Wednesday, July 12, 2017

17. PHỎNG VẤN NHÀ THƠ LUÂN HOÁN - HỒ ĐÌNH NGHIÊM THỰC HIỆN = THÁNG 7.2017





Hồ Đình Nghiêm (HĐN): Thưa anh Luân Hoán, tôi biết anh luôn kiệm lời, thích cười chứ chẳng nói mấy khi. Nhưng mà nghĩ tình đứa chung khóm cùng phường, anh thử cười và gõ giúp tôi đôi hàng. Vị tình nhé? Cả nể nhé? Thì thôi không nói cũng kì, đôi lời ít chữ tại vì chú mi.

Luân Hoán (LH):
- không có ít nói đâu; chỉ nói đâu sai đó nên giữ đúng tinh thần câu "im lặng là vàng". Vàng này mợ gì có chức lớn trong nước có ý là "là đương nhiên" bây chừ đó khó lấy được. -
- sẵn sàng nhưng tùy nghi theo vấn hạch của bạn. Bắt đầu đi. 

HĐN: Loạt thơ “Mỗi Ngày Một Ảnh Người Quen” anh đang bỏ công vun đầy là một ý tưởng hay, cảm động. Vừa tri ân, vừa gợi nhớ, vừa tưởng tiếc… những người vừa đi khuất. Anh quen biết nhiều nhân vật, anh ưu tiên dành lòng ưu ái cho mấy vị vắng mặt rồi mới tới phiên những kẻ còn tại thế?

LH:
- Trước đây khi vẽ bạn bè (Tâm Chân Dung), tôi chỉ chọn những bạn còn cùng thở, để nhắc nhở lại kỷ niệm; đó là muốn tránh trường hợp hiểu lầm có phóng đại. Với trò mới này, thật tình tôi chỉ muốn khoe ảnh mình chụp với người quen thôi; nhưng sau đó nghĩ lại lòng Facebook vốn rộng rãi, nên viết được gì thì thêm vào. Đã thế sao không thêm những bài đã viết có liên quan ? biết đâu bà con, người quen biết của "nhân ảnh" cũng muốn đọc cho biết, thế nên trở nên rườm rà.
- Nếu chọn người sống khoe trước thì sợ không đến kịp cho người chết. Tuổi tôi cao hung rồi, hôm nay còn thở mai biết có còn hô hấp không, đơn giản chỉ vậy.
- Những bạn tại thế, tôi có dự định làm xăm để bốc, và theo thứ tự đó chưng hình, dù việc này cũng chỉ tôi tự thấy mình công bình.
  
HĐN: Nếu là tôi, chắc tôi sẽ làm khác anh. Bởi đời sống vốn chẳng dài, có tỏ bày thì nên cho người dương thế đón nhận, hạ hồi phân giải mới nhắc về kẻ nằm dưới ba tấc đất. Hẳn anh có lý do khi “thắp nhang” kiểu đó?

LH: như đã trả lời trên, xin thêm một cách lạc đề: tôi, trước đây cũng đã từng Vái Sống một số đông bạn văn, trong đó có bạn. Những bài Khóc Người Chưa Chết đó thú vị, nhiều bạn thích, cũng có bạn sợ xui xẻo từ chối như ông Hoàng Xuân Sơn "phe" mình; cũng có ông bị gia đình hết hồn cự nự sau khi đọc như nhà văn Phạm Xuân Đài (Phạm Phú Minh), hoặc như bạn bè nhà thơ Trần Mộng Tú than phiền, nên tôi tạm dừng. (bài viết về chị Tú tôi xóa mất hẳn, nghĩ lại cũng tiếc những phút ngồi gõ).

Phác thảo chân dung Luân Hoán - dinhcuong

HĐN: Bây giờ tôi đang học làm thơ, anh có thể chỉ bày tôi điểm quan trọng nào cần phải có trước tiên? Bên em tôi đứng dại khờ, tay chân thừa thải biết rờ chỗ mô!

