Tôi ở phương bắc giá lạnh hai mùa, anh ở phía nam quanh
năm nắng ấm. Một cục thịt dấu trong ngăn đá hoặc thi thể con người đút trong
hộc lạnh thì bảo quản được dài lâu, không thối vữa; nhưng để “nó” trần như
nhộng, ơ hờ chả ngó ngàng tới, giao mạng cho thiên nhiên hành xử thì sẽ chóng
bốc mùi. Trật một li sai một dặm cho lối so sánh vụng về kia bởi chúng ta nào
phải tử thi! Năng động với nắng nôi, với biển cả, so ra anh “tươi nhuận” hơn
tôi vạn lần, đứa mãi co ro với khí hậu khắc nghiệt. Bốn mươi năm tôi xa vùng
nhiệt đới, cũng chừng ấy năm tôi chưa thấy lại biển và ngó ra anh.
Cuộc hội ngộ nào cũng mang tới ít nhiều cảm động, sóng
gào ngoài xa để vồ vập từng đợt vào bờ chào đón tôi không mỏi mệt. Anh thì
không, tính khí trời sinh vốn vậy, ít biểu tỏ, ít để lộ ra ngoài cảm xúc, cô
lại một sự dửng dưng. Tôi đã dự cảm ra “tình hình” đó nên không lấy thế làm
điều. Cứ nghĩ hôm nay còn nhìn thấy nhau, chuyện mai này thì khác gì sóng xô
cát lún rong rêu tấp đầy. “Vui là vui gượng đấy mà”, tôi chẳng buồn nhớ câu sau
in trong truyện Kiều.
Biển không ngừng rì rào như dẫn bắt trí nhớ tôi lục lạo
về những hồi tưởng. Cao uỷ đặc trách vấn đề những người tỵ nạn của Liên hiệp
quốc cho hay, có gần triệu thuyền nhân, những linh hồn lạc lối phải chịu “định
cư vĩnh viễn” dưới lòng thuỷ mộ hoặc thất tung trên các hoang đảo nào đó. Biển
mang tôi tới phương bắc, Hương Cảng trong khi sóng bạc đầu xô anh tấp vào Mã
Lai, hướng nam. Rồi tôi đổi đời trú thân ở Canada, phương bắc và anh lại thiên
di về đậu Mỹ quốc, phương nam. Da dẻ anh rám nắng có thể ngay từ khi khoác áo
chiến binh chứ không mới thay hình đổi dạng nhờ sóng nước vùng Tampa hiền hoà
này. Các ông quan xưa khi về già thường vui thú điền viên, ở đây sáng tối anh
mang tơi đội nón ra biển ngồi trì chí buông cần câu cá. Thú vui lành mạnh chưa
kể công việc làm ngư ông ấy là niềm hãnh diện cần tỏ bày, tự mãn: Đời nào tao
tốn tiền chợ, sẵn “cây nhà lá vườn” tội gì không săn bắt thụ hưởng! Anh giỏi
chế biến thực đơn, với đôi ba con cá tươi rói, với dao thớt với củi lửa anh có
thể nghĩ ra tới sáu bảy món khác biệt. Anh mời tôi đánh chén nhưng tôi chẳng
mặn thứ “sơn hào hải vị” kia. Cơm hàng cháo chợ e tiện cho đứa đi bụi như tôi,
chính hiệu Tây ba-lô đầu đường xó chợ. Liên tưởng ra thành phần “Tây ba-lô” bởi
vì chốn tôi ở người ta sử dụng tiếng Pháp, Anh ngữ tôi gà mờ, chất lỏng lẻo
trong ba lô bèo nhèo khi xâm mình sang đây. Ngán chi chuyện ú ớ, bốn phương vô
sản đều là anh em! Lo bò trắng răng?
