Saturday, December 21, 2024

3673. THỤY KHUÊ Trương Vũ trong màu hoàng hôn.

Nhà văn/Họa sĩ Trương Vũ - Ảnh PCH (2015)
 

Gần bốn mươi năm quen, chúng tôi chỉ gặp nhau mấy lần.

Biết anh vẽ tranh, nhưng tôi chưa được xem; người ở Mỹ, người ở Pháp, chân trời góc biển. Tiểu luận văn học của anh, tôi có đọc, xuân thu nhị kỳ, anh viết ít và đăng rải rác. Bốn bài: Lời bạt cho chủ đề yêu của tạp chí Hợp Lưu (2003), Giáo dục Việt Nam những vấn đề căn bản (2005), Tiếng sóng (2009), Vị trí của Sáng Tạo trong sự phát triển Văn học miền Nam sau 1954 (2014) là hình ảnh Trương Vũ như tôi đã biết: nhận định văn học tinh tế; nhà giáo tâm huyết; thiết tha trung thành trong tình bạn; có cái nhìn tổng thể về Sáng Tạo.   

Khi anh bắt đầu vẽ, tôi không còn trở lại Mỹ như xưa. Rồi những năm sau này đắm chìm trong biên khảo, không có thì giờ đọc, xem, các sáng tác mới như trước.

Xin thành thật cảm ơn anh Phạm Cao Hoàng đã gửi cho sưu tập văn, vẽ của Trương Vũ để tôi biết được những điều bấy lâu nay chưa biết, được làm quen với một Trương Vũ khác, tôi giật mình: Con đường thiên lý đời anh tôi chưa hay, nhưng nhiệm mầu thay, những kỷ niệm chung của chúng tôi, dù sống xa nhau vạn dặm, đã được anh hòa tan trong chữ nghĩa và màu sắc: những cánh hoa, những chiếc lá, những ngọn gió... tản mạn cả cuộc đời anh, trong có một chút chúng tôi, ẩn hiện đâu đó dưới màu thu huyền ảo, lung linh ánh sáng, chói lòa mâu thuẫn, rạng rỡ thương yêu, luận tranh hờn giận, của những cuộc đời xa xứ, của một dân tộc lạ lùng.

Nước Mỹ của người Việt di tản có hai cực: Miền Tây, Cali, là Quận Cam, thủ đô tỵ nạn, báo chí rầm rộ... Miền Đông, lãng mạn nên thơ, mang màu sắc lịch sử Hoa Kỳ, tập hợp nhiều trí thức, nghệ sĩ sống tản mạn, như xa cách với một nhân quần... vội vã, bình dân.

Văn chương hải ngoại, dù sinh ở Quận Cam, nhưng được “chính thức” ra đời từ Washington D.C., trong một buổi “đại hội văn bút”, tôi không nhớ rõ năm nào. Anh Trần Thanh Hiệp, người anh cả trong làng văn bút ngày xưa, là chủ tịch, tôi được anh dẫn từ Paris qua kinh đô ánh sáng, như một “mầm non có nhiều triển vọng”. Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích đọc diễn văn khai mạc, nhà văn Mai Thảo từ Cali sang, trịnh trọng tiếp lời, họa sĩ Võ Đình từ Hyattsville xuống. Anh Võ Đình dồn cho tôi một trận vì bài phê bình vừa xuất hiện trên Văn Học, dám chê truyện ngắn Xứ sấm sét của anh. Rồi từ đó chúng tôi thân nhau, một tình bạn khăng khít, anh hay sang Paris, anh gọi tôi bằng o với giọng Huế đặc, cho tới khi qua đời. Năm đó tôi chưa gặp Trương Vũ.

Nhưng từ sau, mỗi lần đến Washington D.C. tôi đều gặp Trương Vũ, có khi chúng tôi ở nhà con gái anh chị. Lúc đó Trương Vũ - Võ Đình là hai “ngôi sao” ở Virginia: Võ Đình, họa sĩ kiêm nhà văn có cây cọ tài hoa, có chữ nghĩa phù thủy. Mấy năm sau, Virginia có thêm Đinh Cường, một cây cổ thụ thơ họa từ Việt Nam sang và năm 2012, một ông thầy thuốc ở ẩn Nguyễn Tường Giang, con trai Thạch Lam, xuất bút với Khói hồ bay lãng đãng trên sông Potomac.


Trương Vũ và Thụy Khuê
Virginia, 2012
Đọc tiếp...

3672. Thơ Đặng Tiến - Hoàng Xuân Sơn

Background photo by Pinterest


BÀI CA LÊN ĐƯỜNG

[Nhân Hành giả Minh Tuệ lên đường sang Đất Phật)


Tây Trúc như một niềm ấp ủ

Vạn dặm đường dài quyết một lần

Bộ hành cất bước về với Phật

Chân trần! Chân trần! Chỉ chân trần!

 

Cứ lặng lẽ ngày đi đêm nghỉ

Không cần rực rỡ áo cà sa

Trong tay chỉ lõi nồi cơm điện

Chuông mõ không. Cũng không hương hoa.

 

Cũng không cần vạn trang kinh sách

In trên giấy tốt chữ nạm vàng

Càng không cần linh đình đón rước

Khước từ tất cả mọi cao sang.

 

Đường ngàn dặm từ Nam ra Bắc

Lặng thầm tu pháp hạnh - đầu - đà

Bỗng dưng cõi ta bà sóng dậy

Cười tươi thôi! Tất cả cho qua.

 

Chỉ cầu cho mọi người hạnh phúc

Ai cũng được vui. Cũng được vui

Ác! Thiện! Thiện! Ác! Như bóng chớp

Ngược. Xuôi. Xuôi. Ngược. Ở lòng người.

 

Hình như chưa đủ Duyên đủ Phước

Trần ai cõi tục chốn quê nhà

Đành giã biệt! Thôi đành giã biệt

Ngoảnh mặt hương quan...Mịt mờ xa...

 

Ngoảnh lại quên nhà...trập trùng núi

Vần vũ mây mưa bạc một màu

Chùa lớn tượng to đua chen mọc

Thuyền từ biết neo đậu nơi đâu?

 

Mang mang trời mây cùng nước biếc

Lên đường! Thôi bỏ! Chẳng tiếc chi

Khắc đi khắc đến chân mềm đá

Hữu duyên. Vô sự. Có ngại gì.

 

Ôi! Ngọn Linh Sơn! Gần! Gần lắm

Ô! Vườn Lộc Uyển! Xa! Thật xa

Nào cất bước! Cứ đi. Là đến

Thủy chung Ta vẫn cứ là Ta.


