Alberto Moravia - Nhà văn Ý (1907-1990)
Truyện ngắn dưới đây được dịch từ bản tiếng Pháp của bà Claude
Poncet, trích trong tập Nouvelles romaines. ( có bản dịch tiếng Anh, Roman tales, của Farrar, Straus và Cudahy ).Nguyên tác
tiếng Ý là Racconti romani, gồm 61 truyện viết về những sinh hoạt đời thường
của người dân La Mã, vào những năm đầu thập niên 50 của thế
kỷ trước. Nhân vật ít khi có tên và thường xưng " tôi ", giản dị,
quen thuộc, khiến người đọc tưởng chừng như có thể gặp vào thời
nay.
Một số truyện trong tập này đã được chuyển thể thành phim với
những diễn viên lừng danh như Sophia Loren, Marcello Mastroianni, Vittorio
De Sica.
Mùa đông năm nọ, vì đã nếm trải đủ
mọi nghề, tôi quyết định đi một vòng các tiệm ăn để đệm đàn ghi ta cho một anh
bạn hát. Anh ấy tên là Milone, biệt danh "ông giáo"vì có thời anh dạy thể dục vận động .
Đấy là một người to con, không mập lắm nhưng dáng thô, mặt phì ra méo mó, thân
hình đồ sộ ngồi lên ghế là nghe kêu răng rắc. Phần tôi, tôi chơi ghi ta nghiêm
chỉnh, không lắc người, mắt nhìn xuống, vì tôi là nghệ sĩ chứ không phải là anh
hề. Còn Milone, anh diễn trò. Anh bắt đầu như chưa chuẩn bị trước, đứng tựa vào
tường, mũ sụp xuống tận mắt, hai ngón tay cái luồn vào nách áo, bụng phình ra
khỏi quần, thắt lưng kéo trễ xuống, trông tuồng như một anh say đang nghêu ngao
hát dưới trăng. Thế rồi, anh hăng dần lên, thay vì hát cho ra hát vì anh chẳng
có giọng mà cũng không có tai âm nhạc, anh chuyển sang diễn trò, hoặc đúng hơn,
như tôi vừa nói, anh làm hề. Bài tủ của anh là những bài ca ngắn lâm ly, anh
chọn những bài đang thịnh hành, những bài thường gây xúc động, xao xuyến, nhưng
khi anh hát, những bài này thay vì làm rung động lại gây cười vì anh giỏi biến
chúng thành trò lố, bằng cách riêng của mình, khó chịu, ghê người. Tôi không
biết con người này có chuyện gì, có lẽ khi còn trẻ có phụ nữ nào đó đã hại anh
ta, hoặc bản tính anh sinh ra đã như thế, muốn biến mọi thứ tốt đẹp thành tệ
hại cả. Thực ra, không phải anh làm những trò giễu nhại đó như một
diễn viên tồi, anh để vào đó một thứ tức giận quá mức và đám người đang ăn uống
kia phải u mê lắm mới không nhận ra là anh chẳng hài hước gì mà đang đau đớn
lắm. Anh thật nổi bật mỗi khi cố bắt chước những cử chỉ nhỏ nhặt, những cái
nhăn mặt, những nét làm duyên của phụ nữ.
Một phụ nữ đỏm dáng thích làm gì?