Do một phần biết thắt lưng buộc bụng, anh để dành được hơn
trăm ngàn. Anh cho hay và tôi phải vận dụng chất xám để giải trình một bài toán
đố. Tôi không tin đâu, tôi nhủ thầm. Bên xứ lạnh tôi làm công nhân đầu tắt mặt
tối cũng chỉ tay làm hàm nhai. Chưa rơi vào cảnh “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi,
van nợ lắm khi tràn nước mắt” như cụ Tú Xương là đã sướng trong bụng rồi. Một
trăm ngàn tiền “In God We Trust”? Nằm mộng cũng chẳng ngờ. Không dám đâu! Mạ
tôi dùng chữ rất hay để bình phẩm tôi: Đồ mạt máu! Cảm rằng hay nhưng hiểu cho
thông thì bù trất. Không hiểu rõ nhưng nói nào ngay, tôi mạt máu thật.
Anh nào là thầy bói, giỏi chấm số tử vi, biết xem mặt
mà bắt hình dong; tuy vậy anh khẳng định là anh sẽ chết trước tôi. Chứ gì nữa?
Đứa nào sinh trước một năm thì về gặp ôn mệ sớm một năm, cứ theo thứ tự như vậy
mà xuôi tay. Tôi không nói gì, giá mà gần đây có một nghĩa trang tôi sẽ xúi anh
cùng vào để nhìn mặt từng tấm bia. Bọn hưởng dương vắn số chết trẻ nằm hà rầm
ra đó. Có đọc báo không? Nhiều sản phụ sinh con gặp ca khó, bác sĩ cùng y tá
quyết định có sự đồng ý của ông chồng, vì muốn cứu sinh mệnh của người mẹ buộc
lòng phải để hài nhi tắt thở. Anh mà làm bác sĩ trưởng khoa, với thứ quan niệm
“lá rụng về cội” kiểu phản khoa học đó chắc anh sẽ hạ đao không khoan nhượng,
giết phăng người đàn bà đi biển mồ côi? Hài nhi lớn lên ai nuôi? Thọ được bao
lăm khi vắng tình và thiếu tiền?
Anh không rượu bia, chẳng thuốc lá, chỉ hơi bị ham mùi
đàn bà. Anh có khiếu viết văn, hồi ký tự thuật chuyện đời đã lên tới con số 600
trang nhưng muốn dùng kính lúp để soi, có là tài thánh mới phát hiện ra
chuyện “mèo biết dấu cứt”. Theo thông
tin chùng vụng của bạn bè anh đưa tin: Chừng một tá bóng hồng từng đi qua đời
ổng. Chao ôi! Giá mà tôi được phân nửa chất hào hoa, sát gái của anh nhỉ? Chí
ít thì con người anh cũng khiến tôi ba phần tâm phục bảy phần khẩu phục. Một gã
đàn ông thân nầy ví xẻ làm đôi sống với hai vợ, chừng đó cũng khiến tôi nhất bộ
nhất bái rồi. Gã có hao tâm tổn trí không? Gã làm sao đơn thân đương cự và dẹp
yên cùng lúc hai mặt trận lúc nào cũng dầu sôi lửa bỏng? Ba đầu sáu tay chăng?
Mưu thần chước quỷ chăng? Giỏi dương đông kích tây chăng?
