều rậm rật nhốn nháo đồng loạt đưa tay không quên phụ chú Yummy.

Bạn nói: Ông thử quan sát lượng khách vô ra thì cũng đủ hiểu mức thu nhập vượt mặt của quán, đếm tiền muốn rụng mấy ngón. Tay chủ này tôi quen, chừng nào ông kẹt tiền tiêu tôi thồ tranh ông ra đây đổi lấy chút bổi mà chêm cho ấm đít. Tôi ngồi ngậm lấy cây tăm, cuối cùng cũng buồn miệng: Tay này có am hiểu chút chi về hội hoạ? Đừng bắt tôi phải than “thà ta phụ phở còn hơn để người phụ tranh”! Bạn nói quả quyết: Khi đề xướng tôi đã có đắn đo. Bạn của bạn thì e không phải kẻ thù của ta. Tự dưng tôi thoáng nhớ Katy, về màu tóc mượt mà đen nhánh mà cô sở hữu. Có lạ không, khi hầu hết các cô phục vụ ở quán phở tóc đều cắt ngắn và tuỳ tiện nhuộm chúng với sắc vàng, xanh, đỏ. Trân tráo, dữ dội, thách đố dư luận và xem thường mỹ quan của bá tánh. Muốn “ăn” với đầu tóc như thế, tiên quyết y phục bạn diện phải tuyền một màu đen và quần jeans nên thủng rách một đôi nơi. Tiếc thay, quán phở có quy định buộc nhân viên phục vụ mặc đồng phục, thương hiệu in kèm chữ Phở luôn nhấp nhô trên ngực áo trắng quên gài hai nút của các nhi nữ khiến bạn lắm lúc phải thay đổi thị hiếu. Bạn mơ mòng, vắt chanh vào bát phở rồi nuốt nước miếng: Con nhà ai mà khéo nuôi rứa bây! Thịt thơm hơn cả tái nạm gầu vè gân sách!

Một ngày thứ năm, chuông điện thoại ré lên vào lúc 10 giờ 30. Trong ống nghe, giọng người bạn đong đủ sự bất thường: Xin lỗi tôi không đến đón ông ra quán phở được. Không riêng hôm nay mà có thể là về sau… Tôi sang tiểu bang khác, kể cũng hơi đường đột vì có người tốt bụng vừa mai mối cho tôi một bà mới mất chồng. Tôi đi thử thời vận, ông ở lại đừng trách và nhớ chúc lành cho tôi chuyến này được thuận buồm xuôi gió…

Mùa hè, mùa của những dọn nhà di dời địa chỉ. Những cái máy lạnh chạy rù rì suốt ngày và bên ngoài sắc nắng luông tuồng đổ lửa. Tôi ngồi ở garage nhìn vạch nắng mon men lấn chiếm dần, phải tới hai giờ nó mới đủ quyền uy để xua đuổi tôi nhấc mông đi. Tôi đối mặt với tấm bố dựng trên giá vẽ, thừ người. Loay hoay một đỗi mới nhìn ra có tấm bảng nhỏ được cắm cọc trên sân nhà Katy. Không đọc rõ mặt chữ nhưng tự thân miếng bìa cứng, nó biết đeo bám một điều bất thường. Tôi muốn thay đồ đi ăn một bát phở, cơ thể tuồng đang thèm dung nạp thật nhiều chất béo, nhưng làm biếng. Tôi vẫn luôn mang ý nghĩ, hãy để tôi cô đơn trầm lắng khi thao tác vẽ vời, nhưng khi ra ăn cơm hàng cháo chợ hoặc rung đùi cà phê cà pháo thì tôi cần tối thiểu là một người đồng hành. Khi ấy bún phở mới sướng miệng chóng tiêu và hương cà phê ắt sẽ pha nồng đậm vào cuộc chuyện trò, dẫu tầm phào. Câm nín thì cũng chừng mực nào thôi chứ!