Mỉm cười ư? Còn Milone, sau mép chiếc nón, anh phác một nụ cười ranh mãnh của người
đàn bà lẳng lơ. Phụ nữ hất mông chút ít? Anh sẽ múa bụng, phình cặp mông vuông
đồ sộ ra. Còn giọng nói dịu dàng ư? Anh mím môi, rít lên một giọng the thé,
ngầy ngậy, ghê tởm. Tóm lại, anh không tiết chế, luôn đẩy thật xa, làm thành
thô lỗ, đáng ghét. Đến mức tôi có lúc thấy xấu hổ, vì đệm ghi ta cho một ca sĩ
là một chuyện, còn phụ diễn cho một anh hề là khác. Tôi nhớ trước đây đã từng
chơi những bản nhạc ấy, mà một ca sĩ có tài biểu diễn, bây giờ thật tệ hại khi
nghe chúng bị làm hỏng thế này, thật méo mó, không nhận ra được. Có lần
khi đang trên đường đi giữa hai tiệm, tôi đã bày tỏ cảm nghĩ với anh ta:"
Này, đàn bà đã làm gì cậu vậy?" Như thường lệ, sau những trò hài hước, anh
tỏ ra lơ đãng, u sầu, không biết đầu óc đang nghĩ gì. " Với tớ, họ chẳng
làm gì cả", anh nói. Tôi giải thích: " Tớ hỏi vậy vì thấy cậu thường
phát khùng lên khi chế giễu họ." Lần này anh không trả lời, câu chuyện
dừng ở đó.
Tôi đã có thể bỏ rơi công việc này
ở đó nếu không có chút lợi lộc xen vào. Bởi lẽ, tuy có vẻ vô lý, anh bạn kiếm
được nhiều tiền với những trò nhảm nhí hơn là những ca sĩ trình diễn lưu động
những bài tình ca du dương. Chúng tôi thường hay đến diễn tại cái tiệm đắt tiền
tuy chẳng sang trọng gì, một địa điểm bình thường người ta đến để ăn nhậu, vui
chơi.
Ngay khi chúng tôi bước vào, trong
khi tôi lặng lẽ lấy đàn ra khỏi vỏ, có tiếng ồ lên từ cái bàn chen chúc
người: "À, ông giáo, ông giáo kìa! Mời đến đây ông giáo ơi! " Vặn
người, lếch thếch, mắt láo liên, kéo lê chân, Milone chào nói: " Xin tuân
lệnh!" với kiểu nói quái gỡ của riêng anh, làm cả phòng phá ra cười. Tuy
nhiên, nhà hàng vẫn chuẩn bị món mì sợi và trong khi các bồi bàn hối hả phục vụ
thì Milone cất giọng rè rè: " Xin phục vụ một bài hát du dương: "Khi
Rosine về làng", tôi đóng vai Rosine..." Hãy tưởng tượng, khi nhìn
anh ta trong vai Rosine với những câu bông đùa thường lệ và lối diễn thông tục
quen thuộc, tất cả như ngẩn người cả ra, những sợi mì chưa vào đến miệng treo
lơ lửng đầu nĩa. Và đừng tưởng đây là không gian của thợ thuyền gì đấy, không
phải, toàn là những người tử tế, đàn ông mặc còm lê xanh đậm, tóc chải bóng
mượt, cà vạt đính ngọc, đàn bà khoác áo lông, đeo đầy nữ trang, duyên dáng,
điệu đàng. Trong khi Milone làm trò, họ nói với nhau: " Thật xuất
sắc...xuất sắc..." , có người còn thốt lên vẻ hốt hoảng: " Cho tôi
xin, đừng có nói chuyện ai cũng biết rồi... nếu không, lỡ dịp mất đó!"
Chen vào những thứ nhảm nhí, Milone có hát một bài mà có đoạn anh chế nhạo nhân
vật bằng cách chu mồm làm một âm thanh bất lịch sự mà tôi không tiện nói rõ.
Vậy mà, các bạn tin được không, những quý bà xinh đẹp điệu đàng kia là những
người đầu tiên yêu cầu hát lại bài đó!
Cần phải nói là bởi luôn được tán
thưởng nên Milone tỏ ra choáng ngợp. Anh trọ ở một căn phòng có đồ đạc ở nhà
một cô thợ may trên đường Cimarra. Thời gian này, mỗi lần đến đón, tôi lại thấy
anh đứng trước gương tập dượt vài động tác kệch cỡm, vài trò mới. Anh chú tâm
làm, chẳng khác một diễn viên lớn chuẩn bị một buổi diễn, và tôi ngồi trên
giường nhìn anh múa may trước cái tủ gương, đôi lúc tôi tự hỏi không biết anh
có điên không. " Tại sao cậu không nghĩ ra một cái gì tao nhã hơn, cảm
động hơn nhỉ? " , tôi hỏi anh ta. " Cậu thấy đó, cậu chẳng hiểu gì
cả... những người đang ăn uống kia chỉ muốn cười chứ đâu cần cảm xúc, và tớ,
anh vừa nói vừa méo miệng, tớ chọc cười họ! "Ít hôm sau, vẫn với ý muốn
cải tiến tiết mục, anh mang theo một cái túi nhỏ đựng một ít trang phục phụ
nữ, nón, khăn quàng, váy... để thỉnh thoảng tròng vào, cốt để trò giễu
gây cười hơn. Anh còn ưa thích đặc biệt trò giả gái. Thật đau khổ nhìn anh uốn
éo người, đầu đội nón, váy trùm bên trên quần. Cuối cùng, không biết bày trò gì
thêm, anh muốn tôi diễn trò bằng cách véo vào dây đàn. Nhưng điều này thì tôi
từ chối.
Từ mười hai giờ trưa đến ba giờ
chiều, buổi tối từ tám giờ đến nửa khuya, chúng tôi đi qua nhiều tiệm ăn chừng
nào còn sức. Chúng tôi đi theo khu vực và tuỳ ngày: lần này, các tiệm quanh
quảng trường Espagne, lần khác tiệm gần quảng trường Venise, lần khác nữa, các
tiệm ở khu Transvere, hoặc ở khu nhà ga. Chúng tôi chạy nhanh trên đường giữa
các khu phố, không trò chuyện gì, giữa chúng tôi cũng chẳng có gì thân mật. Hết
vòng, chúng tôi ghé lại một cái quán và chia nhau tiền. Rồi tôi lặng lẽ hút
điếu thuốc, Milone làm cốc rượu. Buổi chiều, Milone tập tuồng trước gương, còn
tôi thì ngủ hoặc đi xem phim.
Một tối kia, gió bấc thổi mạnh, sau
khi đi một vòng các tiệm ở khu Transvere, chúng tôi ghé vào một quán cà phê
đàng sau quảng trường Masti, cốt tìm nơi ấm hơn là để chơi nhạc. Đây là
một phòng hẹp, gần như một hành lang, bàn xếp dọc theo tường, ngồi ở đấy là
những người nghèo uống rượu quán tự nấu, ăn thức ăn gói giấy báo mang tới. Tôi
không hiểu tại sao, chẳng do lợi lộc gì mà hẳn chỉ vì thích thôi nên Milone đến
hát ở đây. Anh ta chọn một trong những bài ưa thích, vẫn với phong cách quen
thuộc, qua những ngụ ý, những cử chỉ thô tục, anh biến bài hát thành rác rưởi.
Anh hát xong, có tiếng vỗ tay rời rạc, sau đó từ một bàn ngồi có tiếng cất lên:
" Bây giờ tôi xin hát bài này!"
Tôi quay đầu lại, nhìn thấy một
chàng trai tóc vàng, mặc đồ xanh công nhân, đẹp trai như thiên thần, anh tiến
gần lại, nhìn Milone với đôi mắt giận dữ như muốn ăn tươi nuốt sống anh ta. Anh
bảo tôi, giọng quyền uy: " Anh đệm đi, chơi lại từ đầu ấy! "
Milone lo sợ, làm bộ mệt mỏi, buông người trên chiếc ghế cạnh cửa lớn.
Chàng trai đưa tay ra dấu cho tôi bắt đầu và cất giọng hát. Tôi không nói anh
ta là ca sĩ tài năng, nhưng anh hát rất tình cảm, giọng ấm và vững, đúng phong
cách của bài hát. Ngoài ra, như tôi đã nói, anh khá đẹp trai, tóc xoăn, càng
đẹp hơn khi so với Milone cục mịch, thô kệch. Anh hướng về cử toạ mà hát, mắt
nhìn chăm chú vào chiếc bàn có một cô gái đang ngồi một mình, ra vẻ như chỉ hát
riêng cho nàng. Hát xong, anh khoát tay về phía Milone, cử chỉ như muốn nói: Đấy,
phải hát như vậy đó! rồi quay về cái bàn chỗ cô gái đang đợi, cô vòng tay qua
cổ anh. Thực tình mà nói, anh ít được cổ vũ bằng Milone, mọi người ở đó không
hiểu vì sao anh phải mất công ra hát. Nhưng tôi thì hiểu, và Milone cũng hiểu.
Trong khi đệm đàn, tôi đã hơn một
lần nhìn về phía Milone và thấy anh đưa tay vuốt mặt, và luồn dưới mớ tóc phủ
trên trán, kiểu như đang buồn ngủ không tỉnh táo được. Nhưng anh ta không thể
che giấu một cảm xúc cay đắng tôi chưa từng thấy nơi anh, cứ mỗi đoạn nhạc chàng
trai kia hát, anh càng thấy cay đắng hơn. Cuối cùng, anh vươn vai đứng dậy, vờ
ngáp rồi nói: " Thôi đến giờ ngủ rồi, tôi buồn ngủ lắm..."
Chúng tôi chia tay nhau ở góc đường, hẹn
nơi gặp lại ngày hôm sau. Chuyện xảy ra trong đêm, sau này tôi mới dựng lại,
nhưng chỉ là giả thiết thôi. Tôi có nói là Milone đã tự kiêu, vì anh tưởng mình
là một nghệ sĩ lớn, trong khi thực sự anhchỉ là một con người đáng thương, chỉ
biết làm hề giải khuây cho thiên hạ trong bữa ăn. Chính vì thế mà một cử chỉ
nhỏ của chàng trai đã làm cho anh rơi từ trên cao xuống. Có thể là trong khi
chàng trai đang hát, anh bất ngờ nhận ra con người thực của mình, không phải
như đã tưởng tượng lâu nay: một gã đàn ông mập béo tuổi đã ngũ tuần. Nhưng tôi
cũng nghĩ là anh đã hiểu là mình không thể ca hát gì được. Tóm lại, anh chỉ có
thể làm trò cười, bằng cách chế nhạo một số điều, chính xác là những điều anh
thiếu trong cuộc sống.
Nhưng, tôi đã nói, đấy chỉ là những
giả thiết. Chỉ có điều chắc chắn là: ngày hôm sau, cô thợ may cho anh thuê nhà
đã phát hiện ra anh treo cổ giữa tấm màn và cửa sổ, đúng ở vị trí thường ngày
treo lồng chim hoàng yến. Người qua đường dòm qua cửa kính đã nhìn thấy đôi
chân anh treo lơ lửng trên không. Cảm thấy xấu hổ như mọi người tự sát, anh đã
khoá kín phòng, đẩy cái tủ kính chận cái cửa, và biết đâu anh cũng muốn nhìn
thấy mình thòng cổ qua sợi dây như mỗi lần tập dượt trò nhăn mặt. Người ta phải
đập mạnh cái cửa làm tấm gương rơi xuống vỡ ra từng mảnh. Anh được đưa đến
nghĩa trang Verano, tôi là người duy nhất đưa tiễn, nhưng lần này không có đàn.
Cô thợ may cho lắp lại tấm gương mới, nhưng tự an ủi là cũng bán được sợi dây,
thu được ít tiền.
THÂN TRỌNG SƠN
dịch từ bản tiếng Pháp
Le pitre / Nouvelles romaines,
Claude Poncet.