Có lúc buồn miệng anh bộc lộ quan điểm: Miền Nam mất
nào lạ gì, bởi đó là guồng máy của tham nhũng, vận hành từ trung ương xuống địa
phương… Tôi ngồi nhấp nhổm trên ghế khi nghe thứ bán trời không văn tự kiểu đó,
hoặc khi nói anh quên đưa tay rờ lui sau ót. Không phải anh từng là quan tham
nhũng một thời đó sao? Tiền khi đó vào nhiều như quân Nguyên. Bạn đếm lá trên
rừng được không? Tôi cũng lắc đầu giống bạn vậy. Tôi làm thinh, vác mặt ngó
những cánh cò cùng đôi ba loài chim biển bay dật dờ bên bãi vắng. Vì nghĩ mình
“ra đi” trước tôi nên anh có ý định xuất bản một cuốn hồi ký cho con cháu nó
tường cảnh sinh hoạt thời đó đầy bom rơi đạn lạc mà cha ông từng cầm cự đối
kháng. Vì nghe người ta đồn đãi rằng tôi từng in ra đôi ba cuốn sách nên anh tỏ
vẻ tín nhiệm khi trao thứ niềm riêng, vật bất ly thân ấy cho tôi nhuận sắc
trước khi trình làng. Mày tuyệt đối không được sửa, được cắt bỏ, nhớ chưa? Chỉ
thay đổi chấm phết sao cho văn cảnh được trơn tru thôi, ô-kê? Viết cho tao lời
dẫn nhập sao cho lôi cuốn để dụ người đọc. Tao đưa trước cho mày 250, một nửa
tiền thù lao, số còn lại tao sẽ thanh toán sau. Hãy luôn nhớ câu “huynh đệ chi
binh”, ngày xưa mày đứng nghiêm kính cẩn chào tao đến gãy tay, mấy khi mà được,
bởi gặp mặt “phượng hoàng” đâu phải dễ. Tôi gật đầu, dạ đại bàng nói vậy thì em
xin nghe. Hô xung phong phải xung phong, bảo cố thủ thì quyết không chạy làng.
Bắn tới viên đạn cuối cùng rồi buông súng, an tâm đi cải tạo như lời chúng nói.
Nhận hai trăm rưỡi tiền ông thầy lè lưỡi đếm từng tờ,
tôi mạnh bạo đi thử các quán ăn ở vùng này. Thật mấy khi. Đời có bao lăm mà
hững hờ! Nên thụ hưởng số tiền vừa từ trên trời rớt xuống. Nằm thư giãn dưới
gốc sung thế nào cũng có lúc sung rơi vào mồm khi đang hả miệng ngáp vặt. Quán
phở hôm ấy đông thực khách, nhiều người ăn thì ắt ngầm thông báo là đầu bếp cao
tay nghề. Vào quán vắng ngắt như chùa bà Đanh thì ngay cả nước trà mang ra cũng
lạnh nhạt mất hương mùi. Ế ẩm thì thực phẩm phải tồn đọng, hai ba ngày cứ xào
đi nấu lại chừng ấy thứ, ngán lắm. Tiệm vắng thì vui chân muốn ngồi ở đâu xin
tuỳ hỉ, nhưng đông như này phải đứng ở cửa chờ nhân viên trong quán dẫn lỗi.
Tôi được dắt vào trong góc, sát cái mũi tên đỏ chỉ vào nhà vệ sinh nữ. Cạnh bàn
tôi có hai mẹ con đang nắm tấm thực đơn chúi mũi vào săm soi. Người mẹ kiên
nhẫn trả lời những dọ hỏi mà cậu con trai cỡ sáu bảy tuổi luôn thắc mắc. Mẹ
nghĩ là con nên thử cái số 4 ấy, bởi con thích ăn gà. Thế mẹ chọn số mấy? Số 3.
Khi người phục vụ cầm giấy viết đến gần han hỏi, tôi nói gọn: Số 3. Tôi chẳng
biết đó là thức gì, tôi chờ một bất ngờ và tôi tin người đàn bà ngồi sát tôi đã
bỏ công cân nhắc, quyết định. Bà khởi sự lau muỗng đũa cho đứa con, ý tứ liếc
xéo về đứa vừa cất cao giọng chọn món giống y như mình. Tôi rất dốt việc định
tuổi đàn bà, nhưng biết chắc bà này chưa qua ngũ thập tri thiên mệnh. Vì sao ư?
Vì nhan sắc bà còn tươi, lại nữa đứa con bà đâu đã lớn khôn. Mặt thằng nhỏ có
thứ gì khiến mắt tôi phải đậu lại khá lâu, hơi soi mói, hơi sỗ sàng, hơi bị bất
lịch sự. Trước khi biết cái số 3 là bát phở tái chín gân thì tôi đã phát hiện
kịp: Thằng nhỏ ngồi gần có khuôn mặt giống anh quá, tựa một bản sao mà độ chính
xác lên tới 90%. Không biết cách đưa ra một giải pháp khả dĩ làm ổn thoả nỗi tò
mò, tôi bèn mở túi ny-lông đựng xấp bản thảo của anh, cố ý gây tiếng động và
giả bộ vụng về đánh rơi trang đầu xuống đất. Người đàn bà cúi xuống nhìn, tôi
cũng cúi xuống, tờ giấy không che hết những ngón chân có bôi sơn hồng ở móng.