Chạng vạng mát trời tôi mang bao rác ra thảy vào thùng nhựa dựng bên lề đường. Chiều tà xui khiến đúng lúc Katy đẩy xe ngang qua. Xe nhỏ nhắn, một chỗ ngồi có thắt giây an toàn và baby nằm thọt lõm run rẩy để tâm thụ hưởng niềm vui. Mở mắt thao láo, miệng mồm im re. Chào ông. Chào Katy. Xe đẩy trì hoãn dùng dằng. Tôi biết là ông từng nghe nó khóc thét giữa canh khuya. Có gì không phải xin ông niệm tình bỏ qua cho. Ồ, đâu có sao. Cô đừng áy náy, không bao giờ tôi thấy khó chịu vì một tiếng khóc. Đó là một cách bày tỏ có lý do, đôi khi muốn mà không được. Sorry, ông bảo sao ạ? Như tôi, nhiều lần muốn khóc mà nào phát tiếng! Ông khéo đùa! Thật đó, thử hình dung cả xóm này thay phiên bỏ đi chắc tôi có nước khóc. Cô sắp thay đổi chỗ ở? Đúng thế. Dọn về ở gần bên nội, như vậy người ta dễ dàng chăm sóc cho cả bố lẫn con. Khi đã rảnh tay, tôi phải lao ra trường đời kiếm tìm một công việc, cha mẹ anh ấy muốn thế.

Tôi nhìn mái tóc đen dài mềm mại của Katy. Nếu cô đội nón lá, mặc áo dài tím, không chừng mà có khối o con gái Huế đâm ghen tuông, phân bì phân lê các thứ. Từ người Katy thoang thoảng phát ra một hương mùi dịu ngọt, tôi đồ chừng một người mẹ căng mọng sữa đều sở hữu thứ hương vị quyến rũ kia. Sao hôm nay đứa nhỏ ngoan hiền đến thế? Chưa đói bụng hở con?

À, chúng tôi có một ít đồ vật khá cồng kềnh, nghĩ là không tiện mang theo, nếu ông thích thì có quyền lựa chọn mang về dùng. Ông quả là người hàng xóm đáng yêu. Ồ, xin cảm ơn. Tôi thực sự cảm động nhưng xin thú thật tôi đang ở trong cái phạm vi nhỏ như lỗ mũi, đi đứng chật vật lắm. Nghe John, người phát thư bảo ông là một hoạ sĩ? Tôi chỉ đang tìm tòi học hỏi, tôi vẽ để giết thời gian, để khỏi chìm vào chứng bệnh trầm cảm. Không chắc những người như vậy đều đón nhận hai chữ hoạ sĩ. Ông nhún nhường chăng? Tôi tò mò mong được một lần ngắm nhìn, có một thứ gì bí ẩn luôn bao quanh người ông… Da Katy trắng sáng, gương mặt toả ra chút hồn nhiên và màu vàng cam của mặt trời yếu đuối ở xa vừa đi đường viền bọc lấy khuôn mặt trái soan. Katy đẹp hơn những gì tôi tưởng tượng. Tôi chỉ tay về ô vuông nhạt nhoà của cái garage chưa đóng cửa: Nếu cô không bận rộn, tôi mời cô vào đó xem qua một vài bức đã hoàn thành.

Chiếc xe đẩy em bé quẹo hướng sau lời tôi nói, bấy giờ tôi mới nhìn ra dồi dào biết bao thực phẩm dành cho baby được nhồi nhét ở những nơi thuận tiện, vừa tầm tay với của người mẹ. Có nghĩa là mẹ đã trang bị tận răng no đủ cho con trong chuyến đi dã ngoại mà chẳng sợ con phản đối la ó. Tôi mở sáng hai bóng điện. Tôi dọn một chỗ trống trên vuông xi-măng lấm lem những vết màu đã khô. Tôi kéo một chiếc ghế nệm cho khách rồi lật ngửa những tấm úp mặt vào nhau, bày có thứ lớp mong chìu lòng cô láng giềng.