ĐẶNG TIẾN

(Thái Nguyên)

 

 

C. H. Ì. M


Để mặc Huế chìm trong cổ tích
Thắp sáng làm chi trơ thếp vàng
Nếu tôi là con cá vảy bạc
Trút lốt nhân gian lặn xuống hàng


Rêu rong vẫn đời đời tích tụ
Ai bỏ đi vì mưng vết thương
Cứ nằm trong Huế đau nỗi Huế
Hà cứ vi lô nói lạc đường


Thừa Thiên cắt Huế làm hai mảnh
Tả hữu chi mô vỡ ngạn rồi
Một giọt sương tan vào quyết liệt
Tự trầm cho Huế đẹp người ơi

 

11 12 2024
h o à n g x u â n s ơ n
[ ngày đông Gia Nã Đại nhớ Huế]  

 

MÙA ĐÔNG GIẢI THỂ

Ngứa. và ho thật dại khờ
Mùa đông chóa đèn soi rọi
Ngóc ngách phế phủ gai thơ
Nhọn cầm sướt mướt tay gối

Mỏi nhừ nhân thân ù tượng
Mùa lạnh quen mà chưa quen
Như một đóa hồng hiển tích
Thủy thổ mù căng giấc bền

Của suối, lửa róc rách mịch
Dị ứng cào tung màn đêm
Đời lấn nhau từng cú nhích
Nút chặn di động vang rền

Những lóng tay khô cập rập
Bưng ngực thở nặng vô bờ
Đêm khuya bầy chữ tập nói
Dễ dầu gì một tình thơ

9 DEC 24
h o à n g x u â n s ơ n

3671. Tranh NGUYỄN SÔNG BA CHÂN DUNG DUYÊN - TÙNG BÊN CHÂN CẦU CŨ BIÊN HÒA ĐỒNG NAI Sơn dầu trên bố, 70cm x 9ocm, (12.2024).


CHÂN DUNG DUYÊN - TÙNG
BÊN CHÂN CẦU CŨ BIÊN HÒA ĐỒNG NAI
Sơn dầu trên bố, 70cm x 90cm, (12.2024).

Friday, December 20, 2024

3670. CUNG ĐÀN LỖI NHỊP Truyện dịch FRANÇOIS MAURIAC (1885 – 1970) Giải Nobel Văn học 1952 THÂN TRỌNG SƠN dịch và giới thiệu

Nhà văn FRANÇOIS MAURIAC (1885 – 1970)


François Charles Mauriac sinh ở Bordeaux, trong một gia đình buôn rượu vang  giàu có, mồ côi bố khi chưa đầy hai tuổi. Sau khi tốt nghiệp trung học, Mauriac vào học văn học tại Đại học Bordeaux, tốt nghiệp năm 1905 với bằng thạc sĩ. Sau chuyển đến Paris , vào học trường École nationale des chartes năm 1908; sau một số thành công ban đầu, ông bỏ học, chuyên làm báo và sớm trở thành nhà văn độc lập. Năm 1909, theo lời khuyến khích của tòa soạn báo Temps présent ( Thời đại chúng ta ), Mauriac xuất bản tập thơ đầu tiên Les Mains jointes ( Những bàn tay gắn kết ), nhưng phải đến năm 1922 ông mới nổi tiếng là nhà viết tiểu thuyết có tài với cuốn Le Baiser aux lépreux ( Nụ hôn cho người hủi ).

Trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tuy không phải nhập ngũ vì lý do sức khỏe, François Mauriac vẫn tình nguyện tham gia tổ chức Hồng thập tự,  phục vụ trong quân y viện hai năm ở Balcan, năm 1918 mới giải ngũ. Trong thập niên 1920, ông viết hàng loạt tiểu thuyết, trong đó có cuốn Le Désert de l'amour ( Sa mạc tình yêu ) được tặng giải thưởng cao nhất của Viện Hàn Lâm Pháp. Thése Desqueyroux (1927) cũng là tác phẩm thành công, được giới phê bình coi là tiểu thuyết Pháp hay nhất đầu thế kỷ 20. “ Ổ rắn độc “ (1932) kể về một bi kịch gia đình với nghệ thuật phân tích tâm lý sâu sắc được coi là điểm đỉnh trong sáng tác của Mauriac. Năm 1933, nhà văn được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp.

Thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ hai, François Mauriac tham gia chống phát xít Đức chiếm đóng Pháp, ủng hộ Charles de Gaulle. Tiểu thuyết Le Cahier noir (Cuốn sổ đen) được trao tặng huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh. Sau năm 1945, Mauriac làm đại diện Pháp trong tổ chức UNESCO. Lần đầu tiên ông được đề cử tặng giải Nobel  vào năm 1946, nhưng phải 6 năm sau mới được trao giải. Từ đó đến cuối đời, Mauriac xuất bản thêm 2 cuốn tiểu thuyết, hàng loạt hồi ký (chủ yếu về de Gaulle) và làm báo. Nhà văn mất tại Paris  năm 1970.

Thése Desqueyroux" là một tác phẩm nổi tiếng của François Mauriac, xuất bản năm 1927, kể về cuộc đời của Thése, một người phụ nữ sống trong một gia đình quyền thế ở miền tây nam nước Pháp. Thérèse bị buộc phải kết hôn với Bernard Desqueyroux, một người đàn ông mà nàng không yêu. Cuộc hôn nhân không tình yêu này đã đẩy Thérèse vào một trạng thái cô đơn và tuyệt vọng.

Khi Bernard phát hiện rằng Thérèse đã cố gắng đầu độc mình, anh ta không đưa nàng ra tòa, thay vào đó, Bernard và gia đình quyết định che đậy vụ việc để bảo vệ danh dự gia đình. Thérèse bị giam giữ trong nhà và bị cách ly khỏi xã hội. Cuối cùng, sau nhiều tháng bị giam cầm, Thérèse được thả ra, nhưng nàng vẫn phải sống dưới sự kiểm soát của Bernard và gia đình hắn. Cuộc đời nàng bị lãng phí trong sự cô độc và không bao giờ tìm được hạnh phúc. 

"Thése Desqueyroux" là một tiểu thuyết sâu sắc về cuộc đấu tranh nội tâm của một người phụ nữ bị trói buộc trong một xã hội gia trưởng. François Mauriac đã khắc họa chân thực cảm xúc và suy nghĩ của Thérèse, từ đó tạo nên một nhân vật phức tạp và đáng thương. Tác phẩm không chỉ là một câu chuyện về sự bất hạnh của Thérèse mà còn là một lời phê phán sâu sắc về những ràng buộc và áp lực mà xã hội áp đặt lên phụ nữ.

Ngôn ngữ trong tiểu thuyết được viết một cách tinh tế, đầy chất thơ và giàu cảm xúc. Những miêu tả về cảnh vật và tâm trạng của Thérèse đã tạo nên một bức tranh sống động và ám ảnh về cuộc sống của nàng. François Mauriac đã sử dụng ngôn ngữ để làm nổi bật sự cô đơn và đau khổ của Thérèse, khiến người đọc không thể không cảm thông với nàng.

Mặc dù được viết từ gần một thế kỷ trước, "Thése Desqueyroux" vẫn giữ được giá trị thời đại và tiếp tục là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật. Câu chuyện về Thérèse là một lời nhắc nhở về sự cần thiết của tự do cá nhân và quyền được sống hạnh phúc, đặc biệt là đối với phụ nữ.

Với Thérèse Desqueyroux, chính Mauriac cũng đã thú nhận cùng con trai của mình rằng, khi viết tác phẩm này, ông muốn mượn nhân vật nữ chính nói hộ những điều mà ông tin rằng mình không thể nào chịu đựng nổi trong cuộc sống lúc đó của ông.

Nói cách khác, Mauriac cũng có những lý do rất cá  nhân của mình khi viết Thérèse Desqueyroux.
Không thể chối cãi được rằng Mauriac là một nhà văn có tầm ảnh hưởng bao trùm cả châu Âu, một phần đất văn hóa quan trọng của thế giới. Ông lại còn là một tác giả đoạt giải thưởng Nobel về Văn chương ( năm 1952 ). Trong số mấy chục quyển tiểu thuyết, kịch,và khảo luận của Mauriac, Thérèse Desqueyroux là tác phẩm hay nhất, có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất và được bàn cãi nhiều nhất. Tác phẩm đã được chuyển thể thành phim hai lần.
Lần thứ nhất, vào năm 1962, đạo diễn Georges Franju và nữ diễn viên Pháp Emmanuelle Riva vào vai Thérèse .
Lần thứ hai, vào năm 2011, đạo diễn Claude Miller và nữ diễn viên Pháp Audrey Tautou vào vai Thérèse.
Về nội dung, hình tượng nhân vật Thérèse vẫn còn là một ám ảnh khôn nguôi cho những tâm hồn dám đi ngược dòng đời, những con người còn bị bao vây bởi ý niệm cô đơn là số phận của con người, nhất là phụ nữ.

Câu chuyện về cặp đôi như Desqueroux là cuộc đụng độ của hai trái tim không thể xuyên thủng, đó là cuộc đụng độ của hai nỗi cô đơn . ( François Mauriac )

Lạy Chúa, hãy thương lấy, hãy thương lấy những người đàn ông và những người đàn bà điên!
Hỡi Thượng-Đế! sao có được những con quỷ ở trước mặt đấng duy nhất biết rằng vì đâu lại có chúng, chúng gây quả như thế nào, và cách nào chúng có thể đã thoát khỏi được…

  ( Charles Baudelaire.)

   Thérèse, nhiều người sẽ bảo không có nàng,

Nhưng tôi biết nàng hiện hữu , tôi là người, từ nhiều năm nay, đã từng theo dõi và thường chặn nàng giữa đường, nhìn nàng rõ mặt.

  Thuở mới lớn , tôi còn nhớ đã thoáng thấy, trong một phòng xử án đại hình ngột ngạt, khuôn mặt bé nhỏ, trắng bệch và không có môi của nàng, chịu đựng những ông luật sư không đến nỗi tàn ác như những mệnh phụ diêm dúa.

  Sau này, trong một phòng khách ở thôn quê, nàng hiện ra trước mắt tôi trong dáng điệu một thiếu phụ ngơ ngác, khó chịu vì những săn đón của những bà thân thích già nua, của người chồng khờ dại . Họ bảo: Cô ta làm sao ấy? Chúng ta vẫn săn sóc tận tình đấy chứ.”

   Từ đó, đã bao lần tôi ngắm, trên vầng trán rộng và đẹp, bàn tay nàng hơi to một chút! Đã bao lần, qua những chấn song linh động của một đại gia đình, tôi thấy nàng bước quay tròn, rón rén , và bằng con mắt hung dữ mà buồn, nàng đã ngó tôi.

   Nhiều người sẽ ngạc nhiên cho rằng tôi đã tưởng tượng ra một con người đáng ghê tởm hơn hết mọi nhân vật của tôi. Tôi biết nói gì về những người tràn đầy đức tốt và có tấm lòng cởi mở? Những tấm lòng cởi mở” không có chuyện nói ; nhưng tôi biết chuyện của những tấm lòng giấu kín, ngập trong một thân thể  bùn nhơ.

Thérèse, tôi cũng muốn đau thương đưa nàng tới bên Chúa; và tôi ao ước mãi nàng được xứng với cái tên đáng kính của nữ thánh Locuste. Nhưng nhiều người, tuy tin nơi sự sa ngã và sự cứu chuộc của những linh hồn đau khổ chúng ta, sẽ la hoảng cho rằng xúc phạm.

Dù sao, khi bỏ nàng trên vỉa hè, tôi cũng hy vọng, nàng sẽ không cô đơn.

Tuesday, December 17, 2024

3669. SONG THAO Chuyện tình trên xe Greyhound.

Greyhound bus = Nguồn ảnh: Volvogroup

Chuyện xảy ra trên một chuyến xe Greyhound. Xe đò Greyhound có vẽ con chó sói xoải cẳng phi nước đại bên hông là thứ nối liền các thành phố bên Mỹ và Canada. Nhiều người trong chúng ta chắc đã từng ngự trên những chuyến xe xuyên liên bang này. Tôi cũng đã từng xuôi ngược với Greyhound. Từ Montreal qua Washington D.C. thăm bạn bè dân thủ đô nước Mỹ như các ông Dzương Ngọc Hoán, Nguyễn Tường Đằng. Từ Vancouver qua Portland thăm ông Từ Công Phụng. Từ Seattle về Vancouver sau khi cưỡi du thuyền đi Alaska thăm mấy chú gấu tuyết. Nói như vậy để thấy tôi cũng có chút kinh nghiệm khi chen vai thích cánh cùng những người không có hoặc ngại lái xế riêng. Chỉ tiếc đó là những kinh nghiệm không muốn ghi lại trong ký ức. Xe đò Greyhound khá cũ. Có chuyến tôi phải rời chỗ nhiều lần mới tạm thời kiếm được một chỗ ngồi được. Ghế xe cũ kỹ , chiếc thì đệm tróc lở nhem nhuốc, chiếc thì lò xo xẹp lép làm ê ẩm cái bàn tọa, xe chạy cà giật như nước chạy của một bà già hom hem. Hành khách có nhiều người bốc mùi nhất là mùi của những chiếc tã của những ông bà hỏng van phía dưới. Có nhiều quái nhân bộc lộ khi ngủ hoặc khi tỏ bày tình cảm một cách quá riêng tư. Túm lại, đó không phải là nơi thích hợp để khai sinh những chuyện tình.

Sau những lần cưỡi xe Greyhound, tôi đã viết một truyện ngắn mang tên “Trên Đường Thiên Lý”. Dĩ nhiên trong truyện có một quái nhân. “Tôi xếp hàng sau đám trẻ nhộn nhịp. Bên cạnh tôi, sát tường, là một chiếc ghế dài cho khách ngồi nghỉ chân. Trên ghế nằm thẳng cẳng một đấng mày râu, râu thì nhiều nhưng tuổi chắc chẳng bao nhiêu, đầu kê lên ba lô, tay vắt ngang mắt, ngủ tự nhiên như ở nhà. Cha nội này chắc chẳng bao giờ tới được New York, tôi nghĩ thầm. Vậy mà tôi lầm lớn. Gửi được chiếc va ly nhỏ vào hầm đựng hành lý dưới xe, bước lên cửa, đi dọc theo hai hàng ghế đầy nhóc người, cố kiếm một chỗ ngồi, tôi chẳng có chọn lựa nào khác là rón rén ngồi xuống chiếc ghế trống duy nhất bên cạnh người tôi đã tưởng là sẽ chẳng bao giờ lên xe. Đấng mày râu đã lại tiếp tục ngủ chẳng thèm biết bên cạnh có tôi. Xe lắc lư. Chiếc đầu nhắm mắt cũng lắc lư như đầu một con búp bê nhẽo nhẹt. Đường thiên lý có chi vất vả. Cứ nhắm mắt cũng tới. Mà tới cấp kỳ. Xe vừa dừng ở trạm thứ nhất phía bên kia biên giới, một thị trấn nhỏ loe ngoe ít mái nhà, bạn đồng hành của tôi đã dụi mắt, nắm chiếc túi xách tay méo mó nằm dưới chân, đứng dậy đi xuống, quên cả chào tôi một câu cho đúng phép lịch sự”.

Khi anh chàng này xuống một trạm dừng, người mới lên xe ngồi cạnh nhân vật “tôi” là một cô gái. Cô và “tôi” mỗi người chúi mũi vào một cuốn sách sau khi hi với nhau kèm theo nụ cười. Hai pho tượng đọc sách tưởng là muôn đời sống trong hai thế giới riêng rẽ đã người nọ biết người kia vì một quái nhân. “Mũi tôi bỗng khụt khịt từ chối một mùi khó ngửi. Cô gái nhấc những ngón tay lên bịt mũi trong một cử chỉ cố làm cho bớt sỗ sàng. Một bà già nhỏ thó nhưng vui tươi đang đứng dựa vào ghế chờ tới lượt đi xuống. Cả tôi lẫn cô gái đều không hẹn mà cùng ngẩng mặt lên nhìn bà già. Bà già vui vẻ nhìn lại cười xã giao. Không hiểu bà vốn là người vui tính hay vì khoái chí trong bụng khi được đi ra ngoài đứng giữa nhiều người như thế này mà tôi thấy bà cười với tất cả mọi người. Mặt bà thì vui nhưng cái mùi toát ra từ người bà không được vui. Đó là mùi nước tiểu són ra tã lót. Thường thì mùi gì được lưu cữu lâu vẫn hay đậm đà hơn. Dòng người trên xe mỏng đi cuốn được bà già tiến lên phía trước. Mùi nồng nặc nhạt dần và biến mất khi bà già đứng dưới đường còn cố ngoái cổ lên các vuông kính trên xe cười thêm một chút nữa. Mũi tôi thở ra thoải mái. Tay cô gái rơi lại xuống trang sách. Cô quay sang bắt gặp bộ mặt có chiếc mũi khụt khịt của tôi. Cô toác miệng cuời không ra tiếng. Hàm răng trắng đều ló ra khỏi đôi môi mỏng bóng nhãy màu mơ chín. Cô này có nụ cười đẹp. Tôi rung người cố chặn tiếng cười mà nếu không ngăn lại thì dám át tiếng máy xe vẫn đang ì ầm rền vang lắm. Chúng tôi quen nhau bằng tiếng cười đồng tình đó. Bảo rằng nhờ mùi khai của bà già thì có vẻ nhảm nhí nhưng quả đúng là như vậy”.

Cô gái, Audrey, là một cựu sinh viên về nhận một project với một ông thầy cũ, “tôi” là một cựu sinh viên quay về trường cũ trong ngày họp lớp mong được sống lại với những bạn bè, nhất là những bóng hồng, ngày xưa. Cả hai sẽ cùng xuống New York. Khi đổi xe giữa đường, họ phân công nhau: Audrey xếp hàng chờ, “tôi” đi mua nước cam. “Audrey đứng trong hàng người chờ lên xe, vẫy tôi lại khi nhác thấy bóng tôi với hai chai nước trong tay, tỉnh bơ nắm chặt tay tôi đứng chung. Đầu cô ghé sát vào tai tôi, mắt nháy nháy thầm thì. '' Đóng kịch bồ bịch một chút cho mấy người xếp hàng phía sau khỏi lầu bầu cái chỗ ngang xương của anh.'' Tôi đưa chai nước cam cho Audrey. '' Bao nhiêu vậy?''. “Bồ bịch ai hỏi thế!''. '' Xin lỗi!''. '' Bồ bịch ai xin lỗi!''. '' Cám ơn vậy!''. '' Bồ bịch ai cám ơn!''. Miệng Audrey ép sát thêm vào tai tôi, mấp máy thân mật, ai trông vào cũng tưởng đang tình tứ lắm: '' Còn lâu ạ!''.

Hai người ỡm ờ tung hứng chuyện nói bên này nhưng ý bên kia trong những lúc kề vai nhau. “Lấy xong hành lý, Audrey chìa má cho tôi hôn chia tay. '' Tối nay anh rảnh không?'. '' Cũng chưa định làm gì.''. '' Lang thang xuống Harlem không?''. '' Harlem hả? Được quá đi chớ!''. '' Vậy tối nay nghe! Thử xem chân cẳng anh ra sao!''. Thế là rồi cái lãng mạn muốn gậm nhấm lại những ngày sinh viên cũ. Đành cáo lỗi với hình bóng các em Karine, Lucy, Maria, Anne, Jane, Sharon ... Cái số tôi nó vốn lận đận như vậy!”

Ông bạn tôi đọc truyện này, hỏi tôi về em Audrey nhân một buổi cà phê cà pháo. Khi tôi bảo đó chỉ là chuyện hư cấu, làm chi có em Audrey bằng xương bằng thịt, ông phán: “Mẹ kiếp! Mình bị mấy thằng văn sỡi nó lừa dễ dàng thật!”. Nhưng chuyện dưới đây là chuyện thật 99% phần dầu! Đây là một chuyện tình do ký giả Francesca Street của đài CNN thuật lại.

Chuyện xảy ra vào ngày Giáng Sinh năm 1962. Cô Ruth Underwood, 18 tuổi, về nhà cha mẹ vui hưởng lễ Giáng Sinh với gia đình. Sau đêm ăn nhậu, vui chơi với gia đình tại Olympia, tiểu bang Washington, cô vội bắt chuyến xe đò Greyhound về nhà cô ở Seattle, cùng tiểu bang. Thực tình cô chưa muốn rời xa gia đình trong ngày lễ nhưng cô phải về làm việc vào ngày 26 tháng 12. Đây là công việc đầu tiên trong đời nên không muốn mất việc vì chậm trễ. Cô nói với đài CNN: “Tôi chui vào xe và ngồi tại chỗ trống đầu tiên tôi thấy, gần một thanh niên trẻ và khá điển trai. Vì mệt mỏi nên vừa ngồi xuống là tôi ngủ ngay. Khi thức giấc tôi thấy đầu mình dựa vào vai anh thanh niên”. Cô lúng túng, mắt vẫn còn ngái ngủ nhưng má đã đỏ lên vì mắc cở. Cô vội lắp bắp xin lỗi, kéo lại váy áo và cố lấy lại dáng vẻ thiếu nữ. Anh thanh niên cười, nói không có chi và bắt lấy dịp may tự giới thiệu. Anh tên Andy Weller, 21 tuổi dân nhà binh. Anh lấy buýt từ nhà ở Astoria, tiểu bang Oregon, về trại ở Fort Lewis, tiểu bang Washington. Sau này anh kể lại với đài CNN: “Tôi đã chú ý tới cô gái ngay khi cô vừa bước lên xe. Vì cô có mái tóc đỏ rất đẹp”. Khi cô gái ngủ ngả đầu trên vai anh, anh không biết phản ứng ra sao nên để kệ, trong lòng vừa vui vừa hồi hộp. Anh không biết cô muốn đi tới đâu nên sợ cô lỡ ga xuống.  Khi xe đò Greyhound dừng ở ga Nisqually Hill trên xa lộ số 5, không xa căn cứ Forth Lewis mấy. Anh chàng lính trẻ nhớ lại: “Phải mất một thời gian dài tôi mới lấy hết can đảm, nói với giọng run run: ‘Hi!’”

Khi Ruth thức giấc, họ có nói chuyện với nhau. Cô Ruth nhắc lại: “Toàn những chuyện vớ vẩn làm quen. Đại loại như, ‘Tên bạn là gì? Bạn khỏe không? Bạn đi đâu? Và chúng tôi thấy có một điểm chung: cả hai đều trở lại nơi làm việc tiếp tục cày sau những ngày nghỉ lễ”. Khi xe dừng ở trạm Fort Lewis, Andy xách chiếc ba lô dợm bước xuống, anh quay qua Ruth hỏi: “Chúng ta trao đổi địa chỉ được không?”. Ruth đồng ý. Cô kể lại: “Vậy là khi xe vừa dừng tại Fort Lewis, tôi đã cho anh địa chỉ. Bác tài hơi khó chịu khi phải chờ tôi viết. Bác cho biết xe của bác phải chạy đúng theo giờ quy định, không chậm trễ được. Vậy là hai người mới vừa hết xa lạ đã phải rời nhau, chẳng biết có còn gặp lại không”.

Trong thư đầu tiên Andy đã bóng gió hỏi Ruth có thể là “một người” của anh được không? Ruth hồi âm cho biết cô đã hứa hôn với một người quen nhau từ hồi còn nhỏ. Cô cho anh biết ý trung nhân của cô phục vụ trong Không Quân và hai người đã một năm chưa gặp nhau. Cô đã phân vân khi cho Andy địa chỉ nhưng cuối cùng cô vẫn viết trên giấy. “Tôi nghĩ chẳng có hại chi khi trao đổi thư từ với nhau”. Andy có vẻ thất vọng khi là kẻ đến sau nhưng anh vẫn viết cho Ruth. “Tôi chẳng biết tôi đứng ở đâu”. Vận may đứng ở phía anh khi anh chàng lính Không Quân bất thần hủy lới hứa hôn với Ruth. Cô nàng khá bất ngờ nhưng không buồn nhiều. Cô tâm sự với cô bạn chung phòng. Cô này có óc thực tế nên xúi Ruth: “Bồ không phải ngồi buồn bã trong căn phòng chật chội này làm chi. Hãy tìm người khác. Cái anh chàng bồ gặp trên xe buýt đâu? Viết thư báo tin cho chàng ta biết bồ không còn ràng buộc chi. Nếu bồ không lấy giấy bút ra viết thư ngay, tớ sẽ tìm cho vài anh chàng khác tới rủ bồ đi chơi mỗi đêm!”. Ruth không phải là týp người ưa la cà hàng quán vào ban đêm nên vội viết thư cho Andy. Andy mừng rỡ trả lời ngay. Thư đi tin lại, họ chờ thư của nhau mỗi ngày. Ruth cho biết: “Chúng tôi chia sẻ với nhau những sở thích hàng ngày, những ước muốn về tương lai”.

Ít tuần sau, Ruth viết thư cho Andy biết nàng muốn dọn về ở lại với cha mẹ. Andy chớp ngay cơ hội muốn giúp Ruth dọn nhà. Anh kể lại: “Vậy là tôi tới, gõ cửa nhà và Ruth vội mở cửa. Sau đó là…lịch sử!”. Hai người hết sức hợp ý nhau. Andy vội hỏi ngày 22 tháng 8 này Ruth có bận chuyện gì không? Cô nàng ngạc nhiên trả lời: “Sao mà biết được. Có chuyện chi không?”. Andy tỉnh queo trả lời: “Ờ! Anh nghĩ chúng ta sẽ làm lễ cưới vào ngày đó”. Ruth cho là chuyện giỡn nên trả lời: “Đừng tưởng bở!”. Khi hai người ngồi cạnh nhau trên xe đò Greyhound lần thứ hai, lần này từ Seattle về Olympia, Ruth biết là cô sẽ không bao giờ xa Andy được nữa. Andy dùng chiêu chi để khiến Ruth ngã đổ: anh hát. Không biết anh nỉ non những chi nhưng đó là những tình ca lãng mạn. Anh có hát nhạc Ngô Thụy Miên không? Chắc chắn là không nhưng tôi nghĩ tới tình ca Ngô Thụy Miên vì Olympia là chốn định cư của nhạc sĩ này từ ngày ông qua Mỹ. Nếu Andy hứng chí ngâm thơ thì tôi lại nghĩ tới thơ tình của Trần Mộng Tú vì Seattle là quê hương thứ hai của nhà thơ nữ có những vần thơ mượt mà này.

Thư qua thư lại dồn dập hàng tuần chở theo nỗi niềm của hai người yêu nhau. Cuối tuần, nếu Andy mượn được xe của quân đội, hai người lại dung dăng dung dẻ bên nhau. Andy nhớ lại: “Chúng tôi nắm tay nhau, vừa đi vừa chuyện trò rả rích”.

Ngày 4/7/1963, hai người cùng nhau hưởng những ngày nghỉ lễ Độc Lập, Ruth trao cho Andy một bao thư dày cộm. Bên trong là tấm thiệp cưới. Andy hoảng hốt. Anh tưởng Ruth thành hôn với anh bạn thời thơ ấu cũ. Anh nhớ lại: “Tôi vội vàng mở ra đọc. Khi đó tôi rất hoang mang và thất vọng cho tới khi nhìn tên chú rể. Tên tôi!”. Ruth cho biết vào một ngày trong tuần, ngồi nhớ Andy. Nhớ tới lời cầu hôn mà Andy nhắc đi nhắc lại vài lần trước đó, cô ra nhà in nhờ in thiệp cưới. Khi đó cô nàng chẳng có một kế hoạch chi cho đám cưới. Cô chỉ nhớ tới cái ngày 22 tháng 8 mà Andy định ra trước đây khi hai người gặp nhau lần thứ hai mà khi đó cô tưởng là một trò đùa vui. Vậy là trò đùa thành sự thật. Họ quyết định tay trong tay  tiến lên cung thánh vào ngày 22/8/1963. Nhà thờ mà họ chọn là thánh đường Ruth vẫn dự lễ từ ngày nhỏ. Ruth trở thành bà Ruth Weller!

Họ mời khoảng một trăm khách nhưng số người tới tham dự lên tới hai trăm, gấp đôi. Vui nhưng làm họ nhức đầu. Chiếc bánh cưới không thể tự nó phồng lên gấp đôi được. Đôi tân hôn phải cho người ra tất cả các tiệm bánh trong vùng, vơ vét hết mọi thứ bánh.

Đôi vợ chồng trẻ thu xếp công việc để có thể sống bên nhau. Andy giải ngũ, về làm công chức tại tiểu bang Washington. Ruth cũng cùng làm công chức tại đây. Họ sanh được ba người con và dọn về Yakima, cũng trong tiểu bang Washington. Bên cạnh niềm vui với con cái, họ cũng gặp những trường hợp bất như ý. Cô con gái lớn Joanne khi sanh ra bị “hội chứng Maffuci”, một chứng bệnh hiếm về xương. Cô là khách hàng thường xuyên của xe cấp cứu ngay từ khi sanh ra nhưng lớn lên trở thành một phụ nữ xuất sắc, sanh hạ được một bé trai. Cô mới mất vài năm trước. Ruth nhắc lại thời kỳ khó khăn này: “Đúng, chúng tôi đã trải qua một thời gian khó khăn. Nhưng chúng tôi cũng có những ngày sống hạnh phúc. Đó là những gì chúng ta phải gánh chịu và làm cho chúng ta gắn bó với nhau hơn. Hãy nhớ chính những sự việc này làm cho chúng ta đi tới tốt hơn…Kể ra cũng hơi hiếm khi hai người không quen biết chi nhau lại nối kết trên một chuyến xe Greyhound. Tôi cho là một phép lạ khi chúng tôi vợ chồng với nhau lâu dài tới vậy”.

Tháng 8 năm nay, Andy 83 tuổi và Ruth 80 tuổi, đã kỷ niệm 61 năm ngày cưới. Nhưng Giáng Sinh cũng là một kỷ niệm đáng nhớ của hai người. Mỗi năm, vào dịp Giáng Sinh, con cháu gồm 4 cháu và 10 chắt về tụ họp để nhắc nhở lại cuộc gặp gỡ của hai người vào Giáng Sinh 62 năm trước. Năm 1962!

Chúng ta đang bước vào những ngày Giáng Sinh tưng bừng. Tôi kể lại chuyện tình này như một món quà Giáng Sinh cho tất cả chúng ta, món quà mà Andy và Ruth tin là do Thiên Chúa mang tới cho họ. Riêng tôi, từ nay tôi nhìn những chiếc xe đò Greyhound với cặp mắt khác, như là những chuyến xe hạnh phúc.        

SONG THAO
Tháng 12/2024                                                                          

Monday, December 16, 2024

3668. Thơ HOÀNG XUÂN SƠN Tự truyện.

Nguồn ảnh: Pinterest

 

khi bảo xuân sơn đừng ló dạng

điệu buồn trên núi đã lan xa

mặt hồng sao lãnh như bờ đá

để cái lau xanh bỗng chốc già

 

em đừng ngạc nhiên tên réo gọi

mã phu sớm dắt ngựa quay về

chạng vạng tối thui như bờm gió

chiếc rìu lâm lụy dưới chân đê

 

dằng dặc đau cơn đau trầm thống

thiêng mộc cứa nát mảnh tim buồn

ai nỡ bôi màu lên nếp tẻ

để ráng chiều hiện thực mưa tuôn

 

em có thực đời ta cũng thật

vòng quay nan hoa chóa nỗi niềm

sương khuya chưa chắc tràn mật thất

chỉ mình ta trườn một nỗi đêm

 

cứ ngỡ như là minh mông gọi

phù sa tên cũ bến sông nằm

em mới như là tân nhân của

đánh tráo đời kỷ niệm vô âm

 

h o à n g x u â n s ơ n

14 dec 24

Sunday, December 15, 2024

3667. Nữ ca sĩ người Iran bị bắt vì không đeo khăn trùm đầu trong một buổi trình diễn

Nữ ca sĩ Parastoo Ahmady

Một nữ ca sĩ đã bị chính quyền Iran bắt giữ vì không đeo khăn trùm đầu khi trình diễn trực tuyến trên YouTube. Ca sĩ Parastoo Ahmady, 27 tuổi,  đã bị bất hốm thứ Năm, 12/12/2024,với tội danh vi phạm quy định về trang phục của Cộng hòa Hồi giáo Iran đối với phụ nữ.

Khi đăng video lên YouTube, Ahmady nói: "Tôi là Parastoo, một cô gái muốn hát cho những người tôi yêu thương. Đây là một quyền mà tôi không thể bỏ qua; hát cho mảnh đất mà tôi yêu say đắm."

Buổi trình diễn trực tuyến của cô đã thu hút hơn 1,4 triệu lượt xem và cô đã được  nhiều người trên mạng khen ngợi vì sự dũng cảm của mình.

Luật sư của cô, Milad Panahipour, cho biết vào hôm thứ Bảy rằng cô đã bị bắt giữ ở phía bắc Iran, trong khi hai nhạc sĩ trong ban nhạc của cô bị bắt tại phòng thu âm của họ ở Tehran.

Năm 2022, Iran đã chứng kiến một làn sóng biểu tình lớn sau cái chết trong tù của một phụ nữ người Kurd Iran, Jina Mahsa Amini. Người phụ nữ này bị bỏ tù vì đeo khăn trùm đầu không đúng với qui định của chính phủ.

PCH (Theo Euronews)

Bấm vào đường dẫn dưới đây
để xem buổi trình diễn trực tuyến (27 phút)
của Parastoo Ahmady:

Friday, December 13, 2024

3666. Album MÂY KHÓI QUÊ NHÀ 10 ca khúc Vĩnh Diện phổ thơ Phạm Cao Hoàng Ca sĩ Ngọc Quy



MÂY KHÓI QUÊ NHÀ

10 ca khúc Vĩnh Diện

 phổ thơ Phạm Cao Hoàng

Ca sĩ Ngọc Quy

 *

01. Mây khói quê nhà

02. Mai kia tôi là hạt bụi

03. Sóm mai thức dậy mình về Việt Nam

04. Dưới trời Đông Bắc

05. Bên trời tuyết lạnh

06. Nhớ một dòng sông

07. Đóa hoa hồng trong tuyết

08. Nhớ ngôi trường bên núi Nhạn sông Đà

09. Giã từ năm cũ

10. Dù sao vẫn cám ơn đời

 

Bấm vào đường dẫn dưới đây để nghe:

3665. GIÁNG SINH MỖI NGÀY WILLIAM DEAN HOWELLS (1837 - 1930) Nhà văn Hoa Kỳ THÂN TRỌNG SƠN dịch và giới thiệu

Nhà văn William Dean Howells (1837 - 1930)


“ Hãy sống tất cả những gì bạn có thể. Đó là một sai lầm nếu không làm vậy.  Bạn  làm gì không quan trọng - nhưng hãy sống. Nơi này khiến mọi thứ đi qua tôi. Tôi thấy nó bây giờ. Tôi đã không làm như vậy - và bây giờ tôi đã già rồi. Đã quá muộn rồi. Nó đã đi qua tôi - tôi đã đánh mất nó. Bạn có thời gian. Bạn còn trẻ. Hãy sống !"

“ Live all you can. It's a mistake not to. It doesn't matter what you do -- but live. This place makes it all come over me. I see it now. I haven't done so -- and now I'm old. It's too late. It has gone past me -- I've lost it. You have time. You are young. Live!”

William Dean Howells là một tiểu thuyết gia, nhà phê bình văn học và nhà viết kịch theo chủ nghĩa hiện thực người Mỹ, biệt danh là "The Dean of American Letters". Ông đặc biệt được biết đến với vai trò là biên tập viên của tờ The Atlantic Monthly, cũng như các tiểu thuyết The Rise of Silas Lapham và A Traveller from Altruria, và câu chuyện Giáng sinh "Christmas Every Day" được chuyển thể thành phim năm 1996 của The Atlantic Monthly. cùng tên.

William Dean Howells sinh ngày 1 tháng 3 năm 1837 tại Martinsville, Ohio (nay là Martins Ferry, Ohio), với William Cooper Howells và Mary Dean Howells, là con thứ hai trong gia đình có 8 người con. Ông có tổ tiên là người xứ Wales, người Đức, người Ireland và người Anh. Cha của ông là biên tập viên báo và thợ in, người thường xuyên di chuyển khắp Ohio. Năm 1840, gia đình định cư ở Hamilton, Ohio,nơi cha ông giám sát một tờ báo Whig và theo chủ nghĩa Thụy Điển. Chín năm ở đó là khoảng thời gian dài nhất họ ở một nơi. Gia đình phải sống đạm bạc, mặc dù cậu bé Howells được cha mẹ khuyến khích đam mê văn chương. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã bắt đầu giúp đỡ cha mình trong công việc sắp chữ và in ấn, một công việc được mệnh danh là thợ in vào thời điểm đó. Năm 1852, cha ông đã sắp xếp để một trong những bài thơ của ông được đăng trên Tạp chí Bang Ohio mà không nói cho ông biết.

Năm 1856, Howells được bầu làm thư ký tại Hạ nghị viện. Năm 1858, ông bắt đầu làm việc tại Tạp chí Bang Ohio, nơi ông viết thơ và truyện ngắn, đồng thời dịch các tác phẩm từ tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Đức. Ông say mê học tiếng Đức và các ngôn ngữ khác và rất quan tâm đến Heinrich Heine. Năm 1860, ông đến thăm Boston, Massachusetts và gặp gỡ các nhà văn James T. Fields, James Russell Lowell, Oliver Wendell Holmes Sr., Nathaniel Hawthorne, Henry David Thoreau và Ralph Waldo Emerson. Ông đã trở thành bạn thân của nhiều người trong số họ, bao gồm Henry Adams, William James, Henry James và Oliver Wendell Holmes Jr.

Năm 1860, Howells viết tiểu sử về chiến dịch tranh cử của Abraham Lincoln : Cuộc đời của Abraham Lincoln và sau đó giành được chức lãnh sự ở Venice. Ông kết hôn với Elinor Mead vào đêm Giáng sinh năm 1862 tại đại sứ quán Mỹ ở Paris. Cô là em gái của nhà điêu khắc Larkin Goldsmith Mead và kiến trúc sư William Rutherford Mead của công ty McKim, Mead và White. Trong số những người con của họ có kiến trúc sư John Mead Howells.

Howells và gia đình trở về Hoa Kỳ vào năm 1865 và định cư tại Cambridge, Massachusetts. Ông viết cho nhiều tạp chí khác nhau, trong đó có The Atlantic Monthly và Harper's Magazine. Vào tháng 1 năm 1866, James Fields đề nghị ông làm trợ lý biên tập tại The Atlantic Weekly; anh ấy đã chấp nhận sau khi thương lượng thành công để có mức lương cao hơn, mặc dù anh ấy cảm thấy thất vọng trước sự giám sát chặt chẽ của Fields.

Howells được bổ nhiệm làm biên tập viên vào năm 1871, sau 5 năm làm trợ lý biên tập, và ông giữ chức vụ này cho đến năm 1881. Năm 1869, ông gặp Mark Twain, người mà ông đã hình thành một tình bạn trọn đời. Nhưng mối quan hệ của ông với nhà báo Jonathan Baxter Harrison quan trọng hơn đối với sự phát triển phong cách văn học và sự ủng hộ của ông đối với Chủ nghĩa Hiện thực. Harrison đã viết một loạt bài cho tờ The Atlantic Monthly trong những năm 1870 về cuộc sống của những người Mỹ bình thường. Howells đã giảng một loạt 12 bài về "Các nhà thơ Ý của thế kỷ chúng ta" cho Viện Lowell trong mùa giải 1870–71.

Howells xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên Hành trình đám cưới của họ vào năm 1872, nhưng danh tiếng văn học của ông gắn liền với cuốn tiểu thuyết hiện thực A Modern Instance (1882), mô tả sự tan vỡ của một cuộc hôn nhân. Cuốn tiểu thuyết The Rise of Silas Lapham năm 1885 của ông đã trở thành tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, mô tả sự thăng trầm của một doanh nhân người Mỹ trong lĩnh vực kinh doanh sơn. Quan điểm xã hội của ông cũng được thể hiện mạnh mẽ trong các tiểu thuyết Annie Kilburn (1888), A Hazard of New Fortunes (1889) và An Imperative Duty (1891).

Howells đặc biệt phẫn nộ trước những phiên tòa xét xử từ vụ Haymarket, khiến anh ta miêu tả một cuộc bạo loạn tương tự trong A Hazard of New Fortunes và viết công khai để phản đối phiên tòa xét xử những người đàn ông được cho là có liên quan đến vụ việc. Trong các bài viết trước công chúng và trong tiểu thuyết của mình, ông đã thu hút sự chú ý đến các vấn đề xã hội cấp bách vào thời điểm đó. Ông tham gia Liên đoàn Chống Đế quốc vào năm 1898, phản đối việc Hoa Kỳ sáp nhập Philippines.

Những bài thơ của ông được sưu tầm vào năm 1873 và 1886, và một tập được xuất bản năm 1895 với tựa đề Điểm dừng của nhiều loại bút lông. Ông là người khởi xướng trường phái các nhà hiện thực Mỹ, và ông không mấy thiện cảm với bất kỳ thể loại tiểu thuyết nào khác. Tuy nhiên, ông thường xuyên khuyến khích các nhà văn mới, những người mà ông khám phá ra những ý tưởng mới hoặc kỹ thuật hư cấu mới, chẳng hạn như Stephen Crane, Frank Norris, Hamlin Garland, Harold Frederic, Abraham Cahan, Sarah Orne Jewett và Paul Laurence Dunbar.

Năm 1902, Howells xuất bản Chuyến bay của Pony Baker, một cuốn sách dành cho trẻ em, một phần lấy cảm hứng từ thời thơ ấu của chính ông. Cùng năm đó, ông mua một ngôi nhà mùa hè nhìn ra sông Piscataqua ở Kittery Point, Maine. Ông trở lại đó hàng năm cho đến khi Elinor qua đời khi ông để lại ngôi nhà cho con trai và gia đình và chuyển đến một ngôi nhà ở Cảng York. Cháu trai của ông, John Noyes Mead Howells, đã tặng tài sản này cho Đại học Harvard làm đài tưởng niệm vào năm 1979. Năm 1904, ông là một trong bảy người đầu tiên được chọn làm thành viên của Học viện Văn học và Nghệ thuật Hoa Kỳ, nơi ông trở thành chủ tịch.

Vào tháng 2 năm 1910, Elinor Howells bắt đầu sử dụng morphine để điều trị chứng viêm dây thần kinh ngày càng trầm trọng của mình. Cô qua đời vào ngày 6 tháng 5, vài ngày sau sinh nhật của cô và chỉ hai tuần sau cái chết của Mark Twain, bạn của Howells. Henry James gửi lời chia buồn, viết "Tôi nghĩ về vết rách này trong cuộc đời bạn với cảm giác vô hạn về tất cả những gì nó sẽ có ý nghĩa đối với bạn". Howells và con gái Mildred quyết định dành một phần thời gian trong năm tại ngôi nhà Cambridge của họ trên Đại lộ Concord; tuy nhiên, nếu không có Elinor, họ thấy nó "đáng sợ vì sự ma quái và ghê rợn".

Howells chết trong giấc ngủ ngay sau nửa đêm ngày 11 tháng 5 năm 1920, vì bệnh cúm và được chôn cất tại Cambridge, Massachusetts.Tám năm sau, con gái ông xuất bản thư từ của ông như một cuốn tiểu sử về cuộc đời văn chương của ông.

Ngoài các tác phẩm sáng tạo của riêng mình, Howells còn viết phê bình và tiểu luận về các nhân vật văn học đương đại như Henrik Ibsen, Émile Zola, Giovanni Verga, Benito Pérez Galdós, và đặc biệt là Leo Tolstoy, người đã giúp tạo dựng danh tiếng của họ ở Hoa Kỳ. Ông cũng viết bài phê bình ủng hộ các nhà văn Mỹ Hamlin Garland, Stephen Crane, Emily Dickinson, Mary E. Wilkins Freeman, Paul Laurence Dunbar, Sarah Orne Jewett, Charles W. Chesnutt, Abraham Cahan, Madison Cawein và Frank Norris. Trong chuyên mục "Nghiên cứu của biên tập viên" trên tờ The Atlantic Monthly và sau đó, tại Harper's, ông đã xây dựng và phổ biến các lý thuyết của mình về chủ nghĩa hiện thực trong văn học. Howells coi chủ nghĩa hiện thực là "không hơn không kém việc xử lý vật chất một cách trung thực."

Howells tin rằng tương lai của văn học Mỹ không phải ở thơ mà là tiểu thuyết, một thể loại mà ông nhận thấy đang chuyển từ "lãng mạn" sang một thể loại nghiêm túc.

Howells là một nhà xã hội Thiên chúa giáo có lý tưởng chịu ảnh hưởng lớn từ nhà văn Nga Leo Tolstoy. Ông gia nhập một nhóm xã hội Cơ đốc giáo ở Boston từ năm 1889 đến năm 1891 và tham dự một số nhà thờ, bao gồm First Spiritual Temple và Church of the Carpenter, sau này được liên kết với Giáo hội Tân giáo và Hiệp hội các nhà xã hội Cơ đốc giáo. Những ảnh hưởng này đã khiến ông viết về các vấn đề công bằng xã hội từ quan điểm đạo đức và quân bình, đồng thời phê phán những tác động xã hội của chủ nghĩa tư bản công nghiệp. Tuy nhiên, ông không phải là người theo chủ nghĩa Marx.

Lưu ý đến "bộ phim tài liệu" và giá trị trung thực của tác phẩm của Howells, Henry James đã viết "Từng nét một và từng cuốn sách mà tác phẩm của bạn đã trở thành, nhờ ký hiệu tinh tế này về toàn bộ ánh sáng và bóng tối dân chủ của chúng ta cũng như cho và nhận, trong bộ phim tài liệu ở mức độ cao nhất." .Tiểu thuyết gia người Anh cuối thế kỷ 19 George Gissing đã đọc hai tác phẩm của Howells, Cái bóng của một giấc mơ và Trách nhiệm đáng sợ, gọi tác phẩm sau là "sự tầm thường ngớ ngẩn". Bliss Perry coi kiến thức về tác phẩm của mình là yếu tố quan trọng để hiểu được tiểu thuyết tỉnh lẻ của Mỹ và tin rằng "trong sự nghiệp lâu dài của mình, ông chưa bao giờ viết một trang thiếu chân thành, cẩu thả hoặc không phù hợp." Mark Twain coi Howells không chỉ đơn thuần là với tư cách là một nhà văn có tài năng khác thường nhưng thực tế lại là tài năng bậc nhất.

Giấc mơ của mọi đứa trẻ (và cả cơn ác mộng!). Giáng sinh mỗi ngày được xuất bản trong tuyển tập của William Dean Howells, Giáng sinh mỗi ngày và những câu chuyện khác được kể cho trẻ em (1892).

Đọc tiếp...