LH: Nếu có chi cần hướng dẫn cho các bạn trẻ hơn, có lẽ đó là nghề ve gái, chứ không phải trò làm thơ. Tôi có dự định viết ít bài về phương pháp cua đào bằng văn vần mà chưa thực hiện. Sẽ thực hiện.

Về cách kiểu làm thơ, theo tôi,  thường tùy vào giai đoạn cuộc sống của người viết. Tôi là người thực tế, thơ của tôi có sẵn thường xuyên từ xã hội. Làm thơ, viết văn, vẽ vv...điều kiện chung:

- Trước nhất phải bắt gặp đề tài, ưa thích chủ đề. Duyên bắt gặp này thường là tình cờ, giống như " yêu em là một tình cờ. mất em thêm một tình cờ thứ hai, cả ngày ngồi nhậu lai rai, thấy ta xứng đáng được hai tình cờ..." vậy.

- Chuyện thực hiện bài viết thường được nói là "hứng".
Với tôi chính xác là muốn viết, thuận tiện viết. Và khi đó sẽ bắt đầu ở bất cứ không gian nào, thời khắc nào.

- Hứng thú thật sự chỉ có khi đang sáng tác, Câu này sinh nở câu kia. Ý này có từ câu vừa viết, tất cả đều bám lấy nhau một cách tình cờ.

- Thơ không cần phải tu chỉnh nhiều, dù dĩ nhiên phải có. Chuyện thơ dông dài lắm. Bạn không chỉ là người viết văn, mà làm thơ rất tới rồi. Đã có trường phái thơ Đinh Cường, và Sáng Tạo (Bắc Phong đang lo) cũng đang giới thiệu trường phái thơ Hồ Đình Nghiêm cần gì phải "đi lại từ đầu".

HĐN: Anh có tha thứ nếu tôi vì nàng thơ mà mang tật ngoại tình? Ý tôi muốn hỏi: Đạo đức rất mực thì có tán tỉnh được nàng thơ? “Người về ta chẳng cho về, ta nắm vạt áo ta đề câu thơ”. Tôi làm thế có bị anh rầy la?

LH: Ngắn gọn:
- ba trời cũng làm thơ được, nếu có cái tâm yêu thơ
- tu hành càng làm thơ dễ dàng, cũng với điều kiện trên.
- làm thơ là đã ngoại tình, vì phải có cái tình ngoài bản thân cũng như ngoài những người đã nhập một với mình, mới dễ làm thơ. Nói nhỏ: cũng rất cần nhập vai cụ thể để câu chữ, hình ảnh linh động thêm chút đỉnh.

HĐN: Hồ Chí Bửu, Đức Phổ, Hoàng Lộc, Nguyễn Hàn Chung… đều có nhiều bài thơ ca ngợi con gái rất tới. Muốn được thế là do quá trình va chạm thực tế hay do trời xúi họ có bản lãnh, vốn mang nặng nghiệp thi ca từ khi mới lọt lòng (giống như anh)?

LH: Cái này có lẽ tùy người. Dĩ nhiên có kinh nghiệm bản thân sẽ có được những diễn đạt trung thực hơn, dễ dàng tự nhiên hơn. Cái năng khiếu cũng cần có, đi liền sau lưng những cảm nhận  bộc lộ.
  
HĐN: Anh có ý kiến chi không khi nghe người ta bảo, có vẻ tự hào: Người Việt ai ai cũng có máu thi sĩ, nôm na là ai cũng có thể trở thành nhà thơ?

LH: Tôi nghĩ dân tộc nào cũng vậy. Ai biết quí yêu vẽ đẹp, (nói rõ hơn yêu người khác phái đẹp), Yêu cuộc sống đều có thể làm thơ cả, không riêng dân tộc Việt Nam. Mình không là họ, không am hiểu tận tường văn hóa họ, không nên so sánh. Tôi không có tự hào gì về điều này. Thơ ư ? khó nhìn ra lắm. Tôi cũng không chắc những gì mình đã viết đã là thơ, đây là tình thật nói cùng bạn.