Tờ giấy có ghi đủ đầy tên họ tác giả và cái tựa rõ to: “Bắc Nam Hai Nhà”.
Bát phở chẳng ngon, tôi đồ vậy vì người đàn bà chỉ ăn
phân nửa rồi gát đũa. Chừng như có thứ gì đã làm bà no ngang. Tôi biết bà muốn
bắt chuyện với tôi nhưng mãi ngại ngần, sau cùng bà quyết định dắt con rời khỏi
quán trong khi tôi làm như bị chữ nghĩa của anh ấy quyến rũ, xem say sưa. Không
quá năm phút tôi cũng đứng dậy, tiến tới quầy trả tiền. Dự cảm tôi có là mình
sẽ gặp lại hai mẹ con, đâu đó bên ngoài tiệm phở đầy bát nháo và thọc mạch của
vô số thực khách vào ra.
Chiếc xe Nissan hai cửa sơn xám để máy nổ nhưng chưa
rời chỗ đậu. Tôi bước lại gần cửa, phía người lái, nơi có cánh tay vừa đưa ra.
Chào chị. Tôi nói trong lúc cố nhìn rõ khuôn mặt của thằng con trai. Ba tôi lỡ
dại gây hậu hoạn để có một người con ngoài giá thú và lạ lùng thay “đứa em xấu
số” ấy nó giống ba tôi hơn hẳn những thằng con ruột của ông. Mạ tôi lập luận,
ông trời có mắt, rằng chạy trời không khỏi nắng, rằng đó là thứ “lạy bà tôi ở
bụi này”. Bụi nào mà che được với thứ hình dong quá sức lộ liễu kia? Anh là chi
với ông ấy? Người mẹ khởi sự lên tiếng. Đó là chất giọng pha tạp vùng miền,
không rõ Nam Trung Bắc. Cần gì gốc gác chánh quán, miễn người Việt là đã đủ, đủ
cho hơn một lần phải chịu lưu lạc. Dạ, ngày trước tôi là đệ tử của ông ấy, là
lính thuộc hạ, dưới trướng. Tôi ở chốn khác sang đây đi thăm các bạn cùng đơn
vị cũ và xui khiến bắt được liên lạc với thẩm quyền. Chị có gì thắc mắc thêm?
Do đâu anh có được xấp giấy coi bộ dầy nặng kia? Ồ, thưa thật với chị là tôi có
viết lách lăng nhăng nên ông ấy nhờ tôi ôm về chỉnh sửa lỗi chính tả và nhuận
sắc đôi chỗ. Có nghĩa là ông ta dự định in thành sách? Vâng ạ. Anh đã đọc xong?
Chưa ạ, gấp gì, ngày dài tháng rộng, bởi tác giả cho biết đợi Giáng sinh năm
nay mới phát hành, nhằm kỷ niệm một mối tình vụt mất.
Người đàn bà nói: Mình không thể đứng ở parking của
quán phở trò chuyện dông dài như thế này được. Anh chạy xe gì? Có rành đường
không? Mình tìm tới Starbucks tôi mời cà phê. Tôi làm bộ ho hen: Sang đây tôi
không thuê xe, bạn bè lo việc đưa đón cả. Thế à! Người mẹ quay sang nói nửa
tiếng Mỹ nửa tiếng Việt với cậu con trai: You lui ngồi phía sau cho mom chở
mít-tơ này đi nhờ tới quán cà phê, ok? Tôi ngồi vào ghế thằng nhỏ, con ai mà dễ
ghét, nói biết nghe! Cách người đàn bà chạy xe ra, cách đổi đường, cách quay
chữ U ngược hướng khiến tôi lé mắt, bọn Mỹ chưa chắc điệu nghệ có tay lái lụa
cho bằng. Lái với tâm thức đời nhẹ như mây và cõi đời đó tuồng không có mặt bọn
cảnh sát siêng ẩn nấp rình phạt. Nãy giờ sao chưa nghe anh hỏi tôi một câu nào
cả? Trông anh chẳng lộ ngờ vực khi ngồi chung xe với hai mẹ con tôi? Tôi thắt
dây an toàn. Thực ra thì tôi có rất nhiều câu hỏi dành cho chị nhưng vẫn ngại
ngùng sợ chị phật lòng. Người mẹ trẻ, nhỏ tuổi thua cả tôi cười gằn. Ông ấy
nghĩ tôi làm tiền khi nghe tôi bảo đang cấn thai. Có tin được không, khi mà
người đàn ông thứ hai của tôi thương thằng Micheal này hơn cả con ruột. Tôi
không có ý bảo rằng “ông thầy” của anh là hạng tiểu nhân, chỉ nhằm tô son vào
người đại trượng phu mà tôi đang sống với. Những ngày nhằm xoa dịu bớt nỗi đau,
tôi ra biển vắng và bình tâm ghi lại đủ đầy những diễn tiến vụ việc, những thứ
khiến tôi nhúng chàm. Tôi không dấu người chồng mới, anh ấy đã đọc hai trăm
trang giấy vở học trò và tôi mang ơn lòng độ lượng khoan dung của anh ta.
Chúng tôi ghé vào Starbucks, tôi ngồi với thằng bé cho
mẹ nó rảnh tay đi mua thức uống. Tôi ước tôi có được sự hồn nhiên giống nó khi
chẳng nề hà trước mình mang họ này, nay mang họ khác. Kêu một thằng đàn ông xa
lạ bằng dad với chất giọng thương yêu tin cậy. Tôi tự giới thiệu tên với
Micheal, tôi bảo tôi ở Canada thường hằng lạnh giá vừa đi giang hồ sang đây.
Tôi nói mẹ của chú mày là một người đàn bà mà thằng tôi luôn nể nang, ưa được
làm bạn, thứ tình bạn đúng nghĩa, chẳng vẩn đục. Vẻ mặt thằng con rơi của đại
bàng chẳng lộ buồn vui. Theo sách vở nghiên cứu của các nhà khoa học, phải đợi
tới 10 tuổi, chúng nó mới nghiệm được sự trống lạnh đáng sợ của cái chết. Mới ý
thức rõ niềm đau cũng như hạnh phúc mà con người vật vã muốn chống chọi hoặc
thụ hưởng. Nói quanh co gần xa một hồi, Micheal mới cho hay mẹ nó tên Hồng. Nó
phát âm không chuẩn nhưng tôi thừa trí khôn để hiểu ra. Like Pink? Yeah.
Hồng trở lại, ly kem cho cục cưng và cà phê đá cho
thằng người xa lạ. Anh có muốn làm một cuộc thương lượng với tôi không? Hồng
hỏi tôi. Tôi khuấy đường đến sủi bọt. Tôi chẳng biết văn tài của anh đến đâu
nhưng khi lọt vào mắt xanh của ổng thì cũng nên tin cậy. Anh có thích đọc cuốn
nhật ký của tôi không? Tôi chẳng tin tính trung thực của cuốn hồi ký mà tác giả
là người nhiều thủ đoạn kia viết ra, nhưng cần khẳng định những gì tôi trải
lòng hoàn toàn là cả một sự thật. Nghe một nguồn tin, quan trọng là ta nên nắm
bắt càng nhiều thông tin càng tốt, để gạn lọc lấy cốt lõi hư thực. Tôi muốn anh
dùng nó, có quyền chỉnh sửa để in vào cuối tập như một thứ phụ bản hiếm quý của
loài uyên ương đã gãy cánh. Anh nghĩ sao? Tôi lắc đầu quầy quậy. Tôi nghĩ e
không xong, tác giả sẽ điên loạn kiện tôi ra toà vì vấp quá nhiều lỗi lầm sơ
đẳng. Ông ta đã uỷ thác cho tôi, thậm
chí bắt tôi không được tuỳ tiện mang cảm tính vào để vẽ chuyện. Vị tình tôi đã
nhận lời, cũng như đồng ý với hợp đồng là 500 đô la trả công.
OK. Hồng nhún vai. Từ đây tới Giáng sinh anh có bận rộn
việc gì không? Có lên kế hoạch nào không? Cuốn vở học trò tôi để sau cốp xe,
tôi trao cho anh để nếu có hứng thú, dựa vào những tình tiết ghi sẵn, anh có
thể biến nó thành một cái truyện đầy toan tính, đầy hàm oan, đầy tráo trở, đầy
nước mắt. Tôi sẽ ký ngân phiếu 2000 cho anh và mong nó chào đời ngay sau cuốn
hồi ký của ổng xuất hiện. Mùa Giáng sinh cũng gợi nhắc về một kỷ niệm đớn đau
của tôi. Tôi từng làm con dã tràng hăm hở xe cát… Tôi đưa tay chống đỡ lấy đầu
mình, tôi ngó vào khuôn mặt dễ nhìn của Hồng: Không phải tôi hám tiền nhưng tôi
xin bằng lòng được góp tay vào để vực dậy một sự thật bị lãng quên đã 6,7 năm.
Tôi hứa sẽ trình bày câu chuyện mang đầy tính văn chương nghệ thuật nhất, nếu có thể. Và như thế, công
tâm mà nói tôi sẽ viện lý do để từ chối, không buồn đọc hết bản thảo tập hồi ký
kia, và trả lại số tiền ông ấy vừa ứng trước.
Tôi phải về, phút chia tay đã gần kề, Hồng ghi số điện
thoại, địa chỉ email vào cuốn vở học trò dầy nặng chất đống những hàng chữ mực
xanh có đoạn hoen mờ vì nước mắt. Chưa
gì tôi đã vẽ ra được một cái sườn và cả tin đó là một tiểu thuyết đáng đọc.
Hồng mở ví, nhặt ra một tấm ảnh chụp hồi còn son trẻ. Thời hai kẻ mù quáng yêu
nhau. Hồng phụ chú khi đưa cho tôi, để in vào bìa sau cuốn sách, Hồng nói. Bà
ta ý tứ kín đáo nhét hai tấm ngân phiếu 1000 đô vào cuốn vở: Cho anh dễ đổi, chứ
hai ngàn một lần lắm lúc lại lôi thôi.
Tôi bắt tay người mẹ, cám ơn về lòng tín nhiệm vô điều
kiện. Bắt tay thằng con trai chắc không còn nhớ mặt bố đẻ là ai. Ông thầy của
tôi mang nhiều lỗi lầm quá, từ độ làm quân nhân cho tới hồi gãy súng rã ngũ vẫn
sân si tạo nghiệp chướng. Tôi gọi điện thoại cho người bạn, loan báo là tôi
hiện đang ngồi trong quán cà phê góc đường 39 đụng 40. Cứ thong thả, tôi chưa
tính ra là mình sẽ tấp về đâu. Tôi mở cuốn vở học trò, bắt đầu đọc những con
chữ mềm mại đầy nữ tính. Chữ như run lên bởi người viết đang cố đè nén bao phẫn
hận trong lòng. Tôi nhớ dáng Hồng vén tóc khi ngồi vào tay lái, nói vọng ra:
Trao cho anh quyền được đặt tên một câu chuyện buồn. Tôi dong cao bàn tay vẫy,
đứng nhìn chiếc Nissan nhỏ bé khuất dần trước một con đường mở rộng, quá đỗi
thênh thang.
tháng 6 ở
Tampa Bay.
Hồ
Đình Nghiêm