Katy lặng câm, đưa một tay lên môi, đút một hai ngón cho răng cắn nhẹ. Đẹp quá, tôi không am tường hội hoạ và tôi chỉ biết nói vậy. Sơn dầu hả ông? Ừ, sơn dầu. Nếu muốn làm chủ một bức thì người ta phải chi trả cho ông bao nhiêu? Cũng tuỳ cô ạ. Tôi từng bán cho quán ăn người đồng hương, họ mặc cả 2000 và tôi đã yếu lòng phút đó. Đứa bé vẫn câm như thóc, bận láo liên ngó tranh siêu thực. Xanh xanh đỏ đỏ trẻ nhỏ cũng ưa. Tranh tôi vẽ toàn màu tối, nó không khóc nhè, vậy là xem như tôi đã thành công! Tôi có một bức cần phải khoe Katy, tôi mang ra rồi vòng tay chờ đợi. Chúa ơi! Cô la lên, lần này thì dùng bàn tay đè vào ngực mình. Chỉ là sản phẩm của tưởng tượng. Tôi nói. Katy ngước mặt quan sát, thăm dò tôi. Vừa chú tâm, vừa ngơ ngác. Cô cắn môi: Khuôn mặt sầu mộng ấy có phải là tôi không? Tôi hy vọng thế, ông đã lột tả được vẻ hoang mang thất thần của một người sắp sinh con… Và rồi tiếng khóc cất lên. Và rồi Katy tiếc nuối quây lưng. Ở garage như có treo tấm màn vừa buông xuống.

Trước khi lá cây chịu úa màu theo chu kỳ, tiểu gia đình Katy dọn nhà đi. Cô sang chào tôi một sáng có gió heo may. Món quà ông trao tặng quá lớn, một kỷ niệm đẹp mà có lẽ suốt đời tôi luôn mang theo. Bức tranh khiến ai cũng phải trầm trồ. Tôi rất phiền muộn khi tìm chẳng ra một thứ gì hòng đáp trả, cũng như tôi biết tôi đang buồn khi phải nói lời giã từ. Ông ở lại an mạnh nhé. Katy mở rộng vòng tay ôm siết lấy thân tôi. Chúng tôi đón nghe sự bồi hồi đang cựa mình. Ngực tôi ướt, mát lạnh. Nếu có đánh rơi ra giọt nước mắt nào thì vai tôi mới là chỗ để cô gục đầu thổn thức. Vô tình tôi đã đón nhận đôi dòng sữa mẹ ngọt ngào mãi ngại ngần loang ra trên sứa vải mỏng, hoen ố.

Mất khá lâu thời gian tôi mới làm quen được nỗi trống vắng đang dựng hình khối đâu đó. Người bạn tôi đoạ đày vác thân đi tìm một nửa ở phương xa cũng bặt vô âm tín, điện thoại chẳng thèm gióng lên một hồi chuông hốt hoảng. Tôi cũng thôi để tâm chờ đợi tiếng chim hót trên cây cao bóng cả. Tôi vẫn siêng vẽ nhưng chưa ký tên vào một bức nào cả, bởi ở đó dồn cục một bố cục chông chênh. Dạo này tôi thử đơn giản hoá mọi hình khối, mọi đường nét; và như thế tranh tôi mở ra những bầu trời trống lạnh, dựng ở góc nhỏ nhoi một trạm đợi xe buýt, sợi dây điện có chiếc giày đen treo lẻ loi giữa tầng không, một ngọn đèn vàng gục đầu ở vũng nước rạn vỡ bề mặt… Và tôi ôm đầu nghĩ không thông một cái tựa bức tranh. Bế tắc. Cho đến khi John tới, đón từ tay nhân viên bưu điện một lá thư xanh. Tên người gửi: Katy. Ngoài vườn, chim chóc đồng loạt hót véo von.

Hồ Đình Nghiêm
July 17, 2017