"Ta làm thơ khá dễ dàng | cộng thêm dễ dãi đâm nhàm mất thôi | mở lòng định quét nước vôi | ngặc tình yêu vẫn đời đời mới tinh"   (Mời Em Lên Ngựa) Thơ à ? Chắc chi. Đúng là phải tùy cảm nhận, đồng cảm từ người đọc. Thơ được nhận biết, có thật, bởi giới thưởng ngoạn đồng tình.

HĐN: Tôi thật ngạc nhiên khi biết ở Đà Nẵng có cây cầu mang tên Trần Thị Lý. Và vui sướng khi hay tin Đà Nẵng bây chừ có con đường mang tên Bùi Giáng. Anh có hy vọng lần hồi sẽ có thay đổi đầy ấn tượng ở chốn quê nhà?

LH: Thú thật với bạn, trước hoặc sau 1975, với Quảng Nam Đà Nẵng, tôi vẫn bị xem là người bên ngoài. Tôi không thiếu tình dành cho con đất này trong thơ. Nhưng rất ít dân địa phương biết; có biết cũng ít dành cho tình cảm bình thường là đồng hương. Thời buổi này còn bi đát hơn, ai viết gì, chỉ ghi thêm tên tôi là đã bị xóa rồi. Nhưng không vì vậy, mà tôi tự bứng gốc rễ tôi. Vẫn thương Hội An, nơi sinh ra, Vĩnh Điện quê mẹ, Hòa Vang quê cha, và Đà Nẵng, đất để lớn cầm súng đổ máu cho Quảng Ngãi. Dĩ nhiên luôn luôn hy vọng, cầu mong mọi vùng đất nước Việt có những thay đổi thích hợp với nguyện vọng toàn thể đồng bào.

Về chuyện quí danh. Tên Trần Thị Lý là tên bình dân. Chị nhà tôi mang tên này, đến nay thỉnh thoảng cũng còn than phiền, sao ông già không thêm giùm Mỹ Lý, Phước Lý, Minh Lý vv... Cũng cái tên này, tôi nhớ mãi anh Phạm Thế Mỹ sau 1975 gặp tôi ở Sài Gòn, "hồ hỡi" khoe ngay "moi đã có bà mới, Thú vị lắm Hoán biết không, cũng Trần Thị Lý như bạn đấy. moi với toi thật là hợp.Tôi cười. Sau này biết vợ sau của ông Những Ngày Xưa Thân Ái có tên Lý là thật, nhưng họ gì tôi không rõ.

HĐN: Thi ca có đóng góp phần nào, ở mặt tích cực về chuyện cái đẹp làm chuyển hoá những thứ xấu xa? Tình yêu quê hương ngập tràn trong thơ anh cũng khiến người ta cảm động vậy?

LH: Ảnh hưởng của thơ, hậu quả của thi ca như thế nào, tôi gần như chưa hề nghĩ tới. Tôi chỉ nhỏ mọn làm thơ để tự thỏa mãn, chứng minh mình cũng không tệ hơn người khác. Tôi không hề định rõ mục đích khi viết như những người khác. Có lẽ khuyết điểm này, cầm chân tôi đứng mãi trong cái tôi linh tinh của mình. Làm thơ "chơi", với tôi là trúng phóc. Có ai đó đọc thơ quê hương tôi viết cảm thấy chút cảm động thì quí hóa quá, xin luôn tiện gởi theo đây lòng tạ ơn chân tình.

HĐN: Có rất nhiều từ ngữ đẹp dành cho vùng đất Quảng: “Chưa mưa đã thấm”. “Địa Linh Nhân Kiệt”. “Ngũ Phụng Tề Phi”… Hoặc ngay cả món Mì Quảng danh trấn giang hồ ba miền đều ca ngợi mà cố giáo sư Nguyễn Văn Xuân trong một bài nhận định đã gọi “Mì Quảng là mì dân chủ”. Tôi đồ rằng vùng đất ấy còn sản sinh ra biết bao thi sĩ tài hoa. Anh có thể bổ túc thêm điều gì khác? Để xoá đi sự sai lạc: Quảng Nam hay cãi Quảng Ngãi hay co…

LH: Tôi khá dị ứng với những tục ngữ ngợi ca địa phương như được trích. Đất nào mà chả có người giỏi, cần gì phải đất linh. Khổ, câu này rất nhiều vùng trên nước ta dành nói. Câu than "chưa mưa đã thấm" chắc chỉ để xác minh khi trời sụt sùi thì thúi đất liền. Còn "Ngũ Phụng..." có tính văn học, tôi không dám bàn tới. Nhưng khen nhiều và chê cũng lắm đấy. Tôi chẳng có gì để bổ túc cả. Về tính hay đôi co, theo tôi cũng tùy người. Tôi cho nhận xét này chưa lấy gì làm chính xác. Mọi sự thuận theo phát triển tự nhiên, theo từng giai đoạn là tốt nhất. Trước đây dân Đà Nẵng tôi rất ưa phản đối biểu tình; và mỗi lần như vậy khó tránh bạo động chảy máu. Nhưng thời gian vừa qua "mặt trận Đà Nẵng gần như hoàn toàn yên tĩnh" kể cả phát hiện dân Tàu đang vững chải thiết lập cơ sở. Tôi thật bi quan với truyền thống cách mạng của dân Quảng Nam. Xin lỗi nếu tôi đánh giá sai, chưa hiểu ra những ngấm ngầm đâu đó. Sự cam phận của dân Quảng Nam gần như có thể rờ được rồi. Hơi buồn.

HĐN: Một thi tập đồ sộ quy tụ thi nhân hiện đại xứ Quảng hình như chưa có? Một công việc đáng thực thi, sao anh không thử đề xướng, chung tay cùng bằng hữu?

LH: Ồ, ông bạn chưa đủ tài liệu đó thôi. Tôi đã thấy, đã nghe, cũng đã đọc vài ba cuốn tuyển tập dày cộm như thế rồi. Có điều khó nhận xét, không dám ba hoa. Tôi có tính rất xấu là thích bày vẽ nhiều trò, lại thích và quen chỉ huy, nên làm gì tôi cũng làm một mình trước tiên. Sự hổ trợ nếu có của bè bạn thường đến sau. Công việc như bạn gợi ý tôi đã nghĩ qua, chưa thực hiện vì thấy bất khả thi. Chờ tôi trúng lớn 6/49 sẽ bắt tay. Thiếu tài chánh chống lưng khó thực hiện, khó theo hướng tiến mình vạch ra, chưa thể chơi.

HĐN: Tôi mang ý tưởng thực hiện phỏng vấn nhà thơ bằng câu hỏi núp bóng dưới hai câu lục bát, như vậy dễ cho nhà thơ phô bày sở trường vần điệu. Nhưng chưa đủ tài sức, mai này hẳn tính, xem như giờ đây chỉ mới làm nháp. Mong anh mãi an mạnh, cứ gối đầu thi ca trong khi ngủ. Giận ghê, thành phố này chẳng có quán ăn nào nấu được Mì Quảng! Mình ngồi ở đó chắc tha hồ nói thánh nói tướng, anh nhỉ? Cám ơn anh nhiều.

LH: Dùng văn vần cho một cuộc phỏng vấn. Tôi đã thực hiện rồi. Bạn lật cuốn Ngơ Ngác Cõi Người sẽ gặp Ta Phỏng Vấn Ta, không khó lắm đâu. Trước đây trong tác phẩm Thơ Đến Từ Đâu của anh Nguyễn Đức Tùng thực hiện, tôi cũng trả lời bằng thơ hẳn hoi. Và sớm hơn nữa, cũng đã trả lời anh Viên Linh bằng thơ qua phỏng vấn một số bặn văn trên tạp chí Thời Tập. Bạn thực hiện dư sức qua cầu thôi. Tôi đợi và cảm ơn những lời khai đường cho tôi ba hoa này. Ba hoa nhưng không hề xạo. Chào bạn.
  
Hồ Đình Nghiêm
thực hiện qua điện thư, tháng 7